Lời giới thiệu
TS. Nguyễn Khắc Hóa
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Nghĩ về văn chương đất phương Nam là công trình nghiên cứu văn học thứ chín của PGS. TS, giảng viên cao cấp Lê Tiến Dũng. Cuốn sách tập hợp hơn ba mươi bài nghiên cứu tiểu luận phê bình về văn học của các tác giả ở vùng đất phương Nam. Đất phương Nam trong cách nghĩ của Lê Tiến Dũng ở công trình này không chỉ là vùng đất Nam Bộ hôm nay, mà nó bao gồm cả một dải đất dài từ sông Bến Hải cho đến tận cùng đất mũi Cà Mau. Đó cũng là cách nghĩ rất quen thuộc của con người Việt nam trước 1975, thời đất nước ta còn bị chia cắt làm hai miền bởi vĩ tuyến 17. Cuốn sách này là kết quả của cả một quá trình nghiên cứu, suy tư lâu dài của ông trong suốt cả chặng đường gần bốn mươi năm giảng dạy và nghiên cứu văn học. Nó định hình khá rõ nét phong cách của một nhà nghiên cứu, phê bình văn học đã từng được khẳng định trên văn đàn Việt Nam đương đại nhiều năm nay. Cảm hứng nghiên cứu, phê bình của Lê Tiến Dũng ở cuốn sách này có thể tạm chia làm hai phần. Phần một bao gồm những bài viết về các nhà thơ nhà văn từ Phan Văn Trị cho đến các tác giả hiện đại ở đất phương Nam ngày nay. Phần hai gồm sáu bài nghiên cứu về ca dao gắn với các dịa danh du lịch nổi tiếng của đất phương Nam.
Cảm hứng nghiên cứu phê bình ở tập sách này đặt sắc nhất vẫn là ở phần một, gồm hai mươi sáu bài viết về các nhà văn, nhà thơ đất phương Nam. Trong số đó, có hai tác giả được Lê Tiến Dũng giành nhiều tâm huyết và công sức để khám phá và phát hiện vẽ đẹp độc đáo ở tác phẩm của họ. Đó là Tố Hữu và Xuân Diệu. Những bài viết về hai tác giả này, có thể gọi là những bài nghiên cứu công phu nhất, thành công nhất của tập sách.
Dường như hình tượng Hồ Chí Minh trong thơ Việt Nam hiện đại từ lâu đã có sức ám ảnh, cuốn hút ngòi bút phê bình của Lê Tiến Dũng. Từ cuốn sách Cụ Hồ ở giữa lòng dân (viết chung) được lãnh giải thưởng trong dịp tổng kết đợt “Học tập tấm gương, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”, cho đến các bài viết về hình tượng Bác Hồ trong thơ Tố Hữu, thơ Thanh Hải và trong thơ Viễn Phương đã thể hiện rất rõ sự ngưỡng mộ và lòng mến yêu Bác của nhà nghiên cứu qua những hình tượng thơ ấy. Đến với những trang viết này, cảm xúc và ngôn từ của Lê Tiến Dũng như cũng được nâng lên ngang tầm với cảm xúc của bài thơ, để rồi chúng hòa điệu trong nhau, cùng nhau cất lên tiếng nói thiêng liêng và cao cả về Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mặt trời rực sáng đem đến sự sống, đem đến ánh sáng tươi đẹp cho trái đất. Nếu mặt trời trong câu thơ thứ nhất là một hình ảnh thực, là một vật thể không thể thiếu của vũ trụ, thì mặt trời trong câu thơ thứ hai lại là một hình ảnh ẩn dụ được nhà thơ sử dụng một cách sáng tạo. Bác như một vầng thái dương sáng ngời, chiếu dọi ánh sáng cách mạng và tâm hồn để vực dậy sự sống tươi đẹp cho những con người đắm chìm trong bóng đêm nô lệ. Vì thế, Bác là một mặt trời luôn ngời sáng, sưởi ấm cho linh hồn của những người con Việt Nam”. Đó là một đoạn bình giảng về hai câu thơ của Viễn Phương trong bài Viếng lăng Bác:
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.
( Trích Viễn Phương với hình tượng Bác Hồ trong thơ)
Là một thầy giáo khá nổi tiếng của chuyên ngành lý luận văn học, trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, thế mạnh của ông không chỉ được thể hiện ở những bài viết về lý luận văn học, mà ấn tượng sâu sắc nhất còn ở những lối bình thơ văn. Ông nắm bắt tinh, nhạy cảm, rất nhanh và rất chính xác thần thái của nhưng áng văn hay, những câu thơ kiệt xuất. Bình giảng hai câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu trong bài Giục giã:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm
Ông viết: “Đây là hai câu thơ nổi tiếng của Xuân Diệu. Không phải là hai câu thơ của sự hưởng lạc, sống gấp như có người đã nhận xét, mà là hai câu thơ của lòng ham sống, say sống giữa đời với độ nồng nàn. Cái chói chang của sự sống cũng giống như cái chói chang của ánh sáng thà bùng lên huy hoàng mà tắt, còn hơn cái le lói của trăm năm” (Phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu)
Quả thật ở phương diện này Lê Tiến Dũng thật sự là một nhà phê bình, nhà giáo rất có tài trong rung cảm, thẩm thấu để phát hiện cái hay, cái đẹp của văn chương. Tôi cho rằng đó là một phẩm đầu tiên, hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định thành bại của một cây bút làm nghề nghiên cứu, phê bình văn học.
Đọc nhiều lần trên ba mươi bài viết trong tập sách này tôi nhận thấy năng lực cảm thụ, phân tích bình giảng văn chương của Lê Tiến Dũng quả thật tinh tế và tài hoa. Cái tài ấy là nhờ tác giả có đôi mắt tinh đời, trái tim nhạy cảm và tâm lòng nhân hậu rất dễ rung cảm trước cái đẹp của văn chương. Điều này đã làm cho tập sách có một giá trị đích thực của nghiên cứu phê bình văn học trong hoàn cảnh hiện nay. Từ chân dung các nhà văn, nhà thơ cho đến những bài viết về ca dao của nhiều xứ sở, cuốn sách của Lê Tiến Dũng đã thể hiện được một cách nghĩ, một tầm suy nghĩ khá mới mẻ và sâu sắc về con người và văn chương ở vùng đất phương Nam của đất nước ta.
Nhân dịp cuốn sách ra đời, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
TP Hồ Chí Minh 30/05/ 2017
N.K.H.