Giải thuộc địa và hậu thuộc địa

20180912 gtdCách mạng Tháng Tám 1945 ở Hà Nội

Bài viết xác định nội hàm của thuật ngữ “giải thuộc địa” (decolonization) trong mối sự phân biệt với các khái niệm liên quan về mặt lịch sử với nó là “postcolonialism”.  Luận điểm mà phần viết này muốn đạt tới là nhấn mạnh nội hàm của khái niệm “giải thuộc địa” từ điểm nhìn của các nhà lí luận chính trị và văn hóa của các nước hậu thuộc địa.

Theo nghĩa quen thuộc nhất, “Giải thuộc địa” (decolonization) là phá bỏ chế độ thuộc địa, thành lập sự tự trị (self-rule) toàn diện cho thần dân thuộc địa. Với nghĩa này, “giải thuộc địa” có thể hiểu như là nội dung của “phong trào dân tộc” (naitonalism) hiểu theo nghĩa trực diện nhất từ cụm từ này. Theo đó, “giải thuộc địa” và chủ nghĩa dân tộc có chung mục đích cuối cùng là xóa bỏ, lật ngược chủ nghĩa thực dân và xây dựng và duy trì hình ảnh dân tộc độc lập và thống nhất. Cả hai quy chiếu đến quá trình giành được quyền làm chủ lãnh thổ, thể chế nhà nước và nền kinh tế.

Về mặt lịch sử, “giải thuộc địa,” giải thuộc địa là thuật ngữ được sử dụng thường xuyên trong thực hành của Liên hợp quốc, nhằm quy chiếu đến quá trình các khu vực phát triển từ vị trí thuộc địa thành nhà nước có đầy đủ chủ quyền. Cụ thể hơn, đó là quá trình lịch sử trong đó các nước dưới sự cai trị thực dân của quyền lực nước ngoài (chủ yếu là châu Âu) chuyển sang tự trị (Grant và Barker, 145; Ian 115-116 )

Quan trọng hơn, “giải thuộc địa” là một vấn đề triết học và một tư tưởng chính trị đối với trí thức hay các nhà lí luận thuộc địa và hậu thuộc địa. Và chính phương diện này tạo ra điểm gặp gỡ giữa “giải thuộc địa” và “chủ nghĩa hậu thuộc địa” (postcolonialism). Như nghiên cứu của Margaret D Kohn và Keally D McBride trong cuốn Các lí thuyết chính trị về giải thuộc địa: chủ nghĩa hậu thực dan và vấn đề của sự thành lập nền tảng (Political theories of decolonization: postcolonialism and the problem of foundations. Oxford : Oxford University Press, 2011), với các nhà tư tưởng hậu thuộc địa, “giải thuộc địa” là giấc mơ về sự tự trị: di sản của thực dân và các phong trào vì độc lập tiếp tục là đặc trưng chính trị, xã hội tại các dân tộc. Các phong trào chống thực dân đã và đang diễn ra nhằm phê bình và chống lại sự phân chia bất công về quyền lực trên thế giới. Nhưng chúng không thành công trong việc tạo ra một hình thức phân bố quyền lực công bằng hơn – điều mà giải thuộc địa – vốn được hiểu theo nghĩa trực diện nhất là kết thúc sự phân chia bất công bằng của chủ nghĩa thực dân – đòi hỏi. Giải thuộc địa không được thực hiện, nhưng không nhất thiết có nghĩa là không thể thực hiện được. Điều này có các trí thức hậu thuộc địa có “trách nhiệm… xem xét những hi vọng, tham vọng đạt được sự giải thuộc địa” (3). Giải thuộc địa, như vậy với các nhà hậu thuộc địa, là giấc mơ về sự tự trị.

Ý nghĩa hơn, các trí thức thuộc địa và hậu thuộc địa nhấn mạnh đến ảnh hưởng tiếp tục của chủ nghĩa thực dân lên văn hóa và tâm lí của người dân thuộc địa cũ. Những trí thức này và nhiều nhà lí luận khác về giải thuộc địa ở châu Phi có chung lời kết tội rằng sự cai trị thực dân châu Âu đã phá hoại khả năng của các dân tộc châu Phi trong việc quyết định vận mệnh riêng của mình; nó phá hủy niềm tin vào sự giàu có của tài nguyên về con người ở châu Phi và phá hủy sự cam kết đối với sự tự quyết về chính trị, văn hóa, và kinh tế ở châu Phi. Ví dụ, Frantz Fanon, một nhà tâm lí học, một trí thức, người ủng họ phong trào đấu tranh của Algeria giành độc lập từ  nước Pháp vào những năm 1950 và 1960, xem xét ảnh hưởng tiếp tục của chủ nghĩa thực dân lên văn hóa và tâm lí người dân của nước thuộc địa cũ. Trong cuốn Sự khốn cùng của Trái đất, ông cảnh báo về quá trình giải thuộc địa trong đó giai cấp tư sản dân tộc chủ nghĩa châu Phi sẽ chỉ đơn giản thay thế những người châu Âu đóng vai trò như là những ông chủ thực dân của quần chúng châu Phi, khiến cho cái hình thức phân cấp ở nhà nước thuộc địa không thay đổi gì.

Sự không hoàn thiện của quá trình giải thuộc địa – hay giải thuộc địa như là một giấc mơ, một khát vọng về chấm dứt hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân và sự thành lập nền độc lập hoàn toàn – là điều kiện lịch sử cho sự hình thành của một xu hướng tri thức trong văn hóa, lịch sử, nhân học và văn học đó là xu hướng hậu thuộc địa (postcolonialism) hay nghiên cứu hậu thuộc địa (postcolonial studies).Như khẳng định của cuốn Từ điển Oxford về Lí luận phê bình, không phải tất cả các dân tộc đang giải thuộc địa được giải thuộc địa cùng một mức độ, thực sự là trong nhiều trường hợp các dân tộc nỗ lực bảo tồn cái cấu trúc dân sự cơ bản mà các thế lực thực dân đã tạo ra nhưng với tất cả các vị trí chủ chốt trong chính phủ được đặt vào tay của những người bản địa (Lãnh đạo phong trào độc lập của Ghana, Kwame Nkrumah, gọi xu hướng này là “chủ nghĩa thực dân mới” (neo-colonialism).“Giải thuộc địa (do đó) là một khoảnh khắc nền tảng cho Nghiên cứu hậu thuộc địa” (a foundatonal moment of Postcolonial Studies 116). Margaret D Kohn và Keally D McBride, trích dẫn Diana Brydon, cho rằng “phong trào hậu thuộc địa đáng quan tâm vì giải thuộc địa còn xa mới hoàn thiện và tâm lí thực dân, bao gồm cả những sự bất công mà chúng nuôi dưỡng, thì vô cùng ngoan cố” (8).

Vậy, chủ nghĩa hậu thuộc địa là gì trong mối liên hệ với quá trình giải thuộc địa như là một sự kiện lịch sử-địa lí và như là một câu hỏi mang tính triết học? Theo nghĩa rộng, như định nghĩa của Margaret D Kohn và Keally D McBride, chủ nghĩa  hậu thuộc địa bao gồm phê bình đối với chủ nghĩa thực dân, với các phong trào giải phóng dân tộc và với những đấu tranh chống lại với các di sản của chủ nghĩa thực dân. Theo định nghĩa này, phong trào hậu thuộc địa không đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa thuộc địa mà đánh dấu sự xuất hiện của cái thế giới mà chủ nghĩa thực dân tạo ra. Theo nghĩa hẹp, phong trào hậu thuộc địa là “các lí thuyết chính trị về giải thuộc đị”, nó  miêu tả lịch sử tri thức về các phong trào đấu tranh cho sự độc lập về chính trị tách khỏi quyền lực thực dân (8). Và theo tổng hợp của hai học giả trên, phong trào hậu thuộc địa xoay quanh vấn đề tạo dựng nền tảng mới (foundations) về chính trị, kinh tế, văn hóa cho các nước thuộc địa cũ. Vấn đề của việc thành lập là nó không bao giờ diễn ra trên một túp lều rỗng không: có một lịch sử đi trước nó.

Làm thế nào mà dân chúng và chính phủ các nước hậu thuộc địa liên hệ với quá khứ và làm thế nào mà họ cố gắng vượt qua quá khứ để tạo ra một hiện tại và tương lai của sự tự trị, là một trong những yếu tố tiền định của đời sống chính trị ở các nước hậu thuộc địa hôm nay. Chủ nghĩa hậu thuộc địa,  hay tri thức, lí luận về quá trình giải thuộc địa này bao gồm ba chiến lược: thứ nhất là tập trung vào lên án hệ tư tưởng thực dân; thứ hai là tạo ra một bản sắc văn hóa tiền thuộc địa thống nhất có vai trò như là một điểm quy chiếu và như là một nền tảng về ý niệm trong sự phát triển của thể chế mới (ví dụ như trường hợp phong trào Negritude); thứ ba là quay về tôn giáo để cung cấp cái thống nhất (như trường hợp của Ấn Độ). Các nhà tư tưởng của chúng ta tập trung vào mối quan hệ của dân chúng bản địa với đất đai như là thước đo của quyền tự quản và như là nguồn gốc của sự tự trị. Các cách giải quyết đối với vấn đề của sự thiết lập được thể hiện trong các văn bản này đem đến ý nghĩa sâu sắc cho một nỗ lực nhằm tạo ra cái chung giữa các công dân – một cái chung vượt lên trên cái kinh nghiệm chung về sự phục tùng đối với sự quản thực dân. Như vậy, với hai học giả, phong trào hậu thuộc địa là lí thuyết về giải thuộc địa của các nhà lí luận, chính trị gia ở các nước thuộc địa. Các lí thuyết chính trị hậu thuộc địa này có xu hướng đúc kết vai trò của thực dân như là kẻ bóc lột hơn là người cứu rỗi; chúng chỉ ra sự căng thẳng giữa những lí lẽ bào chữa đạo đức của chủ nghĩa thực dân và những thực hành trong thực tế của chúng. Thậm chí, như hai học giả khẳng định, việc tìm hiểu những xung động của thuộc địa hóa và giải thuộc địa trong xu hướng hậu thuộc địa, tức là trong lí thuyết về giải thuộc địa của các nhà lí luận hậu thuộc địa, đem đến một hệ từ vựng khác cho việc phân tích các vấn đề chính trị đương đại.

Với tư cách là một phong trào tri thức ở phương Tây từ những năm 1960, chủ nghĩa hậu thuộc địa quan tâm đến trải nghiệm về sự loại trừ, về sự phỉ báng, và sự phản kháng dưới hệ thống cai trị thực dân; nó phân tích về mặt lịch sử, chính trị, văn hóa và văn bản đối với sự đối đầu giữa phương Tây và phi phương Tây tính từ thế kỉ 16 dến hiện nay. Nó xem xét xem sự đối đầu này đã định hình những người tham gia như thế nào: cả kẻ thực dân và người bị thuộc địa. Cụ thể, nghiên cứu văn hóa, văn bản và chính trị hậu thuộc địa quan tâm đến những phản ứng đối với sự áp bức thực dân, những phản ứng này đã và đang là sự chống đối hay tranh luạn, và không chỉ cởi mở như vậy mà còn những phản ứng tinh vi, bí mật, quanh co và giấu diếm trong những sự phản đối. Như đúc kết của Elleke Boehmer trong cuốn từ điển Lí luận và phê bình văn học (Patricia Waugh) của NXB Oxford, “xu hướng hậu thuộc địa như vậy là tên của sự phản biện mang tính lí thuyết trong nghiên cứu văn hóa và văn học, và … nó chỉ ra chính trị của sự phản kháng đối với các hình thức bất công và vô lí của uy quyền văn hóa và chính trị trong suốt thế kỉ XX và xa hơn thế nữa” (340). Nhà lí luận dẫn đầu trong lĩnh vực này là Homi Bhabha, Gayatri Spivak, và Edward Said. Cơ sở của nghiên cứu hậu thuộc địa trước tiên nằm ở cộng đồng nói tiếng Anh (Anglophone), nhưng phạm vi cơ sở này được mở rộng trong hai thập kỉ qua, bao gồm cộng đồng nói tiếng Pháp, cộng đồng nói tiếng Thổ Nhĩ Kì, cộng đồng nói tiếng Đức và cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha (cũng như là nhiều nhóm ngôn ngữ khác). Thuật ngữ post-colonialism trước tiên được sử dụng bởi các nhà sử học và các nhà kinh tế học trong hình thức có dấu gạch ngang (post-colonialism) để miêu tả tình trạng kinh tế và chính trị của các dân tộc sau quá trình giải thuộc địa; như vậy, post-colonialism có một điểm quy chiếu lịch sử cụ thể. Tuy nhiên, chỉ trong nghiên cứu văn học chứ không phải là trong lịch sử mà thuật ngữ này được đào sâu một cách triệt để nhất; và nó trở thành một trong những phong trào trí tri thức quan trọng nhất của toàn bộ môn, dễ dàng đi nhanh hơn cả “giải cấu trúc” và “Xu hướng lịch sử mới” mà nó từng thẩm thấu các giáo lí trung tâm của chúng.

Nghiên cứu văn học đã xóa dấu gạch ngạng (cùng với dấu gạch ngang này là tính chính xác của sự quy chiếu mà nó có trong lịch sử). Do đó, thuật ngữ này bao gồm sự phân tích của bất cứ phương diện nào của quá trình thực dân hóa, từ giai đoạn hiện đại sơ kì hay giai đoạn tiền thực dan của sự bóc lột châu Âu  lên toàn cầu cho đến hiện nay.Việc xóa dấu gạch ngang được coi như là một việc làm có tính luận chiến vì nó vấn đề hóa cái ý kiến phổ biến cho rằng chủ nghĩa thực dân là cái gì đó chỉ tồn tại một cách an toàn về quá khứ. Thực sự có nhiều người đã khẳng định rằng nhìn trên toàn cầu, chúng ta còn xa mới tới hậu thực dân (postcolonial) cũng như là vẫn có nhiều đất nước nơi mà các vụ viện, các thực hành và các mối quan hệ quyền lực của quá trình thuộc địa hóa vẫn hiện hữu (từ điểm nhìn của người bản xứ, điều này là sự thực đối với Úc, Canada, New Zealand và Mỹ, đó là chỉ nêu tên những nước mà sự hiện diện đó là hiện hữu nhất). Cũng thế, cũng có những người quan sát được rằng ngay cả ở nơi mà những nhà thực dân đã rời đi, thì mô hình chính phủ của họ vẫn còn để một tình trạng của “chủ nghĩa tân thực dân” tồn tại (có thể kể đến Israel và Palestine, nơi mà lịch sử đem đến một tình trạng phức tạp của sự cố chấp của thuộc địa hóa).

Phân tích của Elleke Boehmer cho thấy sự gắn kết về mặt lịch sử của phong trào hậu thuộc địa và giải thuộc địa. Bà viết, “các khái niệm trung tâm của chủ nghĩa hậu thuộc địa được phát triển trong bối cảnh của các cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc vào nửa đầu thế kỉ XX. Các cải cách về chính trị và văn hóa trong các phong trào chống thực dân ở các nước như Ấn Độ, Ai Cập, Algeria, Ghana và Kenya và ở các nước thuộc khu vực Caribbe tạo thành nền tảng của cái mà bây giờ chúng ta gọi là xu hướng hậu thuộc địa” (361). Bà phân tích cụ thể hơn: như ở Ấn Độ, với sự xuất hiện của Đảng quốc đại Ấn Độ năm 1885 hay với sự thành lập Đại hội quốc gia châu Phi vào năm 1913, những phong trào này lúc đầu cố gắng cho sự đồng hóa của những người bản địa hay người thuộc địa vào xã hội thực dân để đạt được sự tự-biểu đạt (self-representation). Sau thế chiến thứ hai, các phong trào dân tộc chống thực dân tiến hành cách tiếp cận mang tính đối đầu, không thỏa hiệp mà hướng tới “giải thuộc địa”. Nhu cầu lúc đó là nền độc lập hoàn toàn.

Boehmer cho rằng, trong quá trình vạch ra các vấn đề cho các chiến dịch vì tự do dân tộc, các lãnh tụ và các trí thức dân tộc chủ nghĩa như Gandhi và Jawaharlal Nehru ở Ấn Độ, Fanon ở Algeria và Kwame Nkrumah ở Ghana đã góp phần xác định những hệ tư tưởng chính của phong trào giải phóng hậu thuộc địa. Như vậy, các trí thức hậu thuộc địa này đã định hình và đem lại một số luận điểm cơ bản cho những khái niệm hay hệ hình của những phân tích mà về sau được xác định là nghiên cứu hậu thuộc địa, cụ thể là trong công trình của Edward Said. Nghiên cứu hậu thuộc địa tìm hiểu cuộc đấu tranh chống thực dân như là xung đột nhị nguyên của “chúng ta” với “chúng nó”, của “cái ta” với “cái khác”. Trong bối cảnh “cái ta” thực dân siêu đẳng và lí tính được biểu lộ trong sự đối lập với xu hướng man di mọi rợ và phi lí tính vốn được xác định là bất cứ cái gì không phải “ta” hay “cái khác”, những cây bút và các nhà lí luận của phong trào hậu thuộc địa khảng định rằng cần phải từ bỏ cái hệ thống nhị nguyên. Họ cho rằng hệ thống này không chỉ nên bị đảo lộn mà còn nên bị phá hủy. “Việc xóa bỏ chuỗi áp bức là rất quan trọng. Nếu người bản địa hay “những người khác” luôn luôn bị xem như là những nhân vật thứ cấp, là phiên bản không hoàn hảo của kẻ thực dân, là người mặc cái áo văn hóa đi mượn, nếu xã hội bản địa bị thể hiện như là xã hội lộn xộn và bị sa đọa về đạo đức, thì rất quan trọng là các xã hội bản địa phải làm lại bản thân họ từ chính vết thương đó. Việc họ thiết kế lại bản sắc của họ theo ngôn ngữ riêng của họ là rất cần thiết, tức là họ phải Ấn độ hóa, châu Phi hóa hay Caribbean hóa chính bản thân họ. Họ cần phải sinh ra một bản sắc mới, nói trong một ngôn ngữ mà họ chọn chứ không phải là bị áp đặt” (344-345).

Như vậy, giải thuộc địa với tư cách là một sự kiện lịch sử chính trị-địa lí cung cấp bối cảnh lịch sử cho sự hình thành các tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa hậu thuộc địa. Với tư cách là một vấn đề triết học tư tưởng, giải thuộc địa định hình các khái niệm cơ bản của chủ nghĩa hậu thuộc địa; và nếu dựa vào các lí thuyết và văn bản của các trí thức hậu thuộc địa thì giải thuộc địa chính là phong trào hậu thuộc địa. Chuyên đề này, như phần lớn các nhà lí luận và các chính trị được đề cập ở phần viết này, tìm hiểu nội dung “giải thuộc địa” được các trí thức hậu thuộc địa lập luận hơn là dựa vào hệ thống tri thức phương Tây. Và việc tập trung nhìn nhận “giải thuộc địa” trong mối quan hệ với lí luận hay tri thức của trí thức hay các nhà lãnh đạo hậu thuộc địa như vậy cũng góp phần vào “giải thuộc địa”, tức là khẳng định giá trị lí luận tri thức của người bản địa, góp phần phá bỏ diễn ngôn thực dân về người bản địa như là phi lí tính, mãi ngây thơ và lãng mạn.

Tài liệu tham khảo:

Betts, Raymond. DecolonizationThe Making of the Contemporary World. Routledge, 2004.

Boehmer, Elleke. “Postcolonialism”. Literary Theory and Criticism An Oxford Guide. Patricia Waugh. Oxford University Press, 2006.

Brydon, D. and H.Tiffin. Decolonising Fiction. Dangaroo Press, 1993.

Hughes, Alexandra. Encyclopedia of Contemporary French Culture. Routledge, 2001.

Ian, Buchanan. A dictionary of critical theory. Oxford: Oxford University Press, 2010.

Irele, Abiola và Biodun Jeyifo. The Oxford encyclopedia of African thought. 1. Abolitionism – Imperialism. Oxford University Press, 2010

Kohn, Margaret D; Keally D McBride. Political theories of decolonization : postcolonialism and the problem of foundations. Oxford : Oxford University Press, 2011.

Szeman. I., Zones of Instability: Literature, Postcolonialism, and the Nation. Johns Hopkins University Press, 2003.

Nguồn: Văn hóa Nghệ An, ngày 07.9.2018.

Thông tin truy cập

63676625
Hôm nay
Hôm qua
Tổng truy cập
20343
17595
63676625

Thành viên trực tuyến

Đang có 379 khách và không thành viên đang online

Sách bán tại khoa

  • Giá: 98.000đ

    Giá: 98.000đ

  • Giá: 85.000đ

    Giá: 85.000đ

  • Giá: 190.000đ

    Giá: 190.000đ

  • Giá:140.000đ

    Giá:140.000đ

  • 1
  • 2
  • 3
  • 4

Liên hệ mua sách:
Cô Nguyễn Thị Tâm
Điện thoại: 0906805929

Danh mục website