Giới thiệu cuốn “Lô gích – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt” của GS. TS Nguyễn Đức Dân

1. Tháng 6 năm 2016, Nxb Trẻ TP Hồ Chí Minh đã in và phát hành cuốn sách “Lô gích – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt” của GS. TS Nguyễn Đức Dân.Cuốn sách này được viết dựa vào các bài viết đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và các công trình khác từ 40 năm qua trên cơ sở có chỉnh lý, bổ sung và viết cho liền mạch lại từng vấn đề theo một định hướng nhất định. Sách khổ 14 cm x20cm, dày 384 trang có 4 chương và các phần: tài liệu tham khảo, dẫn liệu ngôn ngữ và một phụ lục ngắn. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về từng chương.

 

2. Chương 1: Câu chất vấn – bác bỏ và những từ phiếm định.

 

2.1 Khái niệm chất vấn: Từ điển tiếng Việt (TĐTV) Hoàng Phê (chủ biên) [2] định nghĩa: Chất vấn đg. là “Hỏi và yêu cầu phải giải thích rõ ràng”. Ví dụ: Đại biểu quốc hội chất vấn chính phủ.

 

Sách này không đề cập đến loại câu chất vấn như trên mà đềcập đến loại câu chất vấn dùng đại từ phiếm định như ai, sao, gì, nào, bao giờ, v.v…. để bác bỏ một sự tình mà người nói cho là không có và kèm theo đó là bày tỏ thái độ phê phán. Ví dụ: Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng (CD).Bao giờ chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình (CD). Đố ai quét được lá rừng, v.v.

 

Lý lẽ để dẫn tới bác bỏ trong câu chất vấn bác bỏ là như sau: “ Chất vấn sự tình A, nếu người nghe không trả lời được tức không có sự tình A. Mà tôi tin rằng người nghe không trả lời được. Vậy lời chất vấn của tôi có hàm ý “Tôi bác bỏ A” [1, 25]. Ví dụ: Câu ca dao “Mấy đời bánh đúc có xương” là câu chất vấn bác bỏ. Người ta chất vấn: Có đời nào bánh đúc lại có xương không. Không ai trả lời được câu này vì không có đời nào bánh đúc lại có xương cả. Vậy, câu chất vấn này có hàm ý “ Không bao giờ có chuyện bánh đúc lại có xương”. Dân gian đã lấy câu chất vấn này làm cơ sở để so sánh. Chẳng có đời nào dì ghẻ lại thương con chồng, giống như chẳng đời nào bánh đúc lại có xương.

 

    Tại sao loại câu chất vấn này lại dùng các đại từ phiếm định? Tác giả giải thích rõ: đại từ phiếm định là đại từ không có sở chỉ (referent) và tác động tới từ phiếm định là tác động tới tất cả. Nếu trong thực tế không có sự tình nào như thế thì người nghe phải hiểu đó là câu hỏi để bác bỏ.

 

2.2 Vấn đề hiển ngôn, tiền giả định và hàm ý trong câu chất vấn.

 

Những câu chất vấn bác bỏ thường có tiền giả định là một điều phi lý. Và bác bỏ chính là bác bỏđiều phi lý đó(bác bỏ tiền giả định). Ví dụ:“Mấy đời bánh đúc có xương” có TGĐ là “bánh đúc có xương”, “Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng” có TGĐ là “Dì ghẻ thương con chồng”. Vì hành vi bác bỏ được thực hiện gián tiếp qua lời chất vấn nên người nghe ít nhiều phải suy ý vàvì thế nội dung của chất vấn là một hàm ý. Tác giả đã nêu ra nhiều ví dụ để phân tích và minh họa cho cơ chế biểu thị hàm ý của loại câu này. Ví dụ:

 

(1) Chưa làm xong bài tập sao đã đi chơi?

 

(2) Chưa làm xong bài tập đi chơi sao được?

 

(3) Chưa làm xong bài tập đi chơi được sao?

 

  Cả 3 câu trên đều có chung TGĐ là (4a): Khi nào làm xong bài tập mới được đi chơi hoặc (4b): Nếu chưa làm xong bài tập thì chưa được đi chơi. Vì người nghe (ví dụ con cái) không thực hiện điều như đã nêu trong TGĐ nên mới bị chất vấn để ngăn cản (tức bác bỏ) không cho đi chơi.

 

  Hay một câu chất vấn khác (ở trang 49):

 

(11) Có uống mẹ gì đâu mà đỡ bớt. Câu chất vấn này có các TGĐ như sau:

 

(11a) Đã có người hỏi “Đã bớt chưa?”

 

(11b) Người được hỏi bị bệnh.

 

(11c) Người bị bệnh nếu có uống thuốc thì sẽ khỏi.

 

Quá trình suy ra hàm ý bác bỏ của câu (11) là như sau: Tiền đề 1: Người bệnh nếu có uống thuốc thì sẽ khỏi (đây chính là TGĐ (11c)). Tiền đề 2: Người bệnh không uống thuốc (chính là câu chất vấn (11)). Kết luận: Người bệnh không đỡ bệnh. Như thế, hàm ý của câu (11) này (chưa đỡ bệnh) được suy ra từ việc bác bỏ TGĐ (11c).

 

  Tác giả đã phân biệt loại câu chất vấn toàn bộ và bộ phận (Xtr 62-67).

 

2.3 Tác giả đã phân tích kỹ về lô gích của các từ phiếm định, về vai trò của đại từ, từ hư, ngữ điệu trong việc tạo câu chất vấn và đã phân tích các khuôn chất vấn có dùng những từ phiếm định khác nhau.

 

3. Chương 2:Định hướng nghĩa của từ.

 

    Ở chương 2 này, tác giả trình bày 3 vấn đề lớn: 1. Ngữ nghĩa của từ hư, 2. So sánh lô gích hình thức và lô gích của tiếng Việt, 3.Phạm vi tác động của các phủ định từ.

 

Về nghĩa của các từ hư, tác giả đã phân tích các câu và chỉ ra rằng: các từ hư, ngoài nghĩa ngữ pháp như các từ điển, các sách ngữ pháp đã nêu thì còn có thể có nghĩa ngữ dụng tức hàm ý và khi đã mang hàm ý thì từ hư còn là tín hiệu định hướng nghĩa của từ, như: đánh giá cao / thấp, khen/ chê, chấp nhận / bác bỏ, v.v. Những từ hư có khi được dùng theo hàm ý là những từ như: (ít), những (nhiều), kia (cao khác thường), thôi (ít), thì có (bác bỏ), hơn nữa (bổ sung), mà lại, (giải thích), v.v. Khi các từ hư kết hợp với nhau thành cặp thì thường thể hiện một định hướng nghĩa với một hàm ý nào đó. Chẳng hạn: Tuy A nhưng B, mới A đã B, đã A mà vẫn còn B, v.v. Tác giả đã phân tích kỹ các câu nghịch nhân quả. Tác giả đã so sánh lô gích hình thức và lô gích của tiếng Việt. Những so sánh và phân tích của tác giả đã cho thấy có khi hai bên có sự tương đương nhưng có khi lại khác nhau. Chẳng hạn, trong lô gích các từ, các mệnh đề đặt trước và sau kết tử: ˄, ˅ thì có tính đối xứng còn trong tiếng Việt thì các từ, các mệnh đề đặt trước và sau các liên từ “và”, “hay”, “hoặc” thì có khi đối xứng, có khi lại không đối xứng vì nghĩa hay hàm ý có khác đi. Ví dụ những cặp câu sau có nghĩa tương đương, tức đối xứng: (1a). Mua cát và sỏi về đổ bê tông và (1b). Mua sỏi và cát về đổ bê tông; (2a). Mua rau muống hay rau dền về mà nấu canh và (2b) Mua rau dền hay rau muống về mà nấu canh”. Nhưng những cặp câu sau thì không đối xứng vì có TGĐ khác nhau. Đây là ví dụ của tác giả: (125a) Tôi tín nhiệm anh hay không tín nhiệm anh, điều đó tùy thuộc ở anh. Và (125b). Tôi không tín nhiệm anh hay tín nhiệm anh, điều đó tùy thuộc ở anh. Câu (125b) có TGĐ là: “Trước đó đã có sự thắc mắc về “không tín nhiệm”còn ở (125a)không có TGĐ đó. Các từ “”, “hay”, “hoặc” cũng không có tính chất phân phối như˄, ˅ trong lô gích (X. tr 163). Tác giả đã phân tích kỹ về phạm vi tác động của các tiểu từ phủ định (X.2.2.4 từ tr 164- 166).

 

4. Chương 3: Ngữ nghĩa của cặp từ hư

 

   Ở chương này,  tác giả trình bày những vấn đề sau:

 

1. Câu trúc nhân quả: Lô gích ngữ nghĩa của từ “thì”, 2: Cấu trúc nghịch nhân quả: Nghĩa của cặp từ hư, 3. Lô gích ngữ nghĩa của từ “”, 4. Hàm ý và lược đồ nghĩa của cấu trúc trừu tượng.

 

Vấn đề thứ nhất:cấu trúc nhân quả.Những phân tích của tác giả đã cho thấy có thể vận dụnglô gích học vào nghiên cứu ngôn ngữ. Cụ thể là tác giả đã sử dụng các qui tắc lô gích để xác định quá trình suy ý ra hàm ý và hàm ý trong câu nhân quả. Đó là các qui tắc: Modus Ponens: [Có A thì có B, có A, vậy thì có B]. Modus Tollens: [Có A thì có B, không B, vậy thì không A]; qui tắc lô gích riêng của người Việt: [Có A thì có B, vậy không A thì không B] (ví dụ: Bao giờ chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình. Suy ý ra hàm ý như sau: Câu trên có hình thức Nếu A thì B; mà A ở đây có hàm ý là không A (chẳng bao giờ có chuyện chạch lại đẻ trên ngọn đa, sáo lại đẻ dưới nước,vậy hàm ý là “Ta không lấy mình” (không B)).

 

Vấn đề thứ hai: cấu trúc nghịch nhân quả.Tác giả đã nêu những cấu trúc nghịch nhân quả (gồm nhân quả sớm và nhân quả muộn) và phân tích những hàm ý do loại cấu trúc này biểu thị. Đó là những cấu trúc như: Tuy A nhưng B, Chưa A đã B, Mới A đã B, Đã A mà vẫn B, Đã A mà cũng vẫn chưa B, v.v. Có thể vận dụng cách phân tích của tác giả để xác định hàm ý của các câu nghịch nhận quả trong đời sống hằng ngày. Ví dụ: Anh ấy cần cù nhưng kém thông minh (hàm ý chê). Anh ấy kém thông minh nhưng cần cù (hàm ý khen). Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng (hàm ý chê và đe dọa: chưa có chức quyền mà đã đe dọa người khác thì coi chừng).

 

Vấn đề thứ ba: lô gích ngữ nghĩa của từ mà. Từ “” ngoài chức năng đánh dấu các thành phần câu như định ngữ, trạng ngữ chỉ mục đích, nó còn có chức năng là tín hiệu ngữ dụng chỉ các hành vi ngôn ngữ như: đánh dấu câu nghịch nhân quả, giải thích, nhắc lại lời người khác, v.v. Ví dụ: X đoạtgiải nhất cuộc thi đấy!Má nó là trưởng ban giám khảo mà lại (giải thích). Ngon gì mà ngon (“mà ngon”là phần nhắc lại lời người khác).

 

Vấn đề thứ tư:hàm ý(hàm ý qui ước và hàm ý hội thoại). Các từ hư là một phương tiện biểu thị hàm ý của câu.

 

5. Chương 4: Sự chuyển nghĩa của những từ trỏ quan hệ và chuyển động trong không gian.

 

Đối tượng khảo sát của chương này là những từ như: đi, lại, ra, vào, lên, xuống, trên, dưới, trong, ngoài. Hướng phân tích của tác giả là: 1. Chỉ ra cái lô gích của tiếng Việt trong định hướng chuyển động trong không gian, 2. Xác định nghĩa đen gốc (tác giả gọi là nghĩa nhận thức) của từ, trên cơ sở đó xác định nghĩa phái sinh. Những phân tích của tác giả đã cho thấy có xác định đúng các nét ghĩa gốc thì mới xác định đúng được các nghĩa phái sinh.

 

6. Nhận xét chung. Đây là một công trình nghiên cứu rất có giá trị và hữu ích. Có thể dùng làm tài liệu học tập, tham khảo cho học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu và tất cả những ai quan tâm đến tiếng Việt.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

[1]. Nguyễn Đức Dân (2016),  Lô gích – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt, Nxb Trẻ, TPHCM.

 

[2]. Hoàng Phê (chủ biên) (1992), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển Ngôn ngữ, Hà Nội – Việt Nam.

 

 

Thông tin truy cập

63737164
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
35
35223
63737164

Thành viên trực tuyến

Đang có 367 khách và không thành viên đang online

Danh mục website