Chuyện cổ tích Việt kể bằng tiếng Ý

Những câu chuyện cổ tích sẽ giới thiệu một nước Việt Nam giàu có và lâu đời về văn hóa tới độc giả Ý qua một người Ý đã dành cả đời cho cuộc quảng bá văn hóa Việt.

Tháng 11-2020, nhà xuất bản (NXB) Anteo của Ý giới thiệu cuốn Il granchio di sabbia e La pietra colpevole - Racconti fantastici dal Vietnam (Dã tràng xe cát và Tra tấn hòn đá - Những câu chuyện cổ tích Việt Nam) của hai tác giả Sandra Scagliotti và Trần Doãn Trang. 

Đây là cuốn thứ hai sau cuốn Il corvo e il pavone - Racconti fantastici dal Vietnam” (Quạ và công - Những câu chuyện cổ tích Việt Nam) in tháng 11-2019, nhằm giới thiệu cho độc giả Ý văn hóa Việt Nam qua những câu chuyện cổ tích.

Những người Ý từng biết đến Việt Nam qua chiến tranh, người di tản, hay những trang sách của Tiziano Terzani... sẽ biết thêm một Việt Nam miền cổ tích với những triết lý đời sống về nhân quả, cách giải thích hiện tượng thiên nhiên, đến lịch sử bước vào trong truyền thuyết, rồi những địa danh, thắng cảnh Việt Nam tự ngàn xưa.

Bạn đọc báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần mười năm về trước từng biết ông Trần Doãn Trang, kỹ sư nhà máy xe hơi Fiat ở Torino, qua bài viết “Đi tìm Hoàng Sa trong tu viện cổ” của nhà báo Lê Đức Dục. Ngày đó, ông Trang lần theo tin tức trên Internet để đi tìm cuốn sách gốc của nhà địa lý lừng danh Adriano Balbi viết về Vương quốc An Nam và chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. 

Cũng tham gia hành trình đó là bà Sandra, lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Torino - người đã đón tiếp và đưa các nhà báo tới tu viện cổ để tận mắt thấy cuốn sách. Ít người biết bà Sandra đã gắn bó với văn hóa Việt Nam, học tập, nghiên cứu và xuất bản nhiều cuốn sách về Việt Nam từ rất lâu.

“Việt Nam không chỉ là đối tượng học tập và nghiên cứu, mà còn là toàn bộ cuộc đời tôi. Tôi đã nghiên cứu nền văn hóa mà tôi yêu thích này, cố gắng đào sâu càng nhiều càng tốt những đặc điểm, các sắc thái muôn màu muôn vẻ và trên hết là truyền bá lịch sử một đất nước hào hùng đã cho cả thế giới biết rằng độc lập, tự do không phải là thứ hàng hóa mua bán trao đổi được. 

Tôi đã học được nhiều từ Việt Nam và người Việt. Từ tấm gương của dân tộc oai hùng và dũng cảm này, tôi đã học hỏi, rèn luyện lương tâm chính trị và đạo đức của chính mình. Với Việt Nam và con người Việt Nam, tôi biết ơn từ tận đáy lòng” - bà Sandra nói.

20210407 5

Bìa hai cuốn sách vừa xuất bản ở Ý. Ảnh: Liên Hương

Khởi đầu của một đam mê

Mọi thứ bắt đầu từ một luận văn tốt nghiệp đại học về đề tài lịch sử quan hệ quốc tế (Phụ nữ Việt Nam giữa truyền thống và cách mạng, 1983, Đại học Torino). Sau một thời gian dài tham gia các hoạt động của Hiệp hội quốc gia Ý - Việt (ra đời từ những năm 1970), thượng nghị sĩ Ý Ettore Masina - nhà trí thức và là chủ tịch hiệp hội - cùng người thầy Việt Nam của bà Sandra, giáo sư Nguyễn Văn Hoàn, và các học giả khác, trong đó có Charles Fournaiu và Enrica Collotti Pischel, đã thúc đẩy bà thành lập Trung tâm Việt Nam học nhằm lôi kéo người Ý trẻ tuổi tham gia. 

Năm 1989, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam chính thức ra đời, thúc đẩy các công việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu và xuất bản trong lĩnh vực học thuật. Một kho lưu trữ các dữ liệu về Việt Nam được mở, năm này qua năm khác trở thành điểm tham khảo cho sinh viên và giới nghiên cứu, điều hành văn hóa, tổ chức phi chính phủ, tình nguyện viên, du khách... ở Ý.

Nhờ sở hữu một số lượng đáng kể tư liệu bằng tiếng Việt, trung tâm trở thành nơi đọc sách, gặp gỡ của cộng đồng Việt Nam, nơi làm việc của các nghiên cứu sinh về Việt Nam. Trung tâm tư liệu từng bước được mở rộng và phát triển tới khi trở thành một thư viện Việt Nam thực thụ, với kiến trúc nội thất bằng gỗ do các nghệ nhân Việt Nam thực hiện, mang tên Enrica Collotti Pischel, người thầy và cũng là người bạn của bà Sandra. 

Tháng 6-2004, với sự chứng kiến của đại sứ Việt Nam Lê Vinh Thứ cùng nhiều quan chức cấp cao của Hội đồng thành phố Torino, thư viện Pischel chính thức đi vào hoạt động, có thêm thư viện báo và tạp chí, một mảng nghệ thuật âm nhạc do giáo sư tiến sĩ và nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Trần Văn Khê sắp đặt. Tạp chí Mekong, ấn phẩm riêng của thư viện, cũng ra đời từ đó và tiếp tục tới bây giờ.

Những năm 1990, bà Sandra dạy ở Đại học Torino các khóa học về lịch sử châu Á hiện đại và đương đại, hướng dẫn các hội thảo về lịch sử, xã hội và văn hóa Việt Nam. Từ việc giúp đỡ thành lập Văn phòng thương mại Ý - Việt năm 1996, tới năm 2009 bà được chính thức bổ nhiệm lãnh sự Việt Nam tại Torino - điều được bà coi là một vinh dự lớn lao, là đỉnh cao của cuộc đời cống hiến cho Việt Nam và mở ra cánh cửa cho những hợp tác mới ở cấp độ thể chế.

Cổ tích Việt trên đất Ý

Bìa hai cuốn sách vừa xuất bản ở Ý. Ảnh: Liên Hương

Trở lại với những câu chuyện cổ tích Việt kể bằng tiếng Ý của bà Sandra và ông Trang - hai người bạn thân đã nhiều năm gắn bó và hoạt động cùng nhau trong hành trình văn hóa ở Trung tâm văn hóa Việt Nam - họ chọn lựa dựa vào nguồn chính là Kho tàng cổ tích dân gian Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi, một tác phẩm nghiên cứu khoa học và hoàn chỉnh. Đây đều là những câu chuyện dân gian, tư liệu truyền khẩu được ông miệt mài tìm kiếm, sưu tầm ở nhiều địa phương từ Bắc chí Nam và viết lại một cách đáng tin cậy với văn phong giản dị, trong sáng và ngôn ngữ sống động.

Khác với các tác phẩm được dịch qua tiếng Ý từ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, hai tác giả dịch trực tiếp từ ngôn ngữ tiếng Việt nhằm chuyển tải một cách chính xác nhất bản sắc văn hóa Việt Nam. Độc giả Ý sẽ được tiếp cận một nền văn hóa gần như xa lạ, tìm thấy ở đó những điều kỳ diệu của trí tưởng tượng dân gian, hiểu thêm dân tộc tính của người Việt, quan niệm, phong tục và lối sống của một dân tộc quật cường bên bờ biển Đông. Những đứa trẻ là con nuôi của các gia đình Ý đến từ Việt Nam hoặc những đứa trẻ gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Ý có thêm cơ hội để tìm về lại cội nguồn.■

Bà Sandra còn là tác giả nhiều cuốn sách và nghiên cứu khác về Việt Nam, có thể kể ra đây: Grazie Việt Nam! (Cảm ơn Việt Nam!, Torino 2015), Il banco di sabbia dorata. Il Viet Nam e gli arcipelaghi del Mare orientale (Bãi cát vàng. Việt Nam và các quần đảo trên Biển Đông, Torino 2017), và Vietnam, spinaci d’acqua e melazane - Una civiltà vegetale fra storia e letteratura (Việt Nam, rau muống và quả cà - văn hóa cỏ cây trong lịch sử và văn học, Anteo 2018).

Liên Hương (Bergamo, Ý)

Nguồn: Tuổi trẻ, ngày 14.01.2021.

Thông tin truy cập

63663714
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
7432
17595
63663714

Thành viên trực tuyến

Đang có 717 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website