Nhân vật nữ trong truyện Nôm và vấn đề "tài, sắc, mệnh"

            ĐẶT VẤN ĐỀ

            Trong truyện Nôm, nhận vật nữ vai chính thường được khắc họa thành những cô gái tài sắc vẹn toàn, là những mẫu hình phụ nữ lý tưởng trong xã hội xưa. Sắc là thuộc tính đương nhiên, cố hữu của nhân vật nữ; tài thì có người làu thuộc văn chương, có người tinh thông võ nghệ. Sắc và tài là hai yếu tố sóng đôi, hài hòa trong cách xây dựng hình tượng nhân vật nói chung; đồng thời hô ứng với nhau tạo nên từng hình tượng nhân vật cụ thể với những nét tính cách, thân phận khác nhau. Mặt khác, nhân vật nữ trong truyện Nôm lại cũng luôn là những người mang số phận cực kỳ éo le, bi thảm, phải trải qua biết bao sóng gió cuộc đời, đấu tranh với các thế lực xã hội hắc ám trên bước đường giong tìm bến bờ hạnh phúc. Cách miêu tả ấy một mặt thể hiện quan niệm “bỉ sắc tư phong”, nói đúng ra là quy luật “bù trừ”, là quy luật phổ quát của vũ trụ; mặt khác cũng thể hiện sự giống nhau và khác nhau về quan niệm cũng như cách miêu tả giữa tác giả truyện Nôm bình dân (TNBD) và tác giả truyện Nôm bác học (TNBH); đồng thời, qua hình tượng nhân vật nữ trong truyện Nôm, các tác giả cũng gửi gắm ước vọng về quyền bình đẳng, quyền truy cầu hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Bài viết này trình bày mối quan hệ giữa sắc và mệnh, tài và mệnh của nhân vật nữ trong truyện Nôm nhằm phần nào nói rõ hơn về những vấn đề trên.

            1. SẮC VÀ MỆNH

            Truyện Nôm thuộc phạm trù văn học trung đại, nghệ thuật xây dựng nhân vật nói chung, nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật nói riêng, đều chịu ảnh hưởng sâu sắc bút pháp tượng trưng, ước lệ.

            Ngoại hình là khái niệm chỉ hình dáng, diện mạo, trang phục, cử chỉ, tác phong… tức toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bên ngoài của nhân vật. Có nhiều cách khắc họa ngoại hình nhân vật: thông qua ngôn ngữ người kể chuyện; thông qua ngôn ngữ hoặc cái nhìn của nhân vật khác trong tác phẩm; thông qua những tình huống và hoạt động của nhân vật được miêu tả… Ngoại hình là một trong những yếu tố biểu hiện tính cách nhân vật, góp phần tạo nên một nhân vật hoàn chỉnh. Trong TNBD, ngoại hình nhân vật thường được miêu tả ngắn gọn, trực tiếp thông qua ngôn ngữ tác giả. Đồng thời, ngoại hình nhân vật TNBD thường chỉ được miêu tả qua khuôn mặt, còn trang phục, cử chỉ ít khi được chú ý.

            Tác giả TNBD thường ưu ái cho nhân vật nữ sinh ra trong những gia đình danh giá(1), còn hào phóng ban cho họ sắc đẹp tuyệt trần. Tất cả nhân vật nữ vai chính trong TNBD đều đẹp như những vì tiên nữ, đẹp không phân biệt thời gian, không gian và hoàn cảnh. Theo Kiều Thu Hoạch, nhan sắc của các cô biểu hiện trước hết ở tên gọi. Thật vậy, Ngọc Khanh, Ngọc Hoa đẹp tinh khôi, thanh khiết như dáng ngọc trong ngần; Xuân Hương, Xuân Nương đẹp đằm thắm, dịu dàng như ánh nắng mùa xuân; Cúc Hoa, Bạch Hoa đẹp tự nhiên nhưng không kém phần sắc sảo như bông hoa khoe sắc. Theo quan niệm thẩm mỹ của người bình dân, đẹp như thế mới phù hợp với tâm lý, ước vọng chung của con người và xứng đáng với tài năng, đức độ của các chàng trai sau này làm chồng của họ.

            Trong khá nhiều TNBD, nhan sắc của nhân vật nữ được miêu tả rõ ràng ngay khi vừa mới chào đời:

                        Sinh ra một gái tốt thay,

                        Má đào, mặt ngọc, tóc mây rườm rà.

                                                (Tả Ngọc Hoa – Phạm Tải Ngọc Hoa)

                        Sinh ra Công chúa phương phi lạ lùng.

                        Con bà Hoàng hậu chánh cung,

                        Sinh ra vốn có vàng ròng cầm tay.

                        Vua cha xem thấy mừng thay,…

                                                (Tả Công chúa – Lý Công)

                        Sớm sanh một gái má hường mặt hoa.

                        Yêu kiều vóc ngọc da ngà,

                        Dung nhan ví với tiên sa cõi phàm.

                                    (Tả cái Tấm – Câu chuyện cái Tấm cái Cám)

            Đứa bé mới sinh đã có “má đào mặt ngọc”, nhan sắc ví như  “tiên sa cõi phàm”. Với tình thương của cha mẹ dành cho con cái, tâm lý “con nhà vẫn hơn” có thể chấp nhận. Nhưng trẻ sơ sinh lại có “tóc mây rườm rà”? Điều này có lý chăng? Thật ra, TNBD chứa đựng rất nhiều yếu tố phi lôgic trong cách miêu tả(2). Khi tìm hiểu đặc điểm nhân vật, ta nên chú ý nhiều hơn đến việc miêu tả điều gì hơn là miêu tả như thế nào. Điều gì ở đây chính là ngoại hình nhân vật. Dù so sánh với tiên nga, mây, tuyết, hoa, nguyệt…; dù so sánh có khập khiễng, thậm xưng, phi lý, thì thông điệp duy nhất tác giả gửi đến người đọc là: đây là những cô gái tuyệt mỹ.

            Trong TNBH tuy hiếm hơn nhưng chúng ta cũng bắt gặp cách miêu tả vẻ đẹp “cô gái” ngay từ lúc mới lọt lòng, đương nhiên hình ảnh cũng cường điệu không kém:

                        Đông qua xuân thoắt báo tin,

                        Trần Phu nhân mới hé then động đào.

                        Một nàng tiên nữ xinh sao,

                        Mày ngang bán nguyệt, miệng cười trăm hoa.

                                                            (Tả Trần Kiều Liên – Phan Trần)

            Vẻ đẹp lúc sơ sinh sẽ trở thành sắc đẹp “nguyệt thẹn hoa nhường”, “chim sa cá lặn” khi các cô trở thành thiếu nữ. Sắc đẹp tuyệt vời của Ngọc Hoa tuy chỉ được miêu tả gián tiếp qua chi tiết Biện Điền tạc tượng nàng dâng lên cho Trang Vương, nhưng cũng hiện lên rõ ràng, khiến Trang Vương khi xem thấy “lưng ong má phấn tựa người thần tiên” thì “não nùng chiêu đăm”. Nàng Công chúa trong Lý Công thì:

                        Tuổi xuân vừa mới lên mười,

                        Hây hây ngọc đúc tựa người thần tiên.

                        Mặt nhìn trăm thức hoa sen,

                        Nhác trông cứ tưởng là tiên non Bồng.

            Nàng Cúc Hoa (Phạm Công Cúc Hoa) với vẻ đẹp phúc hậu ở tuổi mười ba:

                        Tóc mây chấm đất, da ngà, gương trong.

                        …Mặt phượng môi son,

                        Nở nang nét nguyệt, vuông tròn mặt hoa.

            Cũng ở tuổi mười ba, Công chúa Quỳnh Nga (Nam Kinh Bắc Kinh truyện) dường như được miêu tả khách quan hơn qua cái nhìn của một “người khác”:

                        Mày tằm mắt phượng tiên sa non Bồng.

                        Càng nhìn càng mặn càng nồng,

                        Ngồi thời lại có bạch hồng nở đua.

            Nàng Công chúa trong Hoàng Trừu được miêu tả toàn diện hơn:

                        Má đào phấn điểm hồng hồng,

                        Tóc mây một mái dòng dòng xanh non.

                        Môi tươi một ngấn hồng son,

                        Mày ngang lá liễu, mắt tròn bóng gương.

                        Sửa sang áo tía quần hồng,

                        Nhìn xem ngỡ khách non Bồng tiên phi.

            Sắc đẹp của Phương Hoa sau khi trang điểm càng thêm lộng lẫy:

                        Vội vàng tô điểm hình dung,

                        Môi son má phấn, khăn hồng điểm trang.

                        Áo quần hây hẩy hơi hương,

                        Rà rà tóc phượng, ngang ngang mày ngài.

            Thiên nhiên là cái nền để tác giả phác họa chân dung người đẹp. Bình thường có thể ít ai thấy mây đen là đẹp. Nhưng chính mái tóc đen như mây của Ngọc Hoa, Bạch Hoa làm cho đám mây đen trở nên có hồn hơn. Chính gương mặt như hoa của Cúc Hoa, của nàng Công chúa trong Lý Công khiến ta thấy yêu hoa hơn. Thiên nhiên vô hồn được truyền cho sức sống khi được so sánh với dung nhan người đẹp.

            TNBD và TNBH miêu tả sắc đẹp đều thường tập trung vào khuôn mặt. Nhưng nếu so sánh kỹ sẽ thấy TNBH ít khi miêu tả sắc đẹp qua đôi mắt, chỉ nói đến “mày”, “mày ngài”. TNBH thường mượn đôi mắt diễn tả nỗi buồn, nỗi lòng nhớ trông, lo sợ: “Buồn trông nội cỏ dàu dàu” (Truyện Kiều), “Sóng thu một liếc, hạt châu đôi hàng” (Truyện Song Tinh)… Đôi mắt trong TNBD lại khác. TNBD hay dùng đôi mắt gợi tả sắc đẹp “mày tằm mắt phượng”, “mắt tròn bóng gương”… Mặt khác, đôi mắt còn phát huy tác dụng tích cực trong TNBD khi Cúc Hoa nghe tiếng nói của Tống Trân, nàng “dời chân sẽ ngó song mai thử nhìn”; Phương Hoa trông Phạm Tải “thấy hình tuấn tú phi phương”, xem ra đôi mắt không chỉ là phương tiện miêu tả sắc đẹp, nó còn là phương tiện giúp các cô “dò xét”, nhìn ra chân tướng của đối tượng. Có lẽ nhờ đó, vừa nhìn thấy chàng trai nghèo khổ, các cô đã cảm nhận được tài năng, đức độ và tấm chân tình của họ, nên đem lòng tin yêu tha thiết, nguyện suốt đời chung thủy.

            Các cô gái con nhà nghèo như Thoại Khanh, Xuân Nương, tuy thuộc hàng thiểu số không may mắn, các cô vẫn là kẻ quốc sắc, người thiên hương. Xuân Nương là con gái Tiều phu nhưng không vì thế mà kém phần xinh đẹp, đặc biệt là đẹp về nết hạnh:

                        Tuổi nàng vừa mới cập kê,

                        Xuân Nương chữ đặt trọn bề đức dung.

            Những cô gái con nhà quyền quý được ví với nét đẹp kiêu sa của hoa hồng, chim phượng hay những đối tượng đẹp nhưng xa vời như mây, trăng, tiên non Bồng. Người nghèo thì được miêu tả một cách giản đơn, gần gũi hơn. Chỉ với hai từ “dung” và “thuyền quyên” đã làm nổi bật nhan sắc của Xuân Nương. “Dung” là “dung mạo”, “vẻ mặt”. Ở đây dùng “dung” với nghĩa là “đẹp”, hô ứng với “đức”, tức là đẹp cả người lẫn nết. “Thuyền quyên” thường dùng trong văn chương cổ nói vẻ đẹp thiên nhiên trăng trong hoa thắm hoặc vẻ đẹp người phụ nữ. Lại thêm độ tuổi “vừa mới cập kê”, lứa tuổi đẹp nhất đời người, Xuân Nương chẳng hề thua kém bất kỳ nàng công chúa hay thiên kim tiểu thư nào, ngoại trừ thành phần xuất thân thuộc tầng lớp dưới, nhưng thành phần xuất thân không phải là yếu tố quan trọng của TNBD.

            Tác giả TNBD phần nhiều so sánh sắc đẹp nhân vật nữ với sự vật thiên nhiên hoặc siêu nhiên. Điểm đáng lưu ý là, ngoại trừ Công chúa Quỳnh Nga trong Thạch Sanh được miêu tả đẹp hơn hoa và nguyệt, khiến hoa phải nhường, nguyệt phải thẹn: “Hoa nhường nguyệt thẹn, mặn nồng thiên hương”, các nhân vật nữ khác dù đẹp như thế nào cũng không vượt qua được đối tượng so sánh, chỉ “ví với tiên sa cõi phàm”, “tựa người thần tiên”, “ngỡ tiên non Bồng”, “mày ngang bán nguyệt, miệng cười trăm hoa”, “mặt nhìn trăm thức hoa sen”. Có lẽ tác giả TNBD xem các đối tượng đó là chuẩn mực của cái đẹp, người bình thường không thể vượt qua, riêng Quỳnh Nga là Công chúa nên được đặc cách chăng?

            Vẻ đẹp của các nhân vật nữ dường như là thiên phú, không tàn phai theo thời gian và sóng gió cuộc đời. Xuân Hương là con nhà Tiều phu, chắc chắn không thể diễm phúc “ngự tòa vàng xem hoa” (Lý Công) hay có “sáu mươi mụ chị bày hàng dưới trên” (Hoàng Trừu) để hầu hạ. Nàng phải một nắng hai sương, không đốn củi đổi gạo thì hái dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải giúp cha mẹ lo miếng cơm manh áo. Thế mà nàng vẫn cứ đẹp! Điều kỳ lạ là sắc đẹp của các cô trong lúc hoạn nạn, thậm chí lúc chịu cực hình cũng không hề suy giảm. Công chúa nước Nam Kinh bị khoét mắt, bị đẩy xuống sông, sống một mình ba năm trên tấm thạch bàn, chỉ có “dã nhân làm bạn”, “đói ăn những trái cùng chim” nhưng sau đó Tiều phu vẫn nhận ra nàng “hoa suê nhụy nở hai hàng đoan trang”. Công chúa trong Lý Công bị thả bè trôi sông, sau một năm đến nước Hung Nô “hành khất xa gần… bữa no bữa đói nuôi ăn tháng ngày”, nàng vẫn đẹp như một nàng tiên trong mắt người dân Hung Nô:

                        Ngồi thời hoa nở sắc hồng,

                        Tóc mây dài tựa trăm vòng thần tiên.

            Một chi tiết bi hài là hành động của nàng Ngọc Hoa. Khi hay tin Trang Vương sai người bắt mình tiến cung, Ngọc Hoa đã “tóc mây rũ rối, mực bôi má đào, trút hài đi đất” hòng biến mình xấu đi trong mắt Trang Vương. Nhưng vải thưa không che được mắt tên vua háo sắc. Hắn vẫn nhận ra và mê đắm sắc đẹp của nàng, bắt nàng tiến cung.

            Trên bước đường gian truân khổ ải, không ít người bị cực hình thảm khốc. Thoại Khanh bị dâm thần khoét mắt. Công chúa nước Nam Kinh bị khoét mắt thả trôi sông. Công chúa trong Lý Công bị cắt tóc, mũi, tay, chân… Nhưng cuối cùng đều được hoàn lại dung nhan như cũ, thậm chí đẹp hơn xưa.

            Có cùng ý tưởng với tác giả TNBD, tác giả TNBH cũng xây dựng những nhân vật nữ đẹp tuyệt trần trong tác phẩm của mình:

                        Người đâu trong ngọc trắng ngà,

                        Mặt vành vạnh nguyệt, tóc ngà ngà mây.

                                                (Tả Hạnh Nguyên - Nhị độ mai)

                        Gió đông dờn dợn sóng tình,

                        Trăm hoa lộng lẫy một cành mẫu đơn.

                        Mặn mà chìm cá rơi nhàn,

                        Nguyệt ghen gương khép, hoa hờn thắm bay.

                                                            (Tả Dao Tiên – Hoa tiên)

                        Làu làu một vẻ một thanh,

                        Mày nga khói đượm, tóc xanh mây lồng.

                        Gót sen đua nở bạch hồng,

                        Sóng ngời ngân hải, thanh phong má đào.

                        Rỡ ràng ánh nguyệt chói sao,

                        Mỉa dường thần nữ, kém nào Hằng Nga.

                                                            (Tả Nhụy Châu – Song Tinh)

                        Da tuyết trắng, tóc mây xanh,

                        Gương trăng đua sánh, hoa cành phô tươi.

                        …Dễ Ngọc nữ, dễ tiên phi,

                        Chẳng thì Tây Tử, chẳng thì Thái Chân.

                                                (Tả Thôi Oanh Oanh - Truyện tây sương)

            Với cách miêu tả ngoại hình, dáng vóc người phụ nữ trong truyện Nôm, ta thấy trong đó cả tâm hồn tinh khôi, trinh trắng. Nhìn vào đó tưởng như có thể thấy vẻ đẹp của đất, trời, trăng, sao, sông, núi, cỏ, hoa và cả vũ trụ. Nếu TNBD thường so sánh sắc đẹp với cỏ cây, hoa lá, núi sông, trăng mây, tức là những sự vật có thể nhìn thấy, cảm nhận ngay được, thì TNBH ngoài sử dụng những hình ảnh trên, còn xem hình ảnh “những Tây Tử (Tây Thi), Hằng Nga, Thái Chân… là những ‘tấm gương’ sắc đẹp mà các tác giả TNBH khi miêu tả nhân vật nữ lý tưởng của mình đều soi vào đó”. [3, 101]

            Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên các tác giả ban cho nhân vật của mình nhan sắc mỹ miều mà không đòi sự trả giá. Cái giá phải trả là những nỗi đoạn trường các nàng phải gánh chịu. Có thể nói sắc đẹp chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai họa cho nhân vật nữ và đe dọa hạnh phúc gia đình của họ. Trần Quang Huy rất có lý khi nói rằng: “Nam trọng tài nên cái duyên đối với thơ văn khoa cử chỉ có kết mà không có mở… Nữ thì trọng về dung mạo… Do có sắc đẹp thì mọi người đều yêu, đó là nguyên nhân dẫn đến những sóng gió thăng trầm.” [2, 43-44] Thoại Khanh, Ngọc Hoa và Công chúa Bạch Hoa là những người trực tiếp chịu nhiều bi kịch nhất do sắc đẹp gây ra. Ngọc Hoa tự ý thức về tai họa do nhan sắc: “Sự này thấu đến Hoàng thiên, Vì tôi nhan sắc cho nên thế này.” Nàng Ngọc Khanh trong TNBH cũng từng than thở: “Bất bình chi bấy Hóa công, cho người lấy mảnh má hồng làm chi?” Công chúa Quỳnh Nga (Nam Kinh Bắc Kinh truyện), cái Tấm, Phương Hoa cũng bị tai họa gián tiếp do nhan sắc gây ra. Quỳnh Nga vì đẹp được chọn làm vợ Thái tử nước Bắc Kinh, bị Nhũ mẫu tham lam, ganh ghét rắp tâm hãm hại. Cái Tấm vì đẹp được chọn làm Hoàng hậu, bị mẹ con cái Cám giết hại nhiều lần. Đặc biệt, trường hợp Phương Hoa có khác. Có lẽ còn biết thương hoa tiếc ngọc nên tên Tào Trung úy không nỡ hại nàng mà quay sang hại cả nhà Cảnh Yên. Tuy không trực tiếp gánh chịu mối họa này, nhưng nó cũng đủ khiến nàng điêu đứng, đau khổ vì bị chia cách, vì cảm thấy day dứt trước tai họa của gia đình chồng.

            Người phụ nữ sống vào thời trung đại phần lớn bị lễ giáo ràng buộc khắt khe. Đau khổ, bất hạnh phần nhiều cũng từ đó mà ra. Phàm sinh ra là phận nữ nhi, nhất là người có sắc có tài, thì biết trước tai họa chực chờ, ngay khi sinh ra đã đối đầu với quan niệm “nam tôn nữ ti”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”… Đâu phải chỉ những cô gái nhà nghèo hay riêng những người có sắc có tài phải gánh chịu khổ đau, bất hạnh. Chỉ có điều, nếu người bình thường bạc mệnh thì những người có tài có sắc càng bạc mệnh hơn, để “trả giá” cho cái tài cái sắc của mình.

            Theo quan niệm “bỉ sắc tư phong”, “hồng nhan bạc mệnh”, trời xanh kia cũng khá công bằng. Ngài đã ban cho người con gái nhan sắc tuyệt vời thì lấy đi cuộc sống bình an của họ. Nhân bất thập toàn, mọi sự mọi việc cũng đều như thế. Nhìn chung, phần lớn nhân vật nữ trong TNBD phải chịu đựng nhiều nỗi bất hạnh trực tiếp hoặc gián tiếp do sắc đẹp của mình gây ra. Chủ đề phổ biến trong TNBD là đấu tranh bảo vệ hạnh phúc gia đình. Bị chà đạp, ức hiếp thì đấu tranh, đấu tranh thì không thể nào sung sướng được. Vì thế, hầu như nhân vật nữ trong TNBD đều trải qua quãng đời bất hạnh trước khi đạt tới hạnh phúc chân chính. Áp dụng quy luật “bỉ sắc tư phong”, tác giả cây dựng các nhân vật nữ “khuynh quốc khuynh thành” là lẽ tất nhiên.

            Riêng Xuân Nương, tai họa đến không phải do nhan sắc của nàng. Tai họa rõ ràng do bà mẹ chồng gây ra nhưng dường như giáng xuống từ một nơi vô định. Chúng ta hoàn toàn không biết chính xác nguyên nhân mẹ chồng ngược đãi nàng dâu. Nếu Lâm Mẫu cần người hầu hạ thì “thiếu chi đầy tớ gia đàng gái trai”, cớ gì cưới vợ cho con lại biến dâu thành kẻ hầu người hạ, không cho vợ chồng sống chung, xem mạng nàng dâu như cỏ rác. Tuy nhiên, như đã nói trên, trong tất cả TNBD, tính logic không được thực hiện triệt để. Thậm chí có nhiều chi tiết thiếu nhất quán, không cụ thể, phi logic. Điều tác giả TNBD quan tâm là hiện tại Xuân Nương bị ngược đãi; Lâm Sanh là chồng nhưng không được “kết cùng ái ân” với vợ, từ đó “bi thảm hóa” nhân vật và tình tiết.

            Cúc Hoa (Phạm Công Cúc Hoa) may mắn hơn với vẻ đẹp phúc hậu “nở nang nét nguyệt, vuông tròn mặt hoa”, giống với Thúy Vân “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” (Truyện Kiều), nên số phận cuộc đời nàng cũng giống Thúy Vân. Thúy Vân với vẻ đẹp “tuyết cũng nhường, mây cũng thua, thua và nhường trong tự giác, hồn nhiên và thuận lòng” [5, 51], nên trong lúc chị mình ba chìm bảy nổi trong bể đời thì nàng được bình yên ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, được yên ấm trong cuộc sống vợ chồng. Cúc Hoa cũng vậy, trong khi nhân vật nữ trong các tác phẩm khác bị tai kia vạ nọ dập vùi thì nàng đến với Phạm Công một cách khá thuận lợi, hạnh phúc bên chồng, sinh con đẻ cái. Nàng không gặp phải bất kỳ tai họa nào, trừ thời gian xa chồng khi Phạm Công bị hãm ở nước Hung Nô. Ngay cả khi chết (thầy bói phán nàng chết vào năm ba mươi tuổi, thực ra nàng được rước xuống Âm ty), nàng cũng được Âm ty đón tiếp rất nồng hậu: “Ngai vàng bệ ngọc trướng hồng, Cung phi mỹ nữ hội đồng vui thay.” (Cúc Hoa vốn là con gái Diêm Vương)

            Tác giả TNBH cũng có quan niệm “bỉ sắc tư phong” khi xây dựng những nhân vật nữ bất hạnh. Các cô mang vẻ đẹp vừa sắc sảo vừa “háo thắng”, đến nỗi “hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”, “nguyệt ghen gương khép, hoa hờn thắm bay”. Những động từ “ghen”, “hờn”, “đua” được vận dụng với tần số cao cho thấy chủ ý của các tác giả, dường như bị thiên nhiên “trả đũa” vì lòng ganh tị, nhất định sau này các cô sẽ gặp nhiều nỗi khổ đau bất hạnh ê chề.

            Thúy Kiều với nỗi đau tình, nỗi hận đời và nỗi nhục thân có thể nói là cực điểm trên thế gian. Thân phận Kiều chính là “điển hình cho cái cảnh ngộ đau lòng: nhan sắc diễm tuyệt, lại sinh ra nơi phong gấm rủ là, rồi gặp được Kim Trọng hào hoa phong nhã, cuộc đời như vậy tưởng là hứa hẹn cho một hạnh phúc vô thượng. Nào ngờ tai biến xảy ra đến nỗi phải nửa đời lênh đênh trôi giạt, tủi nhục ê chề.” [4, 455] “Kẻ thiên tài, người quốc sắc phải duyên nhau cũng là lẽ thường. Nhưng rồi cũng từ cái hơn người ấy mà đời không tha, trời cũng không tha.” [5, 54] Thật vậy, đến với tình yêu chưa được bao lâu, Kiều đã phải bán mình chuộc cha báo hiếu. Đời nàng từ đó “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”. Bất hạnh chất chồng bất hạnh. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Bất hạnh nào cũng khiến nàng đớn đau khôn xiết. Chính vì “nàng bị mệnh ghét ghen, bị liệt tên vào sổ đoạn trường, cho nên phải lưu lạc truân chiên trong mười lăm năm”[4, 449]. Tưởng chừng Kiều không còn cảm giác khổ đau khi gặp đau khổ nữa. Nỗi đau cuối cùng nàng phải gánh chịu là khi thị yến dưới màn của Hồ Tôn Hiến, nàng như một cỗ máy còn Hồ Tôn Hiến là người thợ lành nghề. “Hắn bảo nàng đàn thì nàng đàn, bảo hát thì hát, bảo không tự tử thì không tự tử.” [1, 14] Có người bảo đáng lẽ Kiều phải mắng vào mặt hắn cho hả giận, cho bõ những điều gian ác hắn đã gây ra cho nàng. Nhưng “ta giận mà nói thế được rồi, nhưng người trong cuộc đã trải qua bao nhiêu nỗi cay đắng ở đời, trước nỗi chua xót cuối cùng, chỉ còn mím môi tê tái cười mà thôi.” [1, 14] Lặng im, không nói để rồi ôm nỗi uất hận tầy trời chôn vùi xuống dòng Tiền Đường cuộn sóng. Nếu Bạch Hoa, Thoại Khanh, Quỳnh Nga… là những người chịu nhục hình thảm khốc nhất trong TNBD cũng chỉ bị mất mát, đau đớn về thể xác nhưng sau đó được hoàn lại hình hài ban đầu, thì nàng Kiều ở đây đã bị tổn thương tâm hồn không thuốc nào chữa được.

            Dao Tiên chỉ duy nhất bị dằn vặt bởi chữ tình. Dằn vặt vì yêu mà phải giữ mình trong “nền thi lễ, nết cân đai, giá nào dẫu nhắc đồng cân cũng già” để rồi “mảnh riêng riêng để chất đầy một bên”. Dằn vặt vì nghĩ mình bị phản bội khi Lương Sinh cưới Ngọc Khanh theo lời hứa hôn của cha. Dằn vặt vì tình đến độ suýt “liều bạc mệnh kẻo sai chữ đồng”. Bất hạnh của Dao Tiên so với Thúy Kiều chưa thấm vào đâu cũng đã gây bao phen sóng gió cho nàng.

            Người con gái đất Hà Khê Kiều Nguyệt Nga chỉ gặp Lục Vân Tiên một lần duy nhất mà ôm nỗi nhớ thương da diết. Hình bóng chàng họ Lục khắc sâu vào tâm khảm đến nỗi nàng họa bức tượng chàng mang theo bên mình cho vơi nỗi nhớ và cũng để nhớ mãi thâm ân cưu mạng. Đến khi hay tin Lục Vân Tiên đã chết, nàng thề “thờ bức tượng trọn đời thời thôi”. Bất hạnh không chỉ có thế. Vì tư thù, quan Thái sư lập mưu tâu lên Sở Vương bắt Nguyệt Nga cống Phiên. Vì chữ hiếu, nàng phải tuân mệnh vua nhưng lòng chung thủy không hề phai nhạt, chỉ nghĩ đến cái chết để “lấy mình báo chúa, lấy lòng sự phu”. Chưa được chung tình với người tình chung, nay buộc phải ôm cầm qua bến khác, nỗi đau này ai thấu cho chăng!

            Bất hạnh không chỉ xảy đến với Thúy Kiều, Dao Tiên và Kiều Nguyệt Nga mà hầu như các cô gái trong TNBH đều gặp cảnh gian truân. Trần Kiều Liên (Truyện Phan Trần) lưu lạc vì cha mất, gia đình gặp đại nạn. Trần Hạnh Nguyên (Nhị độ mai) bị bọn Lư Kỷ, Hoàng Tung bắt gả cho nước Sa Đà để cầu thân. Giang Nhụy Châu (Truyện Song Tinh) sau khi từ chối lời cầu hôn của Hách Nhược vì “tánh hung tài hèn” đã bị cha con hắn bày mưu bắt tiến cung. Trương Quỳnh Thư (Sơ kính tân trang) bị tên Đô đốc cộc cằn, hiếu sắc dùng quyền lực bất chính ép Trương Công gả nàng cho hắn… Nhìn chung, hầu như nhân vật nữ trong TNBH đều không tránh khỏi vận mệnh éo le “thiên định”. Đồng thời, phải thừa nhận rằng, vận mệnh éo le không do đâu khác mà do chính nhan sắc “thiên định” gây ra.

2. TÀI VÀ MỆNH

“Sắc” là thuộc tính không thể thiếu của nhân vật nữ trong truyện Nôm. Ngoài là một trong những nguyên nhân gây tai họa, nó còn là yếu tố thường sóng đôi với “tài”, làm tăng thêm giá trị tài năng của nhân vật nữ.

            Trong TNBD, “văn võ song toàn” không còn là đặc hữu của đấng tu mi nam tử, nó đã trở thành khá quen thuộc với các ả hồng quần. Đành rằng không phải tất cả nhân vật nữ TNBD đều song toàn như thế, nhưng đó là tín hiệu đáng mừng để các cô có thể bình đẳng, sánh vai cùng đấng mày râu. Có thể nói không ngoa rằng, tài năng của các cô không kém cạnh các chàng trai xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, cả trong TNBD và TNBH, như Kim Trọng, Phạm Công, hoặc có khí phách anh hùng “đầu đội trời chân đạp đất” như Từ Hải, Lục Vân Tiên. Khi các cô xuất hiện với dáng vẻ dịu dàng, e thẹn, khó thể ngờ đó là những nàng Ban, ả Tạ, càng không thể ngờ họ đồng thời là những Hoa Mộc Lan, Lưu Kim Đính.

            Trước hết là tài văn. Trong xã hội phong kiến, việc nghiên cứu sách vở chữ nghĩa là một ưu quyền của nam giới, đàn bà con gái chỉ làm những việc bình thường kim chỉ, bếp núc, tơ tằm, nông tang mà thôi. Trừ những trường hợp ngoại lệ rất hiếm, người phụ nữ không được, đúng ra là không có quyền, đi học chữ. Thế nhưng, đọc TNBD, chúng ta như lạc vào một thế giới khác nhân bản hơn, tiến bộ hơn. Trong thế giới ấy, rất nhiều nữ nhân được bình đẳng cùng nam giới, giúp ích rất nhiều cho nam giới, hơn thế nữa, có khi vượt cả nam giới. Tài văn chương tuyệt vời dường như thiên phú, không thể so sánh hơn thua giữa Cúc Hoa với Phương Hoa, giữa Lưu nữ tướng với Nữ Tú tài. Lúc bình thường các cô rất… bình thường, nhưng khi cần thiết, các cô rất tự tin, sẵn sàng trổ tài nhả ngọc phun châu. Khi Cảnh Yên bị hàm oan, nàng Phương Hoa:

                        ...Từ nghe biết thấy tin,

                        Nghĩ  mình một sức giá nên khôi tài.

                        Sử kinh làu giở hôm mai,

                        Văn chương phú lục mọi bài làu thông.

                        Phun châu nhả ngọc nức lòng,

                        Đã tường kinh sử, lại thông truyện ngoài.

nên quyết cải nam trang ứng thí nhằm giải oan cho Cảnh Yên. Tài năng và lòng tự tin đã giúp Phương Hoa mỹ mãn đạt thành ước nguyện:

                        Danh dương bẻ quế tài uy,

                        Quyển thi đều được ba kỳ có tên.

            Trong số hàng ngàn sĩ tử ứng thí, có thể chỉ mình Phương Hoa là gái. Không sánh với người cùng giới làm gì, nàng đã qua mặt biết bao trang nam nhi tài tử, giành lấy giải Khôi nguyên. Tài năng ấy quả thật làm nức lòng chị em cùng trang lứa, đồng thời khiến các chàng cũng phải ngước nhìn.

            Tự tin không kém là nàng Công chúa trong Lý Công. Khi biết Lý Công “sinh ra khỏi lòng có sách cầm tay”, nàng bảo “đem vào cho thiếp giảng kinh kẻo phiền”. Lý Công khi sinh ra đời có sách cầm tay, chứng tỏ chàng có tài văn chương thiên bẩm. Công chúa lại bảo đem sách vào để nàng “giảng” cho chàng, mới biết thiên tư của nàng cũng thuộc hàng “cao thủ”.

            Cúc Hoa (Phạm Công Cúc Hoa) thể hiện tài năng của mình ở phương diện khác:

                        Năm xe kinh sử thuộc lòng,

                        Thầy cho thay mặt dạy trong học đường.

            Được như nữ Học sĩ Nguyễn Thị Lộ hay Phù gia nữ học sĩ Ngô Chi Lan (cùng thời Lê) thật sự khó thay. Ở đây không dám sánh Cúc Hoa với các bậc tiền bối tài danh như thế, nhưng nàng xứng đáng được kính nể. Cúc Hoa và Phạm Công cùng là học trò thầy Quỷ Cốc, Cúc Hoa là sư tỉ, lại thêm vị trí “sư phụ” đủ khiến đám học trò và chàng Phạm Công “phục sát đất”.

            Tài văn chương thi phú của Phương Hoa, Cúc Hoa thể hiện thành việc làm cụ thể và đạt thành hiệu quả thiết thực giúp ích rất nhiều cho các nàng và người thân. Nghĩa là tài năng ấy đúng sở dụng. Bên cạnh đó, TNBD còn nhiều nhân vật nữ khác có tài văn chương nhưng chưa thể hiện ra ngoài, có thể vì chưa có cơ hội như Phương Hoa và Cúc Hoa. Công chúa Quỳnh Nga (Nam Kinh Bắc Kinh truyện) thì “sử kinh thi phú thông nghề”, Thoại Khanh tìm được thầy dạy dỗ nên “dốc lòng học tập văn chương”… Dù chưa có dịp thi thố nhưng tiềm năng của các cô là rất lớn.

            Ngoài nghiệp văn, các cô còn có nghề võ cũng tinh thông không kém. Lưu nữ tướng là hình mẫu lý tưởng nhất:

                        Văn dung chẳng kém, võ tài không thua.

                        Gia công luyện tập sớm trưa,

                        …Ra vào cửa Khổng làng Nhan,

                        Sớm ôn kinh sử, tối bàn đao cung.

            “Không thua”, “chẳng kém” chính là so với các chàng trai tài giỏi. Ngày xưa phụ nữ không được đến trường học chữ, nhưng những ai ham học có thể học tại nhà, nên nghề văn khả dĩ đạt được. Nghiệp võ là dành cho những gã “vai u thịt bắp”, vậy mà nàng lại là “người thiếu nữ chí anh hùng”. Ngay danh hiệu “Lưu nữ tướng” đã nói lên đầy đủ uy dũng của nàng. Không những thế, nàng dựng chốn Kinh Sơn thành “chốn thành đô biên thùy” giống như một triều đình thật sự:

                        Cung tên, xe ngựa thiếu gì,

                        Võ thì nghìn tướng, văn thì trăm viên.

                        Tinh binh biết mấy mươi nghìn,…

            “Chốn thành đô biên thùy” của Lưu nữ tướng chẳng khác “triều đình riêng một góc trời” của người anh hùng Từ Hải. Ngặt vì Từ Hải là anh hùng nhưng còn vướng vòng nữ sắc nên tiêu tan cơ nghiệp, còn Lưu nữ tướng thật sự là anh hùng trong mắt nam nhân.

            Nữ Tú tài (Văn Phi Nga) là một hình mẫu khác. Vốn sinh ra trong gia đình võ tướng, nàng “đã hay nghề ngựa, lại lành nghề cung”, gặp lúc triều đình nhà Tống trọng văn khinh võ, nàng cải nam trang “quyết lòng nấu sử sôi kinh theo thì”. Mặc dù văn là nghiệp bất đắc dĩ, nhưng nàng đã chứng tỏ tài năng có một không hai trong nữ giới, “chiếm khôi nguyên Tú tài” trong kỳ thi Hương. Đáng tiếc vì cải dạng nam nhi đi học và đi thi nên nàng không dám dự khoa thi Hội và thi Đình, sợ bị phát hiện liên lụy gia đình. Nếu không, chắc nàng cũng sẽ giành thứ hạng cao trong các kỳ thi đó.

            Lưu nữ tướng và Nữ Tú tài sinh ra trong những gia đình có truyền thống võ học, “hổ phụ sinh hổ tử” là chuyện bình thường. Xuân Hương (Mã Phụng Xuân Hương) là cô gái nghèo mà cũng có được cơ duyên trở thành “nữ tướng”. Xuân Hương được Mã Phụng (con trai Mã Đô đốc) cưới về làm vợ, bước vào cuộc sống uy quyền, giàu sang của tầng lớp quý tộc. Thấy nàng hiếu nghĩa, Tiên ông trao tặng cho nàng một bầu hồ lô, đôi bảo kiếm, dạy cho nàng “côn quyền kỹ nghệ tinh thông”. Do đó sau này nàng đã lập đại công khi bắt sống được tướng Phiên bang, cứu chồng, dẹp yên nạn binh đao cho đất nước. Trong số các nhân vật nữ TNBD, Xuân Hương là người may mắn nhất.

            Nữ nhi với sắc đẹp “mái tóc như mây, da trắng như tuyết, mắt rất sáng, môi đỏ như son” (Liên hồ quận quân), lại hay văn giỏi võ cũng xuất hiện nhiều trong truyện truyền kỳ. Nhị Khang (Chuyện cây gạo), Đào, Liễu (Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây), Bích Châu (Chuyện đền thiêng ở cửa bể)… đều là những người phụ nữ tài giỏi về văn chương, có người còn khiến cả vua quan văn võ phải giật mình kinh ngạc như Đào Thị Hàn Than (Chuyện nghiệp oan của Đào thị). Giỏi võ như nàng Phùng thị (Phùng phụ Việt Nam) đã khiến cho mọi người hết lời tán thưởng khi xem nàng giết cọp, người xem đông như kiến nhưng không một ai có thể thấy rõ nàng giết cọp bằng cách nào vì hành động diễn ra quá nhanh. Tài năng của nhân vật nữ trong truyện truyền kỳ cũng được bộc lộ ở nhiều phương diện như trong TNBD. Nhưng so với TNBD hình như vẫn thua một bậc, vì trong truyện truyền kỳ, người thì thi họa xướng ca, người thì sức khỏe phi thường, người thì lo cùng việc sông núi… tức là tài năng riêng biệt, còn TNBD thì nhiều cô gái “văn võ song toàn”.

            Một điều nữa cũng nên nói rõ. Nếu các nhân vật nữ TNBD chỉ có đẹp và tài thì cũng chưa phải là mẫu người lý tưởng. Ngoài tài văn võ song toàn, tác giả còn xây dựng các cô thành những người đức tài kiêm bị. Xuân Hương sau khi dùng phép bắt được tướng giặc Phiên bang, Mã Phụng đòi giết nhưng nàng ngăn lại:

                        Xin thương chút phận tài tình,

                        Xuống tay làm phước tái sinh chưng là.

            Công chúa nước Nam Kinh sau khi được trùng phùng cùng Thái tử nước Bắc Kinh đã sẵn sàng tha thứ cho hai mẹ con Nhũ mẫu từng nhẫn tâm hãm hại mình. Có như thế những cô gái này mới hoàn toàn xứng đáng với những gì mình đạt được.

            Nói đến tài, cũng không thể không nhắc đến các nhân vật nữ TNBH. Thúy Kiều, Hồng Ngọc, Hạnh Nguyên, Dao Tiên, Nhụy Châu đều là những tài danh bậc nhất về thi phú, có người giỏi đều cả cầm, kỳ, thi, họa. Không am tường lục thao tam lược như Lưu nữ tướng, Nữ Tú tài, Xuân Hương, không cải nam trang ứng thí giải oan cho chồng như Phương Hoa, cũng không quá tự tin “giảng kinh” cho chàng trai như Bạch Hoa, nhưng họ có đủ bản lĩnh, tài trí, sánh ngang với các chàng nho sinh văn hay chữ tốt Kim Trọng, Lương Sinh, Lương Ngọc, Tô Hữu Bạch, Song Tinh.

            Bên cạnh “sắc” và “mệnh” thì “tài” và “mệnh” cũng là hai khái niệm nằm trong quan niệm “bỉ sắc tư phong”. Người xưa quan niệm “tài mệnh tương đố”. Nguyễn Du cũng từng nói trong Truyện Kiều: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.” Thuyết tài mệnh(3) tương đố thể hiện rõ hơn ở TNBH.

            Thúy Kiều là bậc đại tài:

                        Thông mình vốn sẵn tính trời,

                        Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.

                        Cung thương làu bậc ngũ âm,

                        Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.

                        Khúc nhà tay lựa nên chương,

                        Một cung bạc mệnh lại càng não nhân.

             Đúng là cái thế hồng quần. Tiếc là cái tài ấy sinh ra không đúng lúc. Nó bị khách làng chơi dùng làm cuộc mua vui, bị Hoạn Thư dùng làm trò chế giễu, bị Hồ Tôn Hiến dùng làm điều sỉ nhục. Chẳng thà là người bình thường sẽ không đáng thương bằng. Trời cho nàng nhiều thứ, chỉ lấy đi của nàng một thứ, đó là cuộc sống hạnh phúc, bình an. Nếu được lựa chọn, có thể nàng sẽ chọn cuộc sống bình an. Nhưng cuộc đời có gì là hoàn toàn theo ý muốn của con người!

            Tài năng tót vời của Hồng Ngọc được giới thiệu qua lời người chú họ Ngô: “Thi văn cháu vốn đủ nghề.” Nàng đã thay cha làm bài thơ Thưởng cúc được mọi người không tiếc lời khen ngợi “hoa tươi nét bút, ngọc ròng lời tao”, đến nỗi người nham hiểm, nhỏ nhen như Dương Công cũng “tưởng tài đại bút nghĩ mà gớm ghê”. Từ cái “gớm ghê” ấy dẫn đến mối họa khôn lường. Dương Công thấy tài của Hồng Ngọc có thể sánh “nhà này nòi ấy đọ vào cũng ngang”, hỏi cưới Hồng Ngọc cho đứa con trai “dung mạo thường thường lăng nhăng, văn chương chữ được chữ chăng theo đòi” của mình. Đương nhiên tài thanh cao không thể sánh với phường gian giảo, cha nàng thẳng thừng từ chối nên bị Dương Công mưu hại. Nàng tuy không bị họa trực tiếp và có người giúp đỡ nhưng cũng không tránh khỏi cảnh lao đao.

            Trần Hạnh Nguyên, cô gái có số phận giống Kiều Nguyệt Nga bị bắt cống cho nước ngoài để cầu thân theo âm mưu của bọn gian thần, cũng là một “nữ tử văn nhân”. Nàng ứng khẩu rất nhanh họa lại bài thơ của Hỉ Đồng (Lương Ngọc cải trang), bài thơ ấy được Trần Công khen ngợi:

            Khen tài nhả ngọc phun châu,

            Ba vần già dặn, bốn câu thanh kỳ.

            Ngoài ra, Hạnh Nguyên còn làm một bài “biệt thi” trước khi lên đường sang nước Sa Đà, lời lẽ bi thương khôn tả, thương cha nhớ mẹ, tiếc phận má hồng:

            Hòa Phiên, khen chước đã nên cao,

            Để thiệt chi cho phận má đào.

            Trời thẳm luống đau lòng viễn biệt,

            Bể sâu khôn trả nghĩa cù lao.

            Trên đường đi, nàng làm một bài thơ tâm sự cùng Lương Ngọc tỏ lòng chung thủy, hẹn kiếp lai sinh, oán trách trời già “cũng chua cay lắm”, “dìu dặt ra chi một chữ tình”, và một số bài thơ vịnh khác. Trong số thơ của nàng, phần nhiều tả nỗi sầu ly biệt, sáng tác trong hoàn cảnh ly biệt, xa cha cách mẹ, xa người trong mộng, xa quê hương xứ sở. Cho nên, khác với chữ “tài” trong TNBD đúng sở dụng, dù là tài văn hay tài võ, thì cái tài của Hạnh Nguyên, cũng giống như của Thúy Kiều, Hồng Ngọc và các cô gái khác trong TNBH, nó không đúng sở dụng. Thật tiếc lắm thay!

            Qua đó có thể thấy, “tài” trong TNBD phần lớn là cái tài đắc dụng, không phải là yếu tố gây ra tai họa. “Tài” trong TNBH có tính “tài tử” và thường bị chà đạp, lợi dụng, cho nên nó là yếu tố đi liền với họa.

            Cuộc sống không bao giờ tĩnh lặng. Đời người luôn lắm thăng trầm. Bản chất của cuộc đời là vậy, ai sống trong đó đều phải tìm cách sinh tồn và vượt qua gian nan trắc trở. Truyện Nôm tuy chứa đựng nhiều điều hư cấu, nhưng những chi tiết hư cấu đó không hoàn toàn xa rời thực tế, ngược lại được đặt nền tảng trên những diễn biến sinh động, phức tạp của cuộc sống. Không có biến cố thì không phải cuộc đời. Nhưng trong truyện Nôm, vượt qua bao nhiêu biến cố, con người đều nhận được sự đáp đền xứng đáng, tương xứng với nỗ lực cá nhân và sự tương trợ từ xã hội. Điều đó thể hiện ước nguyện chiến thắng của cái thiện trước cái ác; ước nguyện bình đẳng, được hưởng hạnh phúc của mọi người, mọi tầng lớp; nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đó cũng chính là ước vọng về một xã hội công bằng, nhân bản, tiến bộ mà mọi xã hội ngày nay đều phải hướng đến và đạt tới.

KẾT LUẬN

            Thông qua cách miêu tả nhân vật nữ trong truyện Nôm với những đặc điểm về ngoại hình, tài năng và số phận, tác giả truyện Nôm không chỉ thể hiện đơn thuần quan niệm “hồng nhan bạc mệnh” hay “tài mệnh tương đố”, cũng không chỉ phản ánh cuộc đấu tranh lâu dài, tất thắng của cái thiện trước cái ác, mà còn thể hiện ước vọng thiết thực, chính đáng và rất nhân bản về quyền bình đẳng và truy cầu hạnh phúc của người phụ nữ trong xã hội xưa. Có thể nói, tác giả truyện Nôm, đặc biệt là tác giả TNBD, do sống gần gũi với tầng lớp chân lấm tay bùn, thấp cổ bé họng, nên hơn ai hết đã ý thức rõ những bất công, phi nhân bản của ý thức hệ Nho giáo và chính sách cai trị áp đặt của triều đình phong kiến vùi dập thân phận người phụ nữ một cách không thương tiếc. Mặc dù trong cách miêu tả có nhiều chi tiết thậm xưng, “quá đà” và phi logic, nhưng có lẽ đó là những “chiếc phao” mầu nhiệm cuối cùng của người đuối nước khi không còn vật gì khả dĩ cứu họ thoát khỏi nanh miệng thủy thần, tác giả truyện Nôm cũng dùng chiếc phao mầu nhiệm đó cứu nhân vật của mình thoát khỏi ngục tù xã hội. Từ đó thấy rằng, ước vọng của người phụ nữ muốn thoát khỏi ngục tù xã hội phong kiến không gì to lớn hơn và còn là một chặng đường dài phía trước.

CHÚ THÍCH

(1) Trong số 20 truyện Nôm đã đọc, chúng tôi thống kê được có 4 người là Công chúa, 12 người là tiểu thư con gia đình quan lại, 2 người là con trưởng giả phú hộ, chỉ có Xuân Hương và Xuân Nương là con nhà nghèo.

(2) Trần Đình Sử cũng đã từng nói về vấn đề này trong Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1999.

(3) Theo Phạm Thế Ngũ, “Mệnh ở đây không hẳn là định mệnh hay số mệnh ở các khoa bói toán, cũng không là thiên mệnh như trong quan niệm của nho gia. Chữ mệnh đây có nghĩa là một đời người với số hạn cùng những may rủi sướng khổ của nó… Bởi vì nếu cái mệnh ở đây là định mệnh hoặc thiên mệnh tức là phải đứng ở trên hết cả mà phân phối quyết định thì làm sao còn xuống ngang hàng với cái tài mà đánh ghen với nó.” [4, 457]

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Giáng, (không ghi năm xuất bản), Một số nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần, Tân Việt, Sài Gòn.

2. Trần Quang Huy, (2002), “Thể tài tài tử giai nhân trong truyện Nôm Việt Nam”, Tạp chí Văn học, số 12.

3. Lê Văn Lực, (1995), Lý tưởng thẩm mỹ trong một số truyện thơ bình dân thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX (Luận văn Cao học), ĐHSP TP.HCM.

4. Phạm Thế Ngũ, (1996), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (tập 2), Nxb. Đồng Tháp.

5. Trần Cao Sơn, (2003), “Quan niệm hồng nhan bạc mệnh thể hiện trong ngôn ngữ tả vẻ đẹp Thúy Kiều”, Tạp chí Văn học, số 12.

6. Trần Đình Sử, (1999), Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

Nguồn: Bình luận văn học, Niên giám 2013 - 2014

Thông tin truy cập

63693306
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13598
23426
63693306

Thành viên trực tuyến

Đang có 167 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website