Hội Thảo Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á – khẳng định một hướng nghiên cứu mới

Hội thảo Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á do Khoa Văn học và Ngôn ngữ chủ trì, với sự tài trợ của Quĩ Japan Foundation, vừa được tổ chức trọng thể tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vào hai ngày 6 và 7-12-2011.

Từ gần 100 báo cáo gửi về, Ban tổ chức đã chọn ra được hơn 60 báo cáo làm tài liệu của Hội thảo, và khoảng 30 báo cáo được trình bày ở Hội thảo.

Phiên toàn thể có hai báo cáo quan trọng của PGS. Đoàn Lê Giang có tính chất đề dẫn và báo cáo của nhà Việt Nam học Nhật Bản: Giáo sư Kawaguchi Kenichi (Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo) nhan đề Nguyễn Du và K.Bakin -- Sự tiếp nhận và phát triển Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Hội thảo được chia làm ba tiểu ban sau đó: tiểu ban Văn học cổ điển Việt Nhật, tiểu ban Văn học hiện đại Việt Nhật, tiểu ban Văn học Đông Á.
 

Tại tiểu ban Văn học cổ điển Việt Nhật, nhiều báo cáo đã cung cấp những thông tin mới mới mẻ về tư liệu như Nghiên cứu mới về Nhật Bản kiến văn lục của Việt Nam của GS Chen Yi-yuan, Nghiên cứu mới về cuốn sách bị thất truyển Uji Dainagon monogatari như một tiền lịch sử chủ yếu của Kim tích vật ngữ của GS. Araki Hiroshi. Phía Việt Nam, GS Nguyễn Thị Oanh với báo cáo Về chuyện ma quỷ trong truyền thuyết Hán văn Việt Nam – So sánh với Kim tích vật ngữ tập đã gây sự chú ý cao của cử tọa. Phiên thứ hai của tiểu ban Văn học cổ điển Việt Nhật tập trung giới thiệu trao đổi các vấn đề về thể loại như báo cáo về thể senryu của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu; về tùy bút cổ điển Nhật của Th.S Ngô Trà Mi; tiến trình thể loại tiểu thuyết Đông Á của Nguyễn Thị Lam Anh… Cũng trong phiên này, nhiều trao đổi chừng mực đã được đặt ra xoay quanh vấn đề ảnh hưởng của Trung Quốc trong văn học Nhật Bản ở một số trường hợp như bài của TS Nguyễn Đình Phức về Vấn đề biên tuyển thơ Bạch Cư Dị trong Thiên tải giai cú của Ôenokoretoki và TS. Phan Thu Vân về Nhân tố văn hóa Trung Quốc trong «Nguyên thị vật ngữ» (Truyện Genji) và ý nghĩa văn học của nó. GS. Trần Thị Chung Toàn có bài báo cáo công phu về các nữ thi sĩ trong tuyển tập Hyakunin Isshu / Bách nhân nhất thủ, một tuyển tập đang gây chú ý tại Việt Nam do chính tác giả chuyển dịch.

Tiểu ban Văn học hiện đại Việt Nhật bao gồm nhiều báo 10 báo cáo tỏa ra các phương diện khác nhau trong so sánh, đối chiếu văn học Việt Nhật. Trong loạt bài này có báo cáo của GS. Tokunaga Mitsuhiro về Natsume Soseki và điểm nhìn Đông Á – Những hình ảnh phân biệt đối xử trong Lang thang Hàn Quốc – Mãn Châu, TS. Nguyễn Hữu Hiếu: Từ tiểu thuyết Gia đình của Shimazaki Toson suy nghĩ về khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa trong văn học Nhật Bản và Việt Nam. Đặc biệt có bài báo cáo của TS. Nguyễn Nam về  “Sự thật” tuyệt đối trong tự sự tiếp nhận và cải biên “Rashomon” ở Việt Nam được cử tọa trao đổi và tạo rất nhiều hứng thú. Về phương diện thể loại, Th.s Nguyễn Vũ Quỳnh Như:  Tiếp biến  cấu trúc  thơ haiku 5 – 7 – 5 tại Việt Nam, ThS. Phạm Văn Ánh có bài tham luận: Nhà nho Việt Nam với thể loại Từ, hai tác giả Phạm Phú Phong, Phan Tuấn Anh có bài Các đặc trưng của truyện tranh NB trong tương quan với tr.tranh Đông Á. Nhiều băn khoăn của cử tọa cũng tập trung vào thể manga Nhật và vẫn còn hứa hẹn sự chú ý cụ thể hơn nữa vào thể loại này khi du nhập sang Việt Nam. Phiên tiếp theo của tiểu ban văn học hiện đại Việt Nhật có các báo cáo của GS. Huỳnh Như Phương : Kenzaburo Oe đến Việt Nam, Th.s Trần Thị Tố Loan: Thực tại và con người trong sáng tác của Murakami Haruki, Ms Đỗ Thị Mỹ Lợi: Chủ nghĩa duy mỹ trong truyện ngắn của Akutagawa và Nguyễn Tuân, Th.s Nguyễn Ngọc Bảo Trâm: Cuộc truy vấn về nhân sinh trong Bướm trắng của Nhất Linh và Thất lạc cõi người của Dazai Osamu. Một số cử tọa cũng đã đặt vấn đề về sáng tác của Oe Kenzaburo – đại diện Nobel châu Á đã tạo nên vô số những ảnh hưởng và chất vấn đối với học giới trong nước và quốc tế.

             Tại Tiểu ban Đông Á, tình hình nghiên cứu trao đổi đi vào chiều sâu rất rõ với hàng loạt những báo cáo nghiêng hẳn về phối cảnh văn hóa- lịch sử Đông Á như bài Cuộc tranh luận về “Quốc học” giữa giới trí thức Việt Nam đầu thập kỉ 1930 của GS. Imai Akio; báo cáo Văn chương Việt Nam nở hoa trên đất Phù Tang của GS. Nguyễn Đình Chú; báo cáo Hình ảnh Nhật Bản trong trước tác của Phan Bội Châu thời kỳ ở Nhật ( 1905-1909) của PGS. Nguyễn Tiến Lực; Báo cáo của PGS. Nguyễn Hữu Sơn  nêu ra vấn đề Tác phẩm Thiền uyển tập anh trong bối cảnh văn hóa – văn học Đông Á. Các nhà nghiên cứu nữ cũng đóng góp cho tiểu ban nhiều báo cáo thú vị, được đánh giá cao như báo cáo Truyền dẫn và chuyển hóa trong văn chương Đông Á cuối thế kỷ 19-đầu thế kỷ 20 của TS. Trần Hải Yến;  Việt Nam trong bối cảnh văn học di dân các nước Đông Á tại Hoa Kỳ của TS. Trần Lê Hoa Tranh; Sự tiếp nhận quan niệm sáng tác từ tiểu thuyết Minh Thanh và những đặc sắc riêng của tiểu thuyết Hán văn Việt Nam của GS. Xia Lu; Đặc điểm dịch thuật và xuất bản tiểu thuyết Minh Thanh (Trung Quốc) ở Việt Nam trong ba thập kỷ đầu thế kỷ XX (1900-1930 của Th.s Wang Jia, Hình tượng “Đông Á bệnh phu” trong văn học duy tân Đông Á, Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX của TS. Lê Ngọc Thúy…

Những tranh biện đặc biệt sâu sắc về Nho giáo và nền quốc học Việt Nam đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của toàn thể cử tọa. Báo cáo của TS. Nguyễn Đức Mậu nhan đề: Hai cách nghĩ, hai hành xử trước thực tế mới – Trường hợp Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi cũng là những ý tưởng so sánh mới mẻ, có tính khái quát cáo, động chạm đến nhiều vấn đề lịch sử và văn hóa, tạo ra nhiều mối quan tâm tích cực về nghiên cứu hiện đại hóa hai nước Việt Nhật.

 

          Tại phiên toàn thể bế mạc Hội thảo, GS. Karen Thornber (Đại học Harvard, Hoa kỳ) đã trình bày tham luận Ōe Kenzaburo: Băn khoăn giữa Hiroshima và châu Á, báo cáo trình bày về vấn đề vị trí và sứ mệnh của các nhà văn châu Á trước những vấn đề của đất nước và châu lục. Tham luận rất hấp dẫn, tọa được sự chú ý của toàn thể Hội thảo.

 

         Sau báo cáo này, PGS. Trần Thị Phương Phương, phó trưởng Khoa Văn học và Ngôn ngữ đã có lời tổng kết súc tích và xác đáng về ý nghĩa Hội thảo, trong đó có nhận định: “Quan tâm sâu sắc đến những giao lưu hữu hảo, hòa bình, nhưng cũng không lờ đi những xung khắc, mâu thuẫn giữa các dân tộc trong khu vực. Những nỗi đau của quá khứ chưa quá xa, và vết thương còn đang mở miệng trong hiện tại vẫn đang làm chúng ta nhức nhối trăn trở.  Bởi tất cả đều là những bài học kinh nghiệm quý báu cho cuộc hội nhập hôm nay và trong tương lai, trong đó có cuộc hội nhập văn chương nghệ thuật”.

 

         Bên lề hội thảo là các hoạt động đặc biệt có ý nghĩa như: Tọa đàm Nghiên cứu văn học ở Đại học Harvard do GS Karen Thornber và TS. Nguyễn Nam chủ trì; Giáo sư Trần Ích Nguyên, Trưởng Khoa Văn học Trung Quốc, Đại học Thành Công (Đài Loan) đến thăm và làm việc tại Phòng Nghiên cứu và Sưu tầm di sản Hán Nôm; Buổi gặp gỡ trao đổi với giữa các cán bộ, nhà nghiên cứu trẻ của Khoa Văn học và Ngôn ngữ với các giáo sư nước ngoài: Karen Thornber (Đại học Harvard), GS. Kawaguchi Kenichi, GS. Imai Akio (Đại học Ngoại Ngữ Tokyo)…

 

        Hội thảo “Văn học Việt Nam - Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á” kỳ này và hội thảo “Quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản và các nước khu vực văn hóa chữ Hán” cũng do Khoa Văn học và Ngôn ngữ tổ chức tháng 3 năm trước (2010) cho thấy việc nghiên cứu văn học khu vực Đông Á (còn gọi: khuc vực văn hóa chữ Hán) và nghiên cứu Việt Nam trong bối cảnh ấy là một hướng nghiên cứu mới mẻ, đúng đắn và có rất nhiều triển vọng. Chắc chắn sẽ còn nhiều hội thảo về lĩnh vực này nữa trong tương lai.  

 

TS. Lê Thị Thanh Tâm

 

Danh mục website