Điếu văn vĩnh biệt nhà giáo, nhà phê bình văn học Lê Tiến Dũng

Thưa toàn thể tang quyến và thân bằng quyến thuộc của Thầy Lê Tiến Dũng,

Thưa quý thầy cô, quý đồng nghiệp và các em sinh viên,

Hôm nay chúng ta cùng có mặt đông đủ nơi đây để bày tỏ niềm thương tiếc và tiễn đưa PGS.TS. Lê Tiến Dũng về nơi an nghỉ cuối cùng.

PGS.TS. LÊ TIẾN DŨNG là Giảng viên cao cấp thuộc Khoa Văn học, nguyên Trưởng Bộ môn Lý luận & Văn học hiện đại, nguyên Phó Trưởng Khoa Ngữ văn & Báo chí, thuộc Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM. Thầy cũng là Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học TP.HCM; nguyên Tổ trưởng tổ Văn và phụ trách đội tuyển Văn Trường Phổ thông Năng khiếu ĐHQG TP.HCM, giáo sư thỉnh giảng của Trường ĐHSP TP.HCM và Đại học Văn Hiến TP.HCM.  

Sinh ngày 30 tháng 3 năm 1957 tại xã Văn Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình trí thức và có truyền thống cách mạng, từ năm 1975 đến năm 1979 Anh Lê Tiến Dũng theo học ở Khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Huế. Với thành tích học tập xuất sắc, Anh được mời ở lại Trường làm cán bộ giảng dạy. Từ năm 1980 đến năm 1982, Anh học Cao học chuyên ngành Lý luận văn học của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội I, bảo vệ luận văn tốt nghiệp với đề tài Những hình thức khái quát nghệ thuật trong truyện và ký Nguyễn Ái Quốc, được đánh giá xuất sắc. Tháng 10 năm 1987 anh chuyển công tác từ Trường ĐH Sư phạm Huế vào Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Từ năm 1995 đến năm 1997, Anh làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Lý thuyết và lịch sử văn học tại trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia TP. HCM, bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với đề tài Thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932-1945 trong quá trình cách tân thơ Việt Nam hiện đại. Năm 2007, TS Lê Tiến Dũng được phong học hàm Phó Giáo sư.  

Từ năm 1987 đến nay, công tác liên tục tại Khoa Ngữ văn & Báo chí, sau đổi thành Khoa Văn học & Ngôn ngữ rồi Khoa Văn học, PGS.TS. Lê Tiến Dũng được Nhà trường tín nhiệm bổ nhiệm giữ các chức vụ Trưởng Bộ môn Lý luận văn học, Phó Trưởng khoa Khoa Ngữ văn và Báo chí. Trong sự nghiệp giáo dục của mình, Thầy đã hướng dẫn thành công gần 20 học viên cao học hoàn thành luận văn thạc sĩ và 2 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

Vừa giảng dạy, vừa làm công tác nghiên cứu và phê bình văn học, PGS.TS. Lê Tiến Dũng đã có hàng trăm bài viết (được công bố trên các tạp chí chuyên ngành, tập san khoa học và báo chí các loại); đồng thời đã cho xuất bản 11 đầu sách, tiêu biểu là: Ca dao dân ca Bình Trị Thiên; Xuân Diệu - một đời người, một đời thơ; Những cách tân nghệ thuật trong thơ Xuân Diệu giai đoạn 1932-1945; Nam Cao - một đời văn; Nhà phê bình và cái roi ngựa; Giáo trình lý luận văn học; Giờ văn ngoài lớp; Một lòng với văn nhân; Nhà văn và phong cách, Nghĩ về văn chương đất Phương Nam...

Với những đóng góp như trên, PGS.TS. Lê Tiến Dũng đã được nhận Giải thưởng cuộc thi bình văn Tạp chí Kiến thức ngày nay (năm 1992); được Chủ tịch nước tặng Giải xuất sắc Cuộc thi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh (do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức năm 2008). Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, PGS.TS. Lê Tiến Dũng được trao tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng.

Gần 20 năm trước, khi mới 43 tuổi, PGS.TS. Lê Tiến Dũng đã bị tai biến mạch máu não, sau đó tiếp tục bị tai biến thêm 2 lần nữa. Tuy nhiên, với nghị lực phi thường, Thầy đã cố gắng vượt qua bệnh tật, không ngừng biên soạn nhiều bài báo, tập sách phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và đáp ứng nhu cầu người đọc. Quyển sách cuối cùng ra đời vào tháng 10 năm 2017, chỉ mới cách đây vài tháng, thể hiện nỗ lực đáng khâm phục của Thầy, quyết vượt lên nghịch cảnh để miệt mài lao động khoa học bằng tâm huyết của một nhà giáo, nhà khoa học chân chính.

Nhưng, cơn tai biến lần thứ tư ngày 8 tháng 4 năm 2018 đã buộc Thầy vĩnh biệt chúng ta. Mặc dù được gia đình tức tốc đưa vào bệnh viện và hết lòng chăm sóc, được các bác sĩ tận tình cứu chữa, lần trọng bệnh này Thầy đã không qua khỏi. PGS.TS Lê Tiến Dũng từ trần lúc 7g12 phút ngày 10/4/2018, hưởng thọ 62 tuổi.

Nhớ đến PGS.TS Lê Tiến Dũng, chúng ta nhớ đến một nhà giáo say mê với sự nghiệp trồng người, yêu văn chương, giảng dạy sinh động và lôi cuốn, tận tuỵ với học trò, được nhiều thế hệ sinh viên yêu kính. Nhiều sinh viên Khoa Văn giờ đây đã trở thành giảng viên đại học, thành nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu phê bình văn học... đều nhắc đến thầy Lê Tiến Dũng của mình với những kỷ niệm không thể phai mờ.

Nhớ đến PGS.TS Lê Tiến Dũng, chúng ta nhớ đến một nhà phê bình văn học uyên bác, tài hoa, sắc sảo. Vào những năm đầu Đổi mới, Thầy là cây bút năng nổ, nhiệt tình, xuất hiện thường xuyên trên các tờ báo, tập san văn nghệ có tiếng như Cửa Việt, Sông Hương, Văn nghệ Trung ương... để tranh luận về các vấn để lý luận văn học; phát hiện, ủng hộ cái mới, đấu tranh chống lại những quan điểm lạc hậu, sai trái, thúc đẩy quá trình đổi mới văn học nước nhà…

Nhớ đến PGS.TS Lê Tiến Dũng, chúng ta nhớ đến người cán bộ lãnh đạo Bộ môn, lãnh đạo Khoa năng động, giàu sáng kiến, công tâm, liêm khiết; nhớ đến người đảng viên gương mẫu, không một buổi họp nào bỏ sót, luôn có ý kiến thẵng thắn, sắc sảo để góp phần đưa tập thể tiến lên.

Nhớ đến Anh Lê Tiến Dũng, bằng hữu của Anh nhớ mãi hình ảnh người bạn chí nghĩa, chí tình: lúc khó khăn thì nhường cơm sẻ áo, lúc khá giả thì không quên bạn bè thủa hàn vi. Nhà của Anh là nơi trú chân thường xuyên của các bạn văn, bạn học phương xa khi có dịp vào TPHCM công tác.

Nhớ đến Anh Lê Tiến Dũng, thân bằng quyến thuộc nhớ đến một người bà con chu đáo, tận tâm, luôn kính trên nhường dưới. Những người con đã trưởng thành của Anh mãi nhớ đến người cha nặng tình thương yêu con cái, luôn mong muốn mình mạnh khỏe, sống lâu để nuôi dạy con khôn lớn, nên người.   

Trong giờ phút này đây, chúng ta vô cùng đau xót tiễn biệt Anh. Dẫu biết cuộc đời là cõi tạm, sinh lão bệnh tử là lẽ thường xưa nay, nhưng niềm nghẹn ngào xúc động cứ dâng trào. Chúng ta nhớ đến Thi hào Nguyễn Du khi Người khẳng định: Cuộc đời “những đấng tài hoa/ Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Chúng ta tin rằng, tinh anh của nhà giáo, nhà phê bình văn học Lê Tiến Dũng vẫn còn hiển hiện qua những giờ giảng văn, qua những công trình nghiên cứu phê bình văn học để lại nhiều giá trị và ý nghĩa cho cuộc đời này.

Vĩnh biệt Anh, chúng tôi nguyện theo tấm gương của Anh, không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trong nghề nghiệp; làm nhiều việc có ích cho đời, cho người. Chúng tôi nguyện cùng gia đình Anh chăm lo con cái Anh cho đến khi các cháu trưởng thành.

Xin cúi đầu mặc niệm vĩnh biệt Anh, PGS.TS. Lê Tiến Dũng!

                                                              Lê Hữu Phước – Lê Giang

Thông tin truy cập

63688560
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
8852
23426
63688560

Thành viên trực tuyến

Đang có 903 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website