(Thethaovanhoa.vn) - GS-TS Peter Zinoman và vợ là Nguyễn Nguyệt Cầm đã dịch Số đỏ (Dumb Luck) phát hành tại Mỹ năm 2002. Năm 2003, tờ Los Angeles Times đã chọn bản dịch này là 1 trong những cuốn sách hay nhất của năm. Ngoài các bài nghiên cứu Vũ Trọng Phụng riêng lẻ, Peter Zinoman còn ra riêng sách chuyên khảo Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision Of Vũ Trọng Phụng về “viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng” vào năm 2014.
LTS: Theo thống kế của diễn đàn Sách xưa và số liệu của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân thì từ năm 1938 đến nay, riêng tại Việt Nam, tiểu thuyết “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng đã tái bản gần 80 lần. Trở thành tiểu thuyết thời 1930 - 1945 được tái bản, in lại nhiều lần nhất. Từ lâu, giới nghiên cứu văn học Việt Nam và Việt Nam học quốc tế khi có dịp tiếp xúc với Số đỏ đều có những bất ngờ, háo hức. Qua các bài viết và hội thảo đây đó, nhiều người đã bày tỏ rằng muốn dịch và giới thiệu “Số đỏ” đến với độc giả nước họ. Mới đây, Số đỏ đã được dịch giả PGS-TS Hạ Lộ dịch ra tiếng phổ thông Trung Quốc hiện đại, dưới tên gọi là 红 运 (Hồng vận), do NXB Văn nghệ Tứ Xuyên phát hành. Vậy là sau tiếng Pháp, Anh, Nga, Séc, Italy… nay Số đỏ đã có thêm tiếng Trung Quốc. Dịch giả Hoàng Đăng Lãnh từ Đức vừa báo tin cho biết tiểu thuyết này sẽ được Nhà xuất bản Tauland phát hành vào tháng 12/2021 tới đây, với bản dịch tiếng Đức do Rodion Ebbighausen và Hoàng Đăng Lãnh thực hiện. Một dịch giả người Nhật (chưa muốn lộ diện) thì đang dịch sang tiếng Nhật. Nhiều chuyên gia dự báo, “Số đỏ” sẽ còn tiếp tục được dịch ra các thứ tiếng khác, vì sức hấp dẫn xuyên thời gian và không gian của nó. |
Để hiểu hơn về Số đỏ và Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 - 13/10/1939) nhìn từ bên ngoài Việt Nam, báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà Việt Nam học Peter Zinoman.
* Từ khi bản dịch của anh và chị Nguyệt Cầm xuất hiện tại Mỹ năm 2002 đến nay, có ai ngạc nhiên khi biết đến một nhà văn như Vũ Trọng Phụng không?
- Không có ai ngạc nhiên cả. Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được đón nhận như tác phẩm của nhiều nhà văn khác. Chúng tôi nhận được nhiều lời khen, rất ít lời chê. Tiểu thuyết cũng nhận được một số bài điểm sách ưu ái trong giới hàn lâm nói riêng và công chúng nói chung.
* Gần 10 năm trước, anh xuất bản sách “Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision Of Vũ Trọng Phụng” về “viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng”. Vậy thì các viễn kiến/ tầm nhìn chính trị của Vũ Trọng Phụng là gì, có ảnh hưởng trực tiếp đến “Số đỏ” không?
- Viễn kiến chính trị của Vũ Trọng Phụng, như tôi đề cập trong cuốn sách là tư tưởng cộng hòa kiểu Pháp. Điều này có nghĩa là, cơ bản mà nói, Vũ Trọng Phụng ủng hộ tự do, bình đẳng và bác ái, mong có một đất nước của dân, do dân và vì dân. Chủ nghĩa cộng hòa kiểu Pháp cũng chống lại nền quân chủ và thần quyền/tôn giáo. Cụ thể hơn, ông ủng hộ giáo dục, khoa học, nền pháp trị, cũng như một không gian công cởi mở.
Rất dễ nhận thấy xu hướng chống chủ nghĩa thực dân của Vũ Trọng Phụng, qua cách ông cười nhạo tiến trình Tây hóa trong Số đỏ. Chúng ta thấy rõ xu hướng kịch liệt chống nền quân chủ và tôn giáo qua cách ông xây dựng hình ảnh các nhân vật như vua Xiêm La và sư Tăng Phú. Xu hướng chống chủ nghĩa tư bản cũng hiện diện rất rõ qua việc ông chế nhạo thương mại và quảng cáo trong Số đỏ…
* Ngoài “Số đỏ”, anh nghĩ còn tác phẩm nào của Vũ Trọng Phụng mà dịch ra tiếng Anh, độc giả cũng sẽ dễ cảm nhận được?
- Cho đến nay, ngoài Số đỏ, thì Cơm thầy cơm cô, Lục xì, Kỹ nghệ lấy Tây, cũng như một số truyện ngắn của Vũ Trọng Phụng đã được dịch sang tiếng Anh. Nhưng Giông tố, một tiểu thuyết lớn khác của Vũ Trọng Phụng, thì chưa được dịch. Tôi nghĩ, nếu có bản dịch tốt, tác phẩm này sẽ được tiếp nhận tốt. Cũng như, nếu Cạm bẫy người, Làm đĩ và Vỡ đê cũng được dịch sang tiếng Anh thì càng tuyệt vời hơn.
* Nếu có một so sánh, anh nghĩ Vũ Trọng Phụng có giống về cốt cách, tầm vóc với nhà văn nào đó của Mỹ hoặc phương Tây không?
- Trong cuốn Vietnamese Colonial Republican: The Political Vision Of Vũ Trọng Phụng, tôi so sánh Vũ Trọng Phụng với nhà văn George Orwell, người Anh. Có sự giống nhau hiển nhiên về viễn kiến chính trị giữa 2 nhà văn này. Một điểm tương đồng khác là 2 nhà văn này đều thành công với 2 thể loại văn chương rất khác biệt: Tiểu thuyết và phóng sự. Nhiều nhà văn khác thường chỉ thành công với 1 thể loại, nhưng cả George Orwell và Vũ Trọng Phụng đều có những sáng tác để đời trong cả 2 thể loại này. Đây là điều hiếm thấy.
* Cảm ơn anh.
Vài nét về GS-TS Peter Zinoman GS-TS Peter Zinoman giảng dạy tại khoa sử của Đại học Berkeley, từng được trao giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2016 vì việc phát triển ngành Việt Nam học tại Mỹ. Ông bắt đầu học về Việt Nam từ năm 1987. Ngoài bản dịch Số đỏ cùng vợ là Nguyễn Nguyệt Cầm, Peter Zinoman là tác giả của The Colonial Bastille: A History Imprisonment In Vietnam, 1862 - 1940 (Ngục Bastille thuộc địa: Lịch sử tù đày ở Việt Nam, 1862 - 1940)… Ông là sáng lập và từng là chủ biên của tập san nghiên cứu Journal Of Vietnamese Studies do University of California Press phát hành. Được nghỉ một năm để tập trung nghiên cứu, hiện ông đang say mê đọc Phan Khôi quên cả ngày đêm. |
Văn Bảy (thực hiện)
Nguồn: Hành trình ra thế giới của Vũ Trọng Phụng (kỳ 1), Thể thao và văn hóa, ngày 01.12.2021.