Đông Á, một vùng kinh tế năng động của thế giới, đã và đang hiện diện rạng rỡ và bừng sáng bởi bước chuyển mình mạnh mẽ nền kinh tế và sự huyền nhiệm của sắc màu văn hóa được ngưng tụ, kết tinh trên từng gương mặt, được chuyển hóa, thẩm thấu qua từng cách sống cư dân. Đông Á không chỉ có sự năng động của đời sống hiện đại, ở đó còn có cả một kho tàng tri thức bản địa được trao truyền từ thưở ban mai của khai sáng dân tộc.
Ở hai góc khác nhau của miền đất Đông Á, Việt Nam và Hàn Quốc cùng đóng góp vào kho tàng chung của khu vực những tinh hoa văn hóa dân tộc đáng trân trọng. Sớm bước vào quá trình phong hóa dưới các chuẩn mực kinh điển Nho giáo, cả hai dân tộc cùng sử dụng các giá trị nhân bản của dòng tư tưởng này để tổ chức và vận hành guồng máy xã hội.
Với người Trung Hoa, “quốc” (tổ quốc) và “gia” (gia tộc, dòng họ) là hai thiết chế đồng tâm nhưng có phổ ảnh hưởng khác nhau, đồng thời là hai thể chế có tác động trực tiếp và sâu sắc tới từng cá thể. Người Trung Hoa đã dùng hai giá trị Trung và Hiếu để làm chuẩn mực cho cung cách ứng xử của từng công dân đối với hai thiết chế ấy; bởi thế mới có câu “quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Với người Hàn Quốc, họ chọn gia đình là xuất phát điểm, tức coi chữ Hiếu là khởi nguồn của mọi tiền đề. Từ Hiếu, con người ắt sẽ kính trọng và thuận theo ý nguyện ông bà, cha mẹ, mở rộng là ý nguyện của thượng cấp. Đó cũng là lúc họ kính và thuận theo thượng cấp của mọi thượng cấp – ấy là nhà vua. Từ Hiếu đến Trung ở Hàn Quốc tuy là hai phạm trù nhưng chỉ có một con đường mở rộng từ gia đình ra tổ quốc. Ở người Nhật Bản, tinh thần dũng mãnh, kiên trường của những người võ sĩ samurai dường như vẫn còn hiện diện đây đó bên mỗi tách trà đạo, mỗi đường kiếm đạo, mỗi cung cách ứng xử của con người, để rồi nơi hội tụ của những tinh thần ấy hiện hữu thật xa nhưng cũng thật gần: núi Phú Sĩ – tinh thần dân tộc, tinh thần vươn lên mạnh mẽ. Tất cả những giá trị ấy của Đông Á đều có ở người Việt Nam, song có lẽ chuẩn mực vượt lên trên mọi chuẩn mực lại là cái Nghĩa. Cái Hiếu ở Việt Nam sớm được phân thành Tiểu Hiếu (hiếu kính với ông bà cha mẹ) và Đại Hiếu (hiếu nghĩa với non sông tổ quốc). Chữ Trung cũng được người Việt Nam viết lại nội hàm, Trung phải đi đôi với Nghĩa, mà trong số mọi cái nghĩa, Đại Nghĩa là lòng yêu nước; chính vì thế chữ Trung trong văn hóa Việt Nam song hành cùng một bạn đồng hành vĩnh cửu: Trung quân – ái quốc.
Xuyên suốt thời trung đại, để đánh dấu sự tồn tại và phát triển của một xã hội thịnh trị, người Việt Nam và Hàn Quốc đều có xu hướng đặt hết sự chờ đợi kèm cả những ước vọng chính đáng của mình ở triều đình, ở kinh đô, ở thể chế vận hành xã hội cấp trung ương. Cũng vì thế người Việt Nam có câu: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Ở kinh đô đâu chỉ có đài các, cung điện của bậc vương giả quý tộc. Ở kinh đô xưa còn có một thể chế giáo dục tinh túy được xây dựng trên nền tảng tụ nhân, tụ đức và tụ tài, là biểu tượng của nền học vấn dân tộc: Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
1. Văn Miếu Thăng Long – Hà Nội
Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long – Hà Nội được xây dựng ở phía Nam kinh thành Thăng Long vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Quần thể này bao gồm Văn miếu môn, Khuê Văn Các, hồ Thiên Quang, nhà Thái học, nhà bia tiến sĩ và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử các bậc túc nho tiêu biểu Việt Nam và Trung Hoa. Cuốn Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học.” Khởi thủy chỉ có Văn miếu để thờ Khổng Tử, song cũng là nơi dạy học dành cho hoàng gia. Vị Hoàng thái tử được nhắc tới trong đoạn viết nói trên là Thái tử Lý Càn Đức (sau là vua Lý Nhân Tông).
Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu – học phủ cao cấp đầu tiên của người Việt Nam dành cho vua chúa và quan lại, sau đến thời vua Trần Thái Tông (năm 1253) mở rộng cho sĩ tử hoàng triều. Vào thời Lê, Nho giáo thịnh hành, vua Lê Thánh Tông cho dựng bia tiến sĩ (từ năm 1484). Đến nhà Nguyễn, kinh đô Huế lập Quốc Tử giám, từ đó Văn Miếu Hà Nội trở thành học phủ cho sĩ tử Bắc Hà. Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành cho xây thêm Khuê Văn Các bên cạnh giếng Thiên Quang. Thời thuộc địa, người Pháp đánh sập Văn miếu (1947), sau được nhân dân địa phương xây dựng lại mô phỏng theo kiến trúc truyền thống xưa trên nền đất cũ.
2. Sungkyunkwan Hàn Quốc
Trong tiếng Hàn Quốc, Văn Miếu gọi là Munmyo (문묘, 文廟), được truyền bá trực tiếp từ Trung Quốc dưới thời Đường. Tại bán đảo này, văn miếu đầu tiên được xây dựng dưới thời Silla thống nhất, tuy nhiên mãi đến thời vua Taejo triều Joseon thì thiết chế này mới hoàn chỉnh. Văn Miếu Hàn Quốc ngoài thờ Khổng Tử còn thờ các nhà nho lỗi lạc dưới các triều đại Silla, Goryeo, và Joseon. Người Hàn Quốc tổ chức tế bái Khổng Tử và chư hiền (lễ Munmyo jerye, 문묘제례, 文廟祭禮) vào mỗi hai dịp xuân và thu hằng năm với các nghi thức mang tính điển chế cố định từ thời Joseon, được điểm xuyết bằng nhạc lễ, trống lễ và văn tế.
Hà Thái học (Taehak, 태학, 太學), được xây dựng vào cuối thời Goryeo – đầu thời Joseon. Trước đó, vào năm 992, vua Seongjong cho xây dựng Quốc tử giám Gukjagam (국자감, 國子監) ở Gaeseong, đến năm 1308 thì đổi tên thành Sungkyunkwan. Năm 1398, vị hoàng đế đầu triều Joseon, vua Taejo, cho xây Sungkyunkwan ở Hanyang, tức Seoul ngày nay. Trong lịch sử, Sungkyunkwan bị đốt cháy vào năm 1400, được dựng lại năm 1407. Cuối thế kỷ 16, người Nhật một lần nữa đốt cháy Sungkyunkwan, người Hàn Quốc cho xây dựng lại vào năm 1601. Giai đoạn 1910-1945, Sungkyunkwan bị đổi thành học viện tư nhân mang tên Gyunghakwon; đến sau 1945 mới phục hồi tên gọi cũ. Từ đó đến nay, Sungkyunkwan được trùng tu nhiều lần. Kiến trúc Sungkyunkwan hiện hữu được trùng tu lớn vào năm 1988, hiện nằm trong khuôn viên Đại học Sungkyunkwan, được chính quyền địa phương Seoul quản lý và tổ chức lễ tế hai lần trong năm.
Sungkyunkwan từng là học phủ quan trọng của sĩ tử Hàn Quốc xuyên suốt các triều đại phong kiến. Để trở thành học sinh, sĩ tử phải vượt các kỳ thi Hương và thi Hội, được triều đình tập hợp tại đây để ôn luyện và chờ ngày khai hội thi Điện cuối cùng (tức thi Đình ở Việt Nam).
Giống như người Việt Nam, người Hàn Quốc xưa rất coi trọng nghiệp học, chính vì vậy họ cũng rất sẵn lòng giúp đỡ sĩ tử mỗi khi lai kinh ứng thí. Tại loàng Hahoe (thành phố Andong, tỉnh Gyeongsangbuk), người Hàn Quốc còn lưu giữ dấu tích của một dạng hốc dưỡng hiền dân gian, do người dân trong làng cho thiết lập khi xây dựng tường rào. Họ tích cóp tiền bỏ vào hốc dưỡng hiền, mỗi sĩ tử lai kinh ứng thí khi đi ngang qua đây ai cũng được nhân dân ủng hộ tiền ăn uống và đi ngựa. Có thể nói, hốc dưỡng hiền trong dân thể hiện sống động tinh thần thượng tôn học tập cũng như gửi gắm niềm mong mỏi cao cả của người dân địa phương, bởi lẽ “lúc cơ hàn nhân dân nuôi sĩ tử, khi đỗ đạt thành tài, sĩ tử sẽ không quên nhân dân”.
3. Hai thiết chế, một con đường
Việt Nam chính thức bãi bỏ chế độ khoa cử từ năm 1914 ở Bắc Bộ và 1918 ở Trung Bộ. Sungkyunkwan Hàn Quốc cũng có quá trình tương tự. Việt Nam trải qua quá trình Pháp thuộc, Hàn Quốc bị Nhật chiếm đóng, cả hai chịu áp lực của việc ngưng trệ kinh học truyền thống mà phải tiếp nhận văn hóa – giáo dục ngoại lai. Khi tri thức Tây học bàng bạc trong dân cũng là lúc Văn miếu Hà Nội lui về ẩn dật như một chàng nho sĩ làng quê, trở thành nơi lưu giữ ký ức của một nền học vấn hoàng triều kéo dài ngót chín thế kỷ. Sungkyunkwan Hàn Quốc cũng cùng số phận, hết Nhật trị rồi đến chiến tranh tàn phá, truyền thống kinh học cũng phai nhạt trước làn sóng Sinhak (Tây học), cũng lặng lẽ tồn tại như hình bóng của một thời vàng son của giáo dục Nho học xưa. Để phần nào đó tiếp tục truyền thống hiếu học của dân tộc, người Việt Nam đưa nhiều hoạt động văn hóa – giáo dục vào tổ chức ở Văn Miếu như lễ vinh danh giáo sư, phó giáo sư, lễ vinh danh các thủ khoa trong các kỳ thi đại học, lễ vinh danh học sinh đạt thành tích cao trong các giải thưởng quốc tế, cuộc thi hoa Trạng nguyên dành cho học sinh cấp 1, cấp 2, tổ chức biểu diễn nhạc cụ dân tộc trong các cuộc thăm viếng, tìm hiểu của du khách trong và ngoài nước. Trong khi đó, từ khi trở thành một bộ phận nằm trong một trường đại học hiện đại, Sungkyunkwan Hàn Quốc đã trực tiếp thổi hồn truyền thống hiếu học của dân tộc mình vào từng bài giảng trên giảng đường, trở thành điểm hội tụ của thực hành nghi lễ nhập môn, lễ tốt nghiệp của các thế hệ sinh viên. Để điểm xuyết thêm cho tinh thần giáo dục xuyên thời gian, giới nghệ thuật Hàn Quốc tổ chức làm phim Sung Kyunkwan scandal để phần nào đó làm sống dậy truyền thống kinh văn trong giới trẻ xứ sở kim chi.
Hai chiếc nôi giáo dục một con đường, Văn Miếu Hà Nội trở thành biểu tượng của thành phố Hà Nội, còn Sungkyunkwan ở một chừng mực nhất định cũng là biểu trưng của thủ đô Seoul. Bóng dáng Khuê Văn Các hắt xuống hồ Thiên Quang dưới ánh nắng chiều Hà Nội gợi chúng ta nhớ về một miền kỷ niệm xa lắc, nơi có những chàng sĩ tử chân quê nhấp nhỏm ra vào bình phẩm thi thư lễ nhạc. Cũng tương tự thế, giữa một trường đại học Sungkyunkwan hiện đại, một Minh Luân Đường trầm mặc lặng lẽ dưới bóng cổ thụ mấy trăm năm vẫn mãi là nơi hội tụ của tinh thần lễ nhạc thi thư.
Nguồn: http://vi.kf.or.kr/
Dẫn theo: http://qlkh.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=5ca4f7bb-7ae3-46c3-a0dc-d44dcecfcc53