Các tài liệu khai quật khảo cổ ở Việt Nam đã cung cấp một số lượng lớn chứng cứ cho thấy rằng từ trước khi văn minh và văn hóa của người Hán truyền vào miền đất Bắc bộ Việt Nam ngày nay, ở khu vực này đã tồn tại một nền Văn minh sông Hồng mà đỉnh cao là Văn hóa Đông Sơn với những trống đồng nổi tiếng trên thế giới. Điều này đã được nhiều học giả quốc tế nhất trí công nhận(1).
Một số nhà nghiên cứu Việt Nam còn cho rằng đã từng có một hệ thống văn tự thuộc nền văn hóa Đông Sơn(2), tuy nhiên cho đến nay khoa học chưa đưa ra được những chứng cứ minh xác.
1. Một số học giả Trung Quốc và Việt Nam cho rằng đại để từ cuối đời Tần chữ Hán bắt đầu được truyền vào Bắc bộ Việt Nam(3). Trong Sử ký của Tư Mã Thiên (SKTMT) có ghi: “Năm thứ 33 (tức năm 214 TCN, - V.T.K) Tần Thủy Hoàng đưa những người thường trốn tránh, những người ở rể và những người đi buôn đánh lấy đất Lục Lương, lập thành các quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải; cho những người bị đi đày đến đấy canh giữ(4). Căn cứ đoạn ghi chép trên, có nhà nghiên cứu đã suy luận như sau: “… trong quá trình sống chung đụng với người Việt, họ nghiễm nhiên trở thành những sứ giả chở chữ Hán và tiếng Hán tới phương Nam(5)…” (chúng tôi nhấn mạnh - V.T.K).
Nhưng đó bất quá chỉ là một quá trình truyền lan khẩu ngữ, thường song hành với xâm lấn lãnh địa. Bức thư của Hoài Nam Vương Lưu An dâng lên can gián Hán Vũ Đế cất quân thảo phạt Mân Việt, có đoạn viết về việc quân Tần đánh chiếm đất Việt như sau: “Đời Tần sai quan Úy Đồ Thư qua đánh nước Việt, người Việt trốn vào rừng núi, đánh không được, đóng quân ở đám đất không, lâu ngày quân lính mệt mỏi, rồi người Việt ra đánh, quân lính Tần đại bại(6)…” Năm 214 mới đánh chiếm đất Việt, bị đại bại; 8 năm sau, 206 trước CN, nhà Tần đã diệt vong, vậy thời gian đâu mà truyền bá chữ Hán ? Vả lại, căn cứ Hán thư, Tượng Quận chưa chắc đã bao gồm cả Bắc bộ Việt Nam ngày nay(7)...”
2. Sau khi triều Tần diệt vong, Huyện lệnh huyện Long Xuyên quận Nam Hải Triệu Đà tỏ ra là một thủ lĩnh tài giỏi và khôn ngoan: ông ta vừa gây áp lực vừa lấy tiền bạc mua chuộc, chia rẽ các Lạc tướng, rốt cuộc đánh bại thủ lĩnh Âu Lạc An Dương Vương, chiếm nốt 2 quận Quế Lâm và Tượng Quận (SKTMT. T.2, tr.374), lập ra nước Nam Việt (năm 201-111 TCN), với biên cương gồm cả miền Bắc bộ và Bắc Trung bộ Việt Nam ngày nay. (ĐVSKTT. Tập 1, tr.138-139). Chỉ đến thời kỳ này chữ Hán (chứ không chỉ tiếng Hán) mới thực sự được truyền bá. Những nhân tố chủ yếu đã thúc đẩy quá trình này là:
2.1. Đã nảy sinh nhu cầu khách quan về sử dụng chữ Hán. Thông qua việc dùng các hào trưởng địa phương. Triệu Đà đã thiết lập được một hệ thống chính quyền từ trung ương vươn tới các địa phương: các sử gia Việt Nam, dẫn sách Thủy kinh chú, khẳng định rằng dưới triều đại Nam Việt các Lạc tướng vẫn cai trị dân như xưa(8). Điều này cũng phù hợp với các sử liệu của Trung Hoa: Thái thú Hợp Phố và Giao Chỉ dưới triều Ngô Hoàng Vũ (231 SCN) là Tiết Tống thừa nhận rằng ngay cả ngót trăm năm từ sau Triệu Đà đến thời các Thái thú Tích Quang và Nhâm Diên (111 TCN - 29 SCN) tại đất Nam Việt “[dẫu] Hiếu Vũ Đế đời Hán giết Lữ Gia, mở chín quận, đặt Giao Chỉ Thứ sử để thống trị, [nhưng] sông núi dài mà xa, dân không biết lễ nghĩa [tức không theo Hán hóa!], dù có đặt quan cai trị [là người Hán], [thì] có cũng như không” (ANCL, tr.132; toàn văn nguyên bản chữ Hán tr.424-425, các từ trong ngoặc vuông góc là của chúng tôi thêm để nhấn mạnh - V.T.K). Vậy thì hệ thống chính quyền của Triệu Đà từ triều đình trung ương, gồm người Hán và người Việt (tài liệu Trung Quốc viết: “Việt nhân Thừa tướng Lữ Gia”), đến các địa phương, chỉ toàn các hào trưởng người Việt, đương nhiên cần có một hệ thống văn tự làm công cụ điều hành, chính vì thế” các vua Nam Việt phải đào tạo một số người bản xứ viết được chữ Hán(9)…
- 2. Nhân tố thứ hai, chưa thấy được đề cập, là: thuở ấy ở Việt Nam đã xuất hiện một số điều kiện thuận lợi cho sự truyền bá chữ Hán. Triệu Đà đã kết thông gia với thủ lĩnh Âu Lạc; theo truyền thuyết, con trai Triệu Đà lấy con gái An Dương Vương Mỵ Châu. Truyền thuyết chưa phải là lịch sử, nhưng có thể phản ánh một số thực tế: những phát hiện khảo cổ học ở thành Cổ Loa gần Hà Nội (mấy vạn mũi tên đồng) chứng minh rằng truyền thuyết về nỏ thần và cuộc hôn nhân của Mỵ Châu có cơ sở thực tế nhất định. Hơn nữa, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dân Việt để xưng đế một phương, Triệu Đà đã chủ động thích ứng với phong tục tập quán của người Việt: trong thư dâng Hán Vũ Đế, Triệu Đà viết: “Lão phu ở đất Việt đã 49 năm, hiện đương bồng cháu” (ANCL, tr.154); khi Lục Giả, sứ thần Hán Cao Đế đến triều đình Nam Việt, Đà “xõa tóc, ngồi chò hõ [tức ngồi chồm hỗm] mà tiếp” [tức theo phong tục của người Việt!], Giả trách Đà “phản thiên tính [tức phản lại bản tính là người Hán]” thì Nam Việt Vương trả lời tưởng như chất phác nhưng có thâm ý: “Tôi ở trong xứ mọi rợ lâu ngày, quên hết lễ nghĩa rồi [tức quên phong tục người Hán]” (ANCL, tr.101-102; nguyên bản chữ Hán tr.404). Gần đây một số nhà nghiên cứu ở Trung Quốc cũng khẳng định Triệu Đà “thúc đẩy chính sách dân tộc “hòa tập Bách Việt”, xúc tiến quá trình dung hợp dân tộc Hán-Việt và phát triển kinh tế-văn hóa(10). Vệ Dương hầu Kiến Đức, cháu năm đời của Triệu Đà, theo ĐVSKTT, có mẹ là người Việt (SKTMT viết: vợ); chính vì vậy khi Thái hậu Cù Thị, vốn người Hán quê Hàm Đan, gian dâm với sứ giả nhà Hán rồi cùng với con trai dòng dõi Hán là Triệu Ai Vương, âm mưu đem Nam Việt thần thuộc Trung Hoa do đó bị “Việt nhân” Lữ Gia “làm Thừa tướng 3 đời vua <…>. Con giai lấy con gái vua, con gái lấy con giai, anh em tôn thất của vua <…>; ở trong nước rất được tôn trọng, người Việt tin ông” (SKTMT, T.II, tr.377), giết chết cùng Ai Vương, thì quần thần đã lập Kiến Đức làm Nam Việt Vương để tổ chức cuộc kháng chiến đầu tiên của người Việt chống đế quốc Hán xâm lăng (SKTMT, Nam Việt úy Đà liệt truyện, T.II, tr.270-380). Có thể nói: họ Triệu và họ Lữ là những đại biểu sớm nhất của các dòng họ cổ đại hòa trộn hai huyết thống Việt và Hoa được sử sách ghi nhận, tức cũng xác nhận lúc ấy ở đất Việt đã hình thành một nhân tố mới, thúc đẩy sự truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hóa Trung - Việt. Không phải ngẫu nhiên ngày nay, tại một số địa phương Việt Nam vẫn còn đền thờ Triệu Đà và Lữ Gia(*).
3. Song, vương triều Triệu Đà, tuy được người Việt ủng hộ, nhưng lực lượng bản thân còn quá yếu nên cuối cùng đã bị đại đế quốc Hán tiêu diệt. Về quá trình truyền bá chữ Hán ở thời kỳ sau đó, các nhà nghiên cứu ở cả hai nước Việt, Trung đã khảo cứu tường tận và đầy đủ, khỏi phải bàn nhiều. Chúng tôi chỉ xin lưu ý một sự thực là: tuy một số vị Thái thú và Nho gia Trung Hoa đã có nhiều cố gắng và đóng góp cho công cuộc mở trường dạy chữ tại thời kỳ này (Sĩ Nhiếp [187-226] còn được tôn làm Nam Giao học tổ), tuy một số triều đình Trung Hoa đã thực hiện chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, thế nhưng trong hơn nghìn năm Bắc thuộc (từ 111 TCN đến 938 SCN), những người Việt đỗ đạt và được làm quan vẫn lác đác như lá mùa thu, trước tác bằng chữ Hán của các học giả đất Giao Châu trong hơn nghìn năm đếm chưa hết mười đầu ngón tay (Sưu tầm và khảo luận…, các nguyên bản chữ Hán, tr.205-365). Chúng tôi bất giác băn khoăn: phải chăng trong thời kỳ Bắc thuộc, chữ Hán ở Giao Châu mới chủ yếu được truyền bá giữa cộng đồng người Hoa tỵ nạn, các quan viên người Hán và bộ phận người Việt cộng tác với họ? Phải chăng với chức năng làm công cụ Hán hóa và bị bắt buộc phải học, chữ Hán đã bị người Việt quyết liệt phản đối nên khó được truyền bá rộng rãi?
4. Nhưng bất luận thế nào, trong suốt cả thời kỳ Bắc thuộc dài lâu, qua quá trình đấu tranh để bảo tồn tiếng Việt và bản sắc văn hóa Việt cũng đã hình thành 3 tiền đề tối quan trọng cho việc truyền bá rộng rãi Hán tự ở thời kỳ sau, khi Việt Nam xây dựng quốc gia độc lập.
4.1. Trong quá trình tiếp xúc dài lâu với văn hóa Trung Hoa và Hán tự, người Việt đã dần dần nhận thức được mặt ưu việt của các thiết chế tư tưởng - chính trị của Nho giáo, nên từ thái độ chống đối đã chuyển sang tâm thế tự nguyện tiếp nhận, hơn thế nữa đã từng thử nghiệm các thiết chế đó như trong nước Vạn Xuân độc lập (541-602) do Lý Nam Đế khởi dựng, hay trong thời chính quyền tự chủ (907-937) do Hào trưởng đất Hồng Châu (Hải Dương) Khúc Thừa Dụ chớp thời cơ nhà Đường tan rã mà thiết lập.
4.2 Từ giai đoạn gọi là Bắc thuộc lần thứ hai (43-544) bắt đầu quá trình Việt hóa tiếng Hán cho phù hợp với hệ thống ngữ âm tiếng Việt, đến cuối đời Đường (TK. VIII - IX) đã hình thành hệ thống phát âm Hán Việt, tuy nhiên, không sử dụng trong giao tiếp khẩu ngữ, mà chỉ dùng để tuyên đọc các sắc phong hoặc sáng tác và ngâm đọc thơ văn chữ Hán(11). Hệ thống âm Hán Việt là một thành tựu rất quan trọng của quá trình Việt hóa tiếng Hán, tạo điều kiện cho người Việt tiếp thu một số lượng lớn từ Hán biểu thị các khái niệm tư tưởng và văn hóa. Chính vì ý thức rõ tầm quan trọng ấy nên có lần sứ thần Trung Hoa yêu cầu tuyên đọc sắc phong của Hoàng đế Trung Hoa bằng âm Hán thuần túy, triều đình Việt Nam đã khước từ, kiên quyết bảo vệ cách tuyên đọc bằng âm Hán Việt như ngôn ngữ quan phương của một quốc gia độc lập(12).
Hiện nay ở Việt Nam vẫn còn không ít người tuy không biết tiếng Trung Quốc, cũng chẳng thông thạo chữ Hán, nhưng vẫn dùng được âm Hán Việt sáng tác thơ Đường luật và câu đối.
4.3 Như đã nói ở trên, họ Triệu và họ Lữ (Lã) là những đại biểu sớm nhất của các gia tộc dòng dõi Việt - Hoa được sử sách của Trung Hoa và Việt Nam ghi nhận. Từ đó về sau đã xuất hiện hàng loạt gia tộc hòa hợp hai huyết thống như vậy: các tội nhân, học giả và quan lại Trung Hoa tị nạn hoặc hưu trí, muốn cư trú trên đất Việt chỉ việc lấy vợ Việt là có thể dễ dàng nhập tịch làng Việt. Trong quá trình chung sống dài lâu các gia tộc hỗn huyết này tự nhiên dung hợp hai nền văn hóa Hoa và Việt, trở thành những nhịp cầu giao lưu văn hóa Trung - Việt. Họ tham dự mọi công việc trong làng, kể cả các tổ chức và lễ nghi tôn giáo, tín ngưỡng tại làng Việt, như có thể thấy trong bài minh khắc năm 798 đời nhà Tùy trên chuông Thanh Mai ở Thanh Oai, Hà Tây(13). Và đương nhiên những người Hoa có văn hóa đã mở trường dạy chữ Hán vì nghề thầy được trọng vọng trong làng xã xưa kia. Sau vài ba đời họ thành người Việt, có những người nhờ vốn có tố chất văn hóa và trình độ tổ chức cao còn trở thành thủ lĩnh, chẳng hạn như Lý Bôn (Lý Nam Đế), “tổ tiên là người Bắc, cuối đời Tây Hán, khổ về việc đánh dẹp mới tránh sang ở đất phương Nam, được 7 đời thì thành người Nam (ĐVSKTT, T.I, tr.178”).
5. Quá trình Việt hóa này sử sách không viết tường tận, nhưng gia phả một số dòng họ có ghi chép.
Tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội còn lưu trữ một số bản Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích. Bộ tộc phả này do bốn vị Nho gia họ Vũ có khoa danh từ sinh đồ (tức Tú tài) đến Tiến sĩ biên soạn trong 3 năm trời, căn cứ vào bản phả đồ cổ từ thế kỷ XVI và các văn bia thế kỷ XVI - XVII, hoàn thành vào năm 1769, ghi được từ cuối thế kỷ XIII đến thời các soạn giả sống, các hậu duệ ghi tiếp đến nửa sau thế kỷ XIX(14). Theo bộ tộc phả, dòng họ Vũ này "phát tích" ở xã Mộ Trạch huyện Đường An đất Giao Châu xưa, nay là thôn Mộ Trạch xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hải Dương. Nhưng về vị Thủy tổ sáng lập dòng họ và làng Mộ Trạch, phả ghi ông "là người huyện Long Xuyên tỉnh Phúc Kiến bên Trung Quốc, năm đầu niên hiệu Bảo Lịch [825] đời Đường Kính Tông thay Hàn Thiều làm Thứ sử Giao Châu; năm thứ 3 niên hiệu Hội Xương [843] được thăng làm Đô hộ sứ An Nam". Về Vũ Hồn sử sách Trung Quốc và Việt Nam chỉ ghi rất vắn tắt. Tập hợp thông tin trong các bộ sử chính của chính nhà Đường biên soạn trong thế kỷ XI là Tân Đường thư (vẻn vẹn 11 Hán tự) và Tư trị thông giám (35 Hán tự)(15), Đại Việt sử ký toàn thư (1497) viết về Vũ Hồn chi tiết hơn Việt sử lược (thế kỷ XII - XIII) và An Nam chí lược (1333), cũng chưa được dăm dòng: "Tân Dậu (Hội Xương năm thứ 1 [841] đời Đường Vũ Tông) nhà Đường xuống chiếu lấy Vũ Hồn làm Kinh lược sứ thay Hàn Ước. Quý Hợi (Hội Xương năm thứ 3 [843] Kinh lược sứ Vũ Hồn sai tướng sĩ đắp phủ thành, tướng sĩ làm loạn, đốt lầu thành, cướp kho phủ, Vũ Hồn chạy về Quảng Châu, Giám quân Đoàn Sĩ Tắc vỗ về yên bọn phản loạn". Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thế kỷ XIX) không thêm được gì mới, chỉ đính chính rằng Vũ Hồn kế nhiệm không phải Hàn Ước mà là Mã Thực.
Thần tích làng Mộ Trạch thêm rằng sau khi từ quan, Vũ Hồn ở lại An Nam, chọn đất lập ấp Khả Mộ (sau sát nhập với thôn Trằm Trạch thành làng Mộ Trạch), mở trường dạy học (đương nhiên là dạy chữ Hán !), sau khi chết được dân thờ làm Thành hoàng.
Về thân thế Vũ Hồn có nhiều vấn đề(16), cũng còn không ít điều mơ hồ, thật hư lẫn lộn, khó có thể giải đáp nếu không có sự tham gia nghiên cứu của giới gia phả học Trung Quốc, đặc biệt là của các đại diện họ Vũ ở Trung Hoa. Tuy nhiên đã có thể khẳng định rằng: vị An Nam Đô hộ sứ này (thực ra, theo sử Trung Quốc và Việt Nam, là Kinh lược sứ) chẳng những không Hán hóa nổi dân Việt mà bản thân đã bị Việt hóa. Gia tộc hỗn huyết Việt - Hoa và dung hợp hai nền văn hóa Trung-Việt của ông đến thời trung cổ đã phát triển rực rỡ phi thường, có những cống hiến to lớn đối với công cuộc truyền bá chữ Hán và giao lưu văn hóa Việt- Trung. Căn cứ các sử liệu và bộ tộc phả nói trên, có thể ghi nhận:
5.1 Trong gia tộc này, với nhân khẩu 1764 người (chắc phải nhiều hơn vì gia phả xưa thường không ghi đầy đủ các nhân vật thuộc nữ giới) có đến hơn 1/4 có trình độ Hán học từ sơ cấp đến đại học, cho phép họ tham gia các cấp chính quyền từ Trưởng thôn đến Thượng thư, Tể tướng, trong số đó 25 vị đỗ đại khoa (Thái học sinh, Tiến sĩ), 241 Hương cống (Cử nhân) và Sinh đồ (Tú tài). Không ít phụ nữ trong dòng họ Vũ này cũng tinh thông Hán học, chẳng hạn như về bà Vũ Thị Liên, chắt nội của Tể tướng Vũ Duy Chí (1605-1679), phả viết: "không gì là không biết, rất giỏi nghề y dược, cứu sống nhiều người”.)
5.2. Riêng một dòng họ Vũ này đã có 46 người mở các ngôi trường dạy chữ Hán trong các thôn làng, có trường đông tới cả ngàn sĩ tử, trong đó hàng chục người đỗ Tiến sĩ còn lưu danh trong Đăng khoa lục. Một số người khác được cử giữ các chức học quan như Nhập thị kinh diên (hầu giảng kinh sách cho vua chúa), Giảng dụ (dạy ở Quốc tử giám), Đốc học, Huấn đạo (dạy ở các trường công của phủ, huyện). Đặc biệt có mấy cặp vợ chồng cùng giảng học như gia đình Hương cống Vũ Công Tương, chồng dạy đại học, vợ dạy tiểu học.
5.3. Có nhiều vị trước tác các công trình khoa học, lịch sử và thơ văn bằng chữ Hán. Ví dụ: Hoàng giáp Vũ Hữu (1441-1511; Hà Nội vừa mới lấy tên ông đặt cho một đường phố), người tính toán việc trùng tu thành Thăng Long trong thế kỷ XV, soạn các sách Đại thành toán pháp và Phép mới đo đạc ruộng đất; Hoàng giáp Vũ Quỳnh (1453-1511) biên soạn bộ sử Đại Việt thông giám thông khảovà biên tập truyện kí Lĩnh Nam chích quái (Lượm lặt những chuyện kì quái ở cõi Lĩnh Nam); Hoàng giáp Vũ Cán (1475-?) "từng chia khu vườn nhà thành 8 cảnh, ngày ngày cùng các em làm thơ, gặp cảnh vật gì cũng tùy hứng ngâm vịnh, tổng cộng có đến hơn nghìn bài; chơi thân với Trạng Trình [Nguyễn Bỉnh Khiêm], có nhiều thơ xướng họa qua lại.
5.4. Một số nhân vật trong dòng họ này từng trực tiếp tham gia các hoạt động bang giao Trung - Việt; hoặc được cử làm sứ thần sang triều đình Trung Hoa, như các Tiến sĩ Vũ Duy Hài (1629-1685), Vũ Công Đạo (1630-1715), Vũ Huy Đĩnh (1730-1789), con trai Huy Đĩnh là Giải nguyên Vũ Huy Tấn (1749-1800), nhà ngoại giao xuất sắc dưới triều Tây Sơn. Có người như Tiến sĩ Vũ Đình Ân, năm 1726 được cử sang nhà Thanh giải quyết vấn đề biên giới, chỉ bằng tranh biện hợp lí hợp tình mà khiến Hoàng đế Trung Hoa chấp thuận trả cho Việt Nam 80 dặm trong số 120 dặm trước đó đã bị bọn thổ phỉ quan địa phương lấn chiếm nhân cơ hội hậu duệ của Vũ Duy Mật bỏ trốn sang Vân Nam (KĐVSTGCM, Tập 2, tr.457). Tiến sĩ Vũ Duy Đoán (1625-1684), được cử nghênh tiếp sứ bộ phương Bắc, chỉ bằng học vấn và tài thơ đã tranh thủ được sự nể trọng của sứ thần là Thám hoa Trung Quốc Ngô Thế Vinh, như trong phả chép: "Vào niên hiệu Dương Đức [1672-1673] có sứ thần phương Bắc tới, ông được cử làm quan tiếp đón, đã cùng sứ Bắc xướng họa từ bến Nhĩ Hà đến cửa điện, ứng khẩu đối đáp hơn hai chục bài, khiến sứ Bắc rất kính trọng. Hôm Bộ Lễ thết yến, sứ Bắc giữa tiệc cứ đòi thêm rượu, ông liền ngâm một bài tứ tuyệt:
“Sứ Ngô khỏe tựa quế trăm đời
Công chuyện vừa xong, công quán rời
No đạo ta rồi thừa hứng thú
Cớ chi còn hỏi chén đầy vơi.”
Cuối cùng để kết luận, chúng tôi muốn dẫn ở đây câu đối do Tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800-1851) soạn, từng treo tại Văn chỉ (khánh thành năm 1838) thờ chư vị tiên hiền của huyện Thọ Xương Hà Nội:
“Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến
Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh”(17)
Tạm dịch: Phong văn nước cũ truyền người trước - Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau.
Vị danh sư sáng lập trường Hồ Đình ven Hồ Hoàn Kiếm dường như tổng kết kinh nghiệm thực tế của dòng họ Vũ và các dòng họ dòng dõi Việt - Hoa cổ đại khác, đã đời nối đời dung hợp hai nền văn hóa Trung - Việt, để đề xuất chủ trương chấn hưng văn hóa - giáo dục Hà Nội hồi đầu thế kỷ XIX, đó là: đem thuần phong mỹ tục của nước Việt thời xưa kết hợp với các chuẩn mực đạo Nho cổ đại (chứ không phải Tống Nho), lấy Nhân nghĩa, mà cái gốc là trung với dân (trung ư dân - Vũ Tông Phan, văn bia trùng tu Miếu Hỏa thần [1841], 30 Hàng Điếu - Hà Nội), chứ không phải "trung quân"!- làm nền tảng(18).
* Đề cương bài này đã công bố trong Kỷ yếu Hán tự truyền bá kí Trung - Việt giao lưu quốc tế học thuật nghiên thảo hội. Luận văn đề yếu / toàn văn. Thâm Quyến, 19-21/12/2003. Thương vụ ấn quán, tr.55.
Tài liệu tham khảo
(1) - Solheim II W.G: New Light on Forgotten Past. - "National Georaphic", 1971, Vol.139, No3
- Chesnov Ja.V.: Istoricheskaia etnograpia Indokitaia (tiếng Nga). Moskva 1976.
- Taylor Keith W: The Birth of Vietnam - Berkely, University of California Press, 1983; "Introduction" dịch sang tiếng Việt, đăng trong Tạp chí Xưa & Nay, số 70, tháng 12/1999, dưới đầu đề "Sự đi tìm bản sắc Việt Nam dưới thời Bắc thuộc".
(2) Đặng Đức Siêu: Ngữ văn Hán Nôm, Nxb. Giáo dục, H. 1987, Tập I, tr.21 (đoạn trích Tiền Hán thư).
- Trương Vĩnh Ký: Sách mẹo An Nam- Sài Gòn 1867.
- Vương Duy Trinh: Thanh Hóa quan phong (tiếng Hán, 1903). Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHv.1370.
- Hà Văn Tấn: Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và nam Trung Quốc. Tạp chí Khảo cổ học, số 1, 1982, tr.31-46.
(3) Chu Khánh Sinh: Tòng sơ thủy đáo thịnh hành: Hán tự đích đông hướng truyền bá (tiếng Hán) trong sách Hán tự đích ứng dụng dữ truyền bá, - Triệu Lệ Minh & Hoàng Quốc Doanh biên, Hoa ngữ giáo học xuất bản xã, Bắc Kinh 2000, tr.106-129.
- Trần Nghĩa: Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt Nam trước thế kỉ X, Nxb. Thế giới, H. 2000, tr.52-55. Tại hội thảo Thâm Quyến nói trên, PGS. Trần Nghĩa trong tham luận (chưa kịp gửi đăng Kỷ yếu hội nghị) bắt đầu nghi vấn quan điểm cho rằng chữ Hán bắt đầu truyền vào đất Lạc Việt từ đời Tần. Mới đây, trong tham luận tại Hội thảo quốc tế về Nho giáo ở Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam và Viện Harvard-Yenching Hoa Kỳ đồng tổ chức tại Hà Nội vào 17-18/12/2004, PGS. Trần Nghĩa cũng đã khẳng định rằng chữ Hán mới thực sự du nhập vào Việt Nam từ thời Triệu Đà. Xin xem thêm Kỷ yếu cùng tên của Hội thảo Hà Nội, 2004, tr.227.
(4) Sử ký Tư Mã Thiên (SKTMT). Phan Ngọc dịch. Nxb. Văn học, H. 1988, Tập I, tr.48.
(5) Trần Nghĩa: Sđd, tr.55.
(6) Lê Tắc: An Nam chí lược (ANCL). Nhóm GS. Trần Kinh Hòa dịch, GS. Chương Thâu giới thiệu, Nxb. Thuận Hóa & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2002, tr.129; toàn văn nguyên bản chữ Hán tr.421-423.
(7) Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT), Nxb. KHXH, H. 1998, Tập I, tr.138, chú thích (3).
(8) Khâm định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM), Nxb. Giáo dục, H. 1998, Tập I, tr.89 và 107.
(9) Trần Nghĩa: Sđd, tr.56.
(10) Hạ Anh Hào & Vương Văn Kiến: Lĩnh Nam chi quang (Nam Việt Vương mộ khảo cổ đại phát hiện). Triết Giang Văn nghệ xuất bản xã, 2002, tr.4.
(11) Nguyễn Tài Cẩn: Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt.- Nxb. KHXH, H. 1979.
(12) Đặng Đức Siêu, Sđd, Tập I, tr.36.
(13) Epigraphie en Chinois du Vietnam. Vol. I.- E.F.E.O. & Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Paris – H. 1998, tr.16-26.
(14) - Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích, A.3132.
- Mộ Trạch Vũ tộc ngũ chi phả, A.659.
- Mộ Trạch Vũ tộc bát phái phả, A.660.
- Vũ tộc bát phái đồ phả, A.3137. Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.
(15) Vũ Thế Khôi: Lược khảo về bộ tộc phả họ Vũ làng Mộ Trạch. Trong sách Vũ tộc thế hệ sự tích, Nxb. Thế giới, H. 2004, tr.13-56.
(16) Vũ Thế Khôi: Vũ Hồn không phải là người họ Vũ đầu tiên đến Việt Nam, Kỷ yếu Thông báo Hán Nôm học 2002, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, H. 2003, tr.257-268.
(17) Vũ Thế Khôi (chủ biên): Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long - Hà Nội - Trung tâm Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây xuất bản, H. 2001, tr.254-255.
(18) Vũ Thế Khôi: Người khởi xướng chấn hưng văn hóa Thăng Long. Tạp chí Văn hiến Việt Nam, số 5/2001./.
Vũ Thế Khôi, TS. ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006, tr.58-64; phiên bản trực tuyến.