Thần tài và sự thay tên đổi họ tín ngưỡng

Trong vài năm gần đây, ngày tế đất truyền thống lại được nhiều người dân và không ít đơn vị truyền thông gọi là ngày vía Thần tài. Tại sao lại như vậy? Sự “thay tên đổi họ” này sẽ khiến chúng ta đánh mất những gì?

20230308Tượng thần Thổ địa ở Biên Hòa (Ảnh: Nguyễn Thị Nguyệt 2017).

Thần đất – từ tôn thờ đất mẹ đến lòng biết ơn tiền nhân khai khẩn

Thờ phụng Thần đất (dân gian gọi là Thổ địa/ông Địa) là một tín ngưỡng có truyền thống lâu đời trong văn hóa Việt Nam, là sản phẩm của nghề nông nghiệp lúa nước. Tục này được ghi chép và miêu tả trong Việt điện U linh Tập và Lĩnh Nam chính quái hồi thế kỷ 14. Tín ngưỡng Thần đất gắn liền với tục thờ Trời thành một thế cân bằng âm dương, thể hiện qua câu nói truyền miệng trong dân gian: Mồng 9 cúng Trời, mồng 10 cúng đất.

Hình thức ban đầu của thần đất có thể là tục thờ đá và thờ đất đơn sơ với các khái niệm, nghi lễ và các điển lệ chưa định hình rõ ràng. Tục thờ đất bắt đầu được định hình và bước vào văn hóa chính thống nước nhà khi Việt Nam tiếp xúc với văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là cuối thời kì Bắc thuộc. Đây gọi là tác động của quá trình “chính thống hóa” hay phong hóa theo thể thức Nho giáo. Khi đó, Thổ thần được coi như một vị thiên quan, được triều đình ban sắc phong chính thức và san định truyền thuyết (chẳng hạn sự tích Ba ông Táo) để “chính thống hóa” vai trò, vị thế của thần minh này trong tâm thức dân gian. Đến thời Lý – Trần, tư tưởng Phật Giáo còn tạo nên diện mạo, tư thế và thuộc tính thần đất. Theo đó, trong tâm thức dân gian, hình ảnh Thổ địa được khắc họa theo lối mộc mạc, chân phương, gần giống với Phật Di Lặc.

Tuy nhiên, dẫu có chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng Nho Giáo Trung Hoa, thần đất – linh hồn của tục lệ này vẫn mang đậm những nét đặc trưng phản ánh quan niệm của người Việt. Thần đất, theo ghi chép cổ sử là phúc thần, được người xưa thờ trong đền, miếu, “ban phúc lộc từ đất” cho người dân sở tại, lâu dần phát triển thành thần hộ mệnh cho cả một làng, một địa phương. Chẳng thế mà đến thời kì Hậu Lê, Thổ thần gần như được đồng nhất với thần Thành hoàng, “hoàn nguyên” phần lớn ý nghĩa biểu trưng từ thời xưa. Vị thế của Thổ thần Việt Nam rất khác với văn hóa Trung Hoa, khi Thổ thần là vị “thiên quan” có phẩm cấp thấp nhất trong hệ thống thần minh của cộng đồng, chỉ “quản lý” đời sống tâm linh của một cộng đồng rất nhỏ. Thổ thần Trung Hoa được khắc họa trong hình hài một vị quan triều đình, có áo mão cân đai nghiêm chỉnh.

Khi người Việt vào Nam lập nghiệp từ đầu thế kỷ 17, họ đã mang theo tục thờ Thần đất làm hành trang. Họ đã biến bãi hoang thành vườn nhà, biến đầm lầy thành ruộng đồng màu mỡ và truyền lại cho con cháu. Biết bao lớp người đã hy sinh trước sự khắc nghiệt ấy. Cư dân phương Nam thời khai khẩn còn ghi đậm trong tâm thức hình ảnh vùng đất phương Nam rộng ngút tầm mắt nhưng “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh”.

Hơn bao giờ hết vai trò Thần đất lại trở nên rất quan trọng trong tâm thức lưu dân. Lớp người sau được thừa hưởng cơ nghiệp ruộng vườn của người đi trước; tâm thức “bén rễ đất lành” dần trở thành nếp sống. Theo cách này, tục thờ Thần đất nay được đã gắn thêm vào ý nghĩa thờ phụng, tưởng nhớ và tạ ơn các tiền hiền khai khẩn – hậu hiền khai cơ nơi miền sông nước này. Có thể thấy, tục thờ thần đất ở Nam Bộ đã chứa đựng giá trị lịch sử – văn hóa sâu sắc, là thể hiện của lòng biết ơn và truyền thống uống nước nhớ nguồn của nhân dân. Chính vì thế, trong tâm thức dân gian Nam Bộ, người dân trước đây tổ chức “cúng Thần đất” ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch hằng năm khá quy mô, trong nghi lễ bao giờ cũng có cấu trúc trước tế tự thần đất sau tạ ơn tiền hậu hiền. Trong lễ lệ này, người Việt địa phương cung kính dâng cúng các món ăn mang dấu ấn thời khai khẩn, đa phần là những món dân dã mà lúc sinh thời các bậc tiền nhân đã trải nghiệm qua: cá lóc nướng trui, tôm cá có ngay trên sông-rạch, các loại rau vườn nhà, rau đồng nội luộc chín, tất cả chấm với muối ớt hay muối tiêu. Một số gia đình cúng thêm thịt gà luộc, thịt lợn quay hay bộ Tam sên (trứng, thịt lợn, tôm luộc) tùy điều kiện.

Sự phối thờ Thổ địa và Thần tài trong văn hóa người Việt

Khó có thể nói tâm thức thờ Thần tài đã có tự bao giờ trong văn hóa người Việt, song chắc chắn rằng nó có sau tục thờ Thần đất. Dân gian khẳng định chắc nịch rằng Thần tài bước ra từ các truyền thuyết Trung Hoa, thậm chí còn được phân loại thành “văn thần tài” và “võ thần tài”.

Tran thờ Thổ địa và Thần tài. Ảnh: hinhanhvietnam.com

Điều thú vị là kể cả trong văn hóa Trung Hoa, Thần tài vốn dĩ cũng “xuất thân” từ thần đất, thậm chí còn được các hoàng đế Minh – Thanh sắc phong thành vị “thiên quan”, phụng sự “thiên mệnh” của hoàng đế để thống nhất văn hóa và truyền bá quyền lực triều đình xuống từng thôn ấp, ngõ hẻm. Tuy nhiên, cũng trong thời kì này, ở vùng Quảng Đông, Phúc Kiến Trung Quốc phát triển đô thị và kinh tế hàng hải, nhiều danh gia vọng tộc giàu phất lên nhờ buôn bán chứ không phải từ sản xuất nông nghiệp. Hình ảnh thần đất trong các cộng đồng này trở nên phai nhạt và trở thành hình ảnh Thần tài.

Càng về sau, một mặt vẫn duy trì hình ảnh Thần đất, nhưng mặt khác, Triều đình Trung Hoa còn công nhận và “chính thống hóa” hình ảnh Thần tài với các biểu tượng như sắc phong, truyền thuyết. Điều này nhằm tách hình tượng hai vị thần một cách “độc lập”, góp phần “làm lu mờ” sự thật khách quan rằng Thần tài được “phái sinh” từ hình ảnh Thần đất trong văn hóa Trung Hoa. Ngày vía Thần đất của họ là ngày 22 tháng 7 âm lịch. Mồng 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm có thê lễ lệ “tống tiễn cùng thần, nghênh tiếp tài thần (tiễn thần nghèo khó, đón thần tài)”.

Nam Bộ thế kỷ 18, 19 dần nổi lên trở thành một “trọng điểm” kinh tế thương mại nông sản trên con đường hàng hải quốc tế Đông Á – Sài Gòn – Bangkok – Singapore. Vào khoảng nửa cuối thế kỷ 20 về sau, truyền thống thờ cúng Thổ địa trong văn hóa địa phương có thêm một yếu tố mới: Thần tài. Tín ngưỡng này theo bước chân lưu dân người Hoa đến Việt Nam, bén rễ đất lành ở các đô thị lớn trong vùng, tiêu biểu là TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với quá trình phát triển thương mại, dịch vụ trong môi trường đô thị, đặc biệt là giao thương qua cảng Sài Gòn, hình ảnh Thần tài lớn mạnh dần, đọng lại trong tâm thức văn hóa một bộ phận dân chúng. Thần tài đã được hai cộng đồng Việt, Hoa tích hợp vào tục thờ ông Địa sẵn có của người Việt địa phương, được phối thờ chung trong một tran thờ đặt trên đất theo thứ tự chủ nhà (ông Địa) ngồi bên trái của chính mình, khách (Thần tài) ngồi bên phải ông Địa.

Hình ảnh phối thờ ông Địa – Thần tài này dần dà lan tỏa kháp các vùng thành thị và nông thôn Nam Bộ trước khi truyền bá đến các vùng khác trên cả nước. Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân từ sau cải cách mở cửa, đặc biệt là các ngành hàng buôn bán, dịch vụ, đã thúc đẩy vai trò Thần tài vươn lên cao hơn, có phần lấn át Thần đất trong tâm thức không ít người. Lễ cúng Thần đất mồng 10 tháng Giêng dần dà cũng bị thay bằng lễ “vía Thần tài” (qua truyền miệng, qua mạng xã hội và một số báo chí). Đương nhiên, lễ phẩm cũng thay đổi theo, bao gồm bánh ngọt, xôi chè, heo quay, gà-vịt quay các loại. Thậm chí những năm gần đây nhiều người kéo nhau mua vàng ròng trong ngày mồng 10 tháng Giêng với hy vọng mang tài lộc đến nhà (?!). Tục cúng cá lóc nướng trui cúng thần đất có lịch sử mấy trăm năm qua còn được giữ lại, nhưng dường như lạc lõng trong bối cảnh này khi ý nghĩa lịch sử văn hóa đích thực của nó ít ai còn nhớ.

Sự “thay tên đổi họ” và phai nhạt kí ức

Sự xáo trộn “thay tên đổi họ này” trong những năm qua là một lời cảnh báo về ký ức tập thể của người Nam Bộ kéo dài hàng trăm năm lịch sử từ thời khai khẩn, thể hiện qua tín ngưỡng thờ Thổ địa, có nguy cơ phai nhạt, thậm chí rơi vào quên lãng.

Hiện tượng giao lưu văn hóa và biến đổi văn hóa trong xã hội Việt Nam đương đại là điều tất yếu, nhất là trong bối cảnh văn hóa vùng đa dạng về tộc người và văn hóa như vùng văn hóa Nam Bộ. Thế nhưng, cộng đồng chủ thể với tư cách là chủ nhân văn hóa chịu trách nhiệm lớn với vận mệnh quốc gia dân tộc và phải trả lời với tiền nhân – hậu thế về bản sắc văn hóa, phải dùng trí lực của mình để chủ động ứng xử, thâu nạp, lên khuôn và chuyển hóa tinh hoa mới vào cuộc sống theo mô thức tích hợp chứ không phải cộng gộp và thay thế. Phương thức tích hợp văn hóa không nên cắt đứt sợi dây kết nối với những giá trị tốt đẹp của quá khứ.

Mặc dù việc thờ Thần đất, Thần tài không liên quan gì đến mua vàng, nhưng vài năm gần đây rộ lên tin đồn mua vàng lấy may ngày vía Thần tài. Ảnh: Xếp hàng từ 3h sáng mua vàng ngày vía Thần tưài/ Zing.

Trong mọi trường hợp, Thần đất (ông Địa) ở Nam Bộ, trong đó có cả hình ảnh và công lao các bậc tiền nhân mở đất phải giữ vị trí trụ cột (“chủ nhà”), có vai trò nòng cốt trong tín ngưỡng chung Thổ địa – Thần tài và trong lễ cúng mồng 10 tháng Giêng vốn dĩ là ngày cúng Thần đất (Thổ địa) theo truyền thống. Thần tài với vị trí là “khách” (xuất phát từ văn hóa Trung Hoa) được tích hợp vào tục thờ Thổ địa, đóng vai trò bổ trợ (trong đó lễ cúng Thần tài nguyên bản ngày mồng 5 tháng Giêng chỉ tồn tại trong một nhóm nhỏ cộng đồng người Hoa TP. Hồ Chí Minh hiện nay). Nên chăng lễ cúng mồng 10 thăng Giêng âm lịch hằng năm được gọi chung là ngày Vía Thổ địa – Thần tài, trong đó lễ phẩm phải ưu tiên cho lệ cúng Thổ địa có từ truyền thống (cá lóc nướng trui, cá tôm, trái cây địa phương, bộ Tam sên) và có thể bổ sung các lễ phẩm khác ứng với lệ cúng Thần tài.

Truyền thống làm nên linh hồn và nhân cách văn hóa một dân tộc, còn hơi thở thời đại làm chất xúc tác và kênh dẫn giúp phát huy các giá trị văn hóa ra ngoài xã hội và thúc đẩy tích hợp tinh hoa tha nhân, làm giàu truyền thống. Dẫu biết tín ngưỡng dân gian có quy luật vận hành tự thân nó và ít chịu tác động của nhu cầu gọt giũa văn hóa của giới trí thức; tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giáo dục và truyền thông “chạy” theo những trào lưu nhất thời, từ chối cơ hội để diễn đạt và ghi lại đúng đắn một tín ngưỡng tốt đẹp, có giá trị văn hóa cao. Nếu ký ức lịch sử văn hóa bị đánh mất, các thế hệ trẻ khó có lòng tin, niềm tự hào về quê hương, về truyền thống tổ tiên mình, kéo theo đó là sẽ là sự hời hợt trong nhận thức về quyền và nghĩa vụ đối với văn hóa quê hương.

Quan điểm kiến tạo cùng với tâm thức tôn trọng đa văn hóa đòi hỏi chúng ta linh hoạt và cởi mở trong tiếp nhận văn hóa, song phải thể hiện tính chủ động và tư duy gọt giũa, tái cấu trúc và ‘lên khuôn’ các thực hành văn hóa mới cho phù hợp với thực tiễn gìn giữ truyền thống và phát triển tương lai. Sự tích hợp tục thờ Thần tài vào tín ngưỡng thần đất (Thổ địa) trong văn hóa Việt Nam vì thế là một trường hợp điển hình cần đến quá trình tư duy ấy.□

Nguyễn Ngọc Thơ

*PGS, TS tại Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tia sáng, ngày 03.03.2023.

—–

Tài liệu tham khảo

Cooke, Nola & Li Tana, eds. (2004), Water Frontier: Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750–1880, Lanham, MD: Rowman & Littlefield.

Connerton, Paul  (2009), How modernity forgets. Cambridge: Cambridge University Press.

Dinh Hong Hai (2015), “Kubera – the origin and changes in the culture of Vietnam”, Religious Studies 9(1): 117 136

Halbwachs, Maurice (1992), On collective memory. Chicago: University of Chicago Press

Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Hồ Tường (1993), Văn hóa dân gian cổ truyền: Ông Địa, tín ngưỡng và tranh tượng, NXB Tp. Hồ Chí Minh.

Nora, Pierre. 1989. “Between memory and history: Les lieux de mémoire”. Representations, vol 26: 7-24.

Ngô Đức Thịnh (2012), Tín ngưỡng & văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, NXB Trẻ.

Nguyễn Ngọc Thơ (2023), “Mồng 9 cúng Trời, mồng 10 cúng đất”, Báo Pháp luật Online, https://plo.vn/mong-9-cung-troi-mong-10-cung-dat-post718369.html?gidzl=LVurRazJLqnLupreJ4jUIrhbDsbQGWfEJRbdQL553qj6wMPkK4057XthEZvLHbGPI-qtFcOkdbiIIbXQJm

Sutton, S. Donald (2007), “Introduction to the Special Issue: Ritual, Cultural Standardization, and Orthopraxy in China – reconsidering James L. Watson’s ideas”, Modern China, Vol 33: 1, 3-21.

Taylor, Phillip (2004), Goddess on the rise: pilgrimage and popular religion in Vietnam, University of Hawaii Press.

Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.

Watson, L. James (1985), “Standardizing the gods: the promotion of Tien’hou (“Empress of Heaven”) along the South China coast, 960-1960.” In Johnson, Nathan and Rawski, 1985: Popular culture in late imperial China. Berkeley: University of California Press.

Weller, P. Robert (1987), Unities and Diversities in Chinese Religion. London: Macmillan/ Seattle: University of Washington Press.

Thông tin truy cập

63669950
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
13668
17595
63669950

Thành viên trực tuyến

Đang có 755 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website