Nguyễn Huy Thiệp và tiếng vang sâu lắng tại Hàn Quốc

Các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp đã vượt ra ngoài biên giới. Lần này, là tiếng vang sâu lắng trong lòng độc giả Hàn Quốc.

Là một nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, tôi thực sự vui mừng khi đón nhận các tác phẩm văn học Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm đã dịch sang tiếng Hàn. 

Mới đây, một bản dịch tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đã được NXB Văn Học và Trí Tuệ (문학과지성사/Moonji Publishing Company) xuất bản ngày 16-3 tại Hàn Quốc. Nhân dịp này, tôi đã trò chuyện với dịch giả của cuốn sách, tiến sĩ Kim Joo-Young.

20230724Tiến sĩ Kim Joo-Young

Điều gì khiến cô dịch cuốn sách này?

Tôi dịch là vì muốn chiêm nghiệm sâu sắc hơn về tác phẩm Chảy đi sông ơi của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Khi tôi đang theo học nghiên cứu sinh của khoa văn học Trường đại học KHXH&NV TP.HCM, chồng tôi cũng theo học thạc sĩ cùng khoa. Qua anh, tôi biết là trong lớp, anh đã được nghe giảng khá sâu về tác phẩm này. 

Tôi từng nghĩ rằng nếu đọc thì chỉ nắm được ý chính thôi, nếu dịch thì tôi có thể hiểu biết cụ thể, sâu sắc hơn về tác phẩm này trên nhiều phương diện. Điều đó thôi thúc tôi quyết tâm dịch truyện ngắn này sang tiếng Hàn.

Dịch và xuất bản bản là hai việc khác nhau. Lý do cô quyết định xuất bản?

Sau khi dịch xong tác phẩm Chảy đi sông ơi, tôi bắt đầu quan tâm đến tác phẩm Không có vua và tiếp tục dịch luôn. Tiếp nối quá trình hoàn thành hai bản dịch tương đối dài hơi này, tôi bắt đầu quan tâm đến việc xuất bản một quyển sách dịch.

 Tuy nhiên, những người trong giới xuất bản xung quanh tôi không hứng thú với tác phẩm không có chủ đề "chiến tranh". Tôi đã gửi hai bản dịch trên đến tạp chí Asia để hỏi có in không nhưng họ từ chối. Rất may là sau đó, bản dịch Không có vua đã được đăng trên Các nhà văn (작가들 Writers) - tạp chí của Hội Nhà văn Incheon, với sự giới thiệu của nhà văn Kim Nam-il.

Có những khó khăn như vậy nhưng cuối cùng cũng xuất bản được, xin cô kể lại.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, tôi tìm nguồn tài trợ khác và đăng ký tham gia Dự án hỗ trợ dịch thuật văn học nước ngoài Daesan. Nếu được dự án này hỗ trợ, các bản dịch sẽ được xuất bản ngay tại Hàn Quốc. May mắn thay, năm ấy, tức là năm 2019, một số tác phẩm văn học thiểu số (của các nước không phải lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Đức...) đã cùng được chọn. 

Sở dĩ tôi nói may mắn là vì Dự án hỗ trợ dịch thuật văn học nước ngoài Daesan thường chủ yếu chọn các tác phẩm viết bằng các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Nhật, Trung...

Trong quá trình dịch, cô mất bao lâu và làm thế nào để giải quyết vấn đề bản quyền?

Vì tôi có quen biết với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ khi đăng truyện Không có vua trên tạp chí Các nhà văn nên ngay khi được chọn vào dự án hỗ trợ dịch thuật, tôi đã giúp thương thảo hợp đồng bản quyền giữa nhà xuất bản và tác giả. 

Suốt thời gian dịch truyện, tôi giữ liên lạc với tác giả, chủ yếu qua tin nhắn. Thời gian dịch mất khoảng 1 năm rưỡi, từ 2018 - 2019, lâu vì trong thời điểm ấy tôi vừa dịch tác phẩm vừa bảo vệ luận án tiến sĩ.

15 truyện ngắn được in trong cuốn sách gồm: Chảy đi sông ơi, Không có vua, Tướng về hưu, Cún, Muối của rừng, Sang sông, Con gái thủy thần, Những người thợ xẻ, Những bài học nông thôn, Những ngọn gió Hua Tát, Huyền thoại phố phường, Giọt máu, Sống dễ lắm, Chuyện ông Móng, Chú Hoạt tôi.

 

Nguyễn Huy Thiệp và tiếng vang sâu lắng tại Hàn Quốc - Ảnh 3.

Nguyễn Huy Thiệp viết nhiều truyện ngắn lắm, cô chọn ra 15 tác phẩm như thế nào?

Tôi chọn ra 15 tác phẩm để dịch. Sau khi tìm hiểu qua nhiều tư liệu, tôi chọn ra những tác phẩm nổi tiếng hoặc đáng dịch, loại trừ những tác phẩm liên quan đến lịch sử và văn học trong số truyện ngắn của tác giả. 

Ban đầu, Daesan không chấp nhận các tác phẩm do dịch giả lựa chọn, biên tập. Tuy nhiên, đối với trường hợp văn học Việt Nam, họ cho phép dịch giả tự chọn. Tất nhiên tôi đã giải thích tình huống xuất bản ở Việt Nam và họ đã đồng ý.

Nguyễn Huy Thiệp và tiếng vang sâu lắng tại Hàn Quốc - Ảnh 4.

Điều khó nhất khi dịch văn chương Nguyễn Huy Thiệp là gì?

Vì chuyên ngành của tôi là dịch thuật văn học nên tôi không thể lười biếng trong việc dịch tác phẩm. Nếu tôi cảm thấy không chắc chắn về điều gì dù là nhỏ nhất, tôi cũng có thể sai, nên tôi luôn hỏi những người Việt Nam quen biết. Tôi dành nhiều thời gian để nghiên cứu dữ liệu và liên tục tham khảo thêm tri thức trên Internet.

Tác phẩm đáng nhớ nhất mà cô dịch là gì?

Tôi nghĩ tác phẩm đáng nhớ nhất là Chảy đi sông ơi. Nhờ tác phẩm này mà tôi dịch được cả cuốn Tuyển tập tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp... Khi dịch mấy trang cuối, tới cảnh nhân vật chính bật khóc, tự nhiên tôi cùng rơi nước mắt. Đó là tác phẩm có ý nghĩa nhất đối với tôi, vì vậy tôi đã đặt nó ở vị trí đầu tiên trong bản dịch. 

Tôi cũng tự quyết định thứ tự sắp xếp các tác phẩm, nhà xuất bản tôn trọng lựa chọn và quyết định của tôi về mọi mặt.

Độc giả Hàn Quốc phản hồi thế nào sau khi xuất bản?

Đã hai tuần kể từ khi bản dịch được xuất bản, tôi rất vui vì độc giả Hàn Quốc phản hồi tốt hơn tôi nghĩ. Thẳng thắn mà nói, các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp có thể không phù hợp với thị hiếu của độc giả Hàn Quốc ngày nay. 

Tuy nhiên, cũng giống như các tác phẩm của ông ấy đã vượt ra ngoài biên giới và gây được tiếng vang với người phương Tây, tôi tin rằng chúng sẽ có thể gây được tiếng vang lặng lẽ mà da diết, âm thầm nhưng sâu lắng trong lòng độc giả Hàn Quốc.

Xin cảm ơn cô.■

Quỹ văn hóa Daesan là quỹ đầu tiên và duy nhất hỗ trợ ngành văn học thuộc các tập đoàn lớn Hàn Quốc và là quỹ công ích trực thuộc Tập đoàn Bảo hiểm nhân thọ Kyobo, được thành lập ngày 28-12-1992 với mục đích góp phần toàn cầu hóa văn học Hàn Quốc và phát triển văn hóa dân tộc.

Từ năm 2001, Quỹ văn hóa Daesan đã tuyển chọn, dịch và xuất bản mỗi năm chừng 8 tác phẩm văn học nước ngoài, tác phẩm đầu tiên là The Life and Opinions of Tristram Shandy, Gentleman (1759) của Laurence Sterne. Tuyển tập Nguyễn Huy Thiệp là tác phẩm thứ 183 được giới thiệu.

Theo tôi, tác phẩm văn học Việt Nam đầu tiên được du nhập vào Hàn Quốc là Nửa chừng xuân của Khái Hưng, xuất bản năm 1969. Tất nhiên, trước đó, Việt Nam vong quốc sử của Phan Bội Châu đã xuất bản vào năm 1906, nhưng đây có thể coi là một cuốn sử. Sau đó là Tuyển tập Truyện cổ tích Việt Nam được xuất bản năm 1984 và Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng năm 1986. Tính đến thời điểm này, có 51 tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Hàn, trong đó có 5 tác phẩm dịch 2 lần.

Tuy nhiên, so với sự phát triển của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc, giao lưu trong lĩnh vực văn học có thể nói là vẫn rất khiêm tốn. Hiện nay, Hàn Quốc có một tổ chức gọi là Viện dịch thuật văn học Hàn Quốc, hỗ trợ dịch văn học Hàn Quốc sang các ngôn ngữ khác. Nhờ đó, rất nhiều tác phẩm văn học Hàn Quốc gần đây đã được dịch sang tiếng Việt.

Nhưng việc giới thiệu văn học Việt Nam sang Hàn Quốc thực sự rất ít. Nguyên nhân chính là do thiếu nhân lực dịch thuật. Tuy nhiên, sự hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam hầu như không có, đây có thể nói là một trong những nguyên nhân gây khó khăn nhất cho việc dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam sang các ngôn ngữ khác nói chung, sang tiếng Hàn nói riêng.

Mặt khác, đội ngũ dịch giả dịch văn học Việt Nam sang tiếng Hàn chủ yếu là người Hàn nói được tiếng Việt. Người Hàn sẽ có những lợi thế nhất định so với người Việt khi dịch văn học Việt Nam sang tiếng Hàn nhưng cũng có điểm bất lợi khi việc dịch thuật đòi hỏi phải am tường sâu sắc, toàn diện về đất nước, con người, văn hóa… Việt Nam. Trong trường hợp người Việt Nam nói tiếng Hàn, khi dịch tác phẩm từ tiếng mẹ đẻ sang tiếng Hàn, dịch giả tuy có sở trường về ngôn ngữ nhưng lại gặp không ít khó khăn với mục tiêu phải chuyển ngữ tự nhiên, phù hợp với cách nói, lối tư duy, văn hóa… Hàn Quốc.

Tôi nghĩ rằng Việt Nam sẽ trở thành một nước tiên tiến trong tương lai. Vì vậy, ngay từ bây giờ, Chính phủ Việt Nam cần có tầm nhìn quốc tế để đề ra một chính sách văn hóa phù hợp với sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa của đất nước hiện nay. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cần lắng nghe, tập hợp ý kiến của các chuyên gia đầu ngành liên quan đến văn hóa, văn học Việt Nam nhằm đề ra chính sách tốt, đưa văn hóa Việt Nam vượt sóng biển khơi, vươn tầm quốc tế.

GS.TS Bae, Yang Soo

GS.TS Bae, Yang Soo (Trưởng Khoa Tiếng Việt, ĐH Ngoại Ngữ Busan, Hàn Quốc)

Nguồn: Tuổi trẻ cuối tuần, ngày 14.4.2023.

Thông tin truy cập

63657134
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
852
17595
63657134

Thành viên trực tuyến

Đang có 374 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website