Tạp chí Thế giới ngữ văn Trung Hoa (国文天地雑誌The world of Chinese language and literature, ISSN 1015-9975), một tạp chí khoa học có uy tín của Đài Loan, đã dành số 386 (tháng 7 năm 2017) vừa qua để đăng chuyên đề về văn học Hán Nôm Nam Bộ của giảng viên Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV-ĐHQG TP.HCM: PGS.TS. Đoàn Lê Giang, TS. Lê Quang Trường, ThS. Nguyễn Văn Hoài. Số chuyên đề này đánh dấu sự nỗ lực của các giảng viên Khoa Văn học nhiều năm qua trong việc nghiên cứu về văn học Nam Bộ, trong đó có văn học Hán Nôm. Người giới thiệu cụm bài này trên tạp chí là GS. Chen Yiyuan/ Trần Ích Nguyên, nguyên Trưởng Khoa Văn học Trung Quốc, ĐH Chengkung/ Thành Công, Đài Loan. Website Khoa Văn học xin giới thiệu bài viết này cùng với hình ảnh các bài của 3 nhà nghiên cứu trên trong tạp chí. Bài do TS. Lê Quang Trường dịch.
Chuyên đề Hán học Việt Nam và Văn hoá người Hoa
Chen Yiyuan/ Trần Ích Nguyên
Chuyên đề Hán học Việt Nam và Văn hoá người Hoa 越南汉学与华人文化 tập hợp năm bài viết tâm huyết mới nhất của các học giả Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, theo thứ tự như sau:
Đoàn Lê Giang: Thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”, Dương Minh học và Võ Trường Toản của Việt Nam (“Tri ngôn dưỡng khí” thuyết, Dương Minh Học dữ Việt Nam đích Võ Trường Toản)
Nguyễn Văn Hoài: Những sáng tạo của Bùi Hữu Nghĩa trong Kim Thạch kỳ duyên (so sánh với lam bản Kim Thạch duyên) (Bùi Hữu Nghĩa chi độc sáng tại “Kim Thạch kỳ duyên” – dữ nguyên trứ “Kim Thạch duyên” chi tỉ giảo)
Lê Quang Trường: Văn bia Hán Nôm ở Nam Bộ qua tư liệu sưu tầm điền dã (Thấu quá điền dã điều tra sở thu tập đích Việt Nam Nam Bộ Hán Nôm bi văn).
Phạm Ngọc Hường: Nghiên cứu và giới thiệu dấu ấn con người và cuộc sống của người Hoa trong văn bia ở TP.HCM (Hồ Chí Minh thị bi khắc trung đích Hoa nhân cập kỳ sinh bình sự tích đích giới thiệu dữ thám thảo)
Nguyễn Hoàng Yến: Hiện tượng thế tục hóa việc thờ cúng tổ tiên của người Hoa Việt Nam – trường hợp người Hoa ở huyện Di Linh tỉnh Lâm Đồng (Việt Nam Hoa nhân tổ tiên sùng bái chi thế tục hoá hiện tượng – dĩ Lâm Đồng tỉnh Di Linh huyện Hoa nhân vi lệ).
Tác giả của năm bài viết này, ngoài Phạm Ngọc Hường công tác ở Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh ra, những người còn lại đều là những học giả có uy tín của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, họ đều là người Việt, đồng thời cũng hết sức quan tâm nghiên cứu Hán học Việt Nam và văn hoá người Hoa.
Những bài viết này đã hoàn thành từ lâu, nhưng do cần phải chuyển ngữ, cho nên đã trễ hẹn một thời gian, trước hết phải cảm ơn sự cảm thông của ban biên tập tạp chí Thế giới ngữ văn Trung Hoa (Quốc văn thiên địa).
Thứ nữa, xin cảm ơn Đại học Chengkung/ Thành Công, Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ giao lưu học thuật quốc tế Chiang Ching-kuo (Tưởng Kinh Quốc), Đài Loan. Đại học Thành Công trong suốt thời gian dài đã hỗ trợ cho tôi thực hiện dự án Nghiên cứu và chỉnh lý thư tịch nghiên cứu văn hóa Mân Nam (Phúc Kiến) (Mân Nam văn hoá nghiên cứu văn hiến đích chỉnh lý dữ nghiên cứu), Bộ Khoa học và Công nghệ liên tục giúp đỡ tôi trong hàng loạt dự án nghiên cứu chuyên đề như Nghiên cứu thư tịch Trung Quốc lưu trữ trong viện cổ học Việt Nam (Việt Nam cổ học viện sở tàng Trung Quốc thư tịch chi nghiên cứu), Nghiên cứu so sánh thư tịch Trung Quốc lưu trữ trong viện cổ học Việt Nam và các thư viện khác của triều Nguyễn (Việt Nam cổ học viện dữ Nguyễn triều kỳ tha đơn vị sở tàng Trung Quốc Hán tịch thư mục chi tỉ giảo nghiên cứu), Quỹ giao lưu học thuật quốc tế Chiang Ching-kuo đã tài trợ cho tôi dự án hợp tác quốc tế Mậu dịch và đền miếu Mân Nam ở Đông Nam Á (Đông Nam Á Mân Nam miếu vũ cập mậu dịch cương lược – Việt Nam dữ Mã lục giáp hải hiệp Mân Nam tộc quần chi tỉ giảo nghiên cứu) kéo dài suốt bốn năm. Chính nhờ thực hiện liên tiếp những dự án này, tôi đã có cơ hội nhiều lần đến nghiên cứu thực địa tại thành phố Hồ Chí Minh, có cơ hội xây dựng tình hữu nghị quốc tế cũng như hợp tác mật thiết với Phòng sưu tầm và nghiên cứu tư liệu Hán Nôm, Khoa Văn học của trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Ví dụ Chủ nhiệm khoa Đoàn Lê Giang không chỉ cùng với Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn của Đại học Thành Công kiểm định dự án biên tập và xuất bản hơn ba ngàn trang tài liệu liên quan đến Mân Nam của Hội quán Phúc Kiến (Chùa Minh hương) ở Vĩnh Long, mà còn cùng với Phó chủ nhiệm Lê Quang Trường, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Dự án Nguyễn Ngọc Thơ đã lái xe đưa tôi đi các tỉnh lân cận để khảo sát văn chỉ thờ Khổng Tử (Văn miếu Trấn Biên), nghĩa trang Phúc Kiến và mộ của danh thần Trịnh Hoài Đức, một hậu duệ người Hoa làm quan dưới triều Nguyễn của Việt Nam... Còn đối với Nguyễn Hoàng Yến thì càng thân thiết, cô ấy từng du học tiến sĩ tại Đại học Thành Công, suốt thời gian dài cô ấy là trợ lý nghiên cứu trong các dự án kể trên của tôi, đồng thời còn làm công việc của một cầu nối trong nhiều trường hợp.
Đến nay, những dự án kể trên đã lần lượt hoàn thành, tôi lấy làm vui mừng vì có thể giới thiệu chuyên đề Văn hóa người Hoa và Hán học Việt Nam (Việt Nam Hán học dữ Hoa nhân văn hoá) ngay trước khi kết thúc dự án nghiên cứu này. Do đề tài nghiên cứu Hán học Việt Nam liên quan đến văn hoá người Hoa thật sự không phải là mối quan tâm chủ yếu của giới học thuật ở Việt Nam, hơn nữa điều kiện để nghiên cứu các vấn đề liên quan đối với học giả Việt Nam lại còn nhiều khó khăn, cho nên tôi mong rằng bạn đọc của tạp chí Thế giới ngữ văn Trung Hoa (Quốc văn thiên địa) hãy đặc biệt trân trọng chuyên san không dễ có được này, hãy dành một tràng pháo tay để cổ vũ những học giả Việt Nam kể trên.
Xin cảm ơn tất cả!
(Lê Quang Trường dịch)
Ảnh 3: Đoàn Lê Giang: Thuyết “Tri ngôn dưỡng khí”, Dương Minh học và Võ Trường Toản của Việt Nam (“Tri ngôn dưỡng khí” thuyết, Dương Minh Học dữ Việt Nam đích Võ Trường Toản)
Ảnh 4: Nguyễn Văn Hoài, Nguyễn Phương Uyên: Những sáng tạo của Bùi Hữu Nghĩa trong Kim Thạch kỳ duyên (so sánh với lam bản Kim Thạch duyên) (Bùi Hữu Nghĩa chi độc sáng tại “Kim Thạch kỳ duyên” – dữ nguyên trứ “Kim Thạch duyên” chi tỉ giảo)
Ảnh 5: Lê Quang Trường:Văn bia Hán Nôm ở Nam Bộ qua tư liệu sưu tầm điền dã (Thấu quá điền dã điều tra sở thu tập đích Việt Nam Nam Bộ Hán Nôm bi văn)