Những khoảnh khắc tĩnh lặng

Khác với một ai kia hướng vào các biến động của xã hội, khác với một ai kia nghiêng về mộng tưởng đội đá vá trời, Huỳnh Như Phương ngả sang những thanh âm và dư ba của những điều đơn sơ và khuất lấp trong cuộc sống thường ngày, nhưng chứa đựng những tâm tình.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương

Tập tản văn Thành phố - những thước phim quay chậm của nhà nghiên cứu Huỳnh Như Phương (*) dùng dằng những trường đoạn đầy ắp ký ức, hoài niệm, trải nghiệm... Như nương theo gợn sóng nhớ mong về mảnh đất đã nuôi nấng mình lớn khôn, tác giả chậm rãi giãi bày chuyện lớn chuyện nhỏ, chuyện tạc chuyện thù, chuyện buồn chuyện vui...

Từ mái nhà, bếp lửa, khói chiều đến cả nẻo đường, hàng cây, chuyến xe, cánh thiệp, tiếng chuông chùa... Không chỉ vậy mà ở đó còn thấp thoáng khung cảnh rất đỗi quen thuộc với bục giảng, thư quán, đồng nghiệp...

Không kể lời mở đầu Nói với mọi người (thơ Hoàng Ngọc Biên) và phụ lục Những lời khích lệ, tập sách tập hợp 68 tản văn của những khoảnh khắc hiện tại giao hòa với khoảng lặng dĩ vãng xa vời. Khác với một ai kia hướng vào các biến động xã hội, khác với một ai kia nghiêng về mộng tưởng đội đá vá trời, Huỳnh Như Phương ngả sang những thanh âm và dư ba của những điều đơn sơ và khuất lấp trong cuộc sống thường ngày, nhưng chứa đựng những tâm tình. 

Tĩnh lặng chia sẻ khúc biến tấu của riêng mình. Thầm thì duyên cớ đẩy đưa mình thành nhà giáo và cây bút lý luận phê bình chỉ vì theo đà uốn nắn của những ”tao loạn can qua”. Nhỏ nhẹ rằng nguồn cơn cầm bút không phải là gì khác ngoài niềm đam mê giãi bày ý nghĩ trên trang giấy. Từ khu vườn xanh thẳm của bà ngoại neo đậu trong tâm cảm đến Người đàn ông giữa chợ tìm được niềm vui “mua hàng và mua cả lòng tin vào con người”.

Rồi cảnh ngộ côi cút của người dì “ngồi đợi trước hiên nhà” mắt mòn mỏi trông chờ người chồng từ Đoạn đường chiến binh trở về. Và rưng rưng xúc cảm buồn đau về một người cha xa cách và chẳng may mất sớm trong cuộc chiến này. Nhà cửa, vườn tược tiêu điều, hoang tàn nhưng nửa thế kỷ sau, trông từ đường đã xây trên nền cũ ngôi nhà, tác giả buông lơi nỗi niềm xa vắng ”Không biết nhìn thấy quê hương, đất nước như bây giờ, cha sẽ nghĩ gì, cha vui hơn hay buồn hơn”.

Những trang viết hiện dần lên những trao gởi về nơi chốn mà Huỳnh Như Phương từng đi qua. Từ năm tháng bé dại nơi trường làng buổi thiếu thời đến trường tỉnh lỵ Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, một năm thôi “cũng đủ cho một đời thương nhớ”. Và ghé chân lặng nghe khúc hát hòa bình trong Buổi chiều Vạn Hạnh. Và tuổi thanh xuân của kẻ thư sinh gắn bó với Văn khoa ngày tháng cũ cùng những tên tuổi đã ngân vang rồi sẽ còn ngưng đọng dài lâu: Giản Chi, Kim Định, Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Lê Tôn Nghiêm... 

20190313 HNP

Tác giả thấm hiểu “tai nạn chữ nghĩa” từ tiếng nói phản kháng của vài bài viết đầu tay thuở học trò. Đây tờ báo xuân in ronéo Lộc đầu tay khi học đệ tứ (lớp 9) tại Mộ Đức bị nhà trường “thu hết 80 số báo chưa kịp phát hành đem cất kỹ vào tủ hồ sơ”. Đây Bài học nào dành cho chúng ta đăng trên trang đầu Giai phẩm Xuân Nhâm Tý (1972), Trung học Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi gây phiền hà cho người viết lẫn thầy Huỳnh Châm chủ biên. Đây tùy bút Ngày tự do hòa bình đang tới trên tạp chí Trình Bày bị tịch thu vì “phổ biến luận điệu gây hoang mang dư luận (...) làm phương hại đến trật tự công cộng”. 

Độc giả cảm nhận được những giao tình trước sự xoay vần thời cuộc. Với thầy Nguyễn Xuân Hoàng, thế hệ “thất lạc quê hương, thất lạc bạn bè”, chừng như là một hàm ý lửng lờ “Liệu những người ra đi đó còn có dịp ngồi lại với nhau nối tiếp câu chuyện bỏ dở của những người trí thức đã trải qua cơn tao loạn của lịch sử”. Cũng đúng thôi, đã là người trí thức, bao giờ mà chẳng nặng nợ với đời. Với thầy Hoàng Như Mai, chừng như là nỗi day dứt cũng là vẻ đẹp thầm lặng của một kẻ ưu thời mẫn thế từ bao đời nay “đã qua trăm thác, ngàn ghềnh/mà nay thế sự lênh đênh nổi chìm/Hẳn là chưa cạn máu tim/nhưng đường chân lý mắt nhìn phương nao”. 

Đồng cảm với nỗi u uẩn của cõi lòng Thế Nguyên “Những người nông dân ở cánh đồng Nọc Nạn (...) đã liều chết chống lại cường hào cấu kết với quan lại tham nhũng để bảo vệ mảnh đất của mình (...). Nạn tham nhũng như lóc thịt, lóc xương đất nước này”, Huỳnh Như Phương bất bình trước cảnh ngộ ngang tai trái mắt “(...) con người không còn rơi vào cảnh bị cướp đất, cướp nhà (...) để có thể ngẩng cao đầu nói rằng đây là nhà của tôi, đất của tôi, đồng thời nói rằng đây là nước của tôi”. Thấm đẫm xót xa và không giấu mình được mà kêu lên “Hãy cứu lấy thảm cỏ công viên, cứu lấy hàng cây cổ thụ bị đốn ngã không thương tiếc”. 

Những tưởng cần ghi lại đây ý nghĩ của người cả đời đứng trên bục giảng và đồng thời bén duyên với nghiệp văn “Nghề giáo không đến nỗi quá buồn tẻ” và “Văn chương là cách nối dài sự hiện hữu của con người như một cá tính tự do”. Tất cả đều phù vân? Có lẽ thế. Song nghĩ lại, biết đâu mộng tưởng văn chương là một cách thế khẳng định chính mình, neo được tiếng vọng trên thuyền đời muôn trùng sóng gió, 

Con người Huỳnh Như Phương. Nho nhã và ý nhị của một văn nhân. Mô phạm và từ tốn của một nhà giáo. Lịch duyệt và thể tất nhân tình của ngòi bút trải đời. Và những trang viết thoang thoảng một bức chân dung tinh thần với sắc thái khiêm cung, lặng lẽ mà không một chút phô diễn, hoa mỹ. 

Nguyễn Duy Long

_______________

(*) NXB Trẻ, quý IV-2018. Một số bài đã góp mặt trong hai tập tản văn Ngôi nhà và con người, NXB Văn Nghệ, 2006; Bây giờ mà có về quê..., NXB Phụ Nữ, 2011 và được dịch sang tiếng Pháp dưới nhan đề Les Espaces verts de Saigon, Nicole Louis-Hénard và Phan Thanh-Thủy dịch, Les Editions Génerales de Ho Chi Minh Ville, 2016.

Nguồn: Người đô thị, ngày 08.3.2019.

Thông tin truy cập

63738484
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
1355
35223
63738484

Thành viên trực tuyến

Đang có 325 khách và không thành viên đang online

Danh mục website