Khảo sát trên bản phiên âm của Nguyễn Văn Sâm theo bản Nôm do nhà Kim Ngọc Lâu 金玉楼 giữ bản gỗ, khắc in năm Ất Hợi (1875). Người Minh Hương sống ở tỉnh Gia Định là Duy Minh thị 惟明氏soạn thành truyện, nhà phát hành Hòa Nguyên Thạnh Điếm 和源盛店ở Chợ Lớn nhập và phân phối ở Việt Nam. Bản khắc gỗ thực hiện bên Tàu, tại tỉnh Việt Đông 粤東, xứ Phật Trấn 佛鎮 (Quảng Đông).
1.Bìa truyện Nữ Tú Tài bản Nôm Phật Trấn. 2. Bìa sách của Paulus Của, 1907
Truyện Nôm Nữ Tú Tài có nhiều từ ngữ khó hiểu cũng như nhiểu cách nói hơi lấn cấn, chói tai đối với chúng ta ngày nay tưởng là tác giả đã dùng chữ không được đúng cách. Những trường hợp tương tợ nếu ta cũng gặp ở những tác phẩm khác thì đó là vết tích của từ cổ và cách nói xưa. Chúng hiện diện không phải như những hạt sạn, hạt cát trong thức ăn thức uống mà là những di vật quí quá khứ trao lại cho các thế hệ sau để hiểu rõ hơn về nhiều mặt của người đời trước, ít nhứt là về mặt sử dụng ngôn ngữ.
Ngay cả những tác phẩm thiệt là gần gũi với chúng ta về thời gian như tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng còn có những từ khó hiểu. Trong ‘Một số từ ngữ dùng trong các quyển tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh’ ta thấy hàng ngàn từ nay không còn dùng nữa và đã trở thành từ cổ.
(Xin xem http://www.hobieuchanh.com/pages/chuthich.html).
Trước đó một chút, lật bất cứ tác phẩm dịch thuật nào của Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc hay tác phẩn sáng tác của Huình Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký…ta cũng ngờ ngợ khi đụng với những chữ như xẳng xớm, nhập nhai, ganh gổ, ngặt vì, bĩ bàn, chẳng nệ… đó là chưa kể những từ Hán Việt dùng nhiều tuy rằng ta có thể hiểu được nhưng ngày nay có thể gọi là khó thấy.
Vậy thì từ xưa là từ càng ngày gần đây càng ít dùng, có khi đã tuyệt hẵn chỉ còn xót lại trong tác phẩm của thời nó xuất hiện hay trong các đại từ điển.
Cách dùng từ cũng không khác gì hơn.
Trong lời kết của bài Trung Dung Đoản Ca, làm bài giới thiệu cho cuốn sách dịch quyển Trung Dung ông Trương Vĩnh Ký viết: (Tứ Thơ. No 2. Trung Dong, nhà in Nguyễn Văn Của, Saigon, 1925, tr. 3.)
Học thì ý nhiệm phải hay,
làm sao cho biết mảy may ít nhiều.
Ta nay còn phải gắng theo,
khuyên ai chẳng khá ra điều trễ công;
Còn nhiều lẽ khó ở trong,
nói sao cho hết xin lòng ai suy;
Làm gương cho kẻ hậu tri,
người đời không học có chi quí mình;
Việc chi ta cũng làm thinh,
chỉ điều văn học gìn tình phương nam...
Người đọc ngày nay hơi ngờ ngợ khi thấy chữ ta dùng ở thể số ít, chỉ về người nói, tức là ông Trương Vĩnh Ký, trong khi đầu óc nghĩ rằng chữ ta phải dùng ở thể số nhiều, hàm nghĩa chúng ta. Ông Trương Vĩnh Ký đã dùng cách nói xưa, ngày nay nếu dùng như vậy sẽ bị coi như phách lối, vô lễ, kiểu ta đây.
Ông Paulus Của cũng không khác. Trong lời tựa quyển Ca Trù Thể Cách, ông nói với độc giả: (Ca Trù Thể Cách, Quốc Âm Thi Tập, Sàigòn, nhà in Commercial Marcellin Rey, 1907)
Ta thấy có nhiều bài văn nôm như ca trù, văn tế, thơ ngủ ngôn, bát cú, của các tay văn chương làm ra, ta lấy làm hay, ta muốn in ra cho ai nấy xem chơi, cho biết tiếng mẹ đẻ cũng có điệu hay, chẳng đợi chữ nho mới có văn chương.
Bình nhựt ta hổ về sự lấy của người làm của mình, hoặc lượm lặt đồ cũ lấy ý riêng mà canh cải, nhứt là sợ tam sao thất bổn, lạc ý kẻ làm văn.
Nhưng vậy lấy sự ta gọi là hay mà cho ai nấy nếm chung, thì cũng là điều ta có ý chung cùng với mọi người.
Trường hợp chữ ta trong bài thơ nổi tiếng Ta Về của thi sĩ Tô Thùy Yên thì khác. Ta ở đó là tác giả nói với mình chớ không phải nói với người khác như hai trường hợp viện dẫn ở trên.
Trường hợp chữ tôi cũng tương tợ. Có sự thay đổi trong cách dùng từ khi tác phẩm ra đời cho đến gần đây.
Chữ tôi xưa người con có thể dùng để nói với cha mẹ, ông bà, quan chức, người trọng tuổi.... Nay trong trường hợp nầy được thay thế bằng chữ con, cháu hay một từ nào khác có vẽ lễ phép hơn từ tôi. Trong Nữ Tú Tài, bản Phật Trấn chữ tôi được dùng nhiều lần với anh em bè bạn, vợ chồng, nhưng có những trường hợp khác với chúng ta ngày nay:
Chẳng hạn, người trẻ nói với người lớn tuổi và có chức phận:
Khuyên mời quan lão tướng công tạm ngồi.
Cho tôi gởi một hai lời...
Hay:
Lễ nghinh hôn cậy tôi đưa,
Phiền quan lão tướng chọn giờ nghinh xe.
Con gái nói với cha mình:
Nàng bèn vào lạy tướng công,
Giải niềm gia sự thủy chung tự tình.
Rằng: ‘Tôi có việc tại kinh..’
Cháu gái nói chuyện với ông ngoại:
Nàng thời vào gởi phú ông,
Rằng tôi thấy gả con dòng họ Văn,
Thiệt là tài tử văn nhân,
Dung nghi diện mạo thập phân chỉnh tề,
Trú bên tiểu xá tạm thời,
Lòng tôi cũng muốn kết hài hợp duyên.
Chữ tôi, chữ ta dùng như vậy tôi gọi là cách dùng xưa. Xưa vì ngày nay không nói như vậy, không dung như vậy nữa.
Trong Nữ Tú Tài còn có nhiều từ xưa khác.
Chữ vời có nghĩa là trong khoảng, từ nầy thường đi với từ xa, tuyệt để chỉ khoảng cách thiệt xa, tuốt trên cao nên thường được hiểu theo nghĩa rộng là xa, (Vời trông còn tưởng cạnh hồng xa xa. Kiều) nghĩa nguyên thủy trong khoảng ít còn thấy, Nữ Tú Tài có câu:
Họ Văn có Nữ Tú Tài,
Con quan Tham Tướng tuổi vời xuân xanh[1].
Tuổi vời xuân xanh là tuổi trong vòng thanh xuân. Chữ vời dùng theo cách nầy nay ta gọi là cách dùng xưa của một từ với nghĩa xưa.
Ốt: Chữ nầy đã xưa mà còn ít thấy, có nghĩa thiệt là, chắc chắn là. Ta gặp từ ốt trong tuồng hát bội Tây Du Diễn Nghĩa trong một vài trường hợp. Bản quốc ngữ Đinh Gia Trinh, chữ đích đã được thế chỗ chữ ốt, chúng tôi chưa giải thích được sự thay đổi nầy.
Nương long: Ngực, nơi nhạy cảm của phụ nữ. Nơi dễ phân biệt phụ nữ và nam giới. (Hồ Xuân Hương: Yếm đào trế xuống dưới nương long.) Nữ Tú Tài dùng hai lần từ nầy:
Dẫu mà khép nép ra vào
Nương long sai dậy, má đào hây hây.
Và:
Khác chăng một chút má đào,
Nương long nó đã cao cao bề dầy.
Song hiềm: Nhưng vì.
Quan sơn ngàn dặm quản chi,
Song hiềm thiếu kẻ nữ nhi theo hầu.
Không nhưng: Không có chuyện gì.
Bây giờ người phải oan khiên,
Không nhưng người sá ngoan phiền đến ai.
E lệ: Sợ, ngại, không phải mắc cở, thẹn thùng như nghĩa ngày nay. Từ e lệ do từ lệ mà ra:
Con người quốc sắc nữ tài,
Còn liều chẳng ngại đường dài dặm xa.
Huống chi thân kẻ nhưng ta.
Mình đừng e lệ đường xa nẻo gần.
Hòa: Cùng với.
Nhác xem bên góc chiếu hoa,
Tiểu hàm khóa ngỏ, người hòa vắng tanh
Ca khong: Ngợi khen, vui vẻ.
Bước vào lạy tạ tổ tông,
Họ hàng thân thích ca khong vui cười
Vả: Vả lại, tuy nhiên, từ vả nay chỉ dùng khi đi với chữ lại, không đi một mình như trong tác phẩm xưa:
Vả thêm quốc sắc khuynh thành,
Đã hay nghề ngựa lại rành nghề cung
Chỉnh chiện: Ngay ngắn, nghiêm trang, đứng đắn. Từ nầy thiệt là xưa, thấy trong tac phẩm trước thời Nguyễn Trải.
Đêm ngày luyện tập thi, thư,
Tư phong chỉnh chiện, ngôn từ thong dong.
Mỉn cười: Tức mỉm cười theo cách nói ngày nay, cười nửa miệng, cười chum chím, không thành tiếng. Thường các cô thiếu nữ mỉn cười hơn là cười ra tiêng như thanh niên.
Soạn Chi thấy nói mỉn[2] cười,
Rằng âm dương vốn khí trời bẩm sanh
Âu: Từ xưa âu với nghĩa phải là, hay là gần đây còn dùng nhưng đi chung với chữ là:
Âu ta quyết lấy một người,
Kết làm phu phụ sánh đôi phỉ nguyền.
Hề: Tức hề đồng, chữ nầy mất nghĩa nguyên thủy, chỉ còn nghĩa mới chỉ diễn viên chuyên chọc cười khán giả:
Tử Trung từ tạ học trường,
Theo hề về tỉnh lưỡng đường xuân huyên.
Thân: Thưa trình, thưa chuyện, lời nói chuyện với người trên trước.
Việc rồi chàng hãy về đây,
Lễ nghinh hôn ấy già bay thân giùm.
Trong quyển Quan Âm Tế Độ Diễn Nghĩa Ca (Nôm, 1906) cũng có chữ thân theo nghĩa nầy (Tả tướng khấu tạ bẩm thân, thôi thôi vua chớ ân cần lo toan. Trg 27 hay Diêm La ngũ điện bẩm thân, Tiểu vương ti chưởng xa gần hải giang. Trg 90 hoặc: Tam Quang trực chỉ thiên tào, Tòa tiền đặt gối tâu vào bẩm thân. Trg 183..)
Từ thân theo nghĩa thưa, trình ít thấy vì xưa quá, khó hiểu nên thường bị ngộ nhận với thưa.
Tập tành: Học hành, học tập. Nên chú ý là chữ học tập theo nghĩa chính của nó, không phải nghĩa đã bị bóp méo.
Đêm ngày tư tưởng một mình,
Tuấn Khanh lại đến tập tành nghề văn.
Rắp, rắp ranh: quyết chí, có ý định, mong muốn:
Lòng ta rắp lấy một người,
Bói tên thời lại lạc loài khác tên.
…
Nguyên tôi giao với Tuấn Khanh,
Chị chàng tôi có rắp ranh Tấn Tần.
Chẳng rắp: Không có ý định, không rắp tâm:
Nàng bèn than thở sự duyên,
Rằng lòng chẳng rắp mà nên lạ lùng.
Từ cổ và cách nói xưa trong Nữ Tú Tài còn nhiều nữa, chúng tôi xin nhường lại sự khám phá đầy thú vị nầy cho người đọc.
Rà cẩn thận một tác phẩm xưa nào ta cũng thấy từ cổ, nếu không tìm thấy thì tác phẩm đó hoặc là không xưa lắm, hoặc là đã bị sửa lại. Trường hợp các thơ truyện với ấn bản bình dân của mấy nhà xuất bản ở Chợ lớn là thí dụ. Trường hợp những bản dịch truyện Tàu của Mộng Bình Sơn cũng là một thí dụ. Muốn tìm từ cổ ta phải tìm trong sách xưa viết bằng chữ Nôm, nếu viết bằng chữ quốc ngữ thì xuất bản chậm nhứt là hai ba thập niên đầu của thế kỷ 20.
Truyện Nữ Tú Tài quốc ngữ còn sót lại một số từ cổ dầu rằng người phiên âm trước đây đã gạn lọc bỏ đi một số, tuy rằng không nhiều, so sánh với hai trường hợp nêu trên.
Những người làm chuyện loại bỏ từ cổ như vậy có công hay có tội với văn hóa dân tộc?
Nguyễn Văn Sâm
(Mùng ba Tết Đinh Dậu, Jan. 30, 2017)
[1] Bản Phật Trấn và bản Thành Thái giống hịt nhau đoạn mở đầu, nên chữ vời trong bản Phật Trấn chắc là 潙 .
[2] Mỉn cười ⯑唭: Nay nói mỉm cười. Tôi dùng mỉn theo tự điển Huình Tịnh Của (Mỉn cười: Nhích môi một thí mà cười, không cho thấy miệng cười. Đứa dại hay cười cả tiếng, người khôn mỉn cười. Mỉn cười: Cười chuốm chím) và theo âm chữ Nôm miễn免. Văn quốc ngữ đầu thế kỷ thường dùng chữ mỉn, đặc biệt trong quyển Hiệp Nghĩa Phong Nguyệt 俠義風月của Nguyễn Chánh Sắt, Saigon, 1931.