Từ một bài thơ chữ Hán, suy nghĩ về vấn đề giảng dạy, bồi dưỡng Hán Nôm

Gần đây, Trung tâm nghiên cứu Quốc học TP. Hồ Chí Minh tái bản bộ Hoàng Việt thi tuyển của Tồn Am Bùi Huy Bích biên soạn. Sách in rất đẹp, giấy trắng, chữ lớn, so với bản dịch cũ năm 1957 (do NXB Văn Hóa xuất bản) có dịch bổ sung thêm nhiều bài và có chỉnh lý một số cách dịch cũ.

“Hoàng Việt thi tuyển” là một bộ sách quý, một nguồn tư liệu học tập, nghiên cứu rất có giá trị đối với người làm công tác và học tập ngành ngữ văn Hán - Nôm. Có được bộ sách trong tay, chúng tôi đọc kỹ nhiều bài, thấy vô cùng xúc động trước những tinh hoa văn hóa của dân tộc. Biết bao tư tưởng sâu sắc cao quý, biết bao quan niệm và thái độ nhìn nhận, xử lý đẹp đẽ đối với tự nhiên, đối với nhân sinh của ông cha ta được bộc lộ qua nghệ thuật ngôn từ tinh luyện, phong cách uẩn áo  và dung dị. Thật cần thiết biết bao việc phổ biến truyền đạt những giá trị văn hóa dân tộc này đến với đông đảo người đọc, nhất là các nhà chuyên môn trẻ tuổi và giới học sinh, sinh viên các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Chúng tôi nghĩ, ngành Hán - Nôm, đặc biệt là bộ môn nghiên cứu và giảng dạy Hán - Nôm chúng ta có thể góp phần tích cực vào công việc hữu ích đó. Từ suy nghĩ như vậy, chúng tôi muốn qua một trường hợp cụ thể trong bộ sách để đề cập vấn đề nghiên cứu và đào tạo Hán - Nôm là đề tài thảo luận của Hội nghị chúng ta hôm nay.

Chỉ xin nêu một trong rất nhiều tác phẩm ưu tú mà bộ sách đã tuyển chọn: bài “Tạp hứng” của Lý Tử Tấn đời Lê, một thi nhân rất quen mà cũng rất lạ.

Lý Tử Tấn là nhà thơ đồng thời với Nguyễn Trãi. Ông sinh năm 1378 mất năm 1457, có tên hiệu Chuyết Am, người làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc, Tỉnh Hà Tây, đậu Tiến sĩ khoa Canh Thìn thời nhà Hồ (1400), làm quan dưới ba triều vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, được thăng dần đến chức Hàn Lâm, thường xuyên được vào chầu nơi học tập của vua để bàn luận văn chương, thi phú.

Lý Tử Tấn cùng với Nguyễn Trãi và Nguyễn Mộng Tuân được xem là 3 ngôi sao sáng nhất trên thi đàn đời Lê đầu thế kỷ thứ XV. Nhưng có điều lạ là các nhà nghiên cứu xưa nay nói rất nhiều đến Nguyễn Trãi và phần nào đến Nguyễn Mộng  Tuân mà rất ít nói đến Lý Tử Tấn ngoài một bài duy nhất “Xương giang phú”. Thật là thiếu sót nếu như trong kiến thức văn học cổ điển của sinh viên học sinh,  biết nhiều về Nguyễn Trãi mà không hề biết gì về nhà thơ lớn này.

Thơ Lý Tử Tấn cũng như thơ Nguyễn Trãi, ngoài các tác phẩm tràn đầy tinh thần yêu nước, thương dân, còn có nhiều bài có nội dung triết lý thâm thuý về nhân sinh, thế sự, nhất là về đạo lý “xuất - xử” của người trí thực đương thời. “Tạp hứng” là một trong các tác phẩm loại đó.

 

“Tạp hứng ” là một chùm 2 bài cùng một đề tài. Nguyên văn như sau:

雜興

其一

雉殪以羽采      

龜灼因殼靈

散財謝梁棟

祝尾免犧牲

用舍信有命

胡爲勞其生

床頭有古書

匣裡有青萍

讀書味道腴

撫劍樂時清

俯仰天地間

寥寥萬古情

TẠP HỨNG

Kỳ nhất

Trĩ ế dĩ vũ thái

Quy chước nhân xác linh

Tản tài tạ lương đống

Chúc vĩ miễn hi sinh

Dụng xả tín hữu mệnh

Hồ vi lao kỳ sinh

Sàng đầu hữu cổ thư

Hạp lý hữu Thanh Bình

Độc thư vị đạo du

Phủ kiếm lạc thì thanh

Phủ ngưỡng thiên địa gian

Liêu liêu vạn cổ tình

 

 

其二

顏閔一何瘦

跖蹻一何肥

施孃一何艷

鹽姆一何媸

松柏千年夀

蒲柳先秋腓

大小自鹏鷃

長短各鵝龜

逍遙天地間

所喜適有宜

萬事只如此

人生奚復疑

Kỳ nhị

Nhan, Mẫn nhất hà sấu,

Chích, Cược nhất hà phì.

Thi, Tường nhất hà diễm,

Diêm, Mẫu nhất hà xi.

Tùng bách thiên niên thọ,

Bồ liễu tiên thu phì.

Đại tiểu tự bằng, án,

Trường đoản các nga, qui.

Tiêu dao thiên địa gian,

Sở hỉ thích hữu nghi.

Vạn sự chỉ như thử

Nhân sinh hề phục nghi

 

 

Dịch thơ

Bài 1

Trĩ chết vì lông đẹp,

Rùa thui bởi vỏ linh.

Gỗ thường không rường cột,

Đuôi cụt khỏi hi sinh,

Dùng bỏ tin nơi mệnh,

Làm chi mệt xác mình.

Đầu giường có sách cổ,

Trong níp có “Thanh bình”.

Đọc sách gẫm đạo tốt,

Vỗ gươm vui thời thanh.

Ngửng cúi khoảng trời đất,

Nghìn xưa bặt mối tình.

 

Bài 2

Chích, Cược sao béo thế,

Nhan, Mẫn sao qúa gầy.

Thi, Tường đẹp lắm nhỉ,

Diêm, Mẫu xấu ghê thay.

Tùng, bách nghìn năm tốt,

Bồ liễu trước thu suy.

Bằng, yến lớn bé khác,

Nga, rùa cao thấp chia.

Rong chơi khoảng giời đất,

Mừng được cảnh thích nghi.

Muôn việc đều  như thế,

Người đời còn ngờ gì ?   

(Bản dịch của bộ “Hoàng Việt thi tuyển” tái bản)

Tên bài thơ đồng thời cũng là một thể loại. Tạp hứng nghĩa là hứng thơ vụn vặt, tản mạn, tự do, không tập trung chuyên chủ, được ghi lại một cách thoải mái, tự nhiên, không có gì câu nệ, gó bó. Thật ra đây chỉ là một cách gọi khiêm tốn thường có của văn hóa xưa. Gọi là tạp mà không hề tạp, không phải là những cảm thức ngẫu nhiên mà là những chiêm nghiệm, những suy ngẫm, những tích lũy lâu dài được diễn đạt có chủ đích trong một cấu trúc thi ca chặt chẽ, với nhịp điệu hài hòa cân đối.

Cả hai bài đều vận dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật: có phú, có tỷ, có hứng, có tự sự, có trữ  tình, có triết lý, có ngụ ngôn, và sử dụng nhiều điển tích, điển cố. Ngôn từ thì vừa trong sáng, giản dị, vừa có phong vị cổ nhã.

Từ hình thức nghệ thuật phong phú đó toát lên tư tưởng chủ yếu của cả hai bài là: tư tưởng Lão Trang (tiêu dao) và tư tưởng Thiền Phật (vô thường), xem vũ trụ, nhân sinh là vô cùng đa dạng và tương đối, cho nên con người nên sống tự tại an nhiên, cư trần lạc đạo:

Phủ ngưỡng thiên địa gian

Tiêu dao thiên địa gian

Cũng như Nguyễn Trãi và nhiều nhà nho đương thời: Khi “xuất” thì hết lòng tích cực với đời nhưng khi “xử” thì thanh thản yên vui với tự nhiên thanh tĩnh, mà ngay trong khi xuất thế giúp đời cũng vẫn luôn giữ lòng tự tại an  nhiên:

Dụng xả tín hữu mệnh

Hồ vi lao kỳ sinh

Sàng  đầu hữu cổ thư

Hạp lý hữu Thanh bình

Lý Tử Tấn xứng đáng đứng cạnh Nguyễn Trãi cả ở phương diện thi ca và nhân cách. Có thể khai thác nhiều điều qúy giá trong các tác phẩm của ông.

Tôi nghĩ những bài thơ này nên được sinh viên ngành Hán - Nôm biết đến.

Ở góc độ giảng dạy Hán-Nôm, ta càng có thể giúp người học tìm hiểu nhiều điểm lý thú về kiến thức văn hóa cổ trong từng câu thơ Hán. Nào là tục gắn lông đôi sặc sỡ của chim trĩ lên mũ võ tướng cho thêm oai phong. Nào tục bói toán bằng cỏ thi và mai rùa nướng cháy, nào tục tế lễ dùng trâu mập, khỏe, đẹp làm vật tế gọi là “hy sinh ”, lấy máu trâu tươi để phết tô chuông … Ở bài 2 thì các nhân vật Nhan Uyên, Mẫn Tử Khiên, Đạo Chích, Trang Cược, Tây Thi, Vương Tường, Chung Vô Diệm. Mô Mẫu là những ai ? Có những chi tiết đặc điểm lý thú gì đáng nhớ ? Rồi những điển tích “Dụng hành, xả tàng ” trong “Luận ngữ ”, “chim bằng, chim yến ” trong Trang Tử, những “phủ ngưỡng, tiêu dao” trong  điển tịch … Những tri thức đó được vận dụng chính xác, tự nhiên với những hư từ dĩ, nhân, kỳ, vị, nhất, tự, các, chỉ, hề … khiến người đọc hiểu tường tận  ý vị từng câu, thấy thơ sâu hơn, hay hơn, lại có thể góp ý về nhiều chỗ chưa thật chính xác trong bản dịch (thí dụ câu: Rùa thui bởi vỏ linh, đọc sách gẫm đạo  tốt, nghìn xưa bặt mối tình …).

Hiểu kỹ lưỡng từ ngữ, kết cấu, điển tích, kết hợp với nhiều tố cần thiết để phẩm bình, người học sẽ thấy được giá trị sâu sắc về tư tưởng và tài năng nghệ thuật phong phú của tác giả.

Từ mong muốn các kiệt tác văn chương của ông cha được biết đến, được hiểu kỹ giá trị, tôi có một số suy nghĩ về vấn đề đào tạo và bồi dưỡng Hán-Nôm.

Chắc mọi người đều nhất trí rằng dạy và học Hán-Nôm đều phải đi vào cách viết chữ, vào ý nghĩa từ ngữ, kết cấu văn pháp, chuyển nghĩa văn bản. Đó là những bước cơ bản, càng kỹ càng tốt. Song đó mới chỉ là  đặt cơ sở tri thức cần thiết. Môn Hán-Nôm phải là môn Ngữ văn Hán-Nôm. Cần giải mã từ ý nghĩa văn tự đến ý nghĩa văn chương. Từ chỗ vận dụng công cụ đến chỗ cảm thụ ý vị nội dung và nghệ thuật sâu sắc phong phú của văn bản dẫn đến sự xúc động của tâm hồn, sự hướng thiện của tư tưởng. Văn bản thơ văn Hán-Nôm (chủ yếu là thơ văn Hán) chuyển tải nhiều tri thức văn hóa và nhận thức sâu sắc của tiền nhân, là sự tổng hợp nhiều kiến văn về nhiều phương diện của đời sống tinh thần con người. Người học ý thức được điều đó đề mà có sự “công phu ”, gắng sức. Người dạy lại càng phải dầy công hơn. Phải nghiên cứu học hỏi không ngừng để có được tiềm lực vững. Nhà nho Nguyễn Đức Đạt đời Nguyễn trong sách “Nam Sơn tùng thoại” thiên nói về việc học có câu: “Cao sơn bất khả dĩ hiệp cơ. Cự mộc bất khả dĩ tế căn. Cước trường giả chích viễn. Khí túc giả âm hồng” (Núi cao không thể đứng trên nền hẹp. Cây cao không thể mọc từ gốc nhỏ. Người chân dài sẽ bước xa. Người nhiều hơi sẽ nói được lớn). Thật hình tượng, mấy câu nói về sự cần thiết, phải xây dựng “tiềm lực tri thức” nói như ngày nay, phải có “nội lực phong phú”. Học nhiều, hiểu rộng, hiểu sâu, sẽ dạy tốt, dạy hay. Biết mười dạy một sẽ thoải mái tự tại trong khi truyền đạt, sẽ vô cùng hạnh phúc  trong giảng dạy. Muốn thế phải công phu, phải uyên bác, phải trở thành những chuyên gia Hán-Nôm giỏi và nhiều tâm huyết.

Về khái niệm “chuyên gia Hán-Nôm”, tôi nghĩ có thể bắt chước cách nói của Lưu Hướng đời Hán trong sách “Thuyết uyển”HáH. Lưu Hướng nói: “Học giả hữu tam đa:  đa khán, đa văn, đa trước thuật”. Người nghiên cứu và giảng dạy Hán-Nôm nếu chưa trở thành được học giả cũng phải được “tam thông”: “Truyền thụ Hán-Nôm giả hữu tam thông: thông ngôn ngữ, thông tri thức văn hóa, thông tư tưởng”, tức là phải tinh thông ngôn ngữ văn tự Hán và Nôm ở cấp độ cao để giải mã văn bản chính xác. Phải thông hiểu nhiều tri thức văn hóa, nhất là những tri thức Hán học, những tri thức về văn hóa của dân tộc. Phải thông tư tưởng, tức là phải quan niệm rõ dàng về giá trị to lớn của di sản văn hóa Hán-Nôm, về sư cần thiết phải tìm hiểu, khai thác, phải yêu mến văn chương Hán-Nôm, có được hứng thú trí tuệ khi nghiên cứu và vận dụng nó. Hướng đi tốt đẹp của những bạn cán bộ giảng dạy Hán-Nôm đang trẻ tuổi còn xa hơn nữa: Không chỉ trở thành chuyên gia Hán-Nôm giỏi trong nước mà còn dần dần tiến tới những nhà Hán học và Nôm học uyên thâm, có thể đối thoại với các nhà Hán học trên thế giới trong những dịp giao lưu khoa học chắc chắn sẽ có trong tình hình hội nhập ngày nay.

 

Thông tin truy cập

63663051
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
6769
17595
63663051

Thành viên trực tuyến

Đang có 874 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website