Đỗ Thị Thương(*)
Là học thuyết được bắt nguồn từ y học do một bác sĩ người Áo gốc Do Thái S. Freud sáng lập. Phân tâm học không chỉ được ứng dụng trong y học mà còn được vận dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội trong đó có lĩnh vực văn học nghệ thuật. Vận dụng phân tâm học người ta có thể tìm thấy được những vấn đề trong tâm lý sáng tác của nhà văn, bởi nhà văn thường dùng văn chương để bộc lộ những tâm tư, tình cảm, những khát vọng không thể có được của mình trong đời sống xã hội vì bị ngăn cấm hoặc do thời cuộc, số phận không cho phép họ thực hiện những điều đó. Và khi ấy, nhà văn đã dùng văn chương của mình để thực hiện những khát vọng đó một cách có ý thức hoặc vô thức. Điểm nổi bật của thuyết phân tâm học đó chính là sự phát hiện ra “vô thức”. Cốt lõi của “vô thức” đó là bản năng tính dục chi phối toàn thể sinh hoạt của con người. Và đối với nhà văn, khi sáng tác văn chương đó chính là lúc mà những ẩn ức trong vô thức của họ được thăng hoa.
Ở Việt Nam, khi nhắc đến phê bình phân tâm học người ta sẽ nhớ ngay đến hai nhà phê bình đầu tiên dùng phân tâm học của Freud trong văn học đó là Nguyễn Văn Hanh và Trương Tửu. Năm 1936, Nguyễn Văn Hanh đã ứng dụng lý thuyết phân tâm học để tìm hiểu về cuộc đời và thơ Hồ Xuân Hương với cuốn Hồ Xuân Hương: tác phẩm, thân thế và văn tài. Cho đến năm 1940, Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu) trong Kinh thi Việt Nam cũng đã áp dụng Freud vào việc phân tích không chỉ thơ Hồ Xuân Hương mà còn có cả cái tục trong văn chương bình dân Việt Nam. Sau đó, năm 1942, Trương Tửu với bút danh Nguyễn Bách Khoa ông đã vận dụng thuyết phân tâm học để tìm hiểu về Truyện Kiều với cuốn“Văn chương truyện Kiều”. Do hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, sau năm 1954, phân tâm học ở miền Bắc dường như đã không còn giữ được vị trí của nó trong đời sống phê bình. Thế nhưng, ở miền Nam giai đoạn này do sự tiếp xúc với những làn gió tư tưởng phương Tây một cách ồ ạt cùng với lối sống tiêu thụ và rộng mở, tự do hơn nên phân tâm học cũng giống như các học thuyết phương Tây khác đã tìm được chỗ đứng cho mình không chỉ trong các lĩnh vực của đời sống mà còn có cả văn học nghệ thuật, lý luận phê bình. Phân tâm học đã được giới thiệu và nghiên cứu một cách rộng rãi trên sách báo. Không chỉ có những tác phẩm được dịch từ nguyên tác của Freud như Phân tâm học nhập môn (Nguyễn Xuân Hiếu dịch, Sài Gòn, 1969), Nghiên cứu phân tâm học (Vũ Đình Lưu dịch, An Tiêm, 1967),… mà còn có những bài viết, những công trình biên khảo, dịch thuật về phân tâm học được giới thiệu rộng khắp như cuốn Lược khảo văn học tập 3 (1968) của Nguyễn Văn Trung, Mười khôn mặt văn nghệ hôm nay của Tạ Tỵ (Lá Bối xuất bản, 1972), Vũ trụ thơ của Đặng Tiến (Giao Điểm xuất bản, 1972), … Trên cơ sở đó, một số bài viết vận dụng lý thuyết phân tâm học đã được đăng trên các báo như: “Nguồn thơ tượng trưng của Lý Thương Ẩn” (Tạp chí Văn nghệ số 24, 1963) của Lam Giang; “Tìm hiểu Hồ Xuân Hương hay một vài nhận định về tâm lý học, phân tâm học và văn học” (Bách Khoa số 168/1964) của Nguyễn Mạnh Côn và Hoàng Vũ; “Đoạn trường tân thanh hay là cuộc đời kì quái của Nguyễn Du như được chiếu hắt lên trong tác phẩm của ông” (Nghiên cứu văn học, số 7 & 8/1971) của Thanh Lãng; Ý niệm bạc mệnh trong đời thúy Kiều của Đàm Quang Thiện (1965).
Vận dụng phê bình phân tâm học, các nhà phê bình văn học ở miền Nam cho rằng Truyện Kiều là những ẩn ức đã bị dồn nén trong đời Nguyễn Du. Vì vậy, người ta đã nghiên cứu về Truyện Kiều dựa trên hai bình diện mới đó là: phân tích sự vận động của vô thức hoặc trong tâm lý Nguyễn Du (Thanh Lãng, Nguyễn Đình Giang) hay trong tâm lý của Thúy Kiều (Đàm Quang Thiện). Trước đó, Trương Tửu với bút danh Nguyễn Bách Khoa đã từng vận dụng hai khuynh hướng này để tìm hiểu về cuộc đời của Nguyễn Du và Thúy Kiều. Trong bài viết của mình, Nguyễn Bách Khoa bằng việc vận dụng những thuyết lý về tâm phân học, di truyền học đã đưa ra những cái nhìn mới mẻ trong việc tìm hiểu về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tuy nhiên, cái nhìn của Nguyễn Bách Khoa đã đi quá xa cho đến lúc ông nói bảo rằng “Nguyễn Du là một con bệnh thần kinh” [77, 236]. Và ông còn cho rằng Nguyễn Du là người “cảm xúc quá độ”. “Đó là một thể cách của trạng thái mất thăng bằng về tinh thần, nhận thấy ở sự thái quá hỗn loạn của cảm xúc, ở sự bất lực không điều hòa được tính cách hang hổ, mãnh liệt, bền lâu của những phản động của thần kinh hệ đối với những rung động của ngoại giới ùa vào. Kết quả thông thường là thiếu cái khiếu thích ứng vào những trường hợp đột ngột, những cảnh ngộ bất ngờ, những hoàn cảnh mới lạ” [77, 237]. Chính vì căn tạng suy nhược ấy mà Nguyễn Du lúc nào cũng mang tâm trạng lo lắng hãi hùng, còn trí tưởng tượng thì bị kích thích thái quá phải làm việc cấp bách nên sẽ luôn bị sáo loạn, tạo nên những cảnh tượng ghê gớm phù hợp với sự lo sợ kia. Không chỉ có thế, khi nhận xét về nàng Kiều trong Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Bách Khoa cho rằng Thúy Kiều của Nguyễn Du mắc bệnh ủy hoàng, bởi ở nàng luôn mang những cảm xúc: buồn não, lo sợ, hoảng hốt, dễ khóc, dâm đãng, trâng tráo,.. đó chính là những dấu hiệu của căn bệnh ủy hoàng. Và theo tác giả của bài viết thì căn bệnh đó là “bệnh của người con gái đến thời kỳ xuân tình phát động mà hoặc vì thân thể và thần kinh hệ yếu quá, không đủ lực chịu đựng sức tiến triển của cơ quan sinh dục, hoặc là bị lễ giáo kiềm chế tính dâm đãng không thực hiện được, nên đâm ra người gầy, mắt như có nước trong con người, xanh vàng cả mặt và tay chân. Ở con bệnh, chất máu đỏ bị úa đi, sự tuần hoàn thiếu đều đặn, cơ quan tiêu hóa chậm hoạt động, cơ quan sinh dục luôn náo động trong thời kỳ phát triển” [77, 294].
“Bệnh ủy hoàng có ảnh hưởng lớn đến tính khí của thiếu nữ. Nó sinh ra chứng u uất (hystérie), làm cho con người khi vui quá độ, khi buồn quá mực, hay hờn dỗi khóc lóc, đêm ngủ thường giật mình tức ngực, mộng mị thì chỉ thấy gặp toàn những cảnh thương tâm, rùng rợn. Nó khiến con bệnh luôn luôn bị những cảnh ái ân ám ảnh và luôn hứng tình, chỉ khao khát vỗ về của người đàn ông. Nó gây ra, ở thiếu nữ, tính đam mê liều lĩnh trong lúc yêu đương và tính hoảng sợ lo lắng trong khi hành động” [77, 294].
Ngay trong bài viết “Thử tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều theo một phương pháp mới” (Đại học số 8) của mình, Nguyễn Đình Giang đã vận dụng phương pháp tính tình khoa trong việc nghiên cứu tính tình của Nguyễn Du thông qua các nhân vật truyện Kiều.
Nguyễn Đình Giang cho rằng mỗi nhân vị mang trong mình ba con người tâm lý khác nhau: 1. Một con người hoàn toàn “thỏa mãn” vì khát vọng đã thực hiện trong đời sống rồi; 2. Một con người chỉ sống toàn bằng “ước vọng” trong mộng tưởng vì hoàn cảnh thân xác, trí tuệ, tình cảm hay xã hội không cho phép thực hiện những ý tình của mình ra ngoài được; 3. Một con người sống trong xung đột mâu thuẫn giữa “lý tưởng” và đời sống thực tại. Lý tưởng thì cao xa, xác thịt thì yếu đuối. Cái tôi này tôn thờ sự Thiện, cái tôi kia chạy theo những quyến rũ của đường ác. Và mỗi người trong chúng ta có thể sống trong ba con người ấy bằng nhiều cách: có thể bằng trí tưởng tượng, bằng sự đồng tình đồng cảm với người khác trên đời hay trong các nghệ thuật do người đời sáng tạo và đối với những người làm văn chương thì họ sẽ thể hiện sự sống đó trong tác phẩm của mình. Và theo quan niệm của tác giả, văn chương chính là một cách sống để có thể bù trừ cho phần tâm lý đã bị dồn nén, những khát vọng mà hoàn cảnh bên ngoài không cho phép thực hiện điều đó. Đó là một lối giải thoát và bù trừ tâm lý mà nhà phân tâm học Freud đã từng nói. Và đó là lý do mà người nghệ sĩ gửi gắm tất cả nỗi lòng vào văn chương vì “trong văn chương chẳng những người ta gửi gắm những ước vọng không thực hiện được mong giải thoát tâm hồn; nhưng lại còn muốn tạo nên những nhân vật có những đức tính bù trừ cho điểm thiếu sót thực tế của mình” [110, 89]. Tất cả những gì nhà văn gửi gắm vào trong văn chương đều được xem đó là những lời tâm sự , đó là một cách sống bù trừ của phần tâm lý bị dồn ép hay bị bất lực không thực hiện nổi những khát vọng của mình trong tư tưởng, tình cảm Cho nên “văn chương lệ thuộc mật thiết tới đời sống của nhà văn. Mà đời sống của nhà văn lại lệ thuộc mật thiết vào TÍNH TÌNH của mỗi người” [110, 114 - 115].
Theo nhận xét của Nguyễn Đình Giang thì Nguyễn Du thuộc loại người đa sầu đa cảm bởi sự chi phối của ba động lực căn bản đó là: sự cảm động, sự thiếu nghị lực hoạt động và sự trường cảm, tính tình đó đã được Nguyễn Du biểu lộ qua các nhân vật trong Truyện Kiều. Và chúng ta có thể dựa trên tính tình của tác giả như chiếc chìa khóa để có thể mở cánh cửa tìm hiểu vì sao Nguyễn Du lại chọn Đoạn trường tân thanh để giải thích cho quan niệm hồng nhan bạc mệnh, số kiếp, nghiệp quả, tài mệnh tương đố là những quan niệm tràn ngập trong truyện trên hoặc để giải thích những lẫn lộn mâu thuẫn ở nơi Nguyễn Du, chẳng hay sự lẫn lộn quan niệm Phật, Nho, Đạo trong truyện hay sự mâu thuẫn giữa những thái độ cứng rắn bảo vệ trung, hiếu, tiết, nghĩa và những hành động yếu đuối, bạc nhược ủy mị của Kiều.
Nhận định về tính tình của Nguyễn Du nói riêng hay những người đa sầu đa cảm nói chung, Nguyễn Đình Giang cho ta thấy được những người đa sầu đa cảm thường thích sống ẩn dật và trầm tư, những người như thế này thường hay chú ý nhiều đến những cái thất bại và buồn khổ của đời mình. Tự mình nhìn lại chặng đường đời của mình, họ chỉ thấy toàn những nỗi buồn mà niềm vui có đáng là bao. Vì vậy mà họ luôn mang trong mình tư tưởng bi quan, yếm thế. Cuộc đời với họ chỉ là những ảo ảnh, là bãi bể nương dâu. Danh lợi, sắc tài cũng chỉ như bóng câu qua cửa sổ mà thôi. Chính vì mang tư tưởng như vậy cho nên họ coi số phận của họ và những người đồng loại chỉ là một kiếp bạc mệnh. Phải chăng cũng giống Nguyễn Du, Ôn Như Hầu trong Cung oán ngâm khúc đã cất lên tiếng nói bi thương về kiếp người đau khổ ấy:
Thảo nào khi mới chôn nhau,
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.
Và vì mang trong mình cái nhìn về kiếp người bạc mệnh và cho rằng nó chỉ là do một đấng thần linh trên cao sắp đặt cho nên họ thường hay tìm cho một niềm tin cũng giống như bao người khác để dựa dẫm dù đó là ông Trời, là Thiên mệnh, là Nghiệp quả luân hồi đi chăng nữa thì đó cũng chính là nơi để họ có thể dựa vào, tin tưởng vào rằng số mệnh của mình là sức mạnh vô hình mà đấng bề trên đè nặng trên số kiếp của họ. Do đó, mà tư tưởng bi quan của những con người đa sầu đa cảm thường dẫn dắt họ quay trở về với ý tưởng tôn giáo với những niềm tin tưởng mơ hồ về số kiếp, về định mệnh. Và cũng theo Nguyễn Đình Giang, không phải vì hoàn cảnh xã hội hay giáo dục gia đình đã tạo nên bản tính này của con người mà ở chính họ bẩm tính đã có sẵn. Để rồi khi gặp hoàn cảnh xã hội thì họ chỉ chú trọng đến phương diện bạc nhược thất bại chán chường của nó, họ sống và hòa mình vào nó rồi sau đó cất lên tiếng thở than. Tiếng thở than ấy không chỉ cất lên thay cho cái xã hội mà còn là tiếng than cho chính thân phận thất bại, sầu muộn của chính họ. Và ở những con người đa sầu đa cảm, họ luôn có ý thức giữ gìn những giao phong tập tục của người xưa, nhưng nó chỉ là trong ý tưởng cho nên họ rất dễ sa ngã và yếu đuối. Chính vì vậy mà trong hướng nhìn của Nguyễn Đình Giang đã có sự cởi mở hơn so với Nguyễn Bách Khoa trong sự việc Thúy Kiều qua nhà Kim Trọng. Ông Nguyễn Bách Khoa thì cho rằng Thúy Kiều không có biết đến e dè và coi những lời Thúy Kiều nói là giả tạo vì theo ông: “Sức mạnh của lương tâm Kiều là không có thực. Nó là một vật mà Nguyễn Du bắt Kiều phải có… để truyện thỏa mãn được cái xu hướng thống nhất trật tự của một thời kỳ lịch sử, cho Thúy Kiều hành vi trái với luân lý tự nhiên của tâm tình nàng” [29, 158]. Còn trong hướng nhìn của Nguyễn Đình Giang, thái độ đó của Thúy Kiều là phù hợp với tính đa sầu đa cảm của Nguyễn Du và Kiều bởi lúc ấy trong lòng nàng Kiều vẫn tôn trọng nền luân lý cũ tuy nhiên nàng lại không thể chống trả lại được tình yêu quá bồng bột ấy. Nhưng, khi chàng Kim có chiều lả lơi thì cũng là lúc ý thức Thúy Kiều hiển hiện rõ rệt nhất cái luân lý kia. Cho nên nàng mới buông những lời trách móc Kim Trọng.
Và đến đây, theo lý thuyết của các nhà tính tình khoa chúng ta có thể hiểu rõ được những đặc điểm của tính đa sầu đa cảm đó là: “Nhậy cảm, đa cảm, dễ vui buồn, dễ kích thích, dễ hứng chí, ưa sầu muộn, thích sống trầm tư mặc tưởng riêng tây, sống kín đáo, khép nép, sống áy náy lo âu, ưa nhớ về dĩ vãng, xao suyến ở tương lai, đã do dự, dễ nản lòng thối chí, bám vào thói quen, ưa sống bằng tình cảm thân mật, thích thở than rên rỉ, không bằng lòng số phận mình, có cảm tưởng người đời không hiểu mình, yếm thế bi quan, coi đời là phù vân ô trọc, thích an nhàn trầm lặng, hay tỏ lòng thương hại số phận kẻ khác, thủy chung trong tình lý tưởng, sống tiết kiệm và hay tỏ lòng nhân từ thương xót, tính khí u sầu ôm ấp tôn trọng thói quen, tập quán, luân lý kỷ luật, nhưng lại hay yếu đuối sa ngã, có quan niệm khuất phục định mệnh, đời sống tôn giáo thiên về tình cảm ưu tư. Sự chán nản, lo âu áy náy thắc mắc, sợ hãi nhiều khi đưa tới trạng thái hốt hoảng thác loạn và các chứng bệnh thần kinh. Trong văn thơ hay có mầu than thở, yếm thế mà chịu đựng nhẫn nhục hay phẫn uất trước số kiếp thân phận” [110, 114-115].
Dựa trên những lý thuyết về tính tình khoa, Nguyễn Đình Giang đã tìm hiểu tâm sự của Nguyễn Du qua Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Đình Giang đã phân chia các nhân vật trong Đoạn trường tân thanh làm hai vai chính: một vai đại diện bộc lộ hết tâm tình, hoài bão mà Nguyễn Du ôm ấp, tôn trọng, kể cả những điều đã sống thực lẫn những điều chỉ khát khao mộng tưởng; một vai đối thoại và bộc lộ những điều mà Nguyễn Du phủ nhận, từ chối. Nguyễn Đình Giang đã căn cứ vào những lý thuyết của tính tình khoa và cho rằng Truyện Kiều là biểu lộ tính đa sầu đa cảm của Nguyễn Du bởi trong con người Nguyễn Du là sự chất chứa của sự nhạy cảm. Sự nhạy cảm đó khiến cho Nguyễn Du dễ dàng xúc động, cảm thương cho số phận của những con người bạc mệnh như nàng Tiểu Thanh trong Độc tiểu Thanh ký, Văn tế thập loại chúng sinh, Tương đàm điếu Tam Lư Đại Phu, và nhất là Đoạn trường tân thanh trong đó Thúy Kiều, Kim Trọng là hai nhân vật bộc lộ đặc điểm đó mãnh liệt nhất. Ở Thúy Kiều, nhạy cảm khiến cho nàng dễ đau lòng, rơi lệ trước số phận của kiếp người bạc phận như nàng Đạm Tiên rồi sau đó lại lo nghĩ vẩn vơ cho thân phận của mình. Điều đó thể hiện rõ trong thơ văn của ông cũng như thái độ thiếu kiên quyết trước việc ra làm quan với nhà Nguyễn. Và theo như Nguyễn Bách Khoa nhận định, tất cả Truyện Kiều “chỉ là một sinh hoạt cằn cỗi và sáo loạn, một tư tưởng hèn nhát và ủy mị, một tâm lý tùy thời và ích kỷ” [110, 243].
Cuối cùng, sự đa sầu đa cảm của Nguyễn Du còn thể hiện rõ trong tính trường cảm. Bởi trong tâm tưởng của Nguyễn Du luôn có sự tiếc nuối tôn thờ nhà Lê. Đối với những người trường cảm hoạt động thì họ sẽ biến những nhớ nhung ấy đến với sự thành công. Còn đối với những người thiếu nghị lực thì nó sẽ biến những nhớ tiếc ấy thành những mơ mộng sầu cảm trong tâm trạng thất bại, chán nản và viết nên những lời thơ bi ai sầu oán. Chính những điều đó dẫn đến những bi quan, yếm thế, tin tưởng vào Định mệnh của Nguyễn Du. Tác giả chỉ biết tới những đau thương oan khổ của cuộc đời mà không thấy được những điều lạc quan và rồi sau đó vin vào những niềm tin về Định mệnh, Nghiệp quả để dựa dẫm, lý giải cho những khổ đau trong cuộc đời.
Có lẽ chính vì vậy mà chúng ta vẫn thường bắt gặp trong Đoạn trường tân thanh những thân phận con người bi đát và đau thương:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Ngay từ mở đầu của Truyện Kiều, Nguyễn Du đã cố ý trình bày về thân phận đau thương của mọi kẻ “trong cõi người ta”. Và trong kiếp nhân sinh ấy, ai có được cái này thì sẽ mất cái kia, không bao giờ được trọn vẹn ca hai. Sự khổ không phải do trời hay sự thất bại của đẳng cấp mà do thân phận làm người mà ra. Và nguyên do của sự bi đát đó chính là ông Trời, bởi:
Cho hay muôn sự tại trời
………………….
Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Ông trời chính là người đại diện cho một sức mạnh từ trên cao xanh, ông là người cầm cân nảy mực bằng số tiền định, bằng sổ đoạn trường. Cho nên mỗi người đều có một số phận đã được định sẵn. Tuy nhiên, ông trời không tiền định và ghi tên vào sổ đoạn trường mà số phận của mỗi người là do những hành vi tội phúc của mỗi người để lại:
Mới hay tiền định chẳng nhầm,
Đã tin điều trước ắt nhằm điều sau.
Hay do những tội phúc của kiếp này mà gây nên:
- Nàng rằng: lồng lộng trời cao.
Hại nhân, nhân hại sự nào hại ta.
- Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều.
- Cho hay muôn sự tại trời,
Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta”.
- Mấy người bạc ác tinh ma,
Mình làm mình chịu kêu mà ai thương”.
Hoặc là do công tội ở kiếp trước:
- Kiếp này trả nợ chưa xong,
Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau”.
- Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi”.
Cho nên trách nhiệm ở đây không thể đổ lỗi cho đâng tạo hóa được mà tất cả đều do con người mà ra bởi:
- … mình làm mình chịu…
- Có trời mà cũng có ta…”
- Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài…”
Và nàng Kiều sau mười lăm năm luân lạc trong cõi hồng trần đầy đau khổ để trả nợ cho cái nhân ở kiếp trước thì cuối cùng nàng cũng được đoàn tụ với gia đình. Có lẽ những trung, trinh, hiếu, nghĩa của ở người con gái này đã thấu đến trời xanh mà đoạn trường mới được rút tên ra:
Sư rằng: “Song chẳng hề chi”
Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều.
Xét trong tội trang Thúy Kiều,
Mắc điều tình ái khỏi điều tà dâm.
Lấy tình thâm, trả nghĩa thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời!
Hại một người cứu muôn người,
Biết điều khinh trọng, biết lời phải chăng.
Thuở công đức ấy ai bằng,
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.
Khi nên trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.
Có lẽ vốn là người nhạy cảm cho nên không chỉ Nguyễn Du mà ngay cả nàng Kiều của ông cũng hay nghĩ về thân phận con người và số kiếp trước cái sức mạnh bao la huyền bí đè lên thân phận con người trong đó có cả mình.
Nguyễn Đình Giang cũng cho rằng: “Người đa sầu đa cảm vốn bị kích động bởi mọi ảnh hưởng tín ngưỡng luân lý ngoại lai. Vì ít nghị lực hoạt động nên họ sẽ vui lòng dựa dẫm vào những tín ngưỡng luân lý sẵn có ấy. Lại trường cảm cho nên họ càng trung thành với những thứ ấy mà không muốn thay thế. Nhưng họ lãnh nhận một cách khác hẳn những người hoạt động. Những người hoạt động đứng trước một hệ thống luân lý sẽ suy luận rồi lựa chọn một cách cương quyết toàn thể hệ thống. Đằng này, những người đa sầu đa cảm ít hoạt động sẽ do dự, và rút cục lựa chọn nguyên những yếu tố hợp với tính bi quan yếm thế của họ: chính Nguyễn Du đứng trước các quan niệm Phật, Lão, Nho cũng làm sự lựa chọn thành hệ thống theo cái luân lý đã trình bày trên kia hợp với cái sở thích của ông. Và ta đã thấy hệ thống tuyển hợp đó vừa đúng quan niệm bi quan yếm thế vừa giải quyết nổi xung đột trong tính tình ông: một đằng tôn trọng tập quán luân lý cổ truyền, một đằng yếu đuối sa ngã vì đa cảm… Thì chỉ có một cách cắt nghĩa: định mệnh, tiền định. Định mệnh đã cho con người một số phận đa cảm yếu đuối nhu nhược. Nhưng trong con người vẫn có một sức mạnh luân lý cưỡng lại các sa ngã yếu đuối kia. Sức mạnh ấy chỉ ở chỗ “tâm thành” “ở tại lòng ta”. Nhờ cái tâm thành cái thiện căn ấy, con người lay chuyển được lòng trời đổ được số mệnh của mình. Đó là khát vọng của những con người đa cảm mà yếu đuối, không có hoạt động không biến cải được số phận mình trong trường đời, thì đặt hy vọng vào sự quả báo mai sau. Cho nên nhân sinh quan của Nguyễn Du thống nhất và dung hòa được hai đặc điểm tương phản:
“Định mệnh và tự do”
Vẫn có định mệnh của trời, mà vẫn có cả sự tự do của tâm thành con người. Nhân định vẫn có thể thắng Thiên, vì Thiên chỉ xếp đặt định mệnh theo tội phúc hành vi tự do của con người” [110, 121 – 122].
Và trong nhân sinh quan của Nguyễn Du, số phận của mỗi người trong cuộc đời trần ai kia đều đã được tiền định. Con người nói chung đều là những số kiếp mỏng manh giữa cuộc đời hồng trần ô trọc. Còn số phận hồng nhan kia cũng là do ông trời dựa vào tiền kiếp của mỗi người mà sắp đặt. Sinh ra là kiếp hồng nhan, là những người chân yếu tay mềm thế nên số phận của những người phụ nữ càng mỏng manh và đày đọa hơn nữa. Phải chăng kiếp trước họ đã gây nên tội để cho:
- Phận hồng nhan có mong manh…
- Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
Hoặc:
- Hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
- Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho cho hại, cho tàn cho cân.
Trời kia dành cho thân phận hồng nhan nhưng lại bắt họ phải chịu số kiếp long đong cả một kiếp người. Tất cả phải chăng cũng chỉ vì “Kiếp xưa đã vụng đường tu”. Cho nên kiếp này mới chịu những đau khổ như vậy.
Bẩm sinh ở Nguyễn Du đã là người nhạy cảm. Cho nên, chính những hiện trạng về gia phong và xã hội càng tạo điều kiện cho sự day dứt về thân phận con người trong Nguyễn Du càng thấm thía thêm mà thôi. Cho nên, suốt cuộc đời của ông lúc nào cũng mang trong lòng một mối cảm động thương tâm về mọi thân phận con người. Và vì vậy, Nguyễn Du mới có thể dễ dàng xúc cảm trước những thi phẩm khác của người. Đó là một mối thương cảm đối với tất cả những thân phận làm người trong xã hội chứ không phải chỉ trước sự thất bại của đời mình, đẳng cấp mình hay của thời đại mình. Cho đến khi đọc Kim Vân Kiều thì Nguyễn Du dường như đã tìm được một kiểu mẫu sống động và thấm thía nhất về thân phận làm người phù hợp trong nhân sinh quan của chính mình. Nàng Kiều vốn là một cô tiểu thư khuê các sinh ra trong một gia đình gia giáo. Bản thân nàng là một người con gái nết na, thùy mị. Cho đến khi gặp được Kim Trong, nàng cũng đã muốn được “kết tóc xe tơ đến già” cũng với chàng. Thế mà, gia biến xảy đến, nàng phải hy sinh chữ tình để làm tròn chữ hiếu, nàng bán mình chuộc cha rồi ba chìm bảy nổi trong kiếp giang hồ lênh đênh. Qua hình ảnh của Kiều, Nguyễn Du đã tìm cho mình một hình mẫu lý tưởng. Ông muốn đem cuộc đời của nàng để giải thích cho thân phận con người, trong đó có cả thân phận của chính tác giả theo nhân sinh quan mà mình đã nung nấu từ rất lâu. Thân phận của Kiều đại diện cho những người tài sắc vẹn toàn nhưng lại gặp những truân chuyên trắc trở trong cuộc đời. Lẽ ra những người như vậy sẽ được cho mình hạnh phúc vẹn tròn. Ấy vậy mà, ông trời lại mang đến cho nàng những tai ương dồn dập bất ngờ đến với cuộc đời của nàng. Cuộc đời Nguyễn Du và cuộc đời của những người khác nữa cũng đã minh chứng cho cái ý niệm ấy của ông. Và nguyên nhân mà con người hồng nhan ấy phải chịu những cảnh đau thương đó là do tiền kiếp: “Kiếp xưa đã vụng đường tu” cho nên kiếp này trời đã sắp xếp cho kiếp hồng nhan mang sẵn trong mình tính đa tình đa cảm, nhu nhược, rồi còn bị ma đưa lối quỷ đưa đường dẫn đến những đoạn đường đau thương, tai họa chất chồng, hết nạn nọ đến nạn kia. Tuy nhiên, ông trời vẫn cho Thúy Kiều những tự do bên trong “cái tâm thành” của con người mình để có thể phản kháng trước những cảnh đời ô trọc đọa đày. Cuối cùng nàng cũng được rút tên ra khỏi cuốn sổ đoạn trường kia và được đoàn tụ với gia đình sao cho phù hợp với những khát vọng, thỏa mãn được những xung đột của tính tình ông.
Cũng trong bài viết của mình Nguyễn Đình Giang đã nhận xét rằng, ban đầu Nguyễn Du chỉ là bắt gặp được một thân phận đại diện cho mọi thân phận. Thế nhưng, khi xây dựng Đoạn trường tân thanh, Nguyễn Du đã hướng mọi sự việc xảy ra trong câu chuyện ấy theo nhân sinh quan của chính mình. Cho nên, Truyện Kiều là lời tâm sự biểu lộ ba con người của Nguyễn Du:“Một con người sống thực trong thân thế, tính tình Nguyễn Du. Một con người sống bằng khát vọng. Một con người thỏa mãn những xung đột nội tâm….”[110, 124 – 125].
Nguyễn Du mang một tâm hồn nhạy cảm trong sự tôn trọng luân lý trên những giá trị đạo đức của con người. Sự nhạy cảm ấy thể hiện trong tính tình của Thú Kiều, Kim Trọng và Từ Hải. Còn sự nhu nhược thì lại được thể hiện rõ hơn qua Thúy Kiều và Thúc Sinh. Và Nguyễn Đình Giang còn cho rằng, nếu như Thúy Kiều không quá yếu đuối thì có lẽ nàng sẽ có cách giải quyết hay hơn, không phải hốt hoảng khi cơn gia biến xảy ra mà “Rẽ ra cho thiếp bán mình chuộc cha”. Và nếu như nàng không nhu nhược thì đã không thể bị mắc lừa Sở Khanh và Tú Bà hay sau đó là rơi vào tay của Hoạn Thư, Bạc Bà,… Ở đây, tác giả bài viết chỉ muốn chứng minh rằng nếu như Nguyễn Du không phải là đa sầu đa cảm mà là một người có nghị lực hoạt động thì chắc chắn câu chuyện sẽ có bố cục và tình tiết khác hơn. Cho nên, câu chuyện của Nguyễn Du mới có thể bám sát cốt truyện Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Cũng chính vì tính đa sầu đa cảm nhu nhược thất bại yếm thế nên mới có tâm trạng nhẫn nhục và khuất phục định mệnh và đầu hàng số phận:
- Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Thử xem con tạo xoay vần đến đâu”.
- Nàng rằng: “Mưa gió dập dìu,
Liều thân thì cũng phải liều thế thôi”.
- Phận bèo bao quản nước sa,
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh”.
Chính vì con người cam chịu chấp nhận đầu hàng định mệnh cho nên cứ mãi quẩn quanh trong vòng tròn của bạc mệnh. Giống như lời sư Tam Hợp đã từng nói:
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Tiếp theo đó là con người khát vọng ở Nguyễn Du, khát vọng ấy được thể hiện trọn vẹn trong hình ảnh của người anh hùng Từ Hải. Bởi ở những con người đa sầu đa cảm, nhu nhược bất lực trước cuộc sống thì họ sống càng mạnh mẽ và mãnh liệt trong khát vọng của mình. Cho nên họ đành thỏa mãn chính mình trong cái hình tượng do mình xây dựng lên. Và Từ Hải của Nguyễn Du cũng vậy, chàng là tất cả những gì mà Nguyễn tiên sinh không thể thực hiện được trong cuộc sống đời thường của chính mình với tính cách ngang tàng, phi thường:“Chọc trời khuấy nước mặc dầu. Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Không chỉ có thế, khát vọng của những con người đa sầu đa cảm còn là một sự hạnh phúc trọn vẹn trong an bình. Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Du đã để cho Kiều được sum họp với gia đình, tái hợp với chàng Kim sau mười lăm năm gió bụi của cuộc đời.
Cuối cùng đó là con người xung đột ở Nguyễn Du được thể hiện trong toàn bộ triết lý và luân lý của truyện. Tính đa sầu đa cảm vốn sống thường xuyên trong sự xung đột giữa việc một lòng trung thành với lý tưởng và một sự yếu đuối nhu nhược của tình cảm con người trước những hoàn cảnh mãnh liệt của đời sống. Chúng ta có thể thấy được điều này qua những tâm sự của Nguyễn Du trong thơ văn của ông. Mang nặng tấm lòng trung nghĩa với nhà Lê nhưng do những biến cố của xã hội khiến cho vật đổi sao dời, trong tình thế bắt buộc, ông đành làm trái với lý tưởng mà ra làm quan với nhà Nguyễn khiến cho bao người đã nói ông sao không học theo tấm gương trung nghĩa của Di, Tề. Để rồi khi đi theo nhà Nguyễn, ông luôn mang nặng sự nhớ tiếc trong tâm hồn. Và sự lỗi đạo đó đã được Nguyễn Du biện minh cho chính mình bằng thuyết số mệnh trong nhân sinh quan của chính mình. Và Truyện Kiều chính là lời bào chữa ấy của Nguyễn Du: “Kiều mắc điều tình ái (yếu đuối) nhưng khỏi điều tà dâm (tâm thành mà giữ lòng trong sạch trong tâm hồn). Kiều bao phen sa đọa lạc loài, chỉ vì yếu đuối (sang nhà Kim Trọng trái luân lý đương thời) nhưng vẫn ý thức đến “thói nhà băng tuyết phỉ phong” (trách Kim Trọng sàm sỡ). Và trong suốt thời gian luân lạc, vẫn giữ những điều tiết nghĩa trung trinh. Tôi không có ý phê bình các hành vi của Kiều có đúng vẫn giữ được Hiếu nghĩa trung trinh hay không. Tôi chỉ có ý chứng minh cái ý thức luân lý ấy là hợp lý trong tâm trạng những người tính đa sầu đa cảm như Kiều và Nguyễn Du, không có chi giả tạo như ông Khoa bảo. Chính cái ý thức luân lý ở giữa những hành vi yếu đuối làm đặc điểm của tính đa sầu đa cảm. Và cũng chính vì thế mà đưa họ đến quan niệm yếm thế định mệnh”. ….”[110, 126 – 127].
Có lẽ chính bởi cái nhân sinh quan ấy nó đã bộc lộ được cái khía cạnh bi đát về thân phận con người nói chung, cho nên bất kỳ ai cũng cảm thấy hình ảnh của mình trong thân phận cô Kiều. Đã làm người ai cũng cảm thấy cái bất lực bi đát của thân phận nhân loại. Những người hoạt động có lúc quên được khía cạnh bi đát bất lực, huyền bí của đời người trong công việc của họ, nhưng tới khi có ai nhắc bảo cho họ, chắc họ phải nhớ tới và ý thức được sự bi đát của thân phận mình. Đọc Truyện Kiều mọi người sẽ tìm thấy hình ảnh bi đát ấy như Nguyễn Văn Trung đã viết: “Chúng ta thích Truyện Kiều vì ai cũng bắt gặp mình ít nhiều trong cuộc phiêu lưu của Kiều, nghĩa là trong thân phận làm người có những lúc lo lắng băn khoăn trước một tương lai mờ mịt, có những chán nản, uất ức trước cái vô lý của cuộc đời, có những lúc tin tưởng hy vọng muốn bám víu lấy cuộc sống tuy đôi khi chỉ là những hy vọng mỏng manh, hay là ảo vọng” [110, 128].
Cũng vận dụng những lý thuyết của phân tâm học vào việc tìm hiểu tác phẩm, Đàm Quang Thiện trong cuốn Ý niệm bạc mệnh trong đời Thúy Kiều đã vận dụng những lý thuyết của phân tâm học để tìm hiểu về tâm lý của Thúy Kiều với ý niệm bạc mệnh trong cuộc đời của nàng. Ngay từ phần mở đầu của cuốn sách, Đàm Quang Thiện đã dẫn luận những lý thuyết về di truyền học “người ta sinh ra với một “tiên thiên” di truyền, cấu tạo, ngay từ lúc người ta mới thành hình, bởi một nửa số nhiễm sắc thể (chromosmes) mà những sinh ( genes) mang những tính cách di truyền của người cha, và một nửa số nhiễm sắc thể mà những sinh mang những tính cách di truyền của người mẹ, hòa hợp với nhau, để người con có đầy đủ và quân phân những tính cách di truyền của cả cha lẫn mẹ” [64, 5]. Trên cơ sở đó tác giả cuốn sách cũng nhận xét ngay bản thân Kiều cũng mang một tiên thiên rất nặng về tình cảm bởi Vương ông và Vương bà đều là những người nhiều tình cảm. Và cái “tiên thiên” ấy sẽ không chịu sự chi phối của bất cứ hoàn cảnh xã hội nào mà nó sẽ là mảnh đất màu mỡ, thuận lợi cho cái mầm “bạc mệnh” trong cuộc đời Thúy Kiều được nảy nở và phát triển mạnh mẽ.
Vậy thì cái hạt giống “bạc mệnh” của Thúy Kiều do đâu mà có? Và theo sự lý giải của ông, mầm “bạc mệnh” của Thúy Kiều được gieo bởi tay của một người tướng sĩ. Khi Thúy Kiều hãy còn thơ ngây, ông bà họ Vương đã mời đến nhà một ông thầy tướng sĩ để xem về vận mệnh cho con cái. Và theo ông tác giả bài viết, có lẽ ông thầy số này phải là người có danh tiếng lắm cho nên lời ông đoán về số mạng của Thúy Kiều:
Anh hoa phát tiết ra ngoài,
Lời rằng bạc mênh cũng là lời chung.
Mới có thể khiến cho nàng Kiều tin răm rắp như thế được để rồi nó đã ăn sâu vào trong vô thức của Kiều, đã ám ảnh tất cả những việc làm và tư tưởng của nàng. Khiến cho Thúy Kiều chỉ tâm tâm niệm điều ấy để cho nó từ hữu thức mà đi vào vô thức. Và theo nhận định của Đàm Quang Thiện: “Dòng sông cuộc đời của Vương Thúy Kiều, vừa thoát ra khỏi nguồn “năm hãy thơ ngây”, thì một người tướng sĩ ném ngay vào giữa lòng sông ấy tảng đá “bạc mệnh”. Tảng đá này ngăn, không cho dòng sông ấy chảy qua những cánh đồng có hoa thơm cỏ lạ, khiến cho đời nàng vui tươi; mà hướng dòng sông ấy chảy qua những nghĩa địa, những nơi bùn lầy nước đọng, những bãi sa trường khiến cho cuộc đời nàng thê thảm, đen tối, hãi hùng” [ 64, 5].
Ý niệm “bạc mệnh” ấy đã thấm sâu vào trong vô thức của Kiều, có lẽ cũng vì vậy mà Kiều đã sáng tác cho mình một bản đàn gọi là “Bạc Mệnh” khiến cho người nghe cảm thấy như “ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Nhưng cái ý niệm ấy vẫn còn là mông lung vẫn còn “trừu tượng, không rõ rệt cho đến khi nàng đi chơi tết thanh minh và viếng mộ Đạm Tiên thì ý niệm ấy đã được “chính xác hóa”, “cụ thể hóa” rõ ràng và dường như đã trở thành “niềm tin tưởng tuyệt đối”. Và “thế là cái ám ảnh bạc mệnh của Thúy Kiều đã trở thành sự thật trong một giấc chiêm bao, nghĩa là đã ăn sâu vào vô thức của Thúy Kiều, đã đồng hóa với vô thức của nàng, đó là điều kiện ắt và đủ để “mộng” thành “thực”, đó là một hiện tượng tâm lý - ảnh hưởng của những mặc cảm trong vô thức đến những hành vi hữu thức trong đời sống – mà các nhà tâm lý học Tây phương đã khám phá ra từ hậu bán thể kỷ 19” [64, 35]. Và cũng bắt đầu từ đây, nó đã trở thành định mệnh trong cuộc đời của Kiều, bản thân nàng đã ý thức được sức mạnh của nó và cũng đã bao lần cố gắng thoát ra khỏi nó nhưng dường như là vô vọng bởi vô thức bao giờ cũng chiến thắng được hữu thức.
Dựa trên cơ sở lý thuyết về phân tâm học của nhà tinh thần bệnh học nước Áo là S. Freud đã chia linh hồn của con người ta gồm có ba phần: Bản ngã thì chứa đựng trong nó tất cả những bản năng được tạo nên bởi sự di truyền. Còn Cá ngã là ý thức tâm lý của mỗi người khiến cho họ có thể hiểu được chính mình và hoàn cảnh nơi mình đang sống. Cuối cùng là Thượng ngã, là cái mà người ta vẫn gọi giản đơn đó là lương tâm.Và mỗi lần Bản ngã đưa ra một ước vọng không phù hợp với chuẩn mực xã hội thì sẽ bị cái gọi là thượng ngã ở trên đẩy lùi. Sự đẩy lùi này có thể được áp dụng cho tất cả những thứ có liên quan đến ước vọng. Có thể những hình ảnh bị đẩy lùi, có liên quan đến một khuynh hướng, một thúc đẩy nào đó, họp thành một thứ “tinh đoàn”. Số “tinh đoàn” này có thể được gia tăng bằng những hình ảnh đã bị đẩy lùi từ trước và làm thành mặc cảm. Từ cơ sở lý thuyết đó, Đàm Quang Thiện đã cho rằng Thúy Kiều đã mang trên mình hạt giống của mặc cảm bạc mệnh, nó được nảy mầm từ khi có lời tiên đoán của vị tướng sĩ và được nuôi dưỡng bởi bản tính đa sầu đa cảm của Thúy Kiều.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác cái mặc cảm ở Thúy Kiều, Đàm Quang Thiện đã có những đánh giá mang tính phiến diện như con sông Tiền Đường trong tác phẩm. Ông cho rằng: “Vì muốn tạo ra một “tiền định” cho Thúy Kiều, mà Vô thức của nàng đã liên tưởng từ “tiền định” đến “Tiền đường”; vì muốn tạo ra một tiền đồ đã được vạch sẵn bởi “nghiệp má đào, kiếp liễu bồ” của nàng, mà Vô thức của nàng đã chọn sông Tiền Đường, vì “Tiền” trong Tiền Đường đồng âm dị nghĩa với “tiền” trong danh từ trỏ lý do đoạn trường của nàng là “kim tiền”, lại “Đường” trong “Tiền Đường”, đồng nghĩa dị âm với “đồ trong danh từ trỏ đối tượng mà vô thức của nàng đang tạo ra, là “tiền đồ”, “đường” cũng có nghĩa là môt đường đi (đường đi là bờ đê như “đồ” vậy” [64, 101].
Như đã nói ở những phần trên, vận dụng lý thuyết của phân tâm học chúng ta có thể đi tìm hiểu được quá trình sáng tạo của nhà văn không chỉ ở hữu thức mà còn ở cả vô thức. Trên cơ sở đó, trong cuốn Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Thanh Lãng đã dành riêng một phần cho việc đi tìm hiểu những dự phóng tạo nên thăng hoa trong sáng tạo của Nguyễn Du khi trình bày về tâm lý các nhân vật trong truyện hay đó chính là tâm lý của Nguyễn Du. Từ đó, Thanh Lãng thấy được rằng, qua nhân vật Kim Trọng đó là: “Cái Kim Trọng rất đàn bà, si mê, liều lĩnh đó là dự phóng của một Nguyễn Du tiềm thức, một Nguyễn Du ở bề sâu, một Nguyễn Du giấu kín, một Nguyễn Du đã từng si mê cô lái đò Nhật mà sau này trong thơ chữ Hán có lẽ Nguyễn Du gọi là cô Cầm, người mà Nguyễn Du đã dành cho một chỗ hầu như cao nhất trong đời tình cảm của ông” [36, 731 – 732]. Hay khi tác giả cho rằng qua hình ảnh của nhân vật Từ Hải đó chính là một dự phóng giấc mơ kiêu hùng của Nguyễn Du: “Thực ra Từ Hải chỉ là điều mơ ước bị giấu kín, bị dồn ép mãi tận đáy tâm thức của Nguyễn Du, chứ cái Nguyễn Du hữu thức là một Nguyễn Du vô vi, ít nói, hầu như câm lặng, chẳng muốn can thiệp, đứng ở ngoài… Từ Hải là một dự phóng vọt ra dưới sức dồn ép quá độ” [36, 732 – 733]. Thế nhưng, Thanh Lãng cũng cho chúng ta thấy những mâu thuẫn đối lập về hình ảnh Nguyễn Du giữa thơ chữ Hán và Đoạn trường tân thanh. Trái ngược với một Nguyễn Du với thể xác bệnh hoạn, già, tóc bạc, tan rữa, rã rời, chết trong Thơ chữ Hán thì trong Đoạn trường tân thanh lại là dự phóng về một nàng Kiều luôn trẻ trung, mạnh khỏe dù cho nàng bị đánh đập, chịu những đau khổ triền miên trong tâm hồn. Đó là một Thúy Kiều dự phóng tất cả Nguyễn Du, nhưng không dự phóng toàn vẹn mà đó chỉ là dự phóng với nhiều sửa chữa, trá hình với hình ảnh của: “Một Kiều trẻ đẹp, không bao giờ đau, không bao giờ suy giảm tài, sắc, và hầu bất tử sau bao nhiêu lần tự tử, là dự phóng một Nguyễn Du phản kháng, tự tiềm thức, đối với mối lo sợ già, lo sợ tóc bạc, lo sợ bệnh hoạn, lo sợ chết” [36, 735].
Với phân tâm học, các tác giả đã dẫn dắt người đọc đi khai phá được tâm lý sáng tạo của Nguyễn Du, đã phần nào khám phá được cái phần vô thức của tác giả để lại trong tác phẩm của mình. Đồng thời đã khám phá được qua việc xây dựng tâm lý nhân vật Thúy Kiều, thiên tài Nguyễn Du đã khơi sâu vào trong cả vô thức của nhân vật, cái nội tâm sâu kín của con người. Và nếu như các tác giả cho rằng vô thức của Thúy Kiều chính là bóng ma Đạm Tiên thì đó cũng chính là tiếng kêu đau đớn của Nguyễn Du về thân phận con người. Do đó, các tác giả của chúng ta dù đã mở ra những hướng đi mới nhưng vẫn thiếu xót ở chỗ chỉ tập trung vào phần vô thức mà quên đi cái hữu thức đang còn hiện hữu kia.
* Thạc sĩ, Trường Trung học Lê Quý Đôn