Ba - Món quà vô giá

Ba - món quà vô giá là tập sách của tác giả Ngô Thị Thu An, cựu sinh viên Khoa Ngữ văn (hiện là Khoa Văn học) khóa 1983-1987, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Web Khoa Văn học xin giới thiệu bài viết về cuốn sách của nhà thơ Lê Minh Quốc, cũng là cựu sinh viên cùng khóa với tác giả Ngô Thị Thu An.

Trên tay tôi là tập sách Ba - món quà vô giá (Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - 2022) của Ngô Thị Thu An. Một ám ảnh. Một day dứt. Có một điều gì đó xao xuyến khôn nguôi, từ dòng chữ. Ở đó, rộn ràng tiếng nói cười lẫn ngậm ngùi tiếng khóc dành cho ba mình và gia đình mình.

Liệu có riêng tư quá không? Tôi nghĩ rằng không. Vì rằng, từ trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người, đến một lúc nào đó, ai cũng ước ao viết lại, tìm về ngày tháng còn có ba, có mẹ. Tháng ngày đó, đã trở thành một phần máu thịt trong đời. Thời gian lao vun vút, chớp mắt đã bước qua bên kia dốc một kiếp người, muốn viết nhưng trí nhớ vốn luôn phản phé. Chỉ có thể nhớ lờ mờ, gãy đoạn về yêu dấu của những ngày tháng đã qua. Do đó, dễ nhận ra những tác phẩm văn học xưa nay giãi bày tình cảm dành cho cha vẫn ít hơn so với mẹ. Không sao cả. Trong hình ảnh của mẹ, ắt ta đã nhận ra cha. Và ngược lại. Tôi đã nhận ra đây cũng chính là những gì mà Thu An đã viết trong tác phẩm đầu tay của mình.

Đây là một tập sách cảm động. 

Có những lúc tôi lặng lẽ khép lại trang sách, thoáng nghĩ mơ hồ về cội nguồn, từ hình bóng người cha. Trong mắt của con cái, người cha ấy dẫu không có đời sống tả phù hữu bật, tiền hô hậu ủng, lên ngựa xuống xe, lừng danh bốn cõi; chỉ bình dị như bao người lương thiện khác, nhưng luôn là “thần tượng” với con cái họ. Một ngưỡng mộ chân thành, không gì sánh nổi. Ba của Thu An là một người như thế. Ấn tượng sâu sắc nhất về người cha, không chỉ Thu An mà chúng ta cũng đều giữ lại trong ký ức, vẫn là một tình yêu thương vô bờ bến. 

Với Thu An, tất cả điều đó được thể hiện qua nhiều kỷ niệm, lời ăn tiếng nói, lúc bảo ban, khi dạy dỗ, khiến người đọc thích thú nhận ra: “A, ba mình cũng thế đấy”. Ai lại không từng có lúc cầm lấy bàn tay của ba và ngỡ ngàng: “Hai bàn tay nhiều chỗ chai sần, đã bền bỉ gầy dựng cả một cơ ngơi, đã kiên trì lèo lái cả một đoàn tàu - là gia đình chúng tôi - chạy không nghiêng ngả trong mấy chục năm dài. Hai bàn tay yếu ớt lúc sắp lìa đời đã thao thiết cố nắm lấy tôi trong một cảm nhận sẽ mãi mãi chia xa trong tình phụ tử”.

Chỉ tiếc rằng, chúng ta đều nhìn ra điều thiêng liêng ấy vào khoảnh khắc chỉ có thể tính từng ngày, từng giờ. Vậy, trước đó ta đã làm gì mà lại không quan tâm, không suy ngẫm đến? “Có lẽ, vẫn rất nhiều cái có lẽ khác hằng ngày, hằng giờ cuộn xoáy trong con vô vàn lý do bận rộn, để thấy mình luôn không đủ thời gian tĩnh tâm ngồi trò chuyện cùng ba, nắm lấy bàn tay ba, cọ mũi lên hít lấy cái gò má ngày càng nhăn nheo của ba trong một cảm nhận vô biên của tình phụ tử. Cho đến một ngày”.

Ngày ấy, đã đến. 

Sống trọn vẹn những ngày ấy cũng là lúc Thu An “dọn lòng” để quay ngược về quá khứ. Chọn cách viết này, cũng là lúc thông qua những câu chuyện cụ thể, sinh động, Thu An đã tái hiện lại bức tranh gia đình, trong đó các nhân vật từ ba mẹ/anh chị em/láng giềng… hiện lên rõ nét. Bao giờ cũng thế, trong cái riêng phải có cái chung. Một thời dĩ vãng lần lượt đan chéo vào câu chuyện thật, nhờ thế, ta có thể phần nào nhìn lại đời sống của một thời, dù không nhiều, nhưng khiến bạn đọc cảm nhận cái chung ở trong đó.

Nếu không từng trải qua, không là Thu An kể lại, có lẽ tôi chỉ lướt thoáng qua. Câu chuyện về những ngày người cha nằm viện, thú thật, tôi ngạc nhiên ghê gớm bởi bạn đã kể lại rất chi tiết, tựa như nhật ký đã sắp xếp lớp lang trong trí nhớ. Mấy ai làm được thế, dù mỗi chúng ta đều yêu thương cha mình tận đáy lòng. Tôi nhận ra tình yêu dành cho cha của Thu An cực kỳ sâu sắc, đậm nét, không dễ phai mờ theo năm tháng. 

Có lẽ vì thế, bạn mới có trải nghiệm lạ lùng, sau lúc ba mình đã về cõi khác: “Tôi đau đến độ người lúc nào cũng bị căng thẳng, chỉ mong bác sĩ chữa được càng sớm càng tốt. Cuối cùng bác sĩ đề nghị chích thuốc kháng viêm vào chỗ đau của tôi để giải quyết tình trạng đau. Nhưng đến lúc đó, không hiểu sao tôi lại quyết liệt từ chối chích thuốc vào chỗ đau. Tôi mơ hồ cảm nhận việc chích thuốc vào chỗ đau không giải quyết được bệnh của tôi. Tôi chuyển sang châm cứu, làm vật lý trị liệu. Những cơn đau có giảm nhưng không hết. Tôi cứ cầm cự như vậy. 

Một đêm, tôi mơ thấy ba trong một cảm giác lạ lẫm, bồng bềnh. Tôi thấy ba đang giữ chặt tôi, ở trong tôi. Tôi yếu ớt vùng vẫy, vùng vẫy mãi. Rồi tôi thấy ba ra khỏi người tôi và không thấy ba đâu nữa. Tôi tỉnh giấc, chưa hết bàng hoàng, nhớ lại cơn mơ rõ mồn một”. Chi tiết này nói lên điều gì? Tôi nghĩ, chính một cách cụ thể về tâm niệm nào phải của riêng Thu An, là tiếng lòng xiết bao đau đớn lẫn an lạc, khi chúng ta nhìn về còn và mất, có và không:

Xem như một cuộc đi xa/ Một lần ba dạo bước qua cõi trần/ Một lần ơn nghĩa sinh thành/ Đi đâu cũng vẫn an lành nghe ba.
Đọc quyển sách này, với những ai đã, đang và sẽ được làm cha, chắc chắn họ nghĩ rằng: “Giá mà con cái mình, dẫu trai dẫu gái, cũng có lòng dành cho mình như thế này”. Tôi tin chúng ta cần có thêm nhiều quyển sách tương tự. Để cuối cùng, tất cả cùng hòa âm một hợp xướng thiêng liêng nhất: Sau tình yêu dành cho non sông đất nước, tổ tiên ông bà, vẫn chính là mối gắn kết máu thịt bền chặt về ơn cha nghĩa mẹ trong mỗi nếp nhà. 

Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/ba-mon-qua-vo-gia-a1475914.html

Thông tin truy cập

63663095
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6813
17595
63663095

Thành viên trực tuyến

Đang có 873 khách và không thành viên đang online

Danh mục website