Hồi âm từ phương Nam là lời hồi đáp chân tình của giáo sư Huỳnh Như Phương

Giải nghĩa nhan đề cuốn sách tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam của mình, giáo sư Huỳnh Như Phương bảo đó là lời hồi đáp của một độc giả có quan tâm, đang sống và viết ở mảnh đất phương Nam.

20231219 2

Giáo sư Huỳnh Như Phương ký tặng sách Hồi âm từ phương Nam cho độc giả - Ảnh: HỒ LAM

Sáng 14-12, tại văn phòng khoa văn học, phòng A214, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM diễn ra buổi ra mắt tập sách tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam của GS Huỳnh Như Phương, Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành.

Trong văn phòng khoa nơi GS Huỳnh Như Phương từng gắn bó nhiều năm, rất đông sinh viên và bạn văn đã tề tựu về để mừng ông ra mắt sách.

Lời hồi âm từ phương Nam của giáo sư Huỳnh Như Phương 

Việc ấn hành cuốn sách Hồi âm từ phương Nam được giáo sư Huỳnh Như Phương ví như một nỗ lực lưu giữ lại những trang văn phần nào khỏi bị lãng quên trong dòng thời sự. 

"Xuất hiện trên các tạp chí, tuần báo hay nhật báo, những bài viết về văn học nghệ thuật thường chỉ được bạn đọc để ý một tháng, một tuần hay thậm chí một ngày rồi thôi. 

Người ta ví những bài báo như thế là những bọt nước mau tan trên dòng chảy, lúc trầm lặng, lúc cuộn xiết nhưng không bao giờ ngơi nghỉ trong đời sống văn học", ông phân tích về giá trị của những bài phê bình văn học.

Tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam - Ảnh: HỒ LAM

Tiểu luận phê bình Hồi âm từ phương Nam - Ảnh: HỒ LAM

Hồi âm từ phương Nam tập hợp và chọn lựa 36 bài viết về thơ, văn xuôi nghệ thuật và chính luận cùng một vài vấn đề chung của văn học.  

Là người gốc Quảng Ngãi, ông lựa chọn đưa vào sách các bài viết về một số tác giả người miền Trung, quê hương sâu nặng kỷ niệm của chính ông. 

Phần 1 “Nơi cư trú của tình yêu” của cuốn sách có những bài viết về thơ của Pablo Neruda, Xuân Tâm, Nguyễn Vỹ, Ngô Kha, Diễm Châu, Tường Linh, Đông Trình, Ý Nhi… 

Phần 2 “Trong người có ta” dành cho những bài viết về thiền sư Thích Nhất Hạnh, Nguyễn Văn Trung, Võ Hồng, Nguyên Ngọc, Hoàng Ngọc Biên, Cao Huy Thuần, Thanh Thảo, Lê Văn Nghĩa… 

Ông đặt tên cho nhan đề sách là Hồi âm từ phương Nam. Đây là lời bạt của tác giả trong  tập truyện ngắn của nhà văn Trần Trường Khánh, bản dịch tiếng Việt.

Giáo sư Huỳnh Như Phương đã viết: "Tác giả chân thành bày tỏ ước vọng 'đi tìm tri âm ở phương trời văn học khác'. Chợt nhớ ngày xưa Lưu Hiệp từng băn khoăn: Tri âm thực khó thay! Âm thực khó tri mà người tri âm thực khó gặp. Gặp được tri âm là sự nghìn năm có một".

Ông mong muốn mình có thể là tri âm của các nhà văn, nhưng tự biết rằng điều này không dễ gì đạt được.

Nhà giáo viết phê bình hơn 40 năm

GS Huỳnh Như Phương là trưởng khoa ngữ văn - báo chí của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, giai đoạn 1994-2001. Ông là người góp phần xây dựng ngành báo chí, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM.

Trong ký ức của bao thế hệ sinh viên Trường Văn Khoa, ông luôn là một người thầy thân thương, giỏi và có trách nhiệm với nghề.

Ngoài việc là một nhà giáo, giáo sư Huỳnh Như Phương còn là cây bút lâu năm trong lĩnh vực lý luận - phê bình văn học.

Trong hơn 40 năm, ông đã viết chừng 250 bài báo ngắn dài có liên quan đến văn học và đăng trên nhiều tờ báo như: Tuổi Trẻ, Sài Gòn Giải Phóng, Người Lao Động...

Hồ Lam

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 14.12.2023.

Thông tin truy cập

63734291
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
32385
22198
63734291

Thành viên trực tuyến

Đang có 632 khách và không thành viên đang online

Danh mục website