Tuyển tập "Khởi nghiệp văn chương" lần thứ hai (NXB ĐHQG TP HCM 2023) như một dòng chảy của mùa xuân - mùa của khởi đầu, của tuổi trẻ, của khát khao, của hy vọng; khi tuổi đôi mươi đang tìm cách định nghĩa về bản thân và nỗ lực tự định vị trong tọa độ giá trị theo chiều hướng thượng của thời gian.
Dòng chảy này được khởi tạo mạnh mẽ từ nguồn cội - với đất nước trong gương mặt của quê hương, với quê hương trong câu chuyện của gia đình và với gia đình trong dáng hình của mẹ, của cha cùng những người thương yêu.
Nguồn cội hiện ra bên bữa cơm, đôi đũa, lời ru và lời nhắc giữ gìn mãi mãi hai tiếng Việt Nam trong vòm họng mỗi người. Nguồn cội là dòng sông; là mùa nước nổi; là buổi sáng nơi làng quê; là một món rau trên đồng trên bàn ăn, trên sạp chợ… Nguồn cội là những lần ngoảnh lại chợt nhớ, chợt nghĩ về mẹ, về cha trong nhọc nhằn mưu cầu hạnh phúc cho con; mà cũng là lời tự vấn của những ai đang chạy đuổi về phía những đích đến vô định đành bỏ quên điểm tựa của đời mình, để khi dừng lại, quay tìm thì mẹ đã thành tro, thành đất, cha đã thành người lạ, người xa!
Hòa cùng tiếng gọi của yêu thương, dòng chảy này lại đồng thời, lúc dồn nén, lúc sôi sục, lúc cuộn trào những ánh nhìn mang sắc lửa của tuổi thanh niên trước hiện thực đang hiện hữu với danh xưng hiện đại.
Là khắc khoải không thôi đi tìm câu trả lời: "Tôi là ai, là ai?" ngay từ tuổi 16, tuổi 20, tuổi 25 và hơn thế nữa. Là trăn trở về sự đổ vỡ niềm tin vào xã hội cùng tâm huyết và trách nhiệm của một người trẻ đối với đất nước. Là bức xúc khi con người tàn phá thiên nhiên bằng "lưỡi cưa" vô trách nhiệm và thói ảo tưởng "trồng một cây để che đi xác rừng". Là suy tư không dứt về sự sống và cái chết: cái chết có phải là giải thoát; chọn sống hay chọn chết cho một sinh linh sắp chào đời; cái giá của sự trốn chạy mà những người đi trước để lại cho cuộc sống của những người hôm nay và phải chăng, bất tử là phận lưu đày, còn "hữu hạn" mới chính là "vinh quang của loài người"?
Và còn nữa, một điểm nhấn bằng tiếng nói của những người trong cuộc: Những day dứt, đớn đau, kìm nén khi người trẻ phải vật vã chịu đựng với chính mình trong nỗ lực vượt qua "khung thân xác" đang bị quy định bởi những "điều kiện" được gọi tên "giới tính"!
Sức hấp dẫn của dòng chảy mùa xuân nằm ngay ở sự tươi mới: Có bài văn viết về… văn. Có lá thư viết để không phải… gửi. Có ngôn từ được dùng để gọi tên câu chuyện cảm xúc. Có những trang ghi chép từ giảng đường trở thành trang… truyện ngắn. Có độc thoại, có đối thoại - giữa người với người và giữa người với… không phải người.
Và sự góp mặt của những hình tượng lạ, gây bất ngờ mà gợi mở sâu xa: Rừng không bị chặt, rừng đang bị… gặt; sông cũng có cội, nên sông cũng có rễ; khi ký ức không còn, những gì thân yêu nhất chỉ còn là… "người lạ"; những đường thẳng không người kẻ nhưng vẫn tồn tại thực để ngăn cách, để chia tách, để kỳ thị, để tổn hại con người…
Dòng chảy mùa xuân báo hiệu những tín hiệu vui với bạn trẻ khắp mọi miền, từ trường phổ thông đến giảng đường đại học: Có những cây bút góp mặt đến hai - ba thể loại và đều được đánh giá cao; có cây bút góp mặt lần hai và tiếp tục khẳng định được nội lực bằng bút lực.
Đó cũng chính là thành công từ kỳ vọng của "Khởi nghiệp văn chương"!
Dương Thành Truyền (Hội viên Hội Nhà văn TP HCM)
Nguồn: Người lao động, ngày 08.01.2024.