Các đại biểu tham dự một hội thảo khoa học quốc tế do Khoa Văn học và Ngôn ngữ tổ chức.
Năm 2015 này, Khoa Văn học và Ngôn ngữ (VH-NN) thuộc Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tròn 40 năm (1975 - 2015) hoạt động. PGS, TS Đoàn Lê Giang, Trưởng Khoa VH-NN của trường cho biết: Khoa VH-NN (trước kia là Khoa Ngữ văn; Ngữ văn và Báo chí) đã đào tạo hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và trong số đó có rất nhiều người hiện giữ cương vị chủ chốt ở nhiều lĩnh vực trên khắp mọi miền của Tổ quốc.
Nhiều thế hệ nhà báo, nhà thơ, văn nghệ sĩ rất tự hào khi nhắc đến nơi họ từng được đào tạo từ sau ngày 30-4-1975, khi đó Trường đại học (ĐH) Văn khoa Sài Gòn trở thành Trường ĐH Văn khoa TP Hồ Chí Minh. Ngay khi thành phố vừa giải phóng, trường đã tập hợp các sinh viên ngành văn học, ngôn ngữ, báo chí,… đang học dở dang ở Trường ĐH Văn khoa Sài Gòn, Trường ĐH Vạn Hạnh, Trường ĐH Đà Lạt và Trường ĐH Minh Đức thành một khóa đào tạo hai năm, gọi là Khóa Ngữ văn Bổ túc. Năm 1977, khi Trường ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh được thành lập, tổ bộ môn Ngữ văn Việt Nam chính thức hình thành, năm sau được nâng lên thành Khoa Ngữ văn Việt Nam, đến năm 1990 thì đổi thành Khoa Ngữ văn.
Trưởng khoa, PGS, TS Đoàn Lê Giang nhớ lại, chính tên tuổi lớn của các giáo sư công tác tại khoa ngày xưa đã hình thành nên “học hiệu” không thể thay thế như Hoàng Như Mai, Lê Đình Kỵ, Mai Cao Chương, Chu Xuân Diên, Nguyễn Lộc, Trần Thanh Đạm, Lương Duy Thứ, Bửu Cầm, Trần Trọng San, Nguyễn Văn Trung, Lưu Khôn, Phạm Văn Diêu, Nguyễn Khuê, Huỳnh Minh Đức, Nguyễn Tri Tài, Phạm Hữu Lai… Bên cạnh đó, còn có các giáo sư thỉnh giảng như Trần Văn Giàu, Ca Văn Thỉnh, Phạm Thiều, Trần Đình Hượu, Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo, Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân… Các thầy đã dành tất cả trí tuệ và tâm huyết của mình để đào tạo nên nhiều thế hệ trí thức cho đất nước. Hiện nay, khoa có 46 giảng viên - chuyên viên (12 giáo sư, phó giáo sư, 21 tiến sĩ), được biết đến như là một đơn vị có đội ngũ giảng viên về ngữ nhân văn mạnh và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Ghi nhận theo lịch sử hình thành Khoa VH-NN 40 năm qua cho thấy, có hơn 10 nghìn sinh viên đã được đào tạo từ đây và rất nhiều người trong số đó hiện đang là trụ cột của các cơ quan, đơn vị, nhiều người được xã hội biết đến do có những đóng góp trong lĩnh vực văn học và báo chí.
Dạy văn, học văn là một câu chuyện dài. Trong xã hội, nơi này nơi kia, lúc này lúc khác, lối sống thực dụng lên ngôi, nhưng dù thế nào đi nữa, môn ngữ văn vẫn có một vị trí không thể thiếu. Dạy ngữ văn là dạy cách nói, cách viết, cách tư duy sao cho mạch lạc, cho thu hút, cho thuyết phục. Dạy ngữ văn là giáo dục cho con người phẩm chất nhân văn, là giáo dục tình cảm, lý tưởng, giáo dục thẩm mỹ thông qua nghệ thuật ngôn từ. “Tôi chưa thấy một dân tộc nào, một đất nước nào coi thường ngành ngữ văn lại trở thành một dân tộc hùng mạnh, có tư cách và phát triển. Trên con đường xây dựng và phát triển của mình, Khoa VH-NN luôn hướng tới những mục tiêu và lý tưởng tốt đẹp ấy”, PGS, TS Đoàn Lê Giang khẳng định.
Nhiều sinh viên thế hệ ban đầu của Khoa VH-NN chưa thể quên những chuyến đi thực tập, thực tế, phục vụ chiến đấu và sản xuất ở Sông Bé, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh... Từ đó đến nay, giảng viên và sinh viên trong khoa đã tiến hành khảo sát, thu thập tư liệu và giới thiệu những vấn đề về văn hóa, văn học dân gian và ngôn ngữ của nhiều địa phương, từ Thừa Thiên - Huế đến Cà Mau. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, cán bộ và sinh viên của khoa đã từng đi về nhiều quận, huyện, góp phần nghiên cứu, biên soạn những vấn đề lịch sử và văn hóa địa phương. Những tư liệu về văn học dân gian, văn bản Hán Nôm, tiếng địa phương, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số… được thu thập và xử lý hiện đang phát huy tác dụng tích cực đối với nhiều công trình nghiên cứu khoa học về văn học, ngôn ngữ học và Hán Nôm…
Từ năm 1990, Khoa VH-NN được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo sau đại học, đến nay, khoa đang đào tạo chín chuyên ngành cao học và tiến sĩ. Mỗi năm, theo kế hoạch, Khoa VH-NN tuyển sinh hai đợt sau đại học với số lượng trúng tuyển gần 100 học viên cao học và nghiên cứu sinh. Một số lượng khá đông các giảng viên trong khoa đã học tập, nghiên cứu và giảng dạy tại các nước: Hoa Kỳ, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Trong suốt 40 năm qua, Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Để đạt được điều này là nhờ kế thừa một cách vững chắc những kinh nghiệm của nền giáo dục đại học nước nhà, đồng thời từng bước cải tiến công tác đào tạo và bộ máy hoạt động của mình phù hợp xu hướng chung của các nền giáo dục đại học tiên tiến trên thế giới. Trong tương lai, Khoa VH-NN tiếp tục giữ vững truyền thống đào tạo tốt, uy tín khoa học cao, đổi mới theo hướng hiện đại để góp phần xứng đáng vào sự phát triển chung của giáo dục đại học nước nhà.
ĐỨC ANH
Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/tphcm/tin-chung/item/26039102-noi-dao-tao-nguon-nhan-luc-xa-hoi-nhan-van.html