(Đọc Nhà phê bình và cái roi ngựa, tập phê bình - tiểu luận
của Lê Tiến Dũng, Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2004)
Qua tập tiểu luận và phê bình, người đọc nhận thấy nét tài hoa của anh. Lần giở từng trang của tập tiểu luận, tôi cứ băn khoăn không hiểu tại sao anh lại đặt tên cho tập sách là Nhà phê bình và cái roi ngựa. Đọc kỹ những bài viết trong tập sách với nhan đề này mới thấy sự sâu sắc, nghiêm túc và ý thức nghề nghiệp của thầy giáo, nhà phê bình văn học Lê Tiến Dũng.
Lê Tiến Dũng - tác giả tập sách, là giảng viên giảng dạy lí luận văn học. Mọi người hay nghĩ lí luận là “màu xám”, nhưng đọc anh người đọc rất thú vị vì cách cảm, ngạc nhiên vì những phát hiện bất ngờ, khả năng thẩm thơ một cách tinh tế. Từ bài viết đầu tay đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, tham gia cuộc thi bình văn trên Kiến thức ngày nay,“sở trường” bình thơ của anh bộc lộ rất rõ. Đồng cảm với nhà thơ Vũ Đình Liên về một nét văn hóa dân tộc đang mai một trước sức tấn công của văn hóa phương Tây, của lối sống hiện đại, Lê Tiến Dũng đã thể hiện cảm nhận tinh tế về đời sống văn hóa, tinh thần dân tộc khi anh viết về bài thơ Ông đồ. Sự đồng cảm đến xót xa trước sự ra đi “một đi không trở lại” của “người nghệ sĩ bút lông” một thời ấy: “Không hiểu sao, đọc Ông đồ của Vũ Đình Liên, tôi cứ nghĩ rằng nhà thơ viết bài thơ này trong tâm thế ấy:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Ở đây có cảnh phố phường ngày tết, có hoa đào, giấy đỏ nhưng dường như tác giả không dừng lại để tả cảnh mà chủ yếu bộc lộ một nỗi niềm… Nỗi lòng nhà thơ càng da diết thì cảnh sắc, con người hiện lên càng rõ nét. Ông đồ trong bức tranh này là ông đồ trong ký ức của nỗi hoài niệm và lòng thương mênh mông của nhà thơ” (tr. 55).
Đọc Thạch Lam, anh thổn thức với tiếng trống thu không và tiếng còi tàu nơi phố huyện. Văn Thạch Lam có hồn, giàu chất thơ, vì thế dễ đi vào lòng người đọc. Nhưng nghe được những âm thanh, thổn thức với từng dòng chữ của Thạch Lam thì Lê Tiến Dũng là một trong những người tri âm. Vì thế, anh có những phát hiện bất ngờ: “Trong buổi chiều quê “êm ả như ru”, trong khung cảnh “phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn” thì tiếng trống vang lên tha thiết như một tiếng gọi thức dậy ở cảnh vật, ở lòng người cảm giác bâng khuâng mơ hồ man mác. Thì ra tiếng trống dường như cũng mang nỗi bâng khuâng” (tr.47).
Đồng cảm và có những phát hiện bất ngờ là cái làm nên sức hấp dẫn đối với người thẩm thơ, bình thơ. Sở trường của Lê Tiến Dũng trong việc bình thơ là ở điểm này. Điều này không chỉ đúng với trường hợp anh viết về Hai đưá trẻ của Thạch Lam mà trong những bài viết như: Giật mình vì một cánh hoa rơi, Nắng mới của Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính với Mùa xuân, Hoàng Cầm với Lá diêu bông. Ơ’ mỗi tác giả, Lê Tiến Dũng đều “lẩy” ra cái “thần” trong mỗi câu thơ, bài thơ. Chẳng hạn, trong bài Giật mình vì một cánh hoa rơi, tác giả viết: “Cái độc đáo của bài thơ là tả cảnh chiều, nhưng không phải cảnh chiều như thường thấy. Mà cảnh chiều được nhìn qua một bông hoa. Đặt bông hoa vào cảnh chiều là lúc hoa đã tàn, đã héo nghĩa là lúc hoa đã sống trọn một đời hoa. Do vậy, mục đích của bài thơ dường như không phải để tả cảnh mà hình như qua bông hoa để triết lý.Có hiểu như vậy ta mới thấy thi đề và thi tứ của bài thơ không mâu thuẩn nhau” (tr.74).
Tinh tế trong cảm nhận, Lê Tiến Dũng dành trọn sự tri âm với một người. Đó là nhà thơ Xuân Diệu. Nếu bạn đọc tinh ý điểm qua các đầu bài của tập sách 305 trang, trong 30 bài viết, Lê Tiến Dũng đã dành 4 bài cho Xuân Diệu. Một bài nói về việc bình thơ của Xuân Diệu, một bài bàn về quan niệm nghệ thuật thơ của ông, một bài bình về Thơ duyên và một dành để viết về tiểu sử và sự nghiệp thơ ca của nhà nghệ sĩ tài hoa này. Trong số những bài kể trên, tôi thích cách viết của anh trong Xuân Diệu, một đời người, một đời thơ. Cái khó của người viết tiểu sử nhà văn, nhà thơ là nếu thiếu sự đồng cảm, bài viết chỉ là bản lý lịch trích ngang hoặc là niên biểu rồi dẫn ý kiến của người khác để minh họa cho một cách đánh giá đã thành công thức của công chúng về họ. Lê Tiến Dũng đã không lặp lại lối mòn này. Anh có ý kiến riêng của mình khi viết về sự nghiệp thơ ca của Xuân Diệu sau Cách mạng tháng Tám:“Có một cách nói cho rằng, nhờ Cách mạng mà thơ tình Xuân Diệu sau này vui hơn. Cách nói này có lẽ không mấy phù hợp. Buồn vui, bi kịch hay hạnh phúc trong tình yêu nào đâu phải do một xã hội nào. Nó là trạng thái nhân thế muôn đời của con người… Thơ tình Xuân Diệu dù vui hay buồn đều là tiếng lòng của một trái tim nồng nàn. Đọc thơ tình của ông, người ta thấy tâm hồn mình phong phú hơn, yêu con người và cuộc đời tha thiết hơn” (tr. 229). Đánh giá thơ tình Xuân Diệu như thế vừa có tình, vừa hợp lý, đúng với cái “tạng’ cái “gu” của Xuân Diệu, hay nói cách khác là sự tri âm của người đọc với thơ Xuân Diệu.
Qua tập tiểu luận và phê bình, người đọc nhận thấy nét tài hoa của anh. Lần giở từng trang của tập tiểu luận, tôi cứ băn khoăn không hiểu tại sao anh lại đặt tên cho tập sách là Nhà phê bình và cái roi ngựa. Đọc kỹ bài viết với nhan đề này, tôi nhận thấy anh là người sâu sắc, nghiêm túc và chín chắn trong nghề nghiệp. Ngẫm nghĩ về công việc và nghề nghiệp của nhà phê bình, anh viết: “Tôi nghiệm ra rằng, những nhà phê bình văn học của ta còn lại được thì hầu hết là những người ở mức độ khác nhau, bằng sự nhạy cảm, bằng kiến văn của mình để chỉ ra được cái hay, cái giỏi của từng tác giả, từng tác phẩm, chứ không phải những người chê mắng giỏi”(tr. 8). Nghĩ như vậy, anh đã vận dụng tài năng và tâm huyết, vốn kinh nghiệm nghề nghiệp của mình để thực hiện thành công các bài viết trong tâp sách nhỏ này.
Đọc Lê Tiến Dũng qua tập sách Nhà phê bình và cái roi ngựa, tôi nghĩ về một cây bút phê bình, về một giảng viên đại học thuộc thế hệ trưởng thành sau năm 1975. Những người đam mê nghề nghiệp đang âm thầm vật lộn với cuộc sống suốt bao năm ròng để đứng vững trên bục giảng, để có những trang viết như tiếng nói tri âm với đồng nghiệp và cuộc đời.
Nguyễn Văn Kha