GS Huỳnh Như Phương vừa mang đến cho độc giả tập tiểu luận phê bình mới nhất mang tên Hồi âm từ phương Nam (NXB Đà Nẵng và Book Hunter).
Ảnh: L.T.
Đây là tập sách thứ 15 in riêng của GS Huỳnh Như Phương - một trong những tác giả góp phần làm nên bức tranh lý luận phê bình văn học Việt Nam hiện nay, trong tổng số 25 tập sách đã ra mắt, được ông xem như "lời hồi đáp của một độc giả có quan tâm đang sống và viết ở mảnh đất phương Nam". Sách được tác giả chia theo hai phần: Nơi cư trú của tình yêu và Trong người có ta.
Nơi cư trú của tình yêu cũng chính là nơi tác giả - qua các bài viết về các chân dung thi sĩ, các thi phẩm làm ông rung cảm - cho thấy thơ ca vừa là thể loại biểu hiện và nuôi dưỡng tình yêu con người, vừa là ngôn ngữ đặc biệt khơi mạch nguồn tình cảm dành cho văn chương.
Thi ca "như chim trời, như mũi tên, yếu tính của nó là bay, bay hoài không chỉ định". "Bay" cùng tình yêu ấy dành cho thi ca, ta gặp gỡ Nguyễn Vỹ - "người khởi đầu của thơ thị giác ở VN" (Nguyễn Vỹ - cảm quan xã hội và thể nghiệm nghệ thuật), gặp Ngô Kha với "giọng thơ trầm mặc hòa quyện với giọng thơ hào sảng" (Bài tưởng niệm Ngô Kha), gặp Diễm Châu - "một lương tâm tri thức đau đáu trước thân phận quê hương và tình yêu qua một bút pháp hài hòa giữa truyền thống và cách tân" (Diễm Châu - dịch giả và nhà thơ)...
Ta tương ngộ cùng Ý Nhi - một trong những nhà văn nữ hiếm hoi viết chân dung văn học, một nữ thi sĩ "viết hay về tuổi trẻ và tình yêu", một người viết truyện "viết hay về tuổi già và tình bạn" (Ý Nhi và những bến bờ của sáng tạo).
Ta hoài cảm với nhà phê bình Đặng Tiến dù ở xa quê hương vẫn "tạo dựng cho mình một thế giới văn chương Việt Nam thu nhỏ để ông có thể sống, suy tư và cảm xúc như từ trong nguồn của nó" (Đặng Tiến và thế giới của thơ)...
Trong bức tranh thi ca nhiều giọng điệu của tập sách, có những bài thơ thoạt đọc ta tưởng là "thường thôi", nhưng đọc lại qua lăng kính của Huỳnh Như Phương, ta hiểu ra việc chắt lọc được ngọc từ lô nhô đá - vàng của các tác phẩm văn chương đòi hỏi ở người đọc/ nhà phê bình không chỉ năng lực trực cảm mà còn là tấm lòng liên tài và sự khiêm cung.
Càng khiêm cung, nhà phê bình kỹ tính càng dễ cảm được cái đẹp ở con người, văn chương của các bạn văn như Trần Hữu Dũng, Đông Trình, Từ Hoài Tấn, Nguyễn Công Thắng, Vũ Trọng Quang, Ngọc Thùy Giang...
Huỳnh Như Phương chọn viết về những người ông hiểu người, hiểu văn; nhưng có thể thấy ông không bao giờ viết phê bình kiểu thù tạc, cả nể. Tôn trọng tinh thần độc lập của người trí thức, có chủ kiến, tác giả cũng nhẹ nhàng chỉ ra những diễn ngôn mà ông cho là cả tin, dễ dãi của bạn văn mình quý trọng.
Với kiến văn, trường liên tưởng rộng, năng lực diễn đạt trữ tình hướng đến đại chúng (độc giả báo chí), Huỳnh Như Phương dễ dàng truyền cảm hứng yêu văn chương và thuyết phục độc giả về các giá trị nghệ thuật mà ông trân quý.
Tạo dựng cho mình một hướng nghiên cứu công tâm và đa dạng, ông mang đến những tiểu luận có đóng góp không nhỏ cho việc tìm hiểu tiến trình văn học. Không chỉ ghi nhận tinh hoa của một tập san văn nghệ, tác giả gợi mở cho học giới một hướng nghiên cứu cần thiết về văn học Phật giáo thế kỷ 20. Cần lắm những bài viết từ công phu khảo cứu, cái nhìn mẫn tiệp để có những ghi nhận hữu ích như vậy.
Một tiểu luận đặc sắc khác trong Hồi âm từ phương Nam là Góp bàn câu chuyện học văn - bài viết đầy truyền cảm về việc học văn, dạy văn: "Học văn là học sống ở đời giữa muôn người cũng đồng thời là học làm người tự do lựa chọn", "Học văn là học tha nhân mà cũng đồng thời là học bản thân ta". Tinh thần "trong người có ta" ấy cũng là chủ đề tác giả chọn cho phần hai của tập sách với những bài báo viết về các nhân vật có nhiều đóng góp cho đời sống tinh thần của xã hội đương đại.
Huỳnh Như Phương khẳng định Nhất Hạnh là "một tác gia lớn của văn hóa Việt Nam đã hiện diện trong đời sống tinh thần hơn bảy thập niên", người trọn đời "đứng bên cạnh và nắm tay cùng tuổi trẻ trong tình tự dân tộc" (Thiền sư Thích Nhất Hạnh - biểu tượng của đối thoại và hòa giải).
Ông tri nhận ở GS Nguyễn Văn Trung một nhà nghiên cứu triết học có tầm nhìn sâu rộng về văn học Việt Nam, một "nhà giáo uyên bác và dấn thân", "một người trí thức không bao giờ thờ ơ với vận mệnh Tổ quốc, luôn trăn trở và ưu tư với văn hóa dân tộc" (Nguyễn Văn Trung - Người ưu tư với văn hóa dân tộc).
Ông đưa ra bình luận xác đáng trong tiểu luận công phu, có chiều sâu nhân bản về văn chương Võ Hồng, đặc biệt là về thế đứng của nhà văn: "không bị cột chặt vào một phe phái chính trị nào, tự tạo dựng cho mình một không gian của nhà văn hóa thuần thành", "ẩn nhẫn mà không bàng quan với xã hội" (Võ Hồng - phẩm hạnh của văn chương)...
Việc chọn đồng hành với những chân dung này cho thấy cách tiếp cận văn hóa và thẩm mỹ của người viết. Không có nội lực văn hóa, sự khoan hòa và bản lĩnh của người trí thức cầm bút, khó có thể viết đúng và viết hay về những nhân vật nhiều chiều kích...
"Những nhà giáo dạy văn, những nhà giáo cầm bút rất khó giữ một thái độ thuần túy văn chương, học thuật, mà luôn đụng chạm đến cái thời sự dễ quy chiếu nhân cách và thân phận mình vào với lịch sử" (tiểu luận Những nhà giáo "từ bục giảng đến văn đàn" in trong tập sách Hãy cầm lấy và đọc, 2016).
Thấu cảm tình thế đó, nhà giáo cầm bút Huỳnh Như Phương luôn giữ cho ông sự điềm tĩnh và độ lùi nhất định khi nhìn nhận các hiện tượng văn chương hay xã hội, các nhân vật trí thức chưa được đánh giá thỏa đáng. Tác phẩm của ông có độ tin cậy cũng vì vậy.
"Nhà nghiên cứu cũng như người sáng tác là những người góp phần bảo toàn khuôn mặt tinh thần của giới trí thức một dân tộc" (Huỳnh Như Phương viết trong tiểu luận Tình thế của những nhà nghiên cứu văn học, in trong tập Giấc mơ, cảnh tượng và cái nhìn, 2019). Đó có lẽ là niềm thao thức trong ông cũng như những người cầm bút ưu thời mẫn thế.
Linh Thoại
Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 22.3.2024.
"Hồi âm từ phương Nam" là một trong ba tác phẩm được Nhà xuất bản Đà Nẵng tặng thưởng Sách hay năm 2023 |