Hiếm có cuốn sách nào mà lời mở đầu của chính tác giả lại mời gọi người đọc chân thành đến thế: "Người hôm nay đọc người hôm xưa, cảm nhận rõ một điều là những ngọn lửa ấm nồng của trí tuệ và trái tim vẫn được ủ kín trong chữ nghĩa và một ngày thức dậy đồng hành cùng chúng ta hôm nay"
"Gửi đây chút duyên tình đọc" (tác giả: Nguyễn Thị Thanh Xuân, NXB Đà Nẵng và Như Books, ấn hành tháng 10-2019). "Gửi đây", "đây" là đâu? Ngay lúc này, ngay ở đây, ngay ở điểm nhận ra, điểm gặp gỡ, điểm nhìn thấy. Đây, là đang giữ, đang nắm bắt, đang giao hòa. Chữ "đây" làm nên một không gian chứng tá, không gian đối thoại. Trong không gian ấy, người đọc tiếp xúc với Phan Khôi, Thiếu Sơn, Hoài Thanh như một khối trụ đẹp của các nhà bình luận văn chương hồi đầu thế kỷ XX. Quãng giữa kết nối là một Bích Khê tài hoa, Hồ Hữu Tường mãnh liệt, Triều Sơn đa mộng. Rồi sẽ bất ngờ với một Nguyễn Đổng Chi viết phóng sự, một Bùi Giáng bản nhiên, một Trịnh Công Sơn như người tình của thiên nhiên. Người đọc tiếp tục cuộc tri nhận lúc này, tại đây với Nguyễn Thị Thụy Vũ, Phùng Khánh - Thích Nữ Trí Hải, Lê Giang, Nhật Tuấn, Mang Viên Long - những tên tuổi như ngọn lửa ủ kín đâu đó trong dòng hải lưu văn chương miền Nam vốn không dễ để có thể tiếp xúc và truyền gửi những giá trị. Ba tác giả đương đại cuối cùng khép lại chuyến phiêu lưu của ngọn lửa âm thầm cháy không nguôi: Lưu Quang Vũ, Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Nhật Ánh.
Đọc nhau vì duyên, trọng nhau vì tình, "duyên tình đọc" là sự hấp thụ nhau như lửa cháy lên sức nóng, làm sống lại ánh sáng từ những nơi mờ tối. Duyên đọc là một cách đọc đặt trọng tâm vào sự "ngẫu nhĩ", "bản nhiên" trong hành trình tiếp xúc và tạo tác tri thức. Nhưng bởi có "tình" mà duyên ấy không chỉ băng qua mà còn đứng lại, ở lại trong nỗi xúc động.
Bìa sách “Gửi đây chút duyên tình đọc”
Tôi đón lấy một vài sợi tơ duyên nằm ngang qua tâm trí: Đó là "đôi mắt nhìn đâu cũng thấy vấn đề" của Phan Khôi, kẻ luôn "nói ra sự thật ở thế chủ động, tích cực, lạc quan", là người "làm văn học vì chân lý, tự do, bình đẳng". Đó là nhà văn chính trực Thiếu Sơn với những lời dẫn "thổi vào chúng ta cảm hứng và hy vọng về giáo dục", thứ "ánh sáng của trí tuệ độc lập". Đó là Hoài Thanh, "người tri kỷ của thơ ca Việt", người đã chọn duy mỹ làm "căn tính" của một "nghệ sĩ đích thực khi viết phê bình". Đó là Bích Khê với "dáng viết" in bóng sự "trong lặng", những "tinh khiết", "tinh chất", "tinh hoa", "tinh huyết" làm nên cái thế cân bằng hiếm tuyệt của một hiền nhân trẻ dại. Đó là chân dung Hồ Hữu Tường, Triều Sơn với những gia sản đồ sộ về tư duy ít được giới thiệu cũng được tác giả tinh lọc và điểm xuyết công phu. "Dòng mưa ánh sáng" có thể xem là một trong những phát hiện lịch lãm và sâu sắc nhất của tác giả đối với sự nghiệp Lưu Quang Vũ. Mưa (như tác giả giới thuyết) không chỉ là sự "liên hoàn giữa đất và trời, giữa khí và nước" mà còn là "sự phong nhiêu của tinh thần, ánh sáng và các tác động tâm linh". Từ đó, người đọc làm một chuyến đi ngỡ ngàng và "phiêu hốt" với biết bao dòng mưa ánh sáng từ một năng lượng có tên Lưu Quang Vũ: mưa ban sơ như thơ ngày non trẻ, mưa lạc loài buồn nhân thế như những trang viết thời chiến, mưa giao hòa kết tinh như thơ của tình yêu mãnh liệt, đắng cay, mưa xối xả trong cuộc chinh phục thời gian, khán thính giả của một nhà biên kịch lớn nhất Việt Nam. Không phải là "cơn mưa" bởi "cơn" rồi sẽ hết; "dòng" thì sẽ tuôn mãi. "Dòng mưa" là dự báo đặc biệt của Nguyễn Thị Thanh Xuân đối với cơn khát "nguồn ánh sáng lẽ tự nhiên" được chắt ra từ di sản tài hoa Lưu Quang Vũ.
Hãy đến "đây", cùng làm một mối duyên tình thấm sâu trong bóng sáng của ánh lửa đọc. Những ngọn lửa ủ kín có thể làm ấm cái không gian bao quanh nó, làm sáng lên vùng tối mờ quanh nó và hứa hẹn làm nảy mầm nhiều sinh thể non tơ của sáng tạo.
Lửa của người viết, lửa của người đọc, lửa từ năng lượng tác phẩm, lửa của sự tương thông, lửa của tâm giao - nguồn sống ủ kín đó âm thầm nhảy múa và thao thức trong sâu kín của trí tuệ người đọc, khiến người ta có cảm giác cần đến sự đọc nhau, đọc cho nhau; vì sự đọc ấy mà nghĩ suy; nối dài những cách nghĩ suy để đọc thêm những "văn
bản" sống động ngoài chữ nghĩa như những thông điệp vẫn đang từng giờ tìm lối hiển lộ nơi cảm xúc và tâm hồn con người.
Ngọn lửa ấy chưa từng ngưng tắt trước, trong và sau lời thì thầm của cuốn sách này. Bởi mối duyên của dưỡng chất văn chương nơi "đây" vẫn đầy đặn phủ bồi cho những ai yêu mến suy tư, thiết tha chữ nghĩa.
Những trang viết tận tụy, lão luyện Ấn tượng lớn nhất của cuốn sách này là mối cảm động luôn mới, luôn nóng trong cách đọc và cách dụng chữ của một người nghiên cứu. Thanh thoát và nghiêm cẩn, hai điều ấy khó mà kết hòa. Nhưng nó đã trở thành "một" trong bút lực và phong cốt của tác giả Nguyễn Thị Thanh Xuân. Tôi tự nhủ, trải dài một quãng đời người với tuổi đời, tuổi nghề, người ta vẫn có thể hy sinh sự thinh nhẹ cho những đòn chữ lão thực, song, lúc này tôi không thể tìm thấy cái gì thay thế cho sự thanh xuân của ngôn từ qua những trang viết tận tụy, lão luyện nhưng vẫn phập phồng sự đón đợi mà tác giả công trình đã gửi tặng người đọc trong cuốn sách này.
Nguồn: https://nld.com.vn/van-nghe/gui-day-chut-duyen-tinh-doc-nhung-ngon-lua-u-kin-20191011221423169.htm