Không gian tiên tri và cuộc phiêu lưu chất liệu (Một cách đọc hậu hiện đại về "Lời tiên tri của giọt sương", Nhật Chiêu, NXB Hội Nhà văn, 2011)

TS. Lê Thị Thanh Tâm

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội

Bản tác giả gửi trực tiếp cho web Khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐHKHXH&NV TPHCM

1. Tiên tri – mật ngữ văn học tâm linh

Nhà thơ vĩ đại xứ Lebanon là Kahlil Gibran (1883- 1931) được thế giới biết đến bởi chất giọng “tiên tri” hay “ngôn sứ” của ông. Trong tác phẩm The Prophet (Nhà tiên tri), Gibran đã nói:

Khi tình yêu vẫy gọi các bạn, hãy đi theo nó,

  Dù lối nó đi trắc trở gập ghềnh

  Khi đôi cánh tình yêu cuốn lấy các bạn, hãy qui thuận nó,

  Dù trong lông cánh ấy giấu thanh gươm có thể làm các bạn bị thương.

   Và khi tình yêu nói với các bạn, hãy tin vào nó,

   Dù giọng nói của tình yêu có thể làm tan tác các giấc mộng như gió bấc tàn phá khu vườn”.

(Nguyễn Ước dịch)[2]       

Những câu thơ sâu thẳm như những lời thiêng trên đây ta có thể tìm thấy trong các thánh thư như Kinh Thánh, Kinh Veda, …

Tiên tri đồng nghĩa với Hiểu Biết con người và đời sống bằng Tình Yêu.     

Tiên tri là dấu hiệu bảo mật của nền văn hóa tôn giáo nói chung.

Mô hình “tiên tri” trong sáng tạo thể hiện ở các khía cạnh: mang thơ ca vào triết học, mang tình yêu vào sự suy tư, mang đức tin vào đời sống. Jesus cùng các môn đệ của Người được xưng tụng là những nhà tiên tri. Nhiều bậc thánh, đại sư, những người hướng dẫn tâm linh từ cổ chí kim đều ít nhiều được ngợi ca là những nhà tiên tri. Từ tư chất tiên tri trong tôn giáo đến cảm hứng tiên tri trong sáng tạo văn học là một con đường dài, tinh tế và phức tạp. Nhiều thiên tài văn học như Franz Kafka, Rabindranath Tagore, Kawabata Yasunari, … đều là những đại diện tuyệt vời cho dòng văn chương giàu chất tâm linh; tác phẩm của họ bao chứa một cảm xúc hóa hiện kỳ diệu về sứ mệnh Ngôi Lời, bởi từ Lời (ngôn ngữ văn chương) mà nhiều thế giới ẩn mật trong tâm hồn con người được chiếu sáng và bày tỏ. “Tiên tri” gắn liền với cảm hứng về về cõi giới rộng rãi, về những tâm tình không hạn định, cảm hứng về sự hoạt hóa của niềm đam mê, bao dung cuộc sống.

Tôi hình dung Lời tiên tri của giọt sương được viết dưới những tâm tình như vậy.

Trong bài Thế giới trong giọt sương của Nhật Chiêu, Ngân Hoa ghi lại chia sẻ của ông về ý tưởng sáng tạo hình tượng giọt sương: « bản thân giọt sương là một hình ảnh nhiều ý nghĩa thường được nhắc đến trong văn học Đông cũng như Tây. Giọt sương là một chiếc gương con có thể phản ánh được thế giới. Giọt sương cũng đồng chất với những hiện tượng thuộc về nước và do đó sẽ gợi cho người đọc nhiều liên tưởng khác nhau. Chẳng hạn, truyện Lời tiên tri của giọt sương có thể gợi đến băng giá, băng hà; có thể gợi đến cái mong manh nhất, vô thường nhất, những cảnh tượng bao la nhất, buốt giá nhất. Nó cũng có thể là một cái gì đó trong suốt, tinh khiết, trống rỗng nhưng cũng có thể là cánh cửa của cam lộ, hoan lạc, hạnh phúc »[3].

Lời diễn giải rất hấp dẫn, song, có lẽ tác giả đã quên thổ lộ (hoặc không muốn nói nhiều) về ý nghĩa của chữ “tiên tri”.

Phải nói một cách rõ ràng: “ tiên tri” trong cuốn truyện nhỏ nhắn này còn hơn cả một ý tưởng. Nó xuất hiện như một thứ « không gian viết » - không gian tiên tri. Tiên tri không nên được hiểu đơn giản như là sự biết trước. Liệu con người có thể tiên tri về những biến cố lịch sử, xã hội, bệnh tật, tai họa, danh vọng, cái chết…? Không. Đó là công việc “tiên đoán” (biết trước thuần túy), không thuộc về cảm thức tiên tri.

Tiên tri chỉ có thể là tiếng nói yếu tính đời sống, vang lên trong mọi chiều sâu của tâm linh; đó là sự đi trước vĩnh cửu của niềm tin chân thật và sự sống chân thật. Phải chăng, vì thế mà tiên tri (được chọn) là hạt nhân của không gian viết trong nhiều tác phẩm của Nhật Chiêu. Nó được chọn như một mối tình son sắt, định mệnh hơn là sự diễn trình kiến văn của tác giả.

Còn nhớ một bài thơ nhỏ của thiền sư Nhật Bản được Nhật Chiêu dịch đã lâu:

Vào sâu núi đồi

Trái tim trăng sáng

Bỗng ánh lên ngời ngời

Ta ngỡ mình đại ngộ

Bốn bề là gương soi

Nguyên lý bóng chiếu, soi chiếu, ảo chiếu từ lâu đã trở thành niềm tâm đắc lớn với Nhật Chiêu. Ông từng là tác giả của những cuốn sách và bài viết có nhan đề như sau : Nhật Bản trong chiếc gương soi, Ba nghìn thế giới thơm, Kawabata và Thẩm mỹ của chiếc gương soi, Cỗ xe trần thế và bầy ngựa siêu phàm... Tiên tri và soi chiếu, đó là thần thái không gian sáng tạo của Nhật Chiêu.

Điều rất đáng nói là ngay cả phẩm chất cao thượng của « ngôn sứ » cũng đã phần nào được tác giả « giải » bớt đi. Lời tiên tri của giọt sương xuất hiện không ít những sự hài hước thâm trầm, thay những phát biểu có màu sắc tâm linh tôn giáo bằng những câu chuyện trần thế nực cười. Nhiều triết lý thuần khiết bị « đục hóa » theo một nghĩa nào đó.

« KHI VƯỜN THÚ đầy những con Khủng long nhân bản thu nhỏ, người ta bắt đầu dạy chúng như thú cưng, biết chắp tay xin đậu phộng – có một con Khủng long nhỏ bé đã chết vì từ chối Xin Ăn như thế. » (Đậu phộng)

« TRỞ LẠI TRẦN GIAN, hạc vàng nghe thấy người ta bây giờ nói với nhau bằng giọng két » (Trở lại)

« SAU KHI LOÀI DƠI THỐNG TRỊ VŨ TRỤ, có một bác học Người cố chứng minh rằng trong tương lai xa, người có hi vọng trở thành một giống loài gần giống như Dơi » (Dơi)[4]

Đã có màu sắc của ngụ  ngôn hiện đại trong những câu chuyện tuyệt ngắn trên. Những loài giống như Khỉ, Hạc, Dơi ... không được tạo thành như các nhân vật lập nên các châm ngôn thế sự, sự khôn ngoan đối đãi và phê phán xã hội theo kiểu ngụ ngôn Edop, La Fontaine. Con Khủng long bé nhỏ đã chết, hóa ra vì nó không thuộc về loài nhân bản, nó chết vì nó đích thực là Khủng long. Con hạc vàng năm xưa từng bay lộng lẫy trên lầu Đường thi một hôm trở về trần gian, và biết rằng nó đã mất tích từ lâu bởi giọng két vang rền khắp nơi. Nó đã bị kết liễu bằng vẻ đẹp trong quá khứ (nó đã « lỡ đẹp » và vẻ đẹp ấy không được phép trở về nữa!...). Những con dơi vốn bị xếp vào loài đen tối nhưng khi thống trị vũ trụ thì nó là mẫu mực của đời sống, đến nỗi con người cần phải trưởng thành... giống như dơi. Kiểu phát triển « giật lùi » này có xa lạ gì với trăm ngàn câu chuyện đang xảy ra với con người trên khắp thế giới. Ngụ ngôn có lẽ là một trong những hình thức súc tích, tối giản nhất của cái nhìn hiện thực chủ nghĩa, chứa đựng cảm hứng rất sâu sắc về hiện thực. Chính vì nằm cheo leo giữa biểu tượng, tượng trưng và hiện thực mà sức sống của ngụ ngôn có sự khác biệt. Nó rất khó được phát biểu ra ở thời nay, nếu không tự tước bỏ đi những ẩn ý khuyên nhủ truyền thống và đội chiếc áo mới của một thứ cảm thán tỉnh táo. Những câu chuyện Nhật Chiêu kể xem chừng bị « đục đi » một cách có ý thức, đánh đổ nhiều giấc mơ về cái đẹp vĩnh hằng, nhưng nó vẫn ẩn khuất trong một vẻ đẹp gợi cảm khác- vẻ đẹp của sự đổ vỡ ảo giác...

Trong đêm giao lưu với tác giả nhân dịp xuất bản cuốn Lời tiên tri của giọt sương (được tổ chức vào cuối năm 2011, tại Nhà văn hóa Lao động, Tp. HCM), độc giả đến dự rất đông và khá đa dạng, từ giáo sư đại học đến người nội trợ, các em nhỏ. Tập truyện khổ 11 x 17,5 cm này có lẽ đã chứa đựng một khả năng chấn động nào đó đối với người tiếp nhận Sài Gòn. Với 109 truyện nằm ở các mục : truyện nhỏ, truyện lạ, truyện đêm, truyện đâu, truyện hư, truyện mê, truyện ai, truyện chơi, truyện thời, Nhật Chiêu đã tạo ra một « giống » truyện mới mẻ, kỳ lạ. Truyện của ông là gì ? Đó là một câu văn, một đoạn tập Kiều, một chữ, một bài thơ có cốt truyện, một công án thiền đã biến hóa, một chữ được đánh vần tạo nghĩa, một đoạn đối thoại... Cuộc trình diện phong phú ấy đã làm sửng sốt người đọc!

 Viết bằng cảm hứng về một loại văn chương tiên tri (mô phỏng lối viết tiên tri và bộc lộ ít nhiều năng lượng tiên tri), và viết dưới ánh sáng soi chiếu của tinh hoa các nền văn hóa, như lời « tự thú » của nhà văn về quan niệm sáng tạo của mình – « Nhàn vân bất hệ Đông Tây ảnh » (câu thơ trong một bài thơ Đường)- Đám mây tự tại chẳng hề trói buộc bóng mình vào phía Đông hay phía Tây, Nhật Chiêu đã sáng tạo một gương mặt lạ cho truyện ngắn hiện đại mà các tầng tích tri thức khác nhau đã sống dậy bí ẩn trong vô số ẩn dụ, « hý phỏng ».

Ở Việt Nam, cho đến giờ phút này, tập truyện tuyệt ngắn của ông vẫn là một hiện tượng đặc biệt, không trùng lặp, độc đáo và độc đạo.

bia-loi-tien-trito-1349255712-480x0-jpg-

Bìa cuốn Lời tiên tri của giọt sương 

2. Chất liệu – một sự phơi bày và ẩn giấu

Lời tiên tri của giọt sương làm chứng cho một cuộc nhào nặn lạ kỳ và dai dẳng những thế giới khác biệt của tri thức: Tri thức trở thành đời sống và trở thành chất liệu duy nhất. Cũng không khó hiểu khi có độc giả than phiền Nhật Chiêu chỉ viết dựa những gì ông đọc được, rằng tác giả chỉ đơn giản là người có tài thâu nhập kiến thức, viết văn hay, dịch thơ giỏi.

Nhưng sự nghi ngại đó không làm mờ đi một sự thật khác, đó là tính chất phơi bày và ẩn giấu trong khả năng tư duy về chất liệu sáng tạo của  Nhật Chiêu; Có thể nói, là « nhà giả kim » trên chính chất liệu đặc biệt của mình, ông đã du nhập và làm nổi rõ một cảm hứng hậu hiện đại rất mạnh mẽ từ quan niệm táo bạo về chất liệu.

Người ta vẫn có thể sáng tạo văn chương dựa trên chính văn chương. Có lý gì tâm hồn không thể trở thành văn bản, và văn bản không thể được xem là một phần của đời sống? Nhật Chiêu không ngại phơi bày cả tên nhân vật, tác phẩm, sự kiện, chi tiết... đã từng quen thuộc trong sự kính cẩn nhàm chán của người đọc mọi thời. Chính sự phơi bày đó mà mọi ý nghĩa được ẩn giấu, « lấp lánh », đến nỗi người đọc có thể tìm thấy vô số cách « tạo nghĩa » cho tác phẩm.

« THIỀN SƯ đọc cho người đàn ông nghe bài thơ vừa mới soạn xong :

Tên trộm đi rồi

Bỏ quên bên cửa sổ

Một vầng trăng soi

Bữa sau, người đàn ông trở lại, kể rằng ông cũng vừa bị trộm hồi hôm.

- Tên trộm dường như không lấy gì hết. Nhưng vợ tôi thường ngồi bên cửa sổ thì đã biến mất trong đêm. Không biết có phải là cùng một tên trộm đã viếng nhà thầy không ?

Phần đầu truyện liên quan đến thiền sư Ryokan, tác giả bài thơ lừng danh trên. Phần còn lại có thể là giấc mơ của chính thiền sư, tuy vậy chưa từng có sách nào ghi chép nó. » (Tên trộm)

Thiền nhân, thi nhân Nhật Bản Ryokan (1758-1831) là nhân vật có thật trong lịch sử thiền tông và văn học Nhật Bản. Bài thơ ngắn mà lộng lẫy của ông cũng được chính Nhật Chiêu dịch trong cuốn Thơ ca Nhật Bản[5]. Cuộc đời trong lành và thơ mộng của Ryokan qua ý thơ cao quí bỗng nhiên biến thành nơi neo đậu của một câu chuyện « dở khóc dở cười » về sự biến mất của người vợ nào đó, biến thành nơi xuất phát của một câu chuyện trần thế có thể gặp ở bất kỳ đâu, và cũng kỳ lạ hơn bất kỳ đâu. Có cái gì đó đã trộn lẫn sự tu và sự đời, cô tịch và ồn ào, thanh nhã và tục lụy. Phần giả định cuối truyện càng làm cho câu chuyện hài hước hơn, bất chấp tinh thần của nó rất mực thanh cao.

Một câu chuyện khác được Nhật Chiêu kể như sau :

 « GẶP CÓC, Trời xin từ nhiệm vì không muốn làm Trời nữa, Cóc khuyên giải, « Cháu bắt chước con người làm gì, như ta đây là Cậu của Trời phải cai quản mưa, nếu ta từ nhiệm thì cả thiên hạ đành chết khát, Cóc và Trời không thể thay thế, vậy mới là Chí Tôn » (Chí Tôn)

« Con cóc là cậu ông Trời - Ai mà đánh nó thì Trời đánh cho » - câu ca dao quen thuộc này là văn bản xuất hiện phần cuối một câu chuyện cổ tích loài vật nổi tiếng ở Việt Nam, đã được tác giả liên kết ngầm vào phía trước câu chuyện. Vậy, câu chuyện tiếp theo cuộc chiến thắng ngoạn mục của con Cóc là gì vậy ? Là ông Trời xin từ nhiệm. Và con Cóc đã có câu trả lời đột xuất « thông thái ». Con Cóc quả khôn ngoan, nó xứng đáng làm cậu ông Trời lắm, vì nó biết rằng mọi sự thu xếp ở đời mới là Chí Tôn, nghĩa là mọi sự tương đối mới là tuyệt đối. Con Cóc này không tự nảy ra ý định ấy, nó chỉ có thể là con Cóc của Nhật Chiêu. Chúng ta mỉm cười được ở điểm này.

Trong thế giới truyện kể của Nhật Chiêu, có vẻ như nhiều mảng tri thức bị tước đi lớp vỏ hiền thánh và cổ điển, tự nó làm vỡ đi các lớp bọc mòn mỏi và niềm tin vô hình để sinh tạo chính mình từ những tế bào chết. Nó từ chối sự yên ổn. Với ông, mọi thần tượng đều rời bỏ ngôi vị. Mọi thành ngữ đều đánh mất bản chất cố định. Mọi cốt truyện  đều bị phá vỡ. Mọi motif đều tự hoại. Mọi nhân vật kinh điển đều từ giã sách vở để trở thành người sống. Những phát biểu lỗi lạc trở thành hạt nhân của một câu chuyện cười. Những cái kết có hậu quay ngược thành bi hài kịch. Lời tiên tri của giọt sương là một cuộc phiêu lưu của chất liệu, một thứ « giả kim » nhọc nhằn trên chất liệu.

Điều rất đáng quan tâm là dấu vết thiền học và thiền đạo trong tác phẩm. Chính nơi phiêu lưu chất liệu ấy, công năng của thiền học lại được cơ hội hoạt hóa.

« LẠC BƯỚC VÀO XỨ SỞ CỦA NGƯỜI VÔ HÌNH, tôi chỉ nghe tiếng nói của họ lao xao như lá cây trong gió – « Tại sao y dám hiện hình ra như vậy, còn tệ hơn trần truồng » là câu họ thường phẩm bình tôi xui tôi cảm thấy mình cùng đường vô vọng hơn bao giờ hết. » (Vô vọng)

« VƯỢT THOÁT TRONG HOAN CA và rồi nàng bật khóc khi nhận ra mình đã tự nhốt mình bấy lâu sau cánh cửa không hề có khóa » (Cánh cửa của nàng)

« LÀ NGƯỜI CUỐI CÙNG được phóng vào vũ trụ, anh nhìn thấy trái đất nổ tan » (Vong)

Những nhan đề trên liên quan đến các chữ : Vong, cánh cửa (môn), vô, vọng... đều là thiền ngữ, thiền tự có mặt trong lịch sử thiền tịch Đông Á đậm nét suốt hàng nghìn năm. Cách viết truyện của Nhật Chiêu dưới ánh sáng cảm hứng thiền học làm nổi lên một băn khoăn về giá trị của văn học tâm linh, tôn giáo đối với tâm lý sáng tạo đương đại. Nhuần nhuyễn tri kiến thiền học, tác giả Lời tiên tri của giọt sương không mấy khó khăn để cấu trúc lại tinh thần của công án thiền, thiền ngữ thành những ẩn ngôn mới. “Trước khi sáng tác truyện ngắn, tôi thường dịch thơ Tanka và Haiku của Nhật, những bài thơ một câu của Tagore... đó là cảm hứng đầu tiên. Sau đó là những truyện ngắn gọi là “flash fiction” đang phổ biến trên thế giới, đặc biệt là những tập truyện của Augusto Monterroso mà tôi may mắn có được. Có thể kể thêm công án Thiền tông là một cảm hứng gần như thường xuyên trong sáng tác của tôi”[6] – Lời tự bạch này của chính tác giả đã hướng dẫn cho chúng ta trước một cách đọc « khó » đối với tập truyện ngắn như những mẫu cổ tích kỳ dị này.

Chất thiền trong truyện toát ra từ cảm hứng triết lý, đồng thời, nó lẫn vào chất đời và tạo nên một niềm ám ảnh mới mẻ. Công án Thiền thực chất là một câu chuyện tu tập, một « khả năng giác ngộ ». Nhưng công án Thiền trong sâu xa còn là một câu chuyện đời thuở « vô minh ». Mỗi câu chuyện nhỏ nhắn của Nhật Chiêu là một sự hòa trộn « bẩm sinh » giữa thiền và đời. Bởi vậy, có nỗi đau tinh thần đến từ những hình ảnh ngụ ngôn. Ở nơi không thể thấu suốt (vô mình), sự hiện hình là nỗi đau (nỗi tuyệt vọng vì không được phép có « hữu thể »). Ở nơi không thấu suốt (vô minh), sự vượt thoát là nỗi đau (vì có cánh cửa nào đâu – « Địa ngục vô môn nghiệp tự chiêu »). Ở nơi không thấu suốt (vô minh), sự giã từ là nỗi đau (nhìn thấy trái đất nổ tan – có sự thật ấy không ? Hay mọi sự vong hóa, vong thân, chia biệt đều gắn liền với cuộc đại hủy trong mắt người ?)... Giá trị những câu chuyện vừa nêu nằm ở chiều sâu về nhận thức, cảm giác và hoài cảm về một con người nguyên sơ và thống khổ. Chỉ mô phỏng các công án thì người viết không thể « gây ra » những thao thức lớn. Các truyện trong Lời tiên tri... bộc lộ phương thức dồn nén hiệu lực công án Thiền và sự suy diễn tình huống rất tinh tế của tác giả. Dồn cái tinh thâm của thiền vào cái trớ trêu của đời trong một thứ ngôn ngữ viết được « bào chế » gọn tênh – điều này mới thật sự mới mẻ, « gây sốc », và cũng có dễ dàng gì. Trong thiền môn, một thuật ngữ kỳ đặc rất tương ứng với mỹ học tiếp nhận là « hiện thành công án ». Bài tập tâm linh sẽ không bao giờ có được công năng giác ngộ khi nó không thể « hiện thành » đời sống, hòa nhập toàn vẹn vào một satna của đời sống, và đến lượt nó lại tạo thành vô biên vô hạn những làn sóng trùng trùng các « công án » khác. Mỗi tác phẩm Nhật Chiêu trong thế giới truyện tuyệt ngắn là một thứ hiện thành công án, là một sự khảo chứng lạ lùng và sâu sắc về những nẻo đường của tâm linh, cảm xúc.

3. Biên giới của sự đọc

Nhiều cách đọc không phải là « đặc sản » của hậu hiện đại, nhưng một sáng tác hậu hiện đại không thể không có nhiều cách đọc. Người đọc bước hẳn vào thế giới chữ nghĩa và hư cấu, thậm chí hư cấu nên cách đọc của mình. Vậy, có biên giới của sự đọc không ? - Nhật Chiêu để lại nụ cười dài lâu trong tác phẩm của mình. Dường như không có biên giới nào cả. Nguyễn Hiệp đã gọi tập truyện này là thể Sương bởi : « Thứ nhất đương nhiên là vì cực hạn, thứ hai vì nó chứa một hiện thực vạn vật bình đẳng, nghĩa là Nhật Chiêu đã mang đến văn đàn một cái nhìn, góc nhìn không biên kiến, thậm chí có thể đảo chiều, phóng to, thu nhỏ, tự do đến vô cùng, nén chặt chỉ còn một, như hình soi trong một thấu kính đa diện »[7]. Lịch sử các thể loại văn học (chính thống) không có thể Sương. Nhưng ai chắc rằng thể Sương không phải là một cách đọc, thủ pháp đọc và sáng tạo của người đọc, ai chắc rằng thể loại ấy không thể nâng cao mỹ học tiếp nhận? Inrasara thì viết : « sáng tạo không gì hơn là ăn theo, cưỡng bức hay tái tạo ngôn ngữ có sẵn để tạo ra thế giới ngôn ngữ khác. Không chút ảo tưởng về “độc sáng”, Nhật Chiêu ý thức sâu thẳm tình trạng đó, và đã làm được Lời tiên tri của giọt sương độc đáo »[8]. Hoàng Lương viết: « hãy thử đọc Lời tiên tri như một hành trình khảo cổ tri thức, bóc tách và tạo nghĩa cho tập truyện, cũng như suy niệm trong không gian đa chiều, đa nghĩa của văn chương »[9]. Hoàng Diệu gợi ý: « mỗi bài Haiku không quá 17 âm tiết, Lời tiên tri của giọt sương cũng vậy, ngôn ngữ diễn đạt cực ngắn, cô đọng, có những câu chuyện chỉ một âm tiết, hoặc vài âm tiết liên kết lại với nhau giàu hình ảnh, đa ngữ nghĩa, tạo cảm xúc khác lạ mà “chứa đựng” một khoảng trống mênh mông. Ở đó là khoảng trống để người đọc tự tưởng tượng, tự nghiền ngẫm, tự bay bổng »… Để dành « khoảng trống », không gian, chân trời... cho người tiếp nhận không chỉ là một kỹ thuật, thủ thuật, nghệ thuật, mà còn là một phẩm chất. Nhiều lời bình phong phú xung quanh Lời tiên tri của giọt sương cho thấy biên giới của sự đọc đã mất hút và những đường biên cuối cùng chỉ là ảo giác bởi cách mà giọt sương mọc ra, ôm trùm, hiển hiện, vong hóa.

Những mẫu truyện tuyệt ngắn của Nhật Chiêu gợi cho chúng ta nhớ sự kiện Ersnest Hemingway từng làm đau xót nhiều người đọc trên thế giới bằng truyện ngắn chỉ có mấy chữ : « Hạ giá: Giày trẻ em chưa dùng»[10]. Trí tuệ nhân loại gợi mở cho sự sắc sảo và tâm cảm Nhật Chiêu, một người chưa từng bước ra khỏi biên giới Việt Nam nhưng tâm hồn đã kịp du ngoạn, thấu thị nhiều kiệt tác của các châu lục. Mượn tầm vóc và kỹ thuật của những « người khổng lồ » trong sáng tạo văn học chẳng có gì sai, nhưng chưa đủ làm nên tài năng. Tri ngộ với các tầm vóc và kỹ thuật ấy, tự mình tạo dựng một linh hồn sáng tạo rất riêng mới là vấn đề, mới cần suy nghĩ. Sự gặp gỡ về kỹ thuật viết văn, thậm chí là lối suy tư..., chỉ thuộc về tri thức văn chương, nó chưa thực sự là nguồn năng lượng văn chương, hay đúng hơn, chưa nằm trong tâm linh sáng tạo. Trường hợp Nhật Chiêu, có thể thấy rõ các sáng tác của ông là kết quả của quá trình tri ngộ liên tục với các nền văn học, các danh tác, được chiết xuất từ thấu cảm không bờ bến của tác giả trước các đỉnh cao tôn giáo, triết học. Inrasara đã rất có lý khi nói : « Nhật Chiêu không thể thoát khỏi ngôn ngữ, hàng đống ngôn ngữ đi qua đời anh, ám ảnh và thao túng anh, làm nên con người anh – một văn bản »[11]. Sự thẩm thấu vô hạn tinh thần văn chương và các ngón nghề chữ nghĩa ở Nhật Chiêu cho ta thấy một điều, tác phẩm của ông không nên bị đánh đồng với sự học tập kỹ thuật phương Tây và thế giới một cách giản đơn, không nên bị cắt nghĩa là những sáng tác được viết ra bởi một người am hiểu ngoại ngữ và có điều kiện về sách vở, không nên bị cảm nhận là một thứ thực hành. Tác phẩm của Nhật Chiêu cần được đọc một cách công bằng : mỗi một tập truyện là một sự tìm kiếm và chuyển hóa chất liệu. Chữ « hóa » thể hiện rộng rãi một quang năng hóa giải, hoạt hóa, biến hóa, chuyển hóa, ảo hóa đến mức triệt để. Trong « hóa giới » ấy, nhiều đứa con tinh thần rất bụ bẫm đã ra đời, và tất nhiên, cũng còn vài mầm sống phôi thai vẫn chưa kịp làm hài lòng người tiếp nhận, vẫn còn tạo nên những do dự nào đó trong thưởng thức...

Hiệu ứng từ các sáng tác gần đây của Nhật Chiêu cho thấy vẫn còn rất nhiều cách giải thích khác nhau về hiện tượng văn chương đương đại này. Riêng Lời tiên tri của giọt sương - tập truyện đầu tiên được dịch ra tiếng Anh, cho thấy phẩm chất « đúng mực » của nó khi chào đời. Nó phải tri ân sâu sắc nguồn văn chương khổng lồ của nhân loại đã thai nghén nó bằng cả đời người, và trả lại, nó phải mang dáng vóc một tuyển tập song ngữ, bởi nó xứng đáng khoác hai chiếc áo ngôn ngữ, chứ không phải vì một nhu cầu thời thượng về dịch văn học Việt.

Lời tiên tri của giọt sương mang dáng vóc những cuộc tân ngộ, tri ngộ văn chương-triết học bởi sự tinh tế và đam mê không ngừng nghỉ của người viết ra nó - một tâm hồn và đầu óc văn chương anh tú. Hầu hết các truyện ngắn trong tập truyện này đều cho thấy một kỹ thuật liên văn bản nhuần nhuyễn. Nhưng đó là một loại kỹ thuật đã được tư tưởng hóa, triết học hóa, nghệ thuật hóa. Từ kỹ thuật ấy, tác phẩm được viết ra không nhằm hướng tới số ít những người thông hiểu văn chương, ngoại ngữ, không nhằm hướng tới những salon khuê văn cao sang, mà nó bừng nở như một thành tựu tất yếu của kẻ suốt đời chọn văn chương làm đạo. Nhiều em bé ở lứa tuổi thiếu niên nhẩm đọc vài mẫu ngắn trong tập truyện này một cách vô tư, nhiều sinh viên đã đến gặp tác giả thắc mắc về những điều mà họ chưa thể hiểu nổi, nhiều nhà giáo đã chia sẻ những cảm nhận khác biệt đối với tác phẩm của Nhật Chiêu. Điều ấy hẳn không phải tự nhiên thế.

Liên văn bản trong sáng tác của Nhật Chiêu không thường dừng lại ở sự nối trộn tri thức, cấy ghép motif. Có lẽ xuất hiện một quan niệm rất « thách thức » ở ngòi bút này: Văn bản hóa mọi sự thật đời sống, và đời sống hóa mọi văn bản bằng cảm hứng về sự thật. Phong cách liên văn bản như vậy ở một góc độ nào đó là bản lĩnh trí tuệ của tác giả, mặt khác, cũng chứng minh sự tồn tại của một thứ hậu hiện đại u huyền.

Tính chất u huyền trong bản chất mỹ học của nó (vốn được chính Nhật Chiêu nói đến trong nhiều chuyên khảo văn học Phương Đông) đã ít nhiều tỏa sáng trên mỗi câu chuyện của Nhật Chiêu. Nó khiến cho thủ pháp liên văn bản được hiện ra trong bóng chiếu của nỗi buồn và sự hoan lạc một cách đặc biệt.

Tác giả kể rằng : « TIẾNG CHUÔNG NỬA ĐÊM VỌNG ĐẾN THUYỀN khi anh vào sâu trong nàng » (Vào)

Hoàng Lương bình : « khác với người lữ khách không may mắn trên đường khoa cử được tiếng chuông tôn giáo gột bỏ phiền não trong thơ Trương Kế, tinh thần thoát tục của tiếng chuông « vào » thuyền khi hợp hoan đang lên đỉnh điểm. Nói về hai chuyện khác nhau, song cái kết của « Phong kiều dạ bạc » và « Vào » đều là thăng hoa, hợp nhất tâm-thân trong âm vang tôn giáo tĩnh không »[12]. Chẳng có gì là « thất lễ » khi gắn kết một tiếng chuông của không hư, tĩnh mịch, tự tại với cuộc giao tình trên chiếc thuyền vô danh. Tột cùng của mọi hợp nhất đều là hợp hoan ? Ai mà biết được. Bởi đó là thế giới của nỗi u huyền, của cái đẹp, của Sự Thật lên tiếng bằng Ảo ảnh.

Trong cảm hứng u huyền, chúng ta đọc một câu chuyện khác: « VÀO ĐƯỢC ĐỘNG KHO BÁU RỒI, con người ấy nhận ra đâu cũng chứa những thứ mà mình đã từng vứt bỏ đi như vài mối tình, lòng tự trọng..., và rồi cả hang động nổ tung trong một tiếng thở dài » (Tiếng thở dài).

Điều gì xảy ra với cái gọi là kho báu ? Hóa ra, kho báu là tất cả những gì đơn sơ, hồn nhiên và dễ dàng bị đánh mất. Vậy nên kết cục không thể khác là cái hang động kho báu phải nổ tung khi con người « thở dài ». Thở dài - trong làn khí u ám này, ký ức làm người sẽ biệt tích hay đang được tái tạo ? Tác giả dường như vẫn đi cùng chúng ta trong hành trình loay hoay...

Cũng không nên dè dặt khi nhận rằng, vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Việt Nam đã xuất hiện một mạch văn hậu hiện đại với triết lý u huyền, đặc biệt trong các ấn phẩm của Nhật Chiêu.

4. Hý phỏng và giễu nhại

Lời tiên tri của giọt sương tạo nên một thế giới ẩn mật rất nhiều dấu vết các thể loại kinh điển và đương đại trên thế giới như: vi hình tiểu thuyết, truyện ngắn trong lòng bàn tay, truyện cực ngắn, truyện ngắn một câu; ngụ ngôn triết học, thơ ca... Tác giả đã biến hóa các thể loại ấy một cách nhuần nhuyễn thành những « hữu thể » mới, không bị khuôn định vào các nguyên tắc thể loại nghiêm ngặt. Hóa ra thơ có thể chính là truyện ngắn, hóa ra truyện có thể chỉ là thơ, hóa ra truyện chỉ là một từ, hóa ra từ có thể là một truyện... Cố nhân tân ngộ, khi đặt nhan đề này cho bài viết cuối tác phẩm (Thay lời bạt), tác giả Hoàng Lương có lẽ đã ngụ ý về những cuộc gặp tươi mới trong sáng tạo nghệ thuật qua Lời tiên tri của giọt sương. Nghệ sĩ gặp được thần hứng, văn chương hội ngộ triết học, người viết tri âm người đọc, kiệt tác tri âm kiệt tác, Đông hô ứng Tây, motif kỳ ngộ motif, ngôn từ đuổi gặp ngôn từ, trò chơi thay thế trò chơi, các thể loại đánh đổi số phận cho nhau, miễn là giữ được định mệnh của văn chương đích thực. Những cuộc gặp tươi mới ấy vẫn đang thì thầm trong lòng người đọc, đánh thức nhiều nụ cười và ngẫm ngợi bất ngờ.

Tập truyện tuyệt ngắn được xem là một thể hý phỏng này[13], yếu tố giễu nhại tuy không phải là bút pháp cụ thể nhưng nó dường như thuộc về phong cách của người viết. Ở đây, hý phỏng thiên về bản chất thể loại, còn giễu nhại lại nhắm đến giọng điệu. Cách kết hợp này làm nên phẩm chất hậu hiện đại rất riêng của Nhật Chiêu. Tính chất giải thiêng, giải mộng, giải đại sự triết học-văn chương trong tác phẩm này kiến tạo nên một sự xuất hiện hậu hiện đại trong tất cả mọi khía cạnh. Cô Tấm « lồm cồm » bước ra khỏi niềm thương cảm trân trọng bao đời bằng câu hỏi «  Tại sao Bụt dám khóc trước mặt ta ? ». Tư tưởng vĩ đại của Goethe bị lật ngược: «  Cây đời xanh lắm nhưng con người ở đâu ? ». Công chúa ngủ trong rừng vốn ngây thơ trong thế giới cổ tích bỗng nhiên tính toán : « THỨC DẬY, người đẹp trong rừng vẫn không thấy ai, đánh quyết định ngủ lại, tự nhủ rằng lần này biết đâu sẽ may mắn hơn »...

Viết truyện ngắn một câu, thậm chí một chữ, ông giễu nhại cả các qui tắc ngữ pháp và tất tật mọi nguyên tắc thể loại văn học được chiêm ngắm nghiêm chỉnh trong nhiều thế kỷ. Trò chơi đánh vần của ông hóc búa nhưng đơn sơ. Đó là thủ pháp « chơi chữ ra nghĩa »:

Chết

Chờ hết

(Chết đánh vần)

TÔI nặng TỘI

(Chúa đánh vần)

Tiên tri của giọt sương, ở một cách đọc khác, là...chẳng có gì để tiên tri cả. Giọt sương là thứ phù du nhất trên đời, chóng vánh nhất, và xuất hiện dai dẳng nhất. Nó trẻ non nhất và cũng cổ xưa nhất. Giọt sương có thể tiên tri điều gì, khi chính nó sẽ tan biến không còn dấu vết ? Hay là qua bóng chiếu nhỏ xíu của nó, qua sự soi chiếu thiên hà, càn khôn, sinh tử mà người ta biết được bản mệnh của con người, của đời sống. Bản thân nhan đề tác phẩm đã là một sự giễu nhại khác thường; nhưng là một sự giễu nhại tinh tế và hân hoan, bởi thế, nó không chỉ là giễu nhại.

Lời tiên tri của giọt sương, sâu xa hơn, là những mẩu hý phỏng về Niềm Tin.

 « KHI MỌI NGƯỜI TRONG THÀNH PHỐ HÓA ĐÁ CẢ RỒI, một bầu vú căng sữa trong bóng tối bay đi tìm đôi bờ môi biết khát » (Khát)

Tất cả đã chết, nhưng chỉ một thứ còn sống, có thể hiểu thứ còn sống ấy là Tinh thần tuyệt đối, là Đạo nguyên, là thái cực, là sự luân hóa của hằng hà chủng tử, được nhìn thấy trong hình hài một bầu vú. Bầu vú, rất đột ngột, đánh mất hết sự trơ lộ. Nó bay như một ký ức nào đó trong thế giới thần thoại, và đẹp bí hiểm trong sự phối kết dục tính và cao thượng. Gói ghém những mệnh đề nghiệt ngã và tinh tế nhất của triết học, tác giả đã đóng cọc một niềm tin sâu thẳm vào sự sống tuyệt đối.

« ĐỨC VUA RA LỆNH TỬ HÌNH từng người mỗi đêm khiến dân chúng chết dần, triều thần chết dần, bạn bè chết dần, vợ con chết dần, cho đến lúc mọi người chết hết – chỉ còn lại đao phủ vua cũng tự tay giết nốt, và cuối cùng Đức vua ra mệnh lệnh « tử hình Đức vua » với dấu ấn tối mật dù chẳng còn ai nữa » (Mật)

Một hý phỏng tuyệt vời! Làm gì có một câu chuyện như thế ?Nhưng vô biên những câu chuyện ấy trong mọi chuyển động của quyền lực... Gương mặt bạo chúa hiện dần ra trong dấu ấn tối mật, kẻ tàn sát thế giới ngoài mình, khác mình và lừa mị hàng ngàn nạn nhân bằng sự cộng thông không một ai làm chứng. Mật là một thứ giả hiệu.

Truyện của Nhật Chiêu nhắc chúng ta nhớ đến một dòng chữ của R. Tagore, được ghi trên cánh cửa Trường Santiniketan ở Calcutta, nơi Tagore từng dạy cho học trò mình :

« Không có thần tượng nào được tôn thờ nơi này – Và không có niềm tin nào bị coi rẻ ở đây ».

Mỗi câu chuyện của Nhật Chiêu, dù hoàn hảo hay chưa, đều mang đến những sự chia sẻ sâu sắc về niềm tin- một niềm tin bên trong, bất chấp mọi biến dạng và ảo giác về cái niềm tin phù du bên ngoài.

5. Nghệ nhân văn chương

Nhật Chiêu thuộc vào số hiếm hoi những người làm nên uy tín học thuật và uy tín xã hội cho mình bằng chính tài năng và sự nhẫn chịu của sáng tạo vô tư. Ông là nghệ nhân văn chương thời hiện đại. Nhiều cuốn sách của ông tuy không có dáng dấp những tập đại thành về tư liệu và khái niệm học thuật, về độ tề chỉnh của giáo khoa hay các qui định trường qui khác, nhưng thực sự có « một cái gì đó » bao trùm hết thảy mọi phát biểu đơn sơ và sâu sắc của ông về những hiện tượng văn học đỉnh cao trên thế giới, « một cái gì đó » khiến người ta có thể tin và yêu, có thể được khai mở từ những ấn tượng văn học mà ông mang đến, qua một cách « kể chuyện » vừa cổ điển vừa mới mẻ. Ông là người kể chuyện hồn nhiên và tài ba về những chuyến du hành vào cõi văn chương kim cổ.

Là nghệ nhân nên mọi tiếp đầu ngữ gắn vào tên Nhật Chiêu đều không vừa vặn : nhà giáo, nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu, ... Năng lượng sáng tạo văn học của ông là « một cái gì đó » vượt qua những cách cảm nhận thông thường, cho phép ông vừa khảo cứu, vừa phê bình, vừa sáng tác, vừa giảng dạy, vừa diễn thuyết về nhiều thế giới văn chương nhân loại, về nhiều vấn đề văn học và triết học, về yếu tính của nghệ thuật. Năng lượng đó sớm muộn gì cũng đưa ông vào sâu trong cốt tủy bí ẩn của văn chương, nơi mà ngôn từ được tắm nhuộm trong các chiều kích tâm linh rộng lớn, dẫn tác giả của nó đi xa hơn vào thế giới « ngôn linh » (Kotodama).

Trở lại với những truyện tuyệt ngắn của Nhật Chiêu, yếu tố tiên tri vẫn là chiếc chìa khóa quan trọng để mở ra những cánh cửa tâm linh trong văn học. « Tiên tri » không thuộc về thời gian « đương lai ». Kẻ tiên tri không phải là người làm thỏa mãn thói muốn biết trước « sự thật tương lai » của con người. Sự thật không nằm ở đằng sau những phỏng đoán và hứa hẹn. Sự thật nằm trong Tình Yêu. Bởi thế mà những trái tim lớn của nhân loại đều được xưng tụng là những bậc tiên tri, hay những bậc nói lời tiên tri. Từ suối nguồn của văn chương tâm linh, Nhật Chiêu đã chọn cho mình một cách viết đặc biệt; Một mặt mô phỏng âm hưởng và linh khí ngôi lời tiên tri, mặt khác lại « phá hủy » bản chất tiên tri (được hiểu như là lời khải thị những chân lý duy nhất về yếu tính tình yêu, về tồn tại) – một cuộc phá hủy rất...đáng kể. Vậy là vừa mô phỏng vừa khước từ, vừa phá hủy vừa kiến tạo, tập truyện của « nhà giả kim » Nhật Chiêu gây ra sức hấp dẫn khó cưỡng.

Nhật Chiêu không cố làm một đại sự nào với Lời tiên tri của giọt sương, bởi thế giới mà ông sáng tạo đã quá đủ những nỗi niềm tan nát. Ông chỉ kể lại một câu chuyện nhỏ:« rồi đây khi nhìn thấy những giọt sương trong nắng, bạn cứ bước lên, nó sẽ hóa thành băng chẳng bao lâu nữa bởi kỷ Băng Hà sẽ đến ». Trẻ con có thể không hiểu giọt sương đã tiên tri điều gì trong chính những hóa kiếp của sương, nhưng trẻ con có thể vẫn hồn nhiên yêu giọt sương, bất chấp bóng ma Băng Hà. Người lớn sẽ biết rằng kỷ Băng Hà và giọt sương là hai thể long lanh và chết chóc, vừa vô tri vừa tiên tri cho chính mình và thế giới. Song, người ta có thể nào lại không yêu giọt sương mỗi sớm, thiên sứ của bình minh ?

Từ tác phẩm « tí hon » này, người đọc có thể cảm nhận một điều: rốt cuộc, tiên tri là yếu tính của mọi tồn tại, là bản diễn ca vĩnh hằng cho mọi biến hóa. Trong cuộc thâm nhập nhọc nhằn và rong ruổi vào ranh giới các yếu tính, con người chỉ có tình yêu rộng rãi là bằng chứng.

Truyện của Nhật Chiêu là một tiếng nói khác lạ, tinh mật của tình yêu, ám ảnh, sự vỡ lẽ và hơn hết thảy là nỗi ảo huyền của tồn tại. Đó là một thứ hậu hiện đại mọc lên từ cỏ cây xứ viễn Đông, nuôi dưỡng khí lành của hư không mà chẳng hề hủy diệt bất cứ niềm tin nào.

 

Giảng Võ, 12/ 2012

Lê Thị Thanh Tâm

 

Tư liệu tham khảo chính

 

1. Nhật Chiêu, Câu chuyện văn chương phương Đông, NXB Giáo dục, 1997.

2. Nhật Chiêu, Thơ ca Nhật Bản, NXB Giáo dục, 1998.

3. Nhật Chiêu, Lời tiên tri của giọt sương, NXB Hội Nhà Văn, 2011.

4. Phí Ẩn Thông Dung, Thủ thuật nhà thiền, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.

5. Chang Chen-chi, Thiền đạo tu tập (Như Hạnh dịch), Kinh Thi xuất bản, Sài Gòn, 1972.

6. Hoàng Diệu, "Lời tiên tri của giọt sương" - cuộc chơi mới của nhà văn Nhật Chiêu, (Nguồn : giacngo.vn/vanhocnghethuat/truyenngan/2011/10/28/5FE402/)

7.Ngân Hoa, Thế giới trong giọt sương của Nhật Chiêu, (Nguồn : http://nld.com.vn/20110828111312609p0c1020/the-gioi-trong-giot-suong-cua-nhat-chieu.htm )

8. Nguyễn Hiệp, Lời tiên tri, (Nguồn : http://vanvn.net/index.php/news/11/1074-loi-tien-tri.html)

9. Inrasara, Lời tiên tri của giọt sương, Từ văn bản đến văn bản, (Nguồn : http://inrasara.com/2012/01/05/lời-tien-tri-của-giọt-sương-từ-van-bản-dến-van-bản-nghệ-thuật)

10. Thiếu Mai, Lời tiên tri của giọt sương, (Nguồn : http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/diem-sach/loi-tien-tri-cua-giot-suong-2135561.html)

11. Lê Dục Tú, Thể loại « Truyện rất ngắn » trong đời sống văn học đương đại, (Nguồn : http://www.lrc.ctu.edu.vn/pdoc/52/70spnguvan.pdf)

 

 


 

[3]Thế giới trong giọt sương của Nhật Chiêu, Ngân Hoa (Nguồn http://nld.com.vn/20110828111312609p0c1020/the-gioi-trong-giot-suong-cua-nhat-chieu.htm )

[4] Các chữ in hoa ở đầu mỗi câu chuyện được ghi lại theo đúng nguyên tác.

[5] Thơ ca Nhật Bản, Nhật Chiêu, NXB Giáo dục, 1998.

[6] Thế giới trong giọt sương của Nhật Chiêu, xem chú thích (2).

[7] Lời tiên tri, Nguyễn Hiệp (Nguồn: http://vanvn.net/index.php/news/11/1074-loi-tien-tri.html )

[8]Lời tiên tri của giọt sương, Từ văn bản đến văn bản, Inrasara, (Nguồn: http://inrasara.com/2012/01/05/lời-tien-tri-của-giọt-sương-từ-van-bản-dến-van-bản-nghệ-thuật)

[9] Lời tiên tri của giọt sương, Nhật Chiêu, Cố nhân tân ngộ (Thay lời bạt), Hoàng Lương, trang 240, NXB Hội Nhà văn, 2011.

[10] Nguyên văn tiếng Anh chỉ có 6 chữ: “For sale: baby shoes, never worn” -  một giai thoại về Hemingway trong lịch sử văn học thế giới.

[11] Lời tiên tri của giọt sương, Từ văn bản đến văn bản, Inrasara, xem chú thích (7)

[12] Xem chú thích (8) sách đã dẫn,  trang 245.

[13] Một phát hiện rất tinh tế của Hoàng Lương, được giải thích là « ngụ ngôn triết lý hiện đại khiến người đọc phải mỉm cười tán thưởng... ». Xem chú thích (8) sách đã dẫn, trang 250. 

Thông tin truy cập

60520640
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2133
10018
60520640

Thành viên trực tuyến

Đang có 221 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website