Ca dao - dân ca Nam bộ cuối thế kỷ XIX – nửa đầu thế kỷ XX

20230623

Cuối thế kỷ XIX cho đến thập niên 1930, đã có một số sưu tập ca dao - dân ca Nam Bộ được xuất bản như: Thông loại khóa trình (Miscellanées, 1888-1889, Trương Vĩnh Ký), Câu hát góp (1901, Huỳnh Tịnh Của), Câu hát đối và câu hò tuồng, truyện thơ, xạoCâu hát huê tình (1907, 1928, Đặng Lễ Nghi), Câu hát và hò góp (1929, Đặng Tấn Tài), Hát đối đáp (1932, Đặng Trọng Quờn), Câu hát đối đáp (1), Câu hát đối đáp (2) (1933, 1934, Nguyễn Bá Thời), Hát và hò gópCâu hò xây lúa (1910, 1930, Nguyễn Công Chánh), Hát huê tình đối đápHát chèo ghe đối đáp (1933, Khấu Võ Nghi), Câu hò xay lúa đối đáp, Câu hát và hò góp (1933, 1934, Cử Hoành Sơn).

Về sau có thêm những sưu tập như Hò miền Nam (1956, Lê Thị Minh), Hương hoa đất nước (1956, Trọng Toàn), Ca dao giảng luận (1957, Thuần Phong) được in ấn ở Sài Gòn. Gần đây thì có công trình Ca dao dân ca Nam Kỳ lục tỉnh (Nxb Đồng Nai, 1998) do Huỳnh Ngọc Trảng biên soạn. Cuốn sách tập hợp các tác phẩm về ca dao dân ca Nam Bộ như: Câu hát góp (1901) của Huỳnh Tịnh Của, Hò miền Nam (1956) của Lê Thị Minh, Câu hát đối đáp (1959) của Nguyễn Bá Thời, Câu hát huê tình (1966) của Đinh Thái Sơn, Hát và hò góp của Nguyễn Công Chánh (1967), Hò xay lúa của Hoàng Minh Tự. Và đó “chỉ là một phần rất nhỏ trong số các bộ sưu tập ca dao - dân ca Nam Bộ cần phục dựng lại, đồng thời việc nghiên cứu tình hình sưu tập và đặc điểm nội dung nghệ thuật của các bộ sưu tập ca dao này vẫn chưa được đặt ra trong các công trình nghiên cứu vừa được nhắc đến ở trên” (trích Lời nói đầu).

Đến nay công trình nghiên cứu Ca dao dân ca Nam Bộ cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX (Nxb Đại học Quốc gia TP.HCM, 2022) của La Mai Thi Gia vừa ra mắt bạn đọc.

Cuốn sách ra đời xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu một thể loại văn học dân gian khá phổ biến ở Nam Bộ nhưng chưa có một chuyên khảo riêng biệt. Những câu hát, câu hò này phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội, những tâm tư tình cảm, triết lý nhân sinh, những giá trị đạo đức… của một giai đoạn đã qua.

Mở đầu cuốn sách, với chương 1 “Tình hình sưu tầm và nghiên cứu ca dao dân ca ở Nam Bộ cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX”, tác giả điểm qua tình hình nghiên cứu ca dao dân ca ở Nam Bộ qua các bộ sưu tập, tình hình văn bản, đặc điểm nội dung và nghệ thuật. Việc tập hợp các sưu tập ca dao - dân ca Nam Bộ được sưu tầm in ấn trước 1945 gặp nhiều khó khăn do sự tản mác của tài liệu cũng như chưa được sự quan tâm nhiều của các nhà nghiên cứu. Kết quả của quá trình đó là 14 bộ sưu tập (có những bộ với nhiều lần in khác nhau) được in lần đầu trong khoảng thời gian từ 1888 đến 1933, sau đó là những lần tái bản, lần tái bản gần nhất hiện nay là năm 1967.

Phần chủ lực, tác giả dành nhiều công sức lao động, tâm huyết của mình thể hiện ở 2 chương sau.

Trong chương 2 “Đặc trưng về đề tài của ca dao – dân ca Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX”, tác giả chọn 2 bình diện là những biểu hiện của lịch sử và văn hóa Trung Hoa và văn hóa Pháp trong ca dao - dân ca Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.

Nghiên cứu về ca dao dân ca Nam Bộ trong cuốn sách này của tác giả cho biết, sáng tác dân gian đã dùng địa danh, tên các triều đại khác nhau trong lịch sử Trung Hoa để chỉ không gian xa cách và sự chia lìa trong tình yêu đôi lứa như: Hồ, Ngô, Tề, Sở, Đằng, Tấn, Tần, Trụ, Châu, Hớn (Hán)… Hoặc ở dạng cặp đối sánh như: Tần - Tấn, Hớn - Hồ, Hồ - Việt, Hớn - Ngô, Tề - Sở,… hay kết hợp với các địa danh có tính ước lệ khác như: non Tần ải Bắc, kẻ Tấn người Tần, kẻ Hán người Hồ, anh Hán em Hồ, sớm Sở tối Tần.

Một kiểu khác là dùng tên nhân vật và mối quan hệ của các nhân vật trong lịch sử Trung Hoa để chỉ bản thân và đôi lứa.

Thông qua nghiên cứu, tác giả cho biết ngoài hàng trăm câu ca dao có chứa tên nhân vật, triều đại và các sự kiện lớn trong lịch sử Trung Hoa ca dao dân ca Nam Bộ của giai đoạn này còn đề cập đến các điển tích điển cố khác trong văn chương bình dân lẫn bác học của Trung Hoa như non Bồng, Nguyệt lão, ông Tơ, sông Ngân, ả Chức chàng Ngưu, cầu Ô, Chương Đài, con tạo, mộng hồ điệp, phượng loan, chăn loan, kết tóc xe tơ, cầm sắt cầm kỳ, Bá Nha Tử Kỳ, Điêu Thuyền Lữ Bố… Hay sự phát hiện thú vị như trong quá trình giao lưu của người Hoa và người Việt ở vùng đất này đã có những cuộc hôn nhân giữa các cô gái Nam Bộ với các chàng trai người Hoa, được gọi bằng các tên như Khách, Chệt, Ba Tàu, người Tiều, người Đường, người Minh, người Thanh

Tác giả tìm ra 50 câu ca dao có dấu ấn văn hóa Pháp. Đó là những câu ca dao có nhắc đến những con người hoặc địa điểm có liên quan đến bộ máy cai trị thuộc địa trong thời kỳ Pháp chiếm đóng ở miền Nam, sự kiện lịch sử thời Pháp thuộc, sinh hoạt vật chất và tinh thần mà người Pháp đã mang sang đây. Còn có thể thấy dấu ấn của văn hóa vật chất của Pháp với những sự vật đại diện cho sự tiến bộ của nền văn minh công nghiệp như tàu thủy, xe lửa, ô tô hoặc các vật dụng cần thiết trong sinh hoạt văn hóa hằng ngày như báo chí, đồng hồ, giấy Tây, đồng bạc. Bên cạnh là những tệ nạn là những sinh hoạt giải trí như vũ trường, quán bar, thuốc phiện, bài bạc… được thể hiện trong ca dao dân ca Nam Bộ của giai đoạn này.

Với chương 3 “Đặc trưng về ngôn ngữ của ca dao – dân ca Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX” giúp bạn đọc nhận diện được đặc điểm chung về mặt ngôn ngữ của các câu hát tương đương với quá trình ra đời và phổ biến chữ quốc ngữ ở Nam Bộ vào thời kỳ đầu: chính tả tiếng Việt, từ Việt cổ, từ Hán Việt, từ phiên âm tiếng Pháp, từ địa phương Nam Bộ...

Chỉ riêng tác phẩm Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của trong sách này xuất hiện từ “tổ nễ”: “Ngó lên tổ nễ chau mày / Mảng lo sự khó quên ngày muối dưa”, để chỉ tổ tiên ông bà cha mẹ, khá phổ biến trong ngôn ngữ bình dân ở miền Nam ngày xưa. Hay từ “mảng” cũng là một từ Việt cổ tới nay không thấy dùng với nghĩa như cũ nữa.

Xuất hiện đến 26 lần trong 14 bộ sưu tập, thường đi chung trong các cụm từ như mảng sầu căn dươn, mảng sầu dươn nợ, mảng sầu người nghĩa, mảng săm soi, mảng thương, mảng lo, mảng coi, mảng con trăng, mảng con nước… trong Câu hát huê tình của Đặng Lễ Nghi: “Cửa song loan đóng chặt còn nêm, Mảng sầu dươn nợ lại thêm sầu mình”.

Quá trình giao lưu với văn hóa Pháp diễn ra mạnh mẽ ở Nam Bộ làm xuất hiện trong tiếng Việt một nhóm từ vựng có nguồn gốc từ tiếng Pháp được dùng rộng rãi trong đời sống “thể hiện đậm nét trong ngôn từ của các bộ sưu tập câu hát dân gian này”.

Trong Hát huê tình đối đáp (Khấu Võ Nghi) và Câu hát huê tình (Đặng Lễ Nghi), có thể thấy các từ “Ô-rơ-voa” (Au revoir: chào tạm biệt), “phát-sê” (fâcher: buồn giận), “cô-son” (cochon: con heo và chỉ loại người bẩn thiểu) như trong câu “Ô-rơ-voa đây giã bạn ra về / Căn dươn chưa bén, mựa hề phát-sê”. “Ô-rơ-voa bạn cũ, bậu ngủ cho anh về Bớ bạn ơi, ngày sau có gặp đừng thề cô-son”.

Một số câu ca dao dân ca dùng nhiều từ Hán Việt, từ gốc Pháp, chú thích địa danh, nhân danh, từ Việt cổ, từ địa phương được tác giả chú giải nhằm giúp người đọc hiểu rõ văn bản, bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.

Cuối sách còn có 100 câu hát đối đáp tuyển chọn trong các sưu tập ca dao - dân ca Nam Bộ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX.

Với chuyên khảo này, La Mai Thi Gia đã đóng góp một công trình nghiên cứu mang tính “tiên phong”, có giá trị, vốn còn trống trên địa hạt này, khảo cứu về ca dao dân ca Nam Bộ giai đoạn trước năm 1945, dẫu mới chỉ ở vài khía cạnh đề tài.

Nguyễn Thanh Lợi

Nguồn: Thông tin khoa học Lịch sử Bình Dương (Hội khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương), số 70, tháng 4.2023

Thông tin truy cập

60927401
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
232
22169
60927401

Thành viên trực tuyến

Đang có 169 khách và không thành viên đang online

Danh mục website