Thơ của người tôi chưa từng gặp...

Nếu tôi không nhầm, Tạ Anh Thư mới chỉ làm thơ một hai năm trở lại đây. Một ngày nọ như mọi ngày, dạo chơi qua facebook, nơi có hàng ngàn hàng vạn người làm thơ đăng tải các tác phẩm của mình, tôi bỗng dừng lại trước một giọng thơ thật lạ, mềm mại và trong trẻo, và cái tên tác giả cũng chưa từng nghe bao giờ. Bài thơ tôi đọc lần đầu tiên ấy mang tên Chàng: Hỡi chàng trai/Hãy thả tình yêu của mình bay đi cùng ngọn gió/Nếu tình chàng chưa biết dành cho ai/Hãy để dành cho em - ngọn cỏ/Trăm năm rồi em đứng đó/Vẫn cô đơn đợi chàng/Sao mọc rồi lại lặn/Sương đọng rồi lại tan/Em bên kia thung lũng/Cách chàng vạn bước chân/Nhưng nếu chàng yên lặng/Sẽ thấy em thật gần/Tình yêu của ngọn cỏ/Chẳng đòi hỏi thề nguyền/Chỉ cần chàng cúi xuốngMột buổi chiều nghiêng nghiêng. Thơ tình người Việt viết về cỏ cũng nhiều: Cỏ nằm trên mộ đợi thanh minh (Nguyễn Bính), Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em (Nguyễn Đình Thi), Em hồn nhiên như cỏ/Lớn lên dưới mặt trời (Nguyễn Nhật Ánh)..., nhưng đến Tạ Anh Thư, chị đã cấp thêm một ý nghĩa mới cho cỏ: sự dâng hiến nguyên khôi tinh khiết đến tận cùng không cần điều kiện.

Thơ tình Tạ Anh Thư dễ gieo vào lòng người ta một nỗi bâng khuâng mơ hồ, khói sương bảng lảng, người viết thật khéo biết tạo dư âm và một chiều sâu cho tác phẩm bởi khi đã đọc xong dòng cuối, người đọc vẫn cảm thấy như còn chút gì ẩn khuất, kín nhiệm, chưa dễ thấu tỏ. Và thế là lại cần đọc lại lần nữa, thật chậm, từ đầu: Mùa hè đã qua lâu rồi/Sao nắng vẫn vàng như nghệ/Tôi không biết/Giữa mình và chiếc ghế/Kẻ nào đã đợi /Lâu hơn. (Đợi)

Thơ của Thư có nhiều giọng điệu. Ngoài chất lãng mạn trong sáng mà tôi cứ ngỡ như đến từ một phương trời khác, có cả những bài mang phong vị cổ kính, xưa cũ như một hoài niệm về quá khứ vàng son: Kìa bao dấu người quen kẻ lạ/Vai mang mang giấc mộng cơ đồ/Bóng liễu rủ tịch dương thành cổ/Có ai còn ôm giấc mộng kinh đô? (...)Người đêm qua ai mộng kinh thành/Cho ta gửi mênh mang gió bụi (Kinh đô).

Khi những hoài niệm dành cho ái tình, tôi đọc được đây đó có cả những nhục cảm, nồng nàn đắm đuối được vùi sâu nhờ những uyển chuyển khéo léo của chữ nghĩa. Nhà thơ như một người kể lại câu chuyện của mình, chậm rãi, da diết, khắc khoải. Và chắc hẳn nhiều người đã và đang yêu sẽ thấy thi sĩ dường như nói hộ lòng mình: Anh đếm những mầm hoang mọc lên trong lồng ngực/chẳng còn đủ sức/cho một tiếng thở dài/rồi sớm mai/tất cả sẽ biến thành kí ức/những điều hôm nay từng rất thực /hơi ấm của em, vết son đỏ trên drap trải giường/thôi thì/anh cũng là người em từng nói: rất thương. (Bão)

Nhiều bài thơ mang dáng dấp của một câu chuyện như: Người lạ, Người đàn ông và cây đàn trên phố, Chỉ trăng non thấy buồn, Mùa hè, Mục đồng, Quán rượu...Cái tài của Tạ Anh Thư là luôn biết tạo điểm nhấn vào những câu kết thúc tác phẩm, cái tứ và những ý nghĩa sâu xa của bài thơ luôn được dồn vào phần cuối: Thôi hãy để tiếng lũ quạ/Thay tôi kể lại chuyện đời (Hỏi), Mà thật lạ kì/em biết không/có những con người/đang ước mình/được hoá thành /viên sỏi (Viên sỏi), Ta cất một ngàn lời người hứa/Những hôm nao người hay đến thăm nhà/Rồi mong đợi, tim ta từ đó/Chẳng bao giờ còn biết hát ca (Mong đợi)

Có những bài thơ mà tư tưởng triết lý của nó ta đã gặp đâu đó trong các danh ngôn, ngạn ngữ hoặc những điển tích nổi tiếng. Nhưng Tạ Anh Thư vẫn là người có công khi tìm được một cách dẫn dắt mềm mại và nhuần nhị, khiến ta cảm thấy câu chuyện trở nên thật gần gũi, thân quen như đời sống hàng ngày ta bắt gặp. Nhưng cũng có những bài thơ thật độc đáo về cấu tứ, thực sự là một sáng tạo riêng của Tạ Anh Thư. Điển hình trong số đó là bài Cho anh mượn son môi của em. Từ khởi ý là một bài thơ tình, tác giả đã khéo léo chuyển tứ sang một vấn đề khác hẳn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đó là niềm cảm thông và chia sẻ với những số phận, những mảnh đời còn gặp nhiều khó khăn quanh ta: Cho anh mượn son môi của em/để anh tô hồng hết những nụ cười anh gặp trên đường/nụ cười chị lao công méo xệch nhận lương/nụ cười anh ba gác nhọc nhằn ghi - đông treo con cá/Cho anh mượn son môi của em/nụ cười thằng bé đánh giày đói lả/nhặt được ổ bánh mì/ai đó để lại trên bàn, chẳng mấy khi/Cho anh mượn son môi của em đi/anh tô lại tất cả những đôi má hồng đã bạc/cơn mưa đêm qua tan tác/cô gái bán hoa vắng khách ngủ vùi/Anh muốn mượn son môi của em/cho tất cả những nụ cười /lâu rồi/đã vắng niềm vui.

Một trong những thành công nữa của Thư là hầu hết các bài thơ đều rất giàu nhạc điệu, cách gieo vần cũng rất tự nhiên. Nếu như lối gieo vần truyền thống chú trọng chủ yếu vào vần bằng, thì Tạ Anh Thư đã làm được một việc ngược lại: các vần trắc bỗng trở nên ngọt ngào, dễ thương, xoắn luyến quấn quýt với nhau như những lứa đôi tình tự: Sân ga hoàng hôn/Người thiếu phụ lặng lẽ buồn/Chiếc khăn san che mặt/Tôi đã thấy đôi dòng nước mắt/Lăn trên gò má kiêu kì (Sân ga hoàng hôn), Có lẽ tôi phải nhắc nàng/Rằng mùi hương rất riêng/Chiếc áo hôm nọ nàng bỏ lại/Gió cứ đòi mà tôi thì tiếc mãi (Nhắc), Bóng của ai/phải chăng/của cô gái sáng nay/miệt mài/đan tay vào mái tóc/khi nước mắt/không còn/để khóc (Bóng).

Nếu như người ta vẫn gọi thơ là Nàng Thơ, ví thơ như một người con gái thì thơ của Tạ Anh Thư giống như một thiếu nữ đa cảm đa tình, nàng hay lui tới những khung cảnh thiên nhiên diễm mộng hoặc ngồi một mình lặng lẽ ở những nơi im vắng, nhìn không gian thay đổi theo từng mùa, nghe thời gian chảy trôi qua kẽ tay, nàng mang tình yêu nguyên trinh dâng hiến và đợi chờ nhung nhớ hoàng tử của lòng mình. Vậy thì làm sao người đọc có thể không mủi lòng cho được: Ngày đang phai trên môi em/Chàng hỡi sao chưa chịu tới/Tóc em gió cuốn rối bời/Công viên ngày tàn em đợi/Con nhện giăng tơ che lối/Con ong đã dẫn sai đường/Bồ câu tin thư đến muộn/Hay chàng đã chẳng còn thương?/Chiều buông cỏ cây giăng sương/Công viên một mình em đợi/Chàng ơi sao chưa chịu tới/Hay chàng đã chẳng còn thương? (Ngày đang phai trên môi em)

Cám ơn Tạ Anh Thư đã mang thơ đến cho đời. Người làm thơ bộc bạch giãi bày qua từng con chữ, lấy chữ để soi hồn mình. Và mỗi độc giả khi đọc thơ của Thư cũng giống như đứng trước một tấm gương soi, nhất định sẽ trông thấy những - điều - có - thật: Chiếc gương chẳng thấy/giọng nói em ngọt ngào/và tóc em từng mượt ra sao/Thế nên/em hãy soi vào/mắt anh/chiếc gương/trung thực nhất (Gương).

                                                       Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 2017

Đỗ Anh Vũ – Viện Ngôn ngữ

Thông tin truy cập

60517742
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
9253
12997
60517742

Thành viên trực tuyến

Đang có 256 khách và không thành viên đang online

Danh mục website