Đất nước Nhật Bản được cả thế giới khâm phục chắc hẳn không chỉ vì sự phát triển kinh tế thần kỳ trong một thời gian ngắn, mà còn vì nhân cách người Nhật Bản: trung thực, khiêm nhường, tế nhị, nổi trội về tinh thần làm việc tập thể, ý thức cộng đồng, tôn trọng mọi người xung quanh, cực kỳ khuôn phép, thận trọng nhưng rất sáng tạo và sự hoàn hảo trong công việc, hay từ cách người Nhật giáo dục đạo đức con người
Tóm tắt:
Đất nước Nhật Bản được cả thế giới khâm phục chắc hẳn không chỉ vì sự phát triển kinh tế thần kỳ trong một thời gian ngắn, mà còn vì nhân cách người Nhật Bản: trung thực, khiêm nhường, tế nhị, nổi trội về tinh thần làm việc tập thể, ý thức cộng đồng, tôn trọng mọi người xung quanh, cực kỳ khuôn phép, thận trọng nhưng rất sáng tạo và sự hoàn hảo trong công việc, hay từ cách người Nhật giáo dục đạo đức con người. Ngoài ra Nhật Bản còn là dân tộc có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới, mà nguyên nhân chính do chế độ ăn uống khoa học và điều độ. Trẻ em Nhật được giáo dục về đạo đức không chỉ từ gia đình, nhà trường mà còn bởi xã hội. Tất cả các môn học đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức và diễn ra ngay trong các hoạt động hàng ngày chứ không chỉ nằm trong sách vở và không chỉ có ở môn Giáo dục công dân. Học sinh từ khi học Mẫu giáo ngay trong các hoạt động hàng ngày đã được rèn luyện thực hành đạo đức như các quy tắc ứng xử, cách chào hỏi, cảm ơn cha mẹ, thầy cô, người trên tuổi và bạn bè. Mỗi buổi sáng, trẻ xếp hàng trong lớp, trân trọng chào giáo viên trước khi bắt đầu ngày mới. Giờ ăn trưa của học sinh cũng là một tiết học, nơi trẻ em được dạy tính tự lập, chăm sóc bản thân, phục vụ bạn bè và lòng biết ơn. Cuối buổi học, các em chào thầy cô, bạn bè, tự đánh giá bản thân và nhặt rác xung quanh mình trước khi ra về. Trong quá trình học và chơi, trẻ được hướng dẫn và nhắc nhở sử dụng những lời “cám ơn” và “xin lỗi” trong các tình huống phù hợp. Cha mẹ người Nhật Bản còn có một số nguyên tắc nuôi dạy con như: Thông minh, học giỏi là điều tốt, nhưng điều quan trong hơn là cần có nhân cách tốt; Họ rất quan tâm đến môi trường nuôi dạy con cái; Không bao giờ hình thành cho trẻ một thói quen xấu; Tôn trọng trẻ em, luôn nói sự thật, không nói dối với người khác trước mặt con trẻ; Chế độ ăn uống cho con phải cân bằng, không ép con ăn; Bữa ăn phải được diễn ra trong ghế ăn và bàn ăn… Hiện nay người Nhật Bản quan tâm đến giáo dục sớm cho trẻ và phương pháp giáo dục từ 0-6 tuổi của Shichida đang được ưa chuộng và phổ biến. Đó là phương pháp giáo dục nuôi dưỡng tâm hồn, nuôi dưỡng tình yêu thương đến mọi người, nuôi dưỡng ước mơ, ý chí, lấy “trí dục”, “đức dục”, “thể dục’ và “thực dục” làm cơ sở, hướng đến việc giáo dục toàn bộ nhân cách và sự phát triển não phải. Shichida cho rằng, việc giáo dục phát triển não phải không chỉ là việc tập trung vào thành tích học tập của trẻ, mà một trong những kết quả thần kỳ của nó là tất cả trẻ em được phát triển tâm trí một cách nhẹ nhàng và hài hòa, trẻ sẽ biểu lộ sự nhạy cảm đa dạng về lòng nhân ái, trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Nó nuôi dưỡng tình yêu, tạo sự hiệp nhất của các giác quan (thính giác, thị giác, xúc giác ….) và điều quan trọng là sự hợp tác tuyệt vời giữa bố mẹ và các con. Giáo dục sớm và giáo dục phát triển não phải sẽ định hình tương lai của thế giới vì một trong những mục tiêu của giáo dục là để tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là kết quả tự nhiên của giáo dục phát triển não phải, phương pháp học tập dựa trên tình yêu và sự hợp tác. Ngược lại, “giáo dục phát triển não trái là tạo nên sự đối đầu và cạnh tranh”-Shichida. Gần đây nhà trường Nhật Bản còn quan tâm dạy và rèn luyện cho học sinh: trước khi nói, trước khi hành động cần suy nghĩ phán đoán đối tác của mình sẽ suy nghĩ, sẽ phản ứng thế nào? Hay nói khác hơn là phải đặt mình vào vị trí của người khác trước khi nói và hành động để không làm tổn thương đến người khác. Shichida là người khởi xướng phương cách giáo dục sao cho cân bằng giữa não phải và não trái.
Nội dung:
Đã từng đặt chân đến 80 quốc gia khác nhau trên thế giới, nhưng sau 20 năm sinh sống tại nước Nhật, nhà toán học người Do Thái Peter Frankl đã phải thốt lên rằng ông ngưỡng mộ nước Nhật và nền giáo dục của Nhật - một nền giáo dục hiện đại và tuyệt vời. Rất khó có thể nói về một nền giáo dục hiện đại, tuyệt vời và nổi tiếng trong một bài viết ngắn gọn, nhưng Lucy Crehan là một nhà giáo, nhà nghiên cứu về giáo dục người Anh đã gặp gỡ nhiều giáo viên, phụ huynh để có thể đưa ra được những góc nhìn mới lạ và chính xác về nền giáo dục của Nhật Bản mà theo bà: Tinh thần làm việc tập thể, những bài học đạo đức và hành động luôn hướng tới mục tiêu là những giá trị tối cốt lõi của nền giáo dục xứ sở Hoa anh đào
1. Tinh thần làm việc tập thể
Ngay từ bậc tiểu học, hầu hết thời gian học sinh được học tập và làm việc theo nhóm.
Điều làm cho nhiều người cảm thấy bất ngờ là cách ứng xử của các học sinh tiểu học ở Nhật, “học sinh được phép đứng lên, tự do đi lại xung quanh lớp ngay cả khi tiết học đang diễn ra và hầu như có thể làm mọi việc, trừ những việc gây nguy hiểm”. Những biểu hiện này được xem là "hư" và hoàn toàn trái với những suy nghĩ cũng như khuôn mẫu trước đây. Tuy nhiên, những bất ngờ đó đều nằm trong chuỗi chính sách có chủ đích của chính phủ Nhật Bản áp dụng cho học sinh tiểu học.
Thay vì dành những năm tháng đầu tiên của bậc tiểu học rèn giũa học sinh về tầm quan trọng của việc làm theo đúng chỉ dẫn của giáo viên, người Nhật cho rằng đây là quãng thời gian để các em tự nhận ra những gì phù hợp và mình yêu thích.
Bên cạnh đó, ngay ở bậc tiểu học việc hướng các em vào hoạt động nhóm cũng luôn được ưu tiên, hầu hết hoạt động của học sinh tiểu học được tổ chức theo các nhóm nhỏ, vì thế, học tập dường như trở thành hoạt động tự nhiên mang tính xã hội. Khi một học sinh dời ghế của mình, không tham gia vào các hoạt động, giáo viên sẽ nhẹ nhàng nhắc nhở: "Đội Vàng vẫn chưa sẵn sàng!". Lời nhắc khiến các học sinh khác trong đội quan tâm và yêu cầu người bạn trở nên tích cực hơn vì lợi ích chung của nhóm.
Trên bậc tiểu học, học sinh phải tham gia vào các câu lạc bộ để học cách hoạt động nhóm, thông qua đó rèn cho trẻ tinh thần tập thể, thúc đẩy trẻ phát triển, khám phá bản thân và khám phá cuộc sống. Những hoạt động này còn giúp trẻ tạo được mối quan hệ gắn bó với bạn bè và thầy cô, rèn luyện được kỹ năng giao tiếp, ứng xử…Trong quá trình hoạt động sẽ phát sinh nhiều tình huống để trẻ thực hành cách xử lí thông qua đó thầy cô sẽ nắm được tính cách của trẻ để kịp thời động viên hoặc uốn nắn.
Cách giáo dục này khiến trẻ em ý thức rằng chúng là thành phần cần thiết của nhóm và tự hào khi đạt được thành tựu với tư cách nhóm. Những cảm xúc và niềm tin này rất quan trọng trong xã hội Nhật Bản, nó sẽ theo mỗi cá nhân suốt cuộc đời.
2. Giáo dục đạo đức
Bên cạnh các tiết học về chuyên môn, những giá trị nhân văn được giáo viên chú trọng giảng dạy thông qua các tiết học đạo đức. Nội dung này thường được tổ chức một lần một tuần và trong suốt quãng đời học sinh với tiêu chí chung là: "Phát triển một tầng lớp cư dân Nhật Bản, những người sẽ không bao giờ quên tinh thần tôn trọng mọi người xung quanh, luôn mang theo ý thức đó ở nhà, ở trường học hay bất cứ nơi nào trong xã hội mà anh ta là thành viên; phấn đấu cho sự sáng tạo cho một nền văn hóa giàu cá tính và cho sự phát triển của một quốc gia dân chủ; tự nguyện cống hiến cho một xã hội hòa bình".
Những bài học như thế, chủ yếu phụ thuộc vào giáo viên giảng dạy, không có một quy chuẩn cụ thể, nhưng mục tiêu của các bài học hoàn toàn được do Bộ Giáo dục quy định. Đa phần, học sinh sẽ được nghe kể về một câu chuyện hay một tình huống nào đó. Tiếp theo, các em sẽ thảo luận theo nhóm và cuối cùng là chia sẻ những suy nghĩ, ý kiến mình sẽ làm gì và tại sao, trong từng tình huống trước cả lớp.
Trẻ em được giáo dục về đạo đức không chỉ từ gia đình, nhà trường mà còn bởi xã hội. Tất cả các môn học đều có nhiệm vụ giáo dục đạo đức chứ không chỉ có môn tương tự như môn Giáo dục công dân. Việc rèn luyện đạo đức cho trẻ sẽ diễn ra ngay trong các hoạt động hàng ngày chứ không chỉ nằm trong sách vở.
Học sinh từ khi học mẫu giáo đã được rèn luyện thực hành đạo đức ngay trong các hoạt động hàng ngày như các quy tắc ứng xử, như cách chào hỏi, cảm ơn cha mẹ, thầy cô, người trên tuổi và bạn bè. Trong suốt quá trình học và chơi, trẻ được hướng dẫn và rèn luyện sử dụng các câu cám ơn và xin lỗi trong các tình huống phù hợp. Mỗi buổi sáng, trẻ xếp hàng trong lớp, trịnh trọng chào giáo viên trước khi bắt đầu ngày mới. Giờ ăn trưa của học sinh cũng là một tiết học, nơi trẻ em được dạy về tính tự lập, chăm sóc bản thân, phục vụ bạn bè và lòng biết ơn: Trẻ được phân công phục vụ đồ ăn cho các bạn, mặc đồng phục như một người phục vụ thật sự: giáo viên sẽ múc thức ăn vào bát, rót sữa vào ly, và trẻ sẽ bưng đến bàn cho các bạn… Sau đó, những trẻ phục vụ trong ngày sẽ cùng đứng trước lớp đồng thanh chúc các bạn ăn ngon miệng, còn các bạn sẽ đồng thanh cám ơn. Trước khi ăn, các em đều nói “Itadakimasu” (Tôi biết ơn vì được nhận đồ ăn), sau khi ăn sẽ nói ”Gochisosamadeshita” (Cám ơn vì bữa ăn), cả hai điều này cũng được hướng dẫn ngay từ mẫu giáo. Các em tự đem khay sau khi ăn đến nơi dọn dẹp, tự mặc quần áo, tự trải ga trải giường, tự gấp gối và nệm sau giấc ngủ trưa. Có thể nói, ngay từ mẫu giáo, trẻ đã được học những bài học quan trọng đầu tiên về cách ứng xử lịch thiệp (lời cám ơn và xin lỗi), tinh thần trách nhiệm với công việc (mặc đồng phục), chia sẻ trách nhiệm trong tập thể (lần lượt đảm nhiệm việc phục vụ đồ ăn), sự tự lập (tự phục vụ bản thân) và trên hết, các em phải học tính cần cù, chăm chỉ và tôn trọng sự thật. Cuối buổi học chào thầy cô, bạn bè, tự đánh giá bản thân và nhặt rác xung quanh mình trước khi ra về.
Khi lớn hơn, bắt đầu bước vào hệ thống giáo dục phổ cập từ lớp 1 đến lớp 9, các em sẽ được học và thực hành các bài học đạo đức với một chương trình được phân ra làm 4 nhóm liên hệ từ gần đến xa, từ dễ đến khó. Nhóm 1 là liên quan đến bản thân, nhóm 2 là liên quan đến người khác, nhóm 3 liên quan đến tập thể, xã hội và nhóm 4 là liên quan với thế giới tự nhiên và những gì cao đẹp. Học sinh được học đủ cả 4 nhóm này, nhưng ở các độ tuổi khác nhau được học và thực hành với mức độ khác nhau. Ví dụ như:
a. Nhóm liên quan đến bản thân:
Các lớp bậc thấp được học và thực hành về sức khỏe, an toàn; coi trọng vật và tiền; gọn gàng, ngăn nắp; cuộc sống với những quy tắc đúng đắn; thực thi nghĩa vụ; phán đoán thiện ác; chính trực; phát triển nhân cách và thái độ sáng tạo; sự nhận thức về tầm quan trọng của cách ứng xử văn minh. Các lớp giữa được học và thực hành về tự chủ; cuộc sống điều độ; suy nghĩ sâu sắc; xin lỗi và hối cải; cương quyết, bất khuất; dũng cảm, chính trực và trong sáng. Các lớp trên được học về tiết chế; cách phản ứng đối với lời phê bình, thái độ tôn trọng sự thật; thiết lập mục tiêu; tự do; thành thật; truy tìm chân lý; sáng tạo; đánh giá bản thân. Học sinh Trung học Phổ thông được học và thực hành về thói quen, cuộc sống mong ước; sức khỏe; tiết chế; cuộc sống hài hòa; hi vọng và dũng cảm; tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thực hiện lý tưởng; hướng thượng bản thân và phát huy cá tính.
b. Nhóm liên quan đến người khác:
Các lớp bậc thấp được học và thực hành về chào hỏi; sử dụng từ ngữ; động tác; tình cảm thân thiện với trẻ nhỏ, người già; tình bạn; sự biết ơn. Các lớp giữa được học và thực hành về nghi lễ; sự quan tâm; hiểu biết, tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau; tôn kính và biết ơn. Các lớp bậc cao được học và thực hành về hợp tác nam-nữ; sự khiêm tốn; lòng biết ơn và trả ơn. Học sinh Trung học Phổ thông được học và thực hành về nghi lễ; tình yêu thương con người; tôn trọng tình bạn; hiểu biết người khác giới; tôn trọng nhân cách; sự học hỏi.
c. Nhóm liên quan đến tập thể và xã hội:
Các lớp bậc thấp được học và thực hành về tôn trọng pháp luật; bảo vệ của công; tôn kính cha mẹ; yêu gia đình; yêu trường; yêu quê hương. Các lớp giữa được học và thực hành về công đức; chăm chỉ lao động; yêu gia đình; yêu trường; yêu quê hương; yêu đất nước; hiểu biết quốc tế. Các lớp bậc cao được học và thực hành về hoạt động tập thể, thực hiện nghĩa vụ; công bằng; phụng sự xã hội; yêu gia đình; yêu trường; yêu quê hương; yêu đất nước; hữu nghị quốc tế. Học sinh Trung học Phổ thông được học và thực hành về nâng cao đời sống tập thể; tuân thủ luật pháp; liên kết xã hội; loại bỏ thiên kiến, phân biệt; phát triển phúc lợi xã hội và công cộng; yêu gia đình; yêu trường; yêu quê hương; yêu đất nước; cống hiến quốc tế.
d. Nhóm liên quan với thế giới tự nhiên và những gì cao đẹp:
Các lớp bậc thấp được học và thực hành về thương yêu, bảo vệ động thực vật; coi trọng sinh mạng; lòng mộ đạo. Các lớp giữa được học và thực hành về sự cảm động trước thiên nhiên; sự cảm động trước những gì cao đẹp. Các lớp bậc cao được học và thực hành về bảo vệ môi trường tự nhiên; tôn trọng sinh mệnh của mình và người khác; lòng cảm động; lòng tôn kính. Học sinh Trung học Phổ thông được học và thực hành về bảo vệ môi trường tự nhiên; tôn trọng sinh mệnh của mình và người khác; lòng cảm động; lòng tôn kính.
Nhà trường không tham lam ôm đồm nhiều kiến thức mà chỉ chọn ra những điều cơ bản thiết thực nhất để dạy cho con trẻ, để trẻ có được nền tảng vững chắc mà phát triển còn hơn dạy cho chúng những điều to lớn viển vông. Hệ quả của phương pháp giáo dục toàn diện này đã được chứng minh bằng ý thức của cả cộng đồng người Nhật, điều đó cũng được thể chế hóa. Chỉ ở Nhật người ta mới tìm thấy cuốn “Cẩm nang hành động cho toàn dân”, gồm hơn 200 điều, ghi rõ việc cần làm, việc cấm làm, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng. Ví dụ: “Thấy bất kỳ nơi nào vòi nước chảy không có người dùng, đóng vòi ngay; gặp quạt quay, thấy đèn sáng mà không có người dùng, phải tắt điện ngay”.
Giáo dục đạo đức ở Nhật Bản đạt hiệu quả cao vì đã kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, trường học và xã hội. Ví dụ đề tài “Bảo vệ môi trường sống xung quanh” được gia đình giáo dục con em rất chi tiết, thực hành đầy đủ. Đến trường, học sinh từ cấp tiểu học đến hết Trung học Phổ thông, suốt hơn 10 năm hàng ngày đều phải làm vệ sinh sạch sẽ trường lớp và những nơi công cộng trong trường. Ngoài xã hội, đường xá, chợ búa luôn sạch đẹp, có nhiều thùng rác để gần nhau, dân chúng tự phân loại rác khi bỏ vào thùng. Được giáo dục kỹ ngay từ khi còn nhỏ nên mỗi người Nhật có thói quen hành vi đạo đức rất tốt (Tham khảo một số nội dung được thảo luận trong nhóm, trong lớp đối với học sinh Nhật Bản ở môn Đức dục ở phía dưới).
3. Những hành động hướng mục tiêu
Hầu hết các trường ở Nhật đều có những hoạt động thể thao hay lễ hội thường niên với mục tiêu "xây dựng tình đoàn kết, khuyến khích cá nhân nỗ lực hết mình, tận tâm và kiên trì". Ngoài ra, các cuộc dã ngoại cũng thường xuyên được tổ chức nhằm "mở rộng hiểu biết của học sinh về thiên nhiên và thế giới xung quanh cách thú vị mà đáng nhớ, đồng thời rèn luyện học sinh có những hành vi phù hợp ở nơi công cộng".
Bắt đầu từ Trung học, các trường tổ chức nhiều câu lạc bộ thể thao, âm nhạc, và các câu lạc bộ theo sở thích khác. Học sinh Nhật xem trọng các hoạt động ngoài giờ không kém các lớp học chính thức. Chính những hoạt động tập thể này sẽ giúp học sinh hiểu rõ về sự tập trung, nỗ lực vì bản thân, phát triển khả năng hợp tác và làm việc theo nhóm, cũng như cách giải quyết các mâu thuẫn trong tập thể.
Những hoạt động hàng tuần, hàng ngày cũng đều có mục tiêu đi kèm và học sinh được tham gia thảo luận. Thêm vào đó, có hẳn một nét văn hóa trong việc kiểm tra xem mục tiêu có đạt được không sau khi mỗi hoạt động kết thúc. Khi kết thúc hoạt động, các nhóm sẽ tập hợp và đồng thanh hô to khẩu hiệu như: "Chúng ta có hợp tác tốt không?", "Chúng ta có tận dụng tối đa thời gian không?"...
Trẻ em gieo hạt ở vườn trường, sử dụng các từ ngữ đầy tình cảm như “hãy lớn lên”,“hãy nở thật đẹp nhé”. Hỏi thăm dịu dàng hay giúp đỡ khẩn cấp trẻ em bị ngã ở sân chơi; hướng dẫn khách đến phòng giáo viên. Bên cạnh đó xu hướng liên kết giáo dục giữa các môn khác nhau cũng xuất hiện như liên kết với môn Đời sống, Thời gian học tập tổng hợp với tham quan học tập trong môn Xã hội, viết thư cảm ơn vì sự giúp đỡ sau giờ học Khoa học ở bên ngoài nhà trường. Trong việc tiến hành giáo dục hòa bình, giáo dục nhân quyền, giáo dục môi trường, tuần lễ răng miệng và sức khỏe, tuần lễ ăn trưa tại trường, tuần lễ an toàn giao thông, ... trong thời gian học tập tổng hợp hay hoạt động riêng cũng có thể giúp học sinh trưởng thành về đạo đức.
Việc đánh giá giá trị một phương pháp giáo dục là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, một điểm mà toàn Thế giới phải công nhận là nền giáo dục của Nhật Bản đã đào tạo ra một thế hệ những con người chăm chỉ, tận tâm với công việc, hợp tác trong lao động, trong nghiên cứu và ý thức kỷ luật rất cao.
Một số nội dung được giáo viên triển khai cho học sinh thảo luận trong môn Đức dục như sau.
- Bạn đã bao giờ ăn cắp và nói dối? Hãy ví dụ về việc nói dối mà khiến bạn xấu hổ.
- Nếu ra nước ngoài, bạn sẽ làm gì để người Nhật chúng ta được coi trọng?
- Lòng nhân ái nghĩa là gì? Vì sao phải giúp đỡ người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật? Vì sao phải hỗ trợ giúp đỡ các quốc gia nghèo hơn chúng ta?
- Trong sản xuất, nếu mình kỷ luật sẽ hạn chế thiệt hại do cháy nổ vì bất cẩn. . Bạn có bao giờ bất cẩn gây hậu quả cho cá nhân và gia đình bạn chưa?
- Vì sao phải xếp hàng và tuân theo trật tự của xã hội?
- Bạn nghĩ gì về việc chửi bới nhau? Có giải pháp nào thay thế việc chửi bới nhau hay không?
- Vì sao phải nói nhỏ nơi công cộng? Vì sao phải có óc quan sát để hòa mình vào đám đông?
- Vì sao chúng ta không nên ăn thịt thú rừng và động vật hoang dã? Vì sao chỉ dùng các loại động vật được nuôi ở các nông trại làm thực phẩmi.
- Hiện nay tập quán ăn thịt chó, mèo, chim muông, rắn rết của người Trung Quốc và các nước châu Á…cũng bị ảnh hưởng bởi tập quán ăn thịt thú rừng và động vật hoang dã. Bạn nghĩ gì về điều đó và bạn có sẵn sàng từ bỏ tập quán này?
- Bạn nghĩ gì về quan niệm của người Nhật khi cho rằng ăn thịt cá voi là bổ dưỡng? (nhiều nước trên thế giới lên án việc này, vì có một lượng người già Nhật vẫn bảo lưu quan niệm ăn cá voi, mặc dù bị giới trẻ phê phán).
- Vì sao chúng ta không nên đổ lỗi, đổ trách nhiệm cho người khác về thất bại của mình ?
- Sau một ngày, bạn có tổng kết lại mình đã làm gì có ích cho xã hội, đã học gì có ích cho bản thân trước khi ngủ?
- Vì sao chúng ta phải tiết kiệm, chỉ mua những gì cần thiết, và ưu tiên dùng hàng do Nhật sản xuất?
- Vì sao chúng ta phải tập luyện thể dục thể thao, bạn dành bao nhiêu phút trong quỹ thời gian 24h của bạn cho thể dục thể thao?
- Vì sao phải đọc sách? Bạn có thói quen đọc sách bất cứ lúc nào và nơi nào không? Nếu không vì sao?
- Bạn sinh ra để làm gì? Bạn đóng góp được gì cho xã hội trong những năm tháng sống trên trái đất này?
- Tại sao bạn lành lặn chân tay và đầu óc mà không làm việc? Bạn có ăn ngày 3 bữa không? Nếu có, vì sao ăn mà không phải làm?
- Bạn có dám từ chối trước một đề nghị bạn cho là xấu?
- Bạn có thấy việc đi trễ giờ ảnh hưởng thế nào đến người khác không? Vì sao bạn không bao giờ đi trễ trong các việc liên quan đến lợi ích cá nhân bạn và thường xuyên đến muộn trong các hoạt động tập thể?
- Bạn nghĩ gì về tính cao thượng của con người? Một ví dụ của người xung quanh mà bạn cho là cao thượng.
- Bạn đã có bao giờ là tiểu nhân chưa? Làm sao để thoát ra lối tiểu nhân này?....
- Tính tham lam và ích kỷ là gì, bạn hãy nêu một ví dụ người nào đó xung quanh bạn mà bạn cho là tham lam và ích kỷ?
- Tính tiểu nông và hẹp hòi. Bạn đã từngcó biểu hiện tiểu nông, hẹp hòi với người khác? Bạn sẽ thay đổi như thế nào?
- Con người cần dũng cảm và chịu trách nhiệm, dám làm dám chịu. Bạn có bao giờ hèn nhát không dám nhận trách nhiệm về việc mình làm chưa? Vì sao bạn lại hèn nhát như vậy?
- Tính quảng đại và tha thứ cũng rất cần thiết. Vì sao con người văn minh cần tha thứ lỗi lầm của người khác cho lần đầu tiên. Nếu họ lặp lại thì có nên tha thứ nữa hay không? Vì sao phải chấm dứt quan hệ với người lặp lại lỗi lầm từ lần thứ 3?
- Tính bảo thủ và kìm hãm sự phát triển bản thân thế nào? Vì sao chúng ta bảo thủ? Cái tôi cá nhân nghĩa là gì? Bạn có dám hy sinh cái tôi cá nhân để cộng đồng tốt đẹp hơn?
- Tính sáng tạo và ham học hỏi. Vì sao châu Á chúng ta luôn theo sau người phương Tây về công nghệ? Bạn làm gì để có tính sáng tạo? Bạn đã từng sáng tạo được cái gì?
- Tính cầu thị và sửa sai. Vì sao mình lại khó chịu khi người khác chỉ trích hay chỉ ra điểm sai của mình? Mình đã từng như vậy chưa? Mình sẽ sửa đổi như thế nào.
- Đức sẵn sàng hy sinh vì người khác. Vì sao chúng ta sẵn sàng hy sinh vì người khác? Người khác nào đáng để chúng ta hy sinh?
- Thói quen chỉ trích và phàn nàn của nhóm người không làm việc. Bạn có bao giờ nhìn thấy một sự việc dưới góc độ tiêu cực, quy trách nhiệm cho ai đó và lên án gay gắt nhưng không hề nhận ra bản thân mình cũng góp phần trong đó?
- Thói đố kị, ghen tị và hệ quả. Bạn có công nhận người khác giỏi hơn và đẹp hơn bạn không? Bạn có hiểu vì sao người khác thành công hơn bạn không? Bạn sẽ làm gì để giống như họ thay vì ghen ghét?
- Giá trị thật sự ở một con người là gì? Bạn đánh giá một con người qua cái gì họ có? Tiền bạc, danh vọng, bằng cấp, chức vụ, đạo đức, trí tuệ, tính nhân văn..?
- Ý thức nơi công cộng gồm có những gì. Liệt kê các hành vi chúng ta không được thực hiện ở nơi công cộng?
- Tính sĩ diện là gì? Vì sao dân châu Á có tính sĩ diện cao? Tính sĩ diện sẽ góp phần trong việc nói dối như thế nào?
- Trong thất bại của tập thể, là một thành viên, bạn quy trách nhiệm cụ thể cho ai hay bạn nghĩ có trách nhiệm của mình trong đó? Vì sao có câu nói "sự đói nghèo của một dân tộc là lỗi của mỗi công dân?". Bạn sẽ tự sửa như thế nào để góp phần vào thành công của tập thể ?
Hiện nay, rất nhiều trường học và công sở ở các nước Á Châu cũng mang các câu hỏi này cho học sinh và nhân viên của họ thảo luận (đặc biệt là Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan; các lãnh thổ Đài Loan, Hồng Công, và gần đây là Ấn Độ, Srilanca, Indonesia… cũng áp dụng).
Trường Quốc tế Nhật Bản