Ảnh: Tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần: Những tai họa thế giới và giấc mơ Việt Nam -
Tác giả Trương Văn Dân, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM, 6-2020
Độc giả chắc sẽ khá bất ngờ về quyển sách này và nghĩ rằng các đề tài đề cập trong sách đều xa lạ với cái thế giới mà ta đang sống, vì đó chỉ là một cuộc trò chuyện với một nhân vật siêu việt: Thiên thần.
Nhưng hoàn toàn không phải vậy; đó là một quyển sách có những câu chuyện liên quan đến đời sống chúng ta, đến thân phận làm người, dù là nam hay là nữ, trong cuộc sống hằng ngày.
Trong một chuyến đi bình thường như tất cả các chuyến lần đi thăm viếng hay gặp người thân nhưng sau đó một đôi vợ chồng bỗng giật mình nhận ra rằng, những sự kiện trong đời, cái thế giới nhỏ bé và bình an mà mình đã khó nhọc tạo dựng, tất cả đều thuộc về một cái gì đó rất to lớn mà họ không thể nào kiểm soát.
Độc giả nào đã từng đọc những quyển sách của nhà văn Trương Văn Dân, như Hành trang ngày trở lại, Bàn Tay nhò dưới mưa, Milano Sài Gòn đang về hay sang? chắc có lẽ đã nhận ra sự nhạy bén và nhạy cảm của tác giả này, một tính chất rất hiếm trong xã hội hiện đại.
Trong thế giới hôm nay, sự nhạy cảm thường được xem như một sự yếu đuối, một cản trở làm mất tính hiệu quả và còn khiến chúng ta rất dễ bị tổn thương; nhưng thực ra, sự nhạy cảm chính là sự chia sẻ cuộc đời mình, biết làm giàu tâm hồn qua những tình cảm và xúc cảm của mình với người khác.
Gần đây giới truyền thông thường nhắc là chúng ta hãy khôi phục lại những giá trị sâu sắc làm người bởi vì sự ích kỷ đang hối thúc chúng ta làm việc, sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn. Và cái tình trạng này càng ngày càng trầm trọng khi nó không chỉ giới hạn đến lòng ham muốn bệnh hoạn về vật chất mà còn lan đến những giá trị tình cảm giữa những con người.
Độc giả sẽ dễ dàng nhận ra là nếu chúng ta chỉ nghĩ về mình thì sẽ không có kết quả tích cực nào vì cảm xúc hay thỏa mãn tâm lý chỉ đến khi chúng ta chia sẻ với người khác.
Bao nhiêu căn bệnh hiện đại sẽ bị triệt tiêu nếu chúng ta biết gieo trồng hạt giống của sự nhạy cảm! Chỉ cần chúng ta “kết nối” với những người xung quanh và mở lòng ra với cuộc sống.
Trong tiểu thuyết Trò chuyện với thiên thần nhà văn Trương Văn Dân mời chúng ta suy nghĩ theo hướng tích cực, nhưng không phải là những suy nghĩ trừu tượng vì anh luôn đi bằng đôi chân chạm đất, nhìn sâu vào quan hệ giữa người với người cũng như quan hệ của những thành viên trong gia đình. Anh mời chúng ta suy nghĩ về vai trò của con người trong xã hội, đồng thời vạch cho chúng ta thấy tất cả những khía cạnh về vai trò làm cha, làm mẹ, làm con trong một thế giới đang ầm ầm lao tới phía trước bằng một vận tốc kinh hoàng.
Đây là một quyển sách để chúng ta dừng lại và suy nghĩ: Người ta cho rằng toàn cầu hóa đã biến trái đất thành “phẳng”, chúng ta có thể đến mỗi điểm, mỗi nơi trên trái đất trong tức khắc, kỹ thuật đã giúp kết nối mọi nước trên trái đất, nhưng con người thì càng lúc càng cô đơn.
Điều tệ hại nhất là nhiều khi chúng ta không ý thức được vì sao mà những quan hệ giữa người và người bị xấu đi và do đó cũng không mấy ngạc nhiên về những rạn nứt trong tình yêu và trong gia đình. Có lẽ chúng ta cần phải suy nghĩ lại về tình bạn, tình yêu, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, quan hệ giữa người và người. Những người trẻ hôm nay khoe rằng họ có nhiều bạn vì họ đang sống trong thế giới ảo của “chat”, của trò chơi điện tử mà không biết đấy chỉ là giả tạo và thiếu vắng hơi ấm của sự âu yếm hay của một vòng ôm.
Vì đời sống không phải là một trò chơi trên mạng ảo nên khi ý thức được điều này sẽ làm nhiều người vô cùng khổ sở. Trong đời sống thực chúng ta đau khổ, chúng ta chết mà không thể nào tránh khỏi. Nhưng chúng ta không thể chạy trốn khổ đau bằng cách ngắt điện hay tắt chiếc điện thoại di động. Chúng ta hiểu là sự tiến bộ có thể giúp ích cho con người nhưng con người cũng cần phải phát triển những kỹ thuật có đạo đức và chỉ có thế chúng ta mới mong cứu rỗi mình thoát khỏi sự tự hủy diệt, trước khi chạy đến điểm không còn có thể quay lại.
Đây chỉ là một vài suy nghĩ mà nhà văn Trương Văn Dân muốn chia sẻ cùng chúng ta. Để cùng chúng ta tìm lại những cảm xúc và sự nhạy cảm mà có thể mang đến cho ta sự thanh thản cũng như sức mạnh để vượt thoát những lúc khó khăn mà cuộc sống đang bày ra nhan nhản hằng ngày.
Sài Gòn 6-2019
Elena Pucillo Truong
(Trương Văn Dân dịch từ nguyên tác tiếng Ý: “Tro chuyen voi thien than (Ascoltare, Fermarsi e Pensare)”)
Nói với một nhân vật tưởng tượng để nói với một tương lai hiện thực về cái chết của văn hóa, cái chết của tâm linh, cái chết của con người, cái chết của hành tin này, tác giả hẳn sẽ nhận được đồng cảm tri âm bởi ông đã thắp lên một que diêm cho mỗi đêm buồn mất ngủ. Nhật Chiêu |