Tiểu thuyết Bồ công anh (Huy Hoàng và NXB Thanh Niên) được Kawabata Yasunari khởi sự viết vào năm 1964 và dừng năm 1968.
Dưới phần chính văn trong bản dịch tiếng Việt, có mấy từ: Tác phẩm còn dang dở.
Dẫu dở dang không hồi kết, độc giả vẫn có thể nhìn ra đủ đầy tài năng của Kawabata trong câu chuyện lạ kỳ về một thiếu nữ bị chứng "nhân thể khuyết thị".
Một chứng bệnh kỳ ảo do nhà văn sáng tạo để chỉ một người đột nhiên không còn nhìn theo cách bình thường. Cô có thể thấy mọi thứ, chỉ trừ thấy người cô yêu.
Cái tài tình của nhà văn ở chỗ ông không cần thuyết phục độc giả tin vào một căn bệnh không có thật. Nhưng thiết nghĩ, trong thi giới của Kawabata, thật và mộng có cùng một nghĩa.
Người đọc bước vào thi giới ấy, không cần cố chấp và một niềm tin, hãy cứ thư thả dạo bước trên bờ sông ngập tràn những bông bồ công anh.
Toàn bộ tiểu thuyết này cũng dường như chỉ chừng thế. Hai người, mẹ và người yêu của thiếu nữ mắc "nhân thể khuyết thị", vừa rảo bước vừa trò chuyện cùng nhau.
Cuộc trò chuyện liên tu bất tận như thể họ không biết mình đã ra khỏi bờ sông của những cánh bồ công anh, ra khỏi lữ quán, để nhập vào cõi mộng như hai kẻ miên hành.
Thị trấn Ikuta như nằm bên rìa cuộc thế, nơi giao của mộng và thực. Cô gái, người mẹ, người yêu là mộng. Bồ công anh, nhà thương điên và tiếng chuông chùa là thực. Cô gái mắc "nhân thể khuyết thị" không cách chi cứu chữa nên buộc phải sống với những người điên.
Người mẹ và người yêu đến thăm, anh người yêu quyết đón cô về, kết hôn với cô bất chấp cô không nhìn thấy anh. Chuyện chỉ có vậy, thời gian cũng chỉ từ lúc hai người rời nhà thương đến lúc tối.
Nghịch lý là thiếu nữ bị "nhân thể khuyết thị" lại là người độc giả không được "thấy" trong suốt câu chuyện. Cô chỉ được "tái dựng" qua ký ức và lời kể của người mẹ và người yêu.
Điều này làm ta nhớ đến truyện Thủy nguyệt của Kawabata, người vợ dùng chiếc gương tay để người chồng nằm liệt giường thấy được mảnh vườn.
Ở Bồ công anh, người mẹ và người yêu chính là hai chiếc gương phản chiếu lại cuộc đời thiếu nữ. Một thiếu nữ chứng kiến cha mình rơi xuống vách đá, khi cô còn nhỏ.
Người cha qua đời. Mẹ và cô vẫn sống. Cô mắc "nhân thể khuyết thị". Mẹ và người yêu vẫn tiếp tục sống. Cuộc sống luôn luôn cuộn chảy không ngừng đổ vào cái bể đời khôn cùng tận. Cho nên nói Bồ công anh dang dở thì cũng đành, nhưng nói nó đã hoàn tất thì cũng hữu lý.
Nó dường như đã kết thúc ngay từ lúc bên bờ sông của những cánh bồ công anh, trong tiếng chuông chùa được gióng lên bởi những người điên như một liệu pháp chữa trị.
Nó chưa kết bởi vì cuộc đời chưa chung quyết, bởi nhà văn chỉ lẩy ra một khoảnh đời như lấy chiếc gương soi từ tay áo yukata và hé mở cho người đọc bước vào con đường nội tâm sâu thẳm của lòng người, vào thế giới phức tạp và đa đoan của cõi người.
Khác với nhiều tác phẩm khác của Kawabata, đến giờ Bồ công anh mới có bản dịch tiếng Việt dưới bàn tay săn sóc của dịch giả An Nhiên.
Đọc lời cuối sách của dịch giả, cũng như lời giới thiệu của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, dù xuất hiện muộn tại Việt Nam, Bồ công anh cũng như Kawabata đã tìm được những tri âm dẫu cách nhau bao trời biển.
Nữ Lâm
Ta nhìn nhau nhưng có thấy nhau không?Sáng 11-3, chương trình "Giao lưu với nhà thơ Nhật Chiêu và dịch giả An Nhiên về Bồ công anh - Một di cảo tiểu thuyết phi thường, tác phẩm cuối cùng của văn hào Kawabata Yasunari" đã diễn ra tại trà thất Lạc Nhiên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), mở đầu cho chuỗi chương trình Thời khắc đẹp trò chuyện về văn chương, điện ảnh... Tại buổi trò chuyện, nhà thơ - nhà nghiên cứu Nhật Chiêu và dịch giả An Nhiên đã cùng nói về sự quyến rũ của tác phẩm Bồ công anh, cái đẹp và niềm bi cảm trong văn chương Kawabata nói riêng và văn học Nhật nói chung, thiên nhiên trong văn Kawabata và trong thơ Nguyễn Du, sự dang dở mà không dang dở của tiểu thuyết Kawabata cũng như tiểu thuyết Kafka, sự giống và khác nhau giữa văn hóa của hai đất nước cùng trong chiếc nôi văn minh Đông Á - Nhật Bản và Việt Nam... "Chấn động" trước Bồ công anh như một di sản huyền nhiệm của một nhà văn lớn; nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã gợi ý cho học trò mình là dịch giả An Nhiên đưa tác phẩm này đến cho độc giả Việt Nam. Dịch giả cũng cho biết chị may mắn khi được đọc và dịch một tác phẩm và phải mất nhiều thời gian "mới thoát ra được". Chiều sâu tư tưởng của tác phẩm có thể gói gọn trong một câu thơ: "Sao cõi người ta lại khó vào". Đó là tựa và cũng là câu thơ trong bài thơ Nhật Chiêu cảm tác từ tác phẩm Bồ công anh: Anh đã yêu nàng như thế nào/ mà nghe sương vọng tiếng chuông đau/ cõi ma cõi pháp len mình dễ/ sao cõi người ta lại khó vào/ Mi đã tình she /si/ như thế nào/ mà nghe chuông vọng tiếng điên chao/ nàng nhìn/ mi biến thành vô thể/ biển lạnh/ trời rung một cõi sao... Cõi người ta khó vào bởi lòng người khó dò, nội tâm con người khó đoán, và như câu hỏi của nhà thơ Nhật Chiêu đặt ra cho chúng ta: Ta nhìn nhau nhưng có thấy nhau không? Khả Linh |
Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 12.03.2023.