"Kim cổ kỳ quan" trong đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ

1. Khái quát về tác giả, tác phẩm Kim cổ kỳ quan

1.1. Về tiểu sử tác giả Kim cổ kỳ quan Nguyễn Văn Thới

Nguyễn Văn Thới (1866-1926), tự xưng là Ba Thới, thường được gọi là Ông Ba, người làng Mỹ Trà, Thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, mất tại xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Ông sinh trưởng trong một gia đình bình dân, có học chữ Nho. Ông trưởng thành trong thời kỳ Pháp đã mở cuộc đô hộ nước ta. Ông là một nhân sĩ có tinh thần yêu nước, chống Pháp. Ông quy y theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, dời cả gia đình về vùng Láng, gần chùa Bửu Hương Tự vào khoảng 1906[1]. Nhờ kết thân với ông Trần Văn Nhu (con trai của Quản cơ Trần Văn Thành[2]), một đệ tử của Phật Thầy Tây An (tức Đoàn Văn Huyên, 1807-1856, người sáng lập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, cũng là một nhà yêu nước), có tiếng đạo hạnh cao siêu, nên Nguyễn Văn Thới có điều kiện lĩnh hội giáo lý nhà Phật, hiểu lẽ hưng vong của đất nước. Năm 1913, Nguyễn Văn Thới và Trần Văn Nhu bị lính Pháp bao vây ở chùa Bửu Hương Tự nhưng may mắn trốn thoát. Sau vụ này, để tránh sự theo dõi của nhà cầm quyền, ông bèn dời nhà về làng Kiến An, huyện Chợ Mới, Long Xuyên (nay thuộc An Giang) vào năm 1914 và ở đó cho đến khi ông mất, năm 1926[3].

1.2. Về bộ sách Nôm Kim cổ kỳ quan

Vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, ở miền Tây Nam Bộ nổi lên một phong trào sáng tác thơ văn mà tác giả là những người nông dân chất phác, xuất thân từ giới lao động, hoặc từ những gia đình có ít nhiều truyền thống nho học. Đặc điểm chung về thơ văn của họ là nêu cao đạo nghĩa làm người, khuyến thiện trừng ác, hướng vào dân tộc, chống ngoại bang xâm lược. Hai nội dung có thể khái quát là Đạo và Đời ấy đã được rộng rãi quần chúng nhân dân trong vùng đương thời đón nhận, truyền bá qua nhiều thế hệ. Tính văn chương của các tác phẩm này nhìn chung không cao; tuy nhiên điều này lại rất hợp với tính cách của người dân Nam Bộ. Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu có thể xem là tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn này, đậm chất văn chương hơn cả, nổi tiếng từ xưa đến nay, được nhân dân Nam Bộ rất mực yêu thích, song vẫn mang đặc điểm chung nói trên.

Kim cổ kỳ quan (KCKQ) là tên gọi chung cho bộ sách viết bằng chữ Nôm của tác giả Nguyễn Văn Thới gồm 9 quyển. Đó là Kim cổ, Giác mê, Cáo thị, Vân Tiên, Ngồi buồn, Bổn tuồng, Thừa nhàn, Tiền Giang Kiểng Tiên. Cụ thể về dung lượng câu thơ như sau: Kim cổ khoảng 2.808 câu, Giác mê 400 câu, Cáo thị khoảng 4.000 câu, Vân Tiên 1.254 câu, Ngồi buồn khoảng 1.026 câu, Thừa nhàn 4.376 câu, Tiền Giang 6.000 câu, Kiểng Tiên 2.184 câu. Nếu quy số chữ lời thoại kịch bản tuồng thành thơ hết[4], thì quyển này tương đương 1.424 câu thơ thất ngôn, và tổng dung lượng cả 9 quyển khoảng 24.000 câu thơ, nhiều hơn 7 lần Truyện Kiều.

Về văn bản Nôm KCKQ, trừ quyển Tiền Giang[5], còn lại 8/9 quyển nói trên đều là bản gốc chép trên giấy dó, hiện đang được cháu cố tác giả lưu giữ tại Phủ thờ Ông Ba Nguyễn Văn Thới ở huyện Châu Phú, An Giang. Quyển Tiền Giang (hiện có 2 bản) và các quyển Kim cổ, Vân Tiên, Bổn tuồng, Thừa nhàn, Kiểng Tiên hiện lưu giữ tại chùa Bửu Long, huyện Châu Phú, An Giang, đều là sách sao chép trên giấy dầu[6]. Các văn bản Nôm gốc viết trên giấy dó cũng như các bản Nôm sao chép nói trên đều bị tàn khuyết một số câu hệt như nhau, nên các bản phiên âm Quốc ngữ lưu truyền lâu nay nhìn chung[7] cũng để khuyết câu chữ phiên âm tương ứng. Hiện tượng đành để khuyết này làm tăng phần khó hiểu cho những đoạn thơ có chữ bị khuyết, cũng như cho bộ sách KCKQ có nhiều đoạn vốn đã khó hiểu. Một phần do lối nói mang phong cách đặc thù của một tác giả người Nam Bộ nói chung, một phần để tránh tai mắt của nhà đương cục, Nguyễn Văn Thới tìm lối "nói bắt quàng" hay "Lời nói bắt quàng không hàng ngũ", rất tuỳ tiện, khiến người nghe cảm thấy dường như thiếu mạch lạc, cảm thấy "ma ma Phật Phật" (chữ dùng trong KCKQ). Nhiều đoạn thơ được viết dưới dạng lặp ý, lặp từ ngữ là nhằm nhấn mạnh ý tưởng vốn không dễ trình bày bởi nhiều lý do.

Về văn thể, trừ quyển Bổn tuồng là lời thoại kịch bản tuồng, có văn phong dùng cho sân khấu tuồng với nhiều đoạn văn xuôi xen kẽ nhiều đoạn thơ, 8 quyển còn lại viết dưới hình thức thơ trong đó ngoài các thể thơ lục bát, thất ngôn, bát ngôn, tạp ngôn, có nhiều trang theo lối thơ thất-bát rất mới lạ[8]. Đặc biệt, "tác giả đã biết triệt để khai thác thể nói lối, là thể văn được người bình dân rất ưa thích. Mà cách nói lối của ông cũng thể hiện rất tự nhiên, hình tượng, dưới dạng biến cách rất tự do…" [13].

Trên đây là đôi nét khái quát về tình hình văn bản, nội dung và hình thức văn thể của KCKQ. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm: lâu nay KCKQ được phổ biến là bản Quốc ngữ, còn bản Nôm rất hiếm người tiếp cận; do vậy chưa hề có ai đặt vấn đề xem việc phiên âm Quốc ngữ đã chuẩn xác hay chưa. Chỉ riêng về lỗi in ấn bản Quốc ngữ, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nam Bộ Nguyễn Hữu Hiệp từng than phiền: Do sách không ai đứng ra coi in, sửa bản nên sai trật chính tả rất “khủng khiếp” [13].

2. Ảnh hưởng của Kim cổ kỳ quan đến văn hoá tâm linh của người dân Nam Bộ

2.1. Sự tuyên truyền rộng rãi KCKQ qua hoạt động in ấn, giới thiệu tác phẩm KCKQ

Việc in ấn, phát hành, giới thiệu rộng rãi KCKQ là phương diện đầu tiên cho thấy ảnh hưởng rất lớn của tác phẩm này đến văn hoá vùng Nam Bộ. Qua tìm hiểu, khảo sát thực địa gần đây ở một số địa bàn thuộc các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, chúng tôi ghi nhận nhiều thông tin về bộ KCKQ rất đáng quan tâm. KCKQ (Quốc ngữ) được phổ biến rộng rãi trước hết là nhờ việc in ấn với số lượng lớn dưới nhiều hình thức. Trong khoảng 1957-1972, các nhà buôn tạp hoá lớn ở Sài Gòn - Chợ Lớn ngoài việc buôn bán các loại hàng hoá dân dụng về các tỉnh lẻ còn có nhận phát hành một khối lượng lớn ấn phẩm kèm theo hàng hoá đó. Các ấn phẩm trình bày dưới dạng phổ biến thường có khổ nhỏ, giá rẻ. Phổ biến nhất là thơ Nôm khuyết danh, truyện kể dân gian, truyện cười, một số kinh Phật nhật tụng, lịch coi ngày tốt xấu… vì các loại ấn phẩm này rất được giới bình dân ưa chuộng. Sách KCKQ cũng được phát hành chung với các loại trên theo lối bán hàng xén, chạp phô ở các chợ miền Tây Nam Bộ. Tác giả Nguyễn Hữu Hiệp cho biết thêm, "Tất cả tác phẩm nêu trên được lưu truyền trong dân gian là nhờ một số người đã hùn tiền ấn tống, và tái bản gần hàng chục lần; tổng cộng 9 quyển dầy 828 trang in khổ 12 x 19, nhan sách ghi là Kim cổ kỳ quan" [13]. Lần theo những điều thu thập được nói trên, chúng tôi tiếp tục lùng sục nhiều nơi và cuối cùng sao lục được các bản KCKQ qua các lần xuất bản như sau:

1/ Bổn chánh Kim cổ kỳ quan - Toàn bộ 9 quyển, kèm thông tin ở bìa trước "Láng Linh (Ông Thẻ), Của xưa để lại", bìa cuối cho biết: Nhà in Văn Khiêm, 16 đường Thành Thái, Long Xuyên giữ bản quyền, Giấy phép xuất bản số 423 T.T.T/P.K.D, ngày 13/5/1957.

2/ Kim cổ kỳ quan - (Bổn cũ soạn lại), Giấy phép xuất bản B.T.T. Số 342/XB, cấp tại Saigon, ngày 2/3/1964 (không có thông tin về nơi in).

3/ Bổn chánh Kim cổ kỳ quang (sic) (Trọn bộ 9 quyển), tái bản năm Kỷ dậu 1969, in tại Nhà in Thế Hùng, 81 Phạm Hồng Thái, Long Xuyên.

4/ Kim cổ kỳ quan - Trọn bộ chín quyển (tái bản năm Nhâm tý 1972 theo Bổn chánh Kim cổ kỳ quang (sic) [Trọn bộ 9 quyển], tái bản năm Kỷ dậu 1969), in tại Nhà in Thế Hùng, 81 Phạm Hồng Thái, Long Xuyên.

5/ Kim cổ kỳ quan - Trọn bộ chín quyển, tái bản y theo Kim cổ kỳ quan - Toàn bộ 9 quyển (kèm thông tin: Soạn giả giữ bản quyền, Trần Quang Trâm [Thông Dịch], Láng Linh [Ông Thẻ - 1937]), xuất bản theo Giấy phép của Sở Văn hoá Thông tin An Giang số 21/CV.VH, ngày 28/01/2003 (Đọc và lưu hành nội bộ), Kiến An, Chợ Mới, An Giang.

Theo các thông tin xuất bản nêu trên, ta có thể rút ra một số nhận xét như sau:

- Tất cả 5 bản KCKQ ở đây đều được in đủ trọn bộ 9 quyển. Năm xuất bản lần lượt là 1957 - 1964 - 1969 - 1972 - 2003. Khoảng cách giữa các lần in kế tiếp từ bản in đầu tiên (1957) cho đến lần thứ tư (1972) càng về sau càng rút ngắn dần: 7 năm, 5 năm, 3 năm. Riêng lần cuối (2003) cách lần trước đó (1972) khá lâu là 31 năm. Số lần in 4 bản trước 1975 xem ra rất có ý nghĩa trong việc tìm hiểu tác động hai chiều giữa công chúng - độc giả của KCKQ và bản thân tác phẩm KCKQ. Từ sau 1975, nhìn chung các ấn phẩm ít nhiều mang màu sắc tôn giáo đều không được phép tổ chức in mới hay tái bản, cho đến sau "mở cửa". Do vậy, nói về KCKQ, như tác giả Nguyễn Hữu Hiệp (năm 2008) nhận xét: "Sách (chỉ KCKQ, NNQ) in trước 1975, nay tất nhiên rất hiếm nếu không muốn nói là không còn" [13] cũng là điều dễ hiểu.

- Trong 5 lần in KCKQ có 4 lần in ở An Giang (Long Xuyên 1957, Long Xuyên 1969, Long Xuyên 1972, Chợ Mới 2003). Lần in 1964 không rõ nơi in, nhưng có Giấy phép của Bộ Thông tin (B.T.T.) cấp tại Sài Gòn.

- Về số lượng bản in, các lần in đều không cho biết; tuy nhiên có thể suy đoán phần nào. Riêng lần gần đây nhất (2003) được Sở Văn hoá Thông tin An Giang cấp phép nhưng có ghi chú là "Đọc và lưu hành nội bộ", nghĩa là có giới hạn số lượng bản in cũng như phạm vi phát hành, nên chắc chắn số lượng bản in không nhiều[9]. Còn 4 lần in trước 1975 số lượng có lẽ không ít.

Bản in sớm nhất ở đây là vào năm 1957. Tuy nhiên, đây có phải là bản in KCKQ sớm nhất không thì chưa có bằng chứng xác thực. Bản gần đây nhất, năm 2003, ở bìa trong có chú là [in theo bản] 1937; tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi thì bản 2003 là sao y bản chánh từ bản in 1957 nói trên (hoa văn bìa trong giống hệt bìa bản in 1957). Ở Phủ thờ Ông Ba Thới tại Châu Phú, gia đình hiện lưu giữ bản photocopy phóng lớn thành cỡ giấy A4 từ bản in Quốc ngữ 1964 nói trên, nhưng tách ra thành 3 tập cho đỡ dày, đánh máy vi tính lại các tờ bìa cho thích hợp với nội dung các quyển tương ứng bên trong.

Ngoài các bản in nói trên, hiện nay trên mạng internet đang lưu hành rộng rãi nhiều băng đĩa ghi âm phần lớn tác phẩm thuộc KCKQ do các tổ chức của Phật Giáo Hoà Hảo thực hiện và phát hành, với số lượt truy cập lên đến vài chục ngàn lần mỗi video clip. Những quyển được tổ chức diễn ngâm, ghi âm và đăng tải nhiều lần nhất là Kim cổ, Vân Tiên, Thừa nhàn, Ngồi buồn, Bổn tuồng, Kiểng Tiên, Giác mê [14-20]. Cũng trên mạng internet, nhiều bài viết ngoài việc ca tụng thơ văn các tác phẩm thuộc KCKQ như là châu ngọc, ý nghĩa cao siêu, giá trị đạo đức mẫu mực, còn chỉ ra trong đó nhiều lời tiên tri về thời cuộc, kiểu như "Sấm Trạng Trình", mang màu sắc huyền bí. Điều này lan truyền rất nhanh trong dân gian, nhất là một bộ phận tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo. Cũng có những bài dựa vào tư liệu KCKQ để thể hiện quan điểm thù địch với chế độ chính trị trong nước hiện nay. Nói chung, cũng như nhiều lĩnh vực khác thuộc khoa học xã hội, bài viết đăng tải trên internet về KCKQ khá phong phú song cũng khá phức tạp. Tuy vậy, chưa thấy bài viết nào bàn về văn bản chữ Nôm KCKQ trong đối sánh với văn bản Quốc ngữ lưu truyền lâu nay. Hầu hết các văn bản Quốc ngữ KCKQ trên mạng đều giống nhau, giống các bản in qua các lần xuất bản nói trên. Qua tìm hiểu điền dã, chúng tôi được một số bậc tiền bối cho biết, sở dĩ các bản Quốc ngữ ra đời sau luôn căn cứ vào bản in đầu tiên tuy có nhiều sai sót mà không dám chỉnh sửa là vì tôn trọng chữ nghĩa của Ông Ba, và cũng vì lý do nữa là không ai có đủ điều kiện và trình độ tiếp xúc đọc trực tiếp văn bản Nôm. KCKQ được viết trên tinh thần đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, nên đương nhiên nó được đông đảo tín đồ đạo Phật Giáo Hoà Hảo và đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (vốn là các chi phái của Bửu Sơn Kỳ Hương) xem trọng. Trên nhiều trang web của các tổ chức Phật Giáo Hoà Hảo, KCKQ được dành cho một ví trí trang trọng đặc biệt. Về phía đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, nhiều đồng đạo của đạo này ở Tiền Giang lập nên trang http://tuanhieunghia.blogspot.com/p/data.html, ở đó có đăng bài "Kim cổ Kỳ quan - Nguyễn Văn Thới", của Nguyễn Thiên Thụ, là những trang viết rất công phu, bao gồm việc giới thiệu tác giả, tác phẩm KCKQ, cùng văn bản Quốc ngữ bộ sách này. Cũng qua công tác điền dã sưu tầm tư liệu, chúng tôi phát hiện 6/9 quyển Nôm KCKQ (chép trên giấy dầu, có đề cập ở trên) và một bản Quốc ngữ in năm 1972 hiện lưu giữ tại chùa Bửu Long ở Châu Phú, là chùa theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Mặc dù bản Quốc ngữ KCKQ được xuất bản nhiều lần trước 1975 và có số lượng phát hành lớn như đã nói, hiện nay các bản in này đều tản mát trong dân gian, trở thành quý hiếm. Tuy vậy, "thỉnh thoảng vẫn nghe các cụ nhắc lại lâm nhâm năm ba câu, kiểu 'nói bắt quàng' trong những lúc trà đàm" [13] là nhờ KCKQ đã một thời ăn sâu trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.

KCKQ vì rằng được nhiều tín đồ các đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật Giáo Hoà Hảo coi là "Thánh kinh", ngày nay, KCKQ đã vượt biên giới quốc gia, trở thành tài liệu rao giảng không thể thiếu đối với các tổ chức Phật Giáo Hoà Hảo ở hải ngoại (chủ yếu là ở Hoa Kỳ). Việc in ấn, truyền bá rộng rãi bằng nhiều hình thức như vậy (kể cả trước 1975 và hiện nay qua mạng internet) cho thấy bộ KCKQ không chỉ được các tổ chức, các tín đồ của Phật Giáo Hoà Hảo quan tâm mà nhiều người khác coi trọng, tìm đọc và nghiền ngẫm.

2.2. Việc xây dựng phủ thờ, tổ chức cúng giỗ Ông Ba Thới

Nguyễn Văn Thới tự xưng "Ba Thới" ba lần trong KCKQ (hai lần trong Cáo thị, một lần trong Bổn tuồng). Người Nam Bộ thường lấy số thứ tự người con trong gia đình để làm tên gọi người mình tôn trọng (con đầu gọi thứ Hai, tiếp theo là Ba, Tư… và nhỏ nhất là Út). Do đó, danh xưng "Ba Thới" của ông thường được mọi người gọi với cái tên vừa thân mật vừa trân trọng là Ông Ba. Ngay cả tên gọi hai ngôi đền dùng cho việc thờ phượng ông cũng được đúc chữ to bên ngoài như thế (đền thờ ở Châu Phú ghi "Phủ thờ Ông Ba Nguyễn Văn Thới" cả ở cổng và trên mái đền, còn đền thờ ở Chợ Mới được ghi "Phủ thờ Ông Ba Nguyễn Văn Thới" ở hai cổng tam quan, và ghi "Phủ Thờ Ông Ba" trên mái ngôi đền). Tín đồ các đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật Giáo Hoà Hảo đều rất tôn sùng Nguyễn Văn Thới, coi ông là bậc Thánh nhân, coi KCKQ như Thánh kinh.

Sau khi Nguyễn Văn Thới qua đời, gia đình và người dân trong vùng vô cùng thương tiếc. Năm 1972, hai tác giả Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu đã viết: "Hiện giờ, mộ phần của ông Ba còn tại doi Lộ Lở, được bồi đắp và có người chăm sóc cẩn thận. Tại nền nhà cũ của ông (cũng ở Lộ Lở gần ngôi mộ), có dựng lên một cái đền thờ rộng lớn, uy nghi, hằng năm, đến ngày mùng chín tháng tư thì có hội, bá tánh thập phương đến chiêm bái rất đông" [2; 179]. Theo người dân kể lại cũng như một số thông tin trên mạng cho biết, "cái đền thờ rộng lớn" nói trên từng được tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo đặt tên là "Kim Cổ Tự"[10], có đắp chữ Hán để cao trên đỉnh chùa; tuy nhiên, dân trong vùng vẫn quen gọi "Chùa Ông Ba". Gọi "Kim Cổ Tự" là dùng hai chữ đầu bộ sách Kim cổ kỳ quan để đặt tên chùa, vừa làm nơi thờ phượng Ông Ba, vừa làm nơi thờ cúng, chiêm bái Đức Huỳnh Giáo chủ. Đến năm 2003, khuôn viên ngôi đền có nguy cơ sạt lở, tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo dời ngôi đền vào xa bờ sông, xây mới lại thành Phủ thờ Ông Ba Nguyễn Văn Thới trên một khuôn viên rất rộng, với 2 cổng tam quan to cao, toà đền cũng to cao, đầy vẻ trang nghiêm, uy nghi như hiện nay. Bên cạnh toà đền là khoảng sân lớn, khu phòng ốc rộng rãi với nhiều bàn ghế và nơi nấu ăn có thể phục vụ cho vài ngàn thực khách. Nơi đây hàng ngày đều thực hiện các nghi thức cúng bái của tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo. Hàng năm, từ ngày mùng 7 đến mùng 9[11] tháng Tư âm lịch, hàng ngàn người dân từ các nơi đổ về đây để tham dự lễ giỗ Ông Ba, cũng là dịp người ta nguyện cầu Ông Ba hộ trì cho gia đình và bản thân được an khang.

Qua đợt thực địa gần đây, chúng tôi đến viếng Phủ thờ Ông Ba ở Chợ Mới này, có phần lấy làm lạ khi thấy bốn chữ "Kim Cổ Kỳ Quan" được khắc nổi ở một trang thờ, và một bức hoành phi lớn đề "Kim Cổ Kỳ Quan" treo trên bức hoạ lớn có hai câu đối chữ Hán hai bên ở mặt sau Phủ thờ. Một vị chức sắc ở đây cho biết, sở dĩ KCKQ được thờ là vì KCKQ với Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hoà Hảo là một (!). Vị này giải thích thêm: KCKQ do ông Ba Thới viết ra, nhưng thực chất là của Đức Phật Thầy Tây An (Đoàn Minh Huyên, 1807-1856) mượn tay ông Ba để viết ra. Câu chuyện tôn giáo nghe có vẻ ly kỳ này chúng tôi tạm không bàn ở đây, có điều cách giải thích này chắc chắn được nhiều tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo ở đây tin theo. Điều đó cho thấy một phương diện khác về tầm ảnh hưởng của KCKQ đối với đời sống tôn giáo, tâm linh của người dân ở đây. Người ta tin rằng, sau sự cố thầy trò bị Pháp vây ráp nhưng may trốn thoát được, thầy ông là Trần Văn Nhu phải xiêu lạc khổ sở phương xa, còn ông Ba dời nhà về doi Lộ Lở, huyện Chợ Mới (An Giang), luôn canh cánh bên lòng nỗi nhớ thầy và niềm lo cho dân cho nước trong cảnh loạn lạc. Trong quãng thời gian ở Lộ Lở, ông Ba dốc hết tâm lực vào mỗi việc là sáng tác, hoàn thành bộ sách KCKQ để lại cho đời. KCKQ là hiện thân của ông Ba, thể hiện trọn vẹn tấm lòng ông Ba, là linh hồn ông. Do đó, thờ sách KCKQ cũng chính là thờ linh hồn của ông Ba Nguyễn Văn Thới vậy.

Năm 2004, ông Bảy là cháu nội Nguyễn Văn Thới, tại xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú (An Giang) lập Phủ thờ Ông Ba Nguyễn Văn Thới và xây nhà cho gia đình ở bên cạnh, ngày ngày lễ cúng rất tươm tất. Phủ thờ này có quy mô nhỏ hơn Phủ thờ ở Chợ Mới nhiều, tuy vậy cũng rất đàng hoàng, trang nghiêm. Ở đây, bộ sách KCKQ chữ Nôm viết trên giấy dó được coi là bản gốc duy nhất do chính tay tác giả Nguyễn Văn Thới viết ra, được đặt trong hộp gỗ trên bệ thờ.

Việc ông Ba được lập phủ thờ và bá tính thập phương đến phủ tưởng nhớ, lễ bái như vậy cho thấy tình cảm lớn của gia đình và dân chúng dành cho KCKQ nói riêng, bản thân ông nói chung. Họ đọc, ngẫm KCKQ để mong thấu được lẽ huyền vi. Họ khẩn cầu ông Ba Thới để mong nhận được sự phù hộ độ trì cho cuộc sống.

3. Nguyên nhân tạo nên sự ảnh hưởng lớn của KCKQ đối với đời sống tâm linh của người dân Nam Bộ

Có nhiều nguyên nhân khiến KCKQ được người Nam Bộ tôn sùng. Trong đó nổi lên những lý do tiêu biểu sau:

Thứ nhất, do đặc điểm địa lý và lịch sử của vùng đất Nam Bộ. Về đặc điểm địa lý, Nam Bộ là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất nước ta với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, môi trường sinh thái đa dạng, phong phú về loại hình nhưng lại đồng nhất về hình thái học. Với tính chất cận xích đạo, khí hậu Nam Bộ có sự phân biệt khá rõ ràng giữa mùa mưa và mùa khô. Đặc điểm địa lý - sinh thái này tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng gây không ít khó khăn cho cuộc sống cư dân nơi đây. Người dân phải chống chọi với sình lầy, thú dữ…; đời sống của con người bị đe doạ bởi nhiều hiểm hoạ, bất trắc từ thiên nhiên. Do đó, con người tất yếu cần chỗ dựa về mặt tâm linh, tâm lý để sinh tồn. Về lịch sử, đối với lãnh thổ nước ta, Nam Bộ được coi là vùng đất mới. Nơi đây thời trước cư dân bản địa rất ít. Về sau, người ở tứ phía do nhiều nguyên nhân khác nhau đổ về sinh sống. Những người ấy bao gồm nhiều thành phần khác nhau:

- Người dân phía Bắc một phần vì trốn lính, binh dịch, tô thuế nên lưu tán dần về phía Nam; một phần do sự điều động của triều đình. 

- Người Hoa tràn xuống (nhóm Dương Ngạn Địch - Trần Thượng Xuyên, nhóm Mạc Cửu…) vì những lý do chống đối chính trị ở nước cũ.

- Người Chăm từ Lovek (Campuchia) chuyển vào sinh sống ở Tây Ninh, Châu Đốc...

Từ “tứ chiếng” đến sinh cơ lập nghiệp, người dân vừa tha thiết nhớ về quê hương bản quán vừa cần có sự quần tụ ở vùng đất mới. Do đó, họ cần phải có tinh thần đoàn kết và cần phải có sự thống nhất về mặt tâm lý tư tưởng. Đây chính là nguyên nhân cơ bản tạo điều kiện cho sự ảnh hưởng của những niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng.

Lý do thứ hai, KCKQ ra đời vào thời điểm xã hội tang thương liên miên, trầm trọng, dân chúng cần chỗ dựa vào đời sống tâm linh. Đầu thế kỷ 19, Nam Bộ vừa thoát khỏi các cuộc nội chiến kéo dài suốt 25 năm giữa nghĩa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn thì đã lập tức phải đối diện với hàng loạt các cuộc tranh đấu mới. Các cựu thần của nhà Lê, các sĩ phu Bắc Hà đều muốn khôi phục lại nhà Lê. Sau đó, ngay cả người vốn có công lớn với triều Nguyễn như Tả quân Lê Văn Duyệt cũng chống lại triều đình. Con nuôi của ông là Tổng trấn Gia Định Lê Văn Khôi cũng tiếp tục nổi lên đánh chiếm thành trì, bắt giết các quan triều đình cử vào thay nhiệm kỳ. Thêm vào đó, phía Tây, phía Nam đất nước ta thời ấy luôn bị quân Xiêm, quân Lào quấy rối. Cho nên, giặc giã trong nước nổi lên khắp nơi. Giữa thế kỷ 19, Việt Nam nói chung, Nam Bộ nói riêng còn chịu thêm cuộc đối đầu với thực dân Pháp. Năm 1861, ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa (Đồng Nai), Gia Định (TP. HCM), Định Tường (Tiền Giang) đã rơi vào tay Pháp. Năm 1863, triều đình nhà Nguyễn cử Phan Thanh Giản sang Pháp xin chuộc lại ba tỉnh này nhưng không thành. Đến năm 1867, quân Pháp lại chiếm thêm ba tỉnh miền Tây là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Chính vì điều này, Phan Thanh Giản đã uống rượu độc tự vẫn… Đặc điểm lịch sử này khiến người dân Nam Bộ thế kỷ 19, đặc biệt là từ giữa thế kỷ 19, phải chịu đựng nhiều rủi ro vì chiến tranh, cướp bóc, đói kém, dịch bệnh hoành hành. Cuộc sống của họ bế tắc, bất an, khủng hoảng khiến con người càng cần đời sống tâm linh.

Trong tình hình ấy, người dân Nam Bộ rất cần một hệ tư tưởng. Nhưng hệ tư tưởng nào sẽ được họ đón nhận? Nho giáo thực sự khó bắt rễ. Vì như trên đã nói, họ hầu hết là “dân tự do” hoặc bỏ nước mà đi, hoặc do mất nước... Họ không có trong lòng một thiên tử đích thực để phụng sự. Phật giáo thích hợp hơn đối với họ. Tuy nhiên, triều đình nhà Nguyễn lại có chính sách kiềm chế Phật giáo vì nhu cầu phục hưng Nho giáo nhằm xây dựng nhà nước chuyên chế tập quyền. Chiếu chỉ năm 1804 có ghi rõ những điều khoản hạn chế Phật giáo: “chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng đúc chuông, đàn chay hội chùa, hết thảy đều cấm. Sư đã có kẻ chân tu thì lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh, quán chỉ đem nộp ở quan trấn để biết rõ số” [21]. Thêm nữa, những quan điểm và nghi lễ tu hành khắc nghiệt của Phật giáo cũng không phù hợp với người dân. Họ cần một hệ tư tưởng mới nhằm đáp ứng được nhu cầu vừa tạo nên sự an tâm, vừa phù hợp với sự bắt đầu cuộc sống mới đầy khó khăn của mình.

Trong bối cảnh thiết tha những điều cần có ấy của dân chúng, ở Nam Bộ vào thế kỷ 19, nhất là từ khi có sự hiện diện của thực dân Pháp, sang đầu thế kỷ 20, xuất hiện nhiều tôn giáo mới. Tiêu biểu có:

- Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (BSKH), do ông Đoàn Minh Huyên (1807-1856) sáng lập năm 1849 ở An Giang. Đây là tôn giáo xuất hiện sớm nhất ở miền Tây có ảnh hưởng sâu rộng.

- Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, do ông Ngô Lợi (1831-1890) sáng lập năm 1867 ở An Giang.

- Đạo Phật Giáo Hoà Hảo, do ông Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) sáng lập năm 1939 ở An Giang.

- Đạo Cao Đài ra đời năm 1926 ở Tây Ninh.

Là tín đồ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Nguyễn Văn Thới sáng tác KCKQ. Tác phẩm ra đời đáp ứng được tâm lý thời đại, nguyện vọng của dân tình. Người dân vốn tin rằng nơi xuất hiện KCKQ là vùng đất thiêng. Từ xa xưa cư dân Nam Bộ gọi vùng đất "linh địa" này là Bửu Sơn (núi quý), nơi âm-dương hoà hợp, nơi xuất hiện những nhân vật hiển linh cứu đời. Những ngọn núi trong Thất Sơn cùng với dòng Cửu Long hợp thành "sơn cao, thuỷ thâm" đã tạo nên huyệt "chỉ sơn" ở vùng Thất Sơn, nơi chung tụ khí thiêng của đất trời, sông núi. Điều đó đã phần nào chứng tỏ vị trí của Thất Sơn trong đời sống tâm linh của một bộ phận cư dân Nam Bộ. Trên thực tế có thể thấy việc xuất hiện nhiều ông Đạo nơi đây là điều kiện khách quan đưa đến sự ra đời của các tôn giáo địa phương vùng Nam Bộ mà Bửu Sơn Kỳ Hương là tôn giáo đầu tiên trong số đó [9].

Vốn người dân đã có niềm tin vào sự linh thiêng, kỳ bí, KCKQ lại chủ yếu hướng vào đạo lý nên càng được dân chúng mến mộ. Mang theo tư tưởng của Bửu Sơn Kỳ Hương, KCKQ thể hiện một quan niệm tổng hợp đạo lý của hệ tư tưởng đương thời ở Nam Bộ. Lấy Phật giáo làm trọng, KCKQ đồng thời kết hợp cả Nho giáo, tín ngưỡng bản địa và quan niệm đạo đức của dân chúng.

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lấy giáo pháp Học Phật - Tu nhân và việc báo đáp Tứ đại trọng ân làm trọng. Học Phật là noi theo gương Đức Phật mà trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà (Nam mô A-Di-Đà-Phật). Tuy nhiên, người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương không đặt nặng và không triết thuyết nhiều về việc học Phật, không coi học Phật là yếu tố cốt lõi đối với tín đồ khi tu hành, mà chỉ xem đó là nền tảng mang tính định hướng cho tín đồ hướng tới khi tự tu nhân. Tu nhân là tôn chỉ tối thượng trong tu hành, là liệu pháp giúp con người luôn hướng thiện, loại bỏ những cái xấu xa, sống đúng với đạo làm người, giúp ích gia đình, xã hội, có luân thường đạo lý, có đủ Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín [9]. Nội dung chính của tu nhân là báo đáp bốn ân lớn (Tứ đại trọng ân hay nói gọn là Tứ ân); đó là: ân cha mẹ tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào nhân loại. Trong đó, "ân đất nước" được đặc biệt chú ý, nhằm hướng đến tự cường và bảo vệ độc lập dân tộc. Vì vậy, khi quân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ, tín đồ của Bửu Sơn Kỳ Hương tự nhận bổn phận phải đứng lên chống giặc như một hành động "báo ân đất nước". Ông Trần Văn Thành, một quan lại nhà Nguyễn, song cũng là một đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1807-1856), khi Nam Kỳ rơi vào tay Pháp năm 1867, đã tự đứng ra lập "Binh Gia Nghị[12]" và trở thành lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa - Láng Linh những năm 1867-1873, chính là vì thấm nhuần tôn chỉ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Nhiều nhân vật chống Pháp khác cũng thuộc hàng đệ tử của Bửu Sơn Kỳ Hương, hoặc có liên hệ với đạo này như Trương Định, Nguyễn Trung Trực… Ông Trần Văn Nhu, con trai Trần Văn Thành, và đệ tử của ông là Nguyễn Văn Thới đều có tư tưởng chống Pháp là vì thế. Chính vì xuất phát từ tấm lòng "báo ân đất nước" trên cơ sở noi theo lời Phật dạy, hướng tới chân-thiện-mỹ, từ bỏ điều xấu xa, Nguyễn Văn Thới dồn hết tâm lực trong nhiều năm cuối đời để viết nên 9 tác phẩm mệnh danh là Kim cổ kỳ quan. Với số lượng câu chữ đồ sộ, cả 9 tác phẩm trong KCKQ đều mang đậm màu sắc tôn giáo theo giáo pháp Học Phật - Tu nhân của Bửu Sơn Kỳ Hương. Mỗi tác phẩm đều toát lên tấm lòng ưu tư cho người dân, cho đất nước trong thời buổi loạn lạc do ngoại bang xâm chiếm. Tác giả luôn khuyên bảo mọi người, trẻ già, trai gái cần phải sống đúng với chuẩn mực đạo đức làm người, nghe theo những lời Phật dạy, nếu không sẽ bị lầm lạc vào con đường sai trái, không thể cứu vãn. Thêm nữa, việc thể hiện lòng "báo ân đất nước" qua từng trang viết, bộ sách KCKQ cho thấy tác giả Nguyễn Văn Thới là một người chống Pháp triệt để. Như vậy, KCKQ vừa hướng đến đạo lý của cá nhân mỗi con người (tu nhân, tứ ân) vừa hướng đến đạo lý chung của dân tộc khi đất nước lâm nguy (chống Pháp). Điều đó, chạm đúng vào tâm khảm, tư tưởng chung của người dân, vì thế, KCKQ lập tức được dân chúng quý trọng

Thêm nữa, cách thức tu hành của Bửu Sơn Kỳ Hương được tuyên truyền qua KCKQ cũng hợp lòng dân. Người dân ở vùng đất mới cần hình thức tu hành giản dị, vì họ đang sống gian truân, nhọc nhằn. Tư tưởng của KCKQ là một tư tưởng nhập thế, đem đạo Phật vào đời sống thực, không chủ trương tu am tự, mà là “tu tại gia”, “tu tâm”:

Tu am tự bỏ Tiên bỏ Tổ,

Tu tại gia cứu khổ cửu hoàn (Kiểng Tiên).

Tu am tự phải tu sửa dọn,

Tu tại gia tu trọn không tu (Kiểng Tiên).

Quốc vương thuỷ thổ đường danh vọng,

Rèn chí tu tâm động Phật trời (Kim cổ).

Tu tâm quy chánh đại tình,

Việc tà trước mắt lánh mình thời nên (Thừa nhàn).

Một lý do nữa khiến KCKQ đi vào lòng người dân Nam Bộ là ở lối diễn đạt hợp với tính cách, sở thích của con người nơi vùng đất mới: ưa mộc mạc, bộc trực song cũng thích mạo hiểm, khám phá tìm sự mới mẻ. KCKQ có cả hai đặc điểm này. Toàn bộ KCKQ không khuyên dạy bằng lý lẽ giáo điều mà hệt như một lời giãi bày, tâm tình. Thế nên nó nhẹ nhàng lắng sâu vào trong tâm khảm con người:

Đất năng lở sợ đất không nền,

Thiện nam tín nữ cho bền nam mô (Kim cổ).

Chính sự giản dị, hợp lý, hợp tình này đã khiến KCKQ đã chuyển tải được ý đồ của tác giả là khuyên người làm lành lánh dữ và thực sự chiếm được cảm tình “người thưởng thức”. Mặt khác, sự sáng tạo, linh hoạt trong việc sử dụng văn thể của tác giả cũng là một lý do không kém phần quan trọng khiến KCKQ trở thành sách thánh. Như trên đã nói, trong KCKQ, có phần là lời thoại kịch bản tuồng, có văn phong dùng cho sân khấu tuồng với nhiều đoạn văn xuôi xen kẽ nhiều đoạn thơ (Bổn tuồng), có phần lại viết dưới hình thức thơ (lục bát, thất ngôn, bát ngôn, tạp ngôn, đặc biệt là nhiều câu theo lối thất-bát mới lạ). Đặc biệt, tác giả còn triệt để khai thác thể nói lối - thể văn rất được người bình dân ưa chuộng. Sự phong phú và phù hợp với “khẩu vị” số đông khiến cho KCKQ đồ sộ nhưng luôn có biến hoá, người đọc được “thay đổi không khí” khi tiếp nhận, tránh được sự nhàm chán.

Ngoài ra, KCKQ còn có những đoạn diễn đạt khá bí hiểm. Tuy nhiên, đây lại là một lợi thế khiến tác phẩm hấp dẫn. Là một tác phẩm mang màu sắc tôn giáo, nó cần có những đoạn như lời sấm, tạo cho người đọc sự tiên đoán, suy nghiệm. Nhiều người tin rằng nhiều câu tiên tri trong đó đúng với thực tế lịch sử về sau của dân tộc. Chẳng hạn:

Trâu Nhựt Bổn Nam Việt bắt cày,

Gay go chó sủa bằng ngày sủa dai (Kim cổ).

(Tiên tri ngày sau sẽ có máy cày của Nhật trên đồng ruộng Việt Nam)

Sau trở lại người Tây sợ ta,

Chừng nào tới đó quỷ ma thác nhiều (Kim cổ).

(Tiên tri Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp, bọn nối giáo cho giặc sẽ bị trừng trị)

Nói chung, KCKQ ảnh hưởng đến cuộc sống và văn hoá Nam Bộ nói chung, đến đời sống tâm linh của người dân nơi đây nói riêng, bởi nhiều lý do khác nhau. Nhưng điều cơ bản nhất là KCKQ chứa đựng những đặc điểm phù hợp với tính cách, lối sống, tâm nguyện, tư tưởng… của người dân Nam Bộ.

Kết luận

Phải khẳng định rằng: đối với số đông người theo giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hoà Hảo, KCKQ được coi như một bản kinh. Tác giả của nó, Nguyễn Văn Thới, được con cháu và tín đồ đạo Hoà Hảo xây phủ thờ, cúng giỗ long trọng hàng năm. Bản thân tác phẩm được thờ, được người dân ngưỡng vọng. Sách KCKQ qua những lần xuất bản có số lượng rất lớn, được phát hành rộng rãi ở Nam Bộ trong nhiều thập kỷ. Hiện nay, nhờ công nghệ thông tin mà văn bản Quốc ngữ KCKQ được đăng tải trên nhiều trang mạng, nhiều video clip ghi âm phần lớn tác phẩm thuộc KCKQ được lưu hành trên internet với số lượt truy cập lên đến vài chục ngàn lần mỗi video clip… Tất cả những điều đó là bằng chứng rõ ràng về sự ảnh hưởng lớn của KCKQ đến tín đồ của đạo Hoà Hảo nói riêng, của người dân Nam Bộ nói chung./

TP.HCM, tháng 8.2016

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bửu Sơn Kỳ Hương (1974), Tiền giảng Đức Phật Thầy Tây An, Nguyễn Hữu Hiệp (sưu tầm, chú thích), Nguyễn Văn Hầu (phiên âm, viết tựa), Giấy phép số 4657/74/ BDVCH/ PHBCNT/ ALP/ TP, cấp ngày 21/8/1974, in tại Thánh địa Hoà Hảo, Châu Đốc.

2. Dật Sĩ và Nguyễn Văn Hầu (1972), Thất Sơn mầu nhiệm, Nxb. Từ Tâm, tái bản lần I, Giấy phép số 626-BTT-PHNT, ngày 19/2/1972.

3. Địa chí An Giang (2007), Phần IV, Chương 6: Tôn giáo, tr.793-831 (bản pdf trên web: http://baoangiang.com.vn/oc-bao-online/ia-chi-An-Giang/Phan-thu-IV-Van-hoa-Xa-hoi.html?p=1&f=&t=

4. Nguyễn Văn Thới (1957), Bổn chánh Kim cổ kỳ quan - Toàn bộ 9 quyển, nhà in Văn Khiêm, 16 đường Thành Thái, Long Xuyên giữ bản quyền, Giấy phép xuất bản số 423 T.T.T/P.K.D, ngày 13/5/1957.

5. Nguyễn Văn Thới (1964), Kim cổ kỳ quan - (Bổn cũ soạn lại), Giấy phép xuất bản B.T.T. Số 342/XB, cấp tại Saigon, ngày 2/3/1964 (không có thông tin về nơi in).

6. Nguyễn Văn Thới (1969), Bổn chánh Kim cổ kỳ quang (sic) (Trọn bộ 9 quyển), tái bản năm Kỷ dậu 1969, in tại Nhà in Thế Hùng, 81 Phạm Hồng Thái, Long Xuyên.

7. Nguyễn Văn Thới (1972), Kim cổ kỳ quan - Trọn bộ chín quyển (tái bản theo Bổn chánh Kim cổ kỳ quang (sic) [Trọn bộ 9 quyển], tái bản năm Kỷ dậu 1969), in tại Nhà in Thế Hùng, 81 Phạm Hồng Thái, Long Xuyên.

8. Nguyễn Văn Thới (2003), Kim cổ kỳ quan - Trọn bộ chín quyển, tái bản y theo Kim cổ kỳ quan - Toàn bộ 9 quyển (kèm thông tin: Soạn giả giữ bản quyền, Trần Quang Trâm [Thông Dịch], Láng Linh [Ông Thẻ - 1937]), xuất bản theo Giấy phép của Sở Văn hoá Thông tin An Giang số 21/CV.VH, ngày 28/01/2003 (Đọc và lưu hành nội bộ), Kiến An, Chợ Mới, An Giang.

Tài liệu internet:

9.http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/162/0/1185/Gioi_thieu_khai_quat_ve_dao_Buu_son_ky_huong (Ban Tôn giáo Chính phủ), bài "Giới thiệu khái quát về đạo Bửu Sơn Kỳ Hương".

10.http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/162/0/1071/Dao_Phat_giao_Hoa_Hao_Hoat_dong_va_phat_trien (Ban Tôn giáo Chính phủ), bài "Đạo Phật giáo Hòa Hảo - Hoạt động và phát triển".

11.http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/162/0/1072/Doi_net_ve_dao_Tu_an_hieu_nghia (Ban Tôn giáo Chính phủ), bài "Đôi nét về đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa".

12. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ngô_Lợi (Bách khoa toàn thư mở), bài "Ngô Lợi".

13.http://www.phatgiaobaclieu.com/content/view/383/51/ (Website của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu), Nguyễn Hữu Hiệp (2008), "Tác phẩm Kim cổ kỳ quan và sự sáng tạo thể thơ thất bát rất đáng quan tâm của tác giả Nguyễn Văn Thới".

14.https://www.youtube.com/watch?v=RZ2g4tEMprM (Hội Tín nữ Thiện nam Phật Giáo Hoà Hảo phát hành năm 2012, diễn ngâm tác phẩm Kim cổ. Cùng nội dung ngâm quyển này còn có https://www.youtube.com/watch?v=m-XnlJh2XwU do Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo phát hành năm 2013. https://www.youtube.com/watch?v=Z2vtF9sySWI người đọc giảng: Phan Thị Tua, phát hành năm 2014).

15. https://www.youtube.com/watch?v=FPybPxb5TSc (diễn ngâm Thừa nhàn, do Giáo hội Phật giáo Hoà Hảo phát hành năm 2013).

16. https://www.youtube.com/watch?v=ifW9NW-CXek (diễn ngâm Ngồi buồn, 2013).

17.https://www.youtube.com/watch?v=WPtUVMuruJc (diễn ngâm Vân Tiên, 2013).

18.https://www.youtube.com/watch?v=cHbcC07zNvc (diễn ngâm Bổn tuổng, 2013).

19.https://www.youtube.com/watch?v=7DjnFAr6Vqk (diễn ngâm Kiểng Tiên, 2013).

20.https://www.youtube.com/watch?v=Rr5tSaBxZ2c (diễn ngâm Giác mê, 2013).

21.http://nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/cateID/4/artilceID/14401/language/vi-VN/Default.aspx (bài "Bước thăng trầm của Phật giáo trên đất Thăng Long - Hà Nội")

22. Tài liệu riêng thu thập được qua công tác thực địa của tác giả bài viết ở 4 tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Tiền Giang, như hình ảnh, băng video…

 

Nguồn: Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ, NXB.ĐHQG TP.HCM, 2016,tr. 397-407

 


[1] Theo Dật sĩ và Nguyễn Văn Hầu trong Thất Sơn mầu nhiệm [2;174-175] và trang Phật giáo Hoà Hảo: http://www.phatgiaohoahao.net/tu-sach-phat-giao-hoa-hao/that-son-mau-nhiem/phan-ii-cac-bac-sieu-pham-o-mien-that-son/chuong-iv-vai-vi-dac-dao-trong-phai-buu-son-ky-huong/2-ong-nguyen-van-thoi-1866---1927: con trai ông Ba kể rằng mùa đông năm 1906, ông đột nhiên phát đạo tâm, từ giã gia đình đi thẳng vào núi Sam, vô trại Thới Sơn (gần Thất Sơn) để cầu đạo, liền nghe mọi người bảo nhau Cậu Hai-Trần Văn Nhu ở vùng Láng đức hạnh cao siêu, nên ông đến thọ giáo, đến lúc sáng tỏ đạo màu thì xin quy y với Cậu Hai. Cũng có tài liệu nói năm 1905.

[2] Trần Văn Thành (?-1873) còn gọi Quản Cơ Thành (từng giữ chức Chánh Quản cơ trong quân đội nhà Nguyễn), là đại đệ tử của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương nên được tín đồ đạo này tôn gọi là Đức Cố Quản. Ông là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1867-1873) chống Pháp ở miền Tây Nam Bộ.

[3] Các tài liệu đều ghi Nguyễn Văn Thới sinh năm 1866, và mất năm 61 tuổi. Tuy nhiên, năm mất thiếu thống nhất, theo 2 thuyết phổ biến là 1926, 1927, cũng có thuyết ghi năm 1925. Kể cả Bản tiểu sử tại hai phủ thờ Nguyễn Văn Thới, năm sinh cũng ghi lệch nhau. Phủ thờ ở xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, An Giang ghi năm mất là 1927; phủ thờ ở huyện Chợ Mới, An Giang, ghi năm mất là 1926. Theo suy luận của chúng tôi, Nguyễn Văn Thới mất năm 1926, khi ông 61 tuổi, tính theo tuổi ta, cách tính tuổi truyền thống của dân ta.

[4] Trong Bổn tuồng, nhiều đoạn vốn đã viết thành thơ.

[5] Chúng tôi chưa tìm thấy bản Nôm gốc Tiền Giang chép trên giấy dó như 8 quyển kia.

[6] Xem chất liệu giấy, áng chừng 6 bản Nôm chép trên giấy dầu này được sao lục khoảng trước sau 1960.

[7] Hầu hết các bản Quốc ngữ đều chép đầu quyển Kim cổ (cũng là quyển đầu bộ KCKQ) là bài "Tựa", trong khi các bản Nôm không hề có chữ "Tựa" (Hán-Việt: Tự) tương ứng. Hơn nữa, một đoạn thơ ở phần sau bài "Tựa" này đều không có trong các bản Nôm.

[8] Thống kê sơ bộ cho thấy: ở quyển Kim cổ có 2.744/2.808 câu (chiếm 97.8%) và ở quyển Kiểng Tiên có 410/2.184 câu (chiếm 18.8%) thơ thất-bát.

[9] Xét hình thức bản in năm 2003, đây là bản in vi tính 2 mặt trên giấy A4 và kẹp bìa mica, đóng gáy, kiểu như một chuyên luận thường thấy ở nhà trường, chứ không như sách in thông thường.

[10] Theo người dân trong vùng và một vài tài liệu internet, tên "Kim Cổ Tự" là do ông Huỳnh Công Bộ, phụ thân của Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, bấy giờ là Hội Trưởng tối cao của Giáo hội Phật Giáo Hòa Hảo đặt cho.

[11] Nguyễn Văn Thới qua đời ngày 9 tháng Tư âm lịch, năm 1926.

[12] Trong KCKQ, 51 lần xuất hiện "Gia Nghị".

Thông tin truy cập

60826489
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
211
9068
60826489

Thành viên trực tuyến

Đang có 250 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website