Tùy Viên thi thoại(1) (TVTT) được xem là một trong những công trình lý luận - phê bình xuất sắc, tiêu biểu cho tư tưởng lý luận văn học của Viên Mai nói riêng, của Trung Quốc nói chung. TVTT đã trực tiếp đề cập đến nhiều vấn đề của lý luận và thi pháp văn học. Tuy nhiên, so với Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp hay Thi phẩm của Chung Vinh… ở Việt Nam, TVTT của Viên Mai vẫn còn ít được nghiên cứu hơn. Các công trình dịch thuật, giới thiệu, nghiên cứu về Viên Mai ở Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn và thường tập trung vào các vấn đề: cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, quan niệm về thơ văn và ảnh hưởng của Viên Mai đối với sáng tác, lý luận phê bình ở Việt Nam. Trong khi đó, Viên Mai được xem như là nhà lý luận phê bình tiên phong bày tỏ sự ngợi ca, ủng hộ con người cá nhân, cá tính trong thơ ở Trung Quốc. Nhưng vấn đề ý thức cá nhân trong các trước tác của Viên Mai mới chỉ được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu và các nhà nghiên cứu chủ yếu nói đến cá tính sáng tạo trong nghệ thuật của Viên Mai. Từ đó, chúng ta có thể nhận thấy, cho đến nay ở Việt Nam, chưa có công trình nào đi sâu tìm hiểu đặc trưng, biểu hiện của con người cá nhân trong TVTT của Viên Mai. Vì vậy, chúng tôi cho rằng việc nghiên cứu vấn đề ý thức cá nhân trong TVTT có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bài viết sẽ góp phần tìm hiểu vai trò, mức độ và sự biểu hiện ý thức cá nhân, cá tính của Viên Mai trong TVTT. Qua đó, bài viết cũng giúp hiểu rõ hơn những quan niệm và sự biểu hiện của ý thức cá nhân, cá tính trong TVTT. Từ đây, chúng ta có thể hiểu sâu hơn các tác phẩm của Viên Mai cũng như các tác phẩm văn học trung đại ở Trung Quốc và Việt Nam.
Vấn đề ý thức cá nhân hay cái tự ngã trong văn học là một vấn đề lớn và quan trọng. Bởi do đây là vấn đề của cuộc sống con người và quan niệm của con người về cuộc sống cho nên nó đã chi phối, phản ánh vào văn học một cách rất phức tạp, ở nhiều phương diện. Về mặt tâm lý, ý thức cá nhân chính là sự tự nhận thức, tự đánh giá bằng trí tuệ, trực giác, cảm xúc; bằng toàn bộ các tri giác và thông tin từ thế giới bên ngoài mà cá nhân có được về chính bản thân mình về sự hiện hữu và phát triển, sự khác biệt trong sự so sánh với cá nhân khác. Đây là một hiện tượng thú vị nhưng vô cùng phức tạp và khó nắm bắt. Ý thức cá nhân một mặt phụ thuộc rất lớn vào ý thức xã hội, vốn là bầu khí quyển nuôi dưỡng mỗi cá nhân, mặt khác nó cũng có tính độc lập tương đối.
Ý thức cá nhân gắn với quá trình ra đời, phát triển của đô thị và tầng lớp thị dân. Ở phương Tây, ý thức cá nhân đã xuất hiện từ rất sớm trong đời sống tư tưởng xã hội. Ý thức cá nhân, từ chỗ chỉ là những tia sáng trong thời cổ đại Hy Lạp, phát triển thành trào lưu ở thời Phục hưng và trở thành luồng tư tưởng mạnh mẽ, có tính cách mạng trong thời kỳ Khai minh. Từ đó, ý thức cá nhân được xem như một giá trị của thời hiện đại. Ở phương Đông, do sự chi phối mạnh mẽ của các học thuyết ít nhiều mang tính chất “phi ngã” như Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo,… và sự phát triển chậm chạp, yếu ớt của đô thị nên ý thức cá nhân xuất hiện muộn hơn. Nếu ở phương Tây, ý thức cá nhân thường là ý thức sâu sắc về sự độc lập, tự chủ, tự do và bình đẳng của mỗi cá nhân thì ở phương Đông, ý thức cá nhân lại thường là sự tự ý thức về “cái ngã nội tại tâm linh”, “cái ngã đạo đức”, “cái ngã trách nhiệm” hay “cái ngã tu hành” hơn là cái “tôi” cá thể. Chính những đặc điểm chung này đã tác động đến việc thể hiện ý thức cá nhân trong văn học.
So với Việt Nam, ý thức về con người cá nhân với quyền sống, quyền tự do và quyền hưởng thụ hạnh phúc trong vặn học phong kiến ở Trung Quốc xuất hiện sớm hơn. Cùng với quá trình ra đời và phát triển của đô thị phong kiến, với văn hóa thị dân, ý thức cá nhân đã xuất hiện trong thơ ca từ thời Đường. Ý thức cá nhân trong thơ ca đời Đường được thể hiện qua các sáng tác của Đỗ Phủ, Lý Bạch, Tư Đồ Không, Vi Khang,… Ý thức cá nhân thời kỳ này thường gắn với ý thức khẳng định những người bình dân trong xã hội, khẳng định nhu cầu và quyền hưởng thụ, quyền hành lạc của con người. Nói như Trương Tửu, họ là những con người “không sống cho Tổ quốc, không sống vì đạo lí. Họ sống cho họ, sống vì nghệ thuật, sống vì đẹp. Suốt đời họ chỉ tìm cái đẹp” (dẫn theo Đoàn Lê Giang, 2015, tr. 91-92). Là một nhà thơ có cá tính, khoáng đạt, phóng túng, Lý Bạch bộc lộ tư tưởng chống đối lễ giáo phong kiến ràng buộc, có tính chất cao ngạo coi thường quyền quý và tinh thần phản kháng trong thơ. Thời Vãn Đường, Tư Không Đồ, Vi Khang,… lại thể hiện cá tính của mình thông qua việc miêu tả những mối tình lâm li bi thảm cùng cuộc sống hoan lạc vui chơi. Văn học đời Tống - Nguyên, con người cá nhân với cá tính được thể hiện sâu sắc trong thể loại Từ. Từ của họ Liễu tả cảnh phong lưu ở đô thị, tình tự phiêu bạt cùng các trạng thái tình cảm của các ca kỹ. Đến thời Nam Tống, Từ của Lý Thanh Chiếu mô tả trạng thái tình cảm phụ nữ. Đến thời Minh - Thanh, ý thức cá nhân trong văn học phát triển đậm nét với nhiều thể loại khác nhau, đặc biệt là tiểu thuyết… Kim Bình Mai miêu tả cảnh sinh hoạt gia đình, đặc biệt là sự hoang dâm, mô tả sống động các trạng thái tình cảm của người phụ nữ; Hồng lâu mộng miêu tả lẽ hưng suy của một gia đình phong kiến và sự tự do luyến ái của nam nữ, những cuộc hôn nhân chủ động; Cánh hoa duyên phản đối tình trạng nạn thiếp, tôn trọng nữ quyền và chủ trương nam nữ bình quyền. Khác so với bình diện sáng tác, trên bình diện lý luận, tư tưởng, có rất ít nhà nghiên cứu đứng ra bênh vực và bảo vệ con người cá nhân với ý thức về cái tôi trong văn học. Thời đại Ngụy Tấn Nam Bắc triều, Tào Phi (Điển luận, Luận văn) đã nêu lên vấn đề về mối quan hệ giữa khí chất, tài năng của tác giả với sáng tác, Lục Cơ (Văn phú) nhấn mạnh đến vấn đề linh cảm một cách tinh xác, Chung Vinh (Thi phẩm) – người khai sáng cho giòng sông “thi thoại” – đòi hỏi dùng thơ phải chân thành, nhi nhiên, ngọt ngào. Đến đời Tống - Nguyên, Nghiêm Vũ mạnh dạn đưa ra chủ trương thơ ca phải có biệt tài, biệt thú. Nhưng phải đến hậu kỳ trung đại, ý thức về con người cá nhân trong văn học trên bình diện lý thuyết mới được chú ý và khẳng định một cách mạnh mẽ. Và, Viên Mai được xem là nhà lý luận - phê bình thơ ca đầu tiên khẳng định mạnh mẽ ý thức cá nhân, cá tính trong thơ một cách có hệ thống, đặc biệt là trong công trình TVTT.
Vấn đề con người cá nhân trong văn học trung đại ở phương Đông là vấn đề lớn, còn nhiều tranh luận. Tuy nhiên, quan niệm về con người cá nhân trong văn học các nước thuộc khu vực văn hóa chữ Hán như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam hậu kỳ trung đại thường gắn với khái niệm “nhà nho tài tử” hay “người tài tử”. Nếu người Quân tử thường đề cao các phạm trù Tâm, Chí, Đạo, Nghĩa, Khí thì người tài tử lại đề cao Tài, Tình, Tính, Du, Mĩ (Đoàn Lê Giang, 2015, tr.91-99). Vì vậy, để nghiên cứu “Vấn đề về ý thức cá nhân trong TVTT của Viên Mai”, chúng tôi sử dụng khung lý thuyết về “nhà nho tài tử” được các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam như Trương Tửu, Trần Đình Hựu, Đoàn Lê Giang,... đề xuất và sử dụng. Đặc biệt, chúng tôi dựa trên mô hình về con người tài tử mà nhà nghiên cứu Đoàn Lê Giang đề xuất(2).
Là người khởi xướng thuyết tính linh đời Thanh, Viên Mai rất coi trọng con người – chủ thể sáng tạo. Nhưng từ phương diện xã hội và đạo đức, ông lại ra sức bác bỏ cái tôi cá nhân vị kỉ của của con người. Viên Mai viết: “Vi nhân bất tất hữu ngã, hữu ngã tắc tự thị ngân dụng chi bệnh đa” (Làm người không nên có cái tôi, có cái tôi thì bệnh tự cao tự đại sẽ rất nặng) (TVTT, Quyển VII, Nguyễn Đức Vân dịch, 1999). Theo ông, nếu làm người mà quá đề cao cá nhân mình thì sẽ mắc bệnh tự cao, tự đại, cố chấp, cứ khăng khăng tự cho mình là đúng. Như vậy, đó là một sai lầm. Qua đây, chúng ta nhận thấy Viên Mai vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng vô ngã của các học thuyết đương thời, đặc biệt là Nho giáo. Nho giáo chủ trương dùng “lễ” để xây dựng và tổ chức đời sống, hy sinh cái “tôi” cho chữ “lễ”. Ngược lại, tuy phủ nhận con người cá nhân vị kỉ (chủ nghĩa cá nhân cực đoan) nhưng Viên Mai lại rất ý thức và khẳng định con người tài tử. Con người tài tử trong TVTT nổi danh với năm phương diện cơ bản như Tài - Tình - Tính - Du - Mỹ. Đây là những yếu tố tạo nên ấn tượng, giá trị cho sự thành công của TVTT. Trong đó, Tài - Tình - Tính vẫn là ba yếu tố trọng yếu nhất.
Ý thức về Tài
Trong TVTT, ý thức về con người cá nhân, trước hết, đó là ý thức về Tài. Mỗi thi thoại, không trực tiếp thì gián tiếp, không nói về mình thì nói về người, đều nói đến cái Tài, bàn về cái Tài. Tuy cái Tài có biểu hiện đa dạng, gắn với nhiều ý nghĩa khác nhau nhưng nhìn chung Viên Mai thường tỏ ra thích thú và ngợi ca tài hoa, tài tình, tài sắc, thi tài của người tài tử hơn là tài cán, tài khoa cử, tài kinh bang tế thế của người quân tử. Cũng giống bao nhà nho khác, Viên Mai khẳng định con người không chỉ cần có tài mà còn cần phải có tài cao. Bởi, nếu không có tài thì con người không thể làm được việc gì. Nhưng mặt khác, ông cũng nhận thấy “tài” luôn phải được đặt trong tương quan với “chí” và “nết”. Trong quan niệm của các nhà nho, tài và chí là những cặp phạm trù thường gắn liền với nhau, tài cao thường gắn liền với chí khí (đại tài, đại chí). Ngược lại, Viên Mai thì cho rằng tài cao mà chí hướng cũng cao thì con người rất khó toại nguyện, dễ sinh ra bất mãn, uất ức suốt đời không yên ổn. Nên theo ông, “Tài cần phải cao, chí hướng cần phải thấp. Tài cao thì gánh vác công việc có thừa, chí thấp thì điều mong muốn dễ toại” (Thoại 110, tr.173). Như vậy, ở đây Viên Mai đã ý thức sâu sắc về nguyên nhân dẫn đến bi kịch của các nhà nho, do xác định lý tưởng quá lớn nên khó toại nguyện. Bên cạnh đó, nếu có tài mà không có nết thì con người rất dễ ngông cuồng, khiến người đời chê trách, xa lánh. Vì vậy, con người không chỉ cần phải có tài cao mà còn phải biết “tu thân”, giữ “nết” để trở thành một con người tài - đức, được người đời kính trọng như các bậc thánh nhân. Viên Mai viết: “Ký tuy lực hảo trung tu đức, nhân quả tài cao đoán bất cuồng” (Ngựa Ký dù chạy khỏe nhưng cần nết, người có tài cao hẳn chẳng rồ) (Thoại 542, tr.801-802).
Biểu hiện về Tài trước hết đó là tài hoa. Tài hoa là tài năng rực rỡ phát lộ ra bên ngoài. Trong TVTT, Viên Mai đã nhiều lần trực tiếp ngợi ca tài hoa của mình qua việc xử án, vịnh thơ, tuyển thơ hay bình thơ. Trong xử án, lời lẽ láu lỉnh, sự am hiểu và vận dụng một cách khéo léo các câu chuyện trong sử sách khiến mọi người phải thuyết phục. Đó là trường hợp xử hòa giải vụ Lý Tú tài làm đơn kiện và xin từ hôn cô con gái họ Hàn ở Thoại 58 hay trường hợp xử lý đơn xin tha cho một người giết trâu bò của một hộ dân ở Thoại 545. Trong việc vịnh thơ, tuyển thơ và bình thơ, tài ứng biến, vịnh thơ của Viên Mai khiến người vừa có tài vừa ngông, vốn không chịu thua ai bao giờ như Doãn Công phải chịu thua trước Viên Mai một cách tâm phục khẩu phục ở Thoại 12 hay có hàn sĩ tính tình ngang ngạnh, chỉ chịu chơi với Viên Mai ở Thoại 547. Bên cạnh đó, Thoại 152 lại cho chúng ta thấy niềm tự hào về tài hoa của Viên Mai khi dự tiệc ở Thủy Nam viên, khi người dự tiệc toàn là các bậc “tài hoa trong giới khoa mục”, trong đó, ông là người ít tuổi nhất. Tài hoa đã giúp Viên Mai có khả năng phát hiện tài năng của người khác mà ít người chú ý hay ít biết đến như ở các Thoại 8, 47, 71.
Không chỉ trực tiếp ca ngợi cái tài của bản thân, Viên Mai còn tỏ ra thích thú và ca ngợi cái tài của người khác như tài ứng biến, tài vịnh thơ... Trĩ Uy được Viên Mai cho là có tài hoa xuất chúng bởi chỉ trong chốc lát thì vịnh xong bài thơ bằng các vần khó; họ Tô được xem như là thần đồng khi vịnh 36 bài thơ trăng như ở Thoại 14. Ở Trung Hoa, từ thời Ngụy - Tấn, Nam Bắc triều, khái niệm tài tử thường được dùng để chỉ những bậc nam tử có tài năng thiên phú về văn học. Quan niệm này cũng đã có những ảnh hưởng đến các nhà nho ở Việt Nam như Nguyễn Du (“Dập dìu tài tử giai nhân”), Nguyễn Công Trứ (“Tài tử giai nhân tế ngộ nan”). Tuy nhiên, khác với các nhà nho đương thời, Viên Mai không chỉ chú ý các tài nam mà ông còn đặc biệt lưu tâm đến các tài nữ. Theo Nguyễn Kim Châu, trong 1953 thoại của TVTT và Tùy Viên bổ di, “có khoảng 200 thoại trực tiếp bàn về thơ của nữ thi nhân và một số thoại gián tiếp đề cập hoặc liên hệ, dẫn dụng thêm thơ nữ” (Nguyễn Kim Châu, 2014). Các tài nữ được Viên Mai ca ngợi cũng rất đa dạng, không chỉ là các bậc phu nhân, tiểu thư trong những gia đình quyền quý mà còn có cả những nàng tiểu thiếp, cô hầu gái trong nhà và cả những danh kỹ ở các kỹ viện; không chỉ là những người tác giả có cơ hội gặp gỡ ngẫu nhiên trên đường du ngoạn, thăm thú bạn bè mà còn cả những tài nữ mà tác giả nghe người khác kể lại. Tuy có xuất thân, gia cảnh khác nhau nhưng nhìn chung họ đều là những con người tài sắc trong thiên hạ. Họ chủ động bước ra khỏi chốn khuê phòng, giao lưu thơ văn, gặp gỡ tình lang, đính ước hôn nhân. Vì vậy, trong các lời thoại, chúng ta có thể dễ dàng tìm gặp những câu văn với âm điệu chung, phổ biến là khẳng định mạnh mẽ thi tài, tài hoa của các tài nữ có phong thái, cá tính trên thi đàn. Từ những bà cô, thân mẫu, các cô em, các nữ đệ tử thân thiết trong nhà, trong làng xã, hay trong một vùng như “thân mẫu hay thơ” (Thoại 55), “Ba cô em tôi đều biết làm thơ” (Th 352, tr.495), “làng tôi có nhiều các bà các cô tài hoa lắm” (Thoại 281, tr.407), “bậc khuê tú mà có tài thì vùng Chiết chúng tôi là thịnh. (...) Nữ đệ tử của tôi là nàng Tôn Bích Ngô mời đến mười mấy nữ sĩ họp mặt ở lầu trên hồ. Họ đều có thơ, có họa làm quà” (Thoại 478, tr.697),..; đến những người xa lạ như những tiểu thư, phu nhân: “Nàng Hứa Nghi Anh là chánh thất của Tiến sĩ Thôi Niệm Lăng ở Giang Châu, lên bảy tuổi đã tỏ ra tài về thơ” (Thoại 146, tr.230), “nàng họ Vương, tên Như Ngọc. Nàng vẽ đẹp, thơ hay; cùng với hai nữ tử là nàng Vân Hạc và Vân Phượng xướng họa với nhau chỗ khuê phòng. Thật là phong nhã.” (Thoại 480, tr.700), “Nàng Ngọc Đình và (...) hai người chị và em gái của nàng là Thái Trai và Cảnh Tố đều có tài về thơ” (Thoại 96, tr151), “Nàng Hà Cẩm Cơ ở Thanh Điền là một tài nữ có phong thái như Tuyên Văn phu nhân” (Thoại 468, tr. 684), “phu nhân của tướng công Cao Văn Lương (...) có tư chất thông minh, tính tình trầm tĩnh, vẻ người yểu điệu lại có văn tài” (Thoại 28, tr.52),... thậm chí là con gái người đầu bếp, hay những người hầu, ca kỹ: “Ngô Lệ Xương là con gái người nấu bếp ở Bồ Điền. (...) lại có tài thơ” (Thoại 78, tr.131), “cô nàng hầu Kim Anh vẻ người giảo hoạt lại cũng hay thơ” (Thoại 148, tr.234),... Không chỉ vậy, tài văn chương của các tài nữ còn vượt cả tài nam, sánh ngang với các nhà thơ kiệt xuất như Bạch Cư Dị. Ở thoại 480, Viên Mai đã hết lời ca ngợi thơ của nàng Như Ngọc, người vợ thứ của Tôn Xuân Nham: “bài thơ này nếu ta đem đặt vào tập thơ của Thái phó Bạch Cư Dị đời Đường, thì có lẽ không ai nhận ra là bài thơ của người khác” (Thoại 480, tr.702). Không chỉ thích thú và khẳng định thi tài, Viên Mai còn tỏ ra thích thú khi ca ngợi bản lĩnh, tài ứng đối của các tài nữ. Họ dám phê phán và chống lại những hủ tục, xem các bậc “trượng phu” như những “phường ngu chốn bụi hồng”. Tiêu biểu như cô gái họ Lý ở đất Tô Châu dám làm thơ đáp trả người chê mình có bàn chân to. Trong một tình thế bất ngờ khi ra mắt người định cưới mình làm hầu thiếp, lại bị người đó trêu cợt, yêu cầu làm bài thơ vịnh chiếc cung hài (hài nhỏ dành cho người bó chân), nàng đã làm anh ta phải “kinh hãi và e thẹn” mà lui vào nhà trong ngay bằng những câu thơ ứng khẩu cực kỳ thông minh và táo bạo:
“Bất tri khoả túc tùng hà khởi,
Khởi tự nhân gian tiện trượng phu”
(Bó chân ướm hỏi ai bày đặt,
Hẳn bởi phường ngu chốn bụi hồng) - (Thoại 139, tr.214-215)
Tài là phẩm chất, nét riêng và giá trị của mỗi con người. Tuy nhiên, đối với người tài tử, ý thức về Tài không tách rời với ý thức về Tình.
Ý thức về Tình
Không có tình cảm thì không có nhà thơ, cũng như không có những đặc trưng và quy luật nghệ thuật thi ca. Giống như Tào Phi, Viên Mai cũng cho rằng văn chương là sự biểu hiện tư tưởng tình cảm của thi nhân. Nhưng nếu Tào Phi cho rằng “văn lấy khí làm chủ” thì Viên Mai lại cho rằng thơ hay “tất dĩ tình” (ắt phải là tình) và “tình trường thọ diệc tường” (tình dài thì thọ cũng dài) (Thoại 600, tr. 890). Thậm chí, “từ xưa những bậc trung thần, hiếu tử đều do tình cảm làm nên” (Thoại 160, tr.250) và ngay cả “những bậc hiền nhân, quân tử thường nhiều tình cảm” (Thoại 161, tr.252). Vốn là người khởi xướng thuyết tính linh đời Thanh, Viên Mai cho rằng, chân tình là điều kiện tiên quyết để thi nhân sáng tác. Nhưng nếu chân tình của những bậc trung thần, hiếu tử thường biểu hiện ở tình yêu tổ quốc, tình yêu kính quân vương, tình phụ tử, tình huynh đệ,... thì Viên Mai lại hướng đến việc đề cao và ca ngợi hữu tình và ái tình của con người, đặc biệt là tình riêng giữa nam và nữ. Vì thế, trong TVTT, ông phản đối các quan niệm của thi giáo cho rằng “Thơ phải là lời nói có lễ phép”, “Thơ là không nghĩ bậy” hay “Thơ là có nghĩa giữ gìn”,... (Thoại 45, tr. 76) và ông chủ trương thơ phải đa dạng hóa đề tài, phải có tình tứ tự nhiên và phải có thần hứng chứ thơ không chỉ là thứ tình cảm danh giáo, luân thường. Cũng giống nhiều nhà phê bình văn học đầu đời Thanh, Viên Mai nhấn mạnh vai trò, tác dụng của tình trong sáng tác, xem: “thơ là tiếng nói của tính tình” (Thoại 6, tr.25), “thơ thường phơi bày rõ thân phận và tâm sự riêng của từng người” (Thoại 122, tr.193). Tuy nhiên, trong thơ ca, ông lại có xu hướng cực đoan khi đề cao thơ tả tình, xem nhẹ thơ tả cảnh. Ông cho rằng thơ tả cảnh thì dễ làm mà thơ tả tình thì khó làm vì tình xuất phát từ trong lòng và chỉ có hạng người thanh cao, nhạy cảm mới có thể xúc động và có tứ thơ hay. Thậm chí, “Tả cảnh dù hay thì đọc qua rồi cũng dễ quên, còn tình mà chân thật thì thường lẩn khuất trong lòng người ta khiến khó quên” (Thoại 609, tr.905). Tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ từ thuyết Đồng tâm của Lý Chí, Viên Mai cho rằng chân tình và thuần khiết là những yếu tố vượt lên trên kỹ thuật làm thơ. Không có chân tình, sự thuần khiết như trẻ thơ, nhà thơ không sao viết được những lời thơ lay động lòng người. Mà trái tim của một ca kỹ, một thiếu phụ, một tì thiếp, một đứa trẻ hay của một kẻ xa nhà nhớ vợ, kẻ lẻ bóng thương chồng, kẻ bất đắc chí về số mệnh,... thường rất nhạy cảm và cũng hết mực chân thành, đằm thắm, sâu sắc. Vì vậy, thơ của những người này thường “ưa nghe, ưa đọc” và cũng “dễ lưu truyền hơn thơ của các bậc sĩ, đại phu” (Thoại 355, tr.501). Xuất phát từ quan niệm trên, Viên Mai rất tán đồng với quan điểm của Âu Vĩnh Hiếu khi bàn về Kinh thi rằng: “...Thơ Tụng không bằng thơ Nhã; thơ Nhã không bằng thơ Phong. Tại sao vậy? Vì thơ Tụng, thơ Nhã do bậc vương, công, hoàng hậu, đại phu gọt dũa nên. (...) Đến như thơ quốc phong của mười lăm năm trước thì đều do người xa nhà nhớ vợ, kẻ lẻ bóng thương chồng, đứa trẻ thơ ca hát,... buột miệng mà nên.” (Thoại 251, tr.368). Do đó, thơ muốn lưu truyền, thơ hay không chỉ nhờ ở tài năng mà còn phải nhờ ở tình cảm, thân phận, địa vị của thi nhân nữa. Những bậc tài tử, giai nhân cũng thường là những bậc hữu tình, tức họ thường đa tình và nhạy cảm. Vì vậy, những thân phận, tình cảnh éo le, trái ngang thường khiến lời thơ vừa giàu hình ảnh, có cách nói độc đáo, vừa mang giọng điệu tự nhiên mà đầy cảm xúc. Do đó, “những đoạn văn tả tình riêng chồng chất như ngói uyên ương” (Thoại 104, tr.164) càng giục nỗi đau lòng, dễ làm cảm động lòng người. Đó có thể là những vần thơ tả cảm xúc khi soạn bản thảo của người chồng tài hoa nhưng bạc mệnh của nàng Phương Quân Nghi (Thoại 64), nỗi hận biệt li của người em khi tiễn người chị bạc mệnh (Thoại 92), nỗi sầu oán vì cảnh bị bán làm tì thiếp bi thương của Triệu Phi Loan (Thoại 512),... Qua đó, chúng ta có thể nhận thấy rằng, điểm chung của các tài nữ được nhắc đến trong TVTT là vừa tài hoa, phong nhã và cũng rất hữu tình. Tất cả đã tạo nên dấu ấn, giá trị thẩm mĩ riêng cho TVTT.
Đáng xem trọng hơn, đối với Viên Mai, tình không chỉ là hữu tình mà còn là ái tình, sắc tình. Các danh gia đương thời cho rằng thơ nói về tình yêu trai gái, tình cảm vợ chồng chốn khuê phòng thường có nội dung “tầm thường”, “cẩu thả”, “nông cạn” và thậm chí bị coi là dâm thư. Trong TVTT, Viên Mai hướng tới việc phản bác các quan niệm trên về thơ của danh giáo. Trái với quan niệm của Lý học Trình Chu, vượt qua những lễ giáo khắt khe, định kiến nặng nề về mặt luân lý và đạo đức trong xã hội, Viên Mai luôn tỏ ra thích thú, ngợi ca và ủng hộ tình riêng của con người, đặc biệt là tình trai gái. Trong các thi thoại, ông đã nhiều lần lên tiếng bênh vực, dẫn nhiều câu chuyện, trích nhiều bài thơ tả tình khuê các, đặc biệt là tình riêng của các tài nữ trong xã hội. Qua đó, ông tỏ ra thích thú và hết mực ngợi ca sự hòa hợp trong hôn nhân, trong tình yêu; ra sức vun vén cho những “đôi lứa xứng đôi”; đồng thời, ông cũng tỏ ra là người biết thương hoa tiếc ngọc, thương xót cho những cảnh éo le trong hôn nhân. Ở Thoại 31, Viên Mai đã tỏ ra tiếc nuối và phê phán thái độ hẹp hòi của các nhà chép thơ thời nhà Thanh khi xem tập Nghi Vũ của Vương Thứ Hồi, một tập thơ tả tình khuê các, là “một tập thơ tầm thường”, ngược lại ông cho rằng “đây là tập thơ tả tình khuê các hay nhất” (Thoại 31, tr.63); ở những thoại khác, Viên Mai lại tỏ ra rất thích thú và hết lời ca ngợi những bài thơ tả cảnh người chồng “Cùng vợ ngắm hoa mẫu đơn” (Thoại 407), cảnh vợ trêu ghẹo chồng chốn phòng the (Thoại 468) là có tình tứ tự nhiên.
Dưới ngòi bút của Viên Mai, lần đầu tiên trên bình diện lý luận thơ ca, ông đã lên tiếng bênh vực những người phụ nữ với ý thức sâu sắc về sự không hòa hợp, những cảnh trái ngang, bất công trong hôn nhân, tình yêu. Từ những trường hợp của những người thân thiết như chính người dì của mình, vì nhân duyên trắc trở, lấy phải ông chồng không xứng đôi, bà thường đọc câu: “Xảo thê thường bạn chuyết phu miên” (Vợ hiền lại phải chạ chồng ngu) (Thoại 311; tr.442), đến những người xa lạ như nàng Hồng Đạm Tiên, tuổi trẻ thông minh phải gả cho anh họ Trần, vợ chồng không xứng đôi, trong ngâm vịnh, nàng thường tỏ ra buồn rầu (Thoại 535). Thậm chí, có những trường hợp Viên Mai phải thốt lên với sự ngạc nhiên rằng: “đôi lứa sánh duyên sao mà trái ngược thế, thật không sao hiểu nổi” (Thoại 320, tr.455). Từ ý thức về những cảnh éo le, về nguyên nhân của những bất hạnh trong hôn nhân, nhiều cô gái đã thể hiện sự phản kháng, dám chống lại những hủ tục, lễ giáo hà khắc, vượt qua những định kiến, những bất công tồn tại hàng nghìn năm trong tư tưởng người Trung Quốc và dõng dạc lên tiếng đòi quyền được sống thật với tình cảm của mình; không câu nệ lễ nghi, đòi hỏi sự hòa hợp trong hôn nhân, tình yêu. Đó là công tử Xuân Giang vì chê vợ nên ông thường nay cô này, mai cô khác. Công tử thường buồn vợ mà có câu: “Cho làm chồng Vô Diệm/ Thà lấy lẽ Tử Đô” (Thoại 66, tr.111). Quyết liệt hơn, nhiều cô gái còn dám bỏ nhà trốn đi, đòi ly hôn như nàng Uyển Ngọc (Thoại 140), nàng Tú Văn (Thoại 47) hay người con gái họ Cao (Thoại 460),... Uyển Ngọc là một người con gái có tài, sắc nhưng lấy phải anh lái buôn quê kệch nên nàng bỏ nhà chồng trốn đi. Khi bị bắt, cảm động trước tài sắc của nàng, quan lệnh doãn đã tha cho nàng tội lộn chồng và đuổi về (Thoại 140; tr. 216). Cực đoan nhưng cũng có phần may mắn và hạnh phúc hơn, Tú Văn vì bảo vệ tình duyên, chống lại sự sắp xếp của gia đình, nàng bẻ vòng vàng thành mảnh và nuốt vào bụng, nàng chết đi sống lại. Lòng kiên trinh của nàng đã động đến trời xanh, một đêm cầu Ô Thước đã bắc qua sông Ngân Hà để hai người được sánh đôi nhau. Khác với hai trường hợp trên, người con gái họ Cao ở Nhân Hòa mặc dù đã có tình ý với người con trai nhà hàng xóm nhưng cha mẹ lại hứa gả cho một gia đình khác. Không chấp nhận hôn nhân do gia đình sắp đặt, nàng và người tình tự treo cổ chết. Vì ghét con vượt qua lễ giáo nên cha mẹ hai nhà không chịu thu liệm và mai táng. Cảm động trước lòng chung thủy của hai người, một nữ đệ tử của Viên Mai viết rằng:
“Do lai tình chủng thị tình si
Phỉ thạch kiên tâm lưỡng bất di”
(Tình si vốn vẫn giống đa tình
Đá chuyển, đôi lòng quyết tử sinh) - (Thoại 460, tr.678)
Dù kết quả, cách thể hiện không giống nhau nhưng qua đó, chúng ta có thể nhận thấy quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân của con người đã được đánh thức và họ đã ý thức, đấu tranh cho các quyền trên. Có thể nói, so với thời đại, Viên Mai đã có những quan niệm tiến bộ về thơ ca, đặc biệt là sự ca ngợi và ủng hộ ái tình trong thơ. Vì vậy, Vũ Khắc Khôn cho rằng Viên Mai đề cao sắc tình, xem nhẹ giá trị xã hội của thơ là phiến diện (Đàm Gia Kiện (chủ biên), 1993, tr.365). Ngược lại, chúng tôi cho rằng đây là một đóng góp quan trọng của TVTT trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, Viên Mai vẫn chưa thật sự có ý thức sâu sắc về việc xóa bỏ các định kiến trong hôn nhân, tình yêu,… Ông chỉ dừng lại ở việc cảm thông, ngưỡng mộ, tiếc thương tài năng, tài sắc. Đôi khi, ông chỉ xem đây như là những “tài liệu làm thơ”.
Ý thức về Tính
Ý thức về con người cá nhân của Viên Mai trong TVTT, bên cạnh Tài và Tình, đó còn là ý thức về Tính. Trong tư tưởng Triết - Mĩ truyền thống Trung Quốc, Tính có chín ý nghĩa cơ bản: “Tính do sinh tính nguyên thủy → Tính thiện ác → Tính âm dương → Tính tố chất tự nhiên → Phật tính → Lý tính → Tâm tính → Tính của thực thể → Tính của ête” (Trương Lập Văn (chủ biên), 2001, tr.22). “Tính” cá nhân con người thường được liên hệ với các khái niệm “mệnh”, “thiện”, “ác”, “lý”, “tình”, “tâm”,... Trong các văn bản của Phật giáo, “tính” tương ứng với các thuật ngữ “svabhâva” (bản chất của ngã), “pracriti” (bản chất, vật chất), “pradhâna” (bản chất không tiến hoá). Tuy kế thừa phạm trù Tính từ truyền thống nhưng Viên Mai không bàn đến nhân tính thiện hay ác như các Nho gia thời Tiên Tần, ông cũng không xem tính là tính âm dương hay tính là lý. Trong TVTT, Tính thường gắn liền với Tâm và Tình. Viên Mai xem Tính là phần tiên thiên, là tố chất tự nhiên, là tiếng nói của con tim con người. Do mỗi người có một tâm tính riêng nên tính cũng là cái làm nên diện mạo, sắc thái riêng của con người. Từ quan niệm, tính là cái tâm chân thực của con người, Viên Mai đã không ngần ngại bộc lộ tính riêng của mình như “Tôi tính phóng khoáng” (Thoại 520, tr.575), “Dửng dưng vốn tại tính trời xui” (Thoại 95, tr.150), “Tôi vốn tính không biết uống rượu, lại cũng không biết nghe hát nghe nhạc, vẫn tự thẹn mình xuất thân bần tiện, thủa nhỏ không được học gì về môn âm luật” (Thoại 95, tr.149)... Không chỉ khẳng định cá tính của bản thân, Viên Mai còn tỏ ra rất thích thú với cá tính của người khác. Trong TVTT, mỗi khi lựa thơ, bình thơ, dẫn các câu chuyện, bên cạnh Tài và Tình, Viên Mai cũng đặc biệt lưu tâm đến Tính của thi nhân. Ba yếu tố trên hòa quyện, không tách rời nhau. Ở Thoại 66, ông tỏ ra thích thú với câu thơ của công tử Xuân Giang, một người có tính tình phóng khoáng:
“Nhân các hữu tình tính
Thụ các hữu tính tình.”
(Người khác nhau tính chất
Cây riêng vẻ điểm tô.) - (Thoại 66; tr. 110-111)
Hay như ở Thoại 47, Viên Mai hết mực ca ngợi Hồng Phương Tự: “có thi tài, bản tính rất phóng khoáng, tự nhiên. (...), vì người trinh nữ họ Vương, bèn làm bài hát lấy tên Kim hoàn khúc (tr.78-79). Vì vậy, “cả chuyện và thơ đáng lưu truyền thiên cổ” (Thoại 47, tr.80).
Thời Nam Triều, Lưu Hiệp từng rất đề cao đức, xem tài năng và việc học phải hợp với đức của thi nhân mới góp phần tạo nên giá trị lâu dài của văn chương: “Minh chủ và phụ tá với đức, văn chương ắt trở thành bá chủ”. Nếu Lưu Hiệp nhấn mạnh Đức thì Viên Mai lại nhấn mạnh đến Tâm của thi nhân. Viên Mai cho rằng thơ là biểu hiện của tấm lòng nên thơ hay, thơ đáng lưu truyền không chỉ cần tài hoa, tình cảm mà còn cần thêm tâm chân thực của thi nhân. Điều này được thể hiện rất rõ trong lần luận bàn về thơ giữa Viên Mai và Doãn Văn Đoan công ở Thoại 408: “Lời nói là tiếng phát ra từ trái tim. Từ xưa đến nay, chưa kẻ nào có được thơ hay mà trái tim nghĩ những việc không tốt” (tr.597). Đúng vậy, từ ba trăm thiên thơ Kinh thi đến thơ của những bậc đại danh gia đời Tây Hán, Ngụy-Tấn-Lục Triều và tiếp đó là Đường - Tống, Nguyên - Minh không phải là ít nhưng “có một người nào tâm địa không tốt, tính tình không quân tử đâu? (...) Còn chưa có một kẻ nào âm hiểm, độc ác, hại dân, nát nước mà làm được những tác phẩm hay bao giờ” (tr.597). Bên cạnh đó, thơ là lời nói phát ra từ trái tim, là một tấm lòng luôn “sẵn mối thương tâm” nên, với Viên Mai, thơ còn là những linh cảm siêu nghiệm về số phận trong tương lai, tạo nên âm điệu não nùng cho thơ. Đọc các Thoại 35, 95, 105, 142, 146, 199, 213, 262, 274, 320, 376,... càng giúp chúng ta nhận thấy rõ hơn điều này. Khi xem thơ của một học trò, Viên Mai bật cười và nói rằng: “Thơ này là thơ của huyện lệnh, không phải giọng thơ bậc hàn lâm” (Thoại 35, tr.67). Sau này, quả thực cậu học trò kia đỗ Tiến sĩ và được bổ chức huyện lệnh. Tương tự, khi kiểm soát rương của một cô bé dòng dõi nhà quan, có tội tư thông, Viên Mai phát hiện có bài khuê từ:
Tiêu tâm tử hậu do toàn quyển,
Liên tử sinh thời tiện đảo hàm
(Nõn chuối ruột khô nhưng vẫn cuộn,
Hột sen nhân ngược tự sơ sinh) - (Thoại 320, tr. 455)
Hai câu thơ trên cũng là sấm báo trước cuộc đời bất hạnh của cô bé. Sau này, cô bị tên vô lại đem bán. Hay nàng Hứa Nghi Anh, bảy tuổi đã có tài thơ, thân phụ nghe thơ nàng liền khen rằng “Con bé này cốt cách cao quý nhưng đáng tiếc phúc bạc lắm!” (Thoại 146, tr. 231). Quả nhiên, sau Nghi Anh gặp mẹ chồng ác nghiệt, nàng tự ải chết.
Viên Mai là con người ưa tự do. Điều này thể hiện ở chữ “Tùy”, được ông mượn từ Kinh dịch: “Tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai”, nghĩa là việc tùy thời là rất lớn vậy” (Thoại 493, tr. 718). Ông lựa thơ, bàn thơ, làm thơ tùy theo ý của mình, không phụ thuộc hay bắt chước người khác. Tùy ở đây là một thái độ sống thuận theo tình cảm, theo sở thích, sở trường của mình, không sống trái với tính mình. Viên Mai đã từ quan để được sống thoải mái, tự do tự tại theo ý mình, ông cho rằng “làm quan cũng khổ như nhà sư phải trai giới”. Có thể nói, ẩn chứa sau chữ “tùy” này là sự thể hiện của một quan niệm triết học - nhân sinh về con người, chống lại Lý học thời Tống - Minh. Từ triều đại Tống - Minh, Nho học được xem trọng và phát triển đến đỉnh cao. Hình thức biểu hiện của nó là Lý học, có sự dung hợp những tư tưởng Triết - Mĩ của Đạo - Phật - Nho. Lý học coi nhiệm vụ của mình là phục hưng thánh học (Nho học Tiên Tần), căn cứ vào Dịch truyện và Trung dung để giải thích Lý, đồng thời nói về tính mệnh. Đặc điểm mĩ học của Lý học là coi trọng “Đạo”, xem thường “Văn”. Vì vậy, họ có xu hướng hạ thấp hoặc phủ định cái giá trị thẩm mĩ và nghệ thuật. Lý học Trình Chu chủ trương “giữ lẽ trời, diệt dục vọng con người” (tồn thiên lý, diệt nhân dục)” (Ngô Vinh Chính, Vương Miện Quý (chủ biên), 1994, tr. 65). Vì vậy, những những đam mê và dục vọng của con người thường bị bóp nghẹt.
Thuyết tính linh đã xem trọng vấn đề tình cảm chân thật, tự nhiên cũng xem trọng vấn đề cá tính. Viên Mai luôn nhấn mạnh, nhà thơ phải có cá tính mới mẻ, nghệ thuật biểu hiện phải mang tính độc đáo sáng tạo. Viên Mai cho rằng “làm thơ không thể không có cái tôi” (tác thi bất khả dĩ vô ngã), “cái tôi” tức là cá tính. Thơ mỗi người có mỗi mặt khác nhau, nên sự biểu hiện cảm thụ và nhận thức thẩm mỹ cũng khác. Cá tính của nhà thơ phải được tự do phát huy, không bị gò bó bởi triều đại nào cả: “Thơ là tính tình của mỗi người, không liên quan gì đến thời Đường, Tống” (thi giả, các nhân chi tính tình nhĩ, dữ Đường Tống vô dự dã) (Đáp Thi Tra Lan luận thi thư). Thơ cũng giống như gương mặt của mỗi người, Viên Mai rất tâm đắc với lời tự đề tựa của Giang Tân Cốc “chẳng phải tôi định để thơ của tôi lại đời sau nhưng xin nói ví như bộ mặt, mặt tôi thật không đẹp bằng mặt ông họ Từ ở mé thành phía Bắc kia, nhưng tôi cũng có bộ mặt riêng của tôi. Vậy thì việc gì tôi phải ngắm nghía, nom dòm mặt người ta?” (Thoại 251, tr. 368). Nhà thơ nên có cá tính, nghệ thuật biểu hiện nên có “cái tôi”, tức là có tính sáng tạo độc đáo.
Ý thức về Du và Mỹ
Bên cạnh Tài, Tình, Tính, Du và Mỹ là hai phạm trù thể hiện sâu sắc ý thức về con người cá nhân trong TVTT. Du là chơi. Chơi là một cách để thỏa mãn những đam mê, nhu cầu cá nhân. Vì vậy, người tài tử hay nói đến chơi. Nhưng nếu người quân tử vui chơi ở “lục nghệ” (lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số), người ẩn sĩ vui chơi trong thiên nhiên thì người tài tử lại vui chơi ở ngao du thích chí và hành lạc. Đây là những thú chơi mà Viên Mai nhiều lần ca ngợi trong TVTT. Thú chơi cũng giống như một món ăn, và dù là thú giang hồ, thú phong lưu hay thú hành lạc, Viên Mai luôn chú trọng đến cái ý vị của nó: “Món ăn cốt ở ngon lành, thú chơi cốt ở ý vị” (Thoại 17, tr.43). Cái “ý vị” mà Viên Mai hướng đến ở đây không phải là sự phụng sự, hành đạo mà chính là ở chỗ hưởng thụ những thú vui trần thế ở đời: uống rượu với danh kỹ, ngắm gái đẹp, làm thơ,... như ở các thoại 37, 61, 410, 551, 552,... Nếu ở Thoại 61 là cảnh ăn chơi của Viên Mai cùng các công tử, bên cạnh mỗi người là một danh kỹ nổi tiếng, họ cùng uống rượu, ngâm thơ và luận bàn xem ở “cái kiếp luân hồi khéo đảo điên”, “giới phấn son ai nhan sắc hơn cả” thì ở Thoại 37 lại là cảnh thỏa thích “ngắm hoa”, trêu ghẹo các tiểu thư trên đường du hành. Chơi là một cách tận hưởng thú vui của cuộc đời. Vì vậy, chơi là nhập cuộc. Nhưng ở người tài tử, chơi thường kết hợp với tài và tình, chơi cho hay, cho đẹp, chơi nghệ thuật. Do đó, trên đường đi Tô Châu nghe tin kỹ nữ Đái Tam cùng với tên canh cổng có tình với nhau, Viên Mai nghĩ rằng “mã cốt thiên kim” nên không thể không giúp. Vì vậy, Viên Mai đã bắt chước tiền nhân làm thơ xin tha cho kỹ nữ:
“Chỉ vấn thiên thu hiền thái thú
Hà tằng kỷ cá khám đào hoa”
(Dám hỏi ngàn xưa hiền thái thú
Hoa đào ai nỡ chặt làm chi) - (Thoại 314, tr.443-444)
Nếu chơi mà không thấy thú thì quyết không chơi như lời Tướng công Trương Văn Hòa gửi cho em gái đêm Nguyên tiêu:
“Diệc tri lệnh tiết hưu hư độ,
Ký nại sơ dung bản tính hà?”
(Gặp tiết Nguyên tiêu lẽ phải chơi
Dửng dưng vốn tại tính trời xui?) - (Thoại 95, tr. 150)
Ngược lại, nếu chơi mà thấy thú thì dù có chết cũng thỏa nguyện:
Thử địa nhược giao hành lạc tử,
Tha sinh dương bất đới sầu lai
(Nơi đó vui chơi mà có chết
Kiếp sau chắc hẳn chẳng đeo sầu) - (Thoại 312, tr. 442)
Đặc biệt, để chơi, Viên Mai còn dám khắc lên mặt con dấu riêng của mình tên một danh kỹ đa tình đời Nam Tề, mặt dấu có khắc câu thơ Đường: “Tiền Đường Tô Tiểu thị hương thân” (Tô Tiểu đất Tiền Đường là người bạn cùng quê). Có vị Thượng thư xem con dấu này thì không bằng lòng và trách tác giả là bất kính, Viên Mai không ngần ngại mà trả lời rằng: “Ngài cho rằng con dấu đó không đáng để ngài nhìn sao? Lấy cái địa vị ngày nay mà nói thì ngài là quan nhất phẩm, Tô Tiểu chỉ là một ca kỹ hèn mọn. Nhưng tôi cho rằng trăm năm sau người ta chỉ biết có Tô Tiểu mà không biết đến ngài vậy” (Thoại 21, tr. 64).
Cùng với Du là Mỹ. Người tài tử ham mê cái đẹp, theo đuổi cái đẹp, cho dù đó là cái đẹp của thiên nhiên, nghệ thuật hay con người. Họ dùng cái đẹp để đối lập với cái danh, lợi. Theo Đoàn Lê Giang, người tài tử thích cả hai cái đẹp: mỹ cảnh và mỹ nhân. Trong TVTT, Viên Mai tuy thích thú cả mỹ cảnh lẫn mỹ nhân nhưng ông thường thích thú với mỹ nhân, thương xót cho mỹ nhân hơn mỹ cảnh. Vì vậy, trong Thoại 410, Viên Mai đã không ngần ngại lên tiếng bênh vực và bảo vệ những tục lệ mà người đời thường cho là “xấu”. Cụ thể, ở Ôn Châu ngày cưới vợ có lệ trai gái ngồi họp mặt ăn tiệc. Các cô con gái trang sức lấp lánh ngồi hai bên. Mọi người có quyền ngắm, phê bình và mời rượu. Người con gái được mời cũng đáp lễ. Trịnh Thái thú cho rằng tục lệ đó phi lễ, định ra lệnh cấm. Viên Mai lập tức phản đối và vịnh câu thơ:
“Bất thị nguyệt cung vô giới hạn,
Thường Nga nguyên hứa vạn nhân khan”
(Há phải cung trăng không giới hạn
Hằng Nga vốn để vạn người coi!) - (Thoại 410; tr.599)
Không chỉ vậy, ông cũng tỏ ra biết thương hoa tiếc ngọc và muốn bảo vệ “hoa”. Khi chứng kiến cảnh một cô bé da dẻ mịn màng như ngọc bị tên vô lại bán, Viên Mai cảm thấy xót thương cho cô bé mà ước nguyện:
“Tha sinh nguyện tác tư hương úy,
Thập vạn kim linh hộ lạc hoa.”
(Kiếp sau được chức tư hương úy,
Dùng vạn chuông vàng bảo vệ hoa.) - (Thoại 320, tr.455-456)
Vấn đề tiếp theo cần được đặt ra là vì sao trong TVTT Viên Mai lại có ý thức sâu sắc về con người cá nhân đến vậy? Muốn lý giải điều này, trước hết chúng ta phải xuất phát từ bối cảnh kinh tế, xã hội, tư tưởng. Bước vào thời nhà Minh, Thanh, xã hội phong kiến ở Trung Quốc ngày càng suy tàn, nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong đời sống tư tưởng, xã hội. Trong khi đó, kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển và phồn thịnh nên tầng lớp thị dân cũng ngày càng phát triển, hứng khởi. Đặc biệt, sau chiến tranh Nha phiến, văn hóa phương Tây, đặc biệt là những tư tưởng nhân văn của chủ nghĩa nhân văn bắt đầu xâm nhập vào đời sống xã hội Trung Quốc, nó đánh thức ít nhiều nhu cầu tự nhiên, các quyền của con người, đặc biệt là quyền của những người phụ nữ mà trước hết là trong hôn nhân và tình yêu. Mĩ học đời Minh, Thanh sinh ra nhiều trường phái, trong đó đáng lưu ý là tư trào thẩm mĩ học đeo đuổi con đường khẳng định cá tính phát triển mạnh, đối kháng với mĩ học chính thống của phong kiến. Các nhà mỹ học tiêu biểu như Lý Chi, Từ Vị, Viên Hoằng Đạo,… chủ trương ca ngợi và khẳng định bản tính tự nhiên của con người thuần chân, theo đuổi cái văn “tình chí” (nghĩa là thiên về tình cảm), phê phán cái “lý” của phái Lý học. Lý Chí chủ trương văn học phải lấy sự biểu hiện của “cái tâm trẻ con” làm chủ, phản đối cái tiêu chuẩn “phải - trái” của Khổng Tử và Lý học “tồn thiên lý, diệt nhân dục” của Trình, Chu. Cùng thời Viên Mai, Trịnh Tiếp, Đới Chấn,… vùng lên phản đối cảnh gông cùm của lý học, khẳng định những nhu cầu thẩm mĩ của con người. Trịnh Tiếp chủ trương văn nghệ phải “đạt được cái tình của trời đất vạn vật”, “có liên quan đến lẻ thịnh suy tồn vong của đất nước”, Đới Chấn thì cho rằng văn nghệ phải “tự nhiên” (bao gồm các thái độ thẩm mĩ của con người như vật chất, tinh thần và tính dục). Về mặt chủ quan, Viên Mai vốn là một nhà nho tài tử phóng khoáng, có thi tài, đầy bản lĩnh, dám khẳng định cái tôi của mình ngay trong thời đại mà đa số người làm thơ vẫn chưa dám bứt phá, vượt thoát khỏi áp lực của quan điểm sùng cổ, tập cổ cực đoan. Có thể nói, chính sự kết hợp của những yếu tố chủ quan và khách quan trên, hay nói như người Trung Hoa là thiên thời, địa lợi và nhân hòa đã góp phần tạo nên thi tài Viên Mai và dấu ấn con người cá nhân đó đã được thể hiện một cách sâu sắc trong TVTT.
Từ những phân tích trên cho thấy, TVTT là công trình lý luận thơ ca tiên phong của Trung Quốc ca ngợi và ủng hộ con người cá nhân trong văn học. Các phẩm chất của con người cá nhân như Tài, Tình, Tính Du và Mỹ đã được Viên Mai tiếp thu từ truyền thống, nhưng mặt khác ông đã có những bổ sung và sáng tạo nhất định. Những phẩm chất này được Viên Mai thể hiện, ca ngợi và ủng hộ đã góp phần tạo nên dấu ấn, sự thành công cũng như giá trị của TVTT. Thậm chí, những phẩm chất này đã được nhiều nhà lý luận xem như là tiêu chuẩn đánh giá thơ ca. Ở mỗi phương diện, ông đều có những quan niệm, đóng góp riêng. Trong đó, Tài - Tình - Tính là ba hạt nhân cơ bản nhất. Ý thức cá nhân với ý thức về Tài, Tình, Tính, Du và Mỹ đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật cũng như tư tưởng xã hội.
Chú thích
(1) Hiện nay, Việt Nam có hai bản dịch Tùy Viên thi thoại. Một là bản dịch của Nguyễn Đức Vân (Giáo dục, Hà Nội, 1998, 198 trang) và hai là bản dịch của Trương Đình Chi (Văn nghệ TP. HCM, 2002, 960 trang). Trong tiểu luận này, nếu không có chú thích riêng, các trích dẫn được trích từ bản dịch của Trương Đình Chi (2002).
(2) Mô hình về người tài tử được Đoàn Lê Giang tiếp tục khẳng định và bổ sung trong bài viết: “Nhà nho tài tử”: nguồn gốc, nội dung và ý nghĩa đối với việc nghiên cứu văn học trung cận đại Việt Nam”, Nghiên cứu Văn học, số 4, 2015, tr.91-99.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Nguyễn Kim Châu (2014), “Viên Mai bàn về thơ nữ trong Tùy Viên thi thoại”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 3, 2014
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=4720%3Avien-mai-ban-v-th-n-trong-tu-vien-thi-thoi&catid=94%3Aly-lun-va-phe-binh-vn-hc&Itemid=135&lang=vi, truy cập ngày 30/3/2016.
- Ngô Vinh Chính, Vương Miện Quý chủ biên (1994), Đại cương lịch sử văn hóa Trung Quốc (Lương Duy Thứ và ctv dịch), NXB Văn hóa - Thông tin, HN.
- Đoàn Lê Giang (2015), ““Nhà nho tài tử”: nguồn gốc, nội dung và ý nghĩa đối với việc nghiên cứu văn học trung cận đại Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 4 (518), tr.91-99.
- Đàm Gia Kiện (chủ biên) (1993), Lịch sử văn hóa Trung Quốc (Trương Chính, Nguyễn Thạch Giang, Phan Văn Các dịch), NXB Khoa học Xã hội, HN.
- Nguyễn Khắc Phi (1997), “Viên Mai – con người, nhà lý luận phê bình, nhà thơ”, Tạp chí Văn học, số 8, tr. 31-40.
- Nguyễn Hữu Sơn và ctv (1998), Về con người cá nhân trong văn học cổ Việt Nam, NXB Giáo dục.
- Khâu Chấn Thanh (1994), Lý luận văn học nghệ thuật cổ điển Trung Quốc (Mai Xuân Hải dịch), NXB Giáo dục.
- Trương Lập Văn chủ biên (2001), Tính (Nguyễn Duy Hinh dịch), NXB Khoa học Xã hội, TP.HCM.
ThS. Nguyễn Đăng Hai, Trường Đại học Trà Vinh
Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2016