Kim cổ kỳ quan, một bộ thơ Nôm độc đáo ở miền Tây Nam Bộ

Nguyễn Ngọc Quận[*]

MỞ ĐẦU

Bộ sách Kim cổ kỳ quan của tác giả Nguyễn Văn Thới (1866-1926) được viết bằng chữ Nôm, áng chừng hoàn thành trong khoảng 1900-1926. Bộ sách gồm 9 quyển được đặt tên riêng, với tổng số khoảng 24.000 câu thơ, được xem như một bộ "Thánh kinh" đối với một số bộ phận tín ngưỡng tại Miền Tây Nam Bộ. Rất nhiều người biết đến bộ sách này thông qua một vài bản in quốc ngữ trước 1975. Đây là bộ sách vốn viết tay bằng chữ Nôm, rất ít người biết đến. Ngoài nội dung tư tưởng tiến bộ của bộ sách (khuyến thiện, trừng ác, yêu nước, chống Pháp...) cần được nghiên cứu tìm hiểu, toàn bộ chữ Nôm trong tác phẩm được xem là chứng tích chữ Nôm Nam Bộ, tài liệu quý về văn tự Nôm cần được bảo tồn.

 

Trang 1a quyển Bổn tuồng

1. Vài nét về tiểu sử tác giả Nguyễn Văn Thới.

Nguyễn Văn Thới (1866-1926), tự xưng là Ba Thới, thường được gọi là Ông Ba, người làng Mỹ Trà, Thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, và mất tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông sinh trưởng trong một gia đình bình dân, có học chữ Nho. Ông trưởng thành trong thời kỳ Pháp đã mở cuộc đô hộ nước ta, và ông là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước, chống Pháp. Ông quy y và dời cả gia đình về ở gần chùa Bửu Hương Tự vào khoảng 1905. Nhờ kết thân với ông Trần Văn Nhu (con trai của Quản cơ Trần Văn Thành), một đệ tử của Phật Thầy Tây An (tức Đoàn Văn Huyên, 1807-1856, người sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương và cũng là một nhà yêu nước) và là người có tiếng đạo hạnh cao siêu, nên Ông Ba có điều kiện lĩnh hội giáo lý nhà Phật và hiểu lẽ hưng vong của đất nước. Ông Ba và ông Trần Văn Nhu từng bị lính Pháp bao vây ở chùa Bửu Hương Tự nhưng may mắn trốn thoát. Sau vụ này, để tránh sự theo dõi của nhà cầm quyền, ông bèn dời nhà về làng Kiến An thuộc huyện Chợ Mới, Long Xuyên (nay thuộc An Giang), vào năm 1912 và ở đó cho đến khi ông mất, năm 1926 (có tài liệu nói 1925). Áng chừng các quyển trong bộ Kim cổ kỳ quan lần lượt ra đời trong khoảng thời gian từ 1900 đến 1926, trước khi ông qua đời.

2. Kim cổ kỳ quan, pho sách quan trọng của tín đồ Phật giáo Hoà Hảo.

Khoảng hơn 8 thập kỷ qua, nhân dân nhiều tỉnh ở Miền Tây Nam Bộ, nhất là các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang, dường như khá quen thuộc với tên tuổi "Ông Ba Thới", hoặc "Ông Ba" (Nguyễn Văn Thới), gắn liền với danh tiếng bộ sách Kim cổ kỳ quan (từ đây viết tắt KCKQ). Nhiều câu thơ, nhiều đoạn thơ trong các quyển thuộc bộ KCKQ do Ông Ba sáng tác được nhiều người thuộc nằm lòng; thậm chí nhiều người còn thuộc cả vài ba quyển trong bộ sách ấy. Bản in chữ Quốc ngữ (không rõ cơ quan xuất bản) truyền lưu chủ yếu trong các chùa Phật giáo Hoà Hảo, thường được đọc giảng cho các đạo hữu. Hiện nay, nhiều trang mạng còn đăng nhiều vidéo-clip giới thiệu và ngâm đọc một số quyển hoặc trọn bộ KCKQ một cách trân trọng, coi như một pho sách quý nhằm tăng cường tính tư tưởng cho giáo lý Phật giáo Hoà Hảo. Trên các website của Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo trong và ngoài nước, nhiều bài viết giới thiệu về tác phẩm KCKQ cũng như thân thế, cuộc đời của tác giả Nguyễn Văn Thới đã được đăng tải khá chi tiết. Tuy bộ KCKQ ra đời trước khi Phật giáo Hoà Hảo được khai lập, tức không phải do Nhà sáng lập Phật giáo Hoà Hảo, Đức Huỳnh Giáo chủ, viết ra, song tư tưởng lớn bao trùm trong bộ sách nghiêng hẳn về Phật giáo, về đạo hiếu, về tình yêu thương giống nòi dân tộc, rất gần với tôn chỉ của Phật giáo Hoà Hảo nên nó được tín đồ đạo này quý trọng. Những người không theo Phật giáo Hoà Hảo vẫn rất thích đọc, thích nghe KCKQ, vì họ có thể tìm thấy ở đó tấm lòng ưu thời mẫn thế, kiên trinh, tiết tháo của tác giả, tinh thần từ bi bác ái, khuyến thiện trừng ác, yêu nước thương dân, chống ngoại bang xâm lược…, vì đó đều là những nội dung tích cực, phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc cần được nghiền ngẫm, phổ biến và lưu truyền cho con cháu.

3. Điểm qua một số bài viết về Kim cổ kỳ quan.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ trước đến nay chưa có công trình nghiên cứu hay bài viết chính thức nào được công bố, giới thiệu về bộ sách KCKQ của tác giả Nguyễn Văn Thới. Ở miền Nam trước 1975, nhất là ở khu vực Sài Gòn - Nam Bộ, sách KCKQ, bản phiên âm Quốc ngữ in bằng nhiều khổ giấy khác nhau, được bày bán nhiều nơi. Gần đây, chúng tôi tìm thấy một bản Quốc ngữ Kim cổ kỳ quan (trọn bộ 9 quyển: Kim cổ, Giác mê, Cáo thị, Vân Tiên, Ngồi buồn, Bổn tuồng, Thừa nhàn, Tiền Giang, Kiểng Tiên), tái bản năm Nhâm tý, 1972, do Nhà in Thế Hùng, số 81 Phạm Hồng Thái, Long Xuyên thực hiện (không có nhà xuất bản hay cơ quan nào chịu trách nhiệm xuất bản). Bìa trong của sách này cho biết là [sách in theo] "Bổn chánh Kim cổ kỳ quang (sic) (trọn bộ 9 quyển), tái bản năm Kỷ dậu, 1969". Sách này có "Tựa", tuy nhiên lời "Tựa" thực chất là 52 câu đầu của quyển Kim cổ, tức quyển đầu tiên của bộ KCKQ, viết theo thể thơ thất ngôn, đồng thời thêm 92 câu nữa không tìm thấy trong các bản Nôm. Cuối bài "Tựa" có ghi "Kỷ Dậu niên tái bản, bá nhì thập niên hậu (1849-1969)" (=Năm Kỷ dậu 1969 tái bản, sau 120 năm [kể từ 1849]). Toàn bộ nội dung sách này là bản phiên âm ra Quốc ngữ toàn bộ chữ Nôm tương ứng trong các bản Nôm sưu tầm được ở vùng Nam Bộ của Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (những chữ nào bị mất trong bản Nôm thì ở đây cũng chừa trống; do đó, nhiều câu ở bản Quốc ngữ này đôi khi chỉ có một vài chữ, hoặc không có chữ nào). Có điều, bản Quốc ngữ này rất nhiều chữ bị phiên âm sai từ vựng (như chữ " thì" phiên thành "tự" trong câu Làm sao mắt thấy tai nghe thì làm, Giác mê, tr.2b), sai chính tả tiếng Việt hiện hành (đó là không kể âm Hán Việt ghi theo cách riêng của Nam Bộ như hán/hớn, sinh/sanh, cảnh/kiểng, bản/bổn, nguyên/nguơn, hoãn/huỡn, hoàn/huờn, duyên/duơn, nguyệt/ngoạt, nhị/nhì, bách/bá, nhân/nhơn…).

Hiện trên mạng internet, nhiều website đăng tải cả 9 quyển của bộ sách, song nhìn chung đều giống hệt bản Quốc ngữ của nhà in Thế Hùng nói trên, kể cả các lỗi in ấn vẫn được giữ nguyên. Đáng chú ý là mục Kim cổ kỳ quan chú giải của Nguyễn Thiên Thụ (Canada, http://tuanhieunghia.blogspot.com/p/data.html) vì trong đó ngoài việc giới thiệu toàn văn các quyển trong KCKQ, tác giả có đăng bài viết có tính khảo cứu. Nguyễn Thiên Thụ cho biết "Tác phẩm này ban đầu viết bằng chữ nôm, hay quốc ngữ? Chưa có tài liệu nào xác nhận và chúng ta cũng không thấy bản chánh. Chúng tôi nghĩ rằng ở thôn quê thời điểm 1920 quốc ngữ chưa phổ biến, có lẽ Kim Cổ Kỳ Quan được viết bằng chữ nôm". Nguyễn Thiên Thụ phỏng đoán bản gốc là chữ Nôm với dẫn chứng làm căn cứ chính là những câu thơ trong các quyển có chứa cụm từ "Nôm na". Ngoài việc giới thiệu về tác giả Nguyễn Văn Thới, bài viết dành ra vài đoạn giới thiệu nội dung chính của KCKQ. Đó là "giảng đạo, khuyến thiện, nhưng xen vào đó là những lời tiên tri về tương lai đất nước… Mục đích tiên đoán của ông Ba chính là khuyến thiện, và dẫn chứng các biến cố để cho con người biết tu nhân tích đức để tránh tai nạn". Chưa có bài viết nào giới thiệu về bộ KCKQ - văn bản Nôm trên các tài liệu in cũng như trên các trang mạng cho đến thời điểm này. Ngoài ra, hai nhóm Phật giáo Hoà Hảo ở California và ở Texas (Hoa Kỳ) đều đã phát hành những băng vidéo, audio ngâm, đọc các quyển trong bộ KCKQ dễ dàng tìm thấy trên mạng internet. Văn bản ghi âm trong các băng này theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi đều ngâm, đọc theo các bản Quốc ngữ với những thiếu sót nhất định như đã nêu.

4. Tình hình văn bản Nôm các quyển thuộc bộ Kim cổ kỳ quan.

Trọn bộ KCKQ (9 quyển) với số tổng số khoảng 24.000 câu thơ, được viết bằng cả các thể lục bát, lục bát biến thể (thất-bát), thất ngôn, bát ngôn, tạp ngôn (về số câu, gấp trên 7 lần Truyện Kiều). Trong KCKQ còn có nhiều đoạn văn xuôi Nôm, nhiều bài thơ và kệ bằng chữ Hán.

Chúng tôi lần lượt miêu tả vắn tắt 9 quyển theo thứ tự như các bản Quốc ngữ lưu hành lâu nay. Các bản Nôm được chụp lưu và miêu tả ở đây đều có cách đóng quyển truyền thống về văn bản Hán Nôm nói chung (một tờ gấp thành 2 trang, thường gọi là trang a, b), viết bằng bút lông trên hai loại giấy, đó là giấy dó và giấy dầu. Giấy dầu nói ở đây là một loại giấy trong mờ sử dụng phổ biến ở miền Nam, nhất là những năm trước và sau 1960 chủ yếu là dùng để bao tập vở cho học sinh. Các bản giấy dầu có nét chữ giống nhau, có lẽ do cùng một người viết, tuy hơi khó đọc nhưng nét chữ nhìn chung ổn định. Các bản photocopy sẽ được ghi kích thước khổ giấy, còn lại là ảnh chụp kỹ thuật số đều không được biết kích thước.

1/ KIM CỔ: Thơ, sơ bộ đếm được 2.808 câu. Hiện có 2 bản Nôm:

- Sách giấy dó chép tay, gồm 87 tờ, mỗi trang 8 cột. Gần 2 trang đầu chữ viết liên tục, không cách quãng, được các bản Quốc ngữ cho là "lời tựa", gồm 52 câu thơ thất ngôn. Từ hai cột ở cuối trang 1b trở xuống được chép mỗi cột hai câu thơ, câu lẻ 7 chữ ở trên, câu chẵn 8 chữ ở dưới, có cách quãng ở giữa trang. Chữ viết nhìn chung khá rõ; một số chữ bị rách mất ở trang cuối quyển.

- Sách giấy dầu chép tay, gồm 50 tờ, khổ 21x22 (cm), nội dung tương tự sách giấy dó nói trên, mỗi trang 14 cột, mỗi cột 2 câu (trang cuối tăng số câu cho hết quyển trong trang này).

2/ GIÁC MÊ: Thơ, có 400 câu, sách giấy dó, 12 tờ (24 trang, không kể bìa). Mỗi trang 6 cột, viết liên tục không cách quãng, trừ trang áp cuối câu trên cách câu dưới một quãng. Chữ viết đôi khi pha thảo, vài trang bị lem mực, vài trang bị rách mất dăm bảy chữ ở mép bìa sách. Thơ ở quyển này không thuần một thể. Vài trăm câu đầu theo thể song thất lục bát, có chen một bài thơ thất ngôn bát cú biến thể, một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán. Có một mảng 80 câu thất ngôn, câu đầu giống câu cuối theo lối thủ vĩ ngâm, trong đó cứ 8 câu có thể tách ra thành bài riêng, vị chi thành 10 bài thất ngôn bát cú, nối nhau có 2 hoặc 3 chữ lặp lại (2 chữ câu đầu bài dưới lặp lại 2 hoặc 3 chữ câu cuối bài trên) theo lối liên hoàn (ví dụ, câu cuối bài trên: "Biển khổ sông mê thấy những phiền", thì câu đầu bài kế theo: "Thấy những phiền cho cuộc ở đời"…). Mảng tiếp theo có 108 câu thơ lục bát. Và cuối quyển là bài thơ 10 câu thất ngôn.

3/ CÁO THỊ: Thơ, khoảng 4.000 câu, sách giấy dó, 77 tờ (153 trang, trang cuối không chép). Nhiều trang bị cháy sém, chưa truy được nội dung bị cháy mất, nên rất khó xác định số câu (bản Quốc ngữ của nhà in Thế Hùng cũng như các trang mạng hiện nay cũng đều để trống những câu chữ tương ứng như vậy). Dựa vào một số trang vốn bị cháy sém nhưng đã được bồi lại và chép bổ sung, mỗi trang chép trên dưới 27 câu. Văn bản Nôm này có 153 trang, áng chừng Cáo thị khoảng 4.000 câu. Theo chúng tôi tìm hiểu, thì sự cố cháy quyển Cáo thị đã xảy ra từ trước 1945 được coi là rất bí hiểm, song chung quy có lẽ do tàn nhang ở kệ thờ, nơi để bộ sách. Về sau, bộ KCKQ được một vài nơi thân cận trong vùng thỉnh về sao chép hoặc phiên âm ra Quốc ngữ, thì những khoảng trống do bị cháy mất hầu hết người biết đến cũng không thể nhớ chính xác nên đành chấp nhận hiện trạng tàn khuyết cho đến ngày nay.

4/ VÂN TIÊN: Thơ, 1.254 câu, phân bố thành 3 phần. Hiện có 2 bản Nôm.

- Sách giấy dó chép rời thành 3 “quyển” nhỏ, mỗi “quyển” là một phần. “Quyển nhất” có 280 câu lục bát, 12 tờ, mỗi trang 6 cột, mỗi cột là một cặp lục bát. “Quyển nhị” chép 400 câu lục bát, 16 tờ, mỗi trang 6 cột. Trừ 2 trang đầu và trang cuối chép mỗi cột 3 câu, còn lại chép mỗi cột hai câu lục bát, trang cuối ghi “Bính tý niên bát nguyệt nhị thập lục nhật (=Ngày 26 tháng 8 năm Bính tý, 1936). “Quyển tam” có 574 câu thất ngôn, 24 tờ (48 trang), ở bìa a ghi: “Tuế thứ Ất hợi niên thập nhất nguyệt nhị nhất nhật tả bút” (=Chép ngày 21 tháng 11 năm Ất hợi, 1935). Mỗi trang chép 6 cột, mỗi cột hai câu thất ngôn.

- Sách giấy dầu, 23 tờ, khổ 20x24 (cm), mỗi trang 14 cột, mỗi cột hai câu (lục, bát, thất). Mép trên gáy sách bị rách, do đó trang nào cũng bị mất một vài chữ. Nội dung cơ bản như bản giấy dó, cũng chia làm 3 phần: phần 1 280 câu lục bát như bản giấy dó, phần 2 có 404 câu lục bát (nhiều hơn bản giấy dó 4 câu), phần 3 có 574 câu thất ngôn như bản giấy dó. Cuối quyển có ghi: “Canh dần niên bát nguyệt nhị thập tứ nhật phụng tả song, hạ bút” (=Viết xong ngày 24 tháng 8 năm Canh dần, 1950).

Tác phẩm lấy tên Vân Tiên có lẽ do mượn một số tình tiết trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu để qua đó nói lên quan điểm về đạo và đời của tác giả. Ví như các câu “Căm hờn với Trịnh Hâm là nịnh, Lo mưu vùng Gia Định Đồng Nai”, hay “Vương Tử Trực trông anh xa cách, Giận trong lòng thậm trách Võ Công”… đều mượn tên và tính cách nhân vật trong Lục Vân Tiên.

5/ NGỒI BUỒN: Thơ, vốn khoảng 1.026 câu lục bát, song hiện chỉ còn 898 câu. Sách giấy dó, 33 tờ, mỗi trang 8 cột, hai câu lục trên, bát dưới, cách nhau một quãng ở giữa. Ở khoảng giữa quyển, các tờ 14-17 bị rách mất các câu lục ở bên trên hoặc rách mất luôn, chỉ còn mép giấy ở gáy sách. Nếu cứ theo những trang không bị rách, ta có thể biết được số câu vốn có của quyển này là 1.026 câu. Tuy nhiên, số câu hoàn chỉnh và liên tục từ tờ 1 đến tờ 13, và từ tờ 18 trở xuống cho hết quyển chỉ còn là: 898 câu (và số câu bị mất hoặc còn cũng chỉ rải rác ở 4 tờ bị hỏng nói trên là 128 câu).

6/ BỔN TUỒNG: Lời thoại kịch bản tuồng, số chữ quyển này tương đương 1.424 câu thơ thất ngôn. Hiện có 2 bản Nôm:

- Sách giấy dó, 25 tờ, chép liên tục. Ở trang cuối có ghi năm chép: "Tuế thứ Mậu tuất niên" và người chép (Tả ký Mai Bá Lộc kính bút). Tra cứu lịch Âm-Dương đối chiếu thế kỷ 20 cho thấy: Năm Mậu tuất: 1958 (từ 18 tháng 2, 1958 đến 08 tháng 2, 1959).

- Sách giấy dầu khổ 17x24,5 (cm), 29 tờ, chép liên tục. Cuối quyển có viết: “…Canh dần niên, lục nguyệt, sơ thất nhật hạ bút” (=… ngày 7 tháng 6 năm Canh dần, 1950).

Bổn tuồng là một kịch bản tuồng, có số chữ sơ bộ tính được là 9.976 chữ, tạm quy tương đương với số chữ của 1.424 câu thơ thất ngôn (không kể các chữ “hựu viết, loạn viết, tán viết, thán viết…” xuất hiện gần 100 lần trong văn bản). Số câu thuộc lời thoại (bao gồm lời tán, lời vãn, lời thán…) của nhân vật mới là đối tượng cần khảo cứu có số lượng ít hơn con số ước chừng nêu trên (tức không kể những điệp ngữ như “Thầy ôi”, hay “Thầy ôi là Thầy ôi”…), gồm cả những lời thoại như thơ, cả Nôm và Hán. Sơ bộ xét thấy, gọi là “tuồng” thì đúng là lời thoại như trong tuồng hát bội, nhưng dường như toàn bộ chỉ là những lời độc thoại của một nhân vật (có 41 lần lời nhân vật xưng “Như tôi”, trong đó “Như tôi nay” 28 lần, nếu kể riêng từ “tôi” tự xưng thì có trên 100 lần) với một nhân vật “Thầy” rất trân trọng và quý mến. Tuy nhiên, trong quyển này còn có 17 lần xuất hiện nhóm từ “Huynh đệ ôi”, 2 lần “Chư huynh ôi”, 5 lần “Chư nhơn ôi”, 1 lần “Nhân dân ôi”…, nên cũng có thể toàn bộ lời thoại trong quyển này là của nhiều nhân vật, phân vai nhau bằng cách gọi người nghe có thay đổi như thế.

7/ THỪA NHÀN: Thơ, sơ bộ đếm được 4.376 câu. Hiện có 2 bản Nôm:

- Sách giấy dó, gồm 91 tờ, trung bình mỗi trang 12 cột, mỗi cột 2 câu. Ngoài một đoạn gọi là “Minh ký” gồm 32 câu thất ngôn, từ câu thứ 3913 (trang 82b), chép liên tục ở 12 cột. Còn lại đều là thơ lục bát. Khoảng 35 tờ đầu bị rách mất chữ một cột ở mép sách, tuy nhiên cũng đã được lồng giấy trắng và bồi viết bổ sung những chữ mất ấy với chữ bằng mực xanh với nét bút khá chuẩn mực.

- Sách giấy dầu khổ 21x27,5 (cm), 69 tờ, mỗi trang 16 cột, mỗi cột 2 câu, vài trang cuối quyển chép 14 cột/ trang. Cuối quyển ghi: “Canh dần niên thất nguyệt thập nhị nhật song hạ bút” (=Ngày 12 tháng 7 năm Canh dần, dừng bút, 1950). Nội dung giống bản giấy dó ở trên. Nhiều đoạn có tư tưởng chống Tây.

8/ TIỀN GIANG: Thơ, gồm 6.000 câu, trong đó 5.264 câu đầu là lục bát, còn lại chủ yếu là thơ thất ngôn, gồm nhiều bài bát cú, trường thiên tách rời. Có 2 bản đều chép trên giấy dầu. Nội dung qua khảo sát sơ bộ thấy giống nhau, tuy rằng cách viết chữ Nôm ở 2 bản nhiều chỗ không giống nhau về kết cấu.

- Sách giấy dầu khổ 14x20 (cm) có 143 tờ. Phần trên (261 trang đầu) chép thơ lục bát, mỗi trang chép 10 cột, mỗi cột 2 câu. Phần dưới (25 trang cuối), mỗi trang 11 cột, mỗi cột thường 3 câu. Cuối quyển có ghi niên đại sao lục: “Long Phi Nhâm ngọ niên cửu nguyệt sơ tam nhật, phụng tả Tiền Giang cung kính” (=Ngày 3 tháng 9 năm Nhâm ngọ, 1942, niên hiệu Long Phi, cung kính chép xong bổn Tiền Giang). Trang 144a tiếp theo đó chỉ ghi thông tin về người chép là Mai Bá Lộc (Mai Bá Lộc phụng tả toàn bổn ký).

- Sách giấy dầu khổ 20x26 (cm) có 97 tờ. Mỗi trang 16 cột, thường mỗi cột 2 câu. Cuối quyển có ghi ngày tháng: “Canh dần niên lục nguyệt nhị thập nhật, toàn bản, hạ bút” (=Ngày 20 tháng 6 năm Canh dần, 1950, chép xong toàn bản, dừng bút).

9/ KIỂNG TIÊN: Thơ, sơ bộ đếm được 2.184 câu, phần đầu thơ thất ngôn, phần sau thất-bát ngôn. Hiện có 2 bản Nôm:

- Sách giấy dó, 51 tờ, mép bìa sách bị ố màu và đôi chỗ bị rách mất chữ. Mỗi trang 8 cột, mỗi cột khoảng 25 chữ. Từ đầu quyển đến giữa trang 22a là thơ thất ngôn, chép liên tục. Từ giữa trang 22a đến cuối quyển là thơ thất-bát ngôn (nhiều trang câu lẻ 7 chữ ở trên, câu chẵn 8 chữ ở dưới, còn lại viết liên tục).

- Sách giấy dầu, 40 tờ khổ 20x24 (cm), mỗi trang 14 cột, mỗi cột thường 2 câu. Từ đầu quyển đến giữa trang 27b là thơ thất ngôn; từ giữa trang 27b đến cuối là thơ thất-bát ngôn. Nội dung giống bản giấy dó kể trên, tuy chữ viết Nôm đôi chỗ có khác nhau về cấu trúc.

5. Khái quát về giá trị văn học, tư tưởng, ngôn ngữ văn tự trong KCKQ.

Nội dung bao trùm của 9 quyển thuộc bộ KCKQ là khuyến thiện trừng ác theo tư tưởng Phật giáo, đả kích hạng người bất chính đội lốt tu hành, đề cập tình hình đất nước, nhất là Nam Kỳ, cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã rơi vào tay ngoại bang "Tây dương bạo tàn". Qua bộ sách, tác giả còn ký thác nhiều nỗi cảm hoài về tình Thầy nợ nước, về nỗi lo đạo thương đời trong hoàn cảnh xã hội đen tối nước mất nhà tan. Tuy nhiên, bộ sách từ lâu nay vốn được nhiều tín đồ Phật giáo Hoà Hảo cũng như một số không ít tín đồ thuộc đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương… ở miền Tây Nam Bộ trọng dụng để giảng về đạo lý, nên bộ sách vô hình trung bị phủ lên đó màu sắc dị đoan lưu truyền trong dân gian ở chừng mực nhất định. Mặt khác, một số nội dung trong bộ sách còn bị khai thác theo hướng chính trị một cách thô thiển, cần được đánh giá một cách khoa học, khách quan. Về hình thức thể hiện, KCKQ được viết với một văn phong hết sức bình dân, mộc mạc. Đặc biệt, rất nhiều trang viết theo lối thơ rất mới lạ, lối thơ thất-bát (câu 7 và câu tám chữ) có lẽ cũng cần tìm hiểu thêm.

Ngoài nội dung tư tưởng tiến bộ của bộ sách như khuyến thiện, trừng ác, yêu nước, chống Pháp... cần được tìm hiểu, toàn bộ khối lượng đồ sộ về chữ Nôm trong tác phẩm được xem là chứng tích chữ Nôm Nam Bộ, tài liệu quý về văn tự Nôm cần được bảo tồn, phục vụ công tác nghiên cứu di sản Hán Nôm nói chung. Về mặt từ vựng tiếng Việt, bộ sách KCKQ chứa đựng một khối lượng từ địa phương rất lớn, trong đó khối lượng từ về địa danh Nam Bộ thể hiện qua chữ Nôm cũng không nhỏ. Do đó, về mặt văn tự Nôm, bộ KCKQ sẽ là đối tượng nghiên cứu theo nhiều phạm vi khác nhau mà các văn bản KCKQ - Quốc ngữ lưu hành lâu nay chưa đủ tin cậy về mặt văn bản.

KẾT LUẬN

Kim cổ kỳ quan của Nguyễn Văn Thới được viết bằng chữ Nôm có niên đại trên dưới 100 năm, và đã được phiên âm ra Quốc ngữ phổ biến rộng rãi ở Nam Bộ từ lâu. Tuy nhiên, bộ sách đồ sộ gồm 9 quyển này đến nay vẫn chưa được giới chuyên môn phát hiện để công bố về mặt văn bản Nôm. Các bản phiên âm Quốc ngữ lưu hành lâu nay (kể cả rất nhiều trên mạng internet), nhất là quá quen thuộc trong cộng đồng Phật giáo các giáo phái ra đời ở Nam Bộ, lại có khá nhiều sai sót. Do vậy, đã đến lúc bộ sách Nôm này cần được khảo đến, các giá trị đích thực của nó cả về nội dung tư tưởng, về nghệ thuật thể hiện, về văn tự Nôm mang đậm màu sắc Nam Bộ cũng cần được khai thác và bảo tồn. Đây là nguồn tư liệu quý góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Nam Bộ trong tiến trình văn hoá dân tộc nói chung./

10.2015

NNQ

----------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO.

- Nguyễn Văn Thới (1972, tái bản), Kim cổ kỳ quan (trọn bộ chín quyển: Kim cổ, Giác mê, Cáo thị, Vân Tiên, Ngồi buồn, Bổn tuồng, Thừa nhàn, Tiền Giang, Kiển [sic] Tiên), Nhà in Thế Hùng, Long Xuyên.

- http://www.phatgiaohoahao.net/tu-sach-phat-giao-hoa-hao/tan-the-va-hoi-long-hoa/chuong-thu-iv-phat-giao-phai-phat-thay-tay-an/2---ong-ba-thoi

- http://sontrung.blogspot.com/search/label/NGUY%E1%BB%84N THI%C3%8AN TH%E1%BB%A4 * KIM C%E1%BB%94 K%E1%BB%B2 QUAN CH%C3%9A GI%E1%BA%A2I

- http://tuanhieunghia.blogspot.com/p/data.html

- http://phatgiaohoahao.org.vn/pghh/index.php/vi/

- http://hoahao.org


 


[*] TS., ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM

Thông tin truy cập

63661070
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
4788
17595
63661070

Thành viên trực tuyến

Đang có 1068 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website