Việc diễn hóa câu chuyện Vương Thúy Kiều Trung Quốc thành "Truyện Kiều" Việt Nam qua con mắt của một học giả nước ngoài

20181203 Kieu

Như tự thuật của tác giả cho biết, cuộc kỳ ngộ của Charles Benoit (Lê Vân Nam) với nàng Kiều Việt Nam như một xếp đặt của tạo hóa, nhưng con tạo chẳng khéo vần xoay đã khiến cho ước vọng dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh theo cách của ông bị xếp lại nhiều thập kỷ. Khoảng thời gian đầu của cuộc phân ly ấy, Benoit đã dấn thân vào hành trình tìm kiếm diễn tiến của câu chuyện mà ông trót đam mê như để dằn nén những khủng hoảng tinh thần.

  1. Nhìn lại hành trình một kiếm tìm  

Nghiền ngẫm trên hàng ngàn trang tư liệu liên quan, Benoit đã nhận ra trong câu chuyện Vương Thúy Kiều sự lạ kỳ của con đường sử thực trở thành sử liệu (bao gồm cả việc lưu truyền sự kiện cũng như sự chân-ngụy của lưu truyền, của ghi chép sự kiện), con đường lịch sử đi vào văn chương. Và năm chương của luận án là chuyện kể của riêng Benoit về diễn trình kỳ lạ đó. 

Ở chương mở đầu, như tên gọi, “Từ Hải và đối thủ lịch sử của ông - Hồ Tôn Hiến”, tác giả công trình đã trở lại mắt xích đầu tiên của câu chuyện là mối quan hệ giữa Từ Hải và Hồ Tôn Hiến, hai nhân vật đối đầu nhau trong cuộc chiến chống hải tặc ở Trung Hoa giữa thế kỷ 16.

Câu hỏi được đặt ra là chiến dịch Hồ chống rồi tiêu diệt Từ có bối cảnh ra sao[1]? Vào đầu triều Minh, nhằm đối phó với đạo tặc bản địa và sự xâm nhập của hải tặc Nhật Bản, triều đình đã ban lệnh cấm chỉ hàng hải và ngoại thương trên biển. Hệ quả của lệnh cấm này là triều đình độc chiếm ngoại thương, ngư dân – vì sinh kế đã nổi loạn – rồi buộc phải thành buôn lậu, và thành hải tặc. Theo các ghi chép lịch sử, đến khoảng giữa thế kỷ 16 tình hình này trở nên đặc biệt nghiêm trọng, và mức độ kịch liệt cũng như sự lan tỏa mạnh mẽ của nạn hải tặc thường gắn liền với tên tuổi Từ Hải. Đây là tình huống được bàn luận không còn chỉ ở các địa phương có hải tặc hoạt động mà còn trở thành vấn đề ở tầng cao nhất: triều đình, đó là chiêu an hay tận diệt Từ Hải. Hồ Tôn Hiến, viên Tổng đốc vừa nhậm chức, muốn chọn cách thứ nhất còn Hoàng đế có chỉ lệnh chọn cách thứ hai. Tuy nhiên, theo các chứng cứ lịch sử mà Benoit trưng dẫn, vì Hoàng đế có những mối quan tâm khác, vì những mâu thuẫn bè đảng nên đối sách của triều đình với nạn hải tặc đã không có sự thống nhất, và chính từ đây những sai lệch lịch sử trong các ghi chép về sự việc này bắt đầu xuất hiện. Có trường hợp là do Hồ Tôn Hiến cố tình tạo ra để được tùy nghi hành động. Có lúc do người thân tín hoặc thuộc hạ, để bảo vệ Hồ khỏi những công kích của phe đối thủ nên đã chủ ý ngụy tạo thông tin khiến cho hồ sơ thực sự về cuộc chiến chống Từ Hải của Hồ bị làm sai lệch. Tiêu đích của những đối sánh cứ liệu và phân tích mà Benoit thực hiện là Từ Hải bản mạt của Mao Khôn.

Theo thuật sự của Mao Khôn, Hồ Tôn Hiến là một Tổng đốc tích cực đối phó và do đó có công trong việc tiễu trừ đội quân hải tặc do Từ Hải điều khiển. Nhờ chiến lược khôn ngoan (“uy hiếp với hứa hẹn, xảo quyệt với phủ dụ để chế phục”) Hồ đã khiến cho hải tặc vốn đang có thế mạnh hơn hẳn trở nên thất thế, khiến vị thủ lĩnh hải tặc là Từ Hải thành kẻ phản bội đồng minh của mình rồi rơi vào thế cô lập, bị quân của Hồ Tôn Hiến tấn công đến tận sào huyệt và phải chết “một cách đáng hổ thẹn bằng cách trầm mình xuống sông, nhưng lại bị vớt lên để chém đầu”[2]

Với cách đọc có phê phán của Benoit, tường thuật đó được nhận diện là dối trá về mọi phương diện. Để có được kết luận như vậy, Benoit đã khảo sát thuật sự của Mao Khôn đến từng chi tiết trong logic nội tại của văn bản cũng như đối chiếu nó với hàng chục văn bản bao gồm sử quan phương, dã sử, ký lục, liệt truyện của một số nhân vật đương thời hoặc sau đó,… trải dài từ đời Minh đến Thanh. Do Mao Khôn đã cố che giấu sự thật lịch sử, nên, theo Benoit, Từ Hải bản mạt ít nhất đã “không phải là những điều tai nghe mắt thấy (…) và do đó, không thể dựa vào nó như một sử liệu. Thay vào đó, nó nên được coi như bước khởi đầu của sự hư cấu mối quan hệ lịch sử giữa Hồ Tôn Hiến với Từ Hải và trong phạm vi nhỏ hơn với Vương Thúy Kiều”[3]. Đây là một kết luận quan trọng, vì hai lý do. Từ Hải bản mạt là văn bản được coi là sớm nhất, đầy đủ nhất trong số những tư liệu lịch sử thời kỳ này. Hơn thế, do người ghi chép là Mao Khôn – một cố vấn thân cận của Hồ Tôn Hiến, vị trí đặc biệt như vậy đã thành một bảo đảm nữa cho tư liệu này có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến ngay cả sử quan phương đương thời, đến các văn bản đời sau, thậm chí nhiều sử gia hiện đại vẫn coi đó là nguồn tư liệu minh xác. Nói khác đi, Benoit đã “giải ảo” một tài liệu từ lâu vẫn bị nhận nhầm về độ chân xác lịch sử. Và với kết luận này Benoit đã tạo cầu nối cho vấn đề mà ông sẽ đi tiếp: quá trình hư cấu câu chuyện Vương Thúy Kiều.

Chương Hai. Khi phân tích ở Chương Một, Benoit cũng nhận ra rằng dấu vết của Thúy Kiều rất mờ nhạt trong bản kể của Mao Khôn (và của các tác giả khác có cùng định hướng nhận thức về Hồ Tôn Hiến), và lý do có thể cùng chiều với động cơ làm sai lệch hình ảnh Hồ Tôn Hiến và Từ Hải của Mao Khôn, bởi sự thật về nàng có thể tiết lộ bản chất của sự kiện. Thế nhưng, không dừng lại ở nhận xét đó, Benoit đặt tiếp câu hỏi: nếu Thúy Kiều quả thật nhạt nhòa như vậy thì làm sao có thể giải thích được việc nàng đã thuyết phục thành công Từ Hải quy hàng Hồ Tôn Hiến? Đi tìm nguyên do của hiện tượng này, Benoit tập trung vào hai bản kể: Vương Kiều Nhi truyện của Từ Học Mô và Lý Thúy Kiều của Đới Sĩ Lâm, nhưng chủ yếu là bản kể của tác giả họ Từ.

Được viết trong quãng hai thập kỷ của sự kiện lịch sử, với hai nguồn tư liệu là ký lục lịch sử có sẵn và qua nguồn thông tin truyền khẩu của cư dân trong vùng diễn ra sự kiện, Vương Kiều Nhi truyện trở thành câu chuyện pha trộn cả sử liệu mang thiên kiến với hư cấu, tưởng tượng. Như phân tích của Benoit, bản kể của Từ Học Mô đem lại hai nét mới quan trọng nhất cho câu chuyện là: vị trí Thúy Kiều như một ái cơ của Từ Hải, do đó đã góp sức khiến ông thất trận; và kết cục, chính nàng cũng phải chọn một cái chết bi thương. Thêm nữa, qua đối chiếu văn bản, Benoit còn chỉ ra rằng viết Vương Kiều Nhi truyện “không phải để bôi nhọ danh tiếng Hồ Tôn Hiến” mà trái lại Từ Học Mô “là một trong những người tán dương công lao của Hồ Tôn Hiến trong việc diệt trừ cướp biển và xót xa cho sự bất công xảy đến với Hồ sau đó” còn thiện cảm của tác giả lại dành cho nhân vật nữ có hành vi cao thượng nhưng kết cục bi thương. Để đánh giá cách “kể” của Từ Học Mô trong diễn tiến chung của câu chuyện, Benoit đặt Vương Kiều Nhi truyện bên cạnh một cách kể khác về Thúy Kiều là Lý Thúy Kiều của Đới Sĩ Lâm. Lý do chọn đối sánh này của nhà nghiên cứu là ở cả hai trạng thái: khác và giống. Câu chuyện thứ hai do một tác giả không tên tuổi (trong khi Từ Học Mô, người viết câu chuyện thứ nhất là một sử gia có tiếng), lối viết kém trau chuốt thiếu nhất quán hơn; nhưng cả hai lại giống ở chỗ được viết theo cùng nguồn tư liệu và có cùng động cơ (ca ngợi sự nghiệp tiễu trừ hải tặc và cảm thương Thúy Kiều). Lập luận của Benoit là: những chi tiết giống nhau trong hai văn bản sẽ có tác dụng chứng thực cho các tình tiết trong bản của Từ Học Mô, còn sự khác biệt của các chi tiết cũng như tính logic của diễn biến câu chuyện cho thấy Từ Học Mô đã tạo những nét mới có ý nghĩa cho câu chuyện là: khiến cho nhân vật Hồ Tôn Hiến trở nên tiêu cực hơn, khẳng định vị trí ái cơ của Từ Hải cho Thúy Kiều và do đó nàng có vai trò rõ hơn đối với sự quy hàng của Từ Hải cũng như phải chịu kết cục bi thương hơn. Sự mới mẻ này hoặc do Từ Học Mô “thêm thắt” vào, hoặc bởi ông đã ghi chép trung thực những “thêm thắt” của dư luận đương thời cho câu chuyện.

Nói khác đi, văn bản của Từ Học Mô “không chỉ tạo nên một đóng góp có ảnh hưởng mà còn là một bước ngoặt quan trọng đối với diễn tiến của câu chuyện Vương Thúy Kiều”[4], ở chỗ xác lập vai trò mới cho mỗi nhân vật, đặc biệt là nữ nhân vật. Ông quy công thuyết phục Từ Hải đầu hàng cho Thúy Kiều và miêu tả theo cách thương cảm việc nàng bị đối xử tồi tệ bởi bàn tay Hồ Tôn Hiến. Do vậy, nếu Hồ Tôn Hiến là đối tượng tìm hiểu mức độ trung thực của các dữ liệu lịch sử (Chương Một) thì Vương Thúy Kiều, do chịu cái chết bi thương liên quan đến Từ Hải, lại là điểm khả thủ cho việc khám phá con đường tiểu thuyết hóa câu chuyện. Chương này có tên “Vương Thúy Kiều – Cấu thành phối ngẫu của nhân vật anh hùng” là vì vậy.

 Chương Ba: “Hồ Tôn Hiến và Vương Thúy Kiều – liên minh chống lại Từ Hải”. Lần theo niên đại các văn bản liên quan, Benoit nhận ra hai tác phẩm khác xuất hiện sau các văn bản đã đề cập ở hai chương Một và Hai có cùng ý hướng khắc họa Hồ Tôn Hiến và Thúy Kiều thành một liên minh. Đó là “Hồ Thiếu bảo bình Oa chiến công” do Chu Tiếp – một nhân vật không tiếng tăm – viết sau 1593, Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài – một nhà thơ danh tiếng - viết vài thập kỷ sau đó. Để tìm hiểu cách thức kiến tạo văn bản của Chu Tiếp và Dư Hoài, Từ Hải bản mạtVương Kiều Nhi truyệnLý Thúy Kiều và một số sử liệu đã được dẫn dụ ở hai chương trên một lần nữa được Benoit tái trưng tập làm căn cứ đối sánh, cùng với một văn bản khác lần đầu được đưa ra là La Long Văn truyện của Phan Chi Hằng. Từ những đan cài chằng chịt về tư liệu của Chu Tiếp và Dư Hoài, Benoit chỉ rõ đâu là nguồn văn bản mà mỗi người đã dựa vào, nguyên nhân nào quy định hoặc can dự vào cách họ tổ hợp văn bản, và hiệu quả của những tự sự này là gì.

Do có ý tưởng ngợi ca công trạng Hồ Tôn Hiến “Hồ Thiếu bảo…” của Chu Tiếp đã chủ yếu dựa theo nguồn Từ Hải bản mạtVương Kiều Nhi truyện và một số sử liệu cùng chiều hướng này. Còn Dư Hoài lại có mục đích đặc tả nữ nhân vật nên nguồn của ông được chỉ ra là Vương Kiều Nhi truyệnLý Thúy KiềuLa Long Văn truyệnMinh sử… và phụ lục của Từ Hải bản mạt. Một lưu ý khác của Benoit là cả hai tác giả này đều thường xuyên sao phỏng gần như nguyên vẹn các nguồn văn bản khác nhau khiến cho các tình tiết truyện nhiều lúc trở nên tự mâu thuẫn, tuy mức độ mâu thuẫn này giảm thiểu nhiều từ Chu Tiếp đến Dư Hoài. Tuy thế, so với các văn bản tiền bối, đây là hai tác phẩm lần đầu tiên miêu tả Thúy Kiều là ca kỹ có nhan sắc (giai nhân); đồng thời, ở đây Thúy Kiều - dù vẫn được miêu tả là mang ân tình với Từ Hải - trở thành nhân tố đắc lực giúp Hồ Tôn Hiến hoàn thành xảo kế tiêu diệt Từ Hải; và đặc biệt, chân dung Từ Hải của Dư Hoài bắt đầu có thêm nhiều nét tích cực, gây nhiều cảm thông hơn.  

 Chương Bốn. Benoit gần như dành trọn vẹn số trang của chương này cho việc phân tích tỉ mỉ các chi tiết của hai tác phẩm: “Sinh báo Hoa Ngạc ân; Tử tạ Từ Hải nghĩa” của Mộng Giác Đạo Nhân và Tây Hồ Lãng Tử và Thu Hổ Khâu của Vương Long, rồi đối sánh chúng với nhau cũng như với các văn bản khác (Vương Kiều Nhi truyện hay Từ Hải bản mạt, …) để đi đến nhận xét:

Tuy chia sẻ với “Hồ Thiếu bảo” của Chu Tiếp các nguồn văn bản (là Từ Hải bản mạt của Mao Khôn và Vương Kiều Nhi truyện của Từ Học Mô) và thời gian sáng tác, nhưng “Trong số những phiên bản Hán văn được biết đến về câu chuyện Vương Thúy Kiều, mẩu chuyện này (“Sinh báo Hoa Ngạc”) là cố gắng văn chương đầu tiên kể lại một cách thuyết phục sự can dự của Thúy Kiều với Hồ Tôn Hiến và Từ Hải”[5]. Qua “Sinh báo Hoa Ngạc”, Thúy Kiều đã “thành nhân vật bi kịch với tính cách liệt nữ mà ngày nay chúng ta thấy. Mưu kế chinh phục Từ Hải của Hồ theo đó trở nên thứ yếu so với việc thể hiện đoạn đời trước đó của Thúy Kiều, sự gắn kết của nàng với Từ Hải, và kết cục bi thương của nàng. Dần dà, vai trò của Thúy Kiều trong việc tác động đến sự đầu hàng của Từ Hải tăng lên, tình yêu của nàng với Từ Hải được khẳng định, và cách cả hai kết thúc cuộc đời cũng trở nên thống nhất. Dẫu nhân vật Hồ Tôn Hiến được xử lý cẩn thận để không trở thành kẻ bất lương hoàn toàn, nhân vật Từ Hải, với Thúy Kiều lúc này đang là phối ngẫu trung thành, lại dứt khoát trở thành một tướng giặc oai hùng”[6].

Còn với vở hý kịch Thu Hổ Khâu của Vương Long, viết sau “Sinh báo Hoa Ngạc” vài năm, Benoit khẳng định đây là một sáng tạo độc đáo vì rất khó nhận ra sự vay mượn thô sơ các văn bản nguồn. Chỉ có thể nhận ra gián tiếp nhiều dấu vết của Vương Kiều Nhi truyện và La Long Văn truyện và có thể từ một vài văn bản khác trong vở hý kịch, vì Vương Long đã xử lý hết sức cẩn trọng các nguồn văn bản đó; thậm chí, trong Thu Hổ Khâu không còn nhân vật Hồ Tôn Hiến mà chỉ có thể nhận ra ông ta qua hình ảnh ám dụ với một tên gọi hư cấu hoàn toàn. Như vậy, “Dưới ảnh hưởng liên tục của Vương Kiều Nhi truyện, công lao đánh bại Từ Hải mà Mao Khôn nhập vào cho Hồ Tôn Hiến dần dà được chuyển sang Thúy Kiều. Đến Thu Hổ Khâu, tất cả những hành động của Từ Hải đều trở thành hệ quả chỉ của những cố gắng của nàng. Trong quá trình này, từ “thị nữ” trong bản kể Mao Khôn, Thúy Kiều được biến thành liệt nữ. Hơn thế, khi quan hệ của nàng với Từ Hải bị chuyển từ kẻ phản bội sang người tình, thì cách hiểu về Từ Hải cũng thay đổi theo (…). Đến vở hý kịch của Vương Long, hiệu quả chân dung phủ định về Hồ Tôn Hiến (…) dần dần dẫn đến một tái cấu trúc trọn vẹn những vai trò lịch sử (…) nhân vật hèn mọn trở thành liệt nữ, kẻ cướp thành bạn đời của liệt nữ, và viên quan có công thành nhân vật phản diện hèn nhát”[7].

Có thể thấy, chủ đề của chương - “Sự xuất hiện của Từ Hải như bạn đời của liệt nữ” - được Benoit khảo nghiệm vẫn trên nền đối sánh văn bản. Hai văn bản được phân tích đã cung cấp đủ cứ liệu để khẳng định: câu chuyện đến lúc này đã hiện rõ hình nét của cặp nhân vật: tướng giặc oai hùng (Từ Hải) bên cạnh một người tình nhan sắc, một liệt nữ (Thúy Kiều).           

Cặp nhân vật trên tiếp tục là tiêu điểm của Chương cuối cùng “Từ Hải - Từ Hải - Cứu tinh của liệt nữ” – chương khép lại diễn tiến của câu chuyện Vương Thúy Kiều. Không đi ngay vào quá trình tạo tác văn bản sau đó tại Trung Hoa, Benoit dẫn người đọc trước hết ghé qua các nước trong khu vực Đông Á (với điểm dừng lâu hơn là Việt Nam), nơi câu chuyện được lan xa và đạt đến hình thức đẹp nhất của nó. Và chỉ khi khẳng định rằng chính nhờ tuyệt tác tân tạo của Việt Nam người ta mới bắt đầu quan tâm đến bản nguồn của câu chuyện, Benoit mới trở lại mạch văn bản Trung Hoa với tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện – tác phẩm “đạt tới giai đoạn đích thực” của câu chuyện này trong văn chương Trung Hoa.

Mối rối đầu tiên mà Benoit phải tháo gỡ là những nhầm lẫn đã xuất hiện xung quanh thời điểm sáng tác, thân thế tác giả, nguồn văn bản mà tiểu thuyết này dựa vào, vì tác phẩm vốn không có tiếng tăm. Để đính chính những ngộ giải đó, Benoit đề xuất phương án đặt tác phẩm vào đúng diễn tiến câu chuyện. Với ba cái tên liên quan đến cuốn tiểu thuyết này, là Thanh Tâm Tài Nhân – bút danh của người viết tiểu thuyết, Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân – người viết bài tựa, và Kim Thánh Thán – người được coi là đã viết lời bình cho các hồi của tiểu thuyết, Benoit đã đưa ra những chứng cứ văn bản, và lập luận dựa trên đối chiếu phân tích các văn bản cả về nội dung và hình thức để khẳng định rằng người bình luận và tác giả của tiểu thuyết là một, còn Kim Thánh Thán chỉ là cái tên được gắn vào tác phẩm do tiếng tăm quá nổi của người này. Song, chính nhờ việc mượn danh có chủ ý này mà thời điểm ra đời của tiểu thuyết lại có thêm căn cứ để phóng đoán, và theo lập luận của Benoit thì có thể là vài thập niên sau 1644 – khi mà với “sự phổ biến của các bản Thủy hử và Tây sương, danh tiếng của Kim với tư cách là một nhà bình luận đã được xác lập vững chắc”[8]. Còn Thiên Hoa Tàng Chủ Nhân - một người không rõ thân thế nhưng chắc chắn là tác giả và chủ yếu là người bình điểm cho nhiều tiểu thuyết tài tử giai nhân đầu đời Thanh[9], trong đó có việc viết lời tựa cho Kim Vân Kiều truyện. Chính từ mối quan hệ này, Benoit cho rằng càng có cơ sở để tin cuốn tiểu thuyết ra đời vào những thập niên cuối của thế kỷ 17. Với trường hợp tác giả của Kim Vân Kiều truyện, Benoit cho rằng có những nhầm lẫn trong một số bài viết trên các tạp chí ở miền Nam Việt Nam những năm 1950 và 1960, khi cho rằng Thanh Tâm Tài Nhân là Từ Vị – một người sống cùng thời với Hồ Tôn Hiến. Benoit đưa ra bốn lập luận: 1/ Căn cứ văn bản của sự nhận đồng đó là các tài liệu đã bị hư cấu – những “giai thoại”, 2/ Từ Vị là người chia sẻ nhiều quan điểm với Hồ Tôn Hiến về việc tiễu trừ hải tặc nên không thể là tác giả của một tiểu thuyết có nhiều cảm thông như vậy với một cướp biển, 3/ Từ Vị là cây bút lỗi lạc nhất trong thời đại bấy giờ nên không thể viết ra một tác phẩm tầm thường như cuốn tiểu thuyết đó, và 4/ Ba nguồn tư liệu không thể thiếu trong hợp phần của Kim Vân Kiều truyện là Tiểu Thanh truyện (thời Hậu Minh), lược bản Vương Kiều Nhi truyện (1626) của Phùng Mộng Long và “Sinh báo Hoa Ngạc” (1643) đều chưa xuất hiện khi Từ Vị tại thế.   

Phần tiếp theo, Benoit thảo luận về bản chất thật sự của các hợp phần tư liệu nguồn tạo nên cuốn tiểu thuyết. Đầu tiên là vai trò của Vương Thúy Kiều truyện. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều coi đây là chất liệu chính, nhưng như Benoit đã chỉ ra rằng bất chấp rất nhiều sự kiện chung, nhiều đoạn văn tương đồng, thậm chí tương đồng đến từng từ, Thanh Tâm Tài Nhân đã không dựa trên văn bản này mà dựa theo Vương Kiều Nhi truyện của Từ Học Mô. Kết luận ở Chương Ba về việc tác phẩm của Dư Hoài đã vay mượn nhiều nguồn, trong đó có việc sao chép nhiều đoạn gần như y nguyên tác phẩm của Từ Học Mô, và việc đối sánh ba bản Vương Kiều Nhi truyệnVương Thúy Kiều truyện, Kim Vân Kiều truyện đã khẳng định những tương đồng nói trên không phải do sự sao phỏng của Kim Vân Kiều truyện từ Vương Thúy Kiều truyệnmà do cả hai đã vay mượn cùng một nguồn. Quan hệ cho-nhận giữa Vương Kiều Nhi truyện chứ không phải giữa Vương Thúy Kiều truyện với Kim Vân Kiều truyện còn được khẳng định chắc chắn thêm bởi trong Kim Vân Kiều truyện có những tình tiết vay mượn khác từ tác phẩm của Từ Học Mô, trong khi Dư Hoài lại chọn nguồn khác. Tiến thêm bước nữa, bằng cách soi xét kỹ các tình tiết trong toàn bộ những văn bản liên quan, kể cả những văn bản đã được các chương trước nhìn nhận, rồi xếp sắp lại chúng trong diễn tiến của câu chuyện Vương Thúy Kiều, Benoit còn chứng minh rằng văn bản nguồn chủ yếu của Thanh Tâm Tài Nhân là “Sinh báo Hoa Ngạc”, ngoài ra là lược bản Vương Kiều Nhi truyện và câu chuyện về nàng Tiểu Thanh cùng của Phùng Mộng Long, là vở hý kịch Thu Hổ Khâu, là Tam quốc diễn nghĩa, và có thể cả những trải nghiệm của cá nhân tác giả. Trong quá trình đi tìm một diễn tiến thực sự cho câu chuyện đang bàn, Benoit còn tìm thấy một vở kịch có tên Hổ phách chủy chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết sau khi nó ra đời và nó được ông phát hiện thêm ở khía cạnh chứng cứ bổ sung cho giả định trước đó về thời điểm sáng tác Kim Vân Kiều truyện là sau 1676. Với chi tiết vở kịch này có mặt trong một bản chép tay có niện đại 1707 nên cuốn tiểu thuyết hiển nhiên phải ra đời trước 1707. Từ hai dấu mốc thời gian này, Benoit cho biết “tôi chọn năm 1685, với sai số trên dưới khoảng năm năm, làm thời điểm mà cuốn tiểu thuyết có khả năng được sáng tác nhất”[10].

Phần cuối cùng của chương luận về sự chuyển hóa trong cuốn tiểu thuyết của ba nhân vật chính: Thúy Kiều, Từ Hải, và Hồ Tôn Hiến. Theo phân tích của Benoit, Thúy Kiều ở Kim Vân Kiều truyện là sự tổ hợp những nỗi đau khổ từng được khắc họa trong các phiên bản trước đây về nàng, và nguyên nhân của những bất hạnh mà nhân vật này gánh chịu cũng được lý giải rõ ràng bằng một lý do mang tính chất tôn giáo “thụ khổ là cần thiết để trả nợ nghiệp chướng từ kiếp trước”[11]; đặc biệt, theo Benoit, chính cách lý giải này đã tạo nên sự nhất quán cho tác phẩm vốn hình thành trên nhiều nguồn văn bản khác nhau.

Là nhân vật gắn bó với một phần đời quan trọng của Thúy Kiều, Từ Hải còn là cao trào của tác phẩm. Để tạo nên một nhân vật như thế, Thanh Tâm Tài Nhân đã chủ ý thay đổi các nguồn tư liệu vay mượn, đưa ra một Từ Hải rất khác biệt. Ông không còn là kẻ nổi loạn tầm thường mà là “một kẻ phản loạn bất khuất, yêu tự do phóng khoáng, coi thường quyền uy, thậm chí đe dọa cả ngai vàng”[12] - một anh hùng; còn trong quan hệ với Thúy Kiều, Từ Hải “giờ đây xuất hiện không chỉ trong tư cách ân nhân tối thượng của Thúy Kiều mà còn ở tư cách một thẩm phán công lý tối cao trong một xã hội bất công”[13]. Đồng thời tác động của liệt nữ với hành xử của nhân vật anh hùng cũng được miêu tả là tích cực; các phương diện về nhân thân, tính cách cũng được cải chế theo hướng gây thiện cảm hơn nữa. Khác biệt với những thay đổi lớn về hai nhân vật trên, Hồ Tôn Hiến trong tiểu thuyết lại gần như không được tác giả dụng tâm bao nhiêu. Theo Benoit, dường như Thanh Tâm Tài Nhân đã bằng lòng với chân dung thiếu thiện cảm về nhân vật này mà các bậc tiền bối đã tạo ra, và sự cải biến đây đó của ông chỉ nhằm xây dựng Hồ Tôn Hiến thành “địch thủ bội tín” của hai nhân vật bi kịch anh hùng-liệt nữ nói trên[14].          

2. Nhân vật tiêu điểm: Từ Hải

Có ba nhân vật luôn hiện hữu trong các văn bản liên quan, do đó và do mối quan hệ đan cài của họ mà bộ ba nhân vật này luôn được bàn thảo đến trong cả năm chương sách. Vị trí, tính chất, vai trò của ba nhân vật, như Benoit nhận xét, đã được thiên diễn theo thời gian, theo mục đích của người tạo văn bản và theo tính chất của văn bản. Trong nhiều văn bản mà đặc biệt là văn bản Trung Hoa đã “đạt tới giai đoạn đích thực của nó trong văn chương”[15] - Kim Vân Kiều truyện - thì Thúy Kiều hoặc là nhân vật gây thương cảm, khiến câu chuyện được ghi lại, hoặc thành nhân vật trung tâm. Song theo lịch trình thời gian thì không phải thế: Từ Hải và đối thủ Hồ Tôn Hiến của ông là mắt xích quan trọng đầu tiên. Thêm nữa, cũng vẫn theo các trưng dẫn tư liệu và lập luận của Benoit, Từ Hải mới là nhân vật đẹp nhất của quá trình tạo văn bản.

Khởi đầu, Từ Hải không phải là thủ lĩnh hải tặc, và Hồ Tôn Hiến là viên quan có công tiễu trừ nạn giặc đó, quanh những năm 1550. Từ Hải gốc tích là một sư tăng, nhưng do tính cách phiêu lưu nhiều tham vọng nên sau đó bị cuốn vào các hoạt động thương mại trên biển, rồi tham gia vào hoạt động cướp biển, và chỉ trong tình huống ngẫu nhiên ông mới thành một trong những thủ lĩnh hải tặc, rồi bị Hồ Tôn Hiến tiêu diệt. Bước vào văn bản đầu tiên - Từ Hải bản mạt của Mao Khôn - Từ Hải thành kẻ xảo trá, và do Hồ Tôn Hiến được cố ý miêu tả thành kẻ khôn ngoan, có chiến lược tài tình nên Từ Hải phải chịu một kết cục “nhục nhã” (Chương Một). Đến Vương Kiều Nhi truyện Từ Hải đã có những nét khác so với Từ Hải trong Từ Hải bản mạt. Ông không còn chỉ ở thế bị Hồ Tôn Hiến uy hiếp nữa mà đã có nét uy quyền của một đối thủ đáng kiêng nể, và cũng không còn nét xảo trá, khó lường mà Mao Khôn đã chủ ý phác họa. “Bản kể đầy thương cảm của Từ Học Mô (…) gần như bảo đảm rằng qua bàn tay của các tác giả đời sau, Từ Hải sẽ được biến đổi dần dần, từ một thảo khấu thấp hèn trong chính sử thành một anh hùng chính trực trong tiểu thuyết và kịch”[16] (Chương Hai). Những chỉnh sửa căn bản về Từ Hải, theo trình bày của Benoit, sau đó được thực hiện qua “Hồ Thiếu bảo bình Oa chiến công” của Chu Tiếp, và Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài. Ở những văn bản này, Từ Hải thành viên tướng giặc oai phong, thành người bạn đời của nhan sắc Thúy Kiều (trong khi Hồ Tôn Hiến dần bị lãng quên trong ý đồ cải biên của các tác giả) (Chương Ba). Tiếp đó, ở “Sinh báo Hoa Ngạc” của Mộng Giác Đạo Nhân và Tây Hồ Lãng Tử và Thu Hổ Khâu của Vương Long, trong khi việc miêu tả mưu kế của Hồ Tôn Hiến trở nên thứ yếu thì việc miêu tả sự gắn kết của Thúy Kiều với Từ Hải lại gia tăng, kèm theo đó là tường thuật đầy cảm thương về kết cục bi kịch của nàng. Benoit chỉ ra rằng tình yêu của Từ Hải với Thúy Kiều có đường nét rõ ràng hơn, và với mức độ tình cảm đó, hành vi tự tận của nàng sẽ cộng hưởng thành một bảo đảm chắc chắn cho vị trí “liệt nữ” của Thúy Kiều thì cũng tự nhiên nhân vật Từ Hải có thêm những nét mới: Từ Hải trở nên hấp dẫn hơn ở cả hai phương diện, thủ lĩnh hải tặc và bạn đời liệt nữ. Đồng thời, Benoit cũng chỉ ra rằng, cả Từ Hải và Thúy Kiều đều không phải chịu trách nhiệm trực tiếp về những diễn biến liên quan đến kết cục của Từ Hải (là quy hàng, và chết một cách bi kịch), họ là nạn nhân bi thương của Hồ Tôn Hiến, và do đó Hồ Tôn Hiến càng mang những nét thiếu thiện cảm (Chương Bốn). Bước đệm giữa hai quá trình nói trên (Chương Ba và Bốn) là La Long Văn truyện của Phan Chi Hằng. Đây là văn bản sớm nhất phản ảnh tính cách phức tạp của nhân vật Từ Hải: vẫn có nét bất trắc trong quan hệ với Hồ Tôn Hiến nhưng dễ thuyết phục trước Kiều, có khát vọng, và sụp đổ vì đã tin kẻ khác. Đến Kim Vân Kiều truyện, trong khi nhân vật Hồ Tổng đốc gần như không thay đổi thì, như bình luận của Benoit đã trích dẫn ở trên, Thanh Tâm Tài Nhân đã “chủ ý thay đổi các nguồn tư liệu vay mượn” để tạo ra “một Từ Hải khác biệt ngay từ đầu cho đến kết thúc (…), một kẻ phản loạn bất khuất, yêu tự do phóng khoáng, coi thường quyền uy, thậm chí đe dọa cả ngai vàng (…), giờ đây xuất hiện không chỉ trong tư cách ân nhân tối thượng của Thúy Kiều mà còn ở tư cách một thẩm phán công lý tối cao trong một xã hội bất công” (Chương Năm).

Nhìn lại diễn tiến chung của câu chuyện, có thể nhận ra rằng trong toàn bộ các văn bản được Benoit khảo sát, cả ba nhân vật đều bị cải chế theo hai hướng: thêm bớt và đảo ngược. Trong đó, Thúy Kiều là trường hợp tiêu biểu cho hướng thứ nhất, còn Hồ Tôn Hiến và Từ Hải thuộc về cả hai. Vậy thì nhân vật Từ Hải được coi là đẹp nhất của quá trình cải biên này vì lý do gì? Như Benoit đã chỉ ra, ngay trong sự hư cấu đầu tiên của tự sự này (Từ Hải bản mạt), mục đích của soạn giả là tạo một hồ sơ sáng giá cho Tổng đốc họ Hồ, và vì vậy lý lịch của Từ Hải đã bị bôi đen – đây là mối quan tâm và xu hướng của sử liệu kéo dài từ đời Minh đến đầu Thanh. Qua một số văn bản sau đó, sự chú ý được chuyển sang Thúy Kiều. Do được cái chết bi thương của nàng lưu truyền trong dân gian truyền cảm hứng, một số tác giả đã tái chế sự kiện và từng bước chuyển theo chiều hướng mới, bằng cách kết hợp hai nguồn ký lục và truyền khẩu. Như vậy, đây là sự cải biên tự do nhất, nếu so với hai nhân vật còn lại. Kiều đã từ nhân vật cực kỳ mờ nhạt thành một nhan sắc, thành người gánh trách nhiệm về cái chết của Từ Hải (gánh phần cho Hồ Tôn Hiến) và đồng thời cũng thành liệt nữ. Nhưng, sự phát triển gần như toàn thiện ấy liệu có thành, nếu thiếu nhân vật anh hùng Từ Hải? Lý do thứ hai liên quan đến nhân vật Hồ Tôn Hiến. Như đã nói, Từ Hải là người bị cố ý hạ thấp để tôn vinh quan Tổng đốc. Động tác cải chế này dựa trên việc làm sai lệch tư liệu vốn có, tức là bị ràng buộc hơn so với việc cải chế nhân vật Thúy Kiều. Thêm nữa, trong diễn tiến sau đó, khi sự lật ngược cách hình dung hai nhân vật này diễn ra thì chỉ Từ Hải được bổ sung những đường nét mới. Bất khuất, yêu tự do, coi thường quyền uy là những phẩm chất của kẻ làm loạn trong một trật tự toàn trị đã được gắn cho nhân vật vốn là hải tặc và thủ lĩnh hải tặc bất đắc dĩ. Còn tư cách cứu tinh của nhan sắc Thúy Kiều, là thẩm phán công lý trong xã hội bất công được gửi gắm vào Từ Hải thì có thể chắc chắn là những hình ảnh ước vọng, dù có dựa vào những mảnh hiện thực nhất định. Để có được một nhân vật với những mới mẻ đến mức đó, các tác giả không thể không khổ công và mạnh mẽ với những ý đồ vượt khỏi ước thúc của thời đại ở nhiều phương diện.

Còn Nguyễn Du. Tố Như Tử đem lại cho nhân vật Từ Hải của Đoạn trường tân thanh thêm những gì? “Hiển nhiên, ngoài cái đẹp ngôn ngữ mà Nguyễn Du đã sử dụng và nhạc tính của vần điệu mà ông đã sáng tạo nên, còn cần thêm điều gì đó để nhận chân sự mê đắm cực lớn của người Việt đối với một bộ tiểu thuyết Trung Hoa không mấy nổi tiếng. Lời đáp chủ yếu là ở phương thức sáng tạo mà theo đó Nguyễn Du đã cải biên tư liệu nguồn. Đối với những nhân vật được phác họa mờ nhạt của tiểu thuyết, ông đã truyền cho chúng những phẩm chất phổ quát, giúp chúng vượt qua thời gian hay không gian cụ biệt”[17]. Từ Hải chính là bằng chứng thuyết phục nhất khiến Benoit nhận ra và khẳng định khả năng văn chương có thể nhân lên gấp bội các giá trị lịch sử.

 Cuộc tìm kiếm diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều dừng lại trước những phân tích sâu hơn văn bản Việt Nam bằng nhận xét trên. Benoit luôn bám sát diễn tiến đó từ cả ba nhân vật chính, nhưng Từ Hải mới là nhân vật được ông ngưỡng mộ về mức độ tạo tác, và cũng chỉ Từ Hải của Nguyễn Du mới thành nhân vật mang thẩm mỹ và tính nhân bản sâu sắc nhất trong cả tập hợp văn bản được khảo sát. Đó là sự thật từ văn bản, song dường như đó cũng là khoảng trời riêng của chính Charles Benoit Lê Vân Nam.

3. Luận thuật văn bản: chân và mỹ

Câu chuyện về Vương Thúy Kiều, như các nhà nghiên cứu gần đây đã tổng hợp, có mặt trong ngót 200 văn bản Trung Hoa, trong đó những tư liệu mà Benoit bao quát và tập trung khai thác là những nguồn quan trọng nhất. Công phu của ông có thể thấy trước hết qua diện và lượng tư liệu được sử dụng: có sử liệu (là chiếu dụ, tấu biểu, địa phương chí, sử quan phương), có ghi chép của người đương thời và đời sau, có sáng tác văn chương (thơ, liệt truyện, hý kịch, tiểu thuyết…) dựa trên hai nguồn ký lục và truyền khẩu – được tập hợp trong 15 trang thư mục tài liệu tham khảo cuối công trình (nguyên bản tiếng Anh).

Đối diện với tư liệu, ở đây xin được khoanh vùng vào những tư liệu cổ, có những cấp độ và cách xử lý khác nhau. Nhận diện tư liệu, biện giải độ xác tín của tư liệu, và đánh giá chúng là những thao tác đầu tiên. Tiếp đó, với những trường hợp đa văn bản hoặc liên văn bản là phân tích đối sánh văn bản. Tầm nhìn và khả năng phát hiện của người xử lý văn bản, sử dụng văn bản phụ thuộc chính ở hai cấp độ thao tác này, mà chủ yếu là ở cấp độ thứ hai: đối sánh có phân tích và ngược lại.

Trở lại với diễn tiến của câu chuyện đang bàn, đã có nhiều học giả đi theo hướng khảo cứu văn bản. Trước hết là giới học thuật Trung Hoa. Hai trường hợp tiêu biểu là Đổng Văn Thành[18] và Trần Ích Nguyên[19]. Là học giả Trung Hoa, họ thuận lợi hơn hẳn về ngôn ngữ và khả năng tiếp cận văn bản Hán văn. Tuy nhiên, để tìm hiểu diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều có điểm hoàn kết rực rỡ ở Việt Nam thì cả hai học giả này lại bất lợi về ngôn ngữ.

Giữa hai học giả này, Trần Ích Nguyên là người có tinh thần làm việc khách quan hơn khi ông, dù phải mượn cây cầu phiên dịch, đã nhiều lần tìm đến Việt Nam và nguồn văn bản Việt (Hán Việt, Nôm). Cũng chính vì vậy, nhiều nhận định của Trần Ích Nguyên đã gần hơn với sự thật của diễn tiến câu chuyện tại Việt Nam. Trong Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều, trục chính của công trình, theo lời tác giả là “Khảo sát sự truyền bá và ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, đánh giá lại giá trị và địa vị của nó”, nhằm “giúp ích cho chúng ta cùng đi sâu nhận thức tình hình chỉnh thể câu chuyện Vương Thúy Kiều ở trong và ngoài Trung Quốc, đồng thời cũng là tìm một định vị lịch sử thích đáng cho tiểu thuyết cổ đại mà Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân là chủ yếu”, và “để đào xới một số vấn đề về tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, xây dựng lại bộ mặt chân thực cho tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc”[20]. Như vậy, tiêu đích sâu xa của học giả Trung Hoa này không phải là câu chuyện nàng Kiều, hay diễn trình biến hóa của câu chuyện mà là giá trị của cốt truyện bản địa. Thêm nữa, khởi sự tìm tòi của Trần Ích Nguyên là thời điểm 1998 và hoàn thành vào năm 2001 - 20 năm sau khi luận án của Benoit hoàn thành; còn các công trình của Đổng Văn Thành, sớm nhất từ 1985 và muộn nhất là 1999[21] cũng đều ở sau thời điểm Benoit công bố kết quả nghiên cứu, 1981.

Điều quan trọng hơn, so với nghiên cứu của Benoit, các khảo sát nói trên đều phải nhường một bậc về cách trưng dẫn và phân tích tư liệu. Thường xuyên xuất hiện trong chuyên khảo của Benoit cụm từ “đọc có phê phán”, “tìm hiểu có phê phán”, “xem xét một cách có phê phán”, thái độ phê phán” (read critically, “critical examination”, “considered critically”, “critical attitude”). Đấy chính là lý do để nghiên cứu của Benoit, ngoài ưu thế tác giả thông thạo chữ Nôm (để đọc tác phẩm của Nguyễn Du), thông thạo tiếng Việt Latin hóa để tham chiếu đầy đủ các thảo luận của học giới Việt Nam, ngoài những tranh luận và đính chính tư liệu thuyết phục với chính nguồn văn bản chữ Hán, còn có những luận biện tinh xác về diễn biến logic của câu chuyện từ tổng thể văn bản, tình tiết, chiều hướng dịch chuyển khung truyện, và đặc biệt là sự tài tình trong phân tích diễn tiến câu chuyện mà các nghiên cứu bản địa nói trên không có được. Hầu hết các tư liệu đều được lật đi lật lại, được kiểm chứng đối sóng hoặc kiểm chứng trong một tập hợp văn bản nhất định. Nhờ vậy, Benoit dường như đã khai thác triệt để mọi thông tin có khả năng hàm chứa trong văn bản; thậm chí cả những văn bản mang ý nghĩa tiêu cực, dưới cách phân tích của Benoit, vẫn cho thấy chúng có thể giúp vào việc tìm ra một sự thật nào đó hoặc gợi ý cho một hướng tìm mới.

Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam do Charles Benoit thực hiện là một luận thuật văn bản tỉ mỉ, sát sao. Hơn nữa, phạm vi văn bản được luận bàn còn bao gồm (và thực tế là được quan tâm nhiều hơn ở) những tương quan quan hệ giữa ba nhân vật chính thuộc chuỗi sự kiện. Năm chương của công trình được phân chia theo hình thức là: chương đầu tiên luận thuật diễn tiến câu chuyện trong văn bản lịch sử, bốn chương còn lại thảo luận về diễn tiến ấy trong các văn bản văn chương; tên các chương cũng khẳng định chúng có tiêu điểm riêng. Nhưng, như độc giả theo dõi, cả năm chương đều xoay quanh mối quan hệ đan xen phức tạp giữa ba nhân vật chính. Benoit luận biện, bằng những cứ liệu văn bản, về sự thay đổi tính chất, trạng thái của từng cặp quan hệ trong nhận thức rằng cách khắc họa từng mối quan hệ riêng một khi thay đổi sẽ tác động lập tức đến các cặp quan hệ còn lại, tức là giữa chúng có một sự cộng hưởng mạnh mẽ, vì thế cách trình bày hoặc phân tích văn bản của ông luôn đảm bảo đồng thời hai yêu cầu của một khảo sát có điểm và có diện cũng như luôn hướng tâm một cách sát sao. Benoit cũng luôn cho rằng sự thay đổi trên bề mặt văn bản này phải có lý do, rồi ông cũng đương nhiên tự xác định một nhiệm vụ tiếp theo cho mình là tìm cách giải đáp nguyên do đó, hoặc bằng phân tích đối sánh văn bản hoặc tìm trong văn bản những chứng lý để lập luận về những lý do khả thủ của hiện tượng. Bởi vậy có thể hình dung, ở phương diện này, thao tác văn bản của Benoit còn là một đối thoại cương trực với tác giả của nhiều thời đại (người biên thứ, ký lục lịch sử, giai thoại, người tạo tác văn bản văn chương, người phẩm bình, và nhà nghiên cứu,…), là cuộc chiến bền bỉ chống lại những ảnh hưởng của các hệ thống văn bản tư liệu mang tính định kiến hoặc có sai lầm, lệch lạc, chống lại những lối nghĩ, hệ tập quán, thiết chế phi lý mà khoa học, nhất là khoa học xã hội nhân văn, thường gánh chịu. Nói cách khác, luận thuật của Benoit đã chạm đến mọi tầng văn bản, từ văn bản cụ thể đến văn bản siêu hình - tức những nhân tố tập tục, xã hội, tư tưởng, lịch sử,… hoặc động cơ cá nhân đã ước thúc quá trình tạo tác văn bản vật lý cụ thể. Thao tác này ít có mặt và gần như chưa thành một nguyên tắc làm việc xuyên suốt ở bất kỳ nghiên cứu nào về chủ đề này, nó thực sự là của riêng Benoit.  

          Tại Việt Nam, con đường tìm kiếm nguyên lai Truyện Kiều có thể tính từ những năm cuối thế kỷ 19 với vai trò mở đầu của một số học giả Pháp. Bước tiếp theo thuộc về một học giả Việt Nam là Thượng Chi với bài viết “Truyện Kiều” (Nam phong tạp chí số 30, 12-1919)[22]. Kể từ đây nhiều tác giả Việt Nam khác cùng góp công, như Phan Sĩ Bàng và Lê Thước với Truyện cụ Nguyễn Du – Tác giả truyện Thúy Kiều(Mạc Đình Tư xuất bản, Hà Nội, 1924), “Nguồn gốc quyển Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du” của Dương Quảng Hàm (đăng trên Tri tân số 4, 24-6-1941)[23], và “Nguồn gốc Truyện Kiều: ‘Phong tình cổ lục’ nào là ‘lam bản’ của Truyện Kiều” của Giản Chi (Tạp chí Văn [Sài Gòn] số 43, 1964). Tuy nhiên, do mục tiêu nghiên cứu và khả năng tiếp cận văn bản, hầu hết những bài viết này đều tập trung cho việc đối sánh truyện thơ của Nguyễn Du với tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện. Đi xa nhất trong hướng tìm tòi này là bài viết của Giản Chi[24], nhưng, như Benoit đã lập luận, do các tư liệu đưa ra thiếu độ chân xác nên bài viết không đủ sức thuyết phục[25]. Và vì vậy, nghiên cứu của Benoit không chỉ đính chính những nhầm lẫn của một số tài liệu Việt Nam trong việc nhận diện tác giả bản Kim Vân Kiều truyện, tham góp cụ thể vào việc xác định thời điểm Nguyễn Du có thể thực hiện việc cải biên câu chuyện Trung Hoa, mà nhận định của Benoit rằng: ngoài tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, để viết Truyện Kiều chắc chắn Nguyễn Du đã tiếp xúc với những nguồn tư liệu khác[26] (THY, NĐN nhấn mạnh), cho đến thời điểm này vẫn là kết luận có chứng lý và đầy đủ nhất về mức độ và khả năng cải biên các tư liệu nguồn, tức là sự sáng tạo nghệ thuật, của Nguyễn Du. Trên hành trình tìm kiếm này, Benoit đã tao ngộ nhiều thức giả Việt ở nhiều thời đại chung tình yêu khúc đoạn trường của Nguyễn Du, và có lẽ không quá ngộ nhận khi nghĩ rằng một người đọc không căn rễ Việt là Benoit đã nhận đồng hoàn hảo với những luận bàn của hai bậc túc nho Việt gần thời Nguyễn Du về thiên tài Nguyễn Du[27].

*  *  *

Trong cuốn sách này nếu văn bản luận án là phần cốt lõi thì “Lời thưa trước…”, “Nàng Kiều và tôi”, đến “Lời cảm ơn” và cả bài yết hậu này là những phụ văn bản, chúng cùng nhau tạo nên một liên văn bản. Đó là sự xếp chồng những lớp văn bản khác biệt về thời gian về người viết, khiến việc theo dõi câu chuyện của độc giả trở nên giống như sự bóc tách từng lớp văn bản điệp trùng phủ lên một lõi truyện. Hiệu ứng của một cuốn sách như vậy ra sao, câu trả lời xin chờ phản hồi của độc giả.

Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều - Từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam là một công trình khoa học, song tác giả đã viết nó  như một tự sự về chuyến thám hiểm gian nan nhưng quyến rũ nhất của đời mình. Không rõ những khi lặn lội tìm kiếm tư liệu nghiên cứu tại các thư viện trên đất Mỹ và ở các nước châu Á, những lúc khổ công ngẫm suy về chúng để tìm ra những lời giải có khi nào Benoit nhận thấy lời Nguyễn Du nói về quãng đời mười lăm năm chìm nổi của nàng Kiều, rằng Lại tìm những chốn đoạn trường mà đidường như thật đúng với mình khi ấy. Phải hai lần rời Việt Nam trái hẳn với ước muốn và ngậm nhiều oan trái, Benoit đã có thể chọn cách rũ bỏ hoàn toàn những quan tâm, dứt bỏ tất cả những kết nối từng có với Việt Nam, với Truyện Kiều. Thế nhưng, chỉ hơn năm năm sau lần phải xa cách Việt Nam đầu tiên (1975-1981), Benoit đã hoàn thành hành trình tìm kiếm sự thật xung quanh diễn tiến câu chuyện về nàng Kiều; và sau hơn ba thập kỷ ấp ủ-cố lãng quên, dự án dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh của ông cũng thành hiện thực (vào cuối 2016)

Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên

Một kết thúc có hậu – cụm từ này như một lời an ủi. Nhưng Benoit từng viết “Việt Nam lúc nào cũng ở trong tôi”. Và đây không phải một dòng xã giao, nếu hiểu những trải nghiệm vô cùng đa dạng của ông ở Việt Nam. Quả thực, công trình học thuật để đời này không là đơn đặt hàng từ bất kỳ đâu ngoài một cam kết gắn bó tự nhiên và thật sâu nặng của Charles Benoit với Việt Nam, qua Truyện Kiều

Khi thân chẳng lọ là cầu mới thân

Vì thế, câu chuyện này có thể được xem như một minh chứng cho việc một giá trị văn hóa có thể điều giải tốt ra sao những trắc trở xuyên biên giới và thời gian.       

8.2015 – 8.2016


[1] Đây là cách viết một bối cảnh lịch sử với độ nén đặc biệt cao. Bởi người viết, thay vì trình bày một diễn tiến lịch sử chung chung của quãng thời gian này, đã chỉ tập trung vào một tình huống là nạn hải tặc trong đối sách của triều đình. Vì thế, nội dung chính của chương là thảo luận văn bản để nhận diện khả năng thực sự của sự kiện lịch sử không bị sao lãng hoặc trở nên rối rắm với những dữ liệu lịch sử thừa thãi.

[2] Trang 53 sách này.

[3] Trang 143-144 sách này.

[4] Trang 160 sách này.

[5] Trang 210 sách này.

[6] Trang 215 sách này.

[7] Trang 247 sách này.

[8] Trang 266 sách này.

[9] Để tìm hiểu nhân thân của người mang bút danh này, Benoit đã tranh luận với học giới Trung Hoa và cho rằng hai luồng nhận đồng của họ là không thuyết phục (xin xem các trang 266 và 267 sách này). 

[10] Trang 291 sách này.

[11] Trang 292 sách này.

[12] Trang 302 sách này.

[13] Trang 298 sách này.

[14] Trước khi kết thúc chương là bàn luận của Benoit về một số dẫn dụ có thể tạo nên những nhận xét mâu thuẫn với chiều hướng chung của sự cải biên mà ông lại nhận ra là chúng có thể hé lộ mối bận tâm và vị trí xã hội của tác giả.

[15] Trang 259 sách này.

[16] Trang 160 sách này.

[17] Trang 19 sách này.

[18] Đổng Văn Thành [董文成] là học giả Trung Hoa sung sức nhất trong nghiên cứu văn bản Kim Vân Kiều truyện. Ông có ngót chục công trình nghiên cứu, từ bài viết trên các tạp chí đến sách in tại Trung Hoa, từ năm 1985 đến 1999.

Gần hơn cả với hướng đi của Benoit là 2 bài viết:

 “Kim Vân Kiều truyện cố sự đích diễn hóa’’ [金云翘传》故事的演化], in trong Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng [明清小说论丛],  Tập 3, Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ Xuất bản xã, 6-1985

 “Kim Vân Kiều truyện nhân vật nguyên hình khảo”, in trong Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng [明清小说论丛], Tập 4, Thẩm Dương: Xuân Phong Văn nghệ Xuất bản xã, 2-1986

[19] Trần Ích Nguyên [陈益源], Vương Thúy Kiều cố sự nghiên cứu [王翠翘故事研究], Đài Bắc: Lý Nhân thư cục, 2001. Bản dịch tiếng Việt Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều (bản dịch của Phạm Tú Châu). Nxb Lao động & Trung tâm văn hóa và ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2004.

[20] Trần Ích Nguyên. Bản dịch tiếng Việt, Sđd, tr.13,14.

[21] Ngoài ra, còn có một số tìm tòi của học giả phương Tây, như:

            Eric Henry. “On the Nature of the Kiều Story” (“Về bản chất Truyện Kiều”), công bố trong Vietnam Forum, 3-1984

            hoặc K.C. Leung, The Cycle of Kieu (Qiao): Inheritance and creation reconsidered (Tham luận Hội thảo“Trung Quốc học thuật nghiên cứu chi thừa truyền dữ sáng tân” tổ chức tại Đại học Hồng Kông, 12.1989). Bản dịch tiếng Việt “Chu trình diễn hóa của Kiều: Lại bàn về kế thừa và sáng tạo” (Nguyễn Nam lược dịch), in trên Tạp chí Văn học số 9-2003

nhưng đều công bố sau thời điểm Benoit hoàn thành công trình của ông.    

[22] Năm 1943, bài viết gồm 4 phần (Cội rễ Truyện Kiều, Lai lịch tác giả, Văn chương Truyện Kiều, Tâm lý cô Kiều) này được đưa vào bộ sách Thượng Chi văn tập.  

Ở phần “Cội rễ Truyện Kiều”, cho rằng Nguyễn Du dựa theo Thanh Tâm Tài Nhân lục để viết lại thành Truyện Kiều, nhưng truyện của Thanh Tâm Tài Nhân lại có vẻ dựa trên “sự thực” nên Thượng Chi đã dịch câu chuyện Vương Thúy Kiều của Dư Hoài (trong Ngu sơ tân chí) mà ông tình cờ đọc được.

[23] Sau khi lược thuật những nghiên cứu trước đó về nguồn gốc Truyện Kiều (của Abel des Michels, Georges Cordier, H. Maspéro, Kiều Oánh Mậu, Thượng Chi, đặc biệt là của Phan Sĩ Bàng và Lê Thước), Dương Quảng Hàm kết luận: Nguyễn Du dựa vào Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.

[24] Từ tham khảo 4 tư liệu Trung Quốc của người bạn là Lê Nhân Phủ (ghi chép của Từ Vị chép trong Kim Vân Kiều truyện), 2 bản Vương Thúy Kiều truyện của Dư Hoài chép trong Ngu sơ tân chí và Hồ Khoáng thập di lục tàn cảoQuán Hoa Đường bình luận Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Tử  biên thứ và Kim Thánh Thán phê bình), Giản Chi nhận xét: 

“Truyện Kiều” của cụ Tiên Điền, về nội dung, không đúng hẳn với Vương Thúy Kiều trong Hồ Khoáng thập di tàn cảo và khác xa Vương Thúy Kiều của Dư Hoài in trong Ngu sơ tân chí nhưng trái lại, giống hệt Kim Vân Kiều truyện hay Thanh Tâm Tài Nhân của Từ Vị… Mặt khác, sự tích Kim Vân Kiều truyện của Từ Vị cũng là sự tích Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ và Kim Thánh Thán phê bình…

Như vậy, nguồn gốc Truyện Kiều, chắc chắn… là Kim Vân Kiều truyện của Từ Vị hoặc Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân biên thứ. Nhưng,… Từ Vị là người đồng thời với Hồ Tôn Hiến. Vậy Kim Vân Kiều truyện của họ Từ hiển nhiên là viết vào đời Gia Tĩnh triều Minh. Còn Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Tử thì có lẽ viết sau và viết lại (thành hồi) theo Kim Vân Kiều truyện của Từ Vị. Vậy thì… sao bằng nói: Lam bản Truyện Kiều là quyển Kim Vân Kiều truyện của Từ Vị, viết vào thời Gia Tĩnh triều Minh đầu thế kỷ XVI.

[25] Trang 279 sách này.

[26] Xin xem chú thích 3, “Dẫn nhập”, trang 21-22 sách này.

[27] Đó là

Mộng Liên Đường Chủ Nhân (Nguyễn Đăng Tuyển, 1820), với:

Truyện Thúy Kiều chép ở trong Lục phong tình, ta không bàn làm gì. Lục phong tình cũng đã cũ rồi. Tố Như Tử xem truyện, thấy việc lạ, lại thương tiếc đến những nỗi trắc trở của kẻ có tài, bèn đem dịch ra quốc âm, đề là Đoạn trường tân thanh, thành ra cái lục ‘Phong tình’ vẫn là cái lục cũ, mà cái tiếng ‘Đoạn trường’ lại là cái tiếng mới vậy. (bản dịch của Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim)

và Phong Tuyết Chủ Nhân Thập Thanh Thị (1828) khi nói:

Có người hỏi ta rằng: Thúy Kiều có người thực không? Ta đáp lại rằng: Không biết. Người ta lại hỏi rằng: Thế thì làm sao mà lại có truyện Thúy Kiều? Ta đáp lại rằng: Từ lúc mờ mịt chưa có gì, đến lúc có thái cực, có lưỡng nghi, có tứ tượng, rồi tự nhiên biến hóa không ai dò được manh mối tự đâu. Trong khoảng ấy có rét, có nắng, có âm, có dương, lúc sinh ra, lúc mòn đi, lúc đầy lên, lúc vơi xuống, không thể nào cứ giữ mãi được mực thường. Đã không giữ được mực thường, thì tất có cuộc biến. Vì thế hoặc năm sáu trăm năm, hoặc ba bốn trăm năm, hoặc năm sáu mươi năm, cũng phải có một lần biến. Cái biến ấy đã khác với cái thường, thì phàm ai gặp phải thời ấy, bước vào cái cảnh ấy, ngổn ngang những biến cố ở trước mắt, chồng chất những khối lỗi ở trong lòng, mới phải mượn đến bút mực để chép ra, như những truyện anh hùng, truyện phong tình, truyện trung thần, liệt nữ, truyện đạo sĩ, ni cô, chẳng qua là mượn ngòi bút, tờ giấy để chép những cái cảnh ngộ lịch duyệt của bản thân mà thôi. Truyện Thúy Kiều có lẽ cũng là một thứ sách như thế cả. 

Kiều ngẫu nhiên mà sinh ra, mà có sắc đẹp, mà lại đa tình, cho đến khi đi Thanh minh, khi gặp Kim Trọng, khi bán mình chuộc cha, đều là ngẫu nhiên cả; cả đến lúc bị hãm ở thanh lâu, lúc đối chất ở phủ đường, lúc đã đâm đầu xuống Tiền Đường, lúc lại đoàn viên với Kim Trọng, cũng đều là ngẫu nhiên cả. Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm ly, vừa ủy mị, vừa đốn tỏa, vừa giải thư, vẽ hệt ra một người tài mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái cảnh lịch duyệt của người ấy có lâm ly, ủy mị, đốn tỏa, giải thư, thì mới có cái văn tả hệt ra như thế vậy. Thế thì Thúy Kiều không cần phải có người thực mới có truyện, song cũng phải có người như thế mới có truyện vậy.  (bản dịch của Bùi Kỷ-Trần Trọng Kim).

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 28.11.2018.

Thông tin truy cập

63661951
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
5669
17595
63661951

Thành viên trực tuyến

Đang có 1137 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website