LỜI NÓI ĐẦU
Nguyễn Du (1765-1820) là nhà thơ vĩ đại của dân tộc. Truyện Kiều và các tác phẩm khác của ông được đánh giá là kiệt tác của văn học cổ điển Việt Nam, được nhân dân yêu quý, truyền tụng. Tác phẩm của ông được dịch ra rất nhiều thứ tiếng và được yêu mến trên thế giới. Tại phiên họp thứ 37 Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết số 37C/15 về việc kỷ niệm Nguyễn Du như một danh nhân văn hoá thế giới vào năm 2015 nhân dịp tròn 250 năm năm sinh của ông. Để vinh danh một đại thi hào dân tộc, đồng thời cũng là dịp để tìm hiểu rõ hơn về cuộc đời và những đóng góp của ông, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh quyết định tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du”. Hội thảo diễn ra vào ngày 23 tháng 12 năm 2015 tại Trường.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 100 tham luận từ các nơi gửi đến, xa nhất là từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, gần hơn thì có các tác giả trong nước, từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, cơ quan văn hóa ở Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh. Các bài viết tập trung vào một số vấn đề sau:
1. Cuộc đời Nguyễn Du, tâm sự Nguyễn Du qua thơ chữ Hán và giá trị của bộ phận thơ ca này
2. Những vấn đề về văn bản và tư tưởng Truyện Kiều
3. Giá trị văn chương Truyện Kiều
4. Vấn đề tiếp nhận Truyện Kiều
5. Truyện Kiều và văn học thế giới.
Ban tổ chức đã tập hợp các bài viết lại và giao cho Ban Biên tập đọc duyệt. Ban biên tập bao gồm các nhà nghiên cứu có uy tín cao, nhiều vị trong đó là những chuyên gia về Nguyễn Du và Truyện Kiều:
1. |
PGS.TS Đoàn Lê Giang |
ĐH KHXH&NV TP.HCM |
Trưởng ban |
2. |
PGS.TS Phạm Tú Châu |
Viện Văn học |
Ủy viên |
3. |
PGS.TS Nguyễn Kim Châu |
Đại học Cần Thơ |
Ủy viên |
4. |
TS. Nguyễn Tuấn Cường |
Viện Hán Nôm |
Ủy viên |
5. |
TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh |
ĐH KHXH&NV TP.HCM |
UV Thư ký |
6. |
GS.TS Huỳnh Như Phương |
ĐH KHXH&NV TP.HCM |
Ủy viên |
7. |
PGS.TS. Trần Thị Phương Phương |
ĐH KHXH&NV TP.HCM |
Ủy viên |
8. |
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn |
Viện Văn học |
Ủy viên |
9. |
GS.TS Trần Đình Sử |
Trường ĐHSP HN |
Ủy viên |
10. |
PGS.TS Nguyễn Thành Thi |
ĐHSP TP.HCM |
Ủy viên |
11. |
PGS.TS. Trần Lê Hoa Tranh |
ĐH KHXH&NV TP.HCM |
Ủy viên |
12. |
PGS.TS. Trần Nho Thìn |
ĐH KHXH&NV HN |
Ủy viên |
13. |
GS.TS. Trần Ngọc Vương |
ĐH KHXH&NV HN |
Ủy viên |
Từ các tham luận gửi đến Hội thảo, Ban biên tập đã chọn ra 81 bài để đưa vào Kỷ yếu và cũng chính là các bài được báo cáo chính thức trong Hội thảo. PGS.TS Đoàn Lê Giang và GS Huỳnh Như Phương được phân công cân nhắc tuyển chọn và đọc duyệt lại lần cuối cùng. Vì số trang có hạn, nên tập Kỷ yếu này không thể in được hết tất cả, mà chỉ chọn những bài liên quan trực tiếp đến đề tài và có những phát hiện mới có ý nghĩa.
Tập sách này hoàn thành, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn đến Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP.HCM và cá nhân ông Hiệu trưởng PGS.TS Võ Văn Sen đã chỉ đạo sát sao và dành kinh phí cho Hội thảo. Trân trọng cám ơn quý vị giáo sư, các nhà nghiên cứu, nhà văn trong nước đã dành thì giờ, công sức để viết những báo cáo tâm huyết nhất tham gia Hội thảo. Cuối cùng xin trân trọng cám ơn NXB. Đại học Quốc gia TP.HCM đã hoàn tất những khâu cuối cùng trong thời gian gấp rút để tập sách có thể đến tay bạn đọc. Tập sách dày lại hoàn thành trong thời gian rất eo hẹp, chắc chắn sẽ có nhiều sơ sót, kính xin quý vị độc giả lượng thứ và chỉ giáo. Trân trọng cám ơn.
TP.Hồ Chí Minh, tháng 12 năm 2015
Ban biên tập