Trên thế giới người ta nói thể kỉ XX là “thế kỉ của phê bình văn học”. Nhận định ấy cũng đúng với Việt Nam, bởi chỉ vào thế kỉ XX Việt Nam mới có phê bình văn học theo nghĩa hiện đại. Song số phận phê bình văn học Việt Nam thì hẩm hiu hơn nhiều. Nhận định nêu trên về phê bình văn học thế giới quả không ngoa: bởi vì ngay từ đầu thế kỉ đã lần lượt nảy sịnh các trào lưu phê bình văn học liên tục đan xen, thay thế nhau. Nào chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hình thức, phê bình mới, phân tâm học, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa cấu trúc, giải cấu trúc, chủ nghĩa tân lịch sử, thi pháp học, phong cách học, diễn ngôn học, tu từ học…Các khuynh hướng cạnh tranh nhau, bổ sung nhau làm cho các vấn đề văn học ngày càng được sáng tỏ, khắc phục dần các nhận thức ấu trĩ siêu hình. Song ở Việt Nam thì không thế. Vừa mới hình thành chưa lâu trước năm 1945, nhà phê bình chưa kịp tự ý thúc về mình và nghề mình thì sau đó gần hết nửa thế kỉ còn lại phê bình văn học Việt Nam buộc phải đi vào hai cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, chống ý thức hệ đối kháng. Do hoàn cảnh lịch sử và định hướng ý thức hệ phê bình văn học của Việt Nam hầu như trở thành một ốc đảo, chúng ta chỉ biết có chủ nghĩa Mác theo phiên bản các nước xã hội chủ nghĩa, mà hầu như không biết gì về các trào lưu khác trên thế giới, tách xa các trào lưu ấy như nước với lửa. Chỉ từ năm 1986, đúng hơn từ năm 1995 do mở của hội nhập với các nước trên thế giới, ta mới có ít nhiều đổi thay trong giao lưu văn học, phê bình, song do theo định hướng lấy chủ nghĩa Mác Lenin làm nền tảng, các tư tưởng khác hầu như đều ở vào địa vị bất hợp pháp, bất bình đẳng, ngoại biên, bị coi là phi chính thống. Chính vì vậy mà đã gần 40 năm lí luận phê bình văn học chúng ta tiến bộ rất chậm chạp.
Tuy vậy, với dường lối văn nghệ ngày càng có phần cởi mở, phê bình văn học Việt Nam cũng dần dần hình thành các khuynh hướng phê bình của mình. Các khuynh hướng này không phải là sự sao chép trào lưu phê bình văn học nước ngoài mà hình thành trong ngữ cảnh Việt Nam, phụ thuộc vào trình độ tự thức nhận của nền văn học. Cùng với các khuynh hướng lí thuyết là các tiêu chuẩn giá trị khác nhau, sự đánh giá khác nhau tạo nên một bức tranh đa sắc, nhiều chiều, nhất là đối với tác phẩm đương đại. Trong công cuộc chuyển mình của văn học theo hướng hiện đại này ý nghĩa, giá trị của văn học chưa có được tọa độ ổn định. Nhiệm vụ của phê bình không chỉ là diễn giải ý nghĩa tác phẩm, mà còn là xếp hạng, định vị các giá trị văn học, phân vạch các khuynh hướng hầu như chưa có điều kiện thực hiện đối với văn học đương đại. Các cách xếp hạng hiện thời khó tránh khỏi tính tạm thời. Trong bài này chúng tôi thử nêu các khuynh hướng phê bình văn học để thấy phê bình văn học đang tồn tại và vận động theo nhiều hướng.
1. Khuynh hướng phê bình xã hội học, ý thức hệ.
Khuynh hướng này có truyền thống lâu đời nhất, tính từ thời Hải Triều năm 1935, qua Đề cương văn hóa 1943, được phát triển và củng cố qua các cuộc tranh luận văn nghệ, các cuộc đấu tranh tư tưởng chống nhóm Nhân văn-Giai phẩm, chống chủ nghĩa xét lại hiện đại, nó cũng được khẳng định trong hàng loạt công trình phê bình của các nhà phê bình nổi tiếng một thời. Không chỉ các nhà phê bình, mà ngay các nhà văn với nhau cũng phê bình theo một kiểu ấy. Đặc điểm của khuynh hướng này là vận dụng các nguyên lí mác xít như tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, quan điểm giai cấp luận, xem văn học là công cụ phục vụ chính trị cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh ý thức hệ, đối lập tư sản/vô sản; địch/ta, tập thể/cá nhân, văn học là tuyên truyền, quan hệ văn học với hiện thực là phản ánh, phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc tính đảng, nhà văn là chiến sĩ, phê bình là vũ khí đấu tranh. Mục đích phê bình là lấy cán bút làm đòn xoay chế độ, đánh giá tác phẩm chủ yếu theo nhu cầu, lợi hại đối với chế độ xã hội. Ngoài cách nhìn thế giới lưỡng phân thành hai nửa thù địch nhau, còn có quy định của quan niệm cách mạng bạo lực, nhằm lật đổ chế độ cũ, xây dựng chế độ mới, xây dựng nền chuyên chính vô sản do Lenin đề ra. Khuynh hướng phê bình này thích dùng bạo lực để đánh địch, tạo một thói quen quy chụp, suy diễn để quy đối tượng phê bình vào kẻ thù của chế độ. Hàng loạt nhà văn đã là nạn nhân của lối phê bình này mà những ai sống qua thời đó đều còn nhớ như in, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại. Sau thời Đổi mới tình hình đó đã có thay đổi đáng kể, văn học được xem như là sản phẩm của văn hóa, song lối phê bình suy diễn và chỉ một phía được nói, phía bị phê bình không có quyền nói, đã thành nếp khó sửa, vẫn còn lai rai trong đời sống văn chương. Khuynh hướng phê bình xã hội học vẫn còn một phương diện quan trọng khác, ấy là xây dựng nền văn học mới xã hội chủ nghĩa, nó có nghĩa vụ đánh giá, xếp hạng các tác phẩm kinh điển của nền văn học này, xây dựng hệ thống các quy phạm của nó. Các tác giả Hố Chí Minh, Tố Hữu, Trường Chinh, Hà Xuân Trường, Hoàng Trinh, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Hồ Phương…và rất nhiều tác gia kinh điển khác tạo nên diện mạo của giai đoạn văn học mà sau đó được vinh danh hoặc vinh dự nhận các giải thưởng cao quý của nhà nước. Cũng cần nói thêm rằng các tác giả được vinh danh nhiều người do nhìn mặt mà trao giải chứ chưa phải trường hợp nào cũng có căn cứ vào giá trị đích thực của tác phẩm, sự khập khiểng là khó tránh. Nhiệm vụ thứ ba của phê bình này là đánh giá lại di sản văn học dân tộc theo quan điểm mác xít, khẳng định các thành tựu, truyền thống đấu tranh đáng tự hào, phê phán các tàn dư phong kiến, tư sản còn tác hại trong đời sống tinh thần. Nhiệm vụ này trước Đổi mới về cơ bản là làm hỏng nhiều hiện tượng văn học có giá trị, may thay sau Đổi mới nhờ cố gắng của nhiều người đã dần dần sửa chữa, nói chung ngày càng khắc phục được các khiếm khuyết dung tục. Khuynh hướng phê bình này hiện đang đóng vai trò trung tâm, chủ lưu, chính thống của nền văn học. Tuy vậy một thời gian dài khuynh hướng này hầu như chỉ quan tâm nội dung mà ít chú ý hình thức, quan tâm nền văn học của chế độ mà ít quan tâm tác giả, phong cách, cá tính (ngoại trừ các vị tiêu biểu cho cách mạng), do đó đánh giá cũng khó tránh phiến diện. Chính vì vậy mà khuynh hướng này một cách tự nhiên, cần được bổ sung bằng các khuynh hướng khác.
2. Khuynh hướng thứ hai là nghiên cứu văn học theo mô hình lấy nhà văn làm trung tâm.
Đây là khuynh hướng lấy phương pháp tiểu sử, dựng chân dung nhà văn, khắc họa hồn cốt tác giả qua các nét chấm phá do trực tiếp quan sát hoặc nghe nói lại, hoặc khám phá hệ chủ đề của tác giả thể hiện thành hệ thống hình tượng. Phương pháp xây dựng chân dung có lối chân dung con người, có lối chân dung nghệ thuật, phần nhiều đều dựa vào ấn tượng mà sáng tác. Khuynh hướng này có cội nguồn từ các phê bình văn học Việt Nam những năm 30 thế kỉ XX trong các tác phẩm của Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan…Khuynh hướng này coi trọng cá tính nhà văn, các giá trị thẩm mĩ. Tâm điểm nghiên cứu của họ là nhà văn và cá tính. Thể loại họ ưa thích là chân dung văn học hoặc chân dung mở rộng thành chuyên luận tác giả. Loại sách mà họ yêu chuộng là tác giả, tác phẩm và lời bình. Tập nghiên cứu nào cũng có một phần chân dung văn học. Có tác giả viết hàng trăm chân dung văn học, từ loại sơ lược như tiểu sử tóm tắt trong Thi nhân Việt Nam cho đến các bức tranh khắc họa chi tiết, sinh động, hấp dẫn như của Nguyễn Đăng Mạnh, phức tạp như của Vương Trí Nhàn, độc đáo như của Chu Văn Sơn, đồ sộ như của nhà thơ Hoài Anh…Truyền thống sùng bái tác giả bắt đầu với chủ nghĩa lãng mạn ở phương Tây, nó vào Việt Nam cũng bắt đầu với chủ nghĩa lãng mạn. Nhưng cội nguồn sâu xa hơn là quan niệm văn là người có ở phương Đông lẫn phương Tây. Phong Lê cũng chuộng lối này, ông từng có quyển Văn và người và liên tục soạn nhiều tập khác. Đối với khuynh hướng này, tác giả là nhân vật chính của lịch sử văn học, vị trí tác phẩm lui xuống hàng thứ hai. Vào giai đoạn lịch sử khi cá tính nhà văn ít được coi trọng khuynh hướng này có ý nghĩa nắn lại, vinh danh những người sáng tạo ra các giá trị thẩm mĩ cho đời. Thứ hai, văn là người, viết chân dung cũng là cách bày tỏ tình cảm hoặc suy nghĩ về cá tính. Khuynh hướng này rất thích hợp với nền văn học mà tác giả nổi tiếng nhiều hơn tác phẩm nổi tiếng. Trong thời đại ngày nay, khi theo ý kiến của nhà mác xít người Anh là Terry Eagleton, phê bình văn học hiện đại trải qua ba hệ hình: Lấy tác giả làm trung tâm; lấy văn bản làm trung tâm và lấy người đọc làm trung tâm, thì lối phê bình lấy tác giả làm trung tâm tỏ ra là đã thuộc về giai đoạn trước. Khi nhà phê bình Pháp Roland Barthes hô lên “Tác giả đã chết”, hoặc khi Michel Foucault viết “Tác giả là gì” cho thấy tác giả chỉ là một số chức năng trong văn bản, chứ không phải là con người sống động thì khái niệm tác giả có một độ chông chênh nào đó. Tác giả được khẳng định nhằm để ngăn chặn sự lí giải mở rộng vô bờ, đa dạng bởi người đọc. Muốn giải phóng người đọc thì tác giả phải hi sinh. Nhưng khuynh hướng mới thông diễn học thì dung hợp tác giả và người đọc. Khi ý nghĩa tác phẩm không phải do tác giả hoàn toàn quyết định, mà còn do người đọc nữa, thì việc đi tìm ý nghĩa của tác giả chỉ có một tác dụng giới hạn. Càng đề cao tác giả thì càng hạn chế sự diễn giải của người đọc. Càng đề cao tác giả cũng có nguy cơ, là bắt tác giả phải chịu trách nhiệm cho những suy diễn mà người đọc gán ghép một cách oan uổng cho anh ta. Không thể bắt tác giả gánh trách nhiệm cho các phát hiện của người đọc, nhất là người đọc có dụng ý không tốt. Hiện nay khi nền phê bình còn chưa phát triển cao, phê bình tác giả vẫn chiếm ưu thế, đủ thấy vị trí của phê bình văn học Việt Nam chưa theo kịp thế giới. Tôi không hoàn toàn tán thành vói ý kiến của hai tác giả nước ngoài nêu trên thiên về chủ nghĩa cấu trúc mà coi nhẹ tác giả. Người sáng tác đã để cả tâm hồn, tài năng, kinh nghiệm vào tác phẩm lẽ nào vô can với giá trị của nó. Tuy nhiên ý đồ sáng tạo, khát vọng nghệ thuật là một đằng mà gía trị nghệ thuật được tạo ra là đằng khác. Tư tưởng lớn, tình cảm mãnh liệt, khát vọng cao vời, cần cù chịu khó tuy rất đáng yêu, song chưa hề là bảo đảm cho giá trị tác phẩm văn học. Cho nên phê bình văn học vẫn phải lấy tác phẩm làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu, mặc dù chân dung vẫn là một hướng nghiên cứu quan trọng, nó gần với thể loại sáng tác hơn là thể loại phê bình.
3. Khuynh hướng phê bình trên nền tảng văn bản văn học.
Phê bình văn bản dựa váo tính độc lập của văn bản, trên cơ sở khám phá các nguyên tắc nghệ thuật thể hiện trong ngôn từ mà khái quát về tư tưởng, quan niệm thẩm mĩ của tác phẩm, nhà văn, thể loại…Cách làm này không phụ thuộc vào ý đồ của nhà văn, một yếu tố mà nhà phê bình nói chung khó biết, nếu không nói là không thể biết rõ được. Phê bình văn bản dựa vào tính chỉnh thể, tính kí hiệu của văn bản, các nguyên tắc thi pháp, tu từ học, phong cách học mà đưa ra khái quát. Lúc đầu người ta có tham vọng tìm một cách tiếp cận khoa học đối với văn học, để tránh chủ quan, song trên thực tế, dần dần người ta hiểu ra phương pháp này cũng tùy thuộc vào sự kiện mà người nghiên cứu quan sát mang tính chủ quan, cùng một tác phẩm mà người nghiên cứu khác nhau có thể rút ra các kết qủa khác nhau, mà không thể phủ định lẫn nhau. Nghiên cứu văn bản thực chất là hoạt động sản sinh nghĩa của văn bản, dựa vào tiềm năng sinh nghĩa của nó. Các tác giả Phan Ngọc, Đỗ Đức Hiểu, Trần Đình Sử, Đỗ Lai Thúy… đi theo hướng này. Nhưng khác với các nhà phê bình phương Tây khi đề cao văn bản họ cắt đứt quan hệ với tác giả cũng như đối với hiện thực, thì trái lại các nhà phê bình Việt Nam khi nghiên cứu văn bản vẫn tham chiếu tác giả và thời đại, khẳng định tác giả và liên hệ với thời đại lịch sử sản sinh văn bản. Đó là nét độc đáo mới mẻ, không hề rập khuôn phương Tây của họ.
Một đặc điểm của thi pháp học thế kỉ XX là có sự xâm nhập mạnh mẽ của phong cách học và tu từ học. Hầu hết các công trình thi pháp học nổi tiếng trên thế giới đều pha trộn với phong cách học, tu từ học. Và trong xu thế chuyển hướng ngữ học (lingustic turn) và chuyển hướng diễn ngôn học (discursive turn) thì hình thành một tu từ học mới mà thi pháp học chỉ là một bộ phận, song là bộ phận độc lập tương đối chuyên nghiên cứu kiến tạo văn học, không thể bị thay thế. Theo xu hướng đó, các công trình thi pháp học, phong cách học Việt Nam cũng có sự giao thoa, đan xen nhau của các bộ phận đó, không hề đối lập nhau. Đặc điểm chung của nghiên cứu trên nền tảng văn bản văn học trong bối cảnh “chuyển hướng ngữ học”là xuất phát từ các dữ kiện ngôn ngữ, từ đó mà kiến tạo nên các mô hình về thế giới, hình thành các kí hiệu và khả năng biểu nghĩa, đó cũng là điều khác với lối phê bình thuần túy suy diễn từ bối cảnh thời đại. Ngày nay diễn ngôn học đang gây được chú ý, song nghiên cứu văn bản văn học Việt Nam vẫn đi đúng hướng và con đường ấy vẫn hứa hẹn các thành quả mới.
4. Phê bình văn học truyền thông
Truyền thông (medium/media), theo định nghĩa của Wilbur Schramm là công cụ đặt vào giữa quá trình hoạt động giao tiếp nhằm khuếch đại và kéo dài việc đưa tin trong không gian và thời gian. Sự thay đổi phương tiện truyền thông kéo theo các cuộc cách mạng văn học. Theo đó, truyền thông không phải là một hoạt động phê bình, nhưng do tính chất khuếch đại, kéo dài việc đưa tin, truyền thông trở thành một công cụ quyền lực, không chế, gây ảnh hưởng cực mạnh, và trên cơ sở đó hình thành một hình thái phê bình mà chúng tôi gọi là “phê bình truyền thông”. Truyền thông gồm bộ phận hạt nhân là truyền hình, phát thanh, điện ảnh, báo chí trung ương, có độ phủ sóng toàn xã hội; bộ phận ngoại biên như các phương tiện sách, báo, tạp chí, báo mạng…giới hạn phủ sóng hẹp hơn; bộ phận văn hóa đô thị như họp báo, giới thiệu sách mới chỉ đóng khung tại đô thị lớn.. Với các hình thức giới thiệu điểm sách, tọa đàm, tổ chức sự kiện…chức năng của phê bình truyền thông là đưa tin, tạo dư luận, đánh giá chung, bày tỏ quan điểm, chính kiến. Tính chất thông tấn của nó thể hiện ở tính nhanh nhạy, kịp thời. Với tính chất báo chí nó cũng đổi thay hàng ngày, tin hôm sau thay thế tin hôm trước. Nhưng mặt khác, sức mạnh bá quyền của phương tiện truyền thông cùng với quyền lực cơ quan quản lí hàng ngày hàng giờ tung ra công chúng, gấy ấn tượng, áp đảo, tạo thành mối quan tâm lớn của xã hội. Là phương tiện quyền lực nó giữ quyền lựa chọn, biên tập, định hướng. Ngôn ngữ của truyền thông đại chúng chủ yếu là ngôn ngữ chính trị, ngôn ngữ thương nghiệp, ngôn ngữ đời thường, cơ hội cho ngôn ngữ chuyên môn bị hạn chế. Do đó phê bình văn học cũng ít có điều kiện chuyên sâu. Trong điều kiện báo mạng và các blog cá nhân bày tỏ nhiều luồng dư luận khác nhau, hinh thành một trường dư luận nhiều chiều, trái chiều, thuận chiều, có tính đối thoại sâu rộng. Tất nhiên các blog ở vào vị thế ngoại biên, tiếng nói nhỏ yếu, nhưng không thể bỏ qua. Phê bình truyền thông đang mở ra khả năng đối thoại to lớn, nhưng cũng có thể chỉ là áp đặt to lớn. Nếu được sử dụng, tôn trọng ý kiến trái chiều, biết đối thoại, chờ đợi, sẽ có cơ làm cho nhiều vấn đề khúc mắc được thêm sáng tỏ. Nhưng mặt khác trong điều kiện kinh tế thị trường phê bình truyền thống khó tránh khỏi tính chất áp đặt, quảng cáo, đánh bóng tên tuổi, có chương trỉnh bị dư luận lên án như vụ lăng xê thơ Hoàng Quang Thuận là ví dụ tiêu biểu. Mặt khác không gian ảo của báo mạng khiến cho một số ý kiến phát ngôn suy diễn, lời lẽ thiếu tôn trọng đối tượng phê bình, người đối thoại cũng làm cho chất lượng phê bình giảm sút nghiêm trọng. Nhược điểm của phê bình này là trong nhiều trường hợp chưa tạo được các hoạt động đối thoại bình đẳng, dân chủ, có văn hóa.
5. Phê bình trường, viện và đề tài được cấp kinh phí
Do thể chế tổ chức nghiên cứu, đào tạo nghiên cứu sinh, cao học, các đề tài cấp bộ, cấp nhà nước, đề tài đặc biệt được cấp kinh phí, xuất hiện một khuynh hướng nghiên cứu phê bình văn học đáng chú ý. Đây là phê bình của các cơ quan học thuật, do đó việc tiếp nhận các lí thuyết mới, dùng các thuật ngữ mới, lắm khi xa lạ, chủ yếu của phương Tây, và vận dụng vào nghiên cứu, đánh giá văn học nước nhà. Uy tín học thuật của nước ngoài cũng tạo cho nó một quyền lực nhất định. Do đi sâu học thuật, cho nên có một số mặt chưa theo kịp tình hình văn học trong nước. Hoạt động của phạm vi phê bình này thiên về giải mã các hiện tượng văn học, trước hết là các tác phẩm kinh điển, sau là các tác phẩm nổi tiếng, thời thượng. Mặt khác đây là dạng phê bình hiện diện trong không gian hẹp, được cấp tiền hoặc đào tạo theo kế hoạch, thực hiện trong thời gian quy định. Không ít công trình có giá trị cao, xuất bản được chú ý. Nhưng với mục đích trước mắt không nhằm công bố (phần lớn các loại đề tài hiện nay làm xong để vào kho lưu trữ), thời gian câu thúc cho nên khó tránh khỏi làm vội, chất lượng chưa cao, nhiều khi tùy tiện. Nhưng mặt khác nhà phê bình được tự do, ít bị xã hội ràng buộc nên có thể tiếp cận nhiều hiện tượng văn học mới. Đáng chú ý của phê bình này ở các trường, viện là nơi tập dượt vận dụng các lí thuyết văn học mới để mở rộng tầm nhìn, cách đánh giá các tác phẩm văn học. Phê bình ở các trường viện là nơi đào tạo, cung cấp lực lượng phê bình mới cho nền văn học chúng ta.
6. Phê bình khuynh hướng văn học
Một nhược điểm của phê bình văn học Việt Nam là chỉ quan tâm tác giả, tác phẩm, bình điểm các hiện tượng văn học cụ thể mà ít quan tâm nghiên cứu phân tích, phân hóa các khuynh hướng văn học, cung cấp bức tranh về động hướng văn học đang đi từ đâu đến đâu. Thỉnh thoảng cũng có một số công trình tổng kết, song thiên về mô tả phong trào. Từ thời giữa những năm 80 chúng tôi vận dụng các khái niệm của nhà lí luận Nga Pospelov, cho rằng văn học sau 1975 có khuynh hướng phi sử thi hóa, thế sự hóa và đời tư hóa. Cách phân biệt khuynh hướng ấy vẫn còn được vận dụng, gắn với quan niệm về sự giải thiêng, giải huyền thoại, khuynh hướng thế tục hóa văn học, khuynh hướng biểu hiện chấn thương tinh thần. Các khuynh hướng ấy có cái chung với khuynh hướng văn học thuộc các nước xã hội chủ nghĩa trước đây sau một cơn biến động lớn. Tuy vậy trong thời hội nhập quốc tế các khuynh hướng văn học phương Tây ảnh hưởng đến văn học Việt Nam như thế nào? Trước đây nhà phê bình Trần Thị Mai Nhi cũng có công trình Văn học hiện đại, văn học Việt Nam giao lưu gặp gỡ, 1994, nghiên cứu khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa trong văn học Việt Nam, song thời gian bao quát suốt cả thế kỉ XX, thiên về so sánh nhiều hơn là miêu tả khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa trong văn học Việt Nam. Một dấu hiệu đáng mừng là gần đây trong một số bài nghiên cứu, nhà phê bình văn học Lã Nguyên đã nêu khuynh hướng (đúng hơn là những dấu hiệu) hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại có sức thuyết phục. Khuynh hướng hậu hiện đại đã được phân tích cụ thể trong các biểu hiện của nó. Chúng ta đã khẳng định tinh thần và thành tựu của văn học thời kì Đổi mới. Nhưng “Đổi mới” là một khái niệm mơ hồ, mới thế nào, theo những khuynh hướng nào thì chưa hề phân hóa. Thực ra “Dổi mới” có nhiều khuynh hướng chứ không đơn nhất như ta tưởng ban đầu. Việc chỉ ra khuynh hướng hậu hiện đại cho thấy một dấu hiệu rõ nét trong đó. Ngoài ra tất còn có những khuynh hướng văn học khác nữa. Chỉ xin lưu ý rằng, chừng nào chúng ta chưa tách được các khuynh hướng ấy ra, chưa đặt tên cho nó thì các khuynh hướng ấy vẫn chưa được hiện diện. Phó giáo sư TS Nguyễn Văn Dân có nhận xét đáng chú ý, đó là tình trạng lãng quên ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại trong văn học Việt Nam. Vậy có khuynh hướng văn học hiện đại chủ nghĩa trong văn học Việt Nam đương đại không cũng là vấn đề đang cần làm rõ. Trong một số bài viết công phu của ông ta thấy ông nêu nhiều ví dụ ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện đại trong kiến trúc, hội họa, văn học trong suốt thế kỉ XX, nhưng xác định một khuynh hướng hiện đại chủ nghĩa trong văn học Việt Nam dương đại thì ông chưa làm. Phải chăng khi nhà văn Việt Nam tiếp cận được văn học hiện đại chủ nghĩa thì trào lưu ấy trên thế giới đã bị trào lưu hậu hiện đại bỏ qua, vì thế mà ở Việt Nam không thành khuynh hướng nữa? Một nền văn học không chỉ có các tác giả và tác phẩm, mà còn có các khuynh hướng tồn tại song song hay nối tiếp nhau. Thiếu sót nghiêm trọng của nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam hiện nay là chưa chỉ rõ bức tranh các khuynh hướng văn học Việt Nam hiện đại đầy đủ, có hệ thống.
7. Phê bình văn hóa học
Trên thế giới nghiên cứu văn hóa bắt đầu từ nhưng năm 60 thế kỉ trước, đầu tiên ở các nước nói tiếng Anh, sau truyền sang châu Âu rồi cuối cùng tràn sang các nước châu Á, và chỉ đầu thế kỉ XXI mới sang việt Nam. Phê bình văn hóa bắt đầu từ đổi mới khái niệm văn hóa. Văn hóa không phải là các lĩnh vực cao xa, phi vụ lợi trong tác phẩm của tầng lớp tinh anh như cách hiểu trước đây, mà chính là hình thức đời sống hàng ngày của con người. Văn hóa là tất cả các các hình thức, khuôn mẫu mà cuộc sống con người diễn ra trong đó. Từ món ăn nhanh, múa đường phố, thiết kế xe hơi, âm nhạc lưu hành, thời trang, karaoke, mĩ phẩm, quảng cáo…đều là văn hóa. Tóm lại văn hóa đây là văn hóa đại chúng, văn học đại chúng. Nghiên cứu văn hóa có tham vọng đột phá khuôn khổ chật hẹp của lĩnh vực văn học, nghiên cứu tất cả các hình thức văn chương, thẩm mĩ trong đời sống, xem xét quan hệ văn học với các khía cạnh như giải trí, trò chơi, giới tính, kinh nghiệm cá nhân, quan niệm thẩm mĩ đời thường như thân thể, trang phục…Các hiện tượng văn học lâu nay bị coi thường như truyện trinh thám, truyện võ hiệp, các thứ thơ chơi, thơ nhại, thơ đồng dao cũng la đối tượng nghiên cứu.
Nghiên cứu văn hóa hiện đang hấp dẫn thế hệ phê bình văn học trẻ được vũ trang bằng tiếng Anh. Các nhà nghiên cứu phê bình trẻ như Trần Văn Toàn, Phạm Xuân Thạch, Phùng Kiên, Trần ngọc Hiếu, Cao Việt Dũng, Phùng Gia Thế, Mai Anh Tuấn, Nhã Thuyên…Trần Văn Toàn nghiên cứu về văn học và giới tính, Phạm Xuân Thạch nghiên cứu tác động của trường văn học đối với số phận và phong cách nhà văn, Trần Mai Vũ nghiên cứu văn học giải trí, Trần Ngọc Hiếu nghiên cứu trò chơi và văn học…Phê bình văn hóa sẽ góp phần mở rộng tầm nhìn đến các hiện tượng văn học đa dạng bị bỏ quên, khắc phục quan điểm kinh tế quyết định luận dung tục, cho thấy văn học trong nhiều mối quan hệ với đời sống con người. Khuynh hướng này mới bắt đầu, song có thể sẽ có cơ phát triển.
Điểm qua các khuynh hướng trên chúng ta có thể thấy chúng không tồn tại biệt lập nhau, đường biên có chỗ mờ nhòe, tiêu chí phân biệt có chỗ chưa nhất quán, song cần phân biệt để thấy bức tranh tổng thể. Từ các khuynh hướng phê bình văn học ấy, ta thấy phê bình văn học Việt Nam đang mở ra, lớn lên, nhưng không đồng đều và chậm chạp. Phê bình văn học nặng về khuynh hướng thông tin, chân dung, chào hàng, diễn giải các hiện tượng, là các hình thái phê bình tự nhiên, tự phát. Còn hiếm tác phẩm đạt đến các khuynh hướng chuyên sâu, chưa đi vào nội dung triết lí, thẩm mĩ, chưa có tầm khái quát cao đối với một nền văn học. Một nền văn học phát triển, phong phú cần tạo điều kiện cho nó phát triển bề rộng, đồng thời đầu tư cho các khuynh hướng phê bình chuyên sâu, có tầm khái quát cao.
Hà Nội, ngày 13 tháng 5 năm 2013.
Nguồn: https://trandinhsu.wordpress.