Sài Gòn hiện lên đầy màu sắc, chất chứa trong giai điệu da diết

Thành phố hiện diện trong "Thành phố những thước phim quay chậm" đầy sắc màu tỏa ra từ những quan sát tỉ mỉ, những ký ức sâu sắc, sự hiểu biết rộng mở, và tâm hồn đầy rung động.

Tập tản văn Thành phố những thước phim quay chậm của tác giả Huỳnh Như Phương, gom góp nhiều bài viết nhỏ nhắn xoay quanh những kỷ niệm về Sài Gòn, gợi mở từ những quan sát tỉ mỉ, những ký ức sâu sắc, sự hiểu biết rộng mở, và tâm hồn đầy rung động.

Huỳnh Như Phương nhắc nhớ nhiều ký ức về mái trường, giảng đường, thầy và trò. Trong bài viết Văn khoa ngày tháng cũ, ông tâm tình câu chuyện về trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, nơi ông từng học.

20190227 SG

Bìa sách Thành phố những thước phim quay chậm.

 

Những năm thời chiến ấy, giữa không khí chiến tranh nóng bỏng bao trùm đời sống, giữa những thiếu thốn, đói khổ, nhưng tình người nơi ấy lại luôn ấm áp, in đậm trong tâm trí tác giả. Những người thầy như Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Lê Thành Trị, Giản Chi, Bửu Dưỡng… đều là những gương mặt trí thức tiêu biểu của miền Nam thời ấy.

Thời kỳ chiến tranh khó khăn vậy, nhưng các thầy vẫn cần mẫn nghiên cứu, giảng dạy, để đến khi hòa bình, Văn khoa cứ nối tiếp truyền thống ấy mà đi lên. Văn khoa trở thành nơi lưu giữ nhiều ký ức nhất của Huỳnh Như Phương.

Mái trường hôm nay, với tư cách là người thầy giáo, tác giả viết nhiều bài viết tâm tình với sinh viên về quá trình học làm nghề, làm người của mình. Với thái độ khiêm nhường, ấm áp, mỗi bài viết của Huỳnh Như Phương đều đem lại cảm giác gần gũi dễ chịu, đồng thời cũng chất chứa nhiều suy tư trăn trở của người làm nghề dạy làm người.

Tản Đà từng nói “văn chương hạ giới rẻ như bèo”, Huỳnh Như Phương trong bài viết Bục giảng những ngày thường cũng trải qua cái nỗi cơ cực nghề dạy văn.

Cái nghề chữ nghĩa không kiếm được tiền. Ấy thế nhưng, người dạy văn như Huỳnh Như Phương lại chỉ mong mở ra lòng yêu văn chương, nuôi nấng tâm hồn cho những người trẻ đang lớn lên. Bởi trăn trở ấy mà dẫu bạc bẽo thế, vẫn tràn đầy hứng thú, vẫn mỉm cười thanh thản và hạnh phúc.

Cùng những ký ức thuở trước đẹp đẽ và hoài niệm, tác giả Huỳnh Như Phương cũng khơi mở những sắc màu đô thị đương đại với nhiều vấn đề trăn trở. Ấy là khi những con đường màu xanh đang mất dần trong thành phố, là tiếng kêu xót xa “hãy cứu lấy những khoảng xanh, hãy cứu lấy những thảm cỏ công viên úa tàn vì bị dẫm nát chỉ sau một tuần hội chợ đầy người mua sắm. Hãy cứu lấy những hàng cây cổ thụ bị đốn ngã không thương tiếc để mở đường hay xây chung cư.”

(Những khoảng xanh trong thành phố), hay là nỗi buồn thương cho những kiếp người mưu sinh với vé số, sạp hàng trái cây… giữa nhộn nhạo, hào nhoáng đô thị.

20190227 SG2

Một góc thành phố trong ký ức của tác giả Huỳnh Như Phương.

 

Ở Sài Gòn, đi vào từng ngõ ngách thẳm sâu, bất chợt gặp một ngôi chùa trong hẻm, mà thấy tâm tư dịu lại. Những ngôi chùa gần gũi giữa lòng xô bồ, trở thành nơi nương nhờ cho những người lao động nghèo, xoa dịu những mệt mỏi bon chen đô thị.

Tác giả mới viết rằng “Phật nghiêng xuống đời thường, nghiêng xuống những kiếp người, nên con người cũng không phải ngẩng mặt lên quá cao để đón lấy nụ cười bao dung của Phật”. (Những ngôi chùa trong hẻm).

Thành phố trong cuốn sách của Huỳnh Như Phương còn chất chứa đầy những giai điệu âm nhạc da diết, êm ái, vừa khắc khoải tiếc nuối. Bằng vốn hiểu biết và sự tinh tế trong cảm nhận, ông viết những dòng rất đẹp về Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng… Chân dung những nhà giáo, nhà văn như Lê Văn Thảo, Hoàng Như Mai… cũng là những gương mặt lưu dấu trong ký ức của tác giả Huỳnh Như Phương. Giọng văn của ông trên những trang viết ấy vừa nâng niu lại chất đầy luyến nhớ, tri ân.

Những bài viết của Huỳnh Như Phương trong Thành phố những thước phim quay chậm sẽ giúp độc giả có được cái nhìn đa dạng hơn về đô thị, đồng thời trải nghiệm những cảm xúc đẹp đẽ về đời sống. Huỳnh Như Phương viết như ngâm ngợi, nhẩn nha ngồi nhấp cốc trà, kể với bạn bè về chuyện xưa chuyện nay. Chuyện tâm tình ở đây có buồn có vui, có rộn ràng, chua xót, nhưng luôn thấp thoáng nụ cười khiêm nhường, trìu mến.

Huỳnh Như Phương từng xuất bản nhiều tập sách văn chương như Dẫn vào tác phẩm văn chương (1986), Những trang viết, những nhịp cầu (1986), Ngôi nhà và con người (2006)…. Hiện ông sống và dạy học tại TP.HCM.

Nguồn: Zing.vn ngày 23.02.2019.

Thông tin truy cập

63668837
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
12555
17595
63668837

Thành viên trực tuyến

Đang có 1119 khách và không thành viên đang online

Danh mục website