Mù u bông trắng lá thắm nhụy vàng…

À vậy cứ tưởng tranh dân gian, dòng tranh Đông Hồ vẽ cảnh đánh ghen chỉ có một bức. Không đâu. Dăm bức đó chứ.

Nói chắc nịch như thế là nhờ đọc tập sách “Tranh dân gian Việt Nam” (NXB Văn Hóa - 1984) của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Vân - Chu Quang Trứ. Thì đây, “Tranh Đánh ghen còn lại đến ngày nay được ghi lời can khéo của ông chồng tham lam ích kỷ đối với bà vợ cả:

“Thôi thôi nuốt giận làm lành

Chi điều sinh sự, nhục mình nhục ta

trong khi đang cặp kè rờ tay lên ngực cô vợ hai mình trần. Những bản sớm hơn còn ghi lời cô vợ hai:

Măng non nấu với gà đồng

Thử chơi một trận xem chồng về ai

Hoặc:

Trăm quan tiền tốt bó mo

Làm tờ ký chỉ, chị cho chuộc chồng

Cũng có ván ghi lời đứa trẻ con bà vợ cả, khuyên mẹ:

Mẹ về tắm mát nghỉ ngơi

Tham thanh chuộng lạ mặc thầy tôi với dì

Về sau này, có nghệ nhân làm thêm một bố cục mới cho chủ đề này, ghi lời bình tranh của xã hội đối với ông chồng đa thê: Nhân lão tâm bất lão hoặc Muốn vẻ thanh, ham vẻ quý” (tr.113). Những thông tin này, ít nhiều cho thấy chuyện ghen tuông/ ghen tuông vốn xưa như trái đất. Ghen có nhiều cách ghen. Thử liệt kê xem sao.

Ghen bóng ghen gió là ghen một cách vu vơ, suy diễn, tưởng tượng dù chẳng có chứng cứ gì rõ rệt, chẳng hề bắt tận tay day tận mặt, trai trên gái dưới nhưng vẫn thể hiện cỡ độc địa như: “Gái đâu có gái lạ lùng/ Chồng chẳng nằm cùng, nổi giận đùng đùng ném chó xuống ao”. Cái kiểu ghen bóng ghen gió này, tức cười nhất vẫn là: “Ghen chi ghen lạ ghen lùng/ Mèo đi bắt chuột đụng mùng cũng ghen”.

Thiệt hết biết. Đã ghen, lúc không tự chủ được, có phải ghen lồng ghen lộn? Ừ, cứ cho là thế. Còn có kiểu ghen lạ đời nhất theo y vẫn là ghen ngược. Đến sau, không biết thân biết phận lại so bì, ghen tuông với người đến trước. Kỳ cục chưa? 

Nhân vật bà Bồ trong vở tuồng hài “Trần Bồ ở Quảng Nam” do nhà văn Nguyễn Văn Xuân phát hiện, phiên âm và chú giải, có đoạn: “Ở cùng vợ khác lòng khác dạ/ Đặng chim bỏ ná, đặng cá quên nơm/ Thấy hầu non như thấy hoa thơm/ Cầm vợ cũ chẳng bằng dái mít”. Dái mít, hiểu một cách nôm na “Cụm hoa đực của cây mít, xếp sít vào nhau thành khối đặc: chát như dái mít” (“Đại từ điển tiếng Việt”, 1999).

Giữa hoa thơm và dái mít, chọn gì? Bởi thế, mới có câu Đau đẻ, ngứa ghẻ, đòn ghen. Không cần dài dòng lắm lời, chỉ so sánh các vế này đã thấy ghen là chuyện không thể đơn giản chút nào. Mà này, có những trường hợp cũng oái ăm ghê, đôi lúc chẳng phải do so sánh giữa hoa thơm và dái mít đâu, lại là:

Cá nục nấu với dưa hồng

Lơ mơ có kẻ mất chồng như chơi.

Hóa ra nghệ thuật “bỏ bùa” đàn ông cũng đơn giản nhỉ? Cứ tấn công bằng con đường đi vào bao tử ắt trái tim hắn ta sẽ “ngất trên cành quất” đấy chứ? Nói thì nói thế thôi, khó ai có thể lý giải do các lý do gì khiến đàn ông lại khoái chân ngắn chân dài, thậm thò thậm thụt, phòng nhất phòng nhì, lăng nhăng lít nhít… khiến quý bà phải tự nhủ: “Ghen tuông thì cũng người ta thường tình”.

Quái, vậy đàn ông có ghen không? Tất nhiên là có. Thế nhưng không rõ do cơn cớ gì, từ văn chương truyền khẩu đến chữ nghĩa ghi sờ sờ trên giấy trắng mực đen, dẫu có tìm đỏ con mắt, ta cũng thấy tần số bàn về cái ghen của họ hầu như không nhiều, nếu không muốn nói là quá ít. Ít lắm.

Trong khi đó, ai lại không nhớ đến câu “kinh điển”: “Ớt nào là ớt chẳng cay/ Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng/ Vôi nào là vôi chẳng nồng/ Gái nào là gái có chồng chẳng ghen”. Câu ca dao này thuộc về thể tỷ, ông bà ta so sánh cái ghen của phụ nữ chỉ cay như ớt, nồng như vôi, đơn giản như đang giỡn, tức là sự ghen tuông ấy không có gì đáng sợ.

Có thật là không gì đáng sợ?

Trộm nghĩ chỉ là cách nói tự trấn an của cánh mày râu đó thôi. Bản chất của họ từ thời khai thiên lập địa đến mãi mãi về sau vẫn là tâm thế “đi săn”. Dù đã năm thê bảy thiếp, đã “anh hùng râu quặp” nhưng hễ bước chân ra khỏi nhà, sổng một cái là lại tí ta tí tởn ham hố đuổi hoa bắt bướm.

Do đó, người phụ nữ có ghen thì cũng bình thường như cân đường hộp sữa. Mà, có phải mức độ ghen của họ chỉ cay như ớt, nồng như vôi? Ghen đó, rồi tha thứ đó? Thật ra chẳng ai có thể quả quyết, xác tín điều này. Mỗi người mỗi nết, khó có thể có mẫu số chung.

Thế thì, theo y, phụ nữ một khi đã ghen thì trời gầm đất lở. Chẳng đùa được đâu. Họ có trăm mưu ngàn kế để buộc “người của mình” phải quay “tung cánh chim tìm về tổ ấm/ Nơi sống bao ngày giờ đằm thắm”, chứ đừng hòng tưởng bở. Thì đây, phải lấy “cảm hứng” từ đời thật, đã diễn ra, dân gian mới vẽ nên những hoạt cảnh đánh ghen sống động lạ thường.

Người này hăm dọa: “Tóc mi tau xắp, tau cạo lông mày/ Quần mi tau xẻ đáy phen này cho mi coi”; người kia đằng đằng sát khí: “Chị cả đứng cạnh hàng rào/ Mong cho chị bé bước vào cho mau/ Chị cả cầm con dao cau/ Mong gặp chị bé, đánh nhau phen này”; người nọ nguyền rủa: “Tau lắng nghe từ trước đến sau/ Con nào phỉnh dỗ chồng tau thì chừa/ Tau đây không phải tay vừa/ Tau cạo trọc lóc, không chừa tóc con/ Mày đừng dỗ ngọt dỗ ngon/ Tiếng to tiếng nhỏ, không khôn chi mặt mày/ Mả cha tám kiếp con đĩ này/ Gọt đầu cắt tóc cho mày biết thân!”.

Nào đã hết đâu, khi người phụ nữ đã ghen, đã ra tay thì họ bạo liệt ghê gớm vì đàng sau họ còn có cả “đồng minh” hỗ trợ nữa. Xem kìa, “Con cò trắng bạch như vôi/ Ai muốn làm bé cha tôi thì về/ Mẹ tôi chẳng đánh chẳng chê/ Mài dao cho sắc, móc mề mà xem”. Thoạt nghe đã nổi da gà. Sợ chưa? Tất nhiên là sợ, nhưng rồi, với người chồng đã có thói lăng nhăng bay bướm thì chưa chắc họ đã ngán, đã sợ.

20200819

Ảnh: L.G

Theo thăm dò của y, khi bị đánh ghen thông thường đàn ông chối phắt, chối quyết liệt như một cách nín thở qua sông. Làm mọi cách cho cô nàng hạ hỏa. Càng nhanh càng tốt. Lại còn hứa hẹn đủ điều, miễn sao chóng vánh tai qua nạn khỏi cho yên thân. Thậm chí còn tỏ thái độ quả quyết: “Thấy con bạn nó nghi tình/ Tôi đây tức mình muốn chết/ Chờ người ta ngủ hết tôi quyết lấy cái gối gòn/ Đập đầu cho rảnh nợ kẻo còn nghi oan”. Tự tử bằng cách đập đầu vào cái gối bông gòn êm ái cực kỳ, sao mà khôn thế? Cô vợ thừa biết tỏng cái sự láu cá này, bèn cà khịa: “Anh tự vẫn như vầy, chắc đêm nay chết uổng/  Muốn cho trọn đạo cang thường/ Em cũng mua một cân đường đặng chết theo”.

Nếu diễn ra đúng như thế này, có lẽ, cả hai đã hóa giải và dễ dàng làm lành lại với nhau. Làm lành bằng cách nào hiệu quả nhất hỡi quý ông “Râu hùm hàm én mày ngài/ Vai năm tấc rộng thân mười thước cao”? Dễ ẹc. Cứ  làm theo lời dạy từ xửa từ xưa còn truyền đến nay: “Mù u ba lá mù u/ Vợ chồng cãi lộn con… giải hòa”. Vậy, xong béng. Không tin à? Cứ thử đi, biết ngay thôi.

Tuy nhiên, sự đời không đơn giản thế đâu. Muốn yên thân à? Không dễ đâu. Một khi đã ghen, thường là người phụ nữ làm cho đã nư, cho lại gan, buộc đối phương phải giương cờ trắng đầu hàng vô điều kiện. Thử cho thí dụ đi? Ừ, lấy chuyện người khác thì xoàng lắm. không khéo bị thiên hạ mắng thày lay, bẻm mép nhiều chuyện, chi bằng lấy chuyện của mình kể nghe chơi.

Rằng, ngày xửa ngày xưa, hắn ta cũng “những giăng cùng gió lăng nhăng sự đời”, sau nhiều lần bị bắt quả tang nhưng vẫn chối leo lẻo, bực quá, cô nàng bèn đổi chiến thuật: Mỗi đêm chừng 1, 2 giờ sáng là cô nàng gọi hắn ta dậy và tra hỏi về cô Z,Y, Z.

Sự việc diễn ra suốt mấy đêm liền, hắn xụi lơ vì mất ngủ, dành phải bấm bụng mà khai ra tuốt luốt để mong được khoan hồng. Nói tóm lại, “có hơi có chịu thì liệu mà chơi”, nếu đã yếu bóng vía thì đừng dại léng phéng nọ kia, vợ biết được chỉ từ thua đến thua…

“Gái nào lá gái chẳng hay ghen chồng”. Vậy, đàn ông có ghen không?

Tất nhiên là có. Nhà văn Vũ Trọng Phụng có viết một truyện ngắn, đọc xong lại phì cười: Ngày kia, người chồng dò hỏi vợ trước đây đã từng yêu ai chưa? Cô vợ thành thật cho biết là có. Thế là anh chồng đùng đùng nổi cơn ghen. “Ấy cái ghen của đàn ông là như thế đấy. Họ tò mò, họ bắt mình cung khai sự thật, để họ phải đau khổ, và làm mình cũng đau khổ. Họ có hàng trăm cô nhân tình, họ ngủ với hàng nghìn con đĩ thì không sao. Vợ họ mà để ý một người nào trước khi biết họ, thế cũng đủ họ muốn tự tử”.

Trên đời này, còn có hạng đàn ông ghen kiểu này không? Y nghĩ vẫn còn. Ghen này đáng chán, đáng ghét vì nó thuộc loại “ghen vặt”, không xứng mặt đấng trượng phu hảo hớn: “Nực cười con kiến riện mọc mồng/ Bạn xích ra cho khỏi, kẻo chồng ta ghen/ Cọp nằm kẽ đá mài răng/ Mấy thằng ghen vặt, ông hãy ăn cho rồi”. Đúng lắm. Đàn ông đàn ang mà ghen, thú thật, tôi thấy nó hèn hèn thế nào ấy.

Không chỉ hèn, mà còn có lúc giận mất khôn, thiếu kiềm chế. Nhà văn Nguyễn Hiến Lê có kể câu chuyện về anh chàng nọ sau dăm ngày nửa tháng đi vào Đồng Tháp Mười phát cỏ, lúc quay về nhà, nhằm đêm trăng sáng bỗng nghe tiếng hò vút lên trữ tình ấm áp: “Hò ơ ơ ớ ớ… Mù u bông trắng lá thắm nhụy vàng/ ơ ơ ơ… Anh đi khắp xứ, tới đây mới được gặp nàng/ ơ ơ ơ… thật là dễ thương ơ ơ…/ Hò ơ ơ ớ ớ… Nghe giọng nàng, anh những vơ vẩn vấn vương…/ Sống cùng nhau chẳng được, cho anh phải mơ màng chiêm bao…”. Nam vừa dứt tiếng, nữ đáp ngay: “Hò ơ ơ ớ ớ…… Lửng da trời, bay lượn con chim hồng,/ Gặp nhau sao quá trễ cho tấm lòng này xót xa/ Đêm nằm em luống những thở ra/ Đôi ta chẳng…”. Nhận ra giọng của vợ mình và “Tới tiếng “đôi ta” mắt nàng sáng lên, đắm đuối trong ánh trăng và giọng nàng hơi lơi lả”, người chồng đùng đùng nổi cơn ghen.

Ghen thì sao?

“Đám đông bỗng vẹt ra, có cái gì loang loáng vút trong không, đầu thiếu phụ đã lăn trên đất, một dòng máu đen vọt lên. Ai nấy chạy tán loạn. Đêm hôm ấy một chòi lá cháy rực trong xóm mà không ai dám lại cứu. Sáng hôm sau, một ngôi mộ mới đắp hiện lên ngay chỗ thiếu phụ chết. Còn người chồng từ đó biệt tăm, không ai biết là đi đâu”. Ghen kiểu này có phải khôn ngoan? Theo y, đàn bà ghen không ngoài mục đích níu kéo; đàn ông ghen thì họ đẩy sự việc đến tận cùng.

Thôi thì, đã chung sống với nhau, làm gì thì làm, chớ nên để chuyện ghen tuông xảy ra. Mệt cả đầu. Nhức cả óc. Nói cứ như “sách vở” nhỉ. Cứ cho là thế. Thế nên, y thích thái độ và sự chọn lựa của cô nàng trong câu ca dao này quá đỗi. Thích lắm. Mặc dù lúc đó, nơi đó, được nghe biết nhiêu lời “có cánh” tung hô, tán tỉnh ngậu xị cỡ như: “Mù u bông trắng lá thắm nhụy vàng/ ơ ơ ơ… Anh đi khắp xứ, tới đây mới được gặp nàng/ ơ ơ ơ… thật là dễ thương ơ ơ…” nhưng cô nàng vẫn lễ phép từ chối mà rằng:

Em về kẻo mẹ em trông

Kẻo con em khóc, kẻo chồng em ghen…

Lê Minh Quốc

Nguồn: An ninh thế giới giữa và cuối tháng, ngày 09.8.2020.

Thông tin truy cập

63664273
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7991
17595
63664273

Thành viên trực tuyến

Đang có 807 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website