Tháng 11.2019, khoa Văn học vừa cho ra đời bộ sách về văn học so sánh gồm hai quyển:
- Những cuộc hội ngộ của văn chương thế giới - Văn học so sánh: Nghiên cứu và dịch thuật
- Vượt qua những ranh giới của văn chương - Văn học so sánh và hướng nghiên cứu liên ngành
Bộ sách là công trình tập thể của các giảng viên trong Khoa và các nhà nghiên cứu đã tham gia cộng tác với Khoa. Sách được nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ xuất bản và phát hành. Web Khoa Văn học giới thiệu phần "Lời nói đầu" của hai cuốn sách.
NHỮNG CUỘC HỘI NGỘ CỦA VĂN CHƯƠNG THẾ GIỚI
VĂN HỌC SO SÁNH: NGHIÊN CỨU VÀ DỊCH THUẬT
LỜI NÓI ĐẦU
So sánh là thao tác cơ bản của tư duy. Mọi sự vật đều được nhận thức thông qua so sánh. Văn học như một loại hình tư duy bằng nghệ thuật về bản chất là sự so sánh. Tỷ dụ, ẩn dụ, hoán dụ, v.v. là những phương thức ngôn ngữ làm nên văn học. Các tư tưởng về văn học, từ quan niệm mimesis (mô phỏng) của Aristotle thời cổ đại cho tới “văn học là nhân học” thời hiện đại, đều nhấn mạnh vào bản chất so sánh đó.
So sánh cũng là thao tác cơ bản của thưởng thức và phê bình văn học có từ thời cổ đại. Tuy nhiên, phải đến thời cận đại, đặc biệt là từ đầu thế kỷ XIX, khi tư duy khoa học đã hiện diện trong các lĩnh vực nhân văn, trong đó có văn học, thì so sánh mới được ý thức như một phương pháp, và đó cũng là thời điểm khởi đầu cho văn học so sánh. Như vậy cho đến nay, văn học so sánh đã trải qua một lịch sử gần hai thế kỷ. Thế nhưng câu hỏi “văn học so sánh là gì?” và vấn đề số phận, khả năng sinh tồn của nó như một bộ môn, một lĩnh vực, một xu hướng nghiên cứu vẫn không ngừng được đặt ra. Ba định nghĩa được trích ở trên thay cho những đề từ phần nào thể hiện những thay đổi theo thời gian trong cách hiểu về văn học so sánh. Điều này cho thấy văn học so sánh là một môn học luôn nằm trong trạng thái vận động, lúc thăng lúc trầm, nhưng không ngừng tìm tòi và đổi mới để thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau của các thời đại.
“Trong khi phác họa quỹ đạo phía trước của văn học so sánh, một cách để xác định vị trí của chúng ta là nhìn về lại quá khứ”[1]. Nhà văn học so sánh Hoa Kỳ David Damrosch đã viết như vậy khi nói về lịch sử gần hai thế kỷ của văn học so sánh trên thế giới.
Ở Việt Nam, văn học so sánh đến khá muộn, phải vào đến đầu thập niên 1970 mới có những bài viết đầu tiên giới thiệu về xu hướng này trong khoa nghiên cứu văn học, và đến thập niên cuối của thế kỷ XX - thập niên đầu thế kỷ XXI thì sự quan tâm tới văn học so sánh ở Việt Nam, nhất là trong các viện nghiên cứu và các trường đại học mới thực sự khởi sắc. Khoa Văn học - khi đó có tên là Khoa Ngữ văn, rồi Khoa Ngữ văn và Báo chí thuộc Trường Đại học Tổng hợp, sau thành Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM là một trong những đơn vị sớm đưa môn Văn học so sánh vào chương trình giảng dạy đại học và sau đại học, với người khởi đầu là giáo sư Trần Thanh Đạm lúc đó là Trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài. Cuốn tài liệu mỏng Dẫn nhập Văn học so sánh được giáo sư biên soạn và Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 1995 đã trở thành một tài liệu học tập cho nhiều thế hệ sinh viên. Năm 2002, một hội thảo khoa học với đề tài Văn học so sánh: Nghiên cứu và dịch thuật được tổ chức, kết quả của nó đã được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội in thành sách với cùng tên gọi vào năm 2003 - đó là cuốn sách mở đầu cho Tủ sách Những vấn đề Ngữ văn do Khoa Ngữ văn và Báo chí chủ trì. Từ đó cho đến nay đã 16 năm trôi qua, Khoa Ngữ văn và Báo chí đổi tên thành Khoa Văn học và Ngôn ngữ rồi thành Khoa Văn học, Bộ môn Văn học nước ngoài từ năm 2008 đổi tên thành Bộ môn Văn học nước ngoài và Văn học so sánh thể hiện định hướng của Khoa, đưa văn học so sánh trở thành một trong những trọng tâm nghiên cứu và giảng dạy. Các hội thảo quốc tế và hội thảo quốc gia liên quan đến những vấn đề văn học so sánh được tổ chức, các tập sách lớn như Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh, Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á do PGS.TS. Đoàn Lê Giang chủ trì phần nào là những kết quả mà Khoa đã có được trong những năm qua, bên cạnh những công trình cá nhân của các giảng viên của Khoa và hàng loạt các luận văn, luận án về đề tài văn học so sánh đã được thực hiện.
Cuốn sách này là sự kế thừa một phần nội dung đã có trong cuốn Văn học so sánh: Nghiên cứu và dịch thuật năm 2003, đồng thời bổ sung những bản dịch và những nghiên cứu mới, được thực hiện bởi các giảng viên và những nhà khoa học đã hoặc đang học tập và làm việc tại Khoa.
Phần đầu của sách là những bài viết và bài dịch giới thiệu các vấn đề chung của văn học so sánh, từ những khái niệm cơ bản đã được nói đến từ rất lâu như văn học so sánh, văn học thế giới, văn học tổng quát, các vấn đề dân tộc và chủ nghĩa dân tộc, đến những vấn đề của thời hiện tại như chủ nghĩa xuyên quốc gia, phiên dịch học, tiếp nhận văn học như những hướng nghiên cứu được các nhà văn học so sánh đương đại quan tâm.
Hai nội dung tiếp theo là những nghiên cứu cụ thể các hiện tượng văn học của thế giới trong mối quan hệ giao lưu ảnh hưởng và quan hệ song song, loại hình. Các bài viết về văn học Việt Nam cổ điển và hiện đại cũng được trình bày trong tương quan so sánh với văn học khu vực, văn học thế giới.
Và cuối cùng, chúng tôi dành những trang kết của sách cho bài viết của cố giáo sư Trần Thanh Đạm như một sự tưởng nhớ và tri ân đối với người đã mở đầu cho hướng nghiên cứu và giảng dạy văn học so sánh của Khoa Văn học. Dù đã được viết cách đây gần 20 năm, nhưng cho đến nay, bài viết vẫn mang tính thời sự, cho thấy những cơ hội, những thách thức và những triển vọng đối với văn học so sánh nói chung cũng như đối với hướng phát triển của Khoa Văn học như một trung tâm của nghiên cứu văn học so sánh ở Việt Nam nói riêng.
Là công trình của một tập thể nghiên cứu, sách cung cấp những thông tin, những cách tiếp cập đa dạng về những hiện tượng văn học cổ điển và hiện đại Việt Nam và thế giới. Hy vọng nó có thể là một tài liệu mang tính công cụ, cần thiết cho những người nghiên cứu văn học, nhất là các sinh viên đại học và sau đại học, đồng thời cũng là một cuốn sách bổ ích đối với những người quan tâm đến văn học.
BAN BIÊN SOẠN
[1] David Damrosch (2006), “Rebirth of a Discipline: The Global Origins of Comparative Studies”, Comparative Critical Studies 3.1-2, p.99.
VƯỢT QUA NHỮNG RANH GIỚI CỦA VĂN CHƯƠNG
VĂN HỌC SO SÁNH VÀ HƯỚNG NGHIÊN CỨU LIÊN NGÀNH
LỜI NÓI ĐẦU
Nghiên cứu liên ngành như một xu hướng của văn học so sánh hiện đại
Đầu thế kỷ XXI, nhà văn học so sánh Hoa Kỳ gốc Ấn Độ Gayatri Chakravorty Spivak đã cho xuất bản cuốn sách với một nhan đề khá gây sốc: Cái chết của một môn học (Death of a Discipline). Ở đầu sách, Spivak dẫn lời nhà nhân học văn hóa Toby Alice Volkman như một trong những gợi ý cho công trình của bà: “Sự thay đổi về dân số, hiện tượng di dân, sự dịch chuyển lao động, những vận động của tư bản toàn cầu và truyền thông đại chúng, và những quá trình lưu thông và lai tạp văn hóa đã thúc đẩy cách hiểu ngày càng tinh tế và nhạy bén hơn về bản sắc và sự cấu thành của các khu vực.”
Không phải tình cờ mà cuốn sách của Spivak nằm trong chuỗi các bài giảng thường niên do Viện Lý luận Phê bình (Critical Theory Institute) của Đại học California ở Irvine tổ chức từ năm 1981 nhằm vinh danh nhà văn học so sánh René Wellek (nên còn được gọi là Các bài giảng Wellek/ Wellek Lectures). “Cái chết” mà Spivak nêu lên ở đây, cũng giống như “cuộc khủng hoảng” mà René Wellek từng đề cập vào năm 1959[2] đều đánh dấu những bước chuyển mình, đổi thay của văn học so sánh như một bộ môn nghiên cứu nhằm vượt qua những hạn chế của giai đoạn trước để thích ứng với hoàn cảnh đương đại. Nếu như Wellek ở giữa thế kỷ XX muốn đề xuất một định nghĩa rộng và đa trị về văn học so sánh để chống lại việc quá chú trọng vào nghiên cứu thực chứng các quan hệ ảnh hưởng, đưa văn học so sánh trở nên không tách biệt với văn học tổng quát như các nhà văn học so sánh Pháp trước đó đã phân chia, thì cuốn sách của Spivak thể hiện một xu hướng ở đầu thế kỷ XXI muốn mở rộng phạm vi văn học so sánh, “vượt qua những ranh giới” như tiêu đề chương đầu của sách (“Crossing the Borders”). Cái đa (multi), cái liên (inter), cái xuyên (trans), cái siêu việt (supra) giờ đây trở thành những tiếp đầu tố để tạo thành những thuật ngữ phổ biến thời hiện đại của văn học so sánh như “đa văn hóa”, “liên văn hóa”, “xuyên văn hóa”, “đa dân tộc”, “xuyên dân tộc”, “siêu việt dân tộc”, “xuyên quốc gia”, v.v. Đồng thời, các nhà văn học so sánh ngày càng ý thức rõ hơn việc nghiên cứu văn học, như một thực thể văn hóa xã hội, không thể chỉ biệt lập trong khuôn khổ của bản thân văn học, mà phải trong các mối quan hệ rộng lớn và phức tạp của nó với những lĩnh vực khác của đời sống văn hóa con người, điều mà thực ra từ năm 1961, Henry Remak đã xác quyết trong một định nghĩa nổi tiếng: “Văn học so sánh là sự nghiên cứu văn chương bên ngoài giới hạn xứ sở của một dân tộc, và là sự nghiên cứu những mối quan hệ giữa một bên là văn chương với bên khác là các lĩnh vực tri thức và tín ngưỡng khác nhau như nghệ thuật (hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc,…), triết học, lịch sử, các khoa học xã hội (chính trị học, kinh tế học, xã hội học,…), các khoa học, tôn giáo,… Tóm lại, đây là sự so sánh một nền văn chương với một hay một số nền văn chương khác và sự so sánh văn chương với các lĩnh vực khác của sự diễn tả con người.”[3]
Vế thứ hai của định nghĩa trên có thể được xem là quan điểm lý thuyết khởi đầu cho hướng nghiên cứu liên ngành, mà tùy theo mức độ kết nối phương pháp nghiên cứu giữa các ngành mà các nhà lý thuyết và thực hành văn học so sánh chia thành liên ngành[4], đa ngành và xuyên ngành. Hướng nghiên cứu này đem đến một khái niệm có tên: “một văn học so sánh mới” (A New Comparative Literature).[5]
Thực ra liên ngành trong nghiên cứu văn học không phải là “cái mới”. Công việc chú giải các văn bản tôn giáo và triết học cổ xưa ở phương Đông và phương Tây, mà từ đó dẫn đến những lý thuyết và phương pháp của thông diễn học (hermeneutics) có lẽ là những nghiên cứu liên ngành lâu đời nhất còn truyền lại đến ngày nay. Gotthold Ephraim Lessing ở thế kỷ XVIII từng có công trình nổi tiếng Laocoon so sánh nghệ thuật tạo hình với thi ca. Công trình của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trường phái nghi lễ - huyền thoại từ cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX cũng chứa đầy những kinh nghiệm liên ngành. Còn nơi các nhà hình thức luận Nga (rồi sau đó đến các nhà cấu trúc luận), những người quan niệm bản chất văn học là ở đặc trưng ngôn ngữ, nghiên cứu văn học không tách khỏi những tri thức và phương pháp nghiên cứu ngữ học. Và chính những nhà hình thức luận đó, vào thập niên 1920, lại cũng có thể được xem là những người tiên phong cho xu hướng xã hội học văn học với những công trình viết về mối quan hệ giữa văn học với kinh tế thị trường. Các ví dụ về nghiên cứu mang tính liên ngành trong quá khứ như thế còn có thể kể ra nhiều nữa.
Bởi thế, “cái mới” không phải ở bản thân hướng nghiên cứu, mà chủ yếu là ở chỗ: liệu các nghiên cứu liên ngành đó có được cho là thuộc phạm vi của văn học so sánh hay không? Nhiều người bảo có, như Henry Remak trong định nghĩa đã dẫn ở trên. Hay như chia sẻ của Geert Lernout, giáo sư môn Văn học so sánh thuộc Đại học Antwerp của Bỉ, rằng khi kể về nghề nghiệp của mình, đáp lại câu hỏi “so sánh văn học với gì”, ông thường nói là “với mọi thứ khác”, bởi “Tôi đã dạy về văn học và gần như mọi thứ khác: văn học và âm nhạc, văn học và nghệ thuật tạo hình, văn học và khoa học, tâm lý học, tôn giáo, xã hội học, lịch sử, triết học”[6].
Tuy nhiên, cũng có những người lo ngại việc mở rộng quá mức ranh giới của văn học so sánh như thế có thể gây băn khoăn về năng lực của người nghiên cứu (phải có kiến thức về nhiều ngành khác nhau), về tính chuyên nghiệp của họ khi cùng lúc phải “đội nhiều mũ”[7]. Và “nếu văn học so sánh là tất cả thì nó chẳng là gì cả” như phát biểu của nhà văn học so sánh Trung Hoa Gu Zhengkun (Cô Chính Khôn/辜正坤)[8].
“Cái chết của môn học” là vì thế. Nhưng đồng thời, nó cũng là “sự tái sinh của môn học”[9], bởi nghiên cứu liên ngành là chiếc áo rộng hơn để văn học so sánh có một đời sống mới thích ứng với hoàn cảnh hiện đại.
Với mong muốn mở rộng phạm vi quan tâm, hội nhập với bối cảnh nghiên cứu trên thế giới đầu thế kỷ XXI, công trình về văn học so sánh của tập thể các nhà nghiên cứu Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG TP.HCM, sau tập thứ nhất với nhan đề Những hội ngộ văn chương thế giới - Văn học so sánh: nghiên cứu và dịch thuật tập trung vào các vấn đề lý thuyết và thực hành nghiên cứu nội văn học, được tiếp nối với tập thứ hai, tức cuốn sách này Vượt qua những ranh giới của văn chương – Văn học so sánh và hướng nghiên cứu liên ngành.
Như đã nói, nghiên cứu liên ngành trong văn học so sánh rất rộng và liên quan đến nhiều lĩnh vực, mà một cuốn sách nhỏ này chắc chắn không thể bao quát hết được. Tuy nhiên, các bài viết trong sách cũng đã phần nào chạm tới những vấn đề tiêu biểu nhất mà các nhà văn học so sánh nói riêng, cũng như những người chú ý đến khoa học nhân văn hiện đại quan tâm. Đó là những nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là những nghệ thuật có sử dụng ngôn từ, thông qua khảo sát những vấn đề lý thuyết kịch có từ thời cổ đại ở phương Đông và phương Tây, quá trình tiếp biến, cải biên từ các tác phẩm văn học đến những sân khấu truyền thống như hát bội của Việt Nam, khon của Thái Lan, hay việc chuyển thể văn học thành các tác phẩm điện ảnh thời hiện đại. Đó cũng là những hướng tiếp cận xã hội học văn học đối với hiện tượng “văn học thị trường”, nhân học văn học đối với hành động đọc trong lý thuyết tiếp nhận văn học của Wolfgang Iser, nhân học văn hóa đối với một số hiện tượng văn học nữ. Những hiện tượng văn hóa đại chúng, dù có từ thời cổ xưa như trò bói bài Tarot hay chỉ xuất hiện ở đầu thế kỷ này như mạng xã hội nhưng đều tác động không nhỏ đến đời sống cá nhân và xã hội, đã được các tác giả của sách quan tâm khảo sát. Vai trò của báo chí, của chữ viết ở đầu thế kỷ XX, hay những vấn đề thời sự đầu thế kỷ XXI như toàn cầu hóa, kinh tế thị trường, nữ quyền, sinh thái đều được soi chiếu trong tương quan với văn học.
Toàn diện, khai phóng, đa văn hóa – những phương châm của khoa học nhân văn hiện đại thế kỷ XXI đã trở thành triết lý giáo dục của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn sách về văn học so sánh này trước hết hướng đến mục tiêu giáo dục và đào tạo, cung cấp một số kiến thức và cách tiếp cận đối với những hiện tượng văn học và văn hóa cho sinh viên ở các bậc đại học và sau đại học. Ngoài ra, nó cũng có thể là một tài liệu hữu ích cho những ai quan tâm đến các lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn.
Trần Thị Phương Phương
[1] Gayatri Chakravorty Spivak (2003), Death of a Discipline, Columbia University Press, New York, tr.3.
[2] René Wellek (1959), “The Crisis of Comparative Literature”, trong: David Damrosch, Natalie Melas, Mbongiseni Buthelezi (eds.) (2009), The Princeton Sourcebook in Comparative Literature: From the European Enlightenment to the Global Present (Translation/Transnation), Princeton University Press, Princeton and Oxford, tr.161-173.
[3] H. Remak, “Comparative Literature, Its Definition and Function”, trong: Newton P. Stallknecht, Horst Frenz (eds.) (1961), Comparative Literature: Method and Perspective, Southern Illinois University Press, tr.5.
[4] Khái niệm “liên ngành” (interdisciplinarity) có thể được dùng trong nghĩa rộng chỉ xu hướng liên kết giữa các ngành trong nghiên cứu nói chung, đồng thời cũng dùng trong nghĩa hẹp để chỉ hình thức và mức độ liên kết, trong tương quan với những hình thức liên ngành khác như đa ngành (multidisciplinarity), xuyên ngành (transdisciplinarity).
[5] Xem: Steven Tötösy de Zepetnek (1998), Comparative Literature: Theory, Method, Application (Chapter one: A New Comparative Literature as Theory and Method), Rodopi B. V., Amsterdam – Atlanta, tr.13; hay: Emily Apter (2006), The Translation Zone: A New Comparative Literature, Princeton University Press; G. Spivak trong “Lời nói đầu” cho Death of a Discipline thì khẳng định sự cấp bách của lời kêu gọi cho “một văn học so sánh mới” (Tài liệu đã dẫn, tr.xii) và nhiều lần nhắc đến cụm từ này trong sách của bà.
[6] Geert Lernout (2006), “Comparative Literature in the Low Countries”, Comparative Critical Studies Vol.3, Issue 1-2, 2006, British Comparative Literature Association (BCLA), tr.37.
[7] Theo: Charles Bernheimer (1995), “Introduction: The Anxieties of Comparison”, trong: Charles Bernheimer (ed.) (1995), Comparative Literature in the Age of Multiculturalism, The Johns Hopkins University Press, Baltimore and London, tr.1
[8] Dẫn theo: Aaron Lee Moore (2013), "Interdisciplinary Studies and Comparative Literature in China and the West”, CLCWeb: Comparative Literature and Culture, Purdue University Press, Vol.15 (2013), Issue 6.
[9] David Damrosch (2006), “Rebirth of a Discipline: the Global Origins of Comparative Studies”, Comparative Critical Studies Vol.3, Issue 1-2, BCLA, tr.99-112.