Trong kí ức của tôi, có một người thầy bước đi khoan thai thư thái. Nhìn ông, tôi như thấy phong thái của một trí thức mà trong trí tưởng tượng của mình thường mơ tưởng.
Năm tôi được gặp Thầy, năm 2011, ông chừng 70 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, thường mặc chiếc áo sơ mi màu xám tro, chiếc quần màu trắng đục, trang phục rất hợp dáng người, trang nhã. Mái đầu bạc trắng gọn gàng, đôi mắt sáng hiền từ. Nét mặt rạng ngời không hiện ra dấu vết của năm tháng, giống như ánh nắng đầu thu. Trên sống mũi là cặp kính gọng vàng thỉnh thoảng đeo. Tác phong của một học giả đáng kính. Học giả có đôi mắt hiền từ tinh tế. Khi nói thường kèm theo điệu cười mỉm. Điềm tĩnh, ung dung, trí tuệ, hiền hậu. Nhất cử nhất động đều hiện ra một khí chất học giả, một thứ khí chất không có ở người đàn ông bình thường. Ông là Nhà giáo ưu tú, Phó Giáo sư, nguyên giảng viên trường Đại học KHXH NV TP HCM – Chu Xuân Diên.
Lần đầu tiên, tôi được gặp Thầy cũng là một sự tình cờ, do lúc đó là giảng viên nam duy nhất của ngành Văn hóa học nên được phân công đưa đón Thầy trong những ngày ở Đại học Đà Lạt giảng dạy môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam cho sinh viên ngành Văn hóa học K33. Trong những ngày đó tôi mới thấy Thầy giống như ông tiên có thật trên đời.
Thông thường, trước khi lên lớp tôi giới thiệu giảng viên mời giảng tới sinh viên của lớp học. Lần đó, tôi giới thiệu với sinh viên rằng ông là PGS-TS. Chu Xuân Diên, nguyên Trưởng Bộ môn Văn học Dân gian, Khoa Ngữ văn & Báo chí Trường Đại học KHXH&NV TP HCM, hiện là Chủ nhiệm Khoa Văn học Trường Đại học Văn Hiến, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian… Sau khi tôi dừng lời, ông chậm rãi đính chính: “Cám ơn thầy Hóa đã giới thiệu nhưng tôi xin đính chính, tôi là PGS. Chu Xuân Diên, chứ không phải PGS-TS. Chu Xuân Diên”.
Ngồi nghe thầy giảng bài môn Cơ sở văn hóa Việt Nam cho các lớp sinh viên, tôi không thấy ông giảng những nội dung cụ thể viết trong giáo trình Cơ sở văn hóa Việt Nam mà chỉ hướng dẫn, giảng giải những vấn đề văn hóa nền tảng, những hệ giá trị văn hóa,… Sau những bài giảng, thầy yêu cầu sinh viên đặt câu hỏi, và Thầy giải đáp cụ thể. Câu hỏi quen thuộc của Thầy sau mỗi bài giảng là: “Có sinh viên nào hỏi nữa không?”. Mỗi lần lên lớp Thầy ngồi ngay ngắn sau bục giảng, ánh mắt sáng ngời. Lời của Thầy giảng cho tôi thấy hình tượng một trí thức uyên bác, một học giả có uy quyền học thuật. Công trình Cơ sở văn hóa Việt Nam của Thầy đã tái bản nhiều lần, Thầy cũng đã lên rất nhiều lớp sinh viên, tuy nhiên, mỗi lần lên giảng ở đây tôi thấy mỗi tối ông đều ngồi vào bàn xem lại bài giảng.
Có lần tôi giở cuốn Cơ sở văn hóa Việt Nam Thầy để trên bàn làm việc trong phòng khách, tôi sửng sốt vì trong mỗi trang sách là chi chít những chú thích bằng mực bi còn tươi màu. PGS Chu Xuân Diên chu đáo và kỹ lưỡng với công việc nghiên cứu như thế khiến tôi hết sức kính trọng và khâm phục.
Đà Lạt những lần Thầy lên giảng trời đều mưa lạnh, những đám lá thông vàng bay lả tả trong chiều ẩm ướt, nhưng hầu như lần nào tôi cũng nghe Thầy đề nghị dẫn đến các nhà sách ở trung tâm thành phố Đà Lạt. Có điều, ông không đến để mua sách, tôi nhớ duy chỉ một lần ông mua cuốn sách Nghiên cứu văn hóa dân gian phương pháp, lịch sử, thể loại của mình để tặng khi đến nhà thăm PGS. Lê Chí Dũng vì ông quên mang lên. Những lần đến nhà sách, tôi đi theo ông, còn ông lại tận tâm chỉ cho tôi chọn cuốn sách này, hay cuốn sách kia, lý giải ngọn ngành vì sao lại chọn như thế.
Tôi đã đọc các công trình của Thầy, đã biết Thầy qua bài viết của GS. TS. Nguyễn Xuân Kính trong cuốn Nghiên cứu văn hóa dân gian phương pháp, lịch sử, thể loại của ông. Nhưng phải sau này, nghĩ lại, tôi mới thấy những lần Thầy lên Đại học Đà Lạt giảng bài, đó là những lần tôi thu nhận được nhiều hơn. Có lần, tôi mạnh dạn hỏi Thầy về băn khoăn trong lựa chọn chuyên môn giữa văn hóa và văn học. Thầy lặng im suy nghĩ một lúc lâu, nói, Hóa à, em với Thầy cũng giống nhau, thầy vốn có nguyện vọng được nghiên cứu và giảng dạy văn học Pháp. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, thầy được GS. Đinh Gia Khánh phân công giảng dạy văn học dân gian. Thầy nói: đã là giảng viên đại học, đó là cơ hội để mình được học tập và nghiên cứu,…
Lần đó, Thầy tâm sự rất nhiều, từ những trải nghiệm trong đời ông, đến quan điểm về giáo dục hiện tại, từ thái độ học tập của sinh viên, đến lý tưởng về quan hệ thầy trò… Đến nay tôi vẫn còn nhớ Thầy đã nói với tôi một câu: Đã là giảng viên đại học, nên đọc sách nhiều. Thầy dặn tôi khi nào xuống Sài Gòn ghé nhà, Thầy tặng mấy cuốn sách đọc. Do công việc quá bận bịu, tôi không ghé nhà Thầy được như hẹn, không ngờ Thầy cất công gửi sách qua xe khách Sài Gòn – Đà Lạt lên cho tôi. Mà có phải là ít đâu, những bốn thùng sách, có nhiều cuốn mới xuất bản gần đây.
“Đọc sách nhiều”, tôi nghĩ, đó không chỉ là yêu cầu của Thầy đối với tôi, với một giảng viên đại học, mà thực tế cũng là phong cách học giả của ông. Tôi có hỏi quan điểm của Thầy việc dư luận xôn xao về SGK môn Ngữ văn lớp 10 đã thay đổi đoạn kết trong câu chuyện cổ tích quen thuộc Tấm Cám. Thầy bảo ông đã nói chuyện này mấy chục năm về trước, rằng “không có gì đáng phải làm ầm ĩ cả lên nếu hiểu rõ bản chất của truyện cổ tích”. Sau đó Thầy chậm rãi giảng giải.
Những ngày ở Đà Lạt, tôi thấy trước khi đi ngủ ông thường cắm tai phone vào điện thoại di động để nghe nhạc. Sợ mình làm ồn Thầy không ngủ được nên tôi đề nghị hay là đến giờ ngủ tôi qua phòng bên để Thầy yên tĩnh. Ông hiểu ý ngay mà nói: “Mình thích nghe nhạc cổ điển Hóa ạ”. Qua ánh sáng đèn bàn sau lưng ông tôi như thấy một người ông đôn hậu đang chỉ bảo đứa cháu yêu thương của mình. Một học giả có khuôn mặt hiều hậu và ánh mắt trong sáng tươi tắn, ấm áp.
Tôi chưa từng nghĩ đến, trong những năm tháng sau này của đời mình, mặc dù không phải là học trò trực tiếp của Thầy, không tiện đến thăm Thầy nhưng sau nhiều lần phân vân, tôi vẫn đến thăm Thầy ở nhà riêng, được nghe ông nói chuyện và hơn nữa giúp tôi tháo gỡ những khó khăn trong chuyên môn. Đến nhà Thầy Cô, tôi như lạc vào biển sách. Nhà ông có 3 tầng, tầng một có phòng khách rộng, hai bức tường dọc nhà là hai kệ sách lớn. Lầu trên, có một phòng rộng để ông đọc sách và làm việc, cũng rất ngăn nắp. Thầy đều ngồi ngay ngắn bên cái bàn làm việc mà nói chuyện.
Lần đó, tôi nhìn bức tranh trên tường với ánh mắt tò mò vì gam màu xám tro và những nét vẽ tượng trưng khó hiểu, ánh mắt tinh tế của ông đã nhìn ra sự tò mò của tôi, với nụ cười thường trực cùng giọng nói Hà Nội trầm ấm rủ rỉ ông lý giải rất ngọn ngành. Đôi mắt kính trên sóng mũi cao thanh cùng ánh mắt dịu dàng như chân lý tỏa sáng trước mặt tôi. Sau này, mỗi lần đăng được một bài trên tạp chí, tôi thường gọi điện thoại khoe với ông, tiếng ông lại rủ rỉ động viên, khích lệ hay gợi ý cho tôi những đề tài này nọ.
Trong ấn tượng của tôi, PGS. Chu Xuân Diên vừa có cái khí chất tu dưỡng của trí thức bậc cao, vừa có sự hiền hậu, ân cần của một người thầy; có cái tâm cống hiến của một học giả và tấm lòng của người ông với con cháu. Đời người dài lâu, ký ức dằng dặc. Cuộc đời là một cuốn sách dày, mỗi lần mở một trang sách, đều là một cuộc tương phùng xa cách lâu ngày. Thế nhưng, tôi với một người Thầy như một người ông ấy mãi mãi là ân tình lĩnh hội trong ký ức dài lâu – Cảm ơn Thầy – PGS. Chu Xuân Diên.
Phạm Văn Hóa
(Giảng viên Đại học Đà Lạt)
Nguồn: Vanvn.vn, ngày 16.12.2022.