Phong tục tết Đoan ngọ Việt Nam và Trung Hoa dưới góc nhìn chức năng

  (Nguyễn Ngọc Thơ, Tạp chí KH Văn hoá và Du lịch, SỐ 12 (66), THÁNG 7 NĂM 2013)

TÓM TẮT

Vùng Á Đông được thế giới biết đến với nhiều di sản văn hóa độc đáo, trong đó có các phong tục truyền thống mà tết Đoan ngọ là một thí dụ điển hình. Việt Nam và Trung Hoa, hai quốc gia vùng văn hóa chữ Hán, có lịch sử giao lưu văn hóa lâu đời, trong đó những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đối với văn hóa Việt Nam là vô cùng sâu sắc và có ý nghĩa to lớn. Tuy vậy, mỗi nền văn hóa mang các đặc trưng riêng do các điều kiện môi sinh và lịch sử xã hội đặc thù mỗi nơi quy định. Nghiên cứu phong tục tết Đoan ngọ ở Việt Nam và Trung Hoa dưới góc nhìn chức năng dưới đây như là một nghiên cứu trường hợp.

***

1.       Tết Đoan ngọ – những vấn đề chung

    Phong tục lễ tết Á Đông, trong đó có Việt Nam và Trung Hoa, thường gắn liền với quan niệm coi trọng sự tuần hoàn của thời tiết trong năm. Trên đại thể có thể chia thành hai tiểu hệ: (1) các lễ tết gắn với chu kỳ của Trăng, bao gồm Thượng nguyên 15/1, Trung nguyên 15/7, Hạ nguyên 15/10 và Trung thu 15/8; và (2) các lễ tết gắn với các ngày tháng có thành tố lẻ, gồm tết Xuân (1/1), tết Hàn thực (3/3)[1], tết Đoan ngọ (5/5), tết Ngâu (7/7), tết Trùng cửu (9/9). Ngoài ra, vùng Hoa Bắc có thêm hai ngày tết gắn với các ngày tháng có thành tố chẵn tuy không quan trọng, là Tết Đầu rồng (2/2, 龙头节 Long đầu tiết), Tết giặt giũ (6/6,洗晒节 Tẩy sái tiết). Về cơ bản, những lễ tết truyền thống Việt Nam và Trung Hoa mang nhiều nét tương đồng, nhất là các đặc trưng mang chung của cả khu vực Á Đông. Nhiều trong số các phong tục lễ tết Việt Nam bắt nguồn từ hoặc có quan hệ mật thiết với văn hóa Trung Hoa, song chúng đã phát triển trên nền tảng của văn hóa canh nông lúa nước Việt Nam, do đó bên cạnh những đặc trưng chung còn thể hiện những đặc điểm đậm bản sắc của văn hóa bản địa.

   Ca dao Việt Nam có câu “Tháng tư đong đậu nấu chè; Ăn tết Đoan ngọ trở về tháng năm”. Cả người Việt Nam và Trung Hoa đều coi tết Đoan ngọ là cái tết quan trọng thứ hai trong năm, chỉ sau tết Nguyên đán (Trung Hoa gọi là tết Xuân). Người Việt Nam còn gọi tết Đoan ngọ là tết Nửa năm, tết Đoan dương, tết Trùng ngũ v.v., người Trung Hoa lại gọi bằng nhiều tên gọi hơn chẳng hạn Đoan ngũ 端五, Đoan tiết端节, Ngũ nguyệt ngũ五月五, Ngọ nguyệt ngọ午月午, Trùng ngũ重五, Trùng ngọ重午, Địa lạp地蜡, Ngũ nguyệt tiết五月节, Thiên trung tiết天中介, Long chu tiết龙舟节, Tung tử tiết粽子节, Dục lan tiết浴兰节, Nữ nhi tiết女儿节, Ngải tiết艾节v.v., có điều tuyệt nhiên không gọi là tết Nửa năm.

   Về từ nguyên, Đoan ngọ có thể hiểu nôm na là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”. Đoan () nghĩa là bắt đầu (khai đoan). Ngọ () chỉ giờ ngọ, tức khoảng thời khắc nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều). Theo lịch kiến Dần (nông lịch hiện nay), tháng năm là tháng Ngọ (tháng giêng là tháng Dần). “Ngày 5” âm Hán Việt đọc là “ngũ nhật” (五日trong đó “ngũ” (/wu/) đồng âm với “ngọ” (/wu/), cho nên Đoan ngọ còn gọi là Đoan ngũ(端五). Như vậy, ngày Đoan ngọ là thời điểm mở đầu những ngày nóng nhất của tháng nóng nhất trong năm (nên gọi tết Đoan dương). Ngày Đoan ngọ rất gần với tiết Hạ chí trong nhị thập tứ tiết khí nông lịch, do vậy tết Đoan ngọ báo hiệu mùa nóng quay về. Ngày trước người Việt Nam xứ kinh kỳ gọi ngày mồng 1 tháng năm là Đoan nhất, mồng 2 là Đoan nhị, cho đến ngày mồng 5 là Đoan ngũ [1, 353].



(*) TS, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM

[1] Vùng văn hóa Hoa Nam và Bắc Đông Dương từng có tết Ca hát (tết Lồng tồng, Tam nguyệt tam), sau chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nên chuyển thành tết Hàn thực.

 

        Xin xem chi tiết ở tập tin đính kèm.

 

 

Danh mục website