Nguyễn Công Trứ trong chương trình Ngữ văn Phổ thông

Nguyễn Công Trứ là một tác gia lớn trong lịch sử văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Ông vừa là một nhà nho hành động, đồng thời là tác gia tiêu biểu cho loại hình nhà nho tài tử thời trung đại. Với Ca trù - Hát nói thì có thể nói ông là người đầu tiên đưa một thể loại thuộc nghệ thuật diễn xướng nơi ca lâu tửu quán vào văn học thành văn rồi nâng cấp thành một thể loại văn học, và đặc biệt đây lại là thể loại văn học tự thân, mà các nền văn học đồng văn trong khu vực không có. Nếu nghệ thuật diễn xướng Ca trù thường đề cập về giai nhân tài tử, thì với Hát nói, Nguyễn Công Trứ đã đề cập vấn đề chí làm trai, chí nam nhi, chí anh hùng, và các chí ấy đã trở thành khuôn mẫu, thành phương châm để con người sống và hành động.

Do Nguyễn Công Trứ có một vai trò và vị trí quan trọng trong văn chương đầu triều Nguyễn nên hầu hết các bộ văn học sử Việt Nam đều có chương viết riêng về thơ văn của ông. Tác gia Nguyễn Công Trứ được đưa vào giảng dạy trong chương trình từ Trung học Cơ sở đến Trung học Phổ thông, rồi đến khoa Ngữ văn bậc Đại học.

Ở chương trình phổ thông, Nguyễn Công Trứ được học như một trong những tác gia tiêu biểu nhất của văn học trung đại. Tác phẩm của ông trước kia có 2 bài được đưa vào sách Ngữ văn lớp 9 và lớp 11 là Chí khí anh hùng Bài ca ngất ngưởng, sau khi “giảm tải”, hiện nay chỉ còn Bài ca ngất ngưởng, trong sách Ngữ văn 11 tập một, ở cả hai bộ sách cơ bản và nâng cao. Sách biên soạn đã lâu nhưng văn bản, chú giải, soạn giảng cho Bài ca ngất ngưỡng vẫn còn có một số vấn đề cần phải bổ sung, làm rõ. Bài viết này trình bày về các vấn đề đó, và đề xuất một số ý kiến với mong muốn biên soạn về thơ văn Nguyễn Công Trứ tốt hơn trong chương trình Ngữ văn sắp tới.  

  1. 1. Về văn bản Bài ca ngất ngưởng

Văn bản Bài ca ngất ngưởng khá phức tạp, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Cho đến nay văn bản này có bốn dị bản chính:

  1. Bản Nôm trong Gia phả tập biên, ký hiệu VHc 02867 (Thư viện Hán Nôm) mà Đoàn Lê Giang đã giới thiệu trong bài Vấn đề văn bản “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ (tạp chí Nghiên cứu Văn học số 2 năm 2006), gọi tắt là bản Gia phả tập biên;
  2. Bản Lê Thước công bố trong Sự nghiệp văn thi văn của Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ. Lê Văn Tân xuất bản, 1928, gọi tắt là bản Lê Thước;
  3. Bản của Thái Kim Đỉnh trong Năm thế kỉ văn Nôm người NghệNxb Nghệ An, Vinh,1994, gọi tắt là bản Thái Kim Đỉnh;
  4. Bản Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề công bố trong Việt Nam ca trù biên khảo xuất bản ở Sài Gòn, 1962 (NXB.TP.HCM tái bản, 1994), gọi tắt là bản Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề.

Văn bản Bài ca ngất ngưởng trong SGK Ngữ văn hiện hành (Ngữ văn 11, tập 1, cơ bản và nâng cao) sử dụng bản Lê Thước, như sau:

Vũ trụ nội mạc phi phận sự

Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng

Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông

Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng

Lúc bình Tây, cờ đại tướng,

Có khi về Phủ doãn Thừa Thiên.

Đô môn giải tổ chi niên,

Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng.

Kìa núi nọ phau phau mây trắng,

Tay kiếm cung mà nên dạng từ bi.

Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì,

Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng.

Được mất dương dương người thái thượng,

Khen chê phơi phới ngọn đông phong.

Khi ca, khi tửu, khi cắc, khi tùng,

Không Phật, không Tiên, không vướng tục.

Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú

Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ chung.

Trong triều ai ngất ngưởng như ông!

  1. 1.1. Về phần giới thiệu tác giả Nguyễn Công Trứ trong SGK

Trong SGK giới thiệu Nguyễn Công Trứ còn khá sơ lược, chưa khái quát hết những nét tiêu biểu về sự nghiệp và tính cách, tư tưởng của ông, như: coi trọng công danh (công danh ở đây là công trạng và danh tiếng, danh dự, chứ không phải danh lợi). Những mâu thuẫn trong tính cách, suy nghĩ do điều kiện xã hội chi phối: ông rất coi trọng việc lập thân lập nghiệp nhưng có lúc ông lại đề cao sự hưởng nhàn, hưởng lạc; ông thiết tha yêu nước, thương dân, ông đề xuất nhiều chính sách vì lợi ích của dân nhưng chính ông cũng là người cầm quân đi dẹp “loạn” nông dân… Theo chúng tôi, SGK nên có đôi dòng giới thiệu thêm như vậy để người học bước đầu hình dung ra được con người, sự nghiệp, tính cách, tư tưởng của Nguyễn Công Trứ được rõ ràng hơn, giúp người học dễ dàng hiểu đúng, hiểu rõ tác phẩm hơn.

  1. 1.2. Về phần chú thích và dịch nghĩa

- Câu “Khi Thủ khoa, khi Tham tán, khi Tổng đốc Đông” SGK chú thích từ “Tổng đốc Đông” như sau: “năm 1835, ông giữ chức Tổng đốc Hải An (Hải Dương và Quảng Yên). Đây là hai tỉnh phía đông Hà Nội” [1]. Chú thích cho cụm từ này chúng tôi thấy Nguyễn Thanh Tùng viết rõ ràng hơn. Nguyễn Thanh Tùng cũng có đề xuất “Ở đây cần chú thích thêm về Tổng đốc Đông: chỉ việc Nguyễn Công Trứ giữ chức Tổng đốc Hải Yên: Tổng đốc kiêm coi hai tỉnh Hải Dương và Quảng Yên (tức Quảng Ninh ngày nay). Chế độ coi kiêm này khá thịnh hành thời Nguyễn, chẳng hạn như: Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên, Tổng đốc Hà - Ninh - Thái… Đông chính là chỉ Hải Dương, vì tên thường gọi của tỉnh Hải Dương thời Nguyễn là tỉnh Đông. Hơn nữa, trước đó, trấn Hải Dương còn bao gồm cả Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay. Từ thời Trần, lộ Hải Dương còn gọi là lộ Hải Đông, tên này vẫn thường được dùng sau đó… Như vậy Tổng đốc Đông là một chức vụ khá quan trọng, quản lĩnh một vùng rộng lớn, trọng yếu của đất nước” [5]

- Câu “Đô môn giải tổ chi niên/ Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”, SGK ghi “Giải tổ: cởi dây đeo ấn. Nghĩa cả câu: năm ở kinh đô cởi trả ấn (của quan lại) để về hưu” [1]. Ở đây, theo chúng tôi, tác giả SGK nên giải thích thêm cho học sinh rõ “Giải tổ là một thành ngữ, chỉ người bỏ quan về nghỉ. Vi Ứng Vật có câu thơ: Giải tổ ngạo lâm viên (Bỏ quan về sống ngạo ở chốn vườn, rừng)”.

Chú thích cho câu “Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng” SGK viết như sau: “Tương truyền ông về hưu, thường cưỡi bò vàng có đeo nhạc ngựa; lại treo cái mo cau ở phần trên đuôi bò, nói là để che miệng thế gian”. Đoàn Lê Giang phân tích: thứ nhất đây là việc có thực chứ không phải chỉ là tương truyền, điều này được thể hiện rõ trong mấy bài thơ bạn bè tặng ông khi ông về hưu: “Đó là bài thơ của Ngô Bỉnh Đức, Án sát sứ Hải Dương. Bài thơ nói rõ việc Nguyễn Công Trứ cưỡi bò ra khỏi Kinh đô là chuyện có thật, và sự kiện đó đã gây một cú “sốc” đối với dân Kinh kì: họ đổ xô ra xem quan Phủ doãn cưỡi bò về quê” [2]. Thứ hai, việc cưỡi bò cũng diễn ra ngay tại kinh đô Huế trong ngày ông treo ấn từ quan, ông cưỡi bò để đi về quê, chứ không phải khi về quê rồi mới cưỡi bò.

Nguyễn Thanh Tùng cũng đồng quan điểm trên “Việc này cũng diễn ra ngay tại kinh đô Huế trong ngày ông treo ấn từ quan, theo lệ trí sĩ, để về quê. Hai dòng: “Đô môn giải tổ chi niên/ Đạc ngựa, bò vàng đeo ngất ngưởng” chính là để diễn tả ý đó. Dòng trên chính là trạng ngữ chỉ thời gian cho dòng dưới với tư cách là nòng cốt” [5]

Trong bài Bài ca ngất ngưỡng - Lời thơ tuyên ngôn tác giả Trần Thị Băng Thanh có viết “Ngày 3 tháng 8 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) khi xin về hưu ông đã làm đơn nộp trả lại hết các bằng sắc cho triều đình và ngày “đô môn giải tổ” chỉ còn đọng lại duy nhất trong ông một sự kiện ngất ngưởng: Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng…” [dẫn theo (6)]. Về cơ bản ba tác giả đều thống nhất với nhau ở điểm này. Vậy nên chăng tác giả SGK cần có sự chú thích lại cho rõ ràng và chính xác hơn, tránh gây hiểu lầm cho người học, người đọc.

- Câu “Được mất dương dương người thái thượng” SGK chú thích: “Người thái thượng: ý nói những người thời thượng cổ, không quan tâm chuyện được mất” [1]. Về vấn đề này, Đoàn Lê Giang có ý kiến “Chúng tôi cho rằng người tái thượng - người trên ải, lấy từ tích Tái ông thất mã phù hợp hơn là thái thượng…” [2] Nguyễn Thanh Tùng cũng có ý kiến tương tự và tác giả giải thích cụm từ “người tái thượng” là dịch từ cụm “tái thượng chi nhân” trong sách Hoài Nam Tử.

- Bản trong SGK viết “Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú”. Câu này trong Gia phả tập biên và bản của Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề viết “Chẳng Hàn, Nhạc cũng vào phường Mai Phúc”. Theo Đoàn Lê Giang thì văn bản Gia phả tập biên và Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề hợp lí hơn, vì “ý của nó là: Chẳng làm được danh thần, danh tướng như Hàn Kì, Nhạc Phi thì cũng làm được danh nho và ẩn sĩ như Mai Phúc, như vậy khá thông suốt” [2]

Nguyễn Thanh Tùng thì phân tích “Mai Phúc đúng hơn vì thế mới hiệp vần tục/phúc… Hơn nữa, ở đây ông muốn nói là không phải bậc danh thần nhập thế (Hàn, Nhạc) thì cũng là danh nho xuất thế (Mai Phúc), như thế mới có ý nhấn mạnh, tăng tiến, và cũng hợp với hoàn cảnh về trí sĩ lúc bấy giờ của Nguyễn Công Trứ” [5]. Tuy nhiên, về mặt hình thức thì câu “Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Mai Phúc” không cân đối bằng câu “Chẳng Trái, Nhạc cũng vào phường Hàn, Phú” bởi Trái, Nhạc là hai người, Hàn, Phú cũng hai người, nhưng Mai Phúc thì chỉ có một.

- Đến câu kết bài “Trong triều ai ngất ngưởng như ông!” thì hình như tác giả đã phiên âm thừa một chữ so với số chữ quy định ở câu kết. Hát nói vốn là bài hát phổ theo nhịp phách cho các cô đầu hát, là một thể thơ tương đối tự do nên số chữ trong câu không bị quy định gò bó. Tuy nhiên, câu cuối thì luôn luôn phải là lục ngôn “Thông thường, một câu có bảy, tám chữ, có trường hợp một câu chỉ có ba, bốn chữ, có trường hợp một câu kéo dài đến mười ba mười bốn chữ. Riêng câu cuối thì bao giờ cũng phải sáu chữ cho hợp với nhịp phách” [3]. Đoàn Lê Giang và Nguyễn Thanh Tùng đều có chung quan điểm, cả hai nhà nghiên cứu đều cho rằng câu trong bản của Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề “Đời ai ngất ngưởng như ông” là đúng hơn và hay hơn. Nguyễn Thanh Tùng nhận xét “Một là, đáp ứng đúng cấu trúc thường thấy của bài hát nói: câu cuối cùng (tức câu keo) bắt buộc đúng 6 chữ. Hai là, “đời ai” rộng hơn “trong triều”. Vả lại lúc này Nguyễn Công Trứ đã “giải tổ”, cưỡi bò vàng mà về quê hương, nơi “phau phau mây trắng” ông còn lưu luyến gì triều đình mà còn phải nói “trong triều”. Câu cuối “Đời ai…” mới ứng hợp với câu đầu tiên “Vũ trụ nội mạc phi phận sự”. Nguyễn Công Trứ nói đến cả cuộc đời ngất ngưởng của ông chứ đâu chỉ nói chuyện “trong triều” và ở đây, ông đâu chỉ ngông, chỉ ngạo với “trong triều” mà rộng hơn là với đời. Đó mới là bản lĩnh Nguyễn Công Trứ…” [5]

  1. 1.3. Về câu hỏi hướng dẫn học bài

Câu hỏi hướng dẫn học bài cho văn bản Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ trong SGK hiện hành có tất cả là bốn câu hỏi, cụ thể như sau:

Câu 1: Trong Bài ca ngất ngưởng, từ “ngất ngưởng” được sử dụng mấy lần? Anh (chị) hãy xác định nghĩa của từ “ngất ngưởng” qua các văn cảnh sử dụng đó.

Câu 2: Dựa vào văn bản Bài ca ngất ngưởng, anh (chị) hãy giải thích vì sao Nguyễn Công Trứ biết rằng việc làm quan là gò bó, mất tự do (vào lồng) nhưng vẫn ra làm quan.

Câu 3: Ở bài hát nói này, Nguyễn Công Trứ tự kể về mình. Vì sao ông cho mình là ngất ngưởng? Ông đánh giá sự ngất ngưởng của mình như thế nào?

Câu 4: Đọc diễn cảm bài hát nói này. Hãy chỉ ra những nét tự do của thể tài hát nói so với thơ Đường luật và cho biết ý nghĩa của tính chất tự do đó.

- Ở câu 1, theo chúng tôi, để tránh áp đặt tác giả SGK có thể nêu câu hỏi gợi mở định hướng cho việc phân tích, chẳng hạn như: Theo anh (chị) từ ngất ngưởng diễn tả một tư thế nào của con người? Trong Bài ca ngất ngưởng, từ “ngất ngưởng” được sử dụng mấy lần? Mỗi từ “ngất ngưởng” gắn với giai đoạn nào trong cuộc đời nhà thơ, thể hiện ở đoạn thơ nào trong bài?

- Trong các câu hỏi hướng dẫn học bài không có câu hỏi hỏi về nghệ thuật của tác phẩm. Chúng tôi đề xuất thêm câu hỏi về nghệ thuật tác phẩm, chẳng hạn như:

Anh (chị) có nhận xét gì về nghệ thuật ngôn từ và các thủ pháp nghệ thuật được sử dụng trong bài thơ?

Hay: Theo anh (chị) giọng điệu của bài thơ có gì đặc sắc? Hãy cho biết cảm nhận của anh (chị) về giọng điệu của bài thơ.

- Về “cái tôi”, cái “ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ chúng ta có thể có câu hỏi liên hệ thực tế như sau:

Anh (chị) hãy cho biết suy nghĩ của mình về triết lí sống, phong cách sống của Nguyễn Công Trứ? Liên hệ quan niệm sống của giới trẻ hiện nay.

Hay: Nếu “ngất ngưởng” là một phong cách sống thì đó có phải là cách sống lập dị, thích thể hiện bản thân hoặc bất chấp như một số bạn trẻ hiện nay không?   

Với câu hỏi sẵn có trong SGK kết hợp với những câu hỏi chúng tôi đề xuất hi vọng sẽ tạo ra một hệ thống câu hỏi hợp lí, tìm hiểu văn bản được toàn diện, đầy đủ hơn. Và quan trọng nhất là hệ thống câu hỏi đã hướng đến việc phát triển năng lực, phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học, phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục hiện nay.

  1. 2. Cần đưa thêm tác phẩm Nguyễn Công Trứ vào chương trình mới

Trong chương trình Quốc văn ở bậc Trung học phổ thông từ trước 1975, tác phẩm của Nguyễn Công Trứ được tuyển rất nhiều.

Cụ thể, theo thống kê của Nguyễn Công Lý [4], sách giáo khoa Giảng văn lớp 9 có 28 bài (vừa giảng bình vừa đọc thêm): Đi thi tự vịnh, Vịnh cảnh nghèo, Quân tử cố cùng, Hội gió mây, Thú điền viên, Thú ẩn dật, Tự thuật, Vịnh cây cau, Vịnh cây thông, Vịnh cây vông, Vịnh trống đại cổ, Luận kẻ sĩ, Chí nam nhi, Nợ tang bồng, Nợ công danh, Thế tình đen bạc, Khuyên người đời, Trò chơi, Vinh nhục, Cảm tưởng ngày tháng thanh nhàn, Thoát vòng danh lợi, Hành tàng, Thú thanh nhàn, Vịnh cảnh già, Vô cầu, Vịnh mùa đông, Chí làm trai, Cầm kì thi tửu (khảo sát bộ sách của Thẩm Thệ Hà, Xuân Tước, Bằng Giang. Sống Mới xuất bản, SG, 1974).

Trong sách giáo khoa Giảng văn lớp 11 có 30 bài: Thế tình đối với cảnh nghèo, Vịnh cảnh nghèo, Quân tử cố cùng, Hội gió mây, Thú điền viên, Thú ẩn dật, Muộn thành đạt, Hàn nho phong vị thú, Chí làm trai, Nợ nam nhi, Luận kẻ sĩ, Nợ tang bồng, Nợ công danh… Trong đó có nhiều bài trùng nhau, đã có trong chương trình lớp 9 rồi lại đưa vào chương trình 11 (khảo sát bộ sách của Thẩm Thệ Hà, Xuân Tước, Bằng Giang. Sống Mới xuất bản, SG, 1974).

Việc chương trình Quốc văn ở miền Nam trước 1975 chọn nhiều bài của Nguyễn Công Trứ, để sau năm 1975 đã từng có ý kiến rất thiếu khách quan như thế này: “Ở con người Nguyễn Công Trứ có nhiều yếu tố tiêu cực để cho chủ nghĩa thực dân mới lợi dụng, khai thác triệt để”, chọn nhiều bài thơ của Nguyễn Công Trứ là “nhằm phục vụ những ý đồ đen tối của văn hóa thực dân mới” (Nguyễn Phan Quang, Nguyễn Danh Phiệt, Vài ý kiến về nhân vật Nguyễn Công Trứ) [dẫn theo (6)]. 

Chương trình Ngữ văn hiện hành, trước kia ở bậc Trung học cơ sở có 1 bài của Nguyễn Công Trứ (Chí khí anh hùng), ở bậc Trung học phổ thông có 1 bài nữa (Bài ca ngất ngưởng), đến nay “giảm tải” đi chỉ còn có 1 bài ở lớp 11. Như vậy phải chăng là quá ít so với giá trị, vị trí của Nguyễn Công Trứ trong lịch sử văn học?

Chúng tôi đề nghị đưa 3 bài thơ và 1 bài phú vào phần đọc thêm của sách Ngữ văn:

- Đi thi tự vịnh

- Chí nam nhi

- Chí khí anh hùng

- Hàn nho phong vị phú

Đây là những tác phẩm từng được đưa vào nhiều tuyển tập, hợp tuyển, sách giáo khoa nhiều thời kỳ khác nhau. Những tác phẩm ấy cần đưa lại vào chương trình tới đây vì chính những giá trị, ý nghĩa đối với hiện tại, phù hợp với định hướng của bộ môn Ngữ văn.

Bài Đi thi tự vịnh thể hiện quyết tâm, hăm hở phải học hành và thi đỗ, đem kiến thức học được mà làm những việc có ý nghĩa giúp nước giúp dân, để lưu danh tốt cho muôn đời. Đó là thái độ sống đúng đắn, tích cực, có hoài bão, có lí tưởng. Ngày nay, đọc những câu thơ ấy của Nguyễn Công Trứ chúng ta vẫn cảm thấy như được truyền ngọn lửa nhiệt huyết, thấy phấn chấn trong lòng, cũng muốn noi gương ông mà học tập và cống hiến thật nhiều cho đất nước. Xứng đáng với sự mong đợi của thế hệ cha ông vào lớp con cháu sau này, xứng đáng với niềm tin, niềm hi vọng “tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.

Ở bài Chí làm trai, Chí khí anh hùng cũng là sự thể hiện quyết tâm lập công danh, đem tài trí giúp nước, giúp đời. Nguyễn Công Trứ nêu cao tư tưởng “trung hiếu”. Đối với ông, trung hiếu không chỉ là nghĩa vụ mà còn là triết lí sống. Đó là một quan niệm sống mãnh liệt, hăng say đến cuồng nhiệt. Cái chí ấy có cội rễ từ truyền thống hào hùng của dân tộc, nó đã trở thành lí tưởng, là điều tâm niệm, nó là động lực là mục đích sống của biết bao thế hệ. Quan niệm ấy, cái chí anh hùng ấy cũng phù hợp với quan niệm anh hùng của nhân dân lao động “Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên”. Ngày nay, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, tâm lí con người thích “tận hưởng” cho bản thân hơn là “tận hiến”, nhiều người đã quên đi, đã đánh mất những tình cảm, những tư tưởng tốt đẹp ấy. Văn học nhất là văn học trong nhà trường có trách nhiệm định hướng con người tìm lại những chân giá trị, những mỹ đức ấy. Tác phẩm của Nguyễn Công Trứ có tác dụng nâng đỡ, thanh lọc tâm hồn người đọc, giúp chúng ta vượt qua được những toan tính vụn vặt, nhỏ nhặt, ích kỉ, tư lợi… giúp chúng ta biết hòa cái riêng vào cái chung, cá nhân vào tập thể, gắn mình với những trách nhiệm lớn lao cao cả đối với Tổ quốc. Bài thơ còn có tác dụng giáo dục mạnh mẽ, nhắc nhở chúng ta về bổn phận, về trách nhiệm với đất nước. Nói như nhà nghiên cứu Lê Thước “Ta đọc đến lời văn cụ, tự nhiên lòng sinh hăng hái, muốn đi, muốn chạy, muốn đem thân gánh vác việc đời, để giúp đời cho khỏi những nỗi bi ai khốn khổ (…) đương cái thời đại cạnh tranh này, kẻ thời bôn xu quá, đến nỗi quên mất liêm sỉ, kẻ thời nhu nhược quá đến nỗi sinh ra chán đời, quốc dân ta nếu muốn chấn khởi cái tinh thần, bồi thực cái khí tiết, cho ngày một mạnh mẽ thêm lên, thời cái lối văn chương hùng tráng này há lại không nên sùng bái lắm ru” [dẫn theo (6)].   

- Bài Hàn nho phong vị phú là bài phú Nôm tiêu biểu nhất của Nguyễn Công Trứ. Thể phú đã bắt đầu xuất hiện từ đầu đời Trần. Phú có hai lối chủ yếu. Thứ nhất là lối nghiêm trang, lối này mang đậm tính giáo huấn, dùng nhiều chữ nghĩa trong sách thánh hiền để chỉ dạy. Thứ hai là lối chơi, lối này có tính hài hước, trào phúng, dùng nhiều thành ngữ tục ngữ nôm na. Bài Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ thuộc lối thứ hai. Bài phú miêu tả cái nghèo, cái khổ bằng ngòi bút vừa hiện thực vừa trào lộng. Phải chăng ông quá chán ghét cái nghèo, bởi muôn sự khổ không gì khổ bằng nghèo! Giọng điệu bài phú bi phẫn, chua xót lẫn hài hước. Đồng thời ông còn tỏ rõ thái độ coi khinh, thậm chí thù địch với bọn hào phú đương thời. Ở cuối bài phú ông đã ngợi ca sự thành đạt của Mãi Thần, Mông Chính và cười nhạo sự tiêu vong của phú hào Thạch Sùng, Vương Khải. Phải chăng chính thái độ này đã góp phần đưa ông đến với quan niệm “hành lạc” và “tang bồng hồ thỉ”!

Phú là thể loại khó đối với học sinh. Trong chương trình Ngữ văn hiện hành có đưa một số bài phú (Bạch Đằng giang phú, Tịch cư ninh thể phú…), nếu so với các bài phú ấy, thì Hàn Nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ thú vị hơn, tiêu biểu hơn cho phú Nôm.

Nguyễn Công Trứ là một tác giả nổi bật trong văn học trung đại. Càng trải qua thời gian, tác phẩm của ông càng trở nên hấp dẫn với người đọc, đối với học sinh sinh viên hiện nay thơ văn của ông có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Nguyễn Công Trứ là một con người khao khát cống hiến, khao khát hoàn thiện tài năng và phẩm chất của mình, một nhà thơ yêu tiếng Việt, rất tự tin khi chỉ sáng tác bằng tiếng Việt, ông đã góp phần đưa tiếng Việt trở thành tiếng Việt văn học - một thứ ngôn ngữ tinh tế, phong phú, đa sắc. Một tác giả như thế rất cần có vị trí xứng đáng hơn trong chương trình Ngữ văn hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Giáo dục và đào tạo (2014), Ngữ văn 11 (tập 1), NXB Giáo dục Việt Nam
  2. Đoàn Lê Giang, Vấn đề văn bản “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ, Tạp chí Nghiên cứu văn học số 2 năm 2006
  3. Nguyễn Lộc (2012), Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỉ XVIII - đến hết thế kỉ XIX), NXB Giáo dục Việt Nam
  4. Nguyễn Công Lý, “Chương trình và sách giáo khoa môn Văn bậc trung học ở miền Nam trước 1975” in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia “Dạy học Ngữ văn ở trường Phổ thông Việt Nam”. NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2013
  5. Nguyễn Thanh Tùng, “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ: từ văn bản đến hướng tiếp cận, Văn hóa Nghệ An (online), ngày 23 tháng 6 năm 2012
  6. Trần Nho Thìn (giới thiệu và tuyển chọn) (2003), Nguyễn Công Trứ về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục

Nguồn: Nguyễn Công Trứ và sự nghiệp lập thân kiến quốc, Nxb Khoa học Xã hội, TP. HCM, 2018, tr. 470-483

Thông tin truy cập

63663039
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6757
17595
63663039

Thành viên trực tuyến

Đang có 883 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website