Ảnh: Quốc tộ (Thư pháp: Nguyễn Đình Thảng, trong Việt Nam bách gia thi, Cao Tự Thanh biên soạn, NXB. Văn hóa Sài Gòn, 2005)
I - Văn hóa Nho giáo - giá trị văn hóa Đông Á: nhận thức văn hóa Nho Việt
Nhận thức giá trị văn hóa Đông Á là một vấn đề đã và đang được các nhà nghiên cứu triết học, lịch sử, chính trị, xã hội quan tâm, đặc biệt là gia tài văn hóa - gia tài văn hóa truyền thống Đông Á. Tuy nhiên cái chung không bao gồm hết cái riêng, mà từng quốc gia đều có những sắc thái riêng biệt. Chính nhờ sự khác biệt đó đã tạo nên diện mạo phong phú của gia tài văn hóa chung.
Năm 2001 đã có hai hội nghị quốc tế về văn hóa Đông Á:
1) Hội thảo bốn trường Đại học Đông Á: Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), Đại học Seoul (Hàn Quốc), Đại học Tokyo (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Hà Nội (Việt Nam). Hội nghị được tổ chức ở Đại học Quốc gia Hà Nội vào ngày 21/11/2001, bàn về gia tài văn hóa Đông Á trong giáo dục.(1)
2) Tháng 10/2001, nhân kỷ niệm 500 năm năm sinh của Toegye - Lý Hoãng (1501-1570) nhà giáo dục lập thuyết Nho giáo nổi tiếng của Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc Hội thảo Quốc tế thảo luận về “Giá trị văn hóa Đông Á - Nho giáo với xã hội tương lai”(2).
Trong báo cáo của Giáo sư 许南进 (Huk Nan Jin), khoa Triết học trường Đại học Seoul có một nhận định về Nho giáo đối với giá trị văn hóa Đông Á, ông cho rằng:
“Nếp nghĩ, nếp sinh hoạt mang đậm tính Nho giáo chiếm một vị trí tâm điểm trong truyền thống văn hóa Đông Á, trong đó có Hàn Quốc. Ở một ý nghĩa nào đó, Nho giáo đồng nghĩa với giá trị văn hóa truyền thống, vì thế, có thể nói rằng việc ủng hộ hay phản bác giá trị Nho giáo đều ám chỉ sự đánh giá về lịch sử Đông Á và triển vọng tương lai của khu vực này”(3).
Các nhà nghiên cứu Nho giáo đã nhìn vào xã hội hiện tại với bao vấn đề đặt ra cho xã hội, con người Đông Á. Trong khi kinh tế, kỹ thuật đang phát triển và đã đạt được những thành tựu đáng kể, khoa học kỹ thuật đã đem đến những thành quả lớn về sản xuất, nhưng trái lại cuộc sống tinh thần, đạo đức xã hội, gia đình cũng đang khủng hoảng, suy thoái trầm trọng.
Lịch sử như đang chứng kiến một hiện tượng nghịch lý là: Kỹ thuật khoa học phát triển tiến bộ thì tinh thần đạo đức xã hội, gia đình lại suy đồi, lạc hậu.
Chúng ta biết vấn đề đời sống tinh thần, đạo đức xã hội đang vang lên tiếng chuông báo động đối với xã hội nhân loại. Ở thế giới Đông Á, đặc biệt ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam…, vấn đề xây dựng cuộc sống văn minh tinh thần, đảm bảo cho sự bền vững thành quả của công cuộc xây dựng, đã và đang được nhà nước, xã hội, giới nghiên cứu văn hóa, kinh tế quan tâm. Các học giả Âu Mỹ cũng đặc biệt chú trọng đến gia tài văn hóa Nho giáo phương Đông, và cho rằng:
“Nho giáo là vị thuốc hiệu nghiệm không chỉ có khả năng chữa trị bệnh đời sống luân lý đang bị xuống cấp và đạo đức suy đồi, mà còn có thể trở thành hướng chỉ đường cho xã hội Đại đồng tương lai, ở đó con người được kính trọng và thương yêu nhau”(4).
GS. Michacl Kalton (Washington. U. Tacoma, Mỹ) trong báo cáo của mình đã đề cao quan niệm đức trị, đạo đức “Nhân, Lễ”, muốn nghiên cứu tìm con đường giải quyết những bế tắc về quan hệ con người và xã hội, đặc biệt mối quan hệ gia đình ở phương Tây trong giai đoạn hiện tại
Năm 2003, Đại học Bắc Kinh đồng chủ trì với Học xã Yên Kinh, Đại học Havard tổ chức một Hội nghị quốc tế thảo luận “góc nhìn Đông Á về văn hóa thế giới” (世界文化的東亚視角- East Asia’s view on world culture). Trong Hội nghị này giá trị văn hóa Nho giáo Đông Á và ứng xử xã hội hiện đại được đề cập một cách sâu sắc; Đặc biệt bàn về gia tài nho giáo trong ứng xử và gia tài triết thuyết “ Hòa nhi bất đồng”(5).
Ta có thể khẳng định Nho giáo Trung Hoa - Khổng Nho có một vị trí quan trọng trong hệ thống triết thuyết Nho Đông Á. Cái thế mạnh đó ngay từ thế mạnh trí tuệ luân lý nhận thức được chuyển tải bởi chữ Hán (Nho), ý thức giáo dục và mô hình tổ chức chính trị xã hội văn hóa. Là người nghiên cứu lịch sử chúng tôi hiểu sâu sắc nhân tố Hán (Nho) với sức mạnh mềm văn hóa đã có nhiều giai đoạn gây tác dụng chế ngự, chi phối và ảnh hưởng đến khu vực.
Ai đã từng đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam đều có thể dễ dàng nhận thấy Khổng Nho - Nho giáo Trung Hoa ảnh hưởng, in rõ dấu ấn trên nền văn hóa vật thể và cả phi vật thể của các nền văn hóa này. Khổng Tử được các quốc gia kính trọng tôn thờ; chữ Hán được lưu giữ trên các đền thờ, sách vở, ngôn ngữ tiếng nói. Chữ Hán ở Việt Nam còn gọi là chữ Nho.
Điều đầu tiên ta phải nhắc đến ưu thắng của văn hóa Hán về chữ viết Chữ Hán ra đời sớm, lại là thứ chữ dùng chuyển tải cả một nền văn minh sớm từ khoảng gần 2000 năm TCN. Nó có hệ thống và có sức mạnh chinh phục đáng kể, ảnh hưởng, tiếp lực cho các nền văn minh các quốc gia Đông Á phát triển. Nó trở thành ngôn ngữ vay mượn có giá trị đối với chính trị chính quyền tổ chức nhà nước hàng ngàn năm.
Như chúng ta biết các quốc gia Đông Á: Nhật, Hàn, Việt phải đến thế kỷ XX khi bị các đế quốc phương Tây cuốn vào cơn lốc kinh tế tư bản chủ nghĩa dần mới chấm dứt dùng chữ Hán trong văn bản chính thức của nhà nước. Tuy vậy, trong giai đoạn cận đại giá trị của chữ Hán lại vẫn là công cụ để các nhà yêu nước tri thức Nho học tiếp cận chuyển tải văn minh công nghiệp phương Tây qua tân thư. Hồ Chí Minh đã từng có nhận định đúng đắn khách quan lịch sử là:
“Hán học có thể đưa vào Việt Nam những tư tưởng tiến bộ phương Tây thông qua Trung Quốc và Nhật Bản”(6).
Ưu thế về chữ viết và Nho giáo tập thành của Khổng Tử đã làm cho Nho giáo của Trung Quốc ảnh hưởng mạnh đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Việt Nam.
Nho giáo Trung Quốc bản chất là một hệ thống lý thuyết nhận thức đạo đức, phép ứng xử sản sinh ra từ nhận thức quan hệ của cư dân văn minh nông nghiệp. Khổng Tử là người thuật lại, chuyển tải và ảnh hưởng lan tỏa khu vực. Ông và sau đó học trò của ông bổ sung phát triển, mong muốn xây dựng một xã hội quân chủ an bình hạnh phúc, mơ ước về một xã hội Đại đồng.
Nho giáo Trung Quốc trở thành hệ thống lý thuyết, hệ thống tư tưởng triết lý đạo đức quan hệ ứng xử: Đức, Lễ, Trí.
Cơ sở nhận thức quan hệ triết học “Hòa nhi bất đồng” trong xã hội và vạn vật vẫn là nhận thức quán xuyến từ xưa đến nay và đang được phát huy trong xã hội ngày nay. Trung Quốc đang mong muốn phát huy nhằm xây dựng một xã hội hài hòa phát triển. Môi trường tự nhiên, xã hội đạo đức đều có yêu cầu cộng sinh trong phát triển, đối lập trong hòa điệu. Lý thuyết “Hòa nhi bất đồng” là một nhận thức sự vật và xã hội trong quan hệ cùng tồn tại chung sống và chịu sự tác động của quy luật, chi phối và đưa đến kết cục theo quy luật. Nó mang một giá trị khá phổ quát trong nhận thức, quan hệ tổ chức, thực thi, ứng xử trong mọi mặt xã hội và tự nhiên.
Văn hóa Nho giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hóa Trung Hoa. Nhưng ý thức tồn tại, độc lập như luôn thường trực trên con đường giao lưu văn hóa. Sự tích hợp văn hóa theo chúng tôi có cơ sở tạo nên một văn hóa Nho Việt với bản sắc riêng.
Pha trộn và tích hợp là một quá trình theo quy luật. Giáo sư Furita(7) nhà nghiên cứu văn hóa Nhật và Đông Á trong Hội thảo giao lưu văn hóa Nhật Việt ở trường Đại học KHXH & Nhân văn Hà Nội có nhấn mạnh quá trình pha trộn văn hóa là tất yếu trong lịch sử, nhưng theo tôi đó là hiện tượng ban đầu. Giai đoạn đầu, có thể là bị cưỡng bức do nhận thức, tâm lý dị ứng tâm lý dân tộc. Hiện tượng “pha trộn văn hóa” (mixed culture) là hiện tượng chưa chín của quá trình giao lưu văn hóa và cái kết quả của quá trình giao lưu văn hóa đến độ chín là hiện tượng thành thục, tích hợp văn hóa (Integrative culture). Quá trình này luôn tái hiện ở mức độ ngày càng cao hơn.
Nho giáo Trung Hoa ảnh hưởng đến văn hóa Nho giáo Việt Nam không làm mất đi ý chí độc lập, trái lại, nó làm cho ý thức độc lập dân tộc lớn dậy. Đó cũng chính là nét phản ánh về bản sắc Nho giáo Việt Nam. Giáo sư Trần Văn Đoàn - Đại học Đài Loan có nhận định:
“Việt nho là một hình thái tư duy tổng hợp được sản sinh ra trong thế giới cuộc sống của người Việt, được nuôi dưỡng bởi Nho giáo và phát triển nhờ sự tích hợp với các tư tưởng khác Phật, Đạo và ngày nay, có lẽ cả triết học phương Tây. Việt nho được phát triển để đáp ứng nhu cầu diễn đạt ý thức chung (lẽ thường), và để tìm kiếm bản sắc của người Việt(8).
Cảm nhận về bản sắc Nho giáo Việt Nam để thử tìm phân tích những yếu tố nội dung Nho giáo Việt phản ánh bản sắc Nho Việt với những nét tiêu biểu được hình thành trong lịch sử là gì?
Đó là mong muốn của người viết bài nghiên cứu này thông qua nhận thức phân tích về áng thơ văn lịch sử: Quốc tộ, Nam quốc sơn hà và Bình Ngô đại cáo.
II- Hồn Nho Việt trong Quốc tộ, Nam quốc sơn hà và Bình Ngô đại cáo
Những tài liệu nghiên cứu về Nho Việt khá tản mạn và hầu hết là được chứa trong các tác phẩm có tính văn học. Đó cũng là đặc trưng của nguồn tư liệu nghiên cứu về triết tư tưởng Nho Việt Nam. Như vậy vấn đề nghiên cứu tìm bản chất Nho Việt là một quá trình đầy khó khăn, từ nguồn tư liệu tản mạn ít ỏi và không trực tiếp thuyết diễn về triết Nho Việt, ta khó mà nhìn rõ bản chất, giải mã một cách thấu đáo tư duy của nội dung quan niệm Việt Nho. Khổng Nho như một bức tường thành ngăn trở những tư tưởng nghiên cứu có tính cách bứt phá, sáng tạo, giải phóng tư tưởng. Có lẽ con đường liên hệ với lịch sử, văn học sử, tư tưởng sử là con đường có thể cho ta cách tiếp cận tư duy đáng chú tâm nhất.
Xin bắt đầu từ hai bài thơ có giá trị lịch sử, có tính khái quát tư tưởng, giá trị văn học cao đã được đánh giá. Nhà nghiên cứu văn học cổ Việt Nam Giáo sư Bùi Duy Tân đã đánh giá, đây là hai kiệt tác mở đầu văn học Việt Nam(9).
1. Quốc Tộ
國祚
國祚如籐絡
南天里太平
無為居殿閣
處處息刀兵
Quốc Tộ
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh
Xin dịch: Vận nước
Vận nước như dây cuốn,
Trời Nam muốn thái bình.
“Vô vi” nơi cung điện,
Sẽ tắt lửa chiến tranh(10).
Bài thơ từ ngôn ngữ mang một ý niệm tư tưởng, một hàm ý triết học thật không dễ dàng nhận thức, muốn nhận thức nó ta phải hiểu cả một quá trình lịch sử và cả triết thuyết Phật, Nho, Đạo.
Về bối cảnh lịch sử bài thơ ra đời là thời kỳ nước Việt Nam, sau khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, tuyên bố nền tự chủ của dân tộc, ý thức dân tộc đã lớn dậy, ý chí cư dân đã định nên cương vực xây dựng nên nền chính trị của mình. Một thời sau đó Lê Hoàn chống Tống thắng lợi. Chịu ảnh hưởng Nho giáo Trung Hoa mà chính trị, ý thức dân tộc đang muốn là mình, có nền thống trị quản lý tự mình, có điện các; mô hình cấu trúc quản lý biểu trưng. Vận nước sự phát triển với muôn mối phức tạp như “đằng lạc”, “dây quấn”, đó là cái khung mối ràng buộc của quy luật, chiến tranh và hòa bình, độc lập và phụ thuộc, hưng thịnh và suy vi, bị nô dịch và độc lập, muôn mối quan hệ mà muốn xử lý có hiệu quả: Nam thiên lý thái bình. Biện pháp tất yếu đó chính là “vô vi”, chính quyền “điện các” phải nhận thức quy luật phát triển, đừng làm loạn dân theo ý muốn của mình, thống trị bằng đức, đừng đặt ra luật pháp hà khắc; đừng can thiệp vào quy luật “đạo”. Ở bài thơ như nhận thức Phật, Nho, Đạo ẩn tàng trong ý niệm. Cái lý huyền diệu toát lên từ những dòng chữ Nho chuyển tải một tích hợp văn hóa, tư tưởng, ở đây phản ánh Phật Nho Đạo hòa quyện nhau mà tư tưởng đó được một nhà sư phát ngôn, nhà sư đạo Phật+chữ Hán văn hóa Hán+Đạo (Lão).
Quả là bài thơ với nội dung phản ánh hồn Việt. Bài thơ hồn Việt, chuyển tải ý niệm tư tưởng Tam giáo không nghiêng ngả, vững như kiềng ba chân Phật Nho Đạo tạo thành. Điều đầu tiên ta phải thấy là hình thức ngôn ngữ là chữ Hán Nho, khung thơ là cách chuyển tải của văn hóa Hán. Nhưng ta khó mà nói bài thơ mang tư tưởng triết thuyết Nho Hán mà rõ ràng là một hợp thể tam giáo mang hồn Việt. Nó tuyên bố triết thuyết đạo đức cách ứng xử tính hiệu quả mục đích “thái bình” rất Việt. Tư tưởng Nho Việt đã chín trong quá trình đứng dậy trên mảnh đất văn hóa mình, tiếp thu trí tuệ văn hóa trí tuệ của nhiều nguồn văn hóa để bài thơ chuyển tải một hồn Việt. Tôi xin mạo muội gọi đó là Hồn Việt, Nho Việt. Nó đã ngưng kế tạo nên bản sắc Nho của người Việt. Yêu cái Nam thiên, xây dựng điện các (nền thống trị riêng), cách ứng xử hướng tới thái bình “vô vi”, dập hết lửa chiến tranh. Sự gặp gỡ của Phật, Nho, Đạo là ở bản chất tư tưởng nhân văn Việt Nam hướng tới độc lập.
Bài thơ từ trong tư tưởng phản ánh hồn Việt Nho. Cái vận nước, cách ứng xử, triết thuyết và trên hết là ý chí tự cường độc lập của dân tộc; Ý chí độc lập “Nam thiên”, cách quản lý nhận thức quy luật theo “Đạo” vô vi, người Việt quản lý có điện các, vua của mình, không thể thừa nhận cái triết lý “Thiên triều” - Thiên tử “không đất nào dưới gầm trời này không phải đất vua, không dân nào không là thần dân của ta(11).
Lý thuyết Nho của Thiên triều chỉ nhận quyền lực của con trời - Đế của Trung Quốc. Vì vậy chỉ từ trong nhận thức ý tưởng độc lập tự cường của dân tộc, ta mới có thể hiểu được nội dung đáng quý của hồn Việt, Nho Việt. Quá trình giao lưu tiếp biến Nho giáo Việt Nam chính là tích hợp tạo lập nên một bản sắc riêng Nho Việt - Yêu nước độc lập tự cường dân tộc.
Ta có thể kết luận bài thơ Quốc tộ là một kiệt tác của văn thơ mở đầu lịch sử văn học Việt Nam, khẳng định văn hiến Việt.
Ngôn ngữ Hán đã tiếp thêm sức mạnh trí tuệ cho dân tộc Việt, dùng nó biểu hiện ý niệm tư tưởng của mình. Ngay ngôn ngữ Hán vào Việt Nam cũng là quá trình thích ứng tiếp biến và có khác trong cách biểu cảm, ghi âm và chuyển tải ý niệm và sáng tạo nên chữ viết của riêng mình, cả Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy.
Bản chất văn hóa là giao lưu. Quá trình tiếp biến tích hợp văn hóa là một hiện tượng có tính qui luật lịch sử. Cuộc sống vận động luôn chịu sự chi phối của thực tiễn phát triển giao lưu nhưng không thể giáo điều, học vẹt một cách cứng nhắc. Sự lựa chọn, tạo nên sự tích hợp văn hóa với các dân tộc để tiếp thu là hiện tượng theo quy luật tự nhiên. Không có cải biến, sáng tạo, không thể tích hợp hội nhập. Đến cả tượng Khổng Tử vào Việt Nam cũng phải khác(12); nhận thức của Khổng Nho về phụ nữ đàn bà, tư tưởng Khổng Tử vào Việt Nam cũng phải tuân theo cách ứng xử bình đẳng dân chủ cuộc sống cư dân Việt. “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; “Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”; Hai Bà Trưng được tôn sùng như vị thánh mẹ chiến đấu vì tự do, dân tộc.
Không đồng hóa xóa đi được ngôn ngữ của một dân tộc điều đó cũng là một yếu tố khẳng định sức sống kiên cường của dân tộc. Dùng ngôn ngữ Hán vay mượn để phản ánh tư duy, quan niệm, tư tưởng Việt, bài thơ Quốc tộ mà tác giả Pháp Thuận là nhà sư viết bằng chữ Hán, điều này như thông tin cho ta tư tưởng Phật, Nho, Đạo đã trở thành hồn Nho Việt với cái lõi yêu nước tự cường. Và sau đó dân tộc ta đã tạo nên chữ viết riêng cho dân tộc - chữ Nôm ra đời vào khoảng thế kỷ XIII-XIV; đến giữa thế kỷ XIX Pháp vào chữ la tinh - Quốc ngữ Việt Nam ra đời
“Vô vi cư điện các”, tư tưởng triết học Đạo - Lão đã nhận thức con người phải hành động theo quy luật, không thể khiên cưỡng theo ý chí cá nhân, theo ý muốn của “Điện các” - đầu não bộ máy thống trị.
Đừng can thiệp quá nhiều, hãy nhận thức quy luật trong sự tác động muôn mối của vận nước, của quyền lực. Hãy để cho quy luật tác động và vận hành, ngay từ “Điện các” tổng hành dinh cao nhất của quyền lực phong kiến.
“Quốc tộ như đằng lạc”, triết lý nhận thức về tính phức tạp, khó nhận biết hết về vận nước. Và như ta biết tư tưởng “vô vi” của Lão Tử là muốn con người đừng đem ý chí cá nhân thay cho quy luật, phải tôn trọng sự vật trong vận động tự thân của nó. “Điện các” tượng trưng cho nơi chính quyền ban hành luật quản lý đất nước, nắm quyền lực trong tay hãy biết nhận thức nắm quy luật. Đừng để “nhân dục thắng thiên lý”. Đâu là Đạo, đâu là Nho, đâu là Phật. Ta thấy qua nội dung bài thơ Nho, Đạo, Phật hòa quyện nhau trong nét văn hóa Việt.
Cao hơn hết là tâm hồn Việt, cả khát vọng tư tưởng Phật, Đạo, Nho và tính nhân đạo Việt Nam yêu hòa bình ngưng kết. Hơn bất kỳ dân tộc nào, dân tộc Việt Nam đã thấy rõ nỗi khổ của chiến tranh, khao khát hòa bình “xứ xứ tức đao binh”. Nó gần như được thai nghén sinh ra từ sự hy sinh xương máu, ngay từ sự vươn lên giành lấy độc lập cho dân tộc.
2. Nam quốc sơn hà một bài thơ lịch sử với bao tự hào của sự cường mạnh đầy khí phách của dân tộc Việt trước thử thách của chiến tranh bảo vệ độc lập, bảo vệ mảnh đất thiêng liêng mà “sách trời” đã định.
Truyền thuyết là bài thơ thần, thực ra đó là một bài thơ động viên quân sĩ và nhân dân xung trận với niềm tin chính nghĩa, sức mạnh nhân dân cộng với niềm tin của sức mạnh siêu nhiên, sách trời đã định, vua Việt cai quản mảnh đất này. Trái lòng trời, ngược lòng dân, quan giặc thất bại là tất yếu.
Nam quốc sơn hà như một bài hịch động viên đánh giặc. Ở cái lý lẽ đanh thép mà lay động lòng dân. Có lẽ ít có bài thơ chữ Hán mà được nhân dân nhớ truyền tụng nhiều và vững bền trong trí nhớ đến thế. Cái lý lẽ thiêng liêng mà bài thơ thần đã từ lâu sống trong tâm khảm dân tộc Việt: độc lập, tự cường.
南國山河
南國山河南帝居
截然定分在天書
如何逆虜來侵犯
汝等行看取敗虚
Nam quốc sơn hà
Núi sông nước Nam thuộc quyền vua Nam,
Điều này ghi rõ trong sách trời.
Nếu kẻ nào dám đến xâm phạm,
Chắc chắn sẽ bị thảm bại.
Lý Thường Kiệt vị tướng lĩnh chống Tống xâm lược đã được nhiều người coi là tác giả bài thơ thần trên. Cái lý để nhân dân vinh dự trao cho ông là tác giả bài thơ cũng dễ hiểu. Các văn bản gốc cổ không ghi rõ tác giả, mà có thể là một tập thể hay một cá nhân tri thức yêu nước viết lên, lòng dân hiệu đính vì vậy còn có dị bản. Các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam từ nhiều năm nay đã tốn khá nhiều công sức nghiên cứu đi tìm tác giả đích thực. Nhiều giả thiết khác nhau nhưng còn thiếu căn cứ thuyết phục. Hiện tại thì ý kiến thiên về đây là bài thơ khuyết danh(13), nó thuộc về nhân dân Việt, của dân Việt.
Về thời gian ra đời của bài thơ cũng có hai thuyết. Căn cứ vào một số tài liệu dã sử truyền thuyết có thể bài thơ ra đời sớm hơn cuộc chiến tranh chống quân Tống của Lý Thường Kiệt (1077). Bài thơ thần đã được ra đời từ thời Lê Hoàn chống Tống năm 981. Theo tôi nó là con đẻ của dân Việt hoài thai trong một quá trình, một thời kỳ lịch sử của dân tộc ta lớn dậy nhận thức về mình.
Ta hãy gác lại về việc xác định tác giả bài thơ cũng như sự ra đời của bài thơ đích xác từ năm nào. Nhưng có điều ta có thể khẳng định đó là bài thơ ra đời với mục đích chống quân xâm lược bảo vệ chủ quyền độc lập thiêng liêng của dân tộc. Việt Nam đã làm chủ mảnh đất của mình nó có lý ở sách trời, lòng dân, bài thơ ra đời trong cuộc chiến tranh vệ quốc thiêng liêng.
Có nhiều nhà nghiên cứu cho đây là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên. Điều đó không đúng, bối cảnh lịch sử và nội dung đã định vị đây là một bài hịch động viên dân tộc chiến đấu, lên án tính chất cuộc chiến tranh phi nghĩa, trái đạo trời, ngược lòng dân của quân Tống, sức mạnh nhân dân chính nghĩa tất thắng.
Như ta biết thời Lý sự hợp lưu của ba dòng tư tưởng Phật, Nho, Đạo đang là phản ánh sức mạnh của dân tộc. Tư tưởng độc lập tự cường, như là sự gặp gỡ nhau, hầu như không có sự bài xích chống đối, đó cũng là đặc trưng của bài thơ thần.
Ngay câu đầu tiên “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” - Đất nước Nam vua Nam cai quản và đã định phận tại sách trời. Thuyết thiên mệnh là thuyết chung, nó là số trời, là thiên mệnh, con người và dân tộc đều chấp nhận theo nhận thức của phạm trù lịch sử Nó đã giành cho “Đế” Việt Nam, đâu có riêng cho thiên tử (con trời) - Đế Trung Quốc, quyền cai trị ở đất này. Nước không có dân không thành nước, dân không có nước dân thành nô lệ. Thời kỳ này vua gắn liền với khái niệm dân, dân tộc
Như ta biết ý thức dân tộc Đông Á, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc thế kỷ I đến thế kỷ X là cả một quá trình sử sách ghi lại những sự kiện lớn dậy của các dân tộc.
Ở đây ta có thể liên hệ tới bức thư của thái tử Nhật Bản ShotoKu (Thánh Đức) Nhật Bản vào thế kỷ VII viết cho Tùy Dạng Đế đã tự khẳng định vị trí ngang hàng với vua Trung Quốc với lời tự xưng:
“Thư này do vua xứ mặt trời mọc phía Đông gửi cho vua xứ mặt trời lặn phía Tây…”(14).
Cách xưng hô mang một ý nghĩa tuyên ngôn bình đẳng và đã làm vua nhà Tùy tức giận phê vào là “vô lễ” (!). Câu chuyện trên cho ta thấy việc tự xưng “Đế” cư nhất phương phản ánh ý thức của một dân tộc.
Hiện tượng vua Sẹjong (1418-1450) người tin sùng Nho giáo và mô hình tổ chức xã hội học thời Đường, lập Tập hiền điện (Chiphyonjon) và việc sáng tạo nên chữ viết “Hangul” của Triều Tiên là một cống hiến có giá trị quan trọng đánh giá sự lớn mạnh của ý chí dân tộc(15).
Bài thơ Nam quốc sơn hà với nội dung biểu hiện tinh thần tự hào dũng khí đấu tranh như công khai tuyên bố ý chí dân tộc tự khẳng định mình và khích lệ lòng dũng cảm, ý chí quyết thắng của dân tộc.
Gần đây có nhiều cuộc tranh luận về tác giả thực của bài thơ trên. Ý kiến không thống nhất, song đều như khẳng định, tác giả bài thơ không có căn cứ chứng minh là của Lý Thường Kiệt, một danh tướng được nhân dân Việt Nam ngưỡng kính. Trái với sự thừa nhận mặc nhiên từ lâu trong truyền thuyết lịch sử, các nhà nghiên cứu lịch sử văn học muốn tìm tới tác giả và nguồn đích thực của bài thơ. Nhưng ở một khía cạnh khác nhìn ở góc độ nghiên cứu lịch sử tâm linh, bài thơ như được khẳng định là bài thơ khuyết danh, do một số tri thức yêu nước viết nên. Bài thơ cũng có dị bản, hiệu chỉnh, nhuận sắc và đến sự hoàn bị cuối cùng(16). Đó là tiếng nói chung của ý chí cư dân, nó đã sống và là niềm tự hào của dân tộc hàng chục thế kỷ đến nay.
Ta thường nói thời Lý là thời kỳ Phật giáo chi phối nhiều hơn. Các nhà sư là người mang trí tuệ tư tưởng của mình góp công xây dựng, quản lý đất nước. Nhưng như ta biết chính thời Lý (1010 - 1225) là thời kỳ nhà nước Việt hưng phát Nho giáo: Văn miếu xây dựng năm 1070; Lý Nhân Tông mở khoa thi Tam trường 1075; xây dựng Quốc tử giám 1076. Các danh Nho Việt đầu tiên nổi tiếng xuất hiện: Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành.
Vẫn còn giả thiết là bài thơ có lẽ xuất hiện lần đầu vào thời Lê Hoàn với cuộc chống Tống lần đầu vào năm 981.
Tuy vậy dù thời Lê Hoàn, hay thời Lý đều là khoảng cuối thế kỷ X hoặc đầu thế kỷ XI. Đó chính là thời kỳ ý thức độc lập tự chủ tự cường của dân tộc lớn mạnh, tạo nên thời kỳ văn hiến Việt Namrực rỡ trong lịch sử.
3. Bình Ngô đại cáo(17)
Một vấn đề mà vài năm gần đây có nhiều người say sưa xếp bài thơ Nam quốc sơn hà vào vị trí “Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam”. Tôi xin mạo muội không đồng ý với ý kiến này. Về tiêu chí một bản tuyên ngôn độc lập thì bài thơ đặt trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ chỉ là một bài hịch (檄).
1/ Bài thơ với tính chất động viên khích lệ tướng sĩ, nhân dân trước trận đánh lịch sử bảo vệ độc lập. Nó là bài thơ động viên tinh thần quân sĩ trước giờ ra trận.
2/ Bối cảnh lịch sử không phải là dân tộc ta đã mất nước, ta giành lại độc lập.
Bài thơ không đủ tiêu chí lịch sử của tính chất bản khai sinh cho sự bắt đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc. Có lẽ nên xếp nó vào chung với bài Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn. Còn trong lịch sử Việt Nam cho đến nay mới chỉ có hai bản tuyên ngôn độc lập, đó là:
* Bình Ngô đại cáo của Lê Lợi (Nguyễn Trãi viết).
* Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 của Hồ Chí Minh.
Như ta biết, Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên ngôn độc lập. Nó biểu hiện khí phách của một dân tộc đã tiến hành một cuộc chiến đấu kiên cường, một dân tộc có văn hiến, đầy ý chí đã từng tạo nên trang sử vẻ vang của quá trình lịch sử lâu dài. Nó tuyên bố một cách đanh thép: “Đất nước của ta ta lấy lại”. Ách thống trị của kẻ thù tàn bạo, phi lý không có lý do tồn tại. Nó phải chịu án tử hình của tòa án lý tính. Nhân dân Việt Nam với ý chí kiên cường, sức mạnh trí tuệ và sức mạnh vũ lực, tinh thần quật cường đã đánh bại kẻ thù, giành lại đất nước. Bình Ngô đại cáo chính là bản tuyên ngôn lịch sử, theo tôi đây mới là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc với đầy đủ tiêu chuẩn của nó.
Nhà Nho, vị tướng lĩnh chiến lược tài ba Nguyễn Trãi, người đã giúp Lê Lợi cùng với các anh hùng thao lược của đất nước làm nên lịch sử. Nhà Nho của người Việt trước hết lấy sức sống từ dân tộc Việt. Yêu đất nước, tự hào vì đất nước, đứng vững trên mảnh đất Việt Nam, dựa vào sức mạnh của nhân dân, chống lại giặc cướp bạo tàn.
Như nước Đại Việt ta,
Vốn xưng văn hiến đã lâu.
Sơn hà cương vực đã chia...
Không nghi ngờ gì Nguyễn Trãi chính là được giáo dục trong trường học Nho giáo đầy đủ. Và có lẽ cái giáo trình mà Nguyễn Trãi dùng để vượt qua “vũ môn” cũng đều là Tứ thư, Ngũ kinh của cửa Khổng sân Trình. Nhưng có lẽ kênh tiếp thu để hóa thành tri thức của mình nó đã được nạp vào và lý giải theo nhận thức Việt Nam. Theo cái huyết mạch “trung với nước” và “đại nghĩa chí nhân”.
Và thực tế, vua có còn đâu mà trung ! thù cha nợ nước lời dạy của cha trước khi bị kẻ thù giải đi đã như thắp sáng nhận thức con đường của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi sau này.
Bài Bình Ngô đại cáo là một bản tuyên ngôn độc lập phản ánh tinh thần Việt, cốt cách Nho Việt. Yêu nước, yêu dân tộc, tự hào về dân tộc và sức mạnh dân tộc mình một cách đầy bản lĩnh.
Ngay từ thời còn thanh niên, đất nước bị quân thù dày xéo, cha bị bắt. Bài học tam cương, ngũ thường đã như được thực tế đất nước bị giày xéo, dân tộc bị xỉ nhục cần có nhận thức khác theo thực tế lịch sử.
Trung quân - mất nước, vua còn đâu ! Từ thực tế khái niệm trung với nước, yêu nước là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng cao cả. Ai là người yêu nước, cứu nước ta sẽ phải hiến dâng cả trí tuệ và tính mạng. Từ trong thực tế lựa chọn, Nguyễn Trãi băng rừng về đất Lam Sơn theo nghĩa quân Lê Lợi.
Trung hiếu của sách Nho trường ốc, ông đã được cha hiệu chỉnh dạy cho biết. Cái luân lý lớn lao, đất nước nuôi ông, cái luân lý lớn hơn trong đạo làm người. “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân. Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Cái đạo lý của Nho Việt như được giải thích theo cái trục minh triết:
-Trung thành với ngọn cờ nghĩa lớn cứu dân tộc.
-Hiếu nghĩa, vì dân sẵn sàng xả thân.
-Và về văn hóa dân tộc phải biết tự hào và ra sức vun đắp nền văn hóa rực rỡ đó.
-Cái lý chiến thắng, tồn tại của dân tộc và sức mạnh lớn lao của dân tộc ở “đại nghĩa thắng hung tàn”, những yếu tố của Việt Nho luôn bền vững trong trái tim ông.
Bình Ngô đại cáo như mang dáng dấp anh hùng ca, truyền lại hơi thở cho bản tuyên ngôn thế tự hào đủ mạnh, đủ tư cách, ý thức tồn tại của một dân tộc.
“Phong tục Bắc Nam cũng khác”. Đó là cái lý yêu nước đã rõ và đối diện với “Đế” thiên triều là “Đế” của Việt Nam. Rạch ròi đất đai, văn hiến, chính quyền, tư cách dân tộc của dân tộc. Cuộc chiến đấu đầy chính nghĩa với cái lý của nó; sức mạnh của chiến thắng bắt nguồn từ nhận thức sức mạnh dân tộc:
“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”.
Điều kỳ lạ là sau khi ta đem đặt hai bản tuyên ngôn độc lập ra so sánh ta thấy có nhiều ý niệm gần như khuôn mẫu.
1/ Tư cách văn hiến và nguyên lý của cách ứng xử nhân văn của giá trị chung con người: Quyền sống, lẽ sống - “Mọi người sinh ra bình đẳng và phải được hưởng quyền bình đẳng” trước trời đất - “Sơn hà cương vực đã chia. Văn hiến, phong tục đã hình thành lối sống khác biệt. Và cách ứng xử phải nên theo nguyên tắc “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân” - cái ta không muốn đừng đẩy cho người khác.
2/ Chế độ thống trị áp đặt của kẻ xâm lược thống trị đều là trái đạo trời, không có nhân nghĩa, chính nghĩa. Và sự thống trị của kẻ thù tàn bạo phi đạo nghĩa không thể có lý do tồn tại. Cả hai bản Tuyên ngôn đều lên án mạnh mẽ kẻ thù “trúc rừng không ghi hết tội”.
3/ Sức mạnh của nhân dân là vô địch - niềm tin của chiến thắng. Có lẽ đây là cái truyền thống văn hóa Đông Á Việt Nam, đặc biệt đối với Việt Nam, một đất nước muốn tồn tại trong quá trình lịch sử luôn phải huy động tổng lực cộng đồng cư dân - dân tộc (Lạc Hồng) để chiến thắng, tồn tại.
Qua các áng thơ văn bất hủ của lịch sử, ta thấy rõ sự hợp lưu của Tam giáo Phật, Nho, Lão như phản ánh sự lựa chọn tích hợp tạo nên văn hóa Việt Nam. Có giai đoạn nét trội của cái này và rồi hoán vị nét trội cuả cái kia. Tuy nhiên không bao giờ chỉ có một dòng chi phối. Tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của Giáo sư Nguyễn Tài Thư, Phó Giáo sư Trần Nghĩa là không có lúc nào một dòng tư tưởng riêng Phật, hay Nho chi phối hoàn toàn tâm hồn, đạo lý Việt Nam(18). Có lẽ điều này Việt Nam cũng như Nhật Bản (Phật, Nho, đạo Shinto), và Hàn Quốc (Phật, Nho, đạo Shaman) tạo nên tích hợp văn hóa: Nhật Nho, Hàn Nho, Việt Nho.
Có lẽ Nho, Phật vào và đứng được ở Việt Nam điều trước tiên là dân tộc này phải chấp nhận thách đố lịch sử: Tồn tại. Các nhà Nho, đạo sĩ, pháp sư Phật giáo trước tiên phải là người chiến đấu cho cái lý tồn tại của đất nước. Không có nước không có dân lấy gì mà hành đạo, mà rao nạp lý thuyết. Cái thực tế ngàn đời đòi hỏi của xã hội, đất nước Việt Nam với con người Việt Nam là phải yêu nước. Tâm hồn Việt Nam là tâm hồn Phù Đổng, yêu nước phải lớn, phải chấp nhận thử thách hy sinh. Hàng ngàn năm lịch sử bao tấm gương đáng kính của dân tộc chính là những con người “trung nghĩa với nước”, đó là các nhà sư khoác áo lính, các Nho sĩ cầm gươm. Qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành và bảo vệ dân tộc ta thấy sáng lên chân lý tâm hồn: Nho Phật Đạo Việt.
Chủ nghĩa yêu nước có cái lõi triết học của đấu tranh tồn tại phát triển, giải nghĩa được đạo lý của dân Việt, xã hội bản sắc Việt
Ta có thể thấy truyền thống Nho Việt đã được Hồ Chí Minh phát huy trong cuộc chiến đấu vì “Độc lập Tự do” với niềm tin: Không gì quý hơn độc lập tự do. Những lời tâm huyết Người dặn lại trước lúc đi xa trong Di chúc với niềm tin như một lời tiên tri về cuộc kháng chiến chống Mỹ:
“Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Còn non, còn nước, còn người.
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay !
… Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi”(19).
Ta có thể tập hợp tất cả những lời nói của Hồ Chủ Tịch, liên hệ với sự kiện Hồ Chủ tịch đi thăm đền Kiếp Bạc (Trần Hưng Đạo), viếng thăm Côn Sơn (Nguyễn Trãi). Cả một rừng những lời ngợi ca tinh thần yêu nước cháy sáng rừng rực của truyền thống yêu nước, chất lửa thiêng của dân tộc sẽ thấy một dòng chảy văn hóa bản sắc Nho Việt với truyền thống yêu nước tự cường.
Phật, Nho, Đạo chỉ có thể tồn tại phát triển khi nó thấm đẫm tinh thần Việt, cốt cách Việt mà trước tiên, trên hết là “trung nghĩa với nước”: Yêu nước. Nó trở thành gia tài thiêng liêng của dân tộc, thành sức mạnh vô địch chiến thắng kẻ thù.
Tư tưởng Hồ Chí Minh đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam tạo nên sức mạnh chiến thắng trong cuộc đọ sức lâu dài với đế quốc Nhật, Pháp, Mỹ trong 30 năm 1945-1975. Vũ khí sức mạnh vô địch tư tưởng của Người chính là niềm tin huy động phát huy tối đa sức mạnh truyền thống yêu nước của dân tộc.
“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quí báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước, lũ cướp nước”(20).
Chính đây là thước đo kiểm nghiệm tất cả các hệ tư tưởng muốn có chỗ đứng trong tâm hồn dân tộc Việt Nam phải cộng sinh tích hợp trên cái nền chủ nghĩa yêu nước yêu độc lập tự do của dân Việt. Đó chính là cái lõi của bản chất Việt Nho sự tích hợp của Phật Nho Đạo tạo thành trong quá trình lịch sử trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước Việt Nam: “Không gì quí hơn Độc lập Tự do”.
Chú thích:
(1)(3) Báo cáo Hội thảo 4 trường Đại học Đông Á (Đại học Seoul, Đại học Bắc kinh, Đại học Tokyo, Đại học Quốc gia Hà Nội), H. 2001.
(2)(4) Michael Kalton Washington, U. Takoma. Nhân Lễ - Quan hệ con nguời và xã hội. Kỷ yếu hội nghị Nho giáo với xã hội tương lai. An đông Hàn quốc, 2001.
(5) Góc nhìn Đông Á về văn hóa thế giới. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Đại học Havard - Đại học Bắc Kinh, Bắc Kinh, Trung Quốc, 2003.
(5)Hồ Chí Minh toàn tập, tập II, Nxb. CTQG, H. 1995, tr.398.
(6)Furita: Giao lưu văn hóa Nhật Bản Việt NamHội thảo quốc tế Đại học KHXH & NV, Hà Nội.
(7)Trần Văn Đoàn (Giáo sư Đại học Đài Loan): The Category of Dao - Yi 道義 Viet nho 越儒 Báo cáo Hội nghị Quốc tế Nho giáo Việt Nam và văn hóa Đông Á (23-24 /6/2009) Viện Triết học - Viện KHXH Việt Nam, H. 2009.
(8)Bùi Duy Tân: Nam quốc sơn hà và Quốc tộ - Hai kiệt tác văn chương ngang qua thời đại Lê Hoàn. Tạp chí Hán Nôm 5/2005.
(10) Tham khảo: Thơ văn Lý - Trần, tập I.
(11) Kinh Thi. Bắc Sơn.
Phổ thiên hi hạ, mạc phi vương thổ,
Suất thổ chi tân, mạc phi vương thần.
Xem Ngữ văn Hán Nôm T.II, Nxb. KHXH, H, tr.290-294.
(12) Tượng Khổng Tử ở Văn miếu Hà Nội (phụ lục) Thành ngữ dân gian Việt Nam.
(13) Bùi Duy Tân: Vấn đề tác giả Nam quốc sơn hà. Số 3 ngày 6/6/2009.
(14) Oa nhân truyện, Tùy Thư Shibata Minoru, Nihonchi Lịch sử Nhật Bản (bản dịch tiếng Trung) Buncido. 1982 tr.51.
(15) Han Woo Keun: The History of Korea, SeoulKorea 1977, p.208-209.
(16) Trần Nghĩa: Thử xác lập văn bản bài thơ Nam quốc sơn hà, Tạp chí Hán Nôm 1/1986.
(17) Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược. Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1999, tr.242-248.
(18)Nguyễn Tài Thư: Mấy đặc trưng cơ bản của Nho giáo Việt Nam. Trần Nghĩa: Quá trình hội nhập Nho Phật Lão hay sự hình thành tam giáo đồng nguyên ở Việt Nam, Báo cáo Hội thảo Quốc tế: Văn hóa Đông Á 23-24/6/2009 Hà Nội (Viện Triết học - Viện KHXH Việt Nam).
(19)Hồ Chí Minh: Di chúc.
(20)Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6. H. 1986 tr.36./.
Nguyễn Văn Hồng
PGS. Trường Đại học KHXH & NV, HN
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 5(102) 2010, tr.15-26.