Phê bình nữ quyền

20170920 Peter Barry

Lời mở đầu

Beginning Theory – An introduction to literary and cultural theory (chúng tôi tạm dịch là Bước khởi đầu của lý thuyết– Giới thiệu về lý thuyết văn học và văn hoá) là tác phẩm do Peter Barry biên tập, xuất bản lần thứ nhất năm 1995, sau đó được tái bản lại chín lần tại các nước Anh, Mĩ và Canada, quyển chúng tôi sử dụng cho bài dịch được tái bản lần thứ hai năm 2002, tại Anh và Mĩ. “Beginning” (Bước khởi đầu) là một loạt sách được thiết kế nhằm giúp sinh viên nắm bắt và giải quyết các vấn đề về kĩ năng trong tiếng Anh, nghiên cứu văn học và văn hoá. Mỗi quyển sách sẽ tập trung vào yêu cầu chính yếu nhất của người đọc đối với nó, đó là những kì vọng xác đáng về những tính năng đặc biệt ở nó như trong tựa đề “Bước khởi đầu” thể hiện. Mỗi quyển sách sẽ đặt ra một mục tiêu chung nhất nhằm phù hợp với các nguyên tắc xây dựng nền tảng ban đầu làm cơ sở cho những nghiên cứu về sau và cam kết rằng sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề được đặt ra từ một góc nhìn hoàn toàn mới mẽ, nhưng với những phương pháp tiếp cận phù hợp nhất dành cho người mới bắt đầu tiếp xúc chúng. Cuối cùng, mỗi quyển sách nhằm mục đích đóng góp một lĩnh vực chủ đề để thảo luận cho những vấn đề đã đặt ra.

Cùng một loạt xuất bản còn có các quyển Beginning ethnic American literatures (chúng tôi tạm dịch là Sự hình thành nền văn học dân tộc Mĩ, do Helena Grice, Candida Hepworth, Maria Lauret và Martin Padget biên tập; Beginning postcolonialism (chúng tôi tạm dịch là Sự hình thành chủ nghĩa hậu thực dân), do John McLeod biên tập; Beginning postmodernism (Chúng tôi tạm dịch là Sự hình thành chủ nghĩa hậu hiện đại) do Tim Woods biên soạn.

Quyển Beginning Theory – An introduction to literary and cultural theory của Peter Barry gồm có mười ba chương, cùng phần lời ngỏ và phần giới thiệu về quyển sách. Trong mười ba chương tác giả lần lượt giới thiệu các vấn đề về Thuyết tự do nhân quyền (Liberal humanism), Cấu trúc luận (structuralism), Hậu cấu trúc và Giải cấu trúc (Post-structuralism and deconstruction), Hậu hiện đại (Postmodernism), Phê bình phân tâm học (psychoanalytic criticism), Phê bình nữ quyền (Feminist criticism), Phê bình đồng tính (Lesbian/gay criticism), Phê bình Marxít (Marxist criticism), Tân duy sử và chủ nghĩa duy vật văn hoá (New historicism and cultural materialism), Phê bình hậu thực dân (Postcolonial criticism), Phong cách nghệ thuật (Stylistics), Tự sự học (Narratology), Phê bình sinh thái (Ecocriticism).

 

Nội dung

1. Nữ quyền và phê bình nữ quyền

Một điều hiển nhiên là phong trào phụ nữ thập niên 1960 không phải là điểm khởi phát cho phong trào nữ quyền. Thậm chí, nó còn làm sống lại của những quan niệm cũ và những hành động mà được xem là thuộc về vấn đề bất bình đẳng của phụ nữ đã từng được đề cập trong các quyển sách kinh điển, một vài trường hợp đã được đề xuất phương án giải quyết. Một số tác phẩm như: Một minh chứng cho các quyền của phụ nữ của Mary Woll-stonecraft (1972) hoặc trong một số bài thảo luận của các tác giả nam giới như Milton, Pope, và Rousseau; tác phẩm Phụ nữ và lao động của Olive Schreiner (1911); tác phẩm Căn phòng riêng Viginia Woolf (1929), là bức tranh sinh động về những bất công dành cho phụ nữ trên con đường học vấn và trong vấn đề hôn nhân và làm mẹ; và Simone de Beauvoir với tác phẩm Giới tính thứ hai (1949) là một phần quan trọng trong bức tranh sinh động về phụ nữ trong tiểu thuyết của D.H.Lawrence. Nam giới cũng góp phần tạo nên lối viết nữ như cách thể hiện của một số tác giả nam giới trong các tác phẩm: Sự khuất phục của đàn bà của John Stuart Mill (1869) và tác phẩm Nguồn gốc của gia đình của Friedrich Engels (1884).

Văn học nữ quyền ngày nay chính là sản phẩm trực tiếp của “phong trào nữ quyền” thập niên 60. Từ khi khởi phát, bằng những phương thức tối ưu của mình, văn học nữ quyền ý thức được tầm quan trọng của những cảm nhận từ hình tượng của phụ nữ trong văn học, và điều đó được xem như một vấn đề sống còn để chống lại những quan điểm đó và sự hoài nghi về khả năng chuyên môn và khả năng liên kết của chúng. Trong ý nghĩa này, phong trào phụ nữ luôn là vấn đề quan trọng liên quan đến sách vở và văn học, vì vậy, phê bình nữ quyền không phải là bộ phận trong tổng thể lớn hay một sản phẩm phụ từ phong trào nữ quyền tách biệt với mục tiêu cơ bản của nó mà đó là một trong những cách ảnh hưởng thực tế nhất đến hành vi và thái độ hàng ngày.

Liên quan đến “sự biến đổi do điều kiện ngoại cảnh” và “xã hội hoá” là nền tảng chính của sự riêng biệt, đó là giữa các khái niệm “nữ quyền”, “nữ giới” và “nữ tính”. Như cách lý giải của Toril Moi, thứ nhất là “địa vị chính trị”, thứ hai là “khác biệt về sinh học”, và thứ ba  là “sự tập hợp các đặc điểm văn hoá được xác định”. Thông thường thì sự khác biệt giữa khái niệm thứ hai và thứ ba chủ yếu nằm ở sự tác động của nữ quyền (xem bài luận của Moi trong quyển Người đọc nữ quyền của Catherine Belsey và Jane Moore). Ý tưởng quan trọng khác được giải thích trong phần còn lại của mục này.

Bên cạnh đó, sự hiện diện của phụ nữ trong văn học được xem như một trong những hình thức quan trọng của “xã hội hoá”, bởi vì nó đã cung cấp các vai trò mẫu mực chỉ cho nữ và nam về cái gì tạo nên những quan điểm được chấp nhận về “nữ tính” và những mục đích, nguyện vọng chính đáng của nữ giới. Lý thuyết nữ quyền chỉ ra rằng, ví dụ như trong tiểu thuyết ở thế kỉ 19, phụ nữ ít khi ra ngoài làm việc trừ phi họ bị đẩy vào tình thế bức bách nào đó. Thay vào đó, họ chú trọng vào việc lựa chọn đối tác trong hôn nhân, cái sẽ quyết định địa vị xã hội và hạnh phúc của họ trong suốt phần đời còn lại.

Như vậy, trong những năm 1970, nỗ lực lớn nhất của phê bình nữ quyền là đi vào phơi bày những gì thuộc về bản chất của chế độ gia trưởng, đó là văn hoá của “những ý nghĩ bị áp đặt” bởi nam giới và luôn tồn tại sự bất bình đẳng về tình dục đối với nữ giới. Hướng phê bình được cho là thiên về sách vở do các tác giả nam giới khởi xướng mà nó bị ảnh hưởng hoặc được gợi ý từ hình tượng người phụ nữ truyền thống. Tất yếu, phê bình ở đây được hiểu là việc làm có tính tranh đấu và tranh luận. Tiếp sau đó, trong những năm 1980 khi lý thuyết nữ quyền và một số khuynh hướng phê bình khác có chiều hướng xích lại gần nhau hơn và có những chuyển biến trong cách nhìn nhận. Thứ nhất, lý thuyết phê bình nữ quyền đã bắt đầu có tính hệ thống hơn về lý thuyết, nghĩa là nó bắt đầu tiến đến sự khám phá và gần gũi hơn với những thể loại phê bình khác như phê bình Mác xít, phê bình cấu trúc và ngôn ngữ học và nhiều hơn nữa. Thứ hai, nó bắt đầu thay đổi đột ngột định hướng nghiên cứu từ công kích thế giới quan nam giới sang khám phá bản chất tự nhiên của nữ giới và mang tính triển vọng và xây dựng lại những quan điểm đã bị mai một từ những trải nghiệm của nữ giới. Thứ ba, hướng tiếp cận bị thay đổi đột ngột sang sự cần thiết phải thiết lập một chuẩn mực cho lối viết nữ bằng cách viết lại lịch sử của tiểu thuyết và thơ văn như cách mà sự sao nhãng của các tác giả nữ được cho là sự nổi trội mới.

Ở từng giai đoạn như vậy thì có sự quan tâm khác biệt và có những hoạt động đặc trưng của phê bình nữ quyền. Elaine Showalter là một ví dụ, mô tả sự thay đổi trong những năm cuối thập niên 70 như thay đổi sự chú ý từ lối viết nam (ngôn ngữ do nam giới viết) và lối viết nữ (ngôn ngữ do phụ nữ viết). Bà đã đặt ra khái niệm “phê bình phụ nữ”, nghĩa là môn học về ngôn ngữ do phụ nữ viết nhưng phê bình nữ quyền lại là một lĩnh vực đa dạng và rộng lớn hơn, để hiểu một cách tổng quát về nó thì cần được nghiên cứu một cách thận trọng hơn nữa. Theo bà khái niệm phê bình nữ quyền bao gồm: “lịch sử, thể loại, thể tài, phong cách, và cấu trúc của lối viết nữ; tư tưởng và cảm hứng chủ đạo của phụ nữ; Những ảnh hường từ nghề nghiệp và điều kiện cá nhân; và sự phát triển cũng như những qui luật của văn học nữ truyền thống”.

Showalter cũng phát hiện ra rằng trong lịch sử lối viết nữ là giai đoạn tính nữ (1840-80), trong đó thì những nhà văn nữ bị ảnh hưởng bởi những quan điểm thẩm mĩ và những tiêu chuẩn nghệ thuật từ nam giới; kế tiếp là giai đoạn nữ quyền (1880-1920) trong đó những tư tưởng cực đoan và li khai thường được duy trì; và cuối cùng là giai đoạn phụ nữ (1920 trở về sau) thì quan tâm đến vấn đề khảo sát tác phẩm của tác giả nữ và những trải nghiệm của họ. Có rất nhiều nguyên do để phân chia giai đoạn như vậy: Một phần là do nó là kết quả của sự đòi hỏi phê bình nữ quyền phải được xem như là một thuật ngữ khoa học nếu nó muốn trở thành một học thuyết tồn tại thực thụ. Quan trọng hơn nữa, đó là một nhu cầu cấp thiết, trong tất cả các quy tắc ứng xử thông thái, để tạo nên sự  nhận thức tiến bộ, có ý thức sớm và trong trường hợp này phê bình nữ quyền được cho là thừa nhận và công nhận quyền lợi hợp pháp của phụ nữ trong khi đó cùng một thời gian nó lại cho thấy rõ ràng rằng phương pháp tiếp cận mà họ mô tả không phù hợp như là mô hình thông dụng nhất để thực hiện.

Phê bình nữ quyền từ những năm 1970 đã đạt được một vị trí đáng kể bởi những tồn tại bên trong nó. Cuộc tranh luận và những ý kiến bất đồng tập trung vào ba vấn đề được quan tâm nhất: 1. Vai trò của học thuyết; 2. Bản chất của ngôn ngữ; 3. Giá trị hoặc các lĩnh vực khác của phân tâm học. Ba phần tiếp theo sẽ đi sâu vào các vấn đề trên.

2. Phê bình nữ quyền và vai trò của học thuyết

Sự phân chia chính từ bên trong phê bình nữ quyền liên quan tới những ý kiến bất đồng về số lượng và loại hình của học thuyết nên có từ những đặc điểm bên trong nó. Những gì thường được gọi là “Mĩ gốc Anh” là phiên bản của phong trào nữ quyền có xu hướng hoài nghi về lý thuyết phê bình gần đây, và cần thận trọng nhiều hơn nữa trong việc sử dụng nó, hơn là trường phái nữ quyền kiểu “Pháp”, những người mà đã chấp nhận thực hiện và thích nghi rất nhiều với chủ nghĩa hậu cấu trúc và phê bình phân tâm học như là nền tảng lớn nhất trong công việc của họ. Cụm từ “Anh Mĩ” (nghĩa là không hoàn toàn là Anh hay là Mĩ) duy trì một sự quan tâm đặc biệt đến các khái niệm phê bình truyền thống như chủ đề, môtíp và đặc trưng. Họ dường như chấp nhận những thỏa thuận của văn học hiện thực và nhìn nhận văn học như là một sự phản chiếu về đời sống của người phụ nữ, những trải nghiệm có thể được đo đếm và đánh giá ngược lại từ thực tế. Họ thấy rằng việc đọc gần và giải thích văn bản tác phẩm từ quan điểm cá nhân như là một nhiệm vụ chính yếu của phê bình nữ quyền. Nói chung, loại hình phê bình nữ quyền có nhiều đặc điểm chung nhất với cách thức và sự dung hợp của chủ nghĩa tự do nhân quyền với cách tiếp cận văn học, mặc dù phê bình nữ quyền cũng nhấn mạnh việc sử dụng các cứ liệu lịch sử và những tư liệu phi văn học (ví dụ như nhật kí, hồi kí, xã hội và lịch sử y học) vào tìm hiểu văn bản tác phẩm. Nhà phê bình người Mĩ Elaine Showalter được xem là người đại diện chính cho khuynh hướng tiếp cận này, nhưng bên cạnh đó cũng có những gương mặt điển hình khác như Sandra Gilbert và Susan Gubar, Patricia Stubbs, và Rachel Brownstein. Tuy nhiên, trên thực tế phần lớn người Mỹ nhiều hơn người Anh, và điều này khiến chúng ta nghi ngờ về tính hữu dụng trong việc chấp nhận nhóm đó một cách rộng rãi. Sau tất cả, thông thường phê bình nữ quyền theo trường phái Anh có sự khác biệt một cách rõ ràng so với Mỹ: Nó hướng theo định hướng “nữ quyền xã hội chủ nghĩa”, điều này liên quan với những vấn đề thuộc văn hoá duy vật chủ nghĩa hoặc là chủ nghĩa Maxít, vì vậy mà nó hoàn toàn không thể chấp nhận việc mà cố gắng xếp nó vào nhóm “không thuộc về lý thuyết”. Khả năng sống còn của loại hình nữ quyền này đã trở nên bế tắc bởi sự kiện phổ biến phần tóm tắt của hàng loạt sách về phê bình nữ quyền (như quyển Những môn học về văn học nữ quyền: phần giới thiệu của K.K. Ruthven và Toril Moi với quyển Tình dục/văn bản chính trị) không thảo luận nó như một nhóm riêng biệt. Ví dụ như nhóm làm việc này là Terry Lovell với quyển Sự ám ảnh tiểu thuyết hư cấu (1987), Julia Swindell với quyển Phụ nữ trung lưu ở Anh thế kỉ 19 sáng tác và làm việc (1985), và tác phẩm Một sự thay đổi lớn lao: Văn hoá và nữ quyền (1986) của Cora Kaplan, là một người Mĩ nhưng sống và làm việc ở Anh trong nhiều năm. Kaplan là thành viên của nhóm văn học theo trường phái nữ quyền Maxít, một nhóm tiêu biểu của những người biểu hiện tư tưởng chính trị mạnh mẽ và các vấn đề thuộc lý thuyết của phê bình nữ quyền. Một trường phái tiêu biểu tương tự là “Tập hợp văn chương giáo dục về chính trị”, đó còn là một loạt các hội nghị và tạp chí có liên quan. Một nhân vật quan trọng liên quan đến nhóm này là Catherine Belsey với những tác phẩm như Chủ đề của những tấn bi kịch (1985), và John Milton: Ngôn ngữ, Giới, Sức mạnh (1988), và một phần giống với nữ quyền xã hội chủ nghĩa ở truyền thống ở Anh. Trong khi những tác phẩm cuối cùng của cái gọi là “Anh Mĩ” truyền thống ra đời vào cuối những năm 1970. “Nữ quyền xã hội chủ nghĩa” theo trường phái Anh truyền thống đã xuất bản công trình trọng điểm vào giữa những năm 1980, vẫn duy trì hoạt động và những ảnh hưởng của nó.

Đối lập với trường phái Mĩ (vì nếu không chúng ta sẽ phải tranh luận với trường phái Anh) tác phẩm của trường phái nữ quyền “Pháp” công khai thiên về lý thuyết, xem nó như là một bước khởi đầu cho những hiểu biết sâu sắc về chủ nghĩa hậu cấu trúc, đặc biệt là Lacan, Foucault và Derrida. Với những trường phái phê bình nữ quyền này, văn bản tác phẩm không phải là cái biểu thị tất cả, hoặc là tái hiện lại những xúc cảm cá nhân bằng những ấn tượng một cách chính xác từ những trải nghiệm của bản thân. Sâu xa hơn nữa, trường phái lý thuyết Pháp thường gắn với nhiều vấn đề khác hơn là chỉ trong văn học: họ viết về ngôn ngữ, tính biểu tượng, và tâm lý học chẳng hạn và họ thường đi sâu vào nghiên cứu những vấn đề chính yếu thuộc về triết học trước khi đi vào tìm hiểu bản thân văn bản tác phẩm. Nhân vật chính của trường phái Pháp được cho là Julia Kristeva (là người Bulgrari nhưng sống ở nước ngoài- như bà từng nói mình cũng là một hiện thân của giới trí thức Pháp), Hélène Cixous (sinh ra ở Algery) và Luce Irigaray. Cả ba có sự gặp gỡ ban đầu tốt nhất với các độc giả nữ quyền đương đại. Chẳng hạn như cuộc phóng vấn Kristeva năm 1974 Phụ nữ không thể bị giới hạn (Marks và De Courtivron), như là một phần từ “sự công kích” và Tiếng cười của Medusa của Cixous, và một phần từ tác phẩm của Irigaray Tình dục không là một. Những đoạn trích từ Cixous và Irigaray trên cùng một tác phẩm cùng trong Nữ quyền: độc giả (Maggie Humm).

 Một cuộc tranh luận kéo dài về sự khác biệt giữa nữ quyền “Anh - Mĩ” và nữ quyền Pháp (mặc dù mặt thứ hai của vấn đề là cái được chú trọng nhiều hơn) là Toril Moi với tác phẩm Tình dục/ văn bản chính trị. Theo một lý giải gần đây thấy trong chương “Khu vườn ảo với những con ếch thật trong đó: nói về sự thắng thế của chủ nghĩa nữ quyền và sự khác biệt Pháp - Mỹ trong giai đoạn từ năm 1976-1988” được viết bởi Ann Rosalind Jones trong quyển Thay đổi chủ đề: Một bước phát triển mới của phê bình văn học nữ quyền (Greene và Kahn). Những nhà nữ quyền Pháp thì thường tập trung vào ngôn ngữ và tâm lý, điều này sẽ được đề cập trong hai phần tiếp theo.

3. Phê bình nữ quyền và ngôn ngữ

Một vấn đề căn bản khác, là sự thống nhất trong việc đặt ra nghi vấn rằng có hay không hình thức ngôn ngữ mang phong cách nữ. Có một truyền thống lâu đời về các cuộc tranh luận về vấn đề này trong thuyết nam nữ bình quyền. Ví dụ như Virginia Woolf, (trong phần thứ tư và thứ năm của bà có chiều hướng trở thành một bài luận mang tính bút chiến trong tác phẩm Căn phòng riêng) được cho là ngôn ngữ mang phái tính, vì vậy mà khi bà chuyển sang viết tiểu thuyết thì bắt đầu nhận ra một điều là “Không hề có câu nói thông dụng riêng dành cho phụ nữ”. Các tiểu thuyết gia nam giới nổi tiếng có cách viết “văn xuôi tự nhiên, nhanh chóng nhưng không cẩu thả, diễn cảm nhưng không cầu kì, tạo được sắc thái riêng của họ mà không làm mất đi đặc tính chung”. Bà đưa ra một câu nói ví dụ và nói “đó là câu nói của nam giới”. Bà chưa chỉ rõ ra được bản chất của vấn đề nhưng những ví dụ dường như mang một đặc trưng của sự cân nhắc cẩn thận và luôn có sự cường điệu một cách rập khuôn. Nhưng “đó là một câu không phù hợp cho giới”, và những tác giả nữ vẫn cố gắng sử dụng nó (Charlotte Bronte, George Eliot) đã lâm vào tình trạng hết sức tồi tệ. Jane Austen đã từ chối nó và thay vào “nghĩ ra một câu thích hợp cho riêng mình, nó hoàn toàn tự nhiên và sắc bén”, nhưng điều này lại không được mô tả hoặc minh hoạ bằng ví dụ. Chính vì vậy, đặc trưng trong một “câu của phụ nữ” là các mệnh đề liên kết với nhau lỏng lẽo hơn chứ không cẩn thận và khuôn mẫu như trong văn xuôi của nam giới.

Nhìn chung, đây cũng là nguyên do khiến cho các nhà văn nữ dường như phải chịu đựng sự bất lợi trong việc phải sử dụng phương tiện (văn bản văn xuôi) mà chủ yếu là công cụ trong thời đại của nam giới vì những mục đích của nam giới. Luận điểm mà ngôn ngữ là “nam tính” trong ý nghĩa này được phát triển bởi Dale Spender trong những năm đầu thập niên 80 trong quyển Người tạo ra ngôn ngữ (1981), lập luận của nó cho rằng ngôn ngữ không phải là một phương tiện trung lập bao hàm trong đó nhiều chức năng phản ánh vai trò của nó như một công cụ mà thông qua đó có thể tìm thấy dấu ấn của chế độ nam quyền. (Quan điểm này cho rằng ngôn ngữ được sáng tạo bởi con người là một sự thách thức từ cái bên trong của nữ quyền được đề ra bởi Sandra Gilbert and Susan Gubar trong bài luận về “Ngôn ngữ học tính dục: Giới, ngôn ngữ, tình dục”, được tái bản trong quyển Đọc thuyết nam nữ bình quyền của Catherine Belsey và Jane Moore (Macmillan, 1989). Nếu như ngôn ngữ trong các văn bản qui phạm pháp luật được xem như một trong cách định hướng nam quyền, thì câu hỏi được đặt ra là có hay không hình thức ngôn ngữ không mang thành kiến, hoặc thậm chí trong một cách thức nào đó nghiêng nhiều về nữ giới. Vì vậy, các nhà học thuyết người Pháp, đã thừa nhận về sự tồn tại của “lối viết nữ”, (thuật ngữ của nhà lý luận người Pháp đề ra trong bài luận Nụ cười của Medusa), liên quan tới tính nữ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự giải phóng những ý nghĩa đó ra khỏi phạm vi hoạt động của nó bên trong sự lỏng lẽo của khuôn khổ cấu trúc ngữ pháp. Nét nổi bật trong bài luận của Cixous nằm trong cả việc chứng minh và giải thích nó:

Khó mà xác định được khả năng ứng dụng của lối viết nữ và đây là điều không thể mà vẫn sẽ tồn tại, để khả năng ứng dụng này không bao giờ bị lý thuyết hoá, bị kiềm hãm, bị mã hoá... Nó sẽ luôn vượt lên những bài luận bị hạn định bởi hệ thống nam quyền. Nó làm và sẽ giữ vai trò trong lĩnh vực đó hơn là lệ thuộc vào những triết lý của học thuyết nam quyền. Nó được hình thành bởi chủ đề mà chính nó đã phá vỡ cái chủ nghĩa máy móc, bằng những nhân vật thứ yếu mà không tác giả nào có thể thuyết phục được.

(Marks và de Courtivron, Chủ nghĩa nữ quyền pháp kiểu mới, Harvester, 1981)

Những người sử dụng lối viết nữ dường như tồn tại trong ranh giới của luận lý học (để tính ứng dụng này không bị lý thuyết hoá.... và sẽ giữ vai trò trong lĩnh vực đó hơn là lệ thuộc vào những triết lý của học thuyết nam quyền). Người sử dụng ngôn ngữ như vậy giống như những chiến binh tự do bất tử trong một tổ chức phi chính phủ không ngừng chống đối (bằng những nhân vật thứ yếu mà không tác giả nào có thể thuyết phục được) mọi sự chống đối nằm ở trung tâm của sức mạnh. Với Cixous (dường như khác với các nhà lý luận khác) bằng cách này hay cách khác thể loại này là sản phẩm duy nhất của tâm sinh lý học nữ giới, vì thế phụ nữ phải đổi mới cách viết của họ:

Phụ nữ phải viết nhờ vào chính thân thể họ, họ phải sáng tạo ra ngôn ngữ ngôn ngữ bất khả xâm phạm mà có thể làm phá vỡ sự ngăn cách, tính giai cấp và lối nói hoa mỹ, những qui định và luật lệ, họ phải áp đảo, mổ xẻ đến cùng, làm cho vượt qua khỏi giới hạn cuối cùng của sự hạn chế của bài viết, có cả nụ cười chế nhạo về cách phát âm từ “im lặng”... đó là sức mạnh mà phụ nữ có thể có được, bỏ qua sự ảnh hưởng sâu rộng về cú pháp, phá vỡ đi sự mạch lạc xuyên suốt ấy (dù chỉ là một sự mạch lạc hiếm hoi, họ nói) để mà thay thế nam giới như thay thế một sợi dây rốn.

(Marks và Courtivron, trang 256)

Sau đó, lối viết nữ là sự vượt ra ngoài tính tự nhiên của nó, phá vỡ tính qui luật, sự mê hoặc. Nhưng rõ ràng các khái niệm được đưa ra bởi Cixous đã đặt ra nhiều vấn đề. Ví dụ, lĩnh vực của thân xác, bằng cách nào đó thoát khỏi (“bất khả xâm phạm”) điều kiện xã hội và giới tính (lối nói hoa mỹ/ khoa trương, những qui định, những luật lệ) để có thể hé mở vấn đề về bản chất thật sự của tính nữ.  Như “Học thuyết bản chất” thì khó mà tranh cãi với thuyết nam nữ bình quyền mà chỉ làm nổi bật nữ tính như một xã hội được xây dựng, không phải là cái gì đó nhỏ nhoi mà bằng cách nào đó chỉ là một bí mật “ở đó”. Và nếu như nữ tính là một xã hội được xây dựng thì nó phải theo những cái mà nó khác biệt từ nền văn hoá này với nền văn hoá khác, vì vậy để khái quát nó là một điều khó có thể thực hiện. Chúng tôi đã phỏng vấn những người phụ nữ mà họ đã “phải” viết bằng chính thân thể họ? Vậy thì ai là người bắt buộc họ “phải” như vậy, và trên tất cả là tại sao?

Hơn nữa, khái niệm lối viết nữ được tìm thấy trong tác phẩm của Julia Kristeva. Kristeva sử dụng những thuật ngữ “Tượng trưng” và biểu tượng để tạo nên sự khác biệt về hình thức ngôn ngữ. Trong bài luận của bà Hệ thống và những chủ đề nói thể tượng trưng được liên hệ với những căn cứ, thứ tự, tác giả, sự kiềm chế và quản thúc (“Gia đình, thông thường, có cách nói chuyện theo chiều hướng tâm lý chuẩn mực kiểu cổ điển/kinh điển, trong số đó thì có rất nhiều đặc tính của hệ tư tưởng phát xít”). Khía cạnh/mặt biểu tượng của ngôn ngữ duy trì trong tiểu thuyết mà chính nó được cố định và thống nhất (Những cái mà bà miêu tả như một thứ ngôn ngữ với sự hạn chế về chủ đề và trừu tượng hoá cái tôi chủ thể). Ngược lại, tính biểu tượng trong một bài văn là cá tính không cần logic và thứ tự, mà bởi (sự thay thế, sự cô đọng, sự thay đổi mục tiêu), điều này cho thấy, thêm một lần nữa, cách tạo ra mối liên kết ngẫu nhiên, một điều làm tăng giá trị trong phạm vi giới hạn. Bà trích lời Plato trong tác phẩm Cuộc đối thoại/tác phẩm đối thoại viện dẫn cho “trạng thái ngôn ngữ trước từ”... Plato gọi là “Chora” và một lần nữa nó được gắn kết với người mẹ hơn là người cha. Tất cả những điều này trình bày ở mức độ tương đối phổ quát, nhưng Kristeva thấy qua kí hiệu học thì ngôn ngữ thơ gần như trái ngược với văn xuôi, điều này được kiểm chứng qua tác phẩm của một nhà thơ cụ thể. Mặc dù nó gắn chặt với những quan niệm thuộc về tính nữ, những nhà thơ sử dụng nó thì không phải chỉ có phụ nữ, và trên thực tế những hình mẫu chính của Kristeva lại là những tác giả nam giới.

Cũng nên nhấn mạnh rằng, biểu tượng học và kí hiệu học thì không phải là hai loại ngôn ngữ, nhưng là hai hình thức ngôn ngữ khác nhau, cả hai điều đó đều luôn hiện hữu trong bất cứ ví dụ nào được đưa ra. Một lần nữa, mô hình thì vừa có cả ý thức và vô thức, và Lacanian đã sử dụng lại những khái niệm này. Biểu tượng học là lĩnh vực mà đòi hỏi sự phân biệt về tính ngoại vi hết sức nghiêm ngặt và đặt vào cấu trúc thông qua sự hoạt động của ngôn ngữ: hình thức này của ngôn ngữ là mặt được chú trọng, quan tâm bởi thuyết cấu trúc luận, Saussurean “hệ thống của sự khác biệt”. Nhưng luôn hiện diện là “tiềm thức” ngôn ngữ học, một lĩnh vực thuộc về  phạm vi bên ngoài của sự thể hiện, sự kết nối một cách ngẫu nhiên, ngẫu hứng, sự ứng biến, sự xấp xỉ và “sự không đúng thời hạn hoặc mục tiêu” – trong tất cả mọi thứ, có nghĩa là sự kế thừa trong quan điểm hậu cấu trúc của ngôn ngữ. Quả thực, một trong những phương thức đặc trưng cho quá trình giải cấu trúc (theo đó mâu thuẫn qua dòng ý nghĩa được phát hiện ra trong các văn bản) là xem nó như “vô thức” bên trong văn bản vừa mới hình thành và làm gián đoạn “ý thức” hoặc “ngoại vi” ý nghĩa. Những điều này đã phá vỡ sự xâm nhập vào lý trí, cấu trúc được nhìn thấy trước đây ổn định, ví dụ, trong những giấc mơ, trong thơ ca, và trong giai đoạn hiện đại, lối viết thực nghiệm đã làm méo mó đi bề mặt của ngôn ngữ (ví dụ như thơ của e.e.cummings). Yếu tố ngẫu nhiên này sẽ không bao giờ có thể được thoát ra thậm chí bằng sự tỉ mỉ và cân nhắc thật kĩ lưỡng của người sáng tác văn xuôi. Một cách rõ ràng, từ khi ngôn ngữ được xác định bởi tính sáng tạo và khả năng ứng khẩu, nếu loại nó ra khỏi những hạn định trong kí hiệu học của Kristeva thì nó sẽ nhanh chóng bị tàn lụi.

Đối với bà quan điểm về sự khác biệt căn bản giữa kí hiệu học và biểu tượng học Kristeva được kế thừa từ Jacques Lacan và sự phân biệt của ông về hai khái niệm đó, khái niệm tưởng tượng và biểu tượng. Khái niệm tưởng tượng là của trẻ con ở giai đoạn tiền ngôn ngữ, hay tiền Oedipal. Cái tôi không có sự phân biệt giữa cái tôi này với cái tôi khác, và sự ý thức về thân thể bị tách khỏi phần còn lại của thế giới mà chưa thể thích nghi được. Đứa trẻ sống trong một môi trường như thiên đàng, thì nó sẽ được giải thoát khỏi cả những khao khát và sự mất mát. Kí hiệu học được xem như sự phá vỡ một cách cố hữu những vấn đề mang tính chính trị, và luôn đe dọa đến sự gần gũi của biểu tượng học bao gồm sự sắp xếp như trong sự chi phối mang tính qui luật, nhận được các giá trị thuộc về văn hoá, và ngữ pháp của chuẩn mực ngôn ngữ.

Đối với một số nhà nữ quyền “dấu hiệu” mơ hồ về ngôn ngữ và thế giới của nữ giới được gợi lên bởi Cixous và Kristeva là một vũ đài sống còn của những triển vọng, giá trị mà nó làm thỏa mãn trí tưởng tượng của những sự chọn lựa đối với thế giới mà chúng ta hiện có và phụ nữ nói riêng đã có. Đối với số khác, mọi quyền hành đều trong tay nam giới và cái dành riêng cho nữ giới là một vũ đài truyền thống của cảm xúc, trực giác, pha lẫn lý trí và “sở hữu hoá”. Không có gì là đáng ngạc nhiên khi mà việc nghiên cứu ngôn ngữ trở thành vấn đề đáng tranh cãi nhất của phê bình nữ quyền.

Phê bình nữ quyền và phân tâm học

Cho đến nay, câu chuyện về mối quan hệ giữa phân tâm học và thuyết nam nữ bình quyền là đơn giản về mặt phác thảo nhưng phức tạp về sắc thái. Câu chuyện có thể bắt đầu kể, còn nhiều thứ khác nữa, chính trị tình dục của Kate Millett năm 1969 đã lên án Freud như một nguyên nhân chính khiến chế độ gia trưởng chống lại cuộc đấu tranh nam nữ bình quyền. Ảnh hưởng của cách nhìn nhận từ bên trong chủ nghĩa nữ quyền vẫn còn rất mạnh mẽ, nhưng Freud đã được bảo vệ bởi vào hàng loạt sách vở quan trọng trong những năm sau đó, đáng chú ý nhất là Juliet Mitchell với tác phẩm Phân tâm học và nữ quyền năm 1974. Quyển sách này ủng hộ Freud chống lại Millett, trong ảnh hưởng đó, có việc sử dụng và chấp nhận các khái niệm do Millett đề ra, đặc biệt là những nét đặc trưng, chủ yếu là với nữ quyền, giữa phái tính và giới tính, vấn đề trước là vấn đề về sinh học, cái sau thuộc về cấu trúc, một cái gì đó được học hỏi hoặc được tiếp thu, hơn là thuộc về “tự nhiên”. Nét đặc trưng này là cái mà Simone de Beauvoir viện dẫn trong câu nói nổi tiếng nhất trong phần II của quyển Giới tính thứ hai (năm 1949) khi bà viết “một người sinh ra không phải là đàn bà; mà trở thành đàn bà”. Công trình bằng sách vở của Simone de Beauvoir là một trong những cái mà phong trào chính trị tình dục xem đó là một sự tiếp nối. Tiếp sau đó, lời biện hộ của Mitchell đối với Freud, để tranh luận rằng Freud không hề trình bày nữ tính như một cái gì đó đơn giản như “thói quen và thuộc về tự nhiên”. Bản năng giới tính của phụ nữ (có thể hiểu sâu xa hơn, tình dục khác giới nói chung) đó không mang “thuộc tính tự nhiên” ngay từ lúc mới hình thành, nhưng đã được hình thành bởi những kinh nghiệm và sự điều chỉnh có từ trước đó, và Freud đã chỉ ra quá trình mà nó được tạo thành và cấu trúc, chi tiết trong quyển Ba bài luận về học thuyết bản năng giới tính (trong quyển thứ bảy của Penguin Freud, được đổi tên là Về bản năng giới tính).

Vì thế, cuộc tranh luận vẫn diễn ra, khái niệm về tính đố kị/sự thèm muốn dương vật không cần thiết thực hiện vì bản thân nó chỉ liên quan đến các vấn đề về lý tính trên cơ thể nam giới (bất cứ điều gì có thể có được trong khái niệm của Freud), nhưng như mối liên hệ vì cơ quan ngôn luận là biểu tượng của sức mạnh xã hội và những lợi thế luôn đi kèm với nó. (Tôi chợt nhớ về một mẩu quảng cáo đã bị cấm, đăng hình ảnh một người phụ nữ trần truồng với lời chú thích “Đó là những gì phụ nữ cần để được thành công trong thế giới đàn ông”. Người phụ nữ được trình chiếu với một bộ phận sinh dục nam giới rút ra một cách thô thiển từ chỗ ấy của cô ta). Trong bài đọc thảo luận ở những phần tiếp theo đó, Sandra Gilbert và Susan Gubar sử dụng ý tưởng về “xã hội bị thiến”, mà ý nghĩa của nó gần giống như nhau, đối với khái niệm này có nghĩa là người phụ nữ bị thiếu đi các quyền trong xã hội, sự thiếu thốn này trở thành tiêu biểu, bởi ý nghĩa của từ “thiến”, như là một cái gì đó thuộc về nam giới nhưng lại không thuộc phạm vi của ý nghĩa thiên về nam tính.

Quyển Nữ quyền và phân tâm học của Jane Gallop năm 1982 tiếp tục hoàn thiện thêm thuyết phân tâm học, bằng cách là chuyển từ theo học thuyết của Freud sang theo học thuyết của Lacanian, một phần dựa trên cơ sở rằng những gì tiềm ẩn trong Freud thì thường rõ ràng trong phương pháp của Lacan, cụ thể là dương vật không phải là một đối tượng sinh học thuộc về cơ thể vật lý mà còn là một biểu tượng của sức mạnh đi cùng với nó. Tất nhiên, trong khi đó nam giới, ngoài những bài viết của Lacan thì có nhiều lợi thế hơn nữ giới, không ít lần Lacan chỉ ra rằng đàn ông gần như bất lực/không có quyền hạn gì, vì theo ý nghĩa đầy đủ thì dương vật được mô tả trong tác phẩm của Lacan, không thể đạt được ở cả nam giới lẫn nữ giới. Hơn nữa, trong cách viết của Lacan, nổi tiếng là sâu sắc, hài hước, từ ngữ điêu luyện và “khá logic” (nghĩa là vượt xa hơn hoặc trên cả sự hợp lý) dường như nó thể hiện nghiêng về hướng “nữ tính” hoặc là “kí hiệu học” nhiều hơn là khía cạnh “nam tính” hoặc “biểu tượng học”.

Một cái tên đáng chú ý khác trong trào lưu hoàn thiện học thuyết của Freud là Jacqueline Rose với quyển Ám ảnh của Synvia Plath là một ví dụ về áp dụng nữ quyền vào phân tâm học thực nghiệm. Công trình nghiên cứu của Rose là sự kết hợp của sự hiểu biết sâu sắc về nữ quyền, phân tâm học và chính trị. Bà cùng với Juliet Mitchell xuất bản quyển Bản năng tình dục phụ nữ: Jacques Lacan và Freudienne Ecole (1982). Cuộc tranh luận trong sự đồng thuận của Lacan, và của Freud, một lần nữa chỉ ra sự đồng nhất tình dục để “xây dựng nên thuộc tính văn hoá” bằng cách đưa ra hàng loạt chi tiết “bên trong” giải thích cho việc nó đã xây dựng như thế nào, và việc trình bày các ví dụ này đã bị phản đối.

Để xác định quan điểm cuối cùng là hết sức phức tạp (như Isobel Armstrong để cập trong tựa đề một bài báo viết về Rose “Giáo dục cần được nâng cao nhiều hơn nữa, 16-1-1993, trang 15”. Nhìn chung, sự ủng hộ cho Freud và Lacan được đón nhận nhiệt tình ở Pháp và Anh hơn là ở Mĩ (có một điều thật sự thú vị là thông thường tư tưởng Anh - Mĩ và Pháp là hai tư tưởng luôn đối chọi với nhau). Ví dụ như Elaine Showalter, trong bài viết về Ophelia (được tái bản trong Từ lý thuyết đến thực hành của Newton, xem theo độc giả nói chung trong phần đọc thêm) sự xem nhẹ tác phẩm của Lacan là sự xem nhẹ một cách hiển nhiên của Ophelia - ông ta hứa là sẽ thảo luận với bà trong bài thuyết trình của mình về Hamlet, nhưng bằng cách nào đó đã không vòng trở lại vấn đề đó nữa. Bên cạnh đó, Jerry Aline Flieger, một người Mĩ đã đóng góp cho “Sự thay đổi chủ đề: Sự phát triển của văn học nữ quyền” của Greene và Kahn, bằng một giọng văn đầy hoài nghi khi bà viết:

Tôi bị lôi cuốn và có phần hoảng loạn do sự mô tả về dương vật của Lacan giống như một biểu hiện của các biểu hiện, cũng như tuyên bố nổi tiếng của ông “không có quan hệ tình dục” và “Không có sự tồn tại của phụ nữ”. Vì vậy, tôi thấy thật nhẹ nhõm và biết ơn những nhà nữ quyền như Jacqueline Rose và Jane Gallop, trong khoảng cuối những năm 70 và đầu những năm 80, đã trình bày một cách khéo léo và thuyết phục bài đọc của Lacan như một nhà phê bình nam quyền hơn là một người ủng hộ. (tr.267).

Các ảnh hưởng của nhận xét này là một phần gây nên thu hút đến sự ngây ngô, cần phải chú ý xem xét hơn.

Stephen Health, trong bài luận của quyển Phê bình văn học nữ quyền (Mary Eagleton) những đoạn trích của Roland Barthes đã mang lại hiệu quả là “những công trình về phân tâm học phải được nghiên cứu một cách kĩ lưỡng – không thể bỏ qua”, tr.214). Chúng ta có thể nói rằng nữ quyền bắt đầu bằng những việc làm sớm nhất, sau đó là quá trình thay đổi với những việc làm đã có từ trước kia. Xu hướng của những học thuyết nữ quyền ở Mĩ không bị thuyết phục bởi sự hoàn thiện của phân tâm học có thể giải thích dựa trên thực tế cho thấy rằng phân tâm học được chấp nhận nhiều ở một bộ phận tầng lớp trung lưu ở Mĩ hơn là sự thịnh hành của nó ở Châu Âu. Do đó, thật sự khó khăn để người Mĩ nhận thức được một cách rõ ràng về các phân tâm học một, ít nhất là đối với nữ giới. Hơn nữa, trong những năm 1990, có một bước tiến mới về những đặc trưng bản chất văn hoá của phân tâm học, và do đó có sự miễn cưỡng, bất khả dĩ trong việc buộc phải chấp nhận bất kì giá trị phổ quát nào đối với nó. Hầu như trong toàn bộ tác phẩm của riêng Rose, đều bắt gặp một sự quan tâm đặc biệt mạnh mẽ và đang lớn dần đối với việc lắng nghe các ý kiến về sự loại bỏ “những cái khác” cho đến nay, đặc biệt là đối với những nền văn hoá và những chủng tộc mà không hề có chỗ đứng trong tác phẩm của Freud và Lacan.

* Cao Hạnh Thủy dịch từ Chương VI – “Feminist criticism”, Beginning Theory – An introduction to literary and cultural theory, Peter Barry

Nguồn: Tạp chí Đại học Sài Gòn, Bình luận văn học, Niên san 2013

Thông tin truy cập

63694985
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
15277
23426
63694985

Thành viên trực tuyến

Đang có 836 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website