Theo dấu người xưa ở đất phương Nam

Sách Theo dấu người xưa của hai tác giả Phan Mạnh Hùng - Nguyễn Đông Triều vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành trong quý III năm 2017. Sau cuốn Tìm trong di sản văn hóa phương Nam (2016), Theo dấu người xưa tiếp tục mạch cảm hứng khai thác, trình bày những giá trị văn hóa trong lịch sử của vùng đất Nam Bộ.

Tác phẩm có bề dày gần 400 trang, tập hợp tất cả 27 bài khảo cứu của hai tác giả về di tích văn hoá – lịch sử và văn học Nam Bộ từ thời kỳ lịch sử cận đại cho đến giữa thế kỷ XX. Các bài viết đều đầy ắp những tư liệu, thông tin, hình ảnh về di tích, cảnh vật, con người… mà hai tác giả đã miệt mài, cất công lặn lội nhiều năm tháng trên khắp vùng đất “Nam Kỳ lục tỉnh” này để ghi chép, sưu tầm.

Có thể nói trong sách hầu như chia hai phần khá rõ rệt:

 Phần trước, chủ yếu do tác giả Nguyễn Đông Triều chấp bút. Các bài viết đã dựa trên cơ sở khảo sát thực tế, thu thập tư liệu ở nhiều địa phương Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Cách viết công phu, dựa trên nguồn tư liệu phong phú và chính xác, có giá trị về các nhân vật, di tích lịch sử - văn hoá (đền, chùa, miếu…) có liên quan đến lĩnh vực Hán Nôm (gia phả, câu đối, hoành phi, thơ văn…), tiêu biểu như các bài: Tổng trấn Gia Định thành Nguyễn Văn Nhơn và khu mộ cổ ở Sa Đéc (Đồng Tháp), Văn tế Nôm Nam Bộ qua Gia lễ tập thành, Dụ tế huân thần một tập sách hay về loại văn tế, Di sản Hán Nôm Nhị Phủ hội quán, Chùa cổ Vĩnh Phước An (Bạc Liêu) một di tích cần được bảo tồn, Chùa Ngọc Hoàng một di tích độc đáo ở thành phố Hồ Chí Minh…

Có thể nói những bài viết của Nguyễn Đông Triều đã cung cấp cho người đọc hiện nay, đại đa số không biết chữ Hán - Nôm, nhiều kiến thức bổ ích, những hiểu biết về các di tích lịch sử, di sản văn hoá của cha ông để lại trong quá trình đi khai mở vùng đất phương Nam.

 Phần sau, là các bài phần lớn do Phan Mạnh Hùng thực hiện, gồm những bài viết chủ yếu về văn học vùng đất Nam Bộ từ khoảng nửa cuối thế kỷ XIX đến những thập niên 50, 60 của thế kỷ XX, tiểu biểu như các bài: Bài văn khóc thầy của các nhà văn Quốc ngữ tiên phong, Tuý Kiều ánTuý Kiều phú ở Nam Bộ, Kiều Thanh Quế nhà phê bình văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX, Giới thiệu về Nam Bộ trên Nam Kỳ tuần báoĐại Việt tập chí, Tân Dân Tử và những bộ tiểu thuyết lừng danh về Gia Long, Cuộc bút chiến năm 1923 xung quanh tiểu thuyết của Lê Hoằng Mưu

Những bài viết dựa trên nguồn tư liệu sách báo bằng chữ quốc ngữ nguyên bản gốc rất phong phú và có giá trị mà tác giả đã tốn nhiều công sức sưu tầm từ nơi lưu trữ của các thư viện lớn, nhỏ, hoặc tủ sách những gia đình trí thức nho học, Tây học còn cất giữ được ở khắp các địa phương Nam Bộ. Trên cơ sở tư liệu sách báo cũ đã dày công tìm kiếm, tác giả Phan Mạnh Hùng đã phục dựng một số chân dung nhà văn, những sự kiện văn học hoặc những tác phẩm văn chương có giá trị nhưng do sự biến động qua những giai đoạn lịch sử nên bị lãng quên theo thời gian.

Sách Theo dấu người xưa là một tác phẩm khảo cứu văn hoá khá dày dặn về số lượng và chất lượng. Cuốn sách đã góp phần quan trọng trong việc sưu tầm, bảo quản và phục dựng lại giá trị văn hoá của vùng đất mới Nam Bộ mà cha ông nhiều thế hệ trước đã đổ bao nhiêu mồ hôi, công sức để tạo dựng nên ở nơi này. Vì vậy cuốn sách chứa đựng nhiều tư liệu giá trị về nhiều lĩnh vực như văn hoá, văn học, sử học, thư tịch học, khảo cổ học…

Với những giá trị như vậy, cuốn sách rất hữu ích đối với nhiều thành phần bạn đọc trong xã hội: người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học, lịch sử; hướng dẫn viên du lịch; sinh viên những ngành xã hội ở các trường đại học, cao đẳng; những người yêu thích văn học, lịch sử vùng đất Nam Bộ…

Cao Văn Thức

Nguồn: Xưa & Nay, số 485, 7-2017                                                              

Thông tin truy cập

63754220
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
17091
35223
63754220

Thành viên trực tuyến

Đang có 288 khách và không thành viên đang online

Danh mục website