Đọc sách: Một phút tự do, tập truyện ngắn - tùy bút của Elena Pucillo Truong, Nhà Xuất Bản Văn Hóa Văn Nghệ , tháng 10. 2014
Hầu hết những truyện ngắn của Elena Pucillo Trương trong tập này đều thể hiện một đặc điểm quen thuộc của thể loại: nắm bắt cái khoảnh khắc của đời sống để làm hiện lên chân dung tinh thần và yếu tính tự do của con người.
Đó là phút mặc khải khi người mẹ chồng bấy lâu nuôi định kiến với người con dâu, bỗng một ngày nhận ra sợi dây mật thiết gắn bó hai người qua một mầm sống mới tượng hình, nhờ đó trút bỏ vẻ lãnh đạm và ích kỷ thường ngày để tìm lại sự dịu dàng và bao dung vốn có của mình.
Đó là những giờ phút hai anh em ruột thịt gặp lại nhau sau mười năm xa cách, trong căn nhà thời thơ ấu, nơi diễn ra đám tang của người cha thô bạo đã để vết hằn trên hai trái tim thơ dại. Trong cái khoảnh khắc từ giã, khi người anh tặng lại em chiếc đầu máy xe lửa chạy bằng pin mà người cha mua tặng một mùa giáng sinh xa lắc, dòng nước mắt bỗng rửa trôi tất cả những uất ức, căm hận.
Đó là một phút tự do khi người đàn bà quyền lực khô khốc, khó tính và cáu bẳn vì ngập đầu trong công việc, bỗng một buổi sáng kia muốn vượt thoát ra khỏi cái guồng máy quay đều làm ngạt thở để tìm lại bản tính thật của mình.
Đó là thời khắc của ngày cuối năm, sau bao ngày chờ đợi, người ni sư già gặp lại người đệ tử đã bỏ chùa ra đi không tăm tích, nay trở về với đứa con bé bỏng trong tay.
Đó là thoáng chốc hai người trẻ tuổi chưa quen biết trao cho nhau ánh mắt dịu dàng và nụ cười thân mật trên chuyến tàu về quê ăn Tết.
Đó là thời điểm định mệnh, ngẫu nhiên hay có chọn lựa, mà cặp vợ chồng già hay đôi tình nhân trẻ cùng nhau đi đến cái chết để giữ trọn một tình yêu đẹp…
Trừ truyện ngắn Trước khi màn hạ, ngòi bút nhân hậu của Elena Pucillo Trương như chỉ viết về tình liên đới, lòng trắc ẩn, sự bao dung và tha thứ của con người. Trên tất cả, đó cũng chính là những khoảnh khắc của yêu thương, như tác giả viết qua ý nghĩ của một nhân vật: “Tình yêu đã bùng nổ trong một lát nhưng đã theo tôi đến suốt đời người”.
Elena không chỉ nắm bắt mà còn biết cách miêu tả những khoảnh khắc, làm cho nó kéo dài ra, thu hút sự chú ý của người đọc, chẳng hạn khi chị tái hiện hình ảnh bà Viên Trân chiết trà ướp sen mời khách: “Tôi có cảm giác là thời gian đã ngưng lại trong khoảnh khắc đó: chẳng quan trọng là mình đang ở đâu, đang làm gì, ở đây không có chỗ cho quá khứ với những muộn phiền mà cũng chẳng còn chỗ cho tương lai với bao ẩn số”. Và tác giả gọi đó là “khoảnh khắc vô tận”: ngắn ngủi về thời gian vật lý, nhưng vô tận về hiệu ứng tâm linh.
Với chủ đề Carpe diem/ Nắm bắt khoảnh khắc, Elena đã từ một nouvelliste trở thành một essayiste khi chị bình luận về những vần thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương: “Và trong hầu hết các bài thơ của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đều có phản chiếu tư tưởng này, bà trải lòng với người đọc rằng cuộc đời này là duy nhất, nhắc chúng ta biết đó là một quà tặng duy nhất và tuyệt vời của tạo hóa mà chúng ta đang có và vì thế cần phải biết trân trọng và hãy sống với niềm vui. Thế giới bao quanh chúng ta thật tuyệt vời và sự sống chính là điều quan trọng. Bất cứ một biến cố nhỏ hay lớn nào trong cuộc đời chúng ta, từ nụ cười của em bé đến sự leo lên đỉnh một ngọn núi cao cũng đều phải cho chúng ta ý thức về tính siêu phàm của cuộc sống”.
Thế giới này vô thủy vô chung, nhưng được tạo dựng từ những khoảnh khắc được chiếu sáng từ trái tim nhân ái của con người.
Đó là những đốm sáng lóe lên trên đường đời dằng dặc, giúp mình gắng đi cho trọn dù chỉ một chặng ngắn ngủi của thời gian.
(Tháng 6.2014)