Trong nỗ lực gìn giữ những giá trị văn học dân gian có nguy cơ bị mai một trong xã hội hiện đại, công trình "Văn học dân gian Trà Vinh" được Khoa văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành là một công trình có ý nghĩa thể hiện được tâm huyết cũng như thái độ làm việc khoa học nghiêm cẩn của nhóm tác giả biên soạn. Công trình "Văn học dân gian Trà Vinh" do TS La Mai Thi Gia (chủ biên); TS Phan Xuân Viện, TS Lê Thị Thanh Vy sưu tầm và biên soạn.
Trong nỗ lực gìn giữ những giá trị văn học dân gian có nguy cơ bị mai một trong xã hội hiện đại, công trình "Văn học dân gian Trà Vinh" được Khoa văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành là một công trình có ý nghĩa thể hiện được tâm huyết cũng như thái độ làm việc khoa học nghiêm cẩn của nhóm tác giả biên soạn. Công trình "Văn học dân gian Trà Vinh" do TS La Mai Thi Gia (chủ biên); TS Phan Xuân Viện, TS Lê Thị Thanh Vy sưu tầm và biên soạn.
Đây là công trình sưu tầm điền dã văn học dân gian của tỉnh Trà Vinh được các thầy cô và sinh viên của Khoa văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh sưu tầm với tổng số cộng tác viên mà nhóm sưu tầm điền dã tiếp xúc lên đến 1.331 người. Đoàn sưu tầm đã tiến hành điền dã ở các huyện như: Châu Thành, Cầu Kè, Duyên Hải, Càng Long...
Kết quả sưu tầm văn học dân gian Trà Vinh cả 02 đợt, bao gồm 4.008 đơn vị (tác phẩm thô) tác phẩm ở nhiều thể loại. Trong 02 đợt điền dã, với sự hướng dẫn trực tiếp của 11 thầy cô và gần 217 sinh viên của Khoa văn học. Sau thời gian dài làm công việc lọc bỏ, tinh chọn, phân loại và chỉnh lý, nhóm biên soạn đã giữ lại và đưa vào tập sách 1.701 đơn vị tác phẩm ở nhiều thể loại (329 câu đố, 359 tục ngữ, 157 truyện kể, 750 câu ca dao và 50 bài vè, 25 bài đồng dao).
Theo nhận định của nhóm nghiên cứu thì “Câu đố là một thể loại rất phát triển tại Trà Vinh” [tr 11] với 329 đơn vị được sưu tầm. Các tác giả đã dày công phân nhóm dựa trên nội dung câu đố dựa trên cách phân loại của Giáo sư Nguyễn Văn Trung. Qua đó nhận thấy câu đố về tự nhiên chiếm áp đảo trong kho tàng câu đố dân gian ở Trà Vinh “phản ánh một cuộc sống lấy nông nghiệp và trồng trọt là hình thức kinh tế chính của cư dân đồng bằng sông Cửu Long. Qua câu đố Trà Vinh, ta thấy hiện lên một nếp sống dân dã, gần gũi với ruộng vườn hoa trái, các loài vật nuôi, các món ăn và những sinh hoạt thôn quê [tr 11].
Thể loại tục ngữ, nhóm nghiên cứu đã sưu tầm được 359 đơn vị. Trong đó áp đảo là lượng tục ngữ đề cập đến đời sống tinh thần cũng như những quan niệm về nhân sinh vũ trụ. Khi khảo sát những câu tục ngữ được đề cập đến trong công trình, người đọc có thể phần nào hình dung được đặc trưng tính cách của người Trà Vinh nhất là nhóm tục ngữ trong chủ đề Con người - đời sống xã hội, Con người - đời sống tinh thần.
Truyện dân gian được sưu tầm là 157 truyện, nhóm biên soạn đã làm công tác đối chiếu với số lượng truyện dân gian được sưu tầm ở các địa phương khác để từ đó nêu lên những trăn trở trong công tác sư tầm bảo lưu thể loại truyện dân gian. Truyện dân gian của Trà Vinh được các soạn giả phân loại thành các tiểu loại như: Thần thoại, Truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ma quỷ. Trong số các truyện dân gian có thể thấy dấu ấn địa phương đậm nét qua những truyền thuyết về địa danh lịch sử văn hóa Trà Vinh.
Có thể nói Ca dao là thể loại đặc sắc với tổng cộng 750 đơn vị ca dao được đưa vào công trình; được phân thành những nhóm như: tình yêu quê hương đất nước và lao động sản xuất, tình yêu nam nữ, tình cảm gia đình, nhân sinh và các chủ đề khác. Ca dao dân ca Trà Vinh bên cạnh việc thể hiện những chủ đề của ca dao cả nước nói chung, còn thể hiện những nét đặc trưng về thiên nhiên, phong cảnh cũng như tính cách lối sống của người dân Trà Vinh gắn với những tên đất thân thương:
- Con gái Cầu Ngang cần cù giỏi giắn
Miệng cười tươi tắn, ăn nói dễ thương.
- Đất Tân Sơn cò bay thẳng cánh
Trai gái rộn ràng nặng gánh lúa thơm.
- Con đi con những nhớ mong
Cầu Ngang, Duyên Hải, Càng Long, Châu Thành.
Thể loại vè sưu tầm được ở Trà Vinh có số lượng khá nhiều (50 đơn vị) nhưng cũng đã góp phần kiến tạo nên bộ mặt đầy đặn của văn học dân gian Trà Vinh với những chủ đề quen thuộc như vè kể vật, kể việc, vè thế sự, vè lịch sử. Đặc biệt đóng góp có giá trị là mảng vè lịch sử đã phản ánh những sự kiện lịch sử và thái độ của Nhân dân Trà Vinh nói riêng và Nhân dân Nam Bộ nói chung đối với giặc ngoại xâm như: vè thằng Tây, vè củ xã, vè khuyên lính quốc gia quay đầu, vè xóm làng bắt giặc, vè Nhị Long anh hùng, vè bắt lính, vè trận Cầu Kè - Long Vĩnh.
Cuối sách, nhóm sưu tầm điền dã đều ghi rõ thông tin của những cộng tác viên đã cung cấp cho nhóm những tác phẩm trên (theo từng thể loại). Đây là điểm rất đáng quý của công trình thể hiện sự nghiêm cẩn, sự trân trọng những người dân bình dị đã góp công lưu giữ di sản văn hóa quý báu của cha ông.
Có thể nói, đây là một công trình điền dã đồ sộ, chi tiết, tỉ mỉ, nghiêm túc và trung thực... Một tài liệu rất hữu ích cho những ai quan tâm đến việc tiếp nhận, giữ gìn và nghiên cứu những văn học dân gian Nam Bộ nói chung, văn học dân gian Trà Vinh nói riêng.
Trầm Thanh Tuấn
Nguồn: Báo Trà Vinh, ngày 02.7.2023.