Chuyện lạ lùng ở "Ba nghìn thế giới thơm"

Thơ đang khó khăn trong việc tìm kiếm độc giả, bình thơ thì càng khó tìm hơn rất nhiều lần, nên việc cuốn  Ba nghìn thế giới thơm (NXB Văn học) của Nhật Chiêu vừa được tái xuất với 9 chương hoàn toàn mới là chuyện lạ, hơi hiếm thấy. Tiền thân của cuốn này là Thơ ca Nhật Bản với khoảng 150 trang sách khổ nhỏ, đến nay, sau 5 lần tái bản, sách đã dày hơn 420 trang khổ lớn. 

Về mặt lịch đại, Ba nghìn thế giới thơm mở một lối đi vào thơ ca Nhật Bản vô ngại và phiêu bồng từ khởi thủy đến nay, mà trọng điểm là từ thế kỷ 8 đến cuối thế kỷ 19. Về thể loại, tương đương từ thời waka (hòa ca) cho đến renga (liên ca) và haikai (bài hài) hoặc haiku (bài cú). Thơ ca Nhật Bản cũng đi từ choka (trường ca) cho đến tanka (đoản ca), liên ca, rồi bài cú. Nhưng Nhật Chiêu không viết theo kiểu lịch sử văn học thuần túy, mà là sự tương liên và tương chiếu của thơ qua các hình tượng đại diện cho vẻ đẹp, triết lý.

"Này em khởi thủy là thơ"

Trong tư cách nhà thơ, Nhật Chiêu có nhiều bài thơ rất sâu sắc, ví dụ: "Cùng ai mở một trò chơi/ Lấy thân ta tạc đôi người tinh mơ/ Này em khởi thủy là thơ", "Ta về chỉ một thuyền không/ Đủ mang vang vọng một trùng dương yêu/ Nắng mai nhập mộng sương chiều"…Nên xuyên suốt Ba nghìn thế giới thơm, dù viết bình thơ và khảo luận, nhưng vẫn dạt dào "trò chơi" đi tìm và hòa âm cùng "khởi thủy" của thơ.

Chuyện lạ lùng ở "Ba nghìn thế giới thơm" - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu

Chính vì vậy, ngay với những độc giả bình thường - nghĩa là chưa cần có nhập môn văn học Nhật Bản - thì vẫn có thể đọc sách này khá dễ dàng, chỉ cần chút xíu tập trung là nằm bắt được tinh thần triết lý và thẩm mỹ xuyên suốt của thơ ca Nhật Bản.

Còn với những độc giả sành sõi hơn, có kiến văn rộng hơn hoặc trình độ tiếng Việt cao hơn, sẽ thấy khả năng tạo chữ - tạo nghĩa nhẹ nhàng và tài tình của tác giả.

Nói một cách khác, thơ ca Nhật Bản qua lăng kính của Nhật Chiêu đã tạo ra một tương chiếu khác, nơi cái thanh đạm, bi cảm hòa cùng độ ngân của tiếng Việt. Như một bài haiku của Issa được chuyển ngữ thành: "Bên dòng Sumida/ Chú chuột kia uống nước/ Mưa mùa Xuân pha".

Hoặc các bài haiku về hoa triêu nhan (bìm bìm): "Giữa mùa Thu tàn/ Vươn lên từ rác/ Một cành triêu nhan" (Taigi), "Ôi hoa triêu nhan/ Lê mình trên đất/ Trong sân nhà hoang" (Shiki), "Hoa triêu nhan/ Trong bức tranh dở/ Vẫn buồn man man" (Basho)…

20240807 2

Nhật Chiêu có công rất lớn trong việc đưa thơ ca Nhật Bản, đặc biệt thể loại haiku, vào trong tiếng Việt, với mấy chục năm giảng dạy ở đại học và dịch hàng ngàn bài, viết hàng trăm bài nghiên cứu trên báo chí. Có lẽ vì vậy mà sách dù dày hơn 420 trang, xuyên suốt một nền thơ phong phú, nhưng cái tinh thần cô đọng, không cầu kỳ của haiku bàng bạc khắp nơi, nên đọc khá thoải mái. Khởi thủy là thơ, mà chung cuộc cũng là thơ, Nhật Chiêu dường như chỉ dùng thơ để bình, để khảo luận về thơ.

Mấy chục năm qua, khi đề cập đến thơ ca Nhật Bản ở khía cạnh học thuật, hiếm có trường hợp nào không nhắc đến Nhật Chiêu, nên cuốn Ba nghìn thế giới thơm gần như trở thành cẩm nang của nhiều người. 

Ảnh hưởng sâu rộng

Mấy chục năm qua, khi đề cập đến thơ ca Nhật Bản ở khía cạnh học thuật, hiếm có trường hợp nào không nhắc đến Nhật Chiêu, nên cuốn Ba nghìn thế giới thơm gần như trở thành cẩm nang của nhiều người. Bình luận về điều này, Nhật Chiêu chia sẻ: "Ảnh hưởng sâu rộng này có thể nhận thấy qua báo chí, qua việc nó làm mẫu cho những cuộc thi thơ haiku của lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức, việc thơ haiku được đưa vào nhà trường giảng dạy, việc hình thành các câu lạc bộ thơ haiku trong cả nước từ bấy đến nay, việc nó được trích dẫn liên tục trong các bài viết và luận án có liên quan đến văn học Đông Á…".

Chuyện lạ lùng ở "Ba nghìn thế giới thơm" - Ảnh 4.

Cuốn “Ba nghìn thế giới thơm” được tái bản nhiều lần

Haiku nói riêng và thơ ca Nhật Bản nói chung, từ Vạn diệp tập (Manyoshu, thế kỷ 8) cho đến Tân tục cổ kim tập (Shinhokukokinshu, thế kỷ 19), xuyên suốt cả ngàn năm, thường không có tiêu đề, không vần, không đối, không cầu kỳ, ủy mị. Như bài haiku của Issa: "Hỏi thầm giọt sương/ Đường về Tịnh độ/ Sương trắng là sương", trong nguyên tác sẽ không có vần, không đăng đối, nhưng khi chuyển ngữ, vì truyền thống thơ ca Việt Nam chuộng vần điệu, Nhật Chiêu đã tạo vần cho thêm gần gũi hơn.

Chọn lựa này, ban đầu, có lẽ cũng là một khó khăn với người chuyển ngữ, nhưng về lâu dài, nó dễ đi vào sinh viên và độc giả Việt Nam. Hiếm có thơ ca nước ngoài nào được sinh viên miền Nam thuộc nhiều như các bản dịch haiku của Nhật Chiêu, một phần vì chúng ngắn, phần quan trọng hơn là vì sự sáng tạo vần điệu phù hợp tâm lý tiếp nhận, nên dễ nhớ, dễ cuốn hút.

Trở lại chuyện khó khăn trong việc tìm kiếm độc giả của các sách bình thơ, việc Ba nghìn thế giới thơm được tái bản nhiều lần, mới nghe tưởng như lạ lùng, nhưng nhìn từ sức ảnh hưởng sâu rộng của Nhật Chiêu với thơ ca Nhật Bản trong mấy chục năm qua, thì không lạ.

Văn Bảy

Nguồn: Thể thao và văn hóa, ngày 31.7.2024.

Thông tin truy cập

63705176
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
3270
22198
63705176

Thành viên trực tuyến

Đang có 262 khách và không thành viên đang online

Danh mục website