Sống trong kỷ nguyên toàn cầu hóa

TÓM TẮT

Toàn cầu hóa là một quá trình được khởi đi từ thế kỷ XVI cùng với sự phát triển của nền kinh tế hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay quá trình toàn cầu hóa mới thực sự diễn ra sâu rộng trên phạm vi toàn thế giới với những thách thức và cơ hội lớn lao. Văn học Việt Nam đã gia nhập quá trình toàn cầu hóa thế nào, hiện nay đang định vị thế nào và tương lai ra sao  trong thế giới toàn cầu hóa? Bài viết này tập trung suy nghĩ về vấn đề đó.

Từ khóa : Toàn cầu hóa, văn học Việt Nam, thế giới toàn cầu, văn học thế giới, tương lai văn học.

 

Việt Nam khởi đi từ một đất nước Đông Nam Á, gia nhập Khu vực văn hóa chữ Hán từ đầu công nguyên cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi từ giữa thế kỷ XIX tất cả các nước trong khu vực đều bị hút vào quá trình toàn cầu hóa. Quá trình toàn cầu hóa ấy cũng là quá trình cận đại hóa, tư sản hóa, Tây phương hóa, vừa toàn cầu hóa lại vừa giữ lại những yếu tố truyền thống để định vị dân tộc mình.

  1. 1.Toàn cầu hóa trong lịch sử
  • Toàn cầu hóa lần thứ nhất

Toàn cầu hoá lần thứ nhất bắt nguồn từ sự phát minh ra máy hơi nước, nền sản xuất hàng hóa và sự xuất hiện của các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây. Toàn cầu hoá phá cửa các nước Đông Á vào giữa TK.XIX với sự tự tin vào sức mạnh và văn minh của các nước phương Tây. Năm 1840 Chiến tranh thuốc phiện do người Anh khởi xướng nổ ra ở Trung Quốc, năm 1853 hạm đội hắc thuyền của Mỹ đến vịnh Uraga đe doạ triều đình Nhật Bản, năm 1858 liên quân Pháp và Tây Ban Nha bắn vào cửa biển Đà Nẵng của Việt Nam. Đứng trước thách thức đó, triều đình Tự Đức của nước Đại Nam không nhận thức được bản chất của cuộc xâm lược, chỉ có mỗi Nguyễn Trường Tộ hiểu nó khá rõ khi đặt nó trong tình thế toàn cầu. Trong Thiên hạ đại thế luận (Bàn về những tình thế lớn trong thiên hạ) viết từ năm 1863, ông trình bày cho thấy sức mạnh không ai có thể cưỡng lại được của các cường quốc phương Tây: Ở trên lục địa, tất cả những chỗ nào có xe thuyền đi đến, con người đi qua, mặt trời mặt trăng soi chiếu, sương mù thấm đọng thì người Âu đều đặt chân tới, như tằm ăn cá nuốt, ở đâu thuận với họ thì phúc, chỗ nào trái với họ thì họa; ai hòa với họ thì được yên, ai cự lại thì dùng binh lực giao tranh; trong thiên hạ không ai dám kháng cự lại họ.(1) Tuy nhiên điều kiện kinh tế xã hội, văn hoá tư tưởng Việt Nam đương thời không thể đưa Việt Nam chủ động đến với hiện đại hoá như mong muốn của Nguyễn Trường Tộ.

Có thể nói từ giữa TK.XIX đến đầu TK.XX là giai đoạn đầu tiên của toàn cầu hoá ở Đông Á – một quá trình toàn cầu hoá diễn ra đầy hứng khởi nhưng cũng đầy cay đắng với máu và nước mắt. Trong các nước Khu vực văn hóa chữ Hán chỉ có Nhật Bản là nước duy nhất vượt qua thử thách này, duy tân thành công và trở thành tấm gương của châu Á. Phong trào Đông du, Đông Kinh nghĩa thục của Việt Nam đã lấy rất nhiều cảm hứng và kinh nghiệm từ tấm gương ấy.

Trong bối cảnh hiện đại hoá cuối TK.XIX đến giữa TK.XX văn học Việt Nam đã tiến hành hiện đại hoá văn học theo mô hình phương Tây.

Trước hết về ngôn ngữ văn học, Việt Nam đã mạnh dạn bỏ Hán văn, một loại tử ngữ tồn tại trong sách vở từ mấy nghìn năm trước, để đi đến một ngôn ngữ văn học gần với lời nói thường. Các sĩ phu Duy tân chủ trương không dùng chữ Nôm, thay vào đó là dùng Quốc ngữ Latin trong giáo dục, đời sống và trong sáng tác văn học.

Về ý thức văn học, đó là quan niệm đề cao phản ánh hiện thực với một tinh thần khoa học trong sáng tác văn học. Quan niệm ấy thể hiện trong tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, Lê Hoàng Mưu, Hoàng Ngọc Phách…

Về thể loại văn học, văn học Việt Nam chuyển từ nền văn chương với thơ văn phú lục thành nền văn học với thơ, kịch, tiểu thuyết theo mô hình văn học phương Tây.

Nếu cuối thế kỷ XIX những chuyến đi ra nước ngoài của Lý Văn Phức (tác giả Tây hành kiến văn kỷ lược), Phạm Phú Thứ (tác giả Như Tây hành trình), Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện, rồi Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký, Nguyễn Trọng Quản… mới ở dừng lại ở mức độ đơn lẻ; thì cuộc “vượt bể Đông theo cánh gió” của các chí sĩ duy tân đầu thế kỷ XX: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Thần Hiến, Trần Chánh Chiếu… đã trở thành cuộc đi ra thế giới đầu tiên và lớn nhất của giới trí thức Việt Nam trong lịch sử. Những hoạt động hăng hái trên báo chí và xuất bản với những mối quan hệ rộng rãi với các trí thức lớn Nhật Bản, Trung Quốc bấy giờ đã khiến Phan Bội Châu trở thành một trí thức tầm cỡ châu Á. Ở phương Tây, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, và nhất là Nguyễn Ái Quốc với Bản án chế độ thực dân Pháp Yêu sách của nhân dân An Nam đòi “tự do báo chí và tự do ngôn luận ; tự do lập hội và hội họp…” đã đại diện cho một hướng tiếp cận toàn cầu khác của các nhà văn yêu nước Việt Nam.

  • Toàn cầu hóa lần thứ hai

Toàn cầu hóa lần thứ hai bắt đầu từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai gắn liền với sự phát triển cao của công nghiệp, trao đổi hàng hóa, tín dụng và công cuộc tái thiết châu Âu và Nhật Bản. Tuy nhiên từ toàn cầu hóa lần thứ nhất, nhiều nước tư bản chủ nghĩa đã phát triển thành các nước đế quốc. Điều ấy đã làm sâu sắc hơn các mâu thuẫn trong nội tại, đồng thời đã dẫn đến sự áp bức các dân tộc thuộc địa và đe dọa hòa bình thế giới. Vì thế đã tạo ra tình trạng thế giới bị chia ra làm hai phe: các nước tư bản chủ nghĩa và các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng mở ra một giai đoạn mới cho cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa.

Đối với Việt Nam, con đường của Việt Nam trong thế kỷ XX cho thấy: muốn hiện đại hoá thành công, muốn xây dựng quốc gia cường thịnh thì trước hết phải giành cho được độc lập và đấu tranh thống nhất nước nhà. Quá trình hiện đại hoá Việt Nam diễn ra một cách chậm chạp, gian nan và từng phần một.

Từ 1945 đến 1975, các nhà văn Việt Nam đã tích cực tham gia hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vì độc lập và thống nhất cho dân tộc: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên…trong kháng chiến chống Pháp. Các nhà văn ấy lại tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng với thế hệ tiếp theo sau: Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Dương Hương Ly, Nguyên Ngọc, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu…. Nhìn từ bình diện toàn cầu, họ là những nhà văn tiên phong trong công cuộc đấu tranh cho quyền tự quyết dân tộc của các dân tộc Á-Phi. Ở các đô thị miền Nam Việt Nam, các nhà văn yêu nước và tiến bộ đã dùng tác phẩm của mình tố cáo cuộc chiến tranh tàn khốc do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam, qua đó đã góp phần thức tỉnh lương tri nhân loại, như : Vũ Hạnh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Lữ Phương.v.v…

  • Toàn cầu hóa lần thứ ba – chúng ta đang ở đâu?

Quá trình toàn cầu hoá chỉ thực sự diễn ra từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc. Quá trình ấy diễn ra với sự phát triển như vũ bão của thời đại Hậu công nghiệp: máy tính, internet, các công ty đa quốc gia, đầu tư trực tiếp, gia tăng thương mại toàn cầu... Hàng không phát triển mạnh mẽ nối các khu vực xa xôi nhất đến với nhau. Du lịch, du học, di cư diễn ra ồ ạt, khắp thế giới.

Việt Nam sau cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm đã chủ động tham gia trào lưu toàn cầu hóa này. Hiện có trên 3 triệu người Việt sinh sống ở nước ngoài, hơn 110 ngàn du học sinh đến học tập ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, hơn 500 ngàn công nhân xuất khẩu lao động và kết hôn với người nước ngoài…Có thể nói chưa bao giờ người Việt đi ra thế giới đông đảo đến như thế. Thế giới như một ngôi nhà chung, càng ngày càng trở nên nhỏ bé, gần gũi với người Việt Nam.

Từ khi Đổi mới năm 1986, văn học Việt Nam đã dứt khoát chia tay với tính chất minh hoạ trong văn học trước đó mà hướng đến con người với những thân phận cá nhân đầy bi kịch, và những băn khoăn trăn trở của họ. Các nhà văn tiêu biểu là: Nguyễn Minh Châu, Phùng Gia Lộc, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh… Mặc dù văn học “vết thương” ấy là chuyện của Việt Nam, nhưng nó cũng cho thấy một phần chân dung của nhân loại thế kỷ XX – một thế kỷ khốc liệt nhất trong lịch sử loài người. Những thành công của văn học Đổi mới cũng cho thấy văn học Việt Nam bắt đầu tư duy theo cách thức tư duy toàn cầu.

Từ đầu thế kỷ XXI trở đi, các nhà văn thế hệ Đổi mới dường như cũng đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, tiếp theo là thế hệ những người viết trẻ ở các đô thị náo nhiệt, đầy sức sống: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Thế hệ viết trẻ này chưa định hình rõ nét, nhưng có thể thấy đầu óc của họ không còn bị cầm tù bởi tư duy chiến tranh lạnh, không còn bị dằn vặt bởi những chủ đề của văn học Đổi mới, họ là những đứa con thừa hưởng di sản của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Đa số đã được đào tạo từ các trường đại học lớn trong nước và kể cả nước ngoài, họ tự do đi lại giữa các châu lục, họ hưởng thụ tiện nghi và tự do ở các đô thị trong nước, họ độc lập trong tư duy và cảm nhận đất nước mình. Họ có sức mạnh không gì cưỡng lại được: sức mạnh của tương lai. Vì thế họ là một phần của thế giới hiện đại chứ không phải đối lập mình với thế giới hiện đại. Những người cầm bút trẻ Việt Nam hiện nay bận tâm với những vấn đề của thời đại họ, những vấn đề tương tự như những người cầm bút ở Washington DC, New York, Paris, London, Tokyo, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải… đang quan tâm mà họ có thể dễ dàng chia sẻ qua quan hệ bạn bè, qua sách báo dịch gần như lập tức và nhất là qua internet. Đó là những vấn đề của văn học toàn cầu mà trung tâm là vấn đề thân phận con người trong xã hội hiện đại trước biết bao nguy cơ: môi trường bị huỷ hoại, thiên tai khốc liệt, tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng, vấn đề quyền con người, nguy cơ chiến tranh…  

  1. 2.Những cơ hội và thách thức
  • Những thách thức?

Toàn cầu hóa không chỉ là tấm thảm đỏ đi đến phồn vinh, phát triển cho các dân tộc, mà còn mang đến nhiều thách thức: Sự phát triển mạnh mẽ đầu tư nước ngoài và thương mại quốc tế có thể dẫn đến hủy hoại môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên. Các dị biệt có tính lịch sử của các quốc gia có nguy cơ bị phá vỡ, các quốc gia sẽ phải phát triển theo một vài mô hình chung nào đó được gợi ý, thậm chí áp đặt bởi thế giới phương Tây. Nền văn hóa các dân tộc có nguy cơ bị xói mòn trước những vấn đề mới: văn hóa toàn cầu, giá trị toàn cầu, công dân toàn cầu... Vì vậy nhiều quốc gia, nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo quay lưng, thậm chí chống lại toàn cầu hóa một cách cực đoan bằng khủng bố, phân biệt chủng tộc, sắc tộc.

Toàn cầu hóa không cho không một quốc gia nào điều gì, toàn cầu hóa là con đường trên đại dương của sự thịnh vượng, nhưng cũng là đại dương đầy bão tố. Dân tộc nào biết lèo lái con thuyền của mình thì sẽ đi đến bến bờ hạnh phúc, dân tộc nào yếu đuối sẽ bị bỏ lại phía sau, thậm chí bị chìm đắm. Việt Nam đã chủ động lựa chọn tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, càng ngày càng hội nhập sâu sắc vào quá trình đó.

Văn hóa nước ta trong thời đại toàn cầu hóa cũng có nhiều thách thức: phim ảnh Hollywood có thể giết chết phim ảnh trong nước, sách nước ngoài tràn ngập nhấn chìm sách nội, văn hóa tiêu thụ rẻ tiền có thể giết chết thơ ca, tiểu thuyết của các nhà văn trong nước… Đó không hẳn là do toàn cầu hóa, mà là do chúng ta: các nhà văn, các nhà quản lý, các nhà giáo dục.

  • Và những cơ hội

Toàn cầu hóa mở ra cho chúng ta con đường đi đến những giá trị toàn cầu. Giá trị toàn cầu là một giá trị có thật, mặc dù văn học luôn luôn gắn với sáng tạo cá nhân, gắn với văn hoá và điều kiện của một quốc gia cụ thể. Giá trị ấy là gì? Trước hết đó là những giá trị có tính toàn nhân loại được thể hiện qua các công ước quốc tế mà Việt Nam đã trịnh trọng cam kết tham gia như các công ước về quyền tự quyết của các dân tộc, quyền con người, quyền trẻ em, vấn đề bình đẳng giới, vấn đề bảo vệ môi trường, vấn đề tự do tư tưởng, tự do sáng tác và tôn trọng bản quyền tác giả v.v…Giá trị toàn cầu ấy cũng là những giá trị mà các nền văn học đã xây đắp nên, đó là tình yêu thương, lòng khoan dung, tình bạn, tình yêu thiên nhiên, yêu cái đẹp, đó là tinh thần hướng thượng và lòng vị tha.

Toàn cầu hóa cũng giúp chúng ta hòa nhập với thế giới, đi vào giữa dòng chảy của văn minh nhân loại, phát triển và khủng hoảng, hạnh phúc và khổ đau cùng với nền văn minh ấy – nói như Fukuzawa Yukichi, nhà kiến trúc tư tưởng cho công cuộc duy tân Nhật Bản: chúng ta cùng nhau “chia sẻ chung số mệnh với nền văn minh ấy  (…). Cùng nhau bơi nổi trên biển văn minh ấy, cùng nhau tạo ra một làn sóng văn minh ấy, cùng nhau nỗ lực xây dựng và hưởng thụ những thành quả của nền văn minh ấy? ” (Thoát Á luận) (2).

Những nước châu Á đi trước chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc đã cho ta một bài học tốt về sự phát triển văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa: Nhật Bản với 2 Nobel văn chương và một nền văn học hiện đại, đa dạng, sâu sắc ; Hàn Quốc với Hàn lưu, điện ảnh và tiểu thuyết.

  • Làm gì trong kỷ nguyên toàn cầu hóa?

Làm thế nào để cho văn học chúng ta có đáp ứng được yêu cầu của thế hệ độc giả mới, đồng thời có chỗ đứng trong một thế giới toàn cầu hóa? Có hai con đường:

Thứ nhất là con đường song hành với hiện tại: hướng ngòi bút vào những vấn đề đương đại bằng cái nhìn có tính toàn cầu. Đó là những vấn đề của nước ta, nhưng cũng là những vấn đề của thế giới: vấn đề nghèo đói, vấn đề quyền tự do, vấn đề bình đẳng giới, vấn đề môi trường… nói chung là những khổ cảnh của nhân loại trong thời đại mới.

Thứ hai là tìm về quá khứ dân tộc để làm giàu cho nhân loại. Đi thật sâu vào dân tộc chúng ta sẽ gặp nhân loại. Văn hóa Việt Nam với hai cơ tầng Đông Nam Á và Đông Á ẩn chứa biết bao điều thú vị. Người Việt yêu thiên nhiên, gắn bó với thiên nhiên, người Việt hiền hòa, nhân ái và tinh tế, văn hóa Việt cổ truyền có biết bao cái đẹp…tất cả những điều ấy có thể bổ sung, làm giàu cho nhân loại. Nhiều nhà văn đã tìm thấy cái đẹp hiện đại ngay trong văn hóa truyền thống, như Nguyễn Tuân (với Vang bóng một thời, Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua, Chùa Đàn, Tóc chị Hoài…), Lưu Quang Vũ (với kịch Vua hóa hổ, Hồn Trương Ba da Hàng Thịt…), Nguyễn Huy Thiệp (với Những ngọn gió Hua Tát, Con gái Thủy Thần, Kiếm Sắc, Vàng lửa, Phẩm tiết…).

Bài học thành công của hai con đường sáng tác văn học hướng về hiện tại và quá khứ với tư duy toàn cầu đã được khẳng định ở các nhà văn châu Á được giải Nobel mà Oe Kenzaburo, Mạc Ngôn với con đường thứ nhất, Kawabata Yasunari, Cao Hành Kiện với con đường thứ hai.

Toàn cầu hoá không hề tiêu diệt bản sắc cá nhân, bản sắc dân tộc, mà ngược lại nó tôn trọng bản sắc, tôn trọng sự đa dạng như tôn trọng sự đa dạng sinh học. Toàn cầu hoá chính là sự tổng hợp những giá trị mà mỗi cá nhân và mỗi dân tộc mang đến cho cộng đồng nhân loại.

  1. 3.Thay lời kết: Nghĩ về tương lai văn học Việt Nam

Người Việt Nam không muốn nước mình là một quốc gia dị biệt, đứng ra ngoài rìa của nhân loại văn minh. Chúng ta đang đẩy nhanh quá trình hội nhập quốc tế để gia nhập khối các quốc gia phát triển, hiện đại – dù con đường con đường cũng quanh co, gập ghềnh và lắm chông gai. Gia nhập trào lưu toàn cầu hóa là một quá trình tất yếu, càng ngày gia tốc càng nhanh. Chúng ta có quyền mơ đến một nền văn học Việt Nam trong thế giới toàn cầu.

Đó là một nền văn học với nhiều khuynh hướng, nhiều phong cách khác nhau; đồng thời cũng không có sự cách biệt quá xa về trình độ, xu hướng thẩm mỹ giữa các khuynh hướng đó.

Đó là một nền văn học đa dạng, dành cho mọi người, mọi lứa tuổi, mọi nhóm xã hội, kể cả những nhóm xã hội ít nhất và chịu thiệt thòi nhất.

Đó là một nền văn học có mối tương thông với các nền văn học khác trên thế giới: dịch, giới thiệu gần như tức khác các tác phẩm hay của văn học thế giới của nhiều khuynh hướng khác nhau, và ngược lại các tác phẩm có giá trị của chúng ta sẽ được giới thiệu ngay ở các nước.

Đó là nền văn học rất đa dạng về phương thức xuất bản và phát hành. Tác phẩm xuất bản gần như không phải kiểm duyệt mà người viết chỉ phải chịu trách nhiệm với pháp luật, người viết có thể tự lập nhà xuất bản hay tự xuất bản. Tác phẩm được phát hành bằng nhiều phương tiện: sách giấy, có thể cả sách giấy mỗi người một bản khác nhau, sách nói, sách điện tử…Dẫu là sách nào đi nữa thì chế độ bản quyền cũng được thực hiện nghiêm túc, nên nhà văn được yêu thích có thể sống tốt, thậm chí giàu có bằng nghề của mình.  

Có thể nói chưa bao giờ quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng và sâu rộng như hiện nay; nhân loại chưa bao giờ có nhiều giá trị chung như hiện nay; những thành tựu mà toàn cầu hóa đem lại cho chúng ta chưa bao giờ chúng ta cảm nhận sâu sắc và cụ thể như hiện nay. Chúng ta không quyết định được cho thế hệ tương lai, vì tương lai có sự lựa chọn của họ, nhưng chúng ta có thể đặt nền móng cho tương lai, tạo cơ sở cho tương lai phát triển tốt đẹp hơn. Với nền văn học Việt Nam trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, chúng ta cũng nghĩ như vậy.

                                                                                                      Tháng 11 năm 2016

Chú thích và thư mục tham khảo

  1. Trương Bá Cần (1988), Nguyễn Trường Tộ, con người và di cảo, NXB. TP.HCM, tr.107
  2. Fukuzawa Yukichi: Thoát Á luận, Hải Âu, Kuriki Seiichi dịch, Vietnamnet: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-01-14-thoat-a-luan
  3. Khoa Văn học và Ngôn ngữ (2015), Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa, NXB. Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh
  4. Bùi Bích Hạnh (2015), Thơ trẻ Việt Nam 1965-1975: Khuôn mặt cái tôi trữ tình, NXB. Văn học

Thông tin truy cập

60520854
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
2347
10018
60520854

Thành viên trực tuyến

Đang có 230 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá: 80.000đ

    Giá: 80.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website