Tạp chí Nghiên cứu văn học dành trọn số 4-2015 kỳ này làm chuyên san đặc biệt kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2015) với hai chủ điểm chính.
Thứ nhất, các bài viết của hai nhà nghiên cứu Đinh Xuân Dũng – Lã Nguyên hướng đến khái quát thành tựu văn học chống Mỹ cứu nước trên các phương diện nội dung tư tưởng, thể loại và tác gia tiêu biểu; thứ hai, giới thiệu các công trình nghiên cứu mới nhất của Khoa Văn học và Ngôn ngữ (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) với ý nghĩa một trung tâm nghiên cứu và giảng dạy chất lượng cao của cả nước, gắn với thành quả 40 năm thống nhất đất nước.
Năm 1975, ngay sau Giải phóng, Tổ Ngữ văn (tiền thân của Khoa Văn học và Ngôn ngữ ngày nay) được hình thành từ hai nguồn giảng viên chính: từ Đại học Tổng hợp Hà Nội với các giáo sư: Mai Cao Chương, Lê Đình Kỵ (1923-2009) , Chu Xuân Diên, Hoàng Như Mai (1919-2013), Nguyễn Lộc, Trần Thanh Đạm, Lương Duy Thứ…; từ Ban Văn chương Việt Nam và Ban Hán văn của Đại học Văn khoa Sài Gòn với các giáo sư: Bửu Cầm (1920-2010), Nguyễn Văn Trung, Trần Trọng San (1930-1999), Lưu Khôn, Huỳnh Minh Đức, Nguyễn Khuê…Thế hệ sinh viên đầu tiên học ở cả hai thời kỳ trước và sau giải phóng hiện nay đã trờ thành các giảng viên - nhà nghiên cứu trụ cột của Khoa như các giáo sư, tiến sĩ: Huỳnh Như Phương, Võ Văn Nhơn, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Nguyễn Ngọc Quận, Phan Xuân Viện, Đoàn Lê Giang, Đoàn Ánh Loan, Nguyễn Nam… Khoa Văn học và Ngôn ngữ cũng là nơi quy tụ các nhà nghiên cứu từ nhiều nguồn trong và ngoài nước tạo thành lực lượng nghiên cứu và giảng dạy hùng mạnh: Nhật Chiêu, Phan Thị Yến Tuyết, Phan Thu Hiền (hai vị đã chuyển sang khoa khác), Lê Tiến Dũng, Đào Ngọc Chương, Nguyễn Công Lý, Nguyễn Hữu Hiếu, Trần Thị Thuận, Trần Thị Phương Phương…Thế hệ bốn mươi, ba mươi tuổi cũng dần dần khẳng định được vị trí của mình như các phó giáo sư, tiến sĩ được đào tạo bài bản: Trần Lê Hoa Tranh, Lê Quang Trường, Phan Mạnh Hùng, La Mai Thi Gia và nhiều thạc sĩ khác. Các vấn đề của lý luận-phê bình hiện đại, văn học thế giới, văn học so sánh (đặc biệt là so sánh văn học Việt Nam trong khu vực văn hóa Đông Á), văn học dân gian, Hán Nôm và quốc ngữ Nam Bộ, văn học đô thị miền Nam trước 1975…là những nghiên cứu mũi nhọn, đạt nhiều thành quả, tạo được uy tín trong nước và cả khu vực.
Nhân kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước và 40 năm hoạt động của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Tạp chí Nghiên cứu văn học – Viện Văn học chúc mừng thành công của Khoa và trân trọng giới thiệu số chuyên san cùng bạn đọc.